Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 733/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 19 tháng 5 năm 2014 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 281/QĐ-TTg, ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 684/QĐ-UBND, ngày 24/4/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 tỉnh Vĩnh Long;
Xét Tờ trình số 39/THKHVL, ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch của Hội Khuyến học tỉnh về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020.
(Kèm theo Kế hoạch số 38/KH-HKHVL, ngày 14/5/2014 của Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh).
Điều 2. Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch được phê duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/KH-HKHVL | Vĩnh Long, ngày 14 tháng 5 năm 2014 |
ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ VÀ CỘNG ĐỒNG Ở TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 733/QĐ-UBND, ngày 19/5/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Cơ sở lý luận:
1.1. Học tập suốt đời - xu thế phát triển tất yếu trên toàn thế giới:
Thế giới chúng ta đã bước sang năm thứ 14 của thế kỷ XXI, đã và đang chứng kiến “sự bùng nổ thông tin” do sự phát triển như vũ bão của tri thức nhân loại và những thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Người ta tính rằng trung bình cứ 10 năm, khối lượng kiến thức của nhân loại sẽ tăng, lên gấp đôi. Với tốc độ gia tăng kiến thức như vậy, những kiến thức tiếp thu được trong nhà trường, kể cả ở bậc đại học và sau đại học, đã trở nên ít ỏi, nhanh chóng, lạc hậu và không đủ dùng trong suốt cuộc đời. Chính vì vậy, việc học tập thường xuyên (HTTX), học tập suốt đời (HTSĐ) trở nên rất cần thiết đối với tất cả mọi người nếu muốn tồn tại trong thời đại ngày nay.
Ở Việt Nam, tư tưởng HTSĐ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất hiện từ rất sớm. Sau cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài phát biểu, bài viết về HTSD. Người không những chủ trương phải HTSĐ mà còn mong muốn mọi người đều được học, được bình đẳng trong giáo dục. Người căn dặn: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm” (Thư gửi Quân nhân học báo, tháng 4/1949). Tư tưởng Hồ Chí Minh về HTSĐ từ những năm 45 đã bắt gặp xu thế lớn của thời đại xuất hiện từ đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Ngày nay, ngày càng nhiều người, kể cả những người có trình độ văn hoá cao, ngày càng ý thức được nhu cầu cần phải học tập thường xuyên, HTSD. Và phong trào HTSĐ trong cán bộ và nhân dân ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. "Học tập - kho báu tiềm ẩn" một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của học tập suốt đời và coi HTSĐ là chìa khoá bước vào thế kỷ XXI.
1.2. Vị trí, vai trò của gia đình, dòng họ và cộng đồng trong việc đẩy mạnh phong trào HTSĐ:
Gia đình là tổ ấm, là chỗ dựa tinh thần của mỗi người. Trải qua nhiều thế kỷ, cơ cấu xã hội đã có nhiều biến đổi nhưng tổ chức của gia đình ở Việt Nam về cơ bản không thay đổi nhiều. Gia đình vẫn là tế bào của xã hội. Vì vậy, xã hội học tập chỉ có thể trở thành hiện thực khi mỗi gia đình với tư cách là tế bào trở thành “Gia đình học tập”.
Dòng họ ở Việt Nam cũng vậy, ngày càng có vai trò quan trọng đối với mỗi người. Dòng họ là những cộng đồng có quan hệ huyết thống, là chỗ dựa về tình cảm, về truyền thống dòng họ, đoàn kết, hỗ trợ các gia đình trong dòng họ xây dựng đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Cộng đồng ở đây được hiểu là cộng đồng dân cư và cộng đồng cơ quan/đơn vị/doanh nghiệp… nơi cá nhân sống và làm việc. Cộng đồng ngày càng có ý nghĩa, tác dụng đối với mỗi cá nhân. Cộng đồng tạo ra môi trường sống và làm việc, khuyến khích các cá nhân hợp tác, đoàn kết, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của cá nhân. Cộng đồng tạo mối quan hệ, khuyến khích cá nhân phát triển; đồng thời cũng tạo điều kiện cho các phong trào được duy trì và phát triển, trong đó có phong trào học tập. HTSD là một phong trào mang tính xã hội hoá cao, luôn gắn chặt với xã hội, với cộng đồng. Phong trào HTSĐ chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu như nó biết dựa vào cộng đồng. Vì vậy, có thể nói sự tham gia, đóng góp của cộng đồng, của toàn xã hội là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cho sự tồn tại và phát triển bền vững của phong trào HTSĐ.
1.3. Chủ trương đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời nói chung và phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng nói riêng của Đảng và Nhà nước:
Đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước để về cơ bản Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược trên, các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng từ khoá IX đến khoá XI đều đặt ra yêu cầu HTSĐ đối với toàn dân để xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập:
= Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX (2001) đã khẳng định: “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục, chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Thực hiện phương châm học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội”.
= Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khoá IX), 7/2012, đã chủ trương "Phát triển giáo dục không chính quy, các hình thức học tập ở cộng đồng ở các xã, phường gắn với nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có chỗ HTSĐ, hướng tới XHHT”. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI chủ trương “Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng XHHT; mở rộng phương thức đào tạo từ xa và hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên”.
Để thể chế hoá các chủ trương của Đảng về đẩy mạnh HTSĐ nói chung và HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2005 về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng XHHT giai đoạn 2005 - 2010” với chủ trương “Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập với tiêu chí cơ bản là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được HTTX, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi trình độ; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục; mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc học tập và tham gia tích cực xây dựng XHHT. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13 tháng 4 năm 2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tiếp theo đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2008 về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Bước sang giai đoạn 2010 - 2020, sau khi tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 112/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020’" với quan điểm coi "Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người được HTSĐ là chìa khoá của phát triển kinh tế - xã hội bền vững là mục tiêu cơ bản của chiến lược phát triển giáo dục… Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020 đã quyết định xây dựng và triển khai 7 đề án thành phần, trong đó có Đề án “Đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020” với nội dung chủ yếu là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tích cực HTSĐ, xây dựng XHHT; xây dựng các mô hình học tập phù hợp để thực hiện các mục tiêu của Đề án (mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”) và đã bàn giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì xây dựng và thực hiện Đề án này.
Hội Khuyến học Việt Nam nói chung và Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long nói riêng đã có nhiều kinh nghiệm và hoàn toàn có khả năng xây dựng và triển khai Đề án thành phần “Đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng” mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Hội Khuyến học trong Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020”.
2. Cơ sở thực tiễn:
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học lâu đời. Phong trào học tập trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng đã được quan tâm từ rất sớm. Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có rất nhiều gia đình vinh hiển, có rất nhiều dòng họ khoa bảng lưu danh mãi mãi. Ngày nay, truyền thống hiếu học của các gia đình, dòng họ vẫn tiếp tục duy trì và phát triển, có nhiều đóng góp cho xã hội, dành vinh quang về cho gia đình và họ tộc mình. Đặc biệt, phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” do Hội Khuyến học khởi xướng và sự phát triển mạnh mẽ có mô hình trung tâm học tập cồng đồng (TTHTCĐ) với tư cách là địa điểm HTSĐ của mọi người dân ở cộng đồng do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã và đang có tác động to lớn đối với việc khuyến khích phong trào HTSD trong gia đình, dòng họ và cộng đồng hiện nay.
2.1. Thực trạng phong trào học tập trong gia đình, dòng họ và cộng đồng ở tỉnh Vĩnh Long:
2.1.1 Thực trạng phong trào học tập trong gia đình:
Phong trào vận động xây dựng Gia đình hiếu học (GĐHH) ở tỉnh Vĩnh Long được chính thức phát động từ năm 2004. Phong trào đã được các địa phương và người dân nhiệt tình tham gia. Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã có 67.776 gia đình được công nhận là GĐHH các cấp. Hội Khuyến học và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh nhà đã phối hợp tổ chức được 4 lần sơ kết cuộc vận động và biểu dương, khen thưởng 36.504 GĐHH tiêu biểu. Qua đó đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong việc xây dựng GĐHH ở khắp các địa bàn dân cư tỉnh nhà.
2.1.2. Thực trạng phong trào học tập trong dòng họ:
Do đặc thù của các địa phương miền Nam, trong đó có tỉnh Vĩnh Long, phong trào xây dựng Dòng họ hiếu học (DHHH) còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, do vai trò, vị trí và tầm quan trọng của dòng họ trong xây dựng XHHT, Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long cũng đã chính thức phát động phong trào xây dựng DHHH từ năm 2011 (thời điểm TW Hội Khuyến học Việt Nam ban hành Quy định mới về các danh hiệu thi đua - khen thưởng) và đã nhận được sự hưởng ứng của các địa phương và người dân. Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã tổ chức được 34 dòng họ khuyến học (Hội và Ban Khuyến học). Số dòng họ khuyến học này sẽ được bình xét để công nhận là DHHH trong năm 2014 và biểu dương, khen thưởng trong năm 2015.
2.1.3. Thực trạng phong trào học tập trong cộng đồng:
Phong trào học tập trong người dân tỉnh Vĩnh Long đã phát triển mạnh mẽ từ năm 2003 với nhiều trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) được xây dựng ở các xã, phường, thị trấn để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng cao của mọi người. Đến hết năm 2005, tỉnh Vĩnh Long đã phủ kín TTHTCĐ ở các xã, phường, thị trấn. Và vai trò của các TTHTCĐ ngày càng được khẳng định khi đã góp phần nâng cao dân trí và cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương.
Các cơ quan, tổ chức, nhà trường, doanh nghiệp... ngày càng ý thức được việc bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động của đơn vị mình thông qua hoạt động của các Hội Khuyến học cơ sở nhằm mục đích nâng cao trình độ nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ… để tăng cường hiệu quả công tác.
Từ năm 2008, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng dân cư và cộng đồng cơ quan, nhà trường, doanh nghiệp, đơn vị… nên ngoài các mô hình “Gia đình hiếu học” và “Dòng họ hiếu học”, Hội Khuyến học đã phát động thêm phong trào xây dựng “Cộng đồng khuyến học” bao gồm “Khu dân cư khuyến học” (dành cho ấp, khóm, tổ dân phố) và “Đơn vị khuyến học (dành cho các cơ quan, nhà trường, doanh nghiệp, đơn vị quân đội, công an ...). Và các phong trào này đang từng bước phát triển (toàn tỉnh đã xây dựng được trên 20% ấp, khóm đạt chuẩn đơn vị học tập theo tiêu chí tạm thời của địa phương), đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh nhà hiện nay.
2.2. Nhận xét, đánh giá:
2.2.1. Về ưu điểm, tác động, hiệu quả:
Mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, Cộng đồng khuyến học" đã và đang trở thành phong trào quần chúng, sâu rộng, khắp trong tỉnh nhà, thể hiện đậm nét truyền thống hiếu học vốn có từ ngàn xưa của dân tộc, đã được các cấp uỷ Đảng và chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để phát triển.
Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” đã phát huy được vai trò của gia đình, dòng họ, cộng đồng đối với việc khuyến khích, tạo điều kiện học tập cho con em và mọi thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, đã tích cực góp phần hạn chế tình trạng lưu ban, bỏ học trong học sinh, sinh viên.
Từ việc thực hiện những tiêu chí của “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”, con em các gia đình không những được tạo điều kiện đến trường, trở thành những học sinh giỏi, trò ngoan, gắn kết giáo dục giữa gia đình - nhà trường - xã hội mà còn khuyến khích người lớn trong gia đình và dòng họ tích cực học tập, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề, cải thiện cuộc sống, góp phần thiết thực vào sự phát triển bền vững của cộng đồng, đất nước mà cụ thể là phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.
2.2.2. Về hạn chế, bất cập:
Bên cạnh những thành tựu và tác động tích cực đối với việc động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào HTSĐ như nêu trên, mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” và mô hình TTHTCĐ hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập là:
- Mặc dù số lượng gia đình, dòng họ, cộng đồng được công nhận “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” ngày càng tăng nhưng tỷ lệ còn thấp so với tổng số gia đình, dòng họ và cộng đồng trong tỉnh.
- Trước yêu cầu mới của HTSĐ và XHHT, các tiêu chí công nhận “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” chưa phản ánh đầy đủ bản chất, tính đa dạng, phong phú của HTSĐ và XHHT.
- Nhận thức của một bộ phận người dân về HTSĐ và xây dựng XHHT còn hạn chế. Việc biểu dương khen thưởng các “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” hiện nay còn thiên về các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng có nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hoặc các gia đình có mọi thành viên đều đi học (đến trường đến lớp, đến các TTHTCĐ) mà chưa khuyến khích các hình thức đa dạng của HTSĐ như học tập tại nơi làm việc, tại các câu lạc bộ, nhà văn hoá, thư viện; học qua mạng internet, qua đọc sách báo, nghe đài, xem ti-vi hoặc tự học theo chương trình học từ xa ... với phương châm ''Cần gì học nấy”.
- Mô hình HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng với đúng nghĩa của nó (học để biết, học để làm, học để hoàn thiện bản thân và học để giao tiếp trong cộng đồng) chưa được tuyên truyền, phổ biến nhân rộng.
- Trước yêu cầu mới, để thực hiện chủ trương “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020” cần phải có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, trong đó có vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp ... nhằm tạo ra một sức mạnh tổng hợp đảm bảo cho sự phát triển phong trào được sâu rộng, bền vững.
- TTHTCĐ trong tỉnh tuy đã phát triển mạnh mẽ về số lượng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế về chất lượng và tính bền vững. Cơ chế, chính sách đối với mô hình giáo dục này còn chưa thật phù hợp và chưa được thực thi đầy đủ.
Vì vậy, trước yêu cầu mới của xây dựng XHHT và xuất phát từ bản chất HTSĐ và XHHT, chúng ta cần thiết và cấp bách phải đẩy mạnh phong trào HTSD trong gia đình , dòng họ và cộng đồng đến năm 2020, thông qua 5 nội dung chủ yếu sau đây:
1. Xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập".
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về XHHT, về mô hình HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
3. Phát động phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
4. Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ, góp phần đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình dòng họ và cộng đồng.
5. Tổ chức đánh giá, công nhận danh hiệu '‘Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.
Tóm lại, việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Long, cơ bản trở thành một xã hội học tập vào năm 2020.
II. CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:
1. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI về chủ trương đẩy mạnh HTSĐ và xây dựng XHHT.
2. Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 24 tháng 8 năm 1999 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Khuyến học Việt Nam.
3. Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
4. Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg, ngày 08 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
5. Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020, trong đó Hội Khuyến học được phân công chủ trì xây dựng Đề án Thành phần số 7 là “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng”
6. Nghị quyết Trung ương VIII (2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo với mục tiêu tổng quát là “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp ... gắn với xây dựng XHHT”.
7. Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020.
8. Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012 - 2020”.
1. Việc xây dựng và triển khai Kế hoạch đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020 phải quán triệt các quan điểm, mục tiêu đã được phê duyệt trong Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020” theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
2. HTSĐ và xây dựng XHHT là 2 nhân tố có tác động lẫn nhau, thúc đẩy nhau phát triển. HTSĐ được thúc đẩy mới có thể xây dựng thành công XHHT; và ngược lại, xây dựng XHHT mới tạo điều kiện cho HTSĐ. HTSĐ là điểm nhấn, là cốt lõi của XHHT.
3. Xây dựng XHHT nói chung và đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
4. Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng cần kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, coi “Gia đình học tập” là tế bào của XHHT.
5. Gắn phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng với nhiệm vụ phát triển bền vững của địa phương về kinh tế văn hoá - xã hội.
1. Mục tiêu chung:
Đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Xây dựng, thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” tại một số địa phương được chọn từ năm 2014 - 2015 để triển khai nhân rộng vào năm 2016 trong toàn tỉnh.
b) Phấn đấu đến năm 2020:
- 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
- 70% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập’’; 50% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”; 60% cộng đồng (ấp, khóm, tổ dân phố) đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 60% tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.
1. Xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”:
a) Tổ chức triển khai quán triệt Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng”
b) Tỉnh sẽ chọn 1 - 2 huyện; huyện chọn 1 - 2 xã, khối cơ quan cấp tỉnh chọn 15 - 20 đơn vị để xây dựng thí điểm mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” theo tiêu chí thống nhất trong toàn quốc. Đến cuối năm 2015 tiến hành sơ kết việc xây dựng thí điểm các mô hình và bắt đầu tổ chức đại trà từ năm 2016.
c) Tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh về các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về XHHT, về mô hình HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng:
a) Phổ biến các tài liệu tuyên truyền hướng dẫn về xây dựng các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
b) Tổ chức tuyên truyền vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, Báo Khuyến học và Dân trí của TW Hội, bản tin của Tỉnh hội Khuyến học Vĩnh Long ...
c)Tổ chức tuyên truyền thông qua sự phối hợp với các tổ chức xã hội khác.
3. Phát động phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng trong toàn tỉnh:
a) Tổ chức sơ kết việc xây dựng thí điểm các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng ở một số địa phương được chọn; tổ chức biểu dương khen thưởng các gia đình, dòng họ và cộng đồng đạt chuẩn học tập.
b) Tổ chức Hội nghị triển khai nhân rộng các điển hình và phát động phong trào xây dựng mô hình HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng trong phạm vi toàn tỉnh Vĩnh Long.
4. Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của TTHTCĐ, góp phần đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng:
a) Phổ biến tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động tại TTHTCĐ cho đội ngũ cán bộ, hội viên Hội Khuyến học tham gia quản lý và giảng dạy tại các TTHTCĐ. Tổ chức nâng cao chất lượng hoạt động của các TTGDTX.
b) Tập huấn và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý TTHTCĐ và TTGDTX.
c) Tổ chức hướng dẫn, tập huấn một số hình thức học tập khác như sinh hoạt câu lạc bộ, toạ đàm, tự học ... cho cán bộ khuyến học và TTHTCĐ.
5. Tổ chức bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.
Căn cứ vào bộ tiêu chí “Gia đình học tập”, ‘‘Dòng họ học tập’’, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” được phê duyệt, Hội Khuyến học các cấp sẽ phối hợp với ngành giáo dục tổ chức bình xét công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, ’“Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” 2 năm 1 lần. Nếu gia đình, dòng họ, cộng đồng đơn vị nào đạt tiêu chí thì Hội Khuyến học đề nghị UBND các địa phương ra quyết định công nhận và tổ chức biểu dương khen thưởng.
Trước mắt, trong khi chờ bộ tiêu chí chính thức được Chính phủ phê duyệt, việc bình xét và công nhận các danh hiệu dựa vào bộ tiêu chí tạm thời do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ban hành.
1. Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long: Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể có liên quan, đặc biệt là ngành giáo dục - đào tạo, để tổ chức xây dựng, triển khai và giám sát kế hoạch, cụ thể như sau:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các Hội Khuyến học huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai ở địa phương.
b) Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện kế hoạch của các địa phương và định kỳ báo cáo UBND các cấp.
c) Tập huấn nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, chuyên môn cho cán bộ các cấp hội.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ trong tỉnh.
b) Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức thí điểm và nhân rộng mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
c) Đóng góp ý kiến xây dựng bộ tiêu chí công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập" và “Đơn vị học tập”.
3. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long trong việc, đánh giá, công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Cộng đồng học tập” kết hợp với việc đánh giá công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “ấp, khóm văn hoá” và “Xã, phường thị trấn văn hoá”
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học tỉnh trong việc tuyên truyền về các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng thông qua các tổ chức, mạng lưới của mình;
b) Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh trong việc đánh giá, công nhận danh hiệu ‘‘Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.
5. Sở Tài chính:
a) Bố trí nguồn kinh phí thường xuyên hàng năm để thực hiện Kế hoạch “đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng theo quy định của pháp luật và Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
b) Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và các ban ngành liên quan hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đầu tư đối với các hoạt động của kế hoạch; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch.
6. Uỷ ban nhân dân các cấp:
a) Có trách nhiệm bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch tại địa phương; chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương phối hợp với Hội Khuyến học các cấp trong việc triển khai thực hiện kế hoạch;
b) Chỉ đạo các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí của địa phương xây dựng chuyên mục tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập, trong đó có tuyên truyền về mô hình học tập suốt đời trong, gia đình, dòng họ và cộng đồng;
c) Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức công nhận và biểu dương khen thưởng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” ở địa phương mình.
7. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp:
Uỷ ban MTTQ tỉnh, Liên đoàn Lao động, Tỉnh đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu giáo chức. Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên thuộc cơ quan, tổ chức của mình được học thường xuyên, học suốt đời và tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng của mình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”.
Kế hoạch “Đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020” được triển khai qua 2 giai đoạn:
1. Giai đoạn 1 (2014 - 2015) tập trung vào các công việc sau:
- Tổ chức triển khai quán triệt Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
- Xây dựng thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”
- Xây dựng chính thức bộ tiêu chí công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” “Cộng đồng học tập’’ và “Đơn vị học tập”.
- Tổ chức sơ kết 2 năm xây dựng thí điểm các mô hình HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; tổ chức biểu dương khen thưởng các gia đình, dòng họ và cộng đồng đạt chuẩn học tập.
2. Giai đoạn 2 (2016 - 2020) tập trung chỉ đạo các công việc sau:
- Đẩy mạnh tuyên truyền về XHHT và mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
- Nhân rộng các mô hình điển hình và phát động phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ trong tỉnh nhằm đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
- Tổ chức đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng bọ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.
Các hoạt động cụ thể của 2 giai đoạn sẽ được thực hiện như sau:
NHIỆM VỤ | NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG | THỜI GIAN THỰC HIỆN | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN | |
2014-2015 | 2016-2020 | |||
1. Xây dựng thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. | - Tổ chức triển khai quán triệt Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020. | 2014-2015 |
| Hội Khuyến học |
| - Tổ chức hội thảo ý kiến rộng rãi của các ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh về các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng; đóng góp xây dựng bộ tiêu chí chính thức. | 2014 |
| Hội Khuyến học chủ trì, kết hợp với ngành giáo dục và đào tạo |
- Xây dựng thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” tại một số địa phương được chọn. | 2014-2015 |
| Hội Khuyến học | |
2. Đẩy mạnh tuyên truyền về XHHT và mô hình HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng | - Phổ biến các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về xây dựng các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. | 2014 |
| Hội Khuyến học |
| - Tổ chức tuyên truyền vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và bản tin của Tỉnh hội Khuyến học | 2014-2015 | 2016-2020 | Hội Khuyến học |
3. Phát động phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. | - Tổ chức sơ kết 2 năm xây dựng thí điểm các mô hình HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng ở một số địa phương được chọn. Tổ chức biểu dương khen thưởng các trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt chuẩn học tập. | 2015 |
| Hội Khuyến học |
| - Tổ chức Hội nghị triển khai nhân rông các điển hình và phát động phong trào xây dựng mô hình HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trong toàn tỉnh. |
| 2016 | Hội Khuyến học chủ trì, kết hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức |
4. Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các THTCĐ, góp phần đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng | - Phổ biến tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động tại TTHTCĐ cho đội ngũ cán bộ, hội viên Hội Khuyến học tham gia quản lý và giảng dạy tại các TTHTCĐ và ngoài TTHTCĐ | 2015 | 2016-2020 | Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì kết hợp với Hội Khuyến học tổ chức |
| - Tổ chức nâng cao chất lượng hoạt động của các TTGDTX | 2014-2015 | 2016-2020 | Sở Giáo dục và Đào tạo |
| - Tập huấn và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý TTHTCĐ và TTGDTX. | 2015 |
| Sở Giáo dục và Đào tạo |
5. Tổ chức bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” | - Tổ chức bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. | 2015 | 2017- 2019 | Hội Khuyến học chủ trì, kết hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức |
| - Tổ chức biểu dương khen thưởng “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. | 2015 | 2017- 2019 | Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, kết hợp với Hội Khuyến học tổ chức |
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH:
1. Kinh phí thực hiện kế hoạch bao gồm: Ngân sách địa phương cấp cho hội có tính chất đặc thù và kinh phí thực hiện Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng QĐ số 89/TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 (nếu được hỗ trợ).
2. Căn cứ nhiệm vụ được giao, hàng năm Hội Khuyến học các cấp lập dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động trong kế hoạch và tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động thường xuyên của Hội, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.
3. Các địa phương có trách nhiệm cân đối ngân sách dành kinh phí hỗ trợ việc xây dựng và thí điểm các mô hình học tập suốt đời; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nhân rộng, giám sát, đánh giá, khen thưởng các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, các tổ chức có đóng góp tích cực đối với phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; tổ chức bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” tại địa phương mình./.
| TM. HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH VĨNH LONG |
- 1Kế hoạch 5192/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 2Quyết định 1509/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án “ Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 3Quyết định 1328/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 tỉnh Phú Yên
- 1Quyết định 112/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Chỉ thị 02/2008/CT-TTg về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 11-CT/TW năm 2007 về tăng cường lãnh đạo của đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do Bộ Chính trị ban hành
- 5Chỉ thị 50/CT-TW năm 1999 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội khuyến học Việt Nam do Bộ Chính trị ban hành
- 6Quyết định 89/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 684/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 tỉnh Vĩnh Long
- 8Quyết định 281/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Kế hoạch 5192/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 10Quyết định 1509/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án “ Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 11Quyết định 1328/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 tỉnh Phú Yên
Quyết định 733/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020
- Số hiệu: 733/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/05/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Nguyễn Văn Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra