Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 733/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 29 tháng 5 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ: 11-KL/TW CỦA BAN BÍ THƯ (KHÓA XII) VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ: 08-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ (KHÓA IX) VỀ “TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Kế hoạch số: 59-KH/TU ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về thực hiện Kết luận số: 11-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số: 938/TTr-SYT ngày 22 tháng 5 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Kết luận số: 11-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số: 08-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017 - 2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm Duy Hưng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ: 11-KL/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG (KHÓA XII) VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ: 08-CT/TW VỀ “TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Kèm theo Quyết định số: 733/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của chính quyền các cấp về an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Triển khai có hiệu quả các nội dung hoạt động, đảm bảo ATTP theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số: 08-CT/TW, Kết luận số: 11-KL/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số: 59-KH/TU ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Tỉnh ủy Bắc Kạn.

II. MỤC TIÊU

1. 100% Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được kiện toàn và duy trì hoạt động.

2. Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Kết luận số: 11-KL/TW ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương đã đề ra, cụ thể:

- Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã trong hoạt động đảm bảo ATTP; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến huyện, xã;

- Tăng cường phối hợp giữa Ủy ban nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

3. Duy trì tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm <10/100.000 dân, giảm các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể dưới 30 người mắc.

III. GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG

1. Giải pháp về chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác đảm bảo ATTP;

- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai theo giai đoạn và tình hình thực tế của địa phương;

- Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP từ tỉnh đến xã, phường; nâng cao vai trò của Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo ở địa phương, tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành trong đó Ngành Y tế làm đầu mối;

- Tiếp tục hoàn thiện công tác phân cấp quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn;

- Chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án quy hoạch các khu giết mổ tập trung, khu nuôi, trồng đảm bảo ATTP.

2. Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật

a) Tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước về ATTP

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo điều kiện cơ bản thực hiện nhiệm vụ được giao;

- Tăng cường số lượng và năng lực của lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP;

- Duy trì và nâng cao trình độ kỹ thuật xét nghiệm của phòng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025 và GLP (thực hành Phòng Kiểm nghiệm tốt), từng bước đáp ứng yêu cầu về kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý ATTP;

- Đẩy mạnh xét nghiệm nhanh (Test) phục vụ công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm nguy cơ mất ATTP, lấy mẫu gửi về cơ sở xét nghiệm xác định.

b) Công tác thông tin truyền thông, đào tạo, tập huấn về ATTP

- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi về ATTP. Xây dựng và phát triển các kỹ năng truyền thông; nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu truyền thông về ATTP;

- Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời đưa tin và thông tin chính xác về tình hình ATTP trên địa bàn;

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tiếp tục phổ biến Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn thực hiện, kiến thức về ATTP đối với tất cả các nhóm đối tượng (quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng);

- Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn;

- Tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn những kiến thức cơ bản về: Lựa chọn, bảo quản thực phẩm, phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thái độ của người tiêu dùng, chủ động không sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng;

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức đoàn thể các cấp, các tổ chức hội nghề nghiệp trong hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP.

c) Đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về ATTP

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông, lâm sản, thủy sản không đảm bảo an toàn. Kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt trong việc buôn bán, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng. Tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở được đánh giá, xếp loại C;

- Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ;

- Ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại;

- Tăng cường giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống, chủ động giám sát các mối nguy ATTP để thông tin cảnh báo cộng đồng. Kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, đặc biệt các quy định về điều kiện ATTP của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, lễ hội, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp...; quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống;

- Khuyến khích các cơ sở duy trì tốt điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP song song với áp dụng chế độ kiểm tra giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở vi phạm để thông tin cảnh báo cho cộng đồng.

d) Nâng cao năng lực phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm

- Tăng cường năng lực và hiệu quả của hệ thống giám sát, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tổ chức giám sát mối nguy các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao nhằm kịp thời cảnh báo về nguy cơ mất ATTP;

- Tăng cường công tác chứng nhận hợp quy, phù hợp quy định ATTP, chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nâng cao tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và ký cam kết đảm bảo ATTP ở các tuyến từ tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn;

- Xây dựng hệ thống cảnh báo và giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm, xử lý chủ động, nhanh chóng các sự cố về ATTP, đề xuất các biện pháp khắc phục hậu quả. Điều tra xử lý kịp thời, khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả ngộ độc thực phẩm.

e) Áp dụng mô hình quản lý ATTP tiên tiến

- Xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP,VietGHAP), qua đó kiểm soát được các mối nguy ATTP và tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng;

- Khuyến khích các cơ sở duy trì tốt điều kiện ATTP song song với áp dụng chế độ kiểm tra giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở vi phạm.

3. Giải pháp về nguồn lực

- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm ATTP cho cán bộ làm công tác ATTP của các tuyến;

- Mở rộng hợp tác, kêu gọi dự án để đảm bảo nguồn lực thực hiện có hiệu quả các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

- Xã hội hóa công tác đảm bảo ATTP:

+ Đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý ATTP; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia đảm bảo ATTP;

+ Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với các cơ sở mạnh dạn đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, duy trì tốt điều kiện ATTP.

- Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác đảm bảo ATTP; xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và từng bước tăng mức đầu tư cho công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP tỉnh)

- Tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động ATTP từng giai đoạn và triển khai có hiệu quả các chương trình dự án;

- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác ATTP trên địa bàn;

- Căn cứ các văn bản hướng dẫn và tình hình thực tế tại địa phương để quy định cụ thể việc phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP thuộc phạm vi quản lý của Ngành Y tế;

- Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc phân cấp quản lý; triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn, tránh trùng lặp, bỏ sót;

- Theo dõi, giám sát, đôn đốc các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được phân công trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn;

- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn… đăng tin bài, tuyên truyền về ATTP; tổ chức chiến dịch truyền thông với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng vào các giai đoạn cao điểm như tết Nguyên đán, tết Trung thu...;

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các hoạt động chuyên môn về thông tin truyền thông, cấp giấy chứng nhận; thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chủ động giám sát mối nguy, đảm bảo ATTP các dịp cao điểm Lễ, Tết, các sự kiện trên địa bàn tỉnh;

- Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm ATTP, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh việc thực hiện, nâng cao chất lượng kiểm nghiệm theo yêu cầu nhiệm vụ.

- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững các vùng nguyên liệu, các cơ sở giết mổ tập trung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm an toàn; đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, phù hợp đối với các hộ sản xuất nông, lâm,thủy sản thực phẩm;

- Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về ATTP; tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật ATTP, tập huấn, kiến thức về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho cán bộ nông nghiệp tuyến huyện, xã và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản;

- Tiếp tục triển khai các chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong sản phẩm nông thủy sản, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP đến người tiêu dùng. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy định đảm bảo ATTP tại các chợ đầu mối, đấu giá nông sản;

- Thực hiện chính sách hỗ trợ cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm nâng cao năng lực sản xuất, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến và xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống của tỉnh;

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các Ban, Ngành liên quan trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo ATTP, các chương trình, đề án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có xảy ra sự cố về ATTP;

- Phối hợp cơ quan liên quan, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo ATTP, vệ sinh môi trường;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vấn đề đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương;

- Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành, định kỳ báo cáo kết quả hoạt động ATTP về cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương.

3. Sở Công thương

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật ATTP, các quy định của pháp luật về ATTP tới các chủ thể kinh doanh thực phẩm. Phổ biến, tuyên truyền đến từng cán bộ và nhân dân tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;

- Đẩy nhanh tiến độ phân cấp, tăng cường hoạt động thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý;

- Tăng cường kiểm tra chống sản xuất, vận chuyển và kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, tập trung các nhóm mặt hàng: Rượu, bia, nước giải khát, sản phẩm sữa chế biến, sản phẩm dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột và tinh bột;

- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy định đảm bảo ATTP tại các chợ, siêu thị. Tham mưu xây dựng mô hình thí điểm “Chợ đảm bảo ATTP” trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với Sở Y tế và các Ban, Ngành liên quan trong việc xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai các giải pháp đảm bảo ATTP trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

- Tham gia các đoàn liên ngành, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động đảm bảo ATTP về cơ quan Thường trực để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP Trung ương.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Ứng dụng hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học về ATTP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là nông sản;

- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan tổ chức thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh;

- Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật vào sản xuất thực phẩm đảm bảo an toàn.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc quy định về hoạt động y tế trong các trường học theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Chỉ đạo các trường có bếp ăn bán trú thực hiện nghiêm túc các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình cung ứng các dịch vụ ăn uống tại trường học; đồng thời gắn chỉ tiêu đảm bảo ATTP với các chỉ tiêu hoạt động chuyên môn hàng năm;

- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục về ATTP trong các trường học, huy động giáo viên, các bậc phụ huynh và học sinh tham gia tích cực công tác đảm bảo ATTP theo từng năm học.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu xây dựng kế hoạch kinh phí cho hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn, đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động về ATTP trên địa bàn tỉnh. Huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho công tác đảm bảo ATTP;

- Tham mưu đầu tư kinh phí nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tuyến làm công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

7. Sở Tài chính

Tham mưu phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để duy trì việc triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đúng theo các quy định hiện hành.

8. Sở Nội vụ

Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và các địa phương có liên quan, rà soát kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đủ biên chế nhằm thực hiện tốt công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Căn cứ vào tình hình thực tế và nhiệm vụ của đơn vị, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động quản lý nguồn ô nhiễm môi trường và ô nhiễm thực phẩm, các biện pháp đảm bảo ATTP theo từng giai đoạn;

- Phối hợp với Sở Y tế, các Sở, Ban, Ngành liên quan đảm bảo vệ sinh môi trường phục vụ công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về ATTP, tập trung tại các khu du lịch trọng điểm thu hút số lượng lớn du khách;

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các sự kiện văn hóa, du lịch trên địa bàn, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương.

11. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn các hành vi kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y, không đảm bảo ATTP.

- Phối hợp với các Sở, Ngành liên quan triển khai công tác thanh, kiểm tra về vệ sinh ATTP, điều tra xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

12. Sở Thông tin và Truyền thông

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ATTP, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả;

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh kịp thời các thông tin về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Thông tin chính xác, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo ATTP và các cơ sở chưa đảm bảo ATTP để người tiêu dùng quyết định lựa chọn thực phẩm.

13. Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP; định hướng và nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP;

- Tăng cường thời lượng phát sóng các nội dung tuyên truyền quy định pháp luật về ATTP, hướng dẫn lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm đảm bảo ATTP; cập nhật đưa tin, bài phản ánh những cơ sở đảm bảo ATTP và những cơ sở vi phạm quy định về điều kiện ATTP để người dân biết lựa chọn sử dụng.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

- Tăng cường công tác vận động, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan, các tổ chức thành viên phổ biến Luật ATTP, kiến thức về ATTP cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân ở cộng đồng dân cư. Gắn với nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;

- Tăng cường phối hợp các hoạt động giám sát ở cộng đồng dân cư về sản xuất, nuôi trồng, các cơ sở giết mổ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống theo nội dung Chương trình phối hợp số: 456/CTrPH-UBND-UBMTTQ ngày 30 tháng 12 năm 2016 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, đưa các tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất đảm bảo ATTP tại địa phương;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, chú trọng kiểm soát việc giết mổ gia súc, gia cầm; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố theo quy định;

- Quy hoạch địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố; quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí các Chương trình, Dự án về ATTP do trung ương cấp;

- Từ nguồn ngân sách cho công tác đảm bảo ATTP của tỉnh, huyện;

- Kinh phí từ xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Kết luận số: 11-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số: 08-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017 - 2020.

Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện gửi về Sở Y tế - Cơ quan thường trực trước ngày 25 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương./.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 733/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Kết luận 11-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 733/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phạm Duy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản