Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH DÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 715/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 29 tháng 12 năm 2011

 
QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 2120/QĐ-CTUBND ngày 21/9/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Ban Điều hành Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể liên quan và Chủ tịch UBND các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, Ban Điều hành Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh liên quan, Chủ tịch UBND các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Lộc

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 715/QĐ-UBND ngày 29 /12/2011 của UBND tỉnh Bình Định)

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Tỉnh Bình Định có 3 huyện miền núi: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh. Ngoài ra huyện Tây Sơn có 3 xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Hoài Ân có 3 xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số, Phù Cát có 1 xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 33 xã miền núi là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số (An Lão: 10, Vĩnh Thạnh: 9, Vân Canh: 7, Hoài Ân: 3, Tây Sơn: 3 và Phù Cát: 1).

Miền núi Bình Định chiếm gần 2/3 diện tích đất liền toàn tỉnh, có 31 dân tộc thiểu số đang sinh sống với hơn 32 ngàn dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 2% dân số toàn tỉnh; có 3 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời: Chăm H’roi, Bana K’riêm, H’rê. Các dân tộc thiểu số ở Bình Định trong quá trình tồn tại và phát triển đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa phù hợp với môi trường địa lý, mang đậm bản sắc tộc người. Kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Bình Định nhiều năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hoạt động văn hóa miền núi góp phần không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số thời gian qua được các cấp, ngành quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều lễ hội dân gian được khơi dậy, phát huy nét đẹp truyền thống của các dân tộc thiểu số. Các loại hình nghệ thuật dân gian, hoạt động văn hóa đã được phát huy trong dịp hội diễn, liên hoan, ngày hội. Một số thiết chế văn hóa truyền thống ở vùng miền núi được quy hoạch, xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng một phần về nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, trước sự bùng nổ thông tin, giao lưu văn hóa và hội nhập hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc miền núi vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; các tập tục lạc hậu vẫn còn gây tác hại đến đời sống văn hóa của đồng bào; một số nét văn hóa tốt đẹp các dân tộc thiểu số chưa được gìn giữ và phát huy đúng mực và có nguy cơ mai một trong quá trình phát triển. Nhìn chung, khoảng cách đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số với vùng đồng bằng, đô thị còn chênh lệch xa; cần ưu tiên đầu tư, phát triển cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có nguy cơ bị mai một bản sắc văn hóa, cần quan tâm các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số trọng điểm: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm vào phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

- Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn có các dân tộc thiểu số có nguy cơ biến dạng văn hóa ở mức cao (các dân tộc rất ít người không có điều kiện tự bảo vệ văn hóa của mình, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tại những khu vực tái định cư). Phát huy vai trò chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc.

- Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; góp phần giảm sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.

- Tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

2. Mục tiêu cụ thể

Kế hoạch được triển khai theo 2 giai đoạn

a. Giai đoạn 1 (2011 - 2015)

- Hoàn thành việc thống kê về giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở từng địa phương về văn hóa gia đình, văn hóa làng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

- Cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất ít người ra khỏi tình trạng giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc.

- 50 - 60% làng (làng, thôn) của đồng bào các dân tộc thiểu số có nhà văn hóa (nhà rông hoặc nhà văn hóa, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng) tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện.

- Định hình và triển khai xây dựng đời sống văn hóa tại các khu tái định cư của đồng bào các dân tộc thiểu số.

- 50 - 60% cán bộ làm công tác văn hóa tại vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình (hoặc của dân tộc anh em có thời gian sinh sống lâu trên địa bàn, hiểu biết sâu về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa) đã được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành.

- Mỗi huyện có đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất 1 nghề truyền thống; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian được định hướng phát huy; xây dựng mô hình làng văn hóa - du lịch đặc trưng góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

- 100% các dân tộc thiểu số hiện có trên địa bàn tỉnh được kiểm kê tài sản văn hóa của dân tộc mình; hoàn thành bộ chỉ số phát triển văn hóa dân tộc đến năm 2020.

b. Giai đoạn 2 (2016 - 2020)

- Đẩy mạnh việc khai thác, phát huy tác dụng các di sản văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

- 70 - 85% số làng có nhà văn hóa tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện.

- 70 - 90% cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình hoặc của dân tộc anh em sống trong địa bàn đã qua bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn của ngành.

- Mỗi huyện có đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ, phát triển ít nhất hai nghề truyền thống, dân ca, dân vũ hoặc hoạt động du lịch đặc trưng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

- Các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

- Cơ bản hoàn thành việc bảo tồn khẩn cấp và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.

III. NỘI DUNG

1. Khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng các giá trị văn hóa truyền thống

Tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê và đánh giá thực tế, đầy đủ hơn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Báo cáo chi tiết thực trạng và những giá trị văn hóa có nguy cơ mai một cần ưu tiên bảo tồn và phát huy.

- Cơ quan chủ trì: UBND các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số.

- Cơ quan phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2011 - 2012.

2. Triển khai Dự án Xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020; tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.

- Thời gian thực hiện: 2012 - 2015.

3. Triển khai Dự án Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.

 - Thời gian thực hiện: 2011 - 2020.

 4. Triển khai Dự án Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.

- Thời gian thực hiện: 2012 - 2020.

5. Triển khai Dự án Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.

- Thời gian thực hiện: 2011 - 2020.

6. Triển khai Dự án Giới thiệu quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc vào trường học

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.

- Thời gian thực hiện: 2012 - 2020.

7. Triển khai Dự án Chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc cấp huyện, tỉnh, liên tỉnh giai đoạn 2011 - 2020

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện nơi diễn ra các hoạt động, lễ hội, biểu diễn văn hóa nghệ thuật.

- Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Định, UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.

- Thời gian thực hiện: 2011 - 2020.

IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí dự kiến: 24 tỷ đồng

- Giai đoạn 1 (2011 - 2015): 16,3 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2 (2016 - 2020): 7,7 tỷ đồng.

2. Nguồn vốn

- Nguồn ngân sách nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện)

- Nguồn vốn lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

- Nguồn vốn huy động xã hội hóa, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước

- Nguồn vốn do nhân dân đóng góp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Điều hành thực hiện

Giao Ban Điều hành Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai Kế hoạch, phân công các thành viên thực hiện nhiệm vụ và phối hợp các thành viên liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch này.

2. Phân công trách nhiệm

a. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì triển khai các dự án thành phần của Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Xây dựng kế hoạch hàng năm, 5 năm, thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để cân đối bố trí vốn ngân sách thực hiện Kế hoạch.

- Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, thanh tra, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch, tổng hợp kết quả thực hiện các dự án thành phần hàng năm, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ Công tác giúp việc cho Ban Điều hành Đề án.

b. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cân đối nguồn vốn, lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội để thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc chỉ đạo, thanh tra, giám sát thực hiện Kế hoạch.

- Chỉ đạo và phối hợp thực hiện Dự án Xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020; tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số.

c. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát trong việc bố trí ngân sách thực hiện hàng năm, đảm bảo theo Kế hoạch, mục tiêu và tiến độ các dự án thành phần của Đề án đề ra.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý tài chính, kinh phí triển khai thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan bố trí kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Điều hành Đề án, xây dựng chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với thành viên Ban Điều hành Đề án và Tổ Công tác giúp việc.

d. Ban Dân tộc tỉnh

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, hội đoàn thể và UBND các huyện liên quan triển khai những vấn đề thuộc những nội dung đã được phân công trong Kế hoạch.

đ. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tổ chức tuyền truyền về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh, xuất bản các tài liệu tuyên truyền, mở chuyên mục trên một số bản tin; xây dựng modul và tổng hợp thông tin về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh.

- Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục giúp cán bộ, nhân dân hiểu rõ, tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

e. Các sở: Nội vụ, Giáo dục - Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan, tổ chức và hội nghề nghiệp có liên quan

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, chỉ đạo theo ngành, lĩnh vực và theo dõi lĩnh vực chuyên môn; xây dựng kế hoạch thống nhất và lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, dự án, các phong trào, cuộc vận động nhằm triển khai các nội dung, chính sách liên quan để thực hiện đúng, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra của Kế hoạch

g. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên các cấp và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn; phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung của Kế hoạch đã đề ra.

h. UBND các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát

- Tổ chức thực hiện các dự án thành phần trên địa bàn quản lý; các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão thành lập ban điều hành cấp huyện để triển khai Kế hoạch trên địa bàn do đại diện lãnh đạo UBND huyện làm trưởng ban, đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin làm phó trưởng ban thường trực, đại diện lãnh đạo Phòng Dân tộc làm phó trưởng ban và đại diện một số phòng, ban có liên quan làm thành viên.

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch trên địa bàn huyện theo đúng nội dung của các dự án thành phần khi được triển khai và các quy định hiện hành của pháp luật.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thuộc địa bàn triển khai Kế hoạch theo trách nhiệm được giao.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo cơ quan thường trực Ban Điều hành Đề án của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 715/QĐ-UBND năm 2011 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 715/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Lê Hữu Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản