Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 73/2006/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 11 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG KHÔNG BẮT BUỘC PHẢI TIẾN HÀNH THĂM DÒ VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG PHẢI XIN GIẤY PHÉP KHAI THÁC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 292/TTr-TNMT ngày 12/4/2006 và Văn bản số 2064/TNMT-KS ngày 22/9/2006 về việc phê duyệt Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, quy định về việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải thăm dò và các trường hợp không phải xin giấy phép khai thác,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò và các trường hợp không phải xin giấy phép khai thác.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Văn hóa - Thông tin, Thương mại - Du lịch; Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG KHÔNG BẮT BUỘC PHẢI TIẾN HÀNH THĂM DÒ VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG PHẢI XIN GIẤY PHÉP KHAI THÁC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 73/2006/QĐ-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2006 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy định này quy định quy mô khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò và các trường hợp không phải xin giấy phép khai thác và thủ tục cấp, gia hạn, cho phép trả lại, chuyển nhượng giấy phép, cho phép tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Quy định này được áp dụng đối với cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 3. Danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản theo quy định này.

1. Đá các loại không đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ, nguyên liệu sản xuất xi măng và các loại đá không chứa các khoáng vật kim loại, các nguyên tố xạ, hiếm, đá quý, đá bán quý với hàm lượng có ý nghĩa thương mại.

2. Đất sét sản xuất gạch, ngói; các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam để sản xuất sản phẩm gốm xây dựng, sản xuất vật liệu chịu lửa hoặc sản xuất xi măng.

3. Đất sử dụng làm vật liệu san lấp các công trình xây dựng, giao thông không đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam để sản xuất sản phẩm gốm xây dựng, sản xuất vật liệu chịu lửa hoặc sản xuất xi măng.

4. Cát dùng làm vật liệu xây dựng nhà cửa, công trình trừ cát sỏi lòng sông.

Chương II

KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG KHÔNG BẮT BUỘC PHẢI TIẾN HÀNH THĂM DÒ KHOÁNG SẢN

Điều 4. Điều kiện khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản.

1. Khu vực xin khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phải có tài liệu khảo sát được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận trữ lượng trong khu vực xin khai thác không quá 500.000 m3 và quy mô khai thác của dự án không quá 100.000 m3/năm, diện tích khu vực khai thác không quá 10 ha đối với một tổ chức và không quá 01ha đối với cá nhân, thời gian khai thác kể cả gia hạn không quá 05 năm.

2. Trong diện tích khu vực có dự án đầu tư xây dựng, chưa được điều tra đánh giá về tài nguyên khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và chủ đầu tư công trình xét thấy việc xin khai thác có hiệu quả thì UBND tỉnh Đồng Nai quyết định việc khai thác hoặc không khai thác; nhằm bảo đảm tiến độ xây dựng công trình.

Điều 5. Hồ sơ cấp, gia hạn, cho phép trả lại, chuyển nhượng giấy phép, cho phép tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò.

1. Cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò:

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản nộp cho cơ quan tiếp nhận các tài liệu sau:

a) Ba (03) đơn xin khai thác khoáng sản (Mẫu số 1);

b) Ba (03) bộ bản đồ khu vực khai thác theo hệ tọa độ VN2000 tỷ lệ không nhỏ hơn 1/25.000 (Mẫu số 2);

c) Mười hai (12) bộ phương án khai thác khoáng sản nếu công suất khai thác lớn hơn 50.000m3/năm; Nếu công suất khai thác nhỏ hơn 50.000m3/năm thì chủ dự án chỉ cần nộp ba (03) bộ phương án.

d) Bảy (07) bộ dự án đầu tư kèm theo quyết định phê duyệt;

đ) Ba (03) bộ bản sao công chứng giấy phép thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký kinh doanh;

e) Ba (03) đơn xin thuê đất (Mẫu số 3);

g) Mười (10) bộ bản đồ địa chính khu vực xin thuê đất để khai thác tỷ lệ 1/1.000;

h) Ba (03) bản kê khai về diện tích đất, tình trạng sử dụng đất đã được Nhà nước giao, cho thuê trước đó, nếu có (Mẫu số 4);

i) Ba (03) bộ phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc các thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

k) Ba (03) đơn xin thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Mẫu số 12) kèm chín (09) cuốn báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án có công suất khai thác lớn hơn 50.000m3/năm; Đối với dự án có công suất khai thác nhỏ hơn 50.000m3/năm, chỉ cần nộp ba (03) bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò:

Hồ sơ xin gia hạn giấy phép khai thác phải nộp cho cơ quan tiếp nhận trước ngày giấy phép hết hạn không ít hơn chín mươi (90) ngày gồm ba (03) bộ như sau:

a) Đơn xin gia hạn giấy phép khai thác (Mẫu số 5);

b) Báo cáo kết quả hoạt động khai thác kể từ khi được cấp phép, nêu rõ trữ lượng khoáng sản còn lại và diện tích xin gia hạn (Mẫu số 6);

c) Bản kê các nghĩa vụ đã thực hiện: Nộp thuế, bồi thường thiệt hại, bảo vệ môi trường, phục hồi đất đai ở các diện tích đã chấm dứt hoạt động khai thác;

d) Bản đồ hiện trạng mỏ tại thời điểm xin gia hạn theo hệ tọa độ VN2000 tỷ lệ từ 1/1.000 đến 1/2.000 do đơn vị có chức năng đo vẽ lập.

Trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn nhưng hồ sơ xin gia hạn đang được xem xét, thì giấy phép khai thác đó tiếp tục có hiệu lực đến thời điểm được gia hạn hoặc có văn bản trả lời về lý do giấy phép không được gia hạn.

3. Đóng cửa mỏ kết thúc khai thác, trả lại giấy phép khai thác hoặc trả lại một phần diện tích khai thác:

Hồ sơ xin trả lại giấy phép khai thác hoặc đóng cửa mỏ khoáng sản kết thúc khai thác phải nộp về cơ quan tiếp nhận không ít hơn ba mươi (30) ngày trước ngày giấy phép hết hạn hoặc trước khi tổ chức, cá nhân quyết định chấm dứt hoạt động khai thác để trả giấy phép, đóng cửa mỏ gồm ba (03) bộ như sau:

a) Đơn xin trả lại giấy phép khai thác khoáng sản (Mẫu số 7) hoặc đơn xin trả lại một phần diện tích giấy phép khai thác khoáng sản (Mẫu số 8) hoặc đơn xin đóng cửa mỏ (Mẫu số 9);

b) Đề án đóng cửa mỏ phục hồi môi trường trên toàn bộ diện tích hoặc trên một phần diện tích xin trả lại giấy phép đã được thẩm định, phê duyệt;

c) Báo cáo kết quả hoạt động và các nghĩa vụ đã thực hiện kể từ khi được cấp giấy phép khai thác;

d) Bản đồ hiện trạng mỏ tại thời điểm xin đóng cửa, trả lại giấy phép theo hệ tọa độ VN2000 tỷ lệ từ 1/1.000 đến 1/2.000.

4. Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò:

Hồ sơ xin chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản nộp cho cơ quan tiếp nhận gồm ba (03) bộ như sau:

a) Đơn xin chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản (Mẫu số 10);

b) Hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản kèm theo bản kê giá trị tài sản chuyển nhượng;

c) Báo cáo kết quả hoạt động khai thác và các nghĩa vụ đã hoàn thành tính đến thời điểm xin chuyển nhượng;

d) Bản đồ hiện trạng mỏ tại thời điểm xin chuyển nhượng theo hệ tọa độ VN2000 tỷ lệ từ 1/1.000 đến 1/2.000;

đ) Bản sao công chứng giấy phép thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác;

e) Đơn xin điều chỉnh chủ đầu tư trong bản cam kết bảo vệ môi trường kèm báo cáo kết quả thực hiện việc bảo vệ môi trường tính đến thời điểm chuyển nhượng;

g) Đơn xin thuê đất của tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản được chấp thuận bằng việc cấp giấy phép khai thác mới, đồng thời với việc điều chỉnh các quyết định liên quan trong lĩnh vực đất đai và môi trường cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng thay thế cho giấy phép khai thác và các quyết định liên quan đã cấp.

5. Thừa kế quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò

Trong trường hợp được thừa kế hợp pháp quyền khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân nhận thừa kế phải nộp cho cơ quan tiếp nhận ba (03) bộ hồ sơ xin tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản bao gồm:

a) Đơn xin tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản (Mẫu số 11);

b) Bản sao công chứng văn bản pháp lý chứng minh tổ chức, cá nhân được thừa kế hợp pháp quyền khai thác;

c) Bản sao công chứng về tư cách pháp nhân của tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền khai thác;

d) Báo cáo kết quả hoạt động khai thác và các nghĩa vụ thuế đã hoàn thành tính từ khi được cấp phép đến thời điểm xin được tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản;

đ) Bản đồ hiện trạng mỏ tại thời điểm xin nhận thừa kế theo hệ tọa độ VN2000 tỷ lệ từ 1/1.000 đến 1/2.000;

e) Đơn xin điều chỉnh chủ đầu tư trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm báo cáo kết quả thực hiện việc bảo vệ môi trường tính đến thời điểm thừa kế;

g) Đơn xin thuê đất của tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền khai thác khoáng sản.

Việc cho phép tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản được chấp thuận bằng việc cấp giấy phép khai thác mới đồng thời với việc điều chỉnh các quyết định liên quan trong lĩnh vực đất đai và môi trường cho tổ chức, cá nhân được thừa kế, thay thế giấy phép khai thác và các quyết định liên quan đã cấp.

Điều 6. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò.

UBND tỉnh Đồng Nai có thẩm quyền cấp, gia hạn, cho phép trả lại, chuyển nhượng giấy phép, cho phép tiếp tục thực hiện quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò.

Điều 7. Trình tự thực hiện

1. Đối với hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác trong thời hạn sáu mươi (60) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân xin khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cấp hoặc không cấp giấy phép (thời hạn trên không bao gồm thời gian bổ sung, chỉnh sửa lại hồ sơ).

2. Đối với hồ sơ xin gia hạn, trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản; chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản; tiếp tục thực hiện quyền hoạt động khoáng sản trong trường hợp thừa kế hợp pháp; trả lại (một phần) diện tích khai thác khoáng sản; đóng cửa mỏ kết thúc khai thác: Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cấp hoặc không cấp giấy phép.

3. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Sở Tài nguyên và Môi trường trình, UBND tỉnh phải xem xét, quyết định việc cấp hoặc không cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và chuyển lại hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp không cấp giấy phép, UBND tỉnh phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép về lý do giấy phép không được cấp.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giao giấy phép cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và thu lệ phí cấp phép theo quy định.

Chương III

KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG KHÔNG PHẢI XIN GIẤY PHÉP KHAI THÁC

Điều 8. Khai thác khoáng sản trên khu vực đã có dự án đầu tư xây dựng công trình

Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư công trình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó.

Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức được quyền khai thác phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh Đồng Nai. Việc quản lý sử dụng khoáng sản khai thác được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Khai thác trên diện tích đất của các hộ gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở của hộ gia đình, cá nhân được sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai mà sản phẩm khai thác chỉ nhằm phục vụ cho việc xây dựng của hộ gia đình, cá nhân đó.

Trước khi tiến hành khai thác chủ hộ phải đăng ký diện tích, công suất, thiết bị, độ sâu và thời gian khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Khen thưởng và kỷ luật

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện tốt các quy định trên được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trên thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại về vật chất phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Công nghiệp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông - Vận tải; Xây dựng; Văn hóa - Thông Tin; Thương mại - Du lịch; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 73/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò và trường hợp không phải xin giấy phép khai thác do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

  • Số hiệu: 73/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/10/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Ao Văn Thinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/10/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản