Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 75/2011/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 21 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC ĐÓNG GÓP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Dân quân tự vệ;

Căn cứ Nghị quyết số 63/2011/NQ-HĐND8 ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khoá VIII kỳ họp thứ 3 về việc Phê chuẩn quy định đối tượng đóng góp, mức đóng góp Quỹ quốc phòng an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tại Tờ trình số 754/TTr-BCH ngày 31 tháng 10 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc đóng góp, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp các Sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai, tổ chức thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012 và thay thế Quyết định số 106/2001/QĐ-UB ngày 16/7/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc quy định tổ chức, quản lý Quỹ quốc phòng an ninh ở xã, phường, thị trấn./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Cung

 

QUY ĐỊNH

VIỆC ĐÓNG GÓP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG AN NINH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẦN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 75/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của UBND tỉnh Bình Dương)

Chương I

VỀ VIỆC TẠO LẬP QUỸ QUỐC PHÒNG -AN NINH; NGUYÊN TẮC ĐÓNG GÓP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 1. Quỹ quốc phòng - an ninh được lập tại các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Quỹ quốc phòng an ninh được hình thành từ khoản thu, đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, đơn vị, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh và sự tự nguyện đóng góp của các đối tượng khác. Việc đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh được thực hiện theo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai, đúng pháp luật.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh đúng mục đích, đúng chính sách, chế độ Nhà nước ban hành và chấp hành nghiêm mọi chế độ kế toán thống kê do Nhà nước quy định. Tiền và hiện vật (nếu có) thuộc quốc phòng an ninh thu được phải đưa vào ngân sách, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý và sử dụng chặt chẽ theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 3. Hàng năm cùng với việc xây dựng dự toán thu, chi ngân sách cấp xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm trước; chế độ, định mức, chỉ tiêu và hướng dẫn của cơ quan tài chính để dự toán thu, chi Quỹ quốc phòng an ninh.

Điều 4. Hàng tháng Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo việc sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh trước Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân cùng cấp; báo cáo công khai việc lập Quỹ và sử dụng Quỹ cho Hội đồng nhân dân cấp xã; đồng thời gửi báo cáo quyết toán cho cơ quan tài chính, quân sự, công an cấp trên và công khai ra nhân dân.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG ĐÓNG GÓP, MỨC ĐÓNG GÓP QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH

Điều 5. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế; các nông trường cao su, hộ kinh doanh đứng chân trên địa bàn xã, phường, thị trấn; chủ trang trại; hộ tiểu điền; hộ kinh doanh nhà trọ; hộ nhân dân (kể cả hộ công nhân viên chức đương chức hoặc đang nghỉ hưu) những hộ đăng ký tạm trú tại địa phương từ 6 tháng trở lên phải đóng góp Quỹ quốc phòng an ninh.

a) Các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế (trừ các nông trường cao su; chủ trang trại; hộ tiểu điền) do chủ doanh nghiệp đóng góp theo số lượng công nhân gồm các mức sau:

- Dưới 100 công nhân đóng góp: 60.000 đồng/tháng

- Từ 100 đến dưới 200 công nhân đóng góp: 100.000 đồng/tháng

- Từ 200 đến dưới 400 công nhân đóng góp: 150.000 đồng/tháng

- Từ 400 đến dưới 1.000 công nhân đóng góp: 200.000 đồng/tháng

- Từ 1.000 đến dưới 2.000 công nhân đóng góp: 250.000 đồng/tháng

- Từ 2.000 đến dưới 3.000 công nhân đóng góp: 300.000 đồng/tháng

- Từ 3.000 đến dưới 4.000 công nhân đóng góp: 400.000 đồng/tháng

- Từ 4.000 công nhân trở lên đóng góp: 500.000 đồng/tháng

b) Hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (kể cả hộ kinh doanh nhà trọ được cấp giấy phép) có bậc thuế môn bài từ bậc l đến bậc 6.

- Hộ có bậc thuế môn bài (bậc 1 - 2), mức đóng góp: 30.000 đồng/tháng

- Hộ có bậc thuế môn bài (bậc 3 - 4), mức đóng góp: 20.000 đồng/tháng

- Hộ có bậc thuế môn bài (bậc 5 - 6), mức đóng góp: 10.000 đồng/tháng

c) Hộ kinh doanh nhà trọ (có 05 phòng trở xuống, do cấp huyện quản lý), mức đóng góp: 10.000 đồng/phòng/năm.

d) Các nông trường cao su (có diện tích ở xã, phường, thị trấn nào thì đóng góp ở địa phương đó) mức đóng góp: 50.000đồng/năm/heccta đất.

đ) Chủ trang trại; hộ gia đình có trang trại, vườn cây cao su: trong trường hợp trang trại, vườn cây cao su và chỗ ở là hai nơi khác nhau về địa giới hành chính cấp xã thì đóng góp ở xã, phường, thị trấn nơi có trang trại vườn cây cao su đó; mức đóng góp: 50.000đồng/năm/hecta đất.

e) Hộ nhân dân (kể cả hộ công nhân viên chức đương chức hoặc đã nghỉ hưu) những hộ đăng ký tạm trú tại địa phương từ 6 tháng trở lên, mức đóng góp: 40.000 đồng/hộ/năm.

g). Trường hợp các đối tượng khác (ngoài đối tượng quy định tại khoản a, b, c, d, đ, và e của Điều này) tự nguyện đóng góp thì thu theo sự đóng góp tự nguyện.

Điều 6. Trường hợp các hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (kể cả hộ kinh doanh nhà trọ được cấp giấy phép) có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thì đóng góp theo bậc thuế môn bài cho từng cơ sở kinh doanh; nếu cơ sở kinh doanh, trang trại, vườn cây cao su và chỗ ở của đối tượng đóng góp là hai nơi khác nhau về địa giới hành chính cấp xã thì tại nơi cư trú cũng phải đóng góp theo hộ gia đình.

Ngoài mức đóng góp theo quy định tại khoản a, b, c, d, đ, và e Điều 5 của Quy định này, các đối tượng có thể tự nguyện đóng góp thêm, không giới hạn mức đóng.

Chương III

NHỮNG TRƯỜNG HỢP MIỄN ĐÓNG GÓP QUỸ QUỐC PHÒNG AN NINH

Điều 7. Đối với các đối tượng đóng góp quy định tại Điều 5 của Quy định này, khi gặp thiên tai, hoả hoạn hoặc lâm vào tình trạng phá sản hay ngưng hoạt động thì được miễn đóng góp theo mức tương ứng trong thời gian khắc phục hậu quả hoặc ngưng hoạt động

Điều 8. Đối với các hộ nhân dân gồm: Hộ có Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lao động; Anh hùng lực lượng vũ trang; thương binh hạng 1, hạng 2; bệnh binh hạng 1; hộ gia đình Liệt sĩ; hộ gia đình có thành viên tham gia câu lạc bộ phòng chống tội phạm, lực lượng dân quân, dân phòng; tổ trưởng, tổ phó tổ nhân dân tự quản và những hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh.

Điều 9. Thủ tục xét miễn đóng góp: Các đối tượng quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Quy định này, làm đơn gửi đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở kinh doanh, trang trại, vườn cây cao su trú đóng hoặc nơi cư trú. Việc xét miễn đóng góp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của Ban điều hành khu phố, ấp.

Chương IV

QUẢN LÝ NGUỒN THU QUỸ QUỐC PHÒNG AN NINH

Điều 10. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ đạo các ngành tổ chức thu và giải quyết miễn, giảm đóng góp theo quy định; quản lý thu, chi phải chặt chẽ, đúng Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 11. Tất cả các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế; các nông trường cao su, hộ kinh doanh; chủ trang trại; hộ tiểu điền; hộ kinh doanh nhà trọ; hộ nhân dân hoạt động, sinh hoạt trên địa bàn xã, phường, thị trấn nào thì đóng góp tại địa phương đó.

Điều 12. Căn cứ vào mức thu theo quy định, các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp theo hàng quí, 06 tháng hoặc cả năm; riêng hộ nhân dân 03 tháng thu một lần.

Điều 13. Việc thu quỹ phải có biên lai cho người đóng góp; biên lai theo mẫu thống nhất do Sở Tài chính phát hành; biên lai phải phát cho từng tổ chức, cá nhân đóng góp tiền; không thu cả tổ, cả khu phố, ấp vào một tờ biên lai. Định kỳ tháng, quý phải quyết toán biên lai và quyết toán số tiền theo quy định.

Chương V

QUẢN LÝ CHI, CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT

Điều 14. Quỹ quốc phòng an ninh được chi trực tiếp cho công tác quốc phòng, an ninh cấp xã và lực lượng dân quân khu phố, ấp với các mục chi cụ thể sau:

a) Chi mua sắm phương tiện phục vụ cho công tác hoạt động, tuần tra như: Đèn pin, áo đi mưa, giày, mũ, quần áo, phù hiệu và công cụ hổ trợ cần thiết; chi xây dựng, sữa chữa chốt gác dân quân; chi cho hoạt động của lực lượng dân phòng và câu lạc bộ phòng chống tội phạm.

b) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp làm nhiệm vụ hoạt động, tuần tra thường xuyên và trong những ngày lễ, Tết, các ngày cao điểm của địa phương.

c) Chi trả tiền thuê thực hiện công tác nghiệp vụ chuyên môn và khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều 15. Nhiệm vụ chi, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã điều hành; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Trưởng Công an cùng cấp là người trục tiếp tổ chức thực hiện việc lập dự toán chi, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phê duyệt; khi chi phải theo đúng chế độ quy định hiện hành. Trong năm nếu thiếu (thu không đủ định mức chi theo dự toán) thì lập dự toán trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét bổ sung. Nghiêm cấm sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh không đúng mục đích.

Điều 16. Hàng năm Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Phòng Tài chính Kế hoạch, Công an và Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy định này tại các xã, phường, thị trấn và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Những tổ chức, cá nhân có thành tích trong xây dựng, quản lý và đóng góp Quỹ quốc phòng an ninh được khen thưởng theo chế độ và quy định chung của Nhà nước.

Điều 18. Người được giao nhiệm vụ thu, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh mà vi phạm các các quy định của Quy định này, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra giám sát việc thu và sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh theo đúng nội dung của Quy định này.

Điều 20. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã phản ánh về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để tổng hợp báo cáo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 75/2011/QĐ-UBND về Quy định việc đóng góp, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 75/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Lê Thanh Cung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản