Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 72/2020/QĐ-UBND

An Giang, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 43/2018/QĐ-UBND NGÀY 14/11/2018 CỦA UBND TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ Chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 339/TTr-SNNPTNT ngày 21 tháng 12 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định hoạt động cung ứng dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh An Giang ban hành kèm theo Quyết định số 43/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND tỉnh:

1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 3. Phân loại sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

Sản phẩm, dịch vụ trong hoạt động thủy lợi thực hiện theo Điều 30 Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017 và Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Cụ thể :

1. Đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Quy định này áp dụng đối với các hệ thống công trình có quy mô lớn bao gồm: Dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn liên tỉnh, liên huyện. Riêng đối với các hệ thống công trình có quy mô vừa và nhỏ thì áp dụng Quy định này cho các loại hình dịch vụ sau:

a) Dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn nội huyện;

b) Dịch vụ bảo vệ đê bao chống lũ tiểu vùng;

c) Dịch vụ khai thác trạm bơm tưới, tiêu nước, bơm tưới tiêu nước kết hợp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi;

d) Thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt.

2. Đối với sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác thực hiện tại Điểm a, Điểm b, Điểm d, Điểm đ Khoản 3 Điều 30 Luật Thủy lợi.”

2. Khoản 7 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 5. Một số quy định chung

7. Việc hiệp thương, đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ thủy lợi được tiến hành trên nguyên tắc công khai, tự nguyện, dân chủ và bình đẳng:

a) Tổ chức, cá nhân khác không được can thiệp vào mức phí sử dụng dịch vụ do sự thỏa thuận của người sử dụng dịch vụ và đơn vị cung ứng dịch vụ, mức phí này không được vượt quá mức trần do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Trong trường hợp không thống nhất được mức phí thì hai bên cùng chính quyền địa phương bàn bạc để đi đến thống nhất mức phí chung;

b) Nhằm bảo đảm việc khai thác công trình thủy lợi và nguồn lợi từ nước đạt hiệu quả, trên tinh thần đem lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ và đơn vị cung ứng dịch vụ với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chung cho khu vực.”

3. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Nội dung hoạt động dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi

Hoạt động dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được thực hiện để đảm bảo điều tiết và tạo nguồn nước phục vụ tưới nước, tiêu nước, bơm tưới tiêu nước kết hợp và cấp nước; thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt; bảo vệ đê bao chống lũ tiểu vùng phục vụ sản xuất và thủy lợi khác đúng sản phẩm đã được đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ, bao gồm:

1. Quản lý, điều hành, thu thập thông tin khí tượng thủy văn phục vụ cho công tác vận hành khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

2. Tổ chức bảo vệ công trình theo phạm vi bảo vệ:

a) Xác định phạm vi bảo vệ công trình;

b) Trình cấp thẩm quyền phê duyệt phạm vi bảo vệ cho từng công trình, tổ chức cắm mốc và xây dựng hàng rào bảo vệ;

c) Thường xuyên kiểm tra, bảo vệ phạm vi bảo vệ công trình;

d) Lập phương án, kế hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công trình trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới.

3. Vận hành khai thác công trình thủy lợi và điều tiết nước tạo nguồn cho sản xuất và cấp nước:

a) Lập kế hoạch vận hành khai thác hệ thống công trình và từng công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu;

b) Vận hành đóng mở các công trình cống, đập, hồ chứa điều tiết nước theo yêu cầu của các tiểu vùng trong hệ thống và phục vụ tưới nước, tiêu nước, cấp nước;

c) Thường xuyên kiểm tra năng lực phục vụ của công trình trong quá trình vận hành khai thác.

4. Thực hiện duy tu bảo dưỡng, nạo vét, sửa chữa công trình nhằm duy trì tuổi thọ và phát triển năng lực của công trình, phát huy hiệu quả cung ứng dịch vụ:

a) Tổ chức duy tu bảo dưỡng công trình đúng định kỳ: thường xuyên tra dầu mỡ, nhớt, sơn chống sét vào các bộ phận máy móc thiết bị; dọn bờ kênh, vớt cỏ, vớt rác, các vật chắn như chà, đăng đó trong lòng công trình; bồi trúc mái kênh, bờ kênh; sửa chữa các hư hỏng nhỏ, nạo vét sạt lở cục bộ; bảo dưỡng bê tông, đá gạch xây (đối với kênh cứng hóa): tô trát, trích mạch, quét xi măng;

b) Nạo vét bùn, cát bồi lắng lòng kênh, cống, đập, hồ chứa theo đúng quy mô thiết kế, nhiệm vụ của công trình;

c) Sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn tài sản cố định, công trình thủy lợi được giao quản lý, nhằm đảm bảo quá trình hoạt động luôn đạt hiệu quả.

5. Định kỳ kiểm tra, theo dõi thường xuyên các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo tốt hoạt động cung ứng dịch vụ cho nhu cầu sử dụng:

a) Đối với trạm bơm trước khi vận hành cần kiểm tra bể hút, bể xả, máy bơm, động cơ, nhà trạm và hệ thống điện, cống, đập điều tiết nước và đường nước đảm bảo đủ nước tưới và tiêu úng khi cần thiết;

b) Đối với hệ thống đê chống lũ, thời gian trước, trong và sau lũ cần kiểm tra toàn bộ công trình đê, cống chống lũ. Kịp thời xử lý hư hỏng, sạt lở, lún sụt, không cho nước rò rỉ qua thân đê, thân cống đảm bảo sản xuất thu hoạch trọn vẹn;

c) Đối với hệ thống kênh rạch: kiểm tra mức độ bồi lắng, các hoạt động cản trở dòng chảy, đảm bảo đủ nước tưới và tiêu úng khi cần thiết;

d) Đối với hệ thống cống cần kiểm tra và sửa chữa để đảm bảo công tác vận hành đủ nước tưới, kịp thời tiêu úng và chống lũ;

đ) Đối với công trình hồ chứa, thời gian trước, trong khi tích nước cần kiểm tra toàn bộ công trình đê, đập, cống, tràn. Kịp thời xử lý hư hỏng, sạt lở, lún sụt, nứt nẻ không cho nước rò rỉ qua thân đê, đập, thân cống đảm bảo an toàn hồ chứa;

e) Đối với công trình kè cần kiểm tra và sửa chữa phần xây đúc, thảm đá, rọ đá, đá gạch xây, hành lang bảo vệ, lan can bằng sắt, thép và những hạn mục khác của công trình để đảm bảo công tác chống sạt lở.

6. Việc xây dựng mới, nâng cấp công trình thủy lợi nhằm mục đích hình thành vùng cung ứng dịch vụ mới hoặc để mở rộng diện tích của vùng cung ứng dịch vụ phải thực hiện đúng theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công trình khác.”

4. Khoản 2 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 7. Danh mục và phương thức cung ứng dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi

2. Danh mục và phương thức cung ứng dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn được lựa chọn một trong hai phương thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ, bao gồm:

a) Dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn liên tỉnh, liên huyện;

b) Dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình đê điều (đê cấp III trở lên);

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu và trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cụ thể danh mục công trình thủy lợi cho từng đơn vị quản lý, khai thác.”

5. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 9. Phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ

1. Phương thức đặt hàng:

Trên cơ sở dự toán thu, kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm được Ủy ban nhân tỉnh giao, đã xác định diện tích cần tạo nguồn nước, số lượng công trình, khối lượng sản phẩm phải quản lý, bảo vệ, vận hành khai thác và duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, nạo vét, cơ quan đặt hàng lập kế hoạch đặt hàng cụ thể gửi cơ quan tài chính tổng hợp trong kế hoạch ngân sách và trình Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt.

2. Phương thức giao nhiệm vụ:

Đơn vị được giao nhiệm vụ phải lập kế hoạch hàng năm về nội dung hoạt động cung ứng dịch vụ theo Điều 6 của quy định này để tạo nguồn và điều tiết nước phục vụ tưới nước, tiêu nước, cấp nước báo cáo cơ quan giao nhiệm vụ xem xét.

3. Quy trình, thủ tục, hồ sơ đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 và Điều 31, Điều 32 Luật Thủy lợi.”

6. Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 10. Nguồn kinh phí, cấp phát và thanh, quyết toán kinh phí hợp đồng đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn

1. Tài chính trong hoạt động dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn thực hiện theo quy định tại Điều 22, Điều 23 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ và Điều 37, Điều 38 Luật Thủy lợi. Nội dung sử dụng kinh phí thực hiện như sau:

a) Công tác nạo vét và duy tu sửa chữa công trình thủy lợi sử dụng theo quy trình, thủ tục nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư;

b) Đối với công tác quản lý, bảo vệ, vận hành khai thác và duy tu bảo dưỡng công trình sử dụng theo quy trình, thủ tục nguồn vốn sự nghiệp.

3. Căn cứ vào nội dung hợp đồng đặt hàng, quyết định giao nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đơn vị nhận quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn và công trình thủy lợi tạo nguồn lập dự toán năm chia từng quý, chia theo nhiệm vụ cụ thể: quản lý điều hành, bảo vệ, vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng, nạo vét và sửa chữa công trình thủy lợi gửi cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung toàn tỉnh gửi Sở Tài chính để làm căn cứ cấp phát.”

4. Hồ sơ thanh, quyết toán kinh phí của đơn vị quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn và công trình thủy lợi tạo nguồn với cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ; quyết toán kinh phí với ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 bao gồm:

a) Trường hợp đặt hàng: Hợp đồng đặt hàng, biên bản thanh lý hợp đồng, biên bản nghiệm thu số lượng, khối lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã được ký kết giữa cơ quan đặt hàng với đơn vị quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn và công trình thủy lợi tạo nguồn, cùng các tài liệu khác có liên quan;

b) Trường hợp giao nhiệm vụ: Quyết định giao nhiệm vụ, biên bản nghiệm thu số lượng, khối lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã được ký kết giữa cơ quan giao nhiệm vụ với đơn vị quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn và công trình thủy lợi tạo nguồn, cùng các tài liệu khác có liên quan.”

7. Điểm a Khoản 1, Khoản 3 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 13. Phương thức đấu thầu và đặt hàng dịch vụ thủy lợi (bơm tưới, tiêu nước; bơm tưới tiêu nước kết hợp; cấp nước; thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt; bảo vệ đê bao chống lũ tiểu vùng và thủy lợi khác)

Căn cứ vào biên bản hiệp thương về cung ứng và sử dụng dịch vụ, đơn vị tổ chức đấu thầu và đặt hàng thực hiện:

1. Phương thức đấu thầu:

a) Điều kiện tổ chức đấu thầu thực hiện theo Điều 21 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 và Khoản 1 Điều 7 Luật Đấu thầu. Ngoài ra:

- Việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu: theo quy định Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Thông báo mời thầu và các thông tin khác trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu: thực hiện theo Điều 8 Luật Đấu thầu.

3. Quy trình, thủ tục đấu thầu và đặt hàng dịch vụ thủy lợi (bơm tưới, tiêu nước; bơm tưới tiêu nước kết hợp; cấp nước; thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt; bảo vệ đê bao chống lũ tiểu vùng và thủy lợi khác):

a) Đối với phương thức đấu thầu:

- Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 32/2019/NĐ- CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 và Điều 31, Điều 32 Luật Thủy lợi;

- Việc thực hiện đấu thầu quản lý khai thác công trình thủy lợi được hoàn thành trước ngày 31/12 năm trước năm kế hoạch.

b) Đối với phương thức đặt hàng:

Quy trình, thủ tục, hồ sơ đặt hàng thực hiện theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 và Điều 31, Điều 32 Luật Thủy lợi.”

8. Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 19. Chính sách hỗ trợ do thiên tai

Trường hợp khi thiên tai xảy ra gây hư hỏng công trình thủy lợi, mất mùa, thiệt hại về năng suất, sản lượng cây trồng. Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần chi phí để sửa chữa, khôi phục lại công trình do thiên tai phá hoại, hỗ trợ một phần chi phí cho người trực tiếp sản xuất (giống và các hỗ trợ khác theo quy định) từ nguồn dự phòng ngân sách của địa phương (sau khi cân đối); quỹ phòng chống thiên tai; đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và xin hỗ trợ từ nguồn ngân sách của Trung ương (Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa; hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn; các nguồn khác theo quy định), với nội dung như sau:

1. Tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ thủy lợi (bơm tưới, tiêu nước; bơm tưới tiêu nước kết hợp; cấp nước; thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt; bảo vệ đê bao chống lũ tiểu vùng và thủy lợi khác) phải tập trung bơm chống hạn, chống úng vượt quá mức độ bình thường để kịp thời hạn chế thiệt hại thấp nhất về sản xuất:

a) Tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ thủy lợi (bơm tưới, tiêu nước; bơm tưới tiêu nước kết hợp; cấp nước; thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt; bảo vệ đê bao chống lũ tiểu vùng và thủy lợi khác) lập báo cáo ngay tình hình bơm chống hạn, chống úng với đầy đủ các nội dung về diện tích, thời gian, mức nước cần bơm và sự trợ giúp về phương tiện, nhiên liệu, điện năng. Đồng thời đề nghị được hỗ trợ chi phí nhiên liệu, điện năng để bơm tưới, tiêu nước, cấp nước và thủy lợi khác vượt định mức theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 32 Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

b) Nhà nước chỉ hỗ trợ chi phí nhiên liệu, điện năng để bơm tưới, tiêu nước, cấp nước và thủy lợi khác vượt định mức của tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ thủy lợi khi hợp đồng với tổ chức, cá nhân với hình thức khoán gọn bơm tưới và tiêu úng cả năm, so với mức phí trong điều kiện bình thường;

c) Đối với những tiểu vùng sản xuất được tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hợp đồng (bơm tưới, tiêu nước; bơm tưới tiêu nước kết hợp; cấp nước; thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt; bảo vệ đê bao chống lũ tiểu vùng và thủy lợi khác) cho từng vụ hoặc phát sinh theo từng đợt cục bộ thì tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ được hỗ trợ chi phí nhiên liệu, điện năng để bơm tưới, tiêu nước vượt định mức;

d) Chi phí nhiên liệu, điện năng vượt định mức được xác định trên cơ sở định mức bơm tưới, tiêu nước bình quân hàng năm trong điều kiện bình thường của khu vực hoạt động dịch vụ.

2. Trường hợp thiên tai bất khả kháng làm hư hỏng các công trình thủy lợi (ngoài kế hoạch của tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ) ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ gây thiệt hại cho sản xuất. Tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ phải tập trung bảo vệ, khắc phục kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất hư hỏng công trình và thiệt hại sản xuất:

a) Tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ phải báo cáo khẩn cấp về tình trạng hư hỏng cần bảo vệ, khắc phục công trình thủy lợi và yêu cầu sự trợ giúp nếu không đủ khả năng xử lý. Đồng thời đề nghị được hỗ trợ chi phí sửa chữa công trình; theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật Thủy lợi; Điểm b, Điểm e Khoản 1Điều 30 Luật Phòng, chống thiên tai;

b) Chi phí sửa chữa công trình được xác định trên cơ sở công trình đó đã và đang đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động cung ứng dịch vụ.

3. Trường hợp thiên tai xảy ra gây mất mùa hoặc giảm năng suất cây trồng:

a) Tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ thực hiện miễn, giảm giá dịch vụ bơm tưới, tiêu nước cho những tổ chức, cá nhân sử dụng nước, lập hồ sơ xin cấp phần thủy lợi phí dịch vụ thủy lợi bị thất thu trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

b) Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cho người trực tiếp sản xuất như giống và các hỗ trợ khác theo quy định Điều 36 Luật Thủy lợi và Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.”

9. Khoản 3 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 22. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3. Đề xuất và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi tạo nguồn đối với những hệ thống công trình thủy lợi có quy mô lớn; quản lý, duy tu công trình đê điều, công trình phân lũ và các công trình phòng chống thiên tai.”

10. Khoản 3 Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 24. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

3. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tạo nguồn do cấp huyện quản lý (Trạm Thủy lợi liên huyện).”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ngày 15 tháng 01 năm 2021.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Tổng cục Thủy lợi;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- TT. UBND tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Công báo-Tin học;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 72/2020/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh An Giang kèm theo Quyết định 43/2018/QĐ-UBND

  • Số hiệu: 72/2020/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản