Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/2008/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 28 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG TẠI CỬA KHẨU QUỐC TẾ VÀ KHU KINH TẾ CỬA KHẨU HOA LƯ, CỬA KHẨU HOÀNG DIỆU, CỬA KHẨU TÀ VÁT TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Quyết định số 03/2005/QĐ-TTg ngày 05/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và áp dụng các chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu Bonuê tỉnh Bình Phước (nay là Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư tỉnh Bình Phước);

Căn cứ Quyết định số 194/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006 - 2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hải quan (tại văn bản số 372/HQBP-VP ngày 27/5/2008) và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế và Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, Cửa khẩu Hoàng Diệu, Cửa khẩu Tà Vát tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, Chủ tịch UBND các huyện biên giới có cửa khẩu, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục kiểm tra văn bản(Bộ Tư pháp)
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Như Điều 3;
- Sở Nội vụ: 03 bản;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- LĐVP, CV: NC, KT;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG TẠI CỬA KHẨU QUỐC TẾ VÀ KHU KINH TẾ CỬA KHẨU HOA LƯ, CỬA KHẨU HOÀNG DIỆU, CỬA KHẨU TÀ VÁT TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2008 của UBND tỉnh Bình Phước)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định chung

Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chuyên ngành bao gồm: Cục hải quan, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở tài chính, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước và UBND các huyện biên giới có cửa khẩu trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu biên giới của tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp:

1. Hoạt động phối hợp giữa các sở, ban ngành nêu tại Điều 1 dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn quản lý của từng cơ quan đã được pháp luật quy định. Đảm bảo sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

2. Các sở, ban, ngành trong phạm vi thẩm quyền của mình phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công khai các quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam và các nước, không đặt ra các quy định trái pháp luật cản trở hoạt động mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

3. Việc cung cấp thông tin trong quá trình phối hợp phải chính xác, tin cậy, tôn trọng ý kiến giữa các bên liên quan. Các bên cùng bàn bạc, xử lý thông tin để đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 3. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hành khách, phương tiện vận tải tại cửa khẩu phải đảm bảo theo dây chuyền kiểm soát đã được quy định tại Nghị định 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền như sau:

- Cửa xuất: Hải quan - Kiểm dịch (Y tế, động vật, thực vật) - Biên phòng

- Cửa nhập: Biên phòng - Kiểm dịch (Y tế, động vật, thực vật) - Hải quan

Điều 4. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng:

- Thường xuyên trao đổi thông tin với các cơ quan chuyên ngành khác về: Âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phá hoại các chính sách và nền kinh tế của nước ta; các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại; thông tin về tổ chức, đường dây, ổ nhóm đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, cũng như âm mưu, phương thức hoạt động của các loại tội phạm; các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của các cơ quan hữu quan, các văn bản có liên quan đến hoạt động quản lý biên giới, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.

- Công tác kiểm tra giám sát, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu biên giới và khu kinh tế cửa khẩu:

Thời gian đóng và mở cửa khẩu:

+ Cửa khẩu quốc tế: Thời gian mở cửa từ 06 giờ 00 đến 22 giờ 00.

+ Cửa khẩu khác: Thời gian mở cửa từ 06 giờ 00 đến 18 giờ 00.

Trong thời gian đóng cửa khẩu, không giải quyết cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Những trường hợp cần thiết như: Phương tiện vận tải chở người đi cấp cứu; hàng hóa dễ hư hỏng, đông lạnh, thực phẩm tươi sống... thì Bộ đội Biên phòng thông báo cho các lực lượng chức năng để phối hợp giải quyết.

- Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật đối hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, và các hành vi vi phạm khác trong địa bàn Hải quan quản lý thì Bộ đội Biên phòng thông báo, bàn giao cho cơ quan Hải quan xử lý.

- Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu và chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực cửa khẩu.

- Phối hợp vận động quần chúng tham gia bảo vệ biên giới; đấu tranh phòng, chống xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trái phép, buôn lậu, vận chuyển trái phép, hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại.

Điều 5. Trách nhiệm của Công an tỉnh:

- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan trong việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu; Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Quy chế phối hợp giữa Công an - Hải quan - Biên phòng về xuất nhập cảnh; Quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng trực thuộc thu thập thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và phối hợp với cơ quan liên quan để thực hiện Quy chế này.

- Trao đổi thông tin với Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan khi phối hợp đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng quốc cấm, các tội phạm khác. Nếu có đủ căn cứ thì phối hợp kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật không gây cản trở hoạt động cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, lành mạnh.

- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương để kiểm tra tiền chất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Điều 6. Trách nhiệm của Cục Hải quan:

- Hoạt động kiểm tra hải quan được thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan để đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh. Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu chủ trì phối hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu để bảo đảm thông quan nhanh chóng hàng hóa phương tiện vận tải.

- Trao đổi với các cơ quan chức năng thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và tội phạm công nghệ cao; những thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh; thông tin vi phạm Luật Quản lý thuế.

- Phối hợp trao đổi thông tin nghiệp vụ với Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Quản lý thị trường phục vụ quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa. Cung cấp kịp thời những thông tin nghiệp vụ liên quan đến tội phạm trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

- Khi phát hiện hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, người và phương tiện quá cảnh xâm phạm an ninh trật tự, vi phạm nguyên tắc thể lệ xuất nhập cảnh, quy chế biên giới thì thông báo, bàn giao cho lực lượng Bộ đội Biên phòng xử lý.

- Hỗ trợ lực lượng Công an khi có yêu cầu hoạt động nghiệp vụ, điều tra, trinh sát, xác minh hay bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật về hải quan tại khu vực kiểm soát và địa bàn hoạt động Hải quan.

- Tiếp nhận bàn giao những vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động của Hải quan do các cơ quan khác bắt giữ.

Điều 7. Trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư:

- Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh về quản lý thương mại trong Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.

- Chủ trì việc phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện biên giới có cửa khẩu trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các quy định khác để thực hiện Quy chế này.

- Tham mưu cho UBND tỉnh về việc xây dựng các chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Điều 8. Trách nhiệm của UBND các huyện biên giới có cửa khẩu:

- Tổ chức quản lý điều hành mọi hoạt động thương mại biên giới trên khu vực biên giới thuộc địa phương mình quản lý theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện nghiêm minh cơ chế phối hợp liên ngành về quản lý, điều hành hoạt động thương mại biên giới.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện tạo thuận cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh và đấu tranh có hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi khác vi phạm pháp luật trên địa bàn thuộc địa phương mình quản lý.

Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành khác có liên quan:

- Phối hợp thực hiện các quy định tại Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới và Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN ngày 31/01/2008 hướng dẫn thực hiện Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

1. Kiểm dịch động vật, thực vật:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo ủy quyền của cơ quan kiểm dịch chuyên ngành, chỉ đạo Chi cục Thú y và Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện kiểm dịch động vật, thực vật xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN ngày 31/01/2008 hướng dẫn thực hiện Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới đối với các nước có chung biên giới.

- Cơ quan kiểm dịch động, thực vật cửa khẩu chịu trách nhiệm thực hiện công tác kiểm dịch đối với động, thực vật xuất khẩu, nhập khẩu hoặc quá cảnh qua các cửa khẩu; ngăn chặn các dịch nguy hiểm đối với động vật, thực vật truyền nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài; phối hợp với Hải quan cửa khẩu xử lý các trường hợp vi phạm kiểm dịch động vật, thực vật tại cửa khẩu theo quy định của Nghị định 02/2007/NĐ-CP ngày 05/01//2007 của Chính phủ về kiểm dịch thực vật và Thông tư liên tịch số 17/2003/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 14/3/2003 hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thủy sản.

- Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch thực vật thực hiện theo Quyết định 35/2007/QĐ-BNN ngày 23/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; danh mục hàng hóa phải kiểm dịch động vật thực hiện theo Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 về việc ban hành danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch.

2. Kiểm dịch y tế:

Thực hiện theo tiết a về kiểm dịch y tế biên giới, tiết c về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết e đối với thuốc và tiết f đối với mỹ phẩm thuộc điểm 3 về chất lượng hàng hóa thương mại biên giới thuộc mục I những quy định chung tại Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN ngày 31/01/2008 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới

3. Kiểm soát lâm sản; động vật hoang dã xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh:

- Thực hiện việc quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội hàng hóa là lâm sản, lâm sản phụ; động vật hoang dã xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh theo quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập khẩu nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cây nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiểm; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Quyết định số 54/2006/QĐ-BNN ngày 05/7/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công bố danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

- Việc kiểm tra, kiểm soát lâm sản; động vật hoang dã xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thực hiện đúng Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra kiểm soát lâm sản.

- Cơ quan Kiểm lâm khi hoạt động việc kiểm tra kiểm soát trong địa bàn khu vực cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong khu vực cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực biên giới, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật trong kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh.

4. Việc bố trí nhân lực, thời gian làm việc của các đơn vị liên quan phải đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Điều 10. Đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh phi thương mại:

1. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải:

Đối với trường hợp phương tiện vận tải phi thương mại xuất cảnh, nhập cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập theo quy định của luật pháp Việt Nam phải có giấy phép thì Sở Giao thông vận tải thực hiện việc kiểm tra giải quyết và cấp phép.

2. Trách nhiệm của Cục Hải quan:

Tiếp nhận khai báo của chủ phương tiện vận tải và tiến hành thủ tục hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

3. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng:

Phối hợp với cơ quan hải quan trong việc kiểm tra và giám sát phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định 32/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Trách nhiệm của Công an tỉnh:

Tiếp nhận hồ sơ của chủ phương tiện, tiến hành việc cấp biển số tạm cho phương tiện vận tải nhập cảnh sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Chế độ hội họp, báo cáo và kinh phí thực hiện:

1. Chế độ họp:

Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng họp đánh giá, trao đổi kinh nghiệm về kết quả thực hiện Quy chế.

2. Chế độ báo cáo:

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư có trách nhiệm xác lập chế độ báo cáo, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình kết quả phối hợp, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

3. Kinh phí thực hiện phối hợp:

Hàng năm Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư lập dự toán kinh phí phục vụ cho hoạt động phối hợp tại các cửa khẩu trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt và được cơ quan tài chính cấp phát theo quy định hiện hành.

Điều 12. Tổ chức thực hiện:

- Thủ trưởng các cơ quan: Cục Hải quan, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước và Chủ tịch UBND các huyện biên giới có cửa khẩu chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ thuộc quyền thực hiện nghiêm túc Quy chế.

- Trong quá trình thực hiện, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 74/2008/QĐ-UBND Quy chế phối hợp hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế và Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, Cửa khẩu Hoàng Diệu, Cửa khẩu Tà Vát tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 74/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/10/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Trương Tấn Thiệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/11/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 03/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản