Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 703/QĐ-BNN-VPĐP | Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2024 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Tài liệu tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Hà Nội, 2024
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG VÀ KHUNG CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN
1. Mục tiêu tập huấn, bồi dưỡng
1.1. Mục tiêu tổng quát
1.2. Mục tiêu cụ thể
2. Đối tượng tập huấn, bồi dưỡng
3. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng
3.1. Khung chương trình tập huấn, bồi dưỡng:
3.2. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng
3.3. Thời gian tập huấn, bồi dưỡng:
PHẦN 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ MÔ HÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG (DLCĐ) NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.1. Các khái niệm cơ bản có liên quan
1.2. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
1.2.1. Kinh nghiệm về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
1.2.2. Kinh nghiệm về quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn
1.3. Kinh nghiệm về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam
1.3.1. Một số mô hình phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam
1.3.2. Khó khăn trong phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn
1.3.3. Một số xu hướng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
PHẦN 2: PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI VIỆT NAM
2.1. Thành tựu của Việt Nam về xây dựng nông thôn mới
2.2. Vai trò của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn và Chương trình OCOP đối với phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
2.3. Định hướng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
2.3.1. Một số chính sách liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
2.3.2. Định hướng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn Việt Nam gắn với xây dựng nông thôn mới
2.3.3. Một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
PHẦN 3: CƠ SỞ XÂY DỰNG VÀ ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
3.1. Xác định tài nguyên xây dựng mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
3.2. Hướng dẫn xây dựng sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
3.3. Một số định hướng về tiêu chí mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
3.4. Xây dựng mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn theo Bộ tiêu chí về sản phẩm OCOP
3.5. Hướng dẫn đánh giá về quản trị rủi ro và giải pháp khắc phục trong mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
PHẦN 4: HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC MÔ HÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
4.1. Phương pháp xây dựng mô hình và cơ chế quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
4.2. Hướng dẫn xây dựng mô hình quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
4.3. Hướng dẫn xây dựng cơ chế quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
4.4. Đề xuất một số mô hình quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
4.4.1. Hợp tác xã du lịch cộng đồng
4.4.2. Ban quản lý (tổ điều phối) DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
4.4.3. Câu lạc bộ du lịch cộng đồng
4.4.4. Hội quán cùng nhau làm du lịch
PHẦN 5: PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THEO CHUỖI GIÁ TRỊ
5.1. Tổng quan chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
5.2. Thành phần, tác nhân trong chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
5.3. Các tác nhân tham gia chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
5.4. Xác định hình thức liên kết trong chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
PHẦN 6: MỘT SỐ KỸ NĂNG, NGHIỆP VỤ VỀ DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược, trong đó khẳng định: Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ), theo đó, việc phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Đây là tiền đề để du lịch nông nghiệp, nông thôn tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, trở thành một yếu tố động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch.
Khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng và có nhiều dư địa để phát triển, là cơ sở để xác định các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc của các địa phương. Trong thời gian vừa qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương (về sản phẩm nông nghiệp, cảnh quan, văn hoá lịch sử, ẩm thực...). Bên cạnh đó, các thành tựu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đóng góp đáng kể vào các sự phát triển của du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các khu vực nông thôn Việt Nam. Các địa phương đã xác định khá rõ các tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, song công tác phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn thiếu trọng tâm, chưa phù hợp với tiềm năng lợi thế, đặc trưng của nhiều địa phương; nhiều mô hình du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ và trùng lặp, chưa khai thác được thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa và tài nguyên nông nghiệp của địa phương; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đặc sắc, chưa gắn với đặc thù và sản phẩm đặc sản của từng địa phương, còn mang tính tự phát và mùa vụ,...
Trong bối cảnh, du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi sau đại dịch Covid 19, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một hướng đi mới, giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời theo đúng định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa ngành, đa giá trị.
Để định hướng, hướng dẫn phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Tài liệu tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn, là cơ sở để các địa phương tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy về xây dựng mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai, Bộ đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, các nhà khoa học. Tuy nhiên, do thời gian ngắn, chưa thể đáp ứng được hết những yêu cầu đã và đang phát sinh trên thực tiễn ở các địa phương, rất mong nhận được ý kiến góp ý của Quý đọc giả để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG VÀ KHUNG CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN
1. Mục tiêu tập huấn, bồi dưỡng
1.1. Mục tiêu tổng quát
Tài liệu tập huấn góp phần nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy về phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gắn với phát huy tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
1.2. Mục tiêu cụ thể
Tài liệu tập huấn nhằm góp phần trong hoàn thành mục tiêu cụ thể của Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cụ thể:
Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn;
Mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương;
Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, ...
2. Đối tượng tập huấn, bồi dưỡng
- Cán bộ quản lý Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM), cán bộ làm công tác về phát triển du lịch các cấp;
- Cán bộ tư vấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn;
- Các doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn;
- Cộng đồng, người dân có liên quan về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
3. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng
3.1. Khung chương trình tập huấn, bồi dưỡng:
Khung chương trình tập huấn, bồi dưỡng về phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gồm 6 nhóm nội dung cơ bản sau:
- Nội dung 1: Một số vấn đề về mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
- Nội dung 2: Phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
- Nội dung 3: Cơ sở xây dựng và đánh giá mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
- Nội dung 4: Hướng dẫn xây dựng cơ chế quản lý và tổ chức mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
- Nội dung 5: Phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo chuỗi giá trị.
- Nội dung 6: Một số kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
3.2. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng:
- Đối với các khóa tập huấn cho cán bộ quản lý Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng NTM, cán bộ làm công tác về phát triển du lịch các cấp; cán bộ tư vấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn: Nội dung tập huấn tập trung vào Nội dung từ 1 - 5 của Khung chương trình.
- Đối với cộng đồng, người dân, các tổ chức, cá nhân làm du lịch: Nội dung tập huấn gồm các Nội dung từ 1 - 6 của Khung chương trình.
Các chuyên đề (bài giảng) có thể bổ sung, cập nhật thông tin, số liệu ngoài các nội dung đã được trình bày trong tài liệu để phù hợp với thực tế.
3.3. Thời gian tập huấn, bồi dưỡng:
Căn cứ vào điều kiện thực tế tại các địa phương, các bộ ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, trong đó quy định cụ thể về thời gian tổ chức, tuy nhiên cần đảm bảo các yêu cầu chung như sau:
- Tổng thời gian của mỗi khóa tập huấn không dưới 02 ngày, trong đó có ít nhất 01 buổi khảo sát thực tế hoặc thực hành.
- Mỗi nhóm nội dung của Khung chương trình cần xây dựng ít nhất 01 chuyên đề (bài giảng) để tập huấn, bồi dưỡng.
- Chuyên đề (bài giảng) bổ sung thêm ngoài Khung chương trình gắn với đặc điểm và nhu cầu của từng địa phương (nếu có) chiếm không quá 25% tổng thời gian tổ chức khóa tập huấn.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ MÔ HÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.1. Các khái niệm cơ bản có liên quan
a) Du lịch:
Theo Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 thì “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”. Đây là khái niệm chính thống được sử dụng phổ biến trong tất cả văn bản liên quan đến du lịch tại Việt Nam, thiên về tính hành chính để quản lý. Bên cạnh đó, một số khái niệm du lịch khác lại nhấn mạnh đến tính chất khoa học của khái niệm này.
Theo Trần Đức Thanh và cộng sự (2022) thì du lịch là: hoạt động (xã hội, kinh tế, đào tạo và nghiên cứu) liên quan đến sự di chuyển và lưu trú tạm thời của con người vào thời gian rảnh rỗi ở ngoài nơi ở thường xuyên của họ nhằm mục đích nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần, nâng cao nhận thức tại chỗ về thế giới xung quanh. Khái niệm này nhấn mạnh đến tính chất xã hội phức tạp của du lịch, nó là một ngành khoa học hơn là một hoạt động của con người. Du lịch là một phức hợp hoạt động đòi hỏi vừa có tính chất kinh tế, vừa có tính chất xã hội và đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan khác nhau, trong đó có cộng đồng địa phương.
b) Du lịch nông nghiệp:
Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Có nhiều thuật ngữ tiếng Anh tương đương với nội hàm du lịch nông nghiệp, như: agritourism, agricultural tourism, agri-tainment, farm recreation, entertainment agriculture ... Lobo R. (1999) định nghĩa du lịch nông nghiệp là khái niệm chỉ hoạt động đến tham quan một nông trại hoặc một cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm mục đích thư giãn giải trí, nâng cao nhận thức, có thể chủ động tham gia vào hoạt động của nông trại hoặc cơ sở đó.
Nhìn chung, du lịch nông nghiệp là hình thức tham gia của du khách tại các không gian gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm thỏa mãn các nhu cầu ngắm cảnh, tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị tự nhiên và nhân văn, đồng thời góp phần đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho chủ sở hữu của điểm đến (Ngô Thị Phương Lan, Nguyễn Thị Vân Hạnh, Trần Tuyên, 2021). Du lịch nông nghiệp gắn với đời sống sản xuất của người nông dân và toàn bộ các tài nguyên du lịch ở khu vực nông thôn bao gồm sinh cảnh nông thôn, văn hoá nông thôn và các thành tựu của quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
c) Du lịch sinh thái:
Theo Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 thì “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường”. Trong khái niệm này nhấn mạnh đến yếu tố dựa vào thiên nhiên nhưng cần gắn với bản sắc văn hóa của cộng đồng bản địa, đây cũng là những chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái, các mục tiêu phát triển du lịch sinh thái gắn với giáo dục bảo vệ môi trường.
Các tổ chức quốc tế về du lịch sinh thái cũng đưa ra những khái niệm cho lĩnh vực nghiên cứu của mình: “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch có mục đích tìm hiểu các khu tự nhiên, hiểu biết về lịch sử văn hóa và lịch sử tự nhiên của môi trường, nhưng không làm biến đổi tình trạng của hệ sinh thái, đồng thời địa phương có cơ hội để phát triển kinh tế, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và lợi ích tài chính cho cộng đồng địa phương đó” (Hiệp hội Du lịch sinh thái Hoa Kỳ, 1998). Du lịch sinh thái cũng có mối quan hệ nhất định với du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn khi gắn với các vùng sinh thái đặc trưng về tự nhiên và văn hoá. Du khách đến tham quan các khu vực tự nhiên đồng thời tìm hiểu về văn hoá, lịch sử địa phương hướng đến phát triển bền vững.
d) Du lịch cộng đồng (DLCĐ):
Tại Việt Nam, cho đến nay, có nhiều định nghĩa về du lịch cộng đồng:
- Luật Du lịch năm 2017 định nghĩa “DLCĐ là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”. Tác giả Trần Thị Mai (2005) cho rằng “DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là hoạt động tương hỗ giữa các đối tác liên quan, nhằm mang lại lợi ích về kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương, bảo vệ được môi trường và mang đến cho du khách kinh nghiệm mới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có dự án”. Cùng quan điểm trên, tác giả Bùi Thị Hải Yến (2012) định nghĩa “DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là phương thức phát triển bền vững mà ở đó cộng đồng địa phương có sự tham gia trực tiếp và chủ yếu trong các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động du lịch”.
- Theo Nguyễn Văn Đính (2021), du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Du lịch cộng đồng bền vững cũng cần chú ý đến nguyên tắc công bằng trong phân chia lợi ích kinh tế tại mỗi điểm du lịch cộng đồng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và cùng bảo tồn, cùng phát triển.
Nhìn chung, du lịch cộng đồng nhấn mạnh đến khía cạnh tổ chức, quản lý hoạt động du lịch, trong đó yếu tố cộng đồng được đề cao, cộng đồng là chủ thể của hoạt động du lịch, tham gia vào quá trình quản lý, khai thác tiềm năng du lịch để cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch cho du khách và được phân phối lợi ích công bằng từ hoạt động du lịch này. Du lịch cộng đồng là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả đối với các cộng đồng tại khu vực nông thôn, tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp.
đ) Du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn:
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mô tả DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là “hoạt động du lịch diễn ra ở nông thôn” và giải thích thêm “DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là một hoạt động đa diện phức tạp, không chỉ là du lịch dựa vào nông nghiệp mà còn bao gồm các hoạt động tham quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng, đi bộ, leo núi; thưởng thức ẩm thực, văn hóa - nghệ thuật” (Ngô Thị Thu Trang, 2020).
Các quan điểm hiện nay cho rằng DLCĐ nông nghiệp, nông thôn chỉ toàn bộ các hoạt động du lịch khai thác các tài nguyên du lịch diễn ra ở không gian nông thôn, gắn với đời sống nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp và người nông dân. DLCĐ nông nghiệp, nông thôn không chỉ dùng để phân biệt hoạt động du lịch diễn ra ở không gian nông thôn và không gian thành thị mà còn nhấn mạnh vào tính chất của đời sống nông thôn, gắn với người nông dân và văn hoá bản địa. Đẩy mạnh phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững (Quyết định 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).
Các hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn ngày này đa số diễn ra với yếu tố nông nghiệp và người nông dân là chủ đạo, người nông dân tham gia vào quá trình cung cấp, sản phẩm du lịch và tạo thêm nguồn thu cùng hoạt động canh tác. Giá trị nông sản từ đó cũng được gia tăng khi bán cho du khách thay vì bán tại các thị trường truyền thống. Ở một số mô hình, sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch rất rõ nét, đã có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn cũng ra đời từ đó. Có thể thể nói, Du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn chỉ hoạt động du lịch cộng đồng do người nông dân làm chủ thể, diễn ra trong không gian nông thôn gắn với yếu tố sản xuất nông nghiệp. Phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn phải luôn lấy người nông dân làm trọng tâm, khuyến khích họ tham gia vào các công việc quản lý mô hình và phân chia công bằng lợi ích cho họ.
Trong tài liệu này, khái niệm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn được sử dụng với các đặc điểm chính như sau:
- Chủ thể của hoạt động du lịch là người dân nông thôn.
- Hoạt động du lịch diễn ra trong bối cảnh không gian nông thôn.
- Hoạt động du lịch dựa trên hoạt động sản xuất nông nghiệp và giá trị văn hoá, giá trị cảnh quan của mỗi địa phương.
- Hoạt động du lịch khai thác các thành tựu của các chương trình trong xây dựng NTM trong đó có Chương trình OCOP.
- Mục đích của sự phát triển hướng đến người dân nông thôn.
e) Quản lý du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn:
Quản lý du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn là chỉ toàn bộ công tác quản lý hành chính của chính quyền các cấp đối với các hoạt động du lịch cũng như hoạt động quản trị, điều hành của chính các mô hình đó. Hoạt động quản lý du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn chủ yếu diễn ra với hai nội dung: quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương và quản lý hoạt động của mô hình. Công tác quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương đều diễn ra gắn với hoạt động quản trị kinh tế - xã hội của nhà nước, trong khi đó, vấn đề quản lý hoạt động của các mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn vẫn còn gặp nhiều hạn chế vì chưa xác định rõ mô hình, cơ chế quản lý và chủ thể tham gia quản lý.
Chính quyền địa phương là cơ quan quản lý Nhà nước tại địa bàn, thấp nhất là UBND xã , phường, thị trấn và các cấp cao hơn. Đây là đơn vị quản lý toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó có DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch là cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực như Phòng Văn hóa - Thông tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cấp cao hơn. Các hoạt động quản lý cơ bản như đăng ký kinh doanh nói chung, khai báo lưu trú, quản lý môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, các hoạt động liên quan thuế, công tác quản lý chuyên môn du lịch, xúc tiến, quảng bá, ... Do đó, các mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn cần tìm kiếm sự ủng hộ và tạo điều kiện từ các cơ quan này, ngược lại các cơ quan này cũng cần phát hiện và đầu tư cho hoạt động du lịch địa phương bởi những ý nghĩa mà hoạt động này mang lại. Đây là mối quan hệ hai chiều, tương hỗ và không nên có bất kỳ sự áp đặt hay bất công đối nào để đảm bảo người dân là chủ thể và cơ quan quản lý là người ủng hộ.
Chính quyền địa phương tham gia vào các công việc, các công việc phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn như sau:
- Quản lý, tổ chức, giám sát việc lập, ra quyết định thực hiện trong quá trình quy hoạch du lịch.
- Tham gia xây dựng, thực thi các quy định, quy phạm về bảo vệ, tôn tạo, khai thác tài nguyên du lịch.
- Theo dõi, giám sát, ủng hộ hoặc phản đối các kế hoạch nắm quyền sử dụng đất; các kế hoạch vay, sử dụng, thu hồi vốn vay; các kế hoạch bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch; các hoạt động kinh doanh du lịch của cộng đồng; các hoạt động của du khách; các nguồn thu, chi từ du lịch theo pháp luật và quy định.
Bên cạnh đó, cộng đồng địa phương (CĐĐP) cũng tham gia vào quá trình quản lý du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn như một chủ thể chính. CĐĐP là đối tượng then chốt, chủ thể của toàn bộ hoạt động du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn bởi họ là chủ sở hữu của các giá trị tài nguyên du lịch tại địa phương. Họ có trách nhiệm bảo tồn văn hóa bản địa, tài nguyên du lịch và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều nghiên cứu và mô hình thực tiễn cho thấy rằng nếu CĐĐP không đóng vai trò chủ thể trong du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn thì các mô hình khó bền vững và khả thi, dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột lợi ích.
Cộng đồng địa phương là người kiểm soát các giá trị về mặt tài nguyên du lịch để hỗ trợ du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức của mình khi có cơ hội tiếp cận hệ thống tài nguyên du lịch tại không gian sinh sống của cộng đồng địa phương. Điều này cho thấy vai trò của cộng đồng địa phương trong việc hình thành nên những tổ, nhóm khai thác các dịch vụ du lịch tương ứng với tài nguyên của mỗi địa phương và đồng thời cộng đồng cũng là đối tượng bảo tồn các giá trị tài nguyên này.
Nhìn chung, hoạt động quản lý du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn hiện nay chủ yếu là quản lý hành chính nhà nước, một số nơi cũng đã bắt đầu làm công tác quản lý chuyên môn, tuy vậy, công tác quản lý trực tiếp hoạt động của các mô hình còn chưa rõ nét vì chưa có những mô hình được tổ chức chính thức đi cùng các cơ chế quản lý được thực thi.
g) Chuỗi giá trị và chuỗi giá trị du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn:
Thuật ngữ chuỗi giá trị được sử dụng trong những năm 60 - 70 của thế kỷ XX bởi các nhà phân tích kế hoạch trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ (Mete & Acuner, 2014). Nguồn gốc của phân tích chuỗi giá trị xuất phát từ khái niệm chuỗi (filière) ở Pháp những năm 1960 và khái niệm chuỗi ngành hàng (commodity chains) của Wallerstein (Nguyễn Quốc Nghi, 2015). Tuy nhiên, cụm từ chuỗi giá trị (value chain) được đề cập lần đầu tiên bởi Michael Porter (1985) khi phân tích tính cạnh tranh của doanh nghiệp, theo đó chuỗi giá trị là một tập hợp các hoạt động để đưa một sản phẩm từ khi còn là ý tưởng đến khi được sản xuất, đưa vào sử dụng và các dịch vụ hỗ trợ (Ngô Thị Phương Lan, Nguyễn Thị Vân Hạnh, 2020).
Theo Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ, 2008), chuỗi giá trị là: Một loạt các hoạt động kinh doanh (hay chức năng) có quan hệ với nhau từ cung cấp các đầu vào cụ thể cho một sản phẩm nào đó, đến sơ chế, chuyển đổi, marketing, đến việc cuối cùng là bán sản phẩm đó cho người tiêu dùng.
Chuỗi giá trị du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn là tổng thể sự tham gia của các bên vào quá trình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn và có sự tác động qua lại lẫn nhau để đảm sản phẩm được cung cấp đến du khách hiệu quả, mang lại giá trị cho các bên liên quan tham gia vào chuỗi này (Ngô Thị Thu Trang, 2022). Các bên liên quan chủ yếu như cộng đồng địa phương (chủ yếu là nông dân), chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, du khách, các đơn vị hỗ trợ, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tư vấn, … Tuy vậy, hiện nay các chuỗi chủ yếu là cộng đồng địa phương - chính quyền địa phương - doanh nghiệp và du khách, trong đó hoạt động của doanh nghiệp còn khá mờ nhạt, chủ yếu là kết nối đưa du khách đến thay vì tham gia phát triển sản phẩm, dịch vụ của chuỗi. Tương tự, chính quyền địa phương đa phần làm công tác quản lý hành chính nhà nước mà chưa có nhiều hoạt động phát triển du lịch địa phương như xúc tiến, quảng bá, kết nối các bên liên quan, …
h) Tiếp cận về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đề ra, với mục tiêu xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.
Đề cập lần đầu tiên trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông thôn mới được định nghĩa là nông thôn tiến bộ, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đời sống văn hóa phong phú. Cùng với đó, nông thôn mới cũng phải giữ được tính truyền thống, những nét đặc trưng nhất, bản sắc nhất của từng vùng, từng dân tộc và nâng cao giá trị đoàn kết của cộng đồng, mức sống của người dân. Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới cần có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại với cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ, gắn với đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Trên cơ sở những kết quả triển khai Nghị Quyết số 26-NQ-TW, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định rõ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hoá dân tộc cao đẹp. Chú trọng các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.
Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) hay “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gần đây đã được nhiều học giả và các nhà hoạch định chính sách quan tâm như một chiến lược phát triển nông thôn (Igusa, K, 2006). Khái niệm OVOP này ban đầu bắt đầu ở tỉnh Oita, Nhật Bản, vào năm 1979, bởi Morihiko Hiramatsu, một ý tưởng cho chính sách phát triển khu vực. Nhận thức ban đầu về OVOP là để truyền cảm hứng cho các cộng đồng ở Oita về việc sản xuất có chọn lọc hàng hóa giá trị gia tăng chất lượng cao.
Tại Việt Nam, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018-2020 đã được Chính phủ phê duyệt qua Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018. Trong đó xác định, khái niệm quan điểm thực hiện Chương trình OCOP như sau: “Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện”.
Chương trình đã mang lại những kết quả ấn tượng và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều vùng nông thôn trên khắp cả nước: Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP; Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ; Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số; Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu, … (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2021). Trên cơ sở kết quả của Chương trình giai đoạn 2018-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở để các địa phương tiếp tục triển khai chương trình.
1.2. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
1.2.1. Kinh nghiệm về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
a) Đài Loan là Quốc gia triển khai thực hiện đưa mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn vào phục vụ khách du lịch từ những năm 80 của thế kỷ XX. Các khu vực quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn được xây dựng dựa trên nền tảng cụm kinh tế và các trang trại du lịch tư nhân, giúp nông dân chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp kết hợp giải trí hình thành nên những trang trại nghỉ dưỡng. Mô hình du lịch nông nghiệp. Nhờ vào phát triển du lịch tại các vùng nông thôn. Đài Loan đã hạn chế được việc di dân từ nông thôn lên thành thị, chặn đứng được sự đô thị hóa do quá trình công nghiệp hóa xâm lấn xuống các vùng nông thôn. Ưu tiên bảo tồn và quy hoạch những vùng đất đặc hữu của những giống cây trồng mang lợi thế vùng miền các cảnh đẹp thiên nhiên được bảo tồn, sự đa dạng sinh học không bị phá hủy.
Đài Loan ưu tiên phát triển thành du lịch nông nghiệp, nông thôn theo chủ đề, trở thành một mô hình sống xanh kiểu mẫu, du lịch lữ hành, cùng với các chức năng giải trí nghỉ dưỡng, du lịch hồi phục sức khỏe, giáo dục di sản, bảo tồn văn hoá, v.v.
Ví dụ như vườn cây Tân Phong ở Tân Xã , Đài Trung, du khách đến đây được thưởng thức quả tươi và trải nghiệm hoạt động hái quả trên cây. Đối với trang trại tổng hợp, ngoài việc cung cấp các hoạt động trải nghiệm, nơi đây còn có khu vui chơi giải trí, cung cấp dịch vụ ăn uống và lưu trú cho khách. Tại nông trường chăn nuôi Flying Cow ở thị trấn Thông Tiêu, huyện Miêu Lật, du khách có thể trải nghiệm hoạt động vắt sữa bò, cho bê con ăn hay thưởng thức lẩu sữa tươi, nghỉ qua đêm tại khu nhà nghỉ và cảm nhận hương sắc thiên nhiên.
Bên cạnh đó là các hoạt động trải nghiệm khác nhau theo từng mùa, tận dụng các nguồn tài nguyên tại chỗ, kết hợp nhập công nghệ tiên tiến và các hoạt động phong phú khiến du khách cảm thấy thú vị và mới mẻ, nhờ đó có sức cạnh tranh cao. Với kết quả của việc triển khai chương trình nông thôn mới và chương trình OCOP tại Việt Nam trong thời gian dua tại các địa phương có thể triển khai mô hình này tại các địa phương.
b) Nhật Bản: Một trong những quốc gia có nhiều sáng tạo trong việc khai thác sản phẩm nông nghiệp trong phát triển du lịch ở các khu vực nông thôn và miền núi. Một trong những điển hình đó là thị trấn Yufuin thuộc tỉnh Oita, nằm trên quần đảo Kyushu, Nhật Bản là nơi hình thành và phát triển phong trào mỗi làng một sản phẩm OVOP (One Village One Product). Tỉnh trưởng tỉnh Oita lúc bấy giờ là tiến sĩ Morihiko Hiramatsu đã đưa những nông sản địa phương trở thành sản phẩm thu hút khách du lịch và cũng nhờ du lịch nông dân tại tỉnh Oita thương mại và giới thiệu nông sản của họ ra bên ngoài được tốt hơn. Cuối của thập kỷ 1970, người nông dân đã nhận thấy cần thiết phải có sự thay đổi trong phát triển kinh tế địa phương. Họ đã xác định các yếu tố để phát triển du lịch của Yufuin là sự kết hợp của sản phẩm nông nghiệp, phong cảnh nông thôn và nước khoáng nóng, mặc dù cả ba yếu tố này nếu so sánh riêng rẽ với các vùng lân cận thì hoàn toàn không thể cạnh tranh.
Sau đó, họ xây dựng quy hoạch phát triển, quy chế quản lý và phát triển du lịch địa phương và thành lập Hội đồng quản lý du lịch, thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý. Họ cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, tạo sự khác biệt cho điểm đến. Các sản phẩm gắn logo do người dân địa phương tự sản xuất. Trong làng sẽ sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do chính địa phương sản xuất, hạn chế tối đa việc nhập khẩu. Để phục vụ khách, người dân địa phương khôi phục, bảo tồn các món ăn truyền thống của Yufuin và sáng tạo ra các món ăn mới, sử dụng tối đa nguyên liệu là các sản phẩm nông nghiệp, làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch. Về sản phẩm trải nghiệm cũng phong phú và đa dạng như : Tour đạp xe thăm đồng và hái cà chua vào buổi sáng; tour du lịch thăm cánh đồng bằng tàu hỏa... Ngoài ra, người làm du lịch tại đây cũng ý thức bảo tồn các yếu tố truyền thống, gợi lại ký ức cho du khách về cuộc sống nông nghiệp ngày xưa”. Sau đó, họ xây dựng quy hoạch các điểm đến, quy chế quản lý và thành lập Hội đồng quản lý du lịch, thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý. Họ cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, tạo sự khác biệt cho điểm đến. Những người tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng sẽ được gắn logo của mô hình và những người tham gia vào mô hình du lịch sẽ phân theo các nhóm tương thích với hoạt động của họ và tham gia kiểm soát tiêu chuẩn của từng hoạt động. Để phục vụ khách, người dân địa phương khôi phục, bảo tồn các món ăn truyền thống của Yufuin và sáng tạo ra các món ăn mới, sử dụng tối đa nguyên liệu là các sản phẩm nông nghiệp, làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn xem du lịch ở vùng nông thôn như là phương thức để phục hồi cộng đồng nông thôn; giúp khẳng định lại vai trò của người phụ nữ ở nông thôn vì hoạt động này người phụ nữ trong gia đình có thể đảm đương chính yếu, giúp cho người phụ nữ ở nông thôn có thêm thu nhập và trở nên độc lập.
c) Trung Quốc: Tại đây các vườn du lịch sinh thái nông nghiệp được chú trọng phát triển. Kinh nghiệm phát triển của “Baili Dujuan” khu thắng cảnh, công viên quốc gia ở tỉnh Quý Châu cho thấy cảnh quan thiên nhiên cốt lõi tại đây là rừng nguyên sinh của đỗ quyên, trải dài trên 125,8 km2. Beili Dujuan đang tổ chức Lễ hội hoa đỗ quyên từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại đây gắn với loại hoa này, bộ nhận diện thương hiệu cũng từ đây. Ngoài ra một số vùng nông nghiệp công nghệ cao như tại làng Daicun ở huyện Lanling, tỉnh Sơn Đông. Các nhà lãnh đạo làng mới bắt đầu khám phá những cách thức sản xuất nông nghiệp hiện đại quy mô lớn. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, tất cả đất đai đã được tập trung hóa và hoạt động quy mô lớn theo hình thức cổ phần, hình thành những khu phức hợp nông thôn tích hợp khoa học nông nghiệp và trình diễn công nghệ, gieo trồng hạt giống và cây giống, ươm tạo công nghiệp và nông nghiệp giải trí.
d) Thái Lan:Thái Lan cũng là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh, với nhiều tiềm năng tài nguyên gắn với sản xuất nông nghiệp có thể phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Chủ thể tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp là cơ sở trang trại của hộ kinh doanh nông nghiệp. Giống như Nhật Bản, Thái Lan cũng có cuộc vận động mỗi làng một sản phẩm với mục đích làm đa dạng và phong phú cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp, tạo ra sức hút đối với khách du lịch. Chủ thể cung cấp các dịch vụ cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn là chủ các nông trại, các hội người làm vườn, hội những phụ nữ làm công tác chế biến và thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, vấn đề cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú cho khách du lịch ở Thái Lan chưa phát triển chỉ giới hạn trong phạm vi tổ chức và tạo không gian cho khách du lịch vãn cảnh, tổ chức sản xuất sản phẩm và tạo không gian tham quan và thưởng thức các sản phẩm là nông sản và trải nghiệm các hoạt động canh tác nông nghiệp tại các địa phương.
đ) Nepal: Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại đây chú trọng đến phương thức sản xuất truyền thống, tại quận Kagbeni VDC và Mustang, vùng đất với nhiều khó khăn và thiếu thốn về cơ sở vật chất. Người dân địa phương tin rằng truyền thống thực hành nông nghiệp giúp giữ văn hóa của Mustang với nhau và lan tỏa những giá trị văn hóa này ra bên ngoài với du khách. Ngoài ra với phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống đã tạo nên không gia thân thiện thu hút hàng ngàn con chim di cư đường dài như sếu Demoiselle và điều đó thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến làng. Nông dân sống bằng nghề nông kết hợp du lịch giúp việc thu được lợi nhuận cao hơn và họ nhận thức được rằng cần phải giữ phương thức sản xuất truyền thống với sản phẩm sạch an toàn sẽ tạo nên kinh tế bền vững cho họ.
Liên kết hỗ trợ phát triển du lịch của chính quyền địa phương tại đây thể hiện qua việc chính phủ Nepal đã cài đặt hai đường dây điện thoại ở Kagbeni VDC. Giao tiếp được cải thiện rất nhiều với thế giới bên ngoài. Ngoài ra, mỗi làng trong VDC được kết nối với điện và một trạm y tế nhỏ đã được mở ở Kagbeni VDC để cung cấp sơ cứu cơ bản cho người dân địa phương và du khách. Mặc dù hầu hết trẻ em bây giờ đã có thể có được giáo dục tiểu học, vẫn còn rất ít người có được giáo dục đại học tư nhân trường học trong thành phố. Cuối cùng, do chính phủ thành lập văn phòng tại Kagbeni VDC, đã có một dòng người ngoài Nepal, như giáo viên và sĩ quan chính phủ đến đây sinh sống và làm việc.
Cuối cùng, phân tích cách thức Kagbeni VDC ở Nepal liên kết giữa nông nghiệp và du lịch, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần các điều kiện phù hợp và có đủ thời gian, sự quan tâm của chính quyền địa phương đến cấp làng xã. Trong số rất nhiều lợi ích cho dân làng và cộng đồng do liên kết du lịch với nông nghiệp, hai trong số những điều hấp dẫn nhất là (1) khơi dậy mối quan tâm đến nông nghiệp truyền thống cho giới trẻ mà do lối sống hiện đại đã mai một nhanh chóng, (2) đã khuyến khích cả trẻ và già làm việc cùng nhau và học hỏi lẫn nhau, khuyến khích sự kết nối gia đình, các thế hệ gắn bó với nhau.
e) Ấn Độ: từ lâu đất nước Ấn Độ được biết đến là đất nước có nền nông nghiệp phát triển và là quốc gia khởi đầu cho cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất vào năm 1963, tập trung vào phát triển công nghệ nông nghiệp làm tăng năng suất sản lượng sản phẩm. Trên cơ sở cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất, Ấn Độ tiếp tục triển khai cuộc cách mạng xanh lần thứ hai, bao gồm việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, mở rộng các yếu tố đầu vào dịch vụ cho nông dân. Bên cạnh cuộc cách mạng xanh, Ấn Độ đồng thời tiến hành cuộc Cách mạng trắng (sản xuất sữa) trong những năm 70 của thế kỷ trước, tạo ra sự thay đổi lớn trong chăn nuôi.
Bước sang thế kỷ XXI, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp lần hai, công bố chính sách nông nghiệp mới với các nội dung chủ yếu là: Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp; Ưu tiên điện khí hóa nông thôn và thủy lợi; Xóa bỏ bao cấp trong nông nghiệp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu đề ra trong chính sách nông nghiệp mới, Ấn Độ đã đưa ra các chính sách đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và thu hút khách du lịch đến tham quan và học hỏi nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm quy trình tham quan du lịch nông nghiệp, nông thôn công nghệ cao. Cụ thể tại làng tại Malegaon, Taluka Baramati, Quận Pune, Maharashtra, Ấn Độ, các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn bao gồm các tour du lịch nông trại; trải nghiệm máy kéo và xe bò thồ và chương trình giáo dục nông nghiệp gắn với các loại cây ăn trái. Các trang trại còn được trang bị nơi lưu trú cho du khách.
g) Israel: Đây là quốc gia nổi tiếng với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao và là nơi học tập của nhiều nước nông nghiệp trên thế giới cho mô hình này. Các khu vườn nông nghiệp công nghệ cao là những điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước với mô hình trường học nông nghiệp. du khách đến các trang trại được học về quy trình sản xuất, công nghệ sử dụng và được tham gia trải nghiệm thực nghiệm nông nghiệp tại những trang trại. Ngày nay, ngành công nghiệp du lịch tại Israel được quy định và hỗ trợ bởi các Bộ: Bộ Du lịch và Nông nghiệp cũng như các tổ chức phi chính phủ khác. Ba chương trình hỗ trợ chính đang được sử dụng: chương trình làng du lịch, quỹ cho vay và bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và quỹ hỗ trợ vốn cho nông dân. Người dân được tập huấn chuyên sâu về các nghiệp vụ du lịch.
Nhìn chung nhiều quốc gia trên thế giới phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn từ rất sớm. Các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung lại thì nó có những đặc điểm sau đây:
- Địa bàn: vùng nông thôn nơi có hình thức sản xuất nông nghiệp như trồng tỉa, nuôi gia súc, đánh bắt thủy sản hay làm nghề truyền thống.
- Hoạt động dành cho khách bao gồm: ở ngoài đồng, ruộng, trang trại; trong làng xóm và các hộ gia đình.
- Dịch vụ: vận chuyển, tham quan, trải nghiệm, giải trí và mua sắm.
Tại Việt Nam thì hoạt động khai thác giá trị nông nghiệp phục vụ du lịch đã và đang được tiến hành trong những năm gần đây, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn này được khởi động mạnh mẽ từ sau Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
1.2.2. Kinh nghiệm về quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều quốc gia đã xem du lịch cộng đồng như là một công cụ xóa đói giảm nghèo. Các quốc gia nằm trong tiểu vùng sông Mekong như Việt Nam, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, ... đã xây dựng chiến lược xóa đói giảm nghèo và bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó du lịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng nhất. Đối với các nước phát triển như Pháp, Nhật, Hà Lan, Italia, Canada, Úc, ... Du lịch cộng đồng được xem như một loại hình du lịch về với thiên nhiên, quan cảnh và sinh hoạt đồng quê, nơi học hỏi kinh nghiệm làm nông và nơi lưu giữ ký ức văn hóa dân tộc.
a) Mô hình doanh nghiệp là tàu kéo
Đây là mô hình quản lý du lịch cộng đồng phổ biến tại Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Du Bai, ... Với mô hình này việc quản lý du lịch sẽ rất hiệu quả vì theo tiêu chí doanh nghiệp, tuy nhiên cộng đồng địa phương là đối tượng cùng phối hợp, vai trò quản lý chính là từ doanh nghiệp.
Ví dụ cụ thể tại Philipin: Khu nghỉ dưỡng El Nido, Palawan El Nido Resorts (ENR) là khu nghỉ dưỡng bền vững nổi tiếng trên thế giới ở Philippines, thuộc sở hữu và điều hành của Công ty Cổ phần Phát triển Ten Knots. Phức hợp nghỉ dưỡng này hoạt động ở một số khu vực trên đảo với các hợp phần: Lagen Island Resort, Miniloc Island Resort, và Pangulasian Island Resort, Apulit Island Resort, và khu du lịch sinh thái Lio, các đơn vị này đã phát triển trong hơn 30 năm nay. ENR tập trung vào tính bền vững và khả năng phục hồi của tài nguyên du lịch, cộng đồng địa phương thông qua chiến lược bốn điểm trọng tâm. Chiến lược bốn điểm trọng tâm bao gồm (1) tăng trưởng tài chính, (2) quản lý môi trường, (3) cộng đồng cam kết và (4) phát triển tổ chức.
Đối với El Nido Resorts, chiến lược được thực hiện bằng cách cung cấp cho cả cộng đồng và nhân viên các cơ hội đào tạo và học tập. ENR cung cấp những những cơ hội này bằng cách khai thác các nỗ lực phát triển bền vững từ chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư, và các cộng đồng địa phương. Một trong những điểm đáng chú ý là ENR đảm bảo rằng cộng đồng địa phương sẽ tích cực tham gia vào việc hoạch định các chính sách, tổ chức thực hiện, cho đến giám sát và đánh giá (Laririt, 2015).
ENR là ví dụ về thực tiễn quản lý du lịch cộng đồng, theo đó các doanh nghiệp tư nhân đưa sự tham gia của cộng đồng địa phương vào chiến lược phát triển du lịch của họ.
b) Mô hình chính quyền địa phương hỗ trợ vận hành mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Mô hình này hiệu quả đối với những nơi dịch vụ du lịch cộng đồng tự phát, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho việc gắn kết các dịch vụ du lịch cộng đồng tại điểm vào một thể thống nhất chung để quản lý, khai thác và vận hành. Mô hình này sẽ rất lý tưởng trong thời gian đầu cần gắn kết, phát huy năng lực của cộng đồng tham gia du lịch tại mỗi điểm du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương chỉ đóng vai trò hỗ trợ để mô hình du lịch cộng đồng được phát triển bền vững. Mô hình này dễ dàng thu hút các dự án phát triển cộng đồng. Trường hợp cụ thể cho mô hình quản lý này tại Huyện Yeongdong, Hàn Quốc (Ngô Thị Phương Lan và nhóm nghiên cứu năm 2021).
Yeongdong (Yeongdong-gun) là một huyện có mô hình phát triển du lịch nông nghiệp do cộng đồng cùng thực hiện với chính quyền địa phương khá hiệu quả. Quá trình phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp tại Huyện Yeongdong: vào những năm 1990s, các hộ dân có mở rộng vườn đón khách vào tham quan. Tuy nhiên, hoạt động du lịch nông nghiệp này thất bại. Thất bại cả về 2 khía cạnh, nông nghiệp và du lịch. Về khía cạnh nông nghiệp, khi nhà vườn mở cửa cho khách vào tham quan, sự đi lại tới lui của du khách trong vườn cây làm ảnh hưởng hệ sinh thái vườn, đất trồng cây và bộ rễ cây. Các tác động đó dẫn đến làm hư hại vườn cây, ảnh hưởng hệ sinh thái phát triển vườn cây. Trong khi đó, khách du lịch vào tham quan chụp hình vài phút cũng hết, về mặt trải nghiệm thì dịch vụ này không thỏa mãn hết nhu cầu du khách. Từ đó, mô hình Làng trải nghiệm nông nghiệp được hình thành.
Tại làng, hàng năm, số lượng khách đến tham quan trải nghiệm hàng năm khoảng 25.000 khách. Đối tượng gồm có các trường tiểu học, trường cấp 2, cấp 3 có khoảng cách khoảng 1 tiếng đồng hồ lái xe đến Làng. Ngoài ra, còn có khách từ Seoul xuống, theo công ty du lịch đưa xuống và theo các công ty đoàn thể như các đoàn thể viên chức nhà nước, đoàn thể liên quan đến người khuyết tật .... Các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp gồm có làm bánh gạo truyền thống Hàn Quốc (bánh tok), làm cơm đậu, làm kim chi, thu hoạch trái cây theo mùa (nho, táo, hồng, khoai lang…), hoạt động cắt – hái – bón – trồng các loại cây, v.v. Đến gia đình nào thì du khách trải nghiệm tại gia đình đó. Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như cưỡi ngựa, xích đu,v.v.. Chương trình thường được thiết kế tour trong ngày, tour 2 ngày, 3 ngày, 4 ngày. Làng trải nghiệm du lịch cũng trải nghiệm với hơn 20 công ty du lịch của địa phương. Làng trải nghiệm du lịch có khu lưu trú dành cho du khách ở lại. Hoạt động quảng bá được thông qua website homepage của Làng, website của UBND, của Sở Giáo dục tỉnh, đều gửi thông tin chương trình trải nghiệm đến các trường lớn nhỏ, v.v.
Bên cạnh đó, mô hình du lịch nông nghiệp liên quan đến rượu khá thành công tại địa phương Huyện Yeongdong. Mô hình này đầu tiên khởi sự từ sự kết hợp ý tưởng và trao đổi giữa hộ dân và chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ, khoảng giai đoạn 2008, với mục tiêu vực dậy nền nông nghiệp của địa phương và cách thức để bảo quản trái cây lâu hơn, đồng thời tăng thu nhập cho người nông dân. Ý tưởng làm rượu đặc sản địa phương, mang thương hiệu Yeongdong ra đời.
Từ ý tưởng đó, Huyện Yeongdong phát động phong trào, tuyên truyền và triển khai kế hoạch, chính sách khuyến khích người dân tham gia. Huyện Yeongdong phát động việc học hỏi về cách làm rượu, hỗ trợ các khóa đào tạo về vận hành hoạt động này cho hộ dân. Tiếp đến, Huyện hỗ trợ máy móc thiết bị. Trong quá trình phát triển, vận hành, Huyện Yeongdong luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân kịp thời, giúp người dân vừa phát triển nông nghiệp, vừa phát triển du lịch.
Với ưu thế thuận lợi về nông nghiệp, hoạt động du lịch nông nghiệp cũng được phát triển theo hướng cộng sinh bền vững giữa nông nghiệp và du lịch. Nông nghiệp là nền tảng của du lịch và du lịch giúp nông nghiệp tăng cường sản lượng và thu nhập cho nông dân. Người dân an tâm trong sản xuất nông nghiệp, và hoạt động nông nghiệp tạo ra thu nhập đủ nuôi sống gia đình. Sau đó, dựa vào nông nghiệp, hộ dân đa dạng hóa hoạt động khác, cụ thể là tham gia vào du lịch nông nghiệp, là kênh hữu hiệu giúp cho hoạt động nông nghiệp vui hơn, và tạo ra thêm nhiều thu nhập hơn.
Hình 1: Sơ đồ liên kết các chủ thể trong chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại huyện Yeongdong, Hàn Quốc. (Ngô Thị Phương Lan, 2021)
Sơ đồ trên mô tả cách thức mà hoạt động du lịch nông nghiệp tại Huyện Yeongdong được triển khai và vận hành thông qua sự liên kết với các chủ thể trong chuỗi giá trị cung ứng các dịch vụ du lịch cho du khách.
c) Cộng đồng địa phương chủ động liên kết hình hình thành cơ chế quản lý chung giữa họ với nhau trong cộng đồng
Mô hình này đòi hỏi cộng đồng phải có những cá nhân đủ năng lực điều phối và quản lý để đứng ra làm đầu mối gắn kết những thành viên khác trong mô hình và vận hành hoạt động du lịch cộng đồng. Ví dụ cụ thể từ Nhật Bản (Ngô Thị Phương Lan và nhóm nghiên cứu 2021).
Cuối của thập kỷ 1970, người nông dân đã nhận thấy cần thiết phải có sự thay đổi trong phát triển kinh tế địa phương. Họ đã xác định các yếu tố để phát triển du lịch của Yufuin là sự kết hợp của sản phẩm nông nghiệp, phong cảnh nông thôn và nước khoáng nóng, mặc dù cả ba yếu tố này nếu so sánh riêng rẽ với các vùng lân cận thì hoàn toàn không thể cạnh tranh.
Sau đó, họ xây dựng quy hoạch phát triển, quy chế quản lý và phát triển du lịch địa phương và thành lập Hội đồng quản lý du lịch, thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý. Họ cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, tạo sự khác biệt cho điểm đến. Các sản phẩm gắn logo do người dân địa phương tự sản xuất. Trong làng sẽ sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do chính địa phương sản xuất, hạn chế tối đa việc nhập khẩu. Để phục vụ khách, người dân địa phương khôi phục, bảo tồn các món ăn truyền thống của Yufuin và sáng tạo ra các món ăn mới, sử dụng tối đa nguyên liệu là các sản phẩm nông nghiệp, làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn xem du lịch cộng đồng như là phương thức để phục hồi cộng đồng nông thôn; giúp khẳng định lại vai trò của người phụ nữ ở nông thôn vì hoạt động này người phụ nữ trong gia đình có thể đảm đương chính yếu, giúp cho người phụ nữ ở nông thôn có thêm thu nhập và trở nên độc lập.
Qua 03 mô hình được trình bày bên trên tại 03 quốc gia trên thế giới phần nào cho chúng ta hiểu được cách quản lý khác nhau của mô hình du lịch cộng đồng và là bài học kinh nghiệm để tham khảo trong công tác quản lý và triển khai các mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
1.3. Kinh nghiệm về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam
1.3.1. Một số mô hình phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam
- DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thôn Nậm Hồng (Hà Giang)
Nậm Hồng là nơi sinh sống của 37 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ. Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi đã được công nhận danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, bên cạnh đó là vùng chè Shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao... đã tạo nên nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ nông nghiệp, nông thôn). Năm 2015, thôn Nậm Hồng được tổ chức Helvetas tài trợ thực hiện Dự án Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, có 4 hộ dân được hỗ trợ vốn để cải tạo, nâng cấp nhà ở, mua sắm chăn ga, gối đệm. Sau 2 năm đi vào hoạt động, mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn ở đây đã có những khởi sắc, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Đến các gia đình được dự án hỗ trợ, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi những ngôi nhà vẫn giữ được kiến trúc truyền thống của người Dao. Khuôn viên nhà rộng rãi, thoáng mát; các phòng nghỉ sạch sẽ, đứng trước hiên nhà có thể cảm nhận được phong cảnh làng quê yên bình và quan sát toàn bộ những thửa ruộng bậc thang đang mùa lúa chín.
Năm 2017, HTX DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thôn Nậm Hồng được thành lập, gồm 37 thành viên làm đầu mối tiếp nhận, điều phối khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đồng chí Triệu Mềnh Kinh, Chủ nhiệm HTX cho biết “Ngoài sắp xếp, bố trí khách, HTX sẽ đứng ra thuê các nghệ nhân, điều tiết các thành viên của HTX làm xe ôm hoặc hướng dẫn viên, đồng thời cùng hỗ trợ nấu ăn, phục vụ du khách khi các đoàn muốn thưởng thức chương trình văn nghệ, Lễ hội Nhảy lửa, hoặc trải nghiệm văn hóa dân tộc, ngắm cảnh trong thôn và thăm vùng chè cổ thụ Phìn Hồ... Với cách làm như vậy, tất cả các thành viên HTX đều tham gia làm du lịch và có nguồn thu ổn định”.
Các thành viên trong nhóm đã đưa ra nhiều ý tưởng giữ gìn, phát huy những bản sắc, giá trị văn hóa của dân tộc, bảo tồn danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh, các hoạt động trò chơi dân gian, … Điều đó càng thôi thúc các thanh niên trẻ thống nhất xây dựng Nậm Hồng thành một làng du lịch mang tính cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cung cấp dịch vụ ăn, nghỉ, trekking, trải nghiệm, khám phá văn hóa của dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc trong huyện Hoàng Su Phì nói chung.
Với hệ thống phòng nghỉ cộng đồng, sức chứa 48 khách/ lượt, phòng nghỉ rộng rãi thoáng mát đầy đủ tiện nghi và được thiết kế theo kiểu Nhà sàn kết hợp phong cách truyền thống dân tộc (ấm về mùa đông, mát về mùa hè) với phong cách hiện đại (sang trọng, lịch lãm, sạch sẽ): chăn đệm truyền thống êm, ấm, độc đáo.
- Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kim Nọi, Mù Cang Chải (Yên Bái)
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Homestay Kim Nọi (Mù Cang Chải, Yên Bái) đạt chuẩn OCOP 4 sao đã chính thức ra mắt gồm 16 thành viên hộ gia đình.
Với nhiều tiềm năng để phát triển từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm cùng với các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng Homestay Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã và đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế du lịch, một lĩnh vực quan trọng của Yên Bái hiện nay.Theo đó, làng văn hóa du lịch cộng đồng Homestay Kim Nọi thuộc tổ dân phố số 5 thị trấn Mù Cang Chải có 86 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống kinh tế - văn hóa của người dân trong làng từng bước được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được bà con gìn giữ và phát triển.
Đặc trưng của du lịch cộng đồng là du khách lưu trú tại nhà dân (Homestay). Đến với Homestay Kim Nọi du khách sẽ được ngủ, nghỉ ở nhà sàn, phục vụ chu đáo bởi đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên người bản địa nhiều kinh nghiệm. Đến với Làng văn hóa du lịch cộng đồng (Homestay) Kim Nọi du khách sẽ được thưởng thức hòa nhập điệu xòe truyền thống của những thiếu nữ áo cóm thắt đáy lưng ong uyển chuyển mềm mại trong điệu xòe đón khách. Tiếng trống, tiếng chiêng, ánh lửa bập bùng như hối thúc từng người hòa vào vòng xòe, những thực phẩm trong bữa ăn đều tươi sạch được trồng trong vườn nhà. Với tính cách thật thà chất phác, mến khách của người dân nơi đây chắc chắn du khách thấy thoải mái và hài lòng.
- Vườn đá Tả Phìn (Lào Cai)
Nằm ở trung tâm bản với diện tích trên 10,000 m2 đây là nơi kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Vườn đá Tả Phìn là sản phẩm du lịch dịch vụ của Hợp tác xã Tả Phìn Xanh với sự tham gia của 10 thành viên. Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn với diện tích trên 12 nghìn mét vuông được thiết kế, quy hoạch thành những chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch khép kín. Năm 2021, sản phẩm dịch vụ du lịch này đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm điểm 4 sao. Với thang điểm xếp hạng này, lần đầu tiên tỉnh Lào Cai có sản phẩm dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn đạt chứng nhận OCOP.
Khi đến đây, du khách được ngắm nhìn dòng suối tự nhiên trong vắt, với những chiếc nhũ đá nhấp nhô trải dọc khu vườn. Men theo những con đường đá du khách sẽ được hòa mình vào không gian kiến trúc nhà cổ đặc trưng của đồng bào dân tộc Tả phìn - dân tộc Dao và H’mông. Đây là khu homestay được chia thành các phòng khép kín, mỗi phòng đều được sắp xếp mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên và mang đậm bản sắc văn hóa Tả Phìn. Len lỏi trong khuôn viên sinh thái này có rất nhiều loài hoa lạ như hoa rừng, hoa hồng cổ, hoa địa lan - là loài hoa mang lại lợi nhuận cao trong phát triển kinh tế của bà con nhân dân bản Tả Phìn. Không chỉ được ngắm hoa, được nghỉ ngơi, thư giãn mà du khách còn được thưởng thức và trải nghiệm bài thuốc dân gian cổ truyền của dân tộc dao tả phìn bằng cách ngâm mình trong những thùng gỗ với liệu trình tắm thuốc lá tươi mang lại cho du khách sự sảng khoái, thư giãn...
Bên cạnh đó trong khuôn viên sinh thái này, du khách còn được tìm hiểu không gian trưng bày các vật dụng, trang phục truyền thống của các dân tộc vùng cao Tây Bắc, được hiểu sâu thêm về các bộ sách chữ nôm Dao còn lưu giữ lại từ xa xưa. Ngoài ra du khách còn được thưởng thức các món ăn ẩm thực do chính đồng bào dân tộc Dao chế biến và cứ mỗi tối thứ bảy hàng tuần nơi đây lại diễn ra các buổi giao lưu văn nghệ với các tiết mục do các diễn viên địa phương dân tộc Dao và dân tộc H’mông biểu diễn. Quý khách được hòa mình vào những nhịp trống hội bản Dao hay những điệu xòe, điệu sạp... được tái hiện lại các lễ hội truyền thống của Dân tộc Dao như đám cưới người Dao đỏ, lễ cấp sắc người Dao một nghi lễ nổi tiếng của đồng bào nơi đây.
- Dịch vụ Homestay Bản Lác (Hòa Bình)
Cách Hà Nội khoảng 140 km, bản Lác nằm ẩn mình trong thung lũng, được bao bọc bởi các d y núi trùng điệp và những màn sương bao phủ đầy mờ ảo, giáp ranh với Mộc Châu, Thanh Hóa, Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình, ... Trải qua lịch sử hình thành hơn 700 năm, ngày nay bản Lác trở thành biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái trắng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhanh nhạy trước thị trường du lịch đầy lợi thế, năm 2016, HTX Dịch vụ Nông, Lâm nghiệp và Dịch vụ Du lịch xóm Lác được thành lập với mong muốn tạo ra không gian nghỉ ngơi mang đậm bản sắc địa phương cho khách du lịch, đưa những nét đẹp trong văn hóa cũng như bản sắc, thói quen sinh hoạt của bà con dân tộc Thái trắng đến gần hơn với du khách trên mọi miền tổ quốc.
Đến nay, toàn HTX có 75 hộ gia đình tham gia vào kinh doanh dịch vụ homestay. Các căn homestay của HTX đều nằm tại trung tâm khu du lịch bản Lác, gần sân chơi bản Lác, nơi thường xuyên tổ chức đốt lửa trại, team bulding; thuận tiện di chuyển tới các điểm du lịch như Hồ Mỏ Luông, Hang Chiều, Bản Văn, ... Hiện tại HTX vẫn chưa phát huy được sự liên kết giữa các thành viên trong hợp tác xã để tạo nên một cơ chế quản lý chung trong điều hành du lịch và phát huy sức mạnh văn hoá của tộc người Thái vào phát triển du lịch. Người dân vẫn còn tự “thoả thuận” với nhau trong việc không chèo kéo khách.
- Mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” của Huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi
Đây là mô hình mới được thành lập với mục tiêu liên kết các dịch vụ du lịch trên đảo, phát huy sức mạnh cộng đồng, chấn chỉnh lại các hoạt động du lịch tự phát, chèo kéo khách.
Trên đảo có những thắng cảnh thiên nhiên độc đáo đang khai thác phục vụ du lịch như miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền, chùa Hang, cổng Tò Vò, … Với một quá trình lịch sử phát triển lâu dài, Lý Sơn là nơi giàu tài nguyên văn hóa với nhiều di tích lịch sử và một hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú. Đến nay, huyện có 06 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 01 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 19 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; đặc biệt là các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn liền với Hải đội Hoàng Sa.
Trên đảo có nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng như: chùa Hang, chùa Đục, đình làng An Hải, đình làng An Vĩnh, Âm Linh tự, Nhà trưng bày đội Hoàng sa Bắc Hải và 02 miệng núi lửa là Giếng Tiền và Thới Lới, ...Và phía sau của những tài nguyên vô giá đó là những câu chuyện “kỳ bí” được đưa vào mô hình.
Mô hình xây dựng bộ thuyết minh du lịch riêng, các sản phẩm tour, tuyến “hấp dẫn” du khách tham gia vào câu chuyện “Kỳ bí đảo núi lửa lý sơn”. Đặc biệt mô hình còn xây dựng bộ nhận diện thương hiệu riêng và tổ điều phối du lịch cộng đồng tại đây. Trong giai đoạn đầu chính quyền địa phương hỗ trợ trong cơ chế vận hành dưới sự đồng thuận của cộng đồng.
- Mô hình du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ
Làng Gò Cỏ hiện lên với vẻ ngoài hoang sơ, hiền hòa nhưng không kém phần năng động, tràn đầy sinh khí. Nơi đây có được sự kết tinh văn hoá lâu đời của ba thời kỳ Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Các giá trị văn hoá này được thể hiện qua hoạt động canh tác, đánh bắt trên biển cũng như sinh hoạt thường nhật của người dân nơi
đây, ... Bên cạnh đó, mảnh đất Gò Cỏ chứng kiến bao sự kiện lịch sử, từ chiến trường ác liệt đến sự lãng quên và hồi sinh ngoạn mục. Những giá trị địa chất và văn hoá nơi đây là cơ sở hình thành Công viên di sản làng Gò Cỏ.
Làng Gò Cỏ như một công viên địa chất thu nhỏ, ngôi làng nằm trong phạm vi công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh của Quảng Ngãi. Đồng thời, nó tích hợp tất cả các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan, văn hóa, đa dạng sinh học, … theo các tiêu chí công viên địa chất ở quy mô của một ngôi làng. Và hơn thế, ở đây còn có giá trị văn hoá lâu đời của các thời kỳ được gìn giữ qua các thế hệ đến hôm nay.
Công viên di sản làng Gò Cỏ được doanh nghiệp đầu tư và phát triển thông qua mô hình hợp tác xã với mục tiêu phát triển bền vững dựa trên nguyên tắc cộng đồng làm chủ thể đi kèm với kim chỉ nam Dân biết – dân hiểu – dân bàn – dân làm – dân quản lý. Các giá trị của tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá sẽ được duy trì, nuôi dưỡng và khai thác bền vững vào sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Cộng đồng bản địa cũng được quan tâm trang bị kiến thức, nâng cao năng lực phục vụ du khác để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Các bên liên quan trong mô hình cũng được chia sẻ lợi ích công bằng, minh bạch. Để làm được điều này, công viên di sản làng Gò Cỏ đã xây dựng mô hình hợp tác xã cộng đồng nhằm hình thành tổ chức điều phối kinh tế cộng đồng một cách văn minh. Sứ mệnh của Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ là tổ chức, điều phối các hoạt động bảo tồn, nhằm nâng cao năng lực người dân bản địa.
Các dịch vụ tại đây: Dịch vụ homestay, Chương trình du lịch, Dịch vụ ăn uống, Hoạt động trải nghiệm, ... Du khách có thể trải nghiệm những sản phẩm theo hình thức trọn gói, các dịch vụ được cộng đồng phục vụ chu đáo và gần gũi thông qua những câu chuyện kể về ngôi làng này. Mô hình này thể hiện rõ vai trò tham gia của cộng đồng và vai trò của hợp tác xã du lịch cộng đồng được phát huy. Tuy nhiên cần có dự án định hướng quy hoạch tổng thể du lịch cộng đồng tại đây và chỉnh trang lại cảnh quan, hạ tầng phục vụ du lịch.
- Mô hình du lịch cộng đồng Cồn Sơn (Cần Thơ)
Cồn Sơn thuộc khu vực I, Phường Bùi Hữu Nghĩa, thành phố Cần Thơ, là một cồn đất được bồi đắp bởi phù sa của Sông Hậu. Người dân trên cồn chủ yếu sinh sống bằng phương thức trồng cây ăn quả, đánh bắt thủy sản và bán cho các thương lái. Trước năm 2012, Cồn Sơn được biết đến là một cồn “bốn không” (không điện, không nước sạch, không đường, không trường). Đến tháng 4/2012, Phòng kinh tế quận Bình Thủy đầu tư đài cung cấp nước sạch cho cư dân Cồn Sơn. Đến năm 2014, Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (South Vina - KCN Trà Nóc II, TP Cần Thơ) đầu tư khoan cáp ngầm, kéo điện đến với Cồn Sơn. Song song đó là việc chính quyền địa phương nâng cấp, bê tông hóa các con đường đất giúp đời sống của cư dân Cồn Sơn ngày càng được cải thiện. Từ đó, Cồn Sơn chính thức xóa được “ba không”.
Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, Cồn Sơn góp mặt trong nhiều kế hoạch và dự án phát triển, trong đó, nổi trội nhất là lĩnh vực du lịch. Năm 2015, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Thủy và cán bộ Phường Bùi Hữu Nghĩa thực hiện ý tưởng làm những tập phim về ẩm thực Cồn Sơn với sự tham gia của một vài hộ, mỗi hộ sẽ tiến hành nấu một món ăn đặc sắc nhất của nhà mình và không có hộ nào nấu trùng món hộ nào. Đây cũng là bước đi ban đầu để quảng bá hình ảnh du lịch nông nghiệp mang tính “độc quyền” ở Cồn Sơn với 05 hộ đầu tiên là nhà vườn Sáu Cảnh, nhà vườn Song Khánh, nhà vườn Thành Tâm, nhà vườn Công Minh và nhà vườn Cô Ba. Mô hình này tiếp tục được nhân rộng và càng có nhiều thành viên tham gia, đến ngày 8/9/2016, UBND Phường Bùi Hữu Nghĩa công nhận các hộ dân này là một đơn vị hoạt động du lịch chính thức với tên gọi “Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Sơn”, Tổ hợp tác này có 15 hộ tham gia.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của Tổ hợp tác vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Cụ thể, Tổ hợp tác hoạt động chủ yếu dựa trên nguyên tắc các thành viên đồng cấp, không có người lãnh đạo, khi nội bộ nảy sinh mâu thuẫn, không có người đứng ra hòa giải. Đồng thời, Tổ hợp tác chỉ tập trung vào việc đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch cho các hộ mà chưa có cơ chế phân công nhân sự chuyên trách những công việc liên quan đến phát triển, các khía cạnh cần được giám sát có thể đề cập đến như vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, văn hóa - văn nghệ và an ninh trật tự. Trước tình hình này, vào đầu tháng 5/2017, Chủ tịch UBND Phường Bùi Hữu Nghĩa đã ký Quyết định số 178 về việc thành lập “Ban điều hành Du lịch xanh” (gọi tắt là Ban điều hành) nhằm mục đích hình thành một hệ thống điều hành giúp người dân tổ chức quản lý chuyên nghiệp hơn.
Ban điều hành hoạt động với cơ chế tương tự như cơ cấu quyền lực của cơ quan Nhà nước, có các vị trí gồm Trưởng ban, Phó ban, điều phối viên và các cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, do có một số sự bất đồng trong quan điểm phát triển, ngày 15/5/2017, người dân đã trình đơn kiến nghị lên UBND quận Bình Thủy về việc thành lập Ban điều hành. Kết quả, lãnh đạo quận Bình Thủy ra chỉ đạo giải thể cả Ban điều hành lẫn Tổ hợp tác, các hộ dân kinh doanh tự do.
Sau đó, 9/15 hộ dân trong Tổ hợp tác cũ có nguyện vọng tiếp tục được làm du lịch cùng nhau vì họ nhận ra được những giá trị về mặt kinh tế và văn hóa mà hoạt động du lịch nông nghiệp mang lại. Do vậy, ngày 19/6/2017, các hộ này đã tổ chức một cuộc họp nhằm xác định lại quyết tâm muốn làm du lịch, cũng như thống nhất sản phẩm, dịch vụ của từng nhà, xây dựng quy chế hoạt động. Ngày 10/11/2017, “Câu lạc bộ Liên thế hệ - Tự giúp nhau” (gọi tắt là CLB Liên thế hệ) thuộc chi Hội Người Cao Tuổi, Khu vực 1, Phường Bùi Hữu Nghĩa, được xem là tổ chức hoạt động du lịch nông nghiệp của người dân Cồn Sơn ra đời. Như vậy, tại thời điểm này, Cồn Sơn có hai nhóm cộng đồng làm du lịch: một là các hộ trong CLB Liên thế hệ và hai là các hộ làm du lịch tự do.
Tính chủ động của tổ hợp tác du lịch cộng đồng cồn Sơn còn hạn chế, xuất hiện mâu thuẫn lợi ích giữa các bên liên quan tham gia phát triển du lịch và chưa được giải quyết triệt để, định hướng vận hành và khai thác phát triển du lịch cộng đồng tại cồn Sơn dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước không theo kịp diễn biến trên thực tế.
- Mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim (Trà Vinh) (Hoàng Ngọc Minh Châu, Hồ Tiểu Bảo, 2021)
Cồn Chim là một ấp cù lao còn hoang sơ trên dòng sông Cổ Chiên, thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cồn có diện tích tự nhiên là 60 ha. Tiềm năng DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại cồn Chim đã được Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch tỉnh, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và Du lịch cùng Công ty Đại Hưng tổ chức khai thác, phát triển từ năm 2019 và chính thức đón khách du lịch từ tháng 03/2019, đến tháng 02/2020 đã có đón tiếp hơn 100 đoàn khách bao gồm cả khách lẻ và khách đoàn.
Dựa trên đánh giá về tài nguyên du lịch, có thể thấy cồn Chim có cảnh quan và không gian sông nước miệt vườn còn nguyên sơ để phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Người dân nơi đây canh tác nông nghiệp truyền thống gắn với văn hóa cộng đồng miền sông nước, mang đậm nét làng quê Nam bộ xưa. Người dân trên cồn tham gia cung ứng một số sản phẩm, dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn như : tham quan, trải nghiệm, ẩm thực, và mua hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương, ...
Có ba điểm riêng làm nên Cồn Chim hôm nay: 1) Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim xây dựng theo quy luật “Thuận Thiên”, người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”; 2) Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim dựa trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do người dân Cồn Chim tổ chức quản lý với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm và giúp cho du khách khi đặt chân đến nơi đây cảm nhận sự gần gũi, thân thiện và có dịp trải nghiệm, khám phá cuộc sống hằng ngày của người dân vùng sông nước Nam bộ; 3) Du lịch cộng đồng Cồn Chim theo xu hướng “du lịch chậm” phù hợp với mọi người, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và hưởng thụ của du khách.
Điều đặc biệt khi đến với Cồn Chim, khách du lịch được tham gia trải nghiệm một số sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp tại Cồn Chim, những sản phẩm này mang tính đặc trưng riêng, rất hiếm trùng lắp với địa phương khác. Đó là:
+ Du lịch tại Cồn Chim được xây dựng theo định hướng trở về với những nét văn hóa Nam bộ xưa đặc trưng;
+ Dịch vụ du lịch tại cồn được phát triển theo mô hình “mỗi nhà một sản phẩm” tức mỗi hộ đăng ký kinh doanh phục vụ khách sẽ đảm nhiệm cung cấp một sản phẩm riêng phù hợp với thế mạnh, khả năng của gia đình tạo nên sự tổng hòa và liên kết giữa các hộ với nhau, tức là không quá 2 hộ trùng sản phẩm du lịch;
+ Tham quan, trải nghiệm các hoạt động du lịch theo mùa, mùa nước ngọt thì trồng lúa và khai thác tôm tự nhiên và mùa nước mặn thì nuôi tôm cua nên khách du lịch đến đây tùy vào mùa mà có thể trải nghiệm các hoạt động cùng người dân như: câu cua, tôm, cá, trồng lúa, gặt lúa, ...
Công ty TNHH Thương mại Du lịch Đại Hưng được thành lập vào tháng 5 năm 2019 và là chủ thể chính khai thác du lịch tại Cồn Chim. Công ty này đứng đầu chuỗi liên kết, đóng vai trò điều phối hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trên cồn từ tiếp thị, đón khách, phân chia sản phẩm, dịch vụ, phân chia lợi nhuận, ... Điểm thành công tạo nên niềm tin cho cộng đồng là lợi nhuận được phân chia công khai, minh bạch và công bằng giữa các bên tham gia.
Không những thế, Công ty còn hướng dẫn, tập huấn để người dân có thể tham gia DLCĐ nông nghiệp, nông thôn bài bản và chuyên nghiệp hơn như: hướng dẫn xây dựng cổng chào, cải tạo không gian quanh nhà để thu hút du khách, các chương trình tập huấn kỹ năng phục vụ, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, kỹ năng giao tiếp... Công ty cũng đặt ra quy định về việc các hộ phải đạt tiêu chuẩn tập huấn mới có thể tham gia cung cấp sản phẩm và dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Thuận lợi nữa là được nhận sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương (Sở VHTTDL), từ các cơ quan nghiên cứu (Viện NCPTKT&DL, các thầy cô khác từ một số trường Đại học…). Công ty rất được bà con ở đây tín nhiệm và hợp tác nhiệt tình. Tuy Cồn Chim là một điểm du lịch mới nhưng nhận được sự quan tâm rất nhiều từ du khách… Công ty chủ yếu đón khách đoàn lớn do vậy việc chia sẻ lợi nhuận cho các hộ kinh doanh sẽ đồng đều, dễ kiểm soát chất lượng dịch vụ, trước khi tiến hành thăm quan thì khách du lịch được công ty tư vấn, giới thiệu về các biện pháp bảo vệ vệ sinh môi trường tại Cồn Chim, hạn chế sử dụng đồ nhựa… Khách đoàn thì thời gian đón tiếp ổn định hơn các khách đi lẻ…
- Mô hình du lịch cộng đồng tại Đồng sen - Gò Tháp, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp)
Đây là mô hình du lịch cộng đồng thể hiện rõ của việc nhu cầu du khách cần chụp ảnh tại những cánh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen dẫn đến việc phát triển tự phát các dịch vụ du lịch tại đây.
Hiện nay huyện Tháp Mười hiện có tổng cộng 9 điểm du lịch sen thuộc hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều. Các điểm sen du lịch này đều xuất phát từ đất của chính người dân và họ khai thác trồng sen phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, tổ chức và cơ chế quản lý du lịch vẫn thiếu sự thống nhất, phát huy sức mạnh cộng đồng, vẫn còn những tồn tại trong tổ chức sản phẩm du lịch... dẫn đến việc phát triển du lịch cộng đồng gặp nhiều khó khăn.
Tóm lại, qua nghiên cứu các trường hợp du lịch cộng đồng và hình thức tổ chức, quản lý ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi thấy thực trạng về DLCĐ nông nghiệp, nông thôn ở VN có những đặc điểm sau:
- Tiềm năng của tài nguyên du lịch cộng đồng rất lớn. Du lịch cộng đồng đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đang có xu hướng tích hợp với du lịch dựa trên nền tảng du lịch cộng đồng đang hình thành ở rất nhiều địa phương. Tuy nhiên mỗi điểm du lịch chưa tích hợp các tiềm lực khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch này.
- Tính chủ động cao của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng thể hiện trong xu hướng phát triển du lịch của VN hiện nay, nhiều người dân có quyết tâm muốn làm du lịch. Dịch vụ homestay, một trong những dạng thức của du lịch cộng đồng nở rộ trong thời gian qua hay nhiều sáng tạo sản phẩm du lịch của người dân không ngừng trong làm du lịch (du lịch đèn dầu, du lịch??....). Tuy nhiên, chưa phát huy được người đại diện để quy tụ nội lực trong cộng đồng làm du lịch trong một cơ chế liên kết, vận hành và phân chia lợi nhuận từ du lịch.
- Đa dạng về quy mô, mô hình, cơ chế quản lý. Liên quan đến DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, một trong những yếu tố dẫn đến sự phát triển bền vững bên cạnh các yếu tố xây dựng và hình thành các sản phẩm thì yếu tố cơ chế quản lý cho thấy có vai trò rất quan trọng trong. Cơ chế quản lý không phù hợp sẽ dẫn đến các xung đột lợi ích trong cộng đồng (Cồn Sơn, Đường Lâm), hay tạo sự hòa hợp dẫn đến sức mạnh cộng đồng (Cồn Chim, Cồn Hô, Sin Suối Hồ). Cụ thể qua mô hình quản lý của Làng Cổ Đường Lâm và Sin Suối Hồ.
1.3.2. Khó khăn trong phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn
Các mô hình du lịch nông thôn ở Việt Nam hiện đang khai thác tập trung vào các nhóm sau: Sản phẩm dựa trên khai thác giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn; sản phẩm dựa trên khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp; sản phẩm dựa trên khai thác giá trị văn hóa truyền thống của khu vực nông thôn; sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao; nhóm sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch (thực phẩm, đồ uống, đặc sản vùng miền, quà tặng, đồ trang trí, hàng lưu niệm ...). Sản phẩm du lịch thường dựa trên cơ sở thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương (về sản phẩm nông nghiệp, cảnh quan, văn hoá lịch sử, ẩm thực...), tuy nhiên lại dễ trở nên nhàm chán nếu không duy trì được chất lượng, thường xuyên cải tiến, làm mới. Do đó, sự phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc[1], cụ thể là:
- Công tác quy hoạch, phát triển khu, điểm du lịch còn thiếu trọng tâm, trọng điểm và dàn trải, tại một số địa phương trong công tác lựa chọn địa điểm xây dựng không đánh giá đúng tiềm năng lợi thế, tính đặc trưng nên không phát huy hiệu quả. Việc phát triển du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ; chưa khai thác được các tiềm năng du lịch tại mỗi địa phương; chưa gắn kết giữa ngành du lịch, ngành nông nghiệp và các ngành khác.
- Cơ sở vật chất, hạ tầng cho du lịch nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ; thực trạng giao thông một số nơi (đường vào thôn, bản…) còn kém, vấn đề xử lý nước thải, rác thải còn thiếu và yếu; nhà vệ sinh còn thiếu; chưa có hệ thống biển báo điểm du lịch; thiếu nước sạch.
- Nguồn nhân lực phát triển du lịch nông thôn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, phần lớn là nông dân vừa canh tác nông nghiệp, vừa làm du lịch. Nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên chưa có các kỹ năng phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp.
- Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa (vật thể và phi vật thể) còn hạn chế; chưa khai thác được giá trị của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch. Bản sắc văn hóa địa phương ở nhiều nơi bị ảnh hưởng do người dân làm du lịch chạy theo xu hướng thương mại hóa, quá coi trọng lợi nhuận trước mắt, làm giảm tính hấp dẫn về văn hóa bản địa ở các địa phương
- Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đặc sắc, chưa gắn với đặc thù và sản phẩm đặc sản của từng địa phương, còn mang tính tự phát và mùa vụ. Sản phẩm tại nhiều tỉnh trong cùng một vùng còn trùng nhau, chưa mang tính độc đáo, sáng tạo nên còn đơn điệu (hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đều có du lịch sông nước, vùng miền núi phía Bắc thì sản phẩm du lịch đều ở nhà sàn…). Số ngày lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch còn rất thấp (trung bình từ 300.000-500.000 đồng/ngày/khách). Chi tiêu của du khách đối với du lịch nông thôn chủ yếu là mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở..., chưa chi nhiều cho các dịch vụ ngoài tour do chưa có dịch vụ bổ trợ, hoặc có nhưng không hấp dẫn được du khách.
- Việc liên kết điểm, tuyến du lịch còn hạn chế, chưa kết nối các điểm du lịch mang tính liên tỉnh, liên vùng nên chưa kéo dài được thời gian lưu trú của du khách (thời gian lưu trú trung bình chỉ có 1-1,5 ngày/khách); chưa có liên kết hữu cơ giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị du lịch nông thôn để tạo nên sản phẩm du lịch đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững.
- Các sản phẩm nông nghiệp nông thôn phục vụ du lịch chủ yếu mang tính tự phát, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết cùng tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản nông nghiệp. Ngoài một số mặt hàng thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ thì các sản phẩm nông nghiệp khác chưa thật sự đặc sắc, còn đơn điệu về chủng loại, mẫu mã .
- Công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng chưa mang tính chuyên nghiệp. Nhiều tỉnh chỉ mới xác định được điểm du lịch, chưa xác định được các tuyến du lịch chính của địa phương (hoặc xác định quá nhiều tuyến nên thiếu trọng tâm), rất khó để giới thiệu, quảng bá và kết nối với các đơn vị lữ hành.
- Tính cộng đồng và chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của các hộ dân làm du lịch vẫn chưa cao, chưa có sự phân công các đơn vị cung cấp dịch vụ bổ trợ lẫn nhau, việc chia sẻ lợi ích giữa các thành viên của cộng đồng, giữa các hộ được hưởng lợi trực tiếp với các hộ khác trên địa bàn, giữa các chủ thể của du lịch cộng đồng là doanh nghiệp, chính quyền và người dân. Có sự xung đột lợi ích trong phát triển du lịch cộng đồng với các lĩnh vực khác (công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, an ninh - quốc phòng, an ninh nguồn nước…) và giữa các loại hình du lịch.
- Huy động nguồn lực cho du lịch nông thôn còn hạn chế, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, hiện chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ mô hình liên kết phát triển nông nghiệp - du lịch hiệu quả.
Trên cơ sở đó, các du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam cần quan tâm đến các định hướng như sau:
- Về phát triển sản phẩm du lịch: Sản phẩm du lịch được xây dựng cần đảm bảo tính đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị; đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, luôn luôn đổi mới sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống; thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo phát huy các giá trị văn hóa và xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP, quảng bá sản phẩm OCOP.
- Về phát triển thị trường khách du lịch: Xác định thị trường khách du lịch mục tiêu phù hợp (trong nước, quốc tế) với từng loại hình du lịch và từng tuyến điểm du lịch, làm định hướng đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các dịch vụ và sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu khách mục tiêu. Tăng cường xúc tiến quảng bá, thu hút sự quan tâm của khách du lịch và các doanh nghiệp du lịch đối với loại hình sản phẩm du lịch nông thôn.
- Về quản lý du lịch nông thôn: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn, vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn. Đồng thời, cần đánh giá và xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn (nhà nước, cộng đồng, hộ có cung cấp dịch vụ và hộ không cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp,…).
1.3.3. Một số xu hướng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
a) Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP
Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (One village one product - OVOP) được khởi xướng đầu tiên tại Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước nhằm phát huy thế mạnh của mỗi làng và tiếp sức cho sản phẩm trong nước vươn ra toàn cầu. Phong trào OVOP trong 40 năm qua đã đạt được thành công lớn, làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp Nhật Bản, tạo ra lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động, giúp làm tăng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước, từ đó tăng đáng kể thu nhập cho người dân nông thôn. Đến nay, phong trào OVOP của Nhật Bản đã lan tỏa sang nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, … (Phạm Thị Thanh Mai, 2020).
Tại Việt Nam, Chương trình OCOP đã mang lại những kết quả ấn tượng và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều vùng nông thôn trên khắp cả nước: Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP; Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ; Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số; Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu… (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2021). Trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình OCOP tiếp tục phát triển rộng khắp các nhóm sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, trong đó có sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. DLCĐ nông nghiệp, nông thôn phát triển song hành cùng Chương trình OCOP sẽ gia tăng nội lực cho sản phẩm, nâng cao giá trị, phát triển đầu ra và quảng bá cho sản phẩm đó. Bên cạnh đó, sự liên kết này còn giúp kết nối chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm cho cộng đồng tại chỗ, thu nhập và trình độ của người dân sinh sống tại nông thôn ngày càng được nâng cao, các giá trị tự nhiên và nhân văn của địa phương được bảo tồn.
Đây là cơ sở quan trọng để phát triển dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về bản sắc văn hóa, khí hậu, cảnh quan, các sản phẩm đặc hữu của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững đồng thời thông qua DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, sẽ phát huy được các giá trị và thành tựu trong xây dựng nông thôn mới.
b) Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ
Phát triển sản phẩm dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là yếu tố quan trọng để tạo nên sức hút và hiệu quả phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình Nông thôn mới và Chương trình OCOP. Các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP đối với điểm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch tập trung vào khả năng phát triển sản phẩm và tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn được xây dựng cần đảm bảo 03 yếu tố: đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị; đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, luôn luôn đổi mới sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống.
c) Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn theo hình thức chuỗi giá trị
Việc thực phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn theo hình thức chuỗi giá trị mang đến những lợi ích rất thiết thực đối với hộ kinh doanh, trong đó, lợi ích lớn nhất là tạo ra sự liên kết chuỗi giá trị sản phẩm du lịch, tiếp đến là khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch và chia sẻ dịch vụ phục vụ du khách. Ngoài ra những lợi ích khác có thể kể đến như đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; đoàn kết trong phát triển và bảo vệ môi trường; tạo ra sự đồng thuận trong cơ chế quản lý. Do đó, mỗi địa phương cần thực hiện phân tích chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, từ đó để có những chương trình hành động liên kết cụ thể giữa nội bộ địa phương và giữa các địa phương với nhau. Cụ thể, địa phương có thể chọn triển khai các mô hình điểm ở các quy mô khác nhau do người dân hay nhà nước khởi xướng. Bài học thành công của các mô hình này sẽ là động lực cho các bên liên quan xây dựng và hình thành các chuỗi mới.
Trên cơ sở định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm du lịch đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các địa phương cần tổ chức xây dựng các chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cụ thể cho các điểm đến DLCĐ nông nghiệp, nông thôn mang tính liên vùng cũng như ở những địa phương có tiềm năng DLCĐ nông nghiệp, nông thôn đặc sắc. Đây sẽ là cơ sở để khai thác có hiệu quả tiềm năng nông thôn đặc thù của các địa phương và của từng vùng du lịch; khuyến khích và tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trong những điều kiện cụ thể ở cấp địa phương và cấp vùng. Để có được hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện phát triển chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn đối với các nhà quản lý, các nhà đầu tư du lịch, cần thiết phải có được đánh giá toàn diện có tính hệ thống về hệ thống các sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm nông thôn đặc thù.
d) Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển nguồn nhân lực DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn sử dụng phần lớn lao động trực tiếp và gián tiếp tại nông thôn, do đó việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này có ý nghĩa quan trọng đối với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, điều này còn có tác động tích cực đến việc tạo ra việc làm, nâng cao trình độ dân trí, trình độ tay nghề người lao động, thu hút lao động trẻ ở lại hoặc quay về địa phương làm việc thay vì di cư lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DLCĐ nông nghiệp, nông thôn để thành một nghề được đào tạo bài bản cho lao động nông thôn, tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI VIỆT NAM
2.1. Thành tựu của Việt Nam về xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chính sách của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Chính sách đổi mới đã cởi trói, tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nông thôn nói chung. Nhờ đó, “Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi” (Trích Nghị quyết 26-NQ/TW).
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như đưa ra quan điểm về phát triển kinh tế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nêu rõ định hướng phát triển kinh tế nông thôn. Cụ thể là: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững”; “ Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch”; đồng thời “Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn”. “Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề. Phát triển nhanh và nâng cao chất lượng các loại dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống của dân cư nông thôn”.
Trong bối cảnh yêu cầu về đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ định hướng và vai trò của phát triển kinh tế nông thôn: đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, hàng hóa lớn, phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phối hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị; xác định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong nông nghiệp; phát triển hợp tác xã kiểu mới và các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng; hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ.
Cụ thể hóa các định hướng của Đảng, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Cùng với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn được quan tâm, chú trọng theo hướng tập trung vào các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn; phát triển ngành nghề nông thôn (triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, ...).
Sau hơn 12 năm triển khai, Chương trình đã đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể như sau:
a) Kết quả chung:
Chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành một phong trào sôi nổi, có sức lan tỏa rộng khắp trên cả nước và đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn, mang tính lịch sử, tạo nên bước ngoặt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta. Năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã (62,4%) đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 12,4%) trong đó, đã có 236 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã (Vượt mục tiêu bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã). Có 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 26% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến tháng 12/2023, cả nước dự kiến có khoảng 6.370/8.167 xã (khoảng 78%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
b) Một số kết quả nổi bật:
- Hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, lĩnh vực giao thông, thủy lợi, điện, trường học, giáo dục, văn hóa, y tế, thương mại nông thôn được tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển KTXH khu vực thành thị, thu hẹp dần khoảng cách với khu vực đô thị.
+ Cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 68,7%. Chất lượng đường giao thông ngày càng được nâng cao và khá đồng bộ, góp phần tích cực hình thành các vùng sản xuất lớn và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về nông thôn.
+ Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, cả nước có hàng ngàn công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do xã quản lý đã được xây mới, sửa chữa và nâng cấp. trên 80% diện tích đất sản xuất được tưới tiêu chủ động, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương.
+ 100% số xã và 99,25% số hộ nông thôn đã có điện. Chất lượng điện ở nông thôn ngày càng được nâng cao, ổn định, cơ bản đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu sinh hoạt của người dân và phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.
+ Cả nước có 31.016 trường học các cấp ở nông thôn, tỷ lệ trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia tăng mạnh.
+ Trên 79% số xã có nhà văn hóa, trung tâm thể thao xã , trong đó, 71% đạt chuẩn. Cả nước có trên 72.952 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao thôn (chiếm khoảng 79,2%), trong đó, có 65% đạt chuẩn.
+ 100% các xã có trạm y tế (khoảng 11.083 trạm), trong đó, khoảng 76% số trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế.
- Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị.
Các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả hơn. Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn. Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng thông qua phát triển các kênh tiêu thụ, gia tăng thương mại điện tử; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Có 6.397 xã (78,2%) đạt tiêu chí về Thu nhập; 7.460 xã (91,2%) đạt tiêu chí về Lao động; 6.760 xã (82,7%) đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
- Hệ thống giáo dục, y tế cơ sở ở nông thôn tiếp tục được nâng cao: Hệ thống giáo dục ở nông thôn tiếp tục phát triển. Mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả của y tế cộng đồng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng ổn định và bền vững qua các năm. Có 7.715 xã (94,4%) đạt tiêu chí Giáo dục và Đào tạo; 7.115 xã (87%) đạt tiêu chí về Y tế.
- Chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn từng bước được nâng cao: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi và phát triển, nhất là các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy du lịch phát triển.
- Vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tăng đáng kể qua từng năm, từ 44,1% năm 2011 lên 66% hiện nay, thậm chí có nhiều địa phương ở cấp huyện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã đạt đến trên 90%. Đ có hàng vạn km tuyến đường hoa đã được hình thành trên bình diện toàn quốc, nhiều huyện đã có tỷ lệ các tuyến đường nông thôn trồng cây xanh - hoa đạt trên 50%.
- Hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng NTM: Trên 2.150 mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự đang hoạt động; có 61.158 Tổ an ninh nhân dân với 306.524 thành viên, 36.361 Tổ hòa giải với 174.524 thành viên, 92.623 Tổ tự quản với 358.021 thành viên, 31.392 Đội thanh niên xung kích, trong đó có nhiều mô hình phát huy tác dụng, hiệu quả giữ vững, ổn định tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở.
c) Về kết quả triển khai Chương trình OCOP
Xuất phát từ Phong trào “mỗi làng một sản phẩm - OVOP”, bắt đầu được khởi xướng ở Oita, Nhật Bản vào năm 1979, nhằm khuyến khích mỗi làng lựa chọn và phát triển một sản phẩm đặc biệt để phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển kinh tế (đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ, lòng tự hào, khả năng sáng tạo, văn hoá...). Phong trào OVOP đã lan tỏa và được triển khai thực hiện trên 46 quốc gia và vùng lãnh thổ ở các khu vực Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ ... và đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của các quốc gia.
Đúc kết từ các bài học kinh nghiệm và yêu cầu của thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về việc phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020. Chương trình nhằm phát triển ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng miền, tạo hành lang pháp lý, cơ chế vận hành Chương trình một cách đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trên phạm vi cả nước.
Sau hơn 5 năm, Chương trình OCOP đã trở thành một chính sách trọng tâm, có sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương trên cả nước.
Đến hết tháng 12/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đến nay, đã có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với cuối năm 2022), trong đó 689% sản phẩm 3 sao, 30% sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Đ có 5.724 chủ thể OCOP, trong đó có 37,5% là HTX, 24,4 % là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đang từng bước khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm.
Bên cạnh những kết quả về sản phẩm, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cụ thể là:
- Chương trình OCOP có tiếp cận tổng thể nhằm khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường (ngoài vấn đề lương thực, dinh dưỡng… còn khía cạnh về văn hóa, trách nhiệm với cộng đồng, môi trường sống). Chương trình chú trọng đến phát huy đa giá trị tích hợp của ngành nông nghiệp (không chỉ kinh tế, còn xã hội, môi trường) theo chủ trương chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ trọng cung (năng suất, sản lượng) sang trọng cầu (đa giá trị, chất lượng sản phẩm và tính bền vững). Đ hình thành được nhiều chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp, nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang, ...
- Chương trình OCOP đã khơi dậy tinh thần của các chủ thể OCOP trên nhiều khía cạnh, cụ thể như: (1) tư duy về phát triển kinh tế để tiếp cận với thị trường, chú trọng yếu tố về chất lượng; tiêu chuẩn/quy chuẩn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; phát triển sản phẩm về mẫu mã , bao bì gắn với sự tiện lợi, theo yêu cầu thị trường; … (2) nâng cao vai trò của chủ thể với cộng đồng như: tạo công ăn việc làm; bảo vệ các giá trị văn hóa, đặc sản địa phương; bảo vệ môi trường sinh thái…; (3) từng bước hình thành sản phẩm OCOP gắn với mục tiêu phát triển đa giá trị: kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, …
- Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã , bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy: 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40%.
- Sản phẩm OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường, các chủ thể OCOP đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt là trước những tác động của dịch bệnh covid 19. Rất nhiều chủ thể OCOP đã đẩy mạnh bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử và các hình thức bán hàng online. Theo thống kê của các sàn thương mại điện tử, đã có hơn 3.000 sản phẩm OCOP (từ 3 sao trở lên) đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch covid, nhiều chủ thể OCOP đã đạt từ 20-50% doanh số /tổng doanh số bán hàng thông qua hình thức bán hàng trực tuyến (sàn thương mại điện tử, bán hàng online, livestream, …).
- Đặc biệt, Chương trình thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế (người đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ), góp phần thực hiện chủ trương “không bỏ lại ai phía sau” (tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, cao hơn tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành các doanh nghiệp của Việt Nam (25%), đặc biệt là ở khu vực miền núi như: Bắc Trung Bộ với 50,6%, Tây Nguyên là 45,2% và MN phía Bắc là 43,4%. Tỷ lệ chủ thể là người dân tộc thiểu số khu vực khó khăn, miền núi chiếm 17,1%, đặc biệt là ở các địa phương khu vực miền núi phía Bắc lên đến 37,3%.
Phát huy những kết quả đạt được của Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, đặc biệt là sức lan tỏa của sản phẩm OCOP trong đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chương trình đến 2025 như sau: Phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 -500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, …)… Bên cạnh đó, sản phẩm được phân theo 6 nhóm gồm: Nhóm thực phẩm; Nhóm đồ uống; Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ; Nhóm sinh vật cảnh; Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Về nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, đến nay cả nước đã có hơn 80 sản phẩm OCOP là mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Một số điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn đã được đánh giá, phân hạng trong thời gian qua như: DLCĐ thôn Nậm Hồng (Hà Giang); Homestay Nặm Đíp (Tuyên Quang); Lan’s Homestay (Cao Bằng); Dịch vụ du lịch “Khu sinh thái vườn đá Tà Phìn” (Lào Cai); Điểm DLCĐ Hello Mù Cang Chải (Yên Bái); Làng văn hóa DLCĐ Khim Nọi (Yên Bái); Du lịch văn hóa dân tộc tày bản làng Thái Hải (Thái Nguyên); Dịch vụ Homestay Bản Lác (Hòa Bình); Điểm DLCĐ Ngọc Chiến (Sơn La); Điểm DLCĐ Sin Suối Hồ (Lai Châu); Du lịch Làng Quê Yên Đức (Quảng Ninh); Mô hình du lịch cộng đồng Quèn Thờ (Ninh Bình); DLCĐ bản Nưa xã Yên Khê huyện Con Cuông (Nghệ An); Dịch vụ DLCĐ Tam Thanh (Quảng Nam); Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận); Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (Kon Tum); Điểm tham quan du lịch nhà cổ Ba Đức (Tiền Giang); Vĩnh Long Phương Thảo homestay (Vĩnh Long); Nghệ thuật Rô - Băm (Sóc Trăng); Homestay Ngôi nhà Hoa Ếch (Flower & Frog Homestay, Đồng Tháp); Điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), ...
Kinh tế nông thôn Việt Nam thời gian qua phát triển đa dạng, chuyển đổi nhanh theo hướng tăng các hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn chiếm trên 65% (năm 2020), so với năm 2013 (61%) và năm 2008 (59%). Tỷ lệ hộ gia đình phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn chiếm 50,9%, tăng 6,7% so với năm 2016. Năm 2010, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 49,5% tổng số lao động toàn xã hội, đến năm 2020 còn khoảng 32,8%. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, trung bình 1,1 triệu lao động/năm chuyển từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác.
Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Về mặt kinh tế, DLCĐ nông nghiệp, nông thôn hỗ trợ phát triển gia tăng giá trị kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoài sản xuất nông nghiệp, kích thích các ngành sản xuất khác và tạo ra thêm việc làm.
Du lịch là một ngành kinh tế có tính xã hội và tính tổng hợp rất cao, phát triển du lịch sẽ có tác động tích cực đến các ngành kinh tế khác mà có liên quan, cung cấp sản phẩm cho du lịch. Nhờ có du lịch mà mức tiêu thụ hàng hoá nói chung ở các khu vực nông thôn tăng lên, kích thích sản xuất hàng hoá ở khu vực đó và các khu vực lân cận, thúc đẩy quá trình giao thương giữa các khu vực gắn với cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho du khách. Không những gia tăng sản lượng sản xuất hàng hoá mà giá trị của các hàng hoá này cũng được tăng lên vì du lịch là một ngành xuất khẩu tại chỗ, giá trị hàng hoá cung cấp cho du khách cao hơn nhiều so với bán cho các hộ thu mua hay bán tại chợ địa phương. Những địa phương có tính liên kết càng cao trong quá trình sản xuất hàng hoá, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp thì sự tác động tích cực của du lịch càng dễ nhận thấy, người nông dân thu được những lợi ích kinh tế đáng kể từ việc bán sản phẩm cho du khách.
Ngoài ra, phát triển du lịch mang lại một nguồn thu ngoài sản xuất nông nghiệp cho người nông dân. Ngành nông nghiệp có tính thời vụ rõ nét, vào những lúc nông nhàn người nông dân hầu như không có thêm các hoạt động tạo ra thu nhập và nhờ có du lịch mà họ có thể có thêm việc làm, có thêm một khoản thu nhập ngoài nông nghiệp. Hoạt động nông nghiệp cũng không yêu cầu khắt khe về thời gian làm việc nên người nông dân vẫn có thể tham gia song song cả canh tác nông nghiệp và hoạt động du lịch, hai hoạt động này bổ trợ cho nhau và đều mang lại thu nhập cho người nông dân. Những khoản thu nhập tăng thêm từ du lịch giúp người nông dân có thể chỉnh trang lại nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng, đầu tư cho học tập của con hay thậm chí đầu tư ngược lại cho hoạt động du lịch. Nhìn rộng ra, du lịch giúp cải thiện đời sống kinh tế ở nông thôn, gia tăng cơ sở hạ tầng nông thôn và thay đổi bộ mặt đời sống người nông dân. Khi người dân có thêm thu nhập thì nhà nước cũng có thêm các khoản thu thông qua thuế, tăng thu ngân sách giúp đầu tư phát triển nông thôn hiệu quả hơn.
Phát triển du lịch còn giúp tăng số lượng việc làm, cả trực tiếp lẫn gián tiếp cho nhiều lao động ở nông thôn. Tình trạng thiếu việc làm, lao động nhàn rỗi tại nông thôn sẽ được khắc phục một phần thông qua phát triển du lịch. Không chỉ tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, lao động nông thôn còn tham gia vào nhiều hoạt động gián tiếp bổ trợ cho hoạt động du lịch như vận chuyển, sản xuất hàng hoá, ẩm thực, … Điều này giúp tăng cơ hội làm việc, tạo ra thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn. Tác động xã hội của du lịch đối với lao động còn giúp giảm tệ nạn xã hội, huy động người lao động trẻ ở lại hoặc quay lại nông thôn lao động thay vì di chuyển đến các thành phố lớn do thiếu công việc.
Tất cả những tác động tích cực này của du lịch đối với kinh tế nông thôn góp phần xây dựng thành công nông thôn mới. DLCĐ nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản, ... ngược lại xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trong việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, cơ sở vật chất ngành du lịch, bảo tồn phát huy văn hoá truyền thống, xây dựng các văn hoá sống mới với văn minh nông thôn, bảo vệ bền vững môi trường, nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và vật chất khu vực nông thôn. Xây dựng nông thôn mới hướng đến phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng DLCĐ nông nghiệp, nông thôn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua thực hiện chương trình, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Đặc biệt, nhiều địa phương đã chủ động phát triển được những nhóm sản phẩm dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn và điểm du lịch.
Thông qua Chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng miền. Mục tiêu quan trọng nhất của chương trình OCOP là thúc đẩy kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế đặc thù của địa phương, của tộc người cụ thể, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, … những điều này hướng đến hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế nông thôn, nhất là các khu vực sản xuất nông nghiệp là ngành nghề chủ đạo. Chương trình OCOP cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các yếu tố sức mạnh cộng đồng, đó là sự tham gia của cộng đồng vào quá trình sản xuất và chế biến sản phẩm, là việc sử dụng nguồn lao động tại địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương. Yếu tố này thể hiện được giá trị nhân văn sâu sắc của việc phát triển sản xuất và phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương. Góp phần hạn chế nguồn di cư lên thành phố của nguồn lao động ở khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế địa phương và xa hơn là ngắn đi khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Các sản phẩm OCOP đã bám sát các yêu cầu của Chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, hình thành xu hướng ưu tiên trong phân phối sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, một khía cạnh khác của sản phẩm OCOP là nhóm sản phẩm điểm du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng. Đây là một trong sáu nhóm sản phẩm OCOP đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông thôn.
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại và đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, chương trình OCOP sẽ tập trung vào việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa, và tri thức bản địa theo “trục sản phẩm địa phương làng, xã ”. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa.
Tóm lại, du lịch và chương trình OCOP có vai trò quan trọng đối với thúc đẩy kinh tế nông thôn trong chương trình nông thôn mới, đây là một trong những động lực để đưa kinh tế nông thôn từng bước gia tăng giá trị, trở thành các hoạt động sản xuất chuyên nghiệp, được liên kết theo các hình thức chuỗi thay vì sản xuất nhỏ lẻ và rời rạc. Phát triển du lịch và OCOP trong chương trình nông thôn mới là sự kết hợp tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Điều này sẽ góp phần thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đó là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
a) Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030
Để tiếp tục đẩy mạnh ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thức cơ cấu kinh tế hiện đại. Thủ Tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 147/QĐ-TTg vào ngày 22/01/2020 về Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, đề ra nhiệm vụ là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm. Phát triển du lịch cộng đồng: Có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng; gắn phát triển du lịch văn hóa với trải nghiệm đời sống cộng đồng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cụ thể là phải có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng; gắn phát triển du lịch văn hóa với trải nghiệm đời sống cộng đồng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư và các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nhân và cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững; Ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch; phát triển du lịch cộng đồng; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương, …
Có thể thấy, DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là một loại hình sản phẩm quan trọng mà Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 hướng đến, đây là giải pháp giúp cộng đồng tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn có thể nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống một cách bền vững. Quyết định này cũng đưa ra nội dung tổ chức thực hiện cụ thể như sau: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép các nội dung phát triển du lịch vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.
b) Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội Khóa XV về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Cụ thể một số nội dung có liên quan đến phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn như sau:
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã , thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
- Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị.
- Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
c) Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025
Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đã nêu ra những quan điểm cụ thể để định hướng Chương trình, trong đó có: Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã , cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Mục tiêu tổng quát được đề ra nhằm phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Chương trình cũng xác định đối tượng cụ thể tham gia đối với sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là các hợp tác xã , tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh và các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương. Sản phẩm tham gia vào Chương trình gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Nhóm sản phẩm số 6: Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan có liên quan, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ:
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho Nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch; tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
- Hỗ trợ phát triển, quảng bá, xúc tiến các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP; xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch gắn với nông nghiệp và NTM; tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP cấp quốc gia, sản phẩm OCOP tiêu biểu của các địa phương tham gia các sự kiện, triển lãm về văn hóa cấp quốc gia, quốc tế.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP tại các thị trường khách du lịch trọng điểm.
d) Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định quan điểm là:
- Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
- Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.
- Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã , tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả. Đối tượng thực hiện bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã , doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nông thôn có nhu cầu khai thác và liên kết phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Quyết định số 922/QĐ-TTg mang tính then chốt và tạo động lực phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Một số giải pháp thực hiện chủ yếu như sau:
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Xây dựng định hướng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch nông thôn; Rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng hệ thống công cụ giám sát và hướng dẫn thực hiện quy trình đánh giá chất lượng điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn thực hiện việc công nhận khu, điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; Thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư (PPP), hợp tác công - tư - cộng đồng (PPCP) và các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nghiệp và cộng đồng trong phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; xây dựng cơ chế quản lý, giám sát và phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn có sự tham gia của cộng đồng.
Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng (tài chính, sức lao động…) và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại các địa bàn, môi trường khác nhau (rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, biển đảo…); Khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; các giải pháp kết nối thị trường, marketing hiệu quả cho DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; Lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình này với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới; Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng công nghệ số; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tổ chức các cuộc thi sáng tác ý tưởng liên quan tới DLCĐ nông nghiệp, nông thôn (tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm truyền thông, thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch…); Tổ chức giải thưởng DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cấp quốc gia.
Bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn; Đưa các nội dung bồi dưỡng, đào tạo về du lịch vào các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương và vùng; Xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình phục vụ một số dịch vụ du lịch cơ bản tại khu vực nông thôn; Tổ chức mạng lưới chuyên gia du lịch, nông nghiệp và các ngành khác là doanh nhân, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia hỗ trợ các hộ dân và cộng đồng khai thác và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… phục vụ cho hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn:Lập bản đồ số các sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ trung ương đến địa phương phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện; Xây dựng chuyên trang điện tử (website, triển lãm, hội chợ du lịch ảo, các sản phẩm truyền thông số…) về DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội.
Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm triển khai hoạt động phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn đồng bộ và hiệu quả; Huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cho các dự án, chương trình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho DLCĐ nông nghiệp, nông thôn; Tham gia các mạng lưới, diễn đàn về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn ở cấp khu vực và quốc tế; thí điểm mạng lưới kết nối về du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm; giới thiệu và quảng bá các điểm đến DLCĐ nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam cho khách quốc tế.
2.3.2. Định hướng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn Việt Nam gắn với xây dựng nông thôn mới
Các cơ sở pháp lý nên trên cũng đã chỉ ra một số định hướng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình OCOP. Tài liệu này khái quát và làm rõ một số quan điểm chủ đạo sẽ định hướng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới để các bên liên quan, nhất là các chủ thể tham gia vào hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn nắm bắt và tận dụng được bối cảnh này, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Các cấp quản lý cần nhận thức và thấy rõ vai trò của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trong thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới, nhất là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và định hướng làng thông minh. Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn giúp tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội nói chung và cơ sở vật chất cho ngành du lịch nói riêng, qua đó hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế, dịch vụ tại nông thôn cũng được khởi sắc nhờ sự tham gia của du khách và nhiều bên liên qua khác khi du lịch tại địa phương, giá trị hàng hoá nông thôn được nâng cao và tạo điều kiện quảng bá, xuất khẩu tại chỗ, hỗ trợ cho Chương trình OCOP. Đời sống nông thôn được hiện đại hoá và văn minh, tiến bộ hơn gắn với sự phát triển du lịch. Thông qua hoạt động du lịch, nguồn thu ngân sách cũng tăng để có thể đóng góp vào hoàn thiện các tiêu chí khác trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Các chủ thể tham gia DLCĐ nông nghiệp, nông thôn có cơ hội tăng thêm thu nhập và giao lưu, tiếp biến văn hoá mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Các chủ thể này không chỉ tạo thêm việc làm cho chính mình mà còn cho những thành viên khác trong gia đình, cộng đồng xung quanh, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, góp phần giảm tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội. DLCĐ nông nghiệp, nông thôn còn khuyến khích người trẻ tham gia, đặc biệt là trong bối cảnh khởi nghiệp nông thôn, hạn chế di dân đến vùng thành thị.
- Thứ hai, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.
Các bên liên quan tham gia vào hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cần chú ý đến tính bền vững của hoạt động này, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Nhiều bài học cho thấy nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến phát triển du lịch ồ ạt, quá mức, gây suy thoái tài nguyên du lịch địa phương, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng bản địa cùng các hệ quả tiêu cực về văn hoá, xã hội. Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cần đặt trong sự cân bằng giữa kinh tế - xã hội và môi trường. Tuy DLCĐ nông nghiệp, nông thôn có nhiều đóng góp về kinh tế nhưng không thể khai thác một cách quá mức, ảnh hưởng đến sức tải, khả năng hồi phục của địa phương. Hoạt động kinh tế chính vẫn là sản xuất nông nghiệp nên DLCĐ nông nghiệp, nông thôn chỉ là một giải pháp bổ trợ, nâng cao kinh tế đó chứ không thể thay thế hoàn toàn.
Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cần chú ý bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá bản địa gắn với đời sống cộng đồng. Quá trình phát triển luôn đi với hiện đại hoá, văn minh hoá đời sống nhưng cũng không thể đánh mất giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, là cái bản sắc, cái độc đáo riêng có của mỗi cộng đồng. Sự độc đáo về văn hoá này chính là thành phần tạo sức hút cho sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Đối với khía cạnh môi trường, mục đích của phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là tạo điều kiện cải tạo, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn. Do đó, cần có giải pháp kiểm soát các chỉ số môi trường, vấn đề rác thải, nước sạch, ô nhiễm không khí… khi có du khách đến các vùng nông thôn. DLCĐ nông nghiệp, nông thôn không làm giảm đi mà cần phải cải thiện hơn nữa chất lượng môi trường tại khu vực diễn ra hoạt động du lịch.
- Thứ ba, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.
Một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn vì thế phải phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng. Cộng đồng vừa là chủ thể cũng vừa là đối tượng thụ hưởng chính các lợi ích từ hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Cộng đồng cũng phải tham gia vào quá trình quản lý, tham gia ý kiến về định hướng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại địa phương mình sinh sống. Tuy vậy, cộng đồng sẽ có những hạn chế nhất định về năng lực và kinh nghiệm kinh doanh du lịch, do đó cần có sự tham gia của các bên liên quan khác như doanh nghiệp, tổ chức tư vấn, chính quyền địa phương, … để có thể phát triển hiệu quả DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng chính là những bước đầu tiên để hình thành chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn theo hình thức chuỗi giá trị giúp huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan vào quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch địa phương, phân phối lợi ích hài hoà giữa các bên liên quan thay vì tập trung vào một bên. Chính quyền địa phương có thể là tác nhân đầu tiên khởi xướng chuỗi này bởi họ có thể huy động và kêu gọi sự tham gia của nhiều bên liên quan và thiết lập các mô hình quản lý, hình thức liên kết giữa các bên liên quan này.
- Thứ tư, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cần gắn với phát triển, quảng bá, xúc tiến các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP; xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch gắn với nông nghiệp và nông thôn mới.
Nếu như sản phẩm DLCĐ thông thường chỉ cần khai thác tốt yếu tố tài nguyên du lịch tại địa phương để tạo nên sản phẩm, dịch vụ du lịch thì DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cần chú ý đến các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc biệt là sản phẩm làng nghề, đặc sản, sản phẩm OCOP. Các chương trình du lịch, tuyến điểm tham quan cũng cần gắn với các thành tựu của chương trình NTM tại địa phương để góp phần quảng bá, lan toả hình ảnh địa phương vừa giàu văn hoá truyền thống, vừa có cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống văn minh hơn. Đây là mối quan hệ hai chiều, DLCĐ nông nghiệp, nông thôn giúp quảng bá hình ảnh mới về khu vực và các thành tựu của chương trình NTM, chương trình OCOP tại đó, ngược lại, các thành tựu của chương trình NTM, chương trình OCOP góp phần làm phong phú, đặc sắc thêm cho sản phẩm, dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
a) Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn
- Lập kế hoạch và định hướng phát triển cho du lịch nông thôn
+ Rà soát, đánh giá các giá trị tài nguyên, thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch của các địa phương để thiết lập, hệ thống hóa mạng lưới điểm du lịch nông thôn đặc trưng. Định hướng phát triển du lịch nông thôn được rà soát và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và quy hoạch hệ thống du lịch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã và cấp huyện; thúc đẩy sự liên kết nông thôn - đô thị về phát triển du lịch, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn xung quanh các trung tâm đô thị.
+ Xây dựng đề án, chương trình hoặc kế hoạch về phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2022-2025 (ở cấp tỉnh, huyện, xã đối với các địa phương có tiềm năng).
- Rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn
+ Các chính sách về sử dụng quỹ đất đai, đầu tư hạ tầng, quản lý du lịch nông thôn trên cơ sở phù hợp với quy hoạch vùng và địa phương (tỉnh, huyện, xã) đảm bảo tính liên kết và kết nối các điểm đến (liên tỉnh, liên vùng), có tính đột phá để thu hút nhà đầu tư và nhân dân cùng đồng hành với Nhà nước phát triển du lịch bền vững.
+ Chính sách hỗ trợ cho từng đối tượng chủ thể (hộ dân, cộng đồng, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp…) tham gia đầu tư, cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn. Thúc đẩy các cơ chế quản lý, giám sát và phát triển du lịch nông thôn dựa trên phương thức hợp tác Công - Tư - Cộng đồng (PPCP);
+ Chính sách hỗ trợ tiếp cận tài chính, vốn vay ưu đã i cho đầu tư vào du lịch nông thôn. Nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng các mô hình tài chính hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn.
+ Chính sách khuyến khích, hỗ trợ thanh niên tham gia chương trình đào tạo nghề du lịch trở lại quê hương lập nghiệp; chính sách hỗ trợ mô hình khởi nghiệp phát triển du lịch nông thôn, mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn do phụ nữ làm chủ.
- Rà soát, bổ sung các chính sách đầu tư, quản lý phát triển du lịch nông thôn
+ Chính sách đầu tư phát triển hạ tầng du lịch nông thôn, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các làng xã đến thị trấn, trung tâm tỉnh, thành phố, các trung tâm gửi khách du lịch; cung cấp nước sạch, xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh công cộng, thu gom và xử lý rác thải tại các điểm du lịch nông thôn, thu gom nước thải; các điểm, bãi đỗ xe; cơ sở hạ tầng công nghệ số và kết nối viễn thông, hệ thống điện ổn định;
+ Cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đưa khách du lịch về khu vực nông thôn. Khuyến khích cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại khu vực nông thôn; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề du lịch cho lao động nông thôn.
+ Chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nhằm phát huy bản sắc văn hóa, duy trì phát triển đội ngũ nghệ nhân, duy trì và phát triển các kỹ năng biểu diễn và dàn dựng các tiết mục, tiểu phẩm cho các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thông, phục dựng mô hình sản xuất truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch nông thôn.
+ Chính sách hỗ trợ liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, công nghệ tiêu thụ sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ tiêu dùng du lịch tại khu vực nông thôn.
- Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về các loại hình du lịch nông thôn.
+ Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí điểm du lịch nông thôn, dịch vụ du lịch nông thôn đạt chuẩn cho các sản phẩm du lịch đặc trưng tại khu vực nông thôn.
+ Xây dựng các bộ nguyên tắc, hướng dẫn về quy hoạch, thiết kế cảnh quan, tổ chức không gian của điểm đến du lịch nông thôn đáp ứng yêu cầu khai thác đặc trưng khu vực nông thôn và đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch.
b) Phát triển hệ thống điểm du lịch và sản phẩm du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn đặc thù, chất lượng cao
- Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng vùng, miền
+ Tại các khu vực nông thôn có tiềm năng phát triển du lịch, bố trí và tổ chức không gian các khu, điểm du lịch nông thôn phù hợp với cảnh quan, đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ lợi ích cộng đồng dân cư nhằm hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
+ Hình thành và nâng cao chất lượng các tuyến, điểm du lịch, phát triển các trải nghiệm đa dạng và dịch vụ có chất lượng cao, có bản sắc theo vùng miền, kết nối với thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa, theo độ tuổi,…).
+ Xây dựng bộ thuyết minh về các điểm di tích văn hóa, lịch sử, các điểm du lịch sinh thái và nghề truyền thống gắn với các điểm đến du lịch nông thôn.
+ Xây dựng hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo tại các khu, điểm du lịch nông thôn, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch trong quá trình khám phá, trải nghiệm.
+ Xây dựng hệ thống công cụ giám sát và đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn. Hướng dẫn, phân loại và đánh giá chất lượng các sản phẩm du lịch nông thôn. Thực hiện việc công nhận khu, điểm du lịch nông thôn. Tổ chức giải thưởng Du lịch nông thôn cấp quốc gia định kỳ hàng năm.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn
+ Đầu tư, nâng cấp các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo số lượng và chất lượng dịch vụ, hạn chế ô nhiễm môi trường.
+ Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, thu gom và xử lý rác thải, thu gom nước thải, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hạ tầng chuyển đổi số và kết nối viễn thông…) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, không phá vỡ cảnh quan và duy trì được sức hấp dẫn của điểm.
+ Hỗ trợ quy hoạch, thiết kế, cải tạo cảnh quan môi trường tại khu vực cộng đồng dân cư, giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa (ăn, ở, trang phục, kiến trúc…) đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất và bản sắc vùng miền. Chú trọng bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử, sinh thái và tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.
+ Đầu tư quy hoạch và xây dựng các điểm bán sản phẩm, trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nghề truyền thống, đồ lưu niệm, nội thất trang trí đạt chất lượng, thân thiện phục vụ khách du lịch.
+ Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển một số hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, làng nghề, loại hình biểu diễn văn hóa; xây dựng các điểm để tái hiện làng nghề truyền thống tại điểm đến cho khách trải nghiệm. Có hướng dẫn tại điểm thuyết minh về từng nghề truyền thống, xây dựng và xuất bản ấn phẩm, tập gấp, tờ rơi về từng ngành nghề được khôi phục. Phát triển đội ngũ nghệ nhân, phục dựng mô hình sản xuất truyền thống, sản xuất một số mặt hàng phục vụ khách du lịch.
+ Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (bãi đỗ xe, ăn uống, giải khát, vệ sinh, sản phẩm du lịch…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý.
- Tăng cường liên kết trong phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn
+ Thúc đẩy và tăng cường liên kết giữa các bên tham gia vào các hoạt động du lịch nông thôn (nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng…) để đảm bảo cơ chế chế đối thoại và hợp tác.
+ Hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã , huyện NTM phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế.
+ Tăng cường quản lý điểm đến: Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, khai thác đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn; quản lý khách du lịch (đặc biệt là khách quốc tế), quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn.
c) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn và tăng cường thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn
- Chuyển đổi tư duy, tiếp cận, nhận thức, kiến thức, hành động trong hệ thống các cơ quan, đơn vị hoạch định và quản lý du lịch; cán bộ nông thôn mới các cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân và cộng đồng có phát triển du lịch và khách du lịch về phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn.
- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, cộng đồng và người dân nông thôn về việc giữ gìn và bảo tồn phát huy giá trị di sản; bảo vệ đa dạng sinh học ở các khu di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, các khu rừng đặc dụng (vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu bảo vệ cảnh quan…), bảo vệ môi trường và cảnh quan tự nhiên, các giá trị sinh thái, hiểm hoạ môi trường do phát triển kinh tế - xã hội và du lịch;
- Xây dựng hệ thống thông tin về sản phẩm du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn
+ Lập bản đồ số hoá sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác…phục vụ cho việc xúc tiến du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn.
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu, ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước phát triển du lịch thông minh đảm bảo an toàn, thuận tiện và thân thiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn.
+ Xây dựng mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để phục vụ cho kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung - cầu du lịch.
- Triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương. Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn gắn với khai thác tài sản trí tuệ địa phương nổi bật.
- Tổ chức các lễ hội (đặc biệt là lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội trái cây theo mùa và theo vùng miền), hoạt động kết nối du lịch các vùng, miền. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn tại các hội chợ, triển lãm.
- Nghiên cứu, xây dựng các công cụ, phương thức xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn phù hợp với các loại hình du lịch và các đối tượng khách hàng; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện cho tuyên truyền, xúc tiến quảng bá các điểm đến đến du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn, tiếp cận các thị trường du lịch, kết nối với khách hàng mục tiêu.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn
+ Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin với các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, kế thừa các sáng kiến, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn.
+ Kêu gọi sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cho các dự án, chương trình du lịch nông thôn gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái.
+ Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với các tổ chức nước ngoài để xây dựng mô hình du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện Việt Nam và yêu cầu của Chương trình.
+ Tham gia các mạng lưới, diễn đàn về phát triển du lịch nông thôn ở cấp khu vực và quốc tế; Giới thiệu và quảng bá các điểm đến du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam cho khách quốc tế.
d) Phát triển nguồn nhân lực du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn có chất lượng
- Rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các hộ, cộng đồng kinh doanh du lịch nông thôn và các làng bản du lịch cộng đồng.
- Xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp du lịch ở khu vực nông thôn, các ban quản lý chuyên trách trực tiếp quản lý, vận hành các điểm du lịch nông thôn;'
- Xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo nghề cho cư dân và cộng đồng nông thôn gắn với định hướng đầu tư du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch để học có thêm sinh kế khác ngoài nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Đưa các nội dung bồi dưỡng, đào tạo về du lịch vào các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương và vùng.
- Xây dựng tài liệu (giáo trình, phim ảnh, video clip…) hướng dẫn quy trình phục vụ, kỹ năng cung cấp dịch vụ du lịch tại khu vực nông thôn (buồng phòng, nấu ăn, thiết kế, đón khách…).
- Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng làm du lịch, cung cấp dịch vụ ăn uống (nấu ăn, pha chế…), lưu trú (làm buồng, phòng…), ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách cho cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kết hợp với nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về điểm du lịch và học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông thôn tại các địa phương trong và ngoài nước.
- Tổ chức mạng lưới chuyên gia du lịch, nông nghiệp và các ngành khác là doanh nhân, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia hỗ trợ các hộ dân và cộng đồng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn.
đ) Xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình về phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững
- Rà soát, đánh giá các loại hình du lịch nông thôn do cộng đồng làm chủ hoặc cộng đồng tham gia vào liên kết: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề.
- Khảo sát và lập danh mục các điểm du lịch nông thôn tiềm năng theo các loại hình du lịch đặc thù, để từ đó xác định phương án và lộ trình đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, cơ chế thu hút và thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch nông thôn từ cộng đồng, từ doanh nghiệp.
- Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với các tuyến, điểm du lịch đã được định hình ở 7 vùng du lịch trong cả nước:
+ Xây dựng các mô hình du lịch nông thôn do cộng đồng làm chủ hoặc cộng đồng tham gia liên kết khai thác đối với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải (ưu tiên các mô hình có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân). Hỗ trợ xây dựng hoàn chỉnh sản phẩm du lịch theo từng điểm đến phù hợp với từng loại thị trường khác;
+ Vận dụng và đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn theo hình thức hợp tác công tư và cộng đồng.
+ Hướng dẫn thí điểm mô hình quản lý du lịch nông thôn với các quy chế, quy trình quản lý điểm đến, chất lượng dịch vụ và cơ chế giám sát thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.
e) Thu hút nguồn lực cho phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn
- Tăng cường huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển du lịch ưu tiên bố trí vốn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.
- Khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn. Khuyến khích các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo các giải pháp kết nối thị trường, marketing hiệu quả cho du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn.
- Lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình này với các đề án: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án khác có liên quan.
3.1. Xác định tài nguyên xây dựng mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Theo Luật Du lịch năm 2017 thì “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch”. Do đó, để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn thì cần xác định được tài nguyên du lịch và dịch vụ du lịch tiềm năng.
Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch được chia làm 2 loại chính:
(1) Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.
(2) Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.
Ở khía cạnh nào đó, tài nguyên du lịch được phân nhóm dựa trên 02 loại hình ở trên, tuy nhiên phân loại như thế nào để có thể nhận dạng và đánh giá một cách đầy đủ về tài nguyên du lịch thì còn nhiều quan điểm khác nhau. Xét trên góc độ về nông nghiệp, nông thôn, tiếp cận phân loại tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể tiếp cận như sau:
a) Nhóm tài nguyên du lịch tự nhiên: đối với nông nghiệp, nông thôn nhóm tài nguyên này bao gồm: rừng quốc gia, rừng tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, cảnh quan các công trình thủy lợi (hồ, đập thủy lợi).
b) Nhóm tài nguyên du lịch văn hóa: các tài nguyên du lịch có thể tiếp cận phân nhóm như sau:
(i) Nhóm tài nguyên du lịch về văn hóa sản xuất: nhóm này bao gồm các làng nghề truyền thống, các mô hình sản xuất nông nghiệp bản địa như (các phương thức sản xuất, công cụ sản xuất, hoạt động sản xuất đã trở thành các giá trị văn hóa gắn với địa phương): ruộng bậc thang, chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận, miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long...
(ii) Nhóm tài nguyên du lịch về nông nghiệp: bao gồm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề có tiềm năng, lợi thế để hình thành các sản phẩm nông nghiệp (nhưng các hoạt động sản xuất chưa trở thành các giá trị văn hóa), như: nông nghiệp công nghệ cao, trải nghiệm trồng rau,...
(iii) Nhóm tài nguyên du lịch gắn với giá trị văn hóa đời sống: cây đa - bến nước - sân đình, kiến trúc nông thôn, lễ hội mùa, lễ hội văn hóa, ẩm thực,...
(iv) Nhóm tài nguyên du lịch về cảnh quan, công trình: cảnh quan nông thôn, các công trình xây dựng,...
Trên cơ sở định nghĩa này, việc hình thành các sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn được xác định là dựa vào các yếu tố: tài nguyên du lịch của vùng nông thôn, điều kiện vị trí - đi lại, và các dịch vụ, hình thức quản lý phù hợp.
Thứ nhất, tính độc đáo của tài nguyên DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chìa khóa của sự phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là người dân địa phương, trên cơ sở các nguồn tài nguyên sẵn có, tạo ra sản phẩm thu hút khách du lịch. Các nguồn tài nguyên của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn bao gồm các thành phần tự nhiên và nhân văn, cấu thành một giá trị du lịch độc đáo của vùng nông thôn. Có thể như sau:
- Thiên nhiên và môi trường nông thôn: Các nguồn tài nguyên quan trọng của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là những cảnh quan tự nhiên, bao gồm sông, hồ, suối, các vùng đất ngập nước, biển, rừng, đồng cỏ,… và thành phần sinh vật đa dạng, giúp du khách trải nghiệm sự gần gũi với thiên nhiên, sự khác biệt với môi trường sống hàng ngày mà các du khách đến từ các đô thị tìm kiếm.
- Cảnh quan nông thôn, nông nghiệp như kênh rạch, nhà cửa, ruộng lúa, vườn cây, nhà bè, chợ nổi, cảnh quan được chỉnh trang từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… tạo nên sự thú vị, kích thích sự tò mò khám phá của du khách.
- Các giá trị văn hóa phi vật thể và đời sống nông thôn: các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương là điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ngoài ra, khách du lịch ngày càng bị thu hút bởi cuộc sống thường nhật ở nông thôn, nhất là những vùng có đặc trưng văn hóa, dân tộc khác biệt. Được tham dự và là một phần trong các hoạt động đó sẽ khiến du khách có được những trải nghiệm thú vị. Bên cạnh đó, việc giới thiệu văn hóa ẩm thực địa phương tới du khách cũng là một phần không kém quan trọng của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
- Di sản văn hóa lịch sử: các di chỉ khảo cổ học và các di tích lịch sử, các kiến trúc tôn giáo hay kiến trúc văn hóa lâu đời… đều tạo nên tính hấp dẫn cho DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Ở nông thôn, khu vực nào có càng nhiều tài nguyên nổi bật so với các địa phương khác thì khả năng hình thành điểm đến du lịch càng cao. Ngoài ra, tài nguyên du lịch phong phú cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế các sản phẩm du lịch đặc thù.
Thứ hai, điều kiện vị trí, sự thuận tiện đi lại
DLCĐ nông nghiệp, nông thôn không đơn giản chỉ là chuẩn bị các chương trình du lịch mà bằng cách nào đó cần phải thu hút được du khách. Vì vậy, một điều kiện quan trọng là vị trí và khả năng tiếp cận. Điều kiện vị trí là một trong những yêu cầu cần xem xét đầu tiên khi lập kế hoạch phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Do đó, chúng ta cũng cần xem xét tình hình phát triển chung của địa phương và các địa phương lân cận để làm rõ vị trí của điểm tài nguyên nông thôn đó về khả năng tiếp cận hoặc liên kết phát triển. Thiếu khả năng tiếp cận sẽ khó hình thành nên sản phẩm du lịch và tài nguyên dù phong phú chỉ vẫn ở dạng tiềm năng. Đây cũng là điểm hạn chế cho nhiều vùng nông thôn ở nước ta trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch.
Thứ ba, dịch vụ và các hình thức quản lý
Khi đã có đầy đủ các điều kiện về chất lượng tài nguyên du lịch, điều kiện vị trí - đi lại như nói trên thì việc tạo ra sản phẩm du lịch có thể đưa ra thị trường còn phụ thuộc và các dịch vụ đi kèm như vận chuyển, ăn uống, lưu trú… Ngược lại, nếu trường hợp cả hai yếu tố này đều yếu thì tính cạnh tranh sẽ dựa vào giá trị, chất lượng của sản phẩm du lịch, các sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao độ thân thiện, hiếu khách của người dân v.v..
Hình thức quản lý là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững của một điểm du lịch ở khu vực nông thôn, hình thức quản lý trên cơ sở đồng tham gia của cộng đồng đang được khuyến khích trong mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn để từ đó thúc đẩy kinh tế nông thôn và khơi dậy lòng tự hào của người dân tại môi trường mình sinh sống, tạo nên thương hiệu riêng, đặc thù của mỗi vùng nông thôn trong phát triển du lịch.
Thứ tư, xác định tài nguyên du lịch
Xác định tài nguyên du lịch là bước đầu tiên, quan trọng để các mô hình xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của mô hình và đưa ra các giải pháp để phát triển các sản phẩm này. Xác định tài nguyên du lịch là xác định các thế mạnh, lợi thế của địa phương về tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn và các tài nguyên du lịch khách. Đây là các giá trị tài nguyên mà địa phương có ưu thế, có tính đặc trưng và riêng biệt có thể khai thác để thu hút du khách, đó có thể là các cảnh quan tự nhiên đặc trưng, còn tính nguyên bản, các hệ sinh thái độc đáo với đa dạng sinh học hay các giá trị địa chất, địa mạo, khí hậu mang tính riêng biệt mà các địa phương khác không có. Bên cạnh đó có thể là các giá trị văn hoá bản địa, có tính lịch sử của các tộc người cư trú tại địa phương, được giao lưu và tiếp biến trong suốt chiều dài sinh sống, sản xuất của người dân.
Việc đánh giá đúng, thực chất các tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là để khắc phục tình trạng trùng lặp thì bên cạnh các tiêu chí đánh giá như: Giá trị, sức chứa, mức độ hấp dẫn, phạm vi ảnh hưởng, khả năng khai thác và phục vụ phát triển du lịch thì cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
(1) Sự phù hợp gắn với quy hoạch kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp tỉnh: điều này rất quan trọng để đánh giá khả năng, điều kiện phát triển tài nguyên du lịch, tránh tình trạng nở rộ, manh mún và thiếu quy hoạch.
(2) Yếu tố đặc sắc, lợi thế của tài nguyên du lịch: cần phải đánh giá về phạm vi phân bố, tính trùng lặp với các địa phương khác, khả năng của tài nguyên để trở thành sản phẩm du lịch có giá trị địa phương.
(3) Hạ tầng kết nối và các điều kiện kết nối về du lịch: trong đó đặc biệt là khả năng kết nối, hình thành tour tuyến với các mô hình, điểm du lịch khác.
d) Yếu tố về tổ chức cộng đồng: đặc biệt là hiện trạng về quản lý, khả năng tổ chức cộng đồng để khai thác tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh những điều kiện chung để phát triển du lịch ở một điểm đến du lịch bao gồm: có tài nguyên du lịch, có khả năng tiếp cận… thì để phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là du lịch làng quê ở một điểm đến, cần lưu ý đến một số điều kiện quan trọng chủ yếu mang tính đặc thù bao gồm (Phạm Trung Lương, 2020):
- Giá trị về văn hóa truyền thống: Điểm đến phải đại diện cho văn hóa truyền thống làng/bản của mỗi vùng (dựa trên sự phân chia vùng văn hóa tại địa phương). Tại điểm đến còn sự hiện diện (bảo tồn) những giá trị văn hóa tiêu biểu về kiến trúc làng/bản; kiến trúc nhà ở; nghề truyền thống; sinh hoạt truyền thống mang tính cộng đồng cao; các giá trị văn hóa phi vật thể khác như lễ hội, trang phục… có tính đại diện cao.
- Giá trị cảnh quan: Cảnh quan làng/bản mang đậm bản sắc làng quê truyền thống, ít bị pha tạp (ví dụ, ít nhà xây theo kiểu kiến trúc hiện đại). Cảnh quan thiên nhiên ở vùng phụ cận hấp dẫn (sông, suối, hồ nước, rừng ...).
- Cộng đồng: Đa số người dân trong làng/bản có nguyện vọng được tham gia cung cấp dịch vụ du lịch. Làng/bản còn duy trì được tổ chức xã hội truyền thống (già làng, trưởng bản).
Xác định được các thế mạnh về tài nguyên là bước đầu tiên để có những sáng tạo về sản phẩm du lịch, tuỳ theo những dạng thức tài nguyên khác nhau mà địa phương đề ra các loại hình sản phẩm du lịch để khai thác các tài nguyên này, cung cấp cho du khách. Tài nguyên có độc đáo, đặc thù thì sản phẩm du lịch tạo ra mới có thể thu hút du khách và có tính cạnh tranh cao mà các địa phương khác không có. Bên cạnh đó, xác định được giá trị tài nguyên giúp cho công tác bảo tồn, nâng cấp tài nguyên đi đúng hướng, bảo tồn đúng các giá trị tiêu biểu của địa phương, tránh dàn trải, kém hiệu quả. Xác định được giá trị tài nguyên còn giúp công tác quảng bá, xúc tiến du lịch diễn ra có điểm nhấn, nâng cao thương hiệu du lịch địa phương thay vì quảng bá chung chung.
Các loại hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn rất đa dạng, phụ thuộc vào các loại tài nguyên trong các khu vực nông thôn. Có thể kể các phong cách du lịch ở một số khu vực trên cơ sở vận dụng đặc trưng của từng khu vực nông thôn đó, sẽ có du lịch di sản văn hóa, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông sinh học... Điều quan trọng trong phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là vận dụng tính đặc sắc có ở từng vùng nông thôn.
Loại hình đầu tiên có sức hấp dẫn đặc biệt có thể kể đến trong hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là du lịch di sản (có thể bao gồm cả di sản văn hóa du lịch). Du lịch di sản có thể được xem như là một chuyến du lịch nghỉ ngơi với mục đích chủ yếu là tìm hiểu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, kinh nghiệm của nơi đến và các hoạt động điển hình của họ.
Loại hình hoạt động chủ yếu thứ hai của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là du lịch tự nhiên/du lịch sinh thái. Được miêu tả là quá trình hoạt động tham quan các khu vực tự nhiên với mục đích là thưởng thức cảnh quan thiên nhiên, cây cối và hệ động thực vật hoang dã . Du lịch dựa vào thiên nhiên có xu hướng hoàn toàn tôn trọng bảo tồn tự nhiên.
Loại hình hoạt động chủ yếu thứ ba của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là du lịch nông nghiệp bao gồm các hoạt động viếng thăm, tìm hiểu các công việc ở nông trại hoặc nông nghiệp, nghề làm vườn hoặc kinh doanh nông nghiệp. Với mục đích chính là thưởng thức, học hỏi, tìm hiểu các hoạt động ở trang trại nông nghiệp bao gồm các hoạt động như tham quan chợ nông sản, chợ đêm, … Sản phẩm du lịch nông nghiệp chủ yếu có nguồn gốc từ nông nghiệp, là một trong các yếu tố của nông thôn.
Thứ năm, xác định dịch vụ du lịch
Tuy vậy, nếu chỉ có tài nguyên du lịch thì chưa đủ để hình thành nên sản phẩm du lịch mà cần có thêm các dịch vụ du lịch. Dịch vụ du lịch được xây dựng trên các tài nguyên giúp hoạt động tham quan diễn ra thuận tiện, có thêm các giá trị trải nghiệm và thu hút du khách đến điểm du lịch, chi tiêu cho du lịch. Nếu chỉ có tài nguyên du lịch mà không có dịch vụ du lịch thì du khách cũng không thể có những trải nghiệm du lịch hoàn chỉnh và chi tiêu cho du lịch. Do đó, sản phẩm du lịch được xây dựng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch nên góc nhìn của du khách là quan trọng. Đối với khách du lịch, một sản phẩm du lịch bao gồm những trải nghiệm hoàn chỉnh từ khi họ rời khỏi nhà đến khi họ trở về. Một sản phẩm du lịch bao gồm:
Điểm đến du lịch (nơi có tài nguyên du lịch):
Điểm đến thu hút khách du lịch có thể là điểm đến tự nhiên, nhân tạo… Mỗi điểm đến đều có một sức hấp dẫn khác nhau.
Điểm đến tự nhiên: là các hình thức thuộc sở hữu của tự nhiên (biển, núi, hồ, thung lũng, thác nước, sông, rừng…).
Điểm đến nhân tạo: bao gồm các điểm du lịch văn hóa (múa rối, nghi lễ truyền thống, nghi lễ…).
Dịch vụ vận chuyển:
Dịch vụ vận chuyển bao gồm các phương tiện đưa đón khách đến thăm quan các điểm du lịch bằng phương tiện giao thông hiện nay (ô tô, xe máy, máy bay, thuyền, xe đạp…) Dịch vụ vận chuyển là yếu tố tạo thành sản phẩm du lịch, giúp dễ dàng tiếp cận điểm đến du lịch..
Dịch vụ lưu trú và ăn uống:
Dịch vụ lưu trú và ăn uống bao gồm các dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu của người đi du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng…).
Dịch vụ trải nghiệm
Dịch vụ trải nghiệm bao gồm các dịch vụ nhằm giúp du khách tương tác với tài nguyên du lịch, người dân bản địa từ đó khiến quá trình tham quan du lịch trở nên thú vị, hấp dẫn hơn và du khách cũng chi tiêu nhiều hơn. Một số dịch vụ trải nghiệm như hoá thân làm nông dân, lặn biển, leo núi, thám hiểm, ngắm san hô, học nấu ăn, học trồng trọt, ...
Hàng hóa bổ sung: Bao gồm hàng tiêu dùng, quà lưu niệm, ...
Các dịch vụ hỗ trợ: Thủ tục xin hộ chiếu, visa, y tế, bưu chính, ngân hàng...
Tóm lại, để có thể hình thành các mô hình phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thì những chủ thể tham gia phát triển các mô hình này cần xác định được tiềm năng du lịch đặc trưng của địa phương, từ đó lên ý tưởng các sản phẩm dịch vụ sẽ cung cấp cho du khách. Các dịch vụ du lịch cũng là một phần không thể thiếu để biến tài nguyên du lịch thành sản phẩm du lịch, các chủ thể cần xem xét đầu tư các dịch vụ cơ bản nhất, từng bước hướng đến các dịch vụ nâng cao để giúp điểm du lịch tăng sự thu hút và tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách.
3.2. Hướng dẫn xây dựng sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
a) Sản phẩm lưu trú
Cần lưu ý các tiêu chuẩn sau:
- Dù là dạng lưu trú homestay, ngủ bản, hay nghỉ dưỡng độc đáo (retreat), nhà ngủ đồng quê (lodge)… người dân cũng cần cải tạo lại không gian nhà sạch sẽ, khang trang, phân chia các phòng một cách hợp lý và xác định rõ chức năng của từng phòng để du khách có thể sử dụng đúng mục đích.
- Lưu trú trong du lịch cộng đồng không cần sang trọng nhưng vẫn phải đủ tiện nghi để du khách cảm thấy thoải mái như đang lưu trú tại ngôi nhà thứ hai của mình.
- Các tiêu chuẩn cần lưu ý:
- Phòng tắm/vệ sinh cần được đặt phù hợp ở đúng vị trí và đảm bảo tính chất riêng tư cho người sử dụng.
- Bếp cần có khu vực sạch sẽ.
- Khu vực nghỉ ngơi trong nhà hoặc trong làng có không gian riêng, kín đáo.
- Các loài động vật như chuột, gián, bò sát không được xuất hiện trong khuôn viên nhà.
- Có thể áp dụng một số tiêu chuẩn của khách sạn trong việc thiết kế cơ sở hạ tầng và xây dựng các dịch vụ cho homestay bao gồm việc sử dụng ga trải giường và bọc chăn gối màu trắng, bố trí ổ cắm điện và đèn ngủ ở mỗi giường, bố trí rèm che ngăn cách các không gian chỗ ngủ… đảm bảo chất lượng dịch vụ cao, giúp thu hút du khách từ các thị trường đại chúng và các công ty lữ hành yêu cầu điều kiện lưu trú tiện nghi nhưng phải lưu ý việc giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương để kết hợp hài hòa.
- An ninh trong và ngoài khu lưu trú của du lịch cộng đồng là một trong những điều cần chú trọng để đảm bảo an toàn cho du khách nghỉ qua đêm.
- Cấp cứu khi xảy ra tai nạn hoặc những trường hợp khẩn cấp: số điện thoại và địa chỉ cấp cứu y tế, công an…
Việc lưu trú trong điểm du lịch cộng đồng là một sản phẩm du lịch đặc thù của loại hình du lịch cộng đồng chứ không phải chỉ đơn thuần là một dịch vụ. Do đó, có thể tổ chức các hoạt động trao đổi sự hiểu biết của du khách và các tri thức bản địa về nơi ở, cách sống, văn hóa, kiến trúc… từ đó tất cả mọi người sẽ học hỏi lẫn nhau thông qua những câu chuyện và trải nghiệm trong suốt quá trình lưu trú và biến việc lưu trú thành trải nghiệm độc đáo của sản phẩm du lịch cộng đồng.
b) Sản phẩm ẩm thực
Ẩm thực là sản phẩm du lịch đặc biệt mang nhiều thông điệp văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán bản địa nhưng lại cần xây dựng với sự tinh tế, kỹ lưỡng và chuyên nghiệp và phải bảo đảm nhiều nguyên tắc, quy định.
Về nguyên tắc, ẩm thực liên quan đến sức khoẻ của du khách nên phải được chế biến theo những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với các tiêu chuẩn do Bộ Y tế Việt Nam ban hành nhưng cũng cần bổ sung các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm theo thông lệ quốc tế nếu muốn phục vụ du khách quốc tế.
Một số tiêu chuẩn cần lưu ý:
Tiêu chuẩn 1: Vệ sinh sạch sẽ, an toàn do các tác nhân gây bệnh từ thực phẩm có thể tìm thấy ở trong đất, nước, các loài động thực vật và con người.
• Giữ bếp và dụng cụ, thiết bị nấu nướng sạch sẽ: Bếp có thể được đặt trong hay ngoài nhà nhưng cần được lau dọn thường xuyên; Bảo đảm vệ sinh giẻ lau, dụng cụ chế biến và lưu trữ chén bát trong quá trình chuẩn bị và chứa đựng; Đồ đựng nước sốt, nước chấm, gia vị cần phải được giữ sạch tránh nhiễm bẩn và bụi; Nếu không có tủ chuyên dùng thì phải được bọc bằng vải hoặc treo cách mặt đất ít nhất 60 cm; Đồ đựng thực phẩm và các dụng cụ cần được giữ sạch sẽ, rửa sạch và phơi sấy khô không có vết bẩn và mùi khó chịu.
• Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi cầm nắm thực phẩm và trong suốt quá trình chế biến, sau khi đi vệ sinh.
• Ngăn chặn côn trùng, sâu bọ và vật nuôi vào khu vực bếp.
• Có xịt khử khuẩn định kỳ.
• Rác cần phải được xử lý kỹ càng.
Tiêu chuẩn 2: Phân loại thực phẩm chưa và đã qua chế biến. Thực phẩm chưa qua chế biến đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản và các loại nước cốt từ thịt của chúng có thể chứa các tác nhân gây bệnh và truyền sang thực phẩm đã chế biến.
• Ngăn cách thịt, thủy hải sản sống với các loại thực phẩm khách.
• Sử dụng dụng cụ và thiết bị riêng biệt để chứa đựng thực phẩm sống.
• Chứa thức ăn trong các hộp đựng để tránh tiếp xúc giữa thực phẩm đã và chưa qua chế biến.
Tiêu chuẩn 3: Nấu chín - Thức ăn được nấu chín sẽ diệt các vi khuẩn có hại.
• Nấu chín thức ăn đặc biệt là các loại thịt, trứng và thủy hải sản.
• Tránh chế biến quá chín (cháy) khi rán, nướng hoặc bỏ lò thực phẩm.
• Hâm nóng thức ăn một cách cẩn thận (để diệt vi khuẩn).
Tiêu chuẩn 4: Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn - Các loại vi sinh vật có thể sinh sôi rất nhanh nếu thức ăn được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Bằng cách giữ nhiệt độ dưới 5°C hoặc trên 60°C, sự sinh sôi của vi sinh vật sẽ chậm lại hoặc dừng hẳn.
• Không để thực phẩm đã chế biến ở nhiệt độ phòng nhiều hơn 2 tiếng.
• Đông lạnh kịp thời thực phẩm đã qua chế biến và dễ hư hỏng.
• Hâm nóng thức ăn trước khi phục vụ.
Tiêu chuẩn 5: Sử dụng nước uống và thực phẩm thô an toàn - Các loại thực phẩm thô, bao gồm cả nước và nước đá, có thể bị phơi nhiễm các loại vi sinh vật và chất hóa học nguy hiểm. Việc lựa chọn kỹ càng thực phẩm thô và sử dụng các biện pháp sơ chế đơn giản như rửa và gọt vỏ có thể làm giảm nguy cơ trên.
• Sử dụng nước uống an toàn hoặc xử lý nước để đảm bảo an toàn.
• Nước uống cần được đựng và bảo quản sạch sẽ, phù hợp và bình đựng cần có nắp đóng kín.
• Sử dụng thực phẩm nguyên liệu tươi và nguyên lành. Cần được chế biến với các nguyên liệu địa phương và tránh mua các loại thực phẩm chế biến sẵn.
• Cần chuẩn bị một lượng thực phẩm và nguyên liệu vừa đủ và phù hợp với nhu cầu của khách.
• Rửa rau củ quả cẩn thận nếu ăn sống.
• Cần được chế biến kỹ lưỡng các món ăn.
• Không sử dụng thực phẩm quá hạn.
Trình bày thức ăn cũng cần đưa vào tiêu chuẩn không bắt buộc nhưng lại cần thiết để giúp ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Tất cả các món ăn địa phương đều có câu chuyện riêng biệt hấp dẫn du khách về lịch sử, sự tích hay yếu tố văn hóa, gia đình, hoài niệm…, tuy nhiên do cách chế biến có phần đơn điệu và bình dân, thiếu trang trí nên chưa thu hút được du khách. Do đó thay đổi cách thức trình bày món ăn và biểu diễn cách nấu ăn sẽ làm gia tăng giá trị bữa ăn hay nâng tầm nghệ thuật món ăn, giúp du khách trải nghiệm và thưởng thức văn hóa ẩm thực bản địa.
Để quảng bá văn hóa ẩm thực cộng đồng địa phương và biến nó thành sản phẩm du lịch không thể thay thế, có thể sử dụng các điểm nhấn là thế mạnh như sau:
• Độ tươi của nguyên liệu.
• Nguồn gốc độc đáo.
• Hương vị đặc sắc, riêng có.
• Mùa nào thức nấy.
• Di sản văn hóa và gốc tích của món ăn.
Lựa chọn thế mạnh ẩm thực, nghiên cứu câu chuyện món ăn sẽ giúp cho việc chế biến, trình bày món ăn được nâng tầm sáng tạo theo phong cách ẩm thực (food stylist), biến món ăn dân d thành chuyên nghiệp nhưng không mất đi yếu tố bản sắc địa phương.
c) Những lưu ý khi thiết kế một sản phẩm hay hoạt động du lịch
Khi thiết kế một sản phẩm du lịch phải phù hợp với nhu cầu khách hàng mục tiêu tại điểm đến: độ tuổi, tình trạng thể chất.
- Các dịch vụ và hoạt động cần phải có chi phí hợp lý, đạt chất lượng và lợi nhuận.
- Sản phẩm du lịch cộng đồng phải an toàn, thú vị và mang tính giáo dục, cảm nhận và chia sẻ, bền vững.
- Phát triển các hoạt động thực hành, thay vì chỉ quan sát: “Sử dụng 5 giác quan và trí tưởng tượng”.
- Các hoạt động trải nghiệm phải thật sự thể hiện mối quan hệ giữa người dân địa phương, văn hóa và môi trường, đảm bảo có cơ hội cho khách du lịch gặp gỡ và nói chuyện với người dân địa phương;
- Lựa chọn thiết kế sản phẩm theo 2 hướng:
• Một chuyến du lịch tổng hợp cung cấp nhiều trải nghiệm về văn hóa và thiên nhiên.
• Một chuyến tham quan tìm hiểu sâu, tập trung vào CHỦ ĐỀ hoặc tập hợp trải nghiệm cụ thể.
Ví dụ: khám phá các tín ngưỡng và phong tục tập quán truyền thống, nghệ thuật và thủ công, thực phẩm địa phương…
d) Sản phẩm tour - tuyến - hoạt động trải nghiệm sống động và cảm xúc
Các sản phẩm tour, tuyến là tổng hợp các dịch vụ, trải nghiệm phục vụ du khách trong thời gian tham quan, là sản phẩm phải thoả mãn đồng thời một nhóm nhu cầu, mong muốn của khách du lịch. Chẳng hạn chương trình (tour) du lịch trọn gói bao gồm nhiều dịch vụ đơn lẻ như dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, …
Để thiết kế một chương trình tour du lịch cộng đồng thành công, không những cần xây dựng quy trình thiết kế, triển khai và phát triển sản phẩm mà tất cả các đối tượng tham gia xây dựng triển khai và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng cần thống nhất cao về các hoạt động được đề ra và vận hành vì cộng đồng là những người trực tiếp quản lý, làm việc và chịu những tác động phát sinh cũng như xử lý tình huống rủi ro.
- Phát triển một số các chương trình nửa ngày và cả ngày cho khách lựa chọn;
- Ưu tiên các chương trình có thể chạy quanh năm, không mang tính mùa vụ.
- Chuyến tham quan nên bắt đầu bằng sự chào đón nồng nhiệt và giới thiệu về cộng đồng;
- Bắt đầu chuyến tham quan tại những địa điểm quan trọng nhất trong cộng đồng để khách du lịch trải nghiệm.
Ví dụ: Khởi đầu bằng bức tranh lớn tổng quan địa phương với địa điểm tâm linh hay di tích lịch sử hay cảnh quan thiên nhiên quan trọng nhất, hấp dẫn nhất;
- Chuyến tham quan chuyển từ “bức tranh lớn” sang khám phá “những chi tiết nhỏ hơn” về cuộc sống hàng ngày.
Ví dụ: Các chuyến thăm nhà và ăn uống, gặp gỡ các nghệ nhân và nhạc sĩ địa phương;
- Xem xét cẩn thận trình tự và độ dài của các hoạt động và thời gian tốt nhất trong ngày; thời gian và địa điểm khách du lịch sẽ ăn, uống và có thể dừng nhà vệ sinh; có dành thời gian để khách thư giãn, chiêm nghiệm.
- Xác định các rủi ro và đảm bảo rằng mọi sự chuẩn bị/ thiết bị cần thiết luôn sẵn sàng;
- Đảm bảo rằng các hướng dẫn viên địa phương được đào tạo bài bản và luôn đưa ra những thông tin thống nhất.
đ) Tạo thương hiệu điểm đến du lịch cộng đồng trên thị trường du lịch
- Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu của điểm du lịch cộng đồng (logo, slogan, đồng phục…);
- Xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng với sản phẩm du lịch đặc trưng có tên trên bản đồ du lịch cộng đồng quốc gia;
- Tạo chiến dịch xây dựng thương hiệu, tiếp thị điểm đến của điểm đến du lịch cộng đồng địa phương;
- Tạo tiếng vang tại các hội chợ du lịch: sự kiện sân khấu, họp báo, quảng bá các chuyến famtrip;
- Tạo tiếng vang bằng cách sử dụng các phương tiện media truyền thống và hiện đại: báo chí, tivi, radio, trực tuyến, mạng xã hội.
e) Cách tiếp thị và bán hàng hiệu quả
- Cách tiếp cận marketing và bán hàng tốt là mấu chốt cho sự thành công của các sản phẩm du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.
- Với một điểm du lịch cộng đồng sẽ rất khó khăn nếu chạy theo các chiến dịch quảng bá lớn nhằm thu hút du khách. Thông thường, ngân sách cho marketing và bán hàng cho một điểm đến cộng đồng là có giới hạn. Vì vậy, các kênh trực tuyến như Local Alike, AirBnb, Booking.com… và các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, … sẽ là những lựa chọn hiệu quả để quảng bá các sản phẩm du lịch của cộng đồng phù hợp nhất.
- Phương pháp “Chi phí thấp - hiệu quả cao”:
- Để quảng bá các sản phẩm và điểm du lịch cộng đồng tới các du khách và những người quan tâm trên quy mô lớn, có thể sử dụng các nền tảng mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu. Trong bối cảnh thế giới hiện nay công nghệ đang phát triển vượt bậc và không giới hạn, cộng đồng địa phương có thể tự mình vươn ra các thị trường thế giới.
- Thiết lập các tài khoản mạng xã hội như là một điểm kết nối với khách hàng bằng cách đăng tải cập nhật, ảnh hoặc sản phẩm mới của cộng đồng và cho khách hàng biết những gì đang diễn ra ở cộng đồng nhằm thu hút khách tham quan.
- Thiết lập các kênh tương tác trực tuyến như email và dịch vụ nhắn tin để trao đổi với khách hàng, quảng bá sản phẩm và chốt đơn hàng.
- Liên kết với các đại lý du lịch cùng quảng bá.
- Quảng cáo ở điểm đến trung tâm gần nhất Bán hàng thông qua chuỗi cung ứng du lịch còn chậm. Đồng thời quảng bá du lịch cộng đồng tại địa phương cho khách du lịch tự do, khách lẻ.
- Xây dựng các áp phích và tờ rơi giới thiệu về các chuyến tham quan du lịch cộng đồng, và lựa chọn những điểm dễ gây sự chú ý để đặt chúng.
- Trình bày mô hình và các sản phẩm du lịch cộng đồng cho các hiệp hội địa phương và yêu cầu giúp đỡ để hiển thị các áp phích/tờ rơi.
- Huấn luyện nhân viên giới thiệu các điểm nổi bật/kênh đặt phòng của sản phẩm du lịch cộng đồng cho khách du lịch tự do, khách lẻ.
- Tổ chức hay tham gia vào các sự kiện văn hóa, du lịch có liên quan.
- Tổ chức thăm quan thực tế cho các đối tác hoặc hãng lữ hành có thể kết nối trong việc bán các sản phẩm du lịch.
g) Đào tạo hướng dẫn viên du lịch cộng đồng địa phương và nhân viên nguồn
Hướng dẫn viên cộng đồng địa phương và các nhân lực phục vụ vận hành trong điểm đến có vai trò quan trọng trong sự thành công của Du lịch cộng đồng nên cần đào tạo bài bản với các kỹ năng:
Xây dựng các kỹ năng thông qua hệ thống đào tạo đơn giản của 3S (Security - Story - Service): An toàn, Câu chuyện, Dịch vụ.
Xây dựng sự tự tin và phong cách bằng cách sử dụng 3C: (Clear, Confident, Caring): Rõ ràng, Tự tin, Quan tâm.
h) Đào tạo dịch vụ ẩm thực tại điểm du lịch cộng đồng
Xác định các thành viên cộng đồng quan tâm và nghiên cứu thực đơn theo mùa; Xác định các món ăn đặc trưng theo vùng, miền và tộc người.
Tập huấn về thực đơn đa dạng theo mùa, vệ sinh an toàn thực phẩm; cách bài trí thức ăn.
Các thành viên cộng đồng nên thực hành giới thiệu các món ăn và câu chuyện về quy trình chế biến món ăn, món ăn gắn với văn hoá như thế nào, nguồn gốc nguyên liệu chế biến ra sao…
l) Thu hút và hỗ trợ những người quản lý tại địa phương
Nâng cao năng lực quản lý của như và nuôi dưỡng mối quan hệ tin cậy với các thành viên cộng đồng địa phương.
Xây dựng năng lực của nguồn nhân lực địa phương trên các chức năng chính: sản phẩm, bán hàng và tiếp thị, hoạt động trải nghiệm.
Giúp điểm du lịch cộng đồng kết nối với các đối tác kinh doanh tiềm năng (ví dụ: đơn vị quản lý điểm đến (DMC) cấp quốc gia, doanh nghiệp lữ hành).
Tổ chức 01 chuyến tham quan học tập để nguồn nhân lực địa phương gặp gỡ các DMC và tìm hiểu về khách hàng cũng như nhu cầu của họ.
Trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 922/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo tiêu chí về mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới để các địa phương tham khảo, xác định các giải pháp phù hợp để từng bước xây dựng mô hình, cụ thể bao gồm các nhóm chỉ tiêu sau:
a) Nhóm chỉ tiêu về quy hoạch
- Có kế hoạch/quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (cấp huyện, tỉnh) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Phù hợp với quy hoạch xây dựng trong xây dựng nông thôn mới (cấp xã , huyện..); kiến trúc, cảnh quan phù hợp với văn hóa của địa phương theo quy định
b) Nhóm chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
- Hạ tầng giao thông:
+ Đường giao thông thuận tiện, kết nối trực tiếp giữa mô hình du lịch với hệ thống giao thông cấp huyện, tỉnh;
+ Hạ tầng giao thông nội bộ của mô hình du lịch thuận tiện, an toàn, phù hợp và mang đặc trưng về cảnh quan, văn hóa của địa phương; có hệ thống biển báo, chỉ dẫn thuận tiện cho du khách.
- Hạ tầng bến bãi: Có bến/bãi đỗ xe ô tô phù hợp, thuận tiện với du khách, có tổ chức quản lý, trông xe theo quy định.
- Hạ tầng điện, nước:
+ Có điện lưới quốc gia và chất lượng điện phục vụ 24/7 cho hoạt động du lịch.
+ 100% cơ sở làm du lịch sử dụng nước sạch đảm bảo quy định, nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu du khách.
- Hạ tầng cung cấp dịch vụ du lịch:
+ Có điểm tiếp đón, hướng dẫn du khách đảm bảo theo quy định
+ Có điểm chung phục vụ hoạt động cho cộng đồng; có các công trình biểu trưng của khu du lịch phù hợp với văn hóa đặc trưng và cảnh quan sinh thái của địa phương.
+ Có các điểm check-in mang đặc trưng văn hóa phục vụ khách du lịch.
+ Các công trình xây dựng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phù hợp với kiến trúc, cảnh quan gắn với các giá trị văn hóa, bản sắc của địa phương, có điểm trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản và lưu niệm của địa phương.
c) Nhóm chỉ tiêu về giá trị, bản sắc địa phương trong hoạt động du lịch
- Vị trí mô hình du lịch: Mô hình du lịch có vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận, liền kề và có tính liên kết với khu vực/địa điểm có lợi thế phát triển du lịch khác.
- Mức độ khai thác tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn:
+ Có từ 70% các dịch vụ du lịch được gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương về sản xuất nông nghiệp, làng nghề, giá trị văn hóa, sinh thái, môi trường cảnh quan để hình thành các dịch vụ đặc sắc, độc đáo.
+ Sản phẩm du lịch có sự sáng tạo, hấp dẫn trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.
+ Các di sản văn hóa/thiên nhiên, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, ẩm thực… được bảo tồn và khai thác trong các hoạt động du lịch (nếu có tại địa phương).
d) Nhóm chỉ tiêu phản ánh về giá trị cộng đồng
- Có Ban/Bộ phận/HTX điều phối quản lý và điều hành du lịch cộng đồng, có kế hoạch và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý, điều hành hoạt động du lịch của cộng đồng.
- Có Quy chế/quy định quản lý hoạt động dịch vụ được ban hành, phân nhiệm rõ ràng trên cơ sở người dân địa phương tham gia quản lý và vận hành và hưởng lợi (trực tiếp/gián tiếp).
- Hoạt động tổ chức điều phối, điều hành hoạt động du lịch được diễn ra thường xuyên theo quy chế/quy định.
đ) Nhóm chỉ tiêu về môi trường, cảnh quan
- Cảnh quan môi trường sạch đẹp, kiến trúc mang đặc trưng văn hóa và điều kiện tự nhiên của vùng miền; xã /thôn đạt tiêu chí nông thôn mới.
- Có giải pháp cụ thể và có trang bị hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và triển khai mô hình cộng đồng tự quản về môi trường.
- Xã có mô hình bảo vệ môi trường theo quy định.
- Có Kế hoạch và tổ chức cộng đồng bảo vệ môi trường thường xuyên.
e) Nhóm chỉ tiêu về chất lượng hoạt động du lịch
- Trên 75% cơ sở cung cấp dịch vụ được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định (dịch vụ lưu trú, vận chuyển, …).
- 100% số cơ sở kinh doanh dịch vụ đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
- Mô hình, sản phẩm du lịch được thuyết minh bằng các câu chuyện sản phẩm, nội dung súc tích, đặc sắc, thể hiện được bản sắc, trí tuệ địa phương.
- Trên 75% chủ thể và nhân viên tham gia hoạt động du lịch được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.
- Tăng trưởng về số lượng khách và doanh thu của mô hình du lịch tăng 2 năm liên tiếp (trên 5%/năm).
g) Nhóm tiêu chí về tiếp cận dịch vụ du lịch của du khách
- Mô hình du lịch nông thôn được nhận diện trên bản đồ (google map).
- Có tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện mạng xã hội (website/fanpage/App/google map…).
- Du khách có thể trang đặt hàng trực tuyến, phản hồi ý kiến áp dụng công nghệ thông tin.
3.4. Xây dựng mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn theo Bộ tiêu chí về sản phẩm OCOP
Ngày 24/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó Nhóm sản phẩm 06 về “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” gắn với các tiêu chí thuộc Phiếu chấm điểm số 26. Các tiêu chí đánh giá, phân hạng được xếp thành 3 nhóm lớn với các tiêu chí rất cụ thể: (1) Về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; (2) Về khả năng tiếp thị; (3) Về chất lượng sản phẩm. Việc đánh giá này là cơ sở để các địa phương triển khai các giải pháp phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, chuẩn hóa các sản phẩm để có thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Một số tiêu chí cụ thể bao gồm:
(1) Về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng
- Tổ chức dịch vụ cộng đồng: Bộ phận điều phối quản lý và điều hành dịch vụ; Cơ chế quản lý/quy định; Bảo vệ môi trường trong cộng đồng làm du lịch/điểm du lịch; Sử dụng năng lượng tiết kiệm.
- Phát triển sản phẩm: Nguồn gốc ý tưởng sản phẩm dịch vụ du lịch; Tổ chức dịch vụ theo thị trường mục tiêu.
- Sức mạnh cộng đồng: Loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh; Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, điều hành; Sử dụng lao động địa phương; Tăng trưởng sản xuất kinh doanh; Kế toán.
(2) Về khả năng tiếp thị và câu chuyện sản phẩm
- Tiếp thị: Liên kết chuỗi giá trị trong quảng bá sản phẩm; Liên kết vùng và chuỗi giá trị trong sản phẩm; Tổ chức quảng bá, bán hàng; Quảng bá sản phẩm; Bộ nhận diện quảng bá sản phẩm.
- Câu chuyện sản phẩm: Câu chuyện về sản phẩm; Trình bày câu chuyện sản phẩm; Sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.
(3) Về chất lượng sản phẩm
- Vị trí, Kiến trúc và cảnh quan môi trường; Bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, đa dạng sinh học liên quan đến sản phẩm dịch vụ du lịch; Chất lượng về điều kiện kinh doanh dịch vụ; Chất lượng an toàn và an ninh trật tự; Tính hoàn thiện của quá trình dịch vụ; Hoạt động trải nghiệm; Quản lý và nhân viên; Chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch; Chất lượng phục vụ; Tiện nghi; Hoạt động thu hút khách du lịch; Hàng hóa dịch vụ (ăn uống, đồ lưu niệm, ...).
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Bộ tài liệu tập huấn những kiến thức cơ bản về Chương trình OCOP cho các đối tượng tham gia (chủ thể, cán bộ quản lý, đơn vị tư vấn). Đây là Bộ tài liệu đầy đủ và chính thống nhất cho đến hiện tại để các bên liên quan có thể tham khảo, sử dụng trong quá trình triển khai chương trình OCOP cũng như đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Các địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (trong đó có nhóm sản phẩm số 6 liên quan đến du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn) vì thế các mô hình có thể tham khảo để nắm quy định hướng dẫn của địa phương mình từ đó có những sự chuẩn bị cho phù hợp. Bên cạnh đó, các mô hình có thể tham gia các chương trình tập huấn về sản phẩm OCOP, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp cận từ tài liệu quản lý rủi ro trong ngành du lịch (Tourism Risk Management) của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tài liệu đưa ra những hướng dẫn cần thiết trong việc lập chiến lược quản lý rủi ro cho các mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn:
a) Mâu thuẫn trong cộng đồng
Vấn đề: các mâu thuẫn, xung đột giữa cộng đồng tham gia với cộng đồng không tham gia DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, mâu thuẫn giữa cộng đồng cùng tham gia DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Giải pháp khả dĩ: cần xác định rõ nguyên nhân của mâu thuẫn (lợi ích, môi trường sống, lối sống, nhận thức khác nhau, …) để hòa giải, trong đó vai trò của chính quyền địa phương quan trọng hơn cả khi có đủ thẩm quyền để xử lý vấn đề. Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn rất dễ tạo ra các xung đột trong cộng đồng vì thế cần có chính sách hài hòa và thống nhất từ ban đầu, hạn chế mâu thuẫn xảy ra.
b) Xung đột lợi ích các bên liên quan
Vấn đề: các bên liên quan chính tham gia được xác định gồm cộng đồng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, du khách, các xung đột có thể xảy ra:
- Xung đột giữa cộng đồng và chính quyền: thường về chính sách phát triển, vấn đề quy hoạch, cấp phép hoạt động, quản lý số lượng khách, doanh thu, vấn đề xây dựng, …
- Xung đột giữa cộng đồng với doanh nghiệp: chủ yếu liên quan vấn đề phân phối lợi ích, vấn đề kết nối đưa du khách đến, chất lượng sản phẩm/dịch vụ, …
- Xung đột giữa cộng đồng với du khách: thường ít xảy ra, nếu có chủ yếu là về vấn đề chất lượng sản phẩm/dịch vụ, vấn đề giá cả, xung đột văn hóa, …
Giải pháp khả dĩ:
- Xung đột giữa cộng đồng và chính quyền: như đã đề cập thì chính quyền địa phương có thể ủng hộ phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại không gian hiện hữu hoặc không do các quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến cấp phép… để tránh mâu thuẫn xảy ra thì nhóm nòng cốt trong cộng đồng nên trình bày về kế hoạch phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn để kịp thời điều chỉnh, nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền. Nhiều mô hình phát triển tự phát sau đó vấp phải vấn đề cấp phép, quy hoạch dẫn đến không thể phát triển sẽ rất đáng tiếc.
- Xung đột giữa cộng đồng với doanh nghiệp: doanh nghiệp và cộng đồng cần thống nhất về cơ chế hợp tác và giải quyết các mâu thuẫn trước khi thực hiện hợp tác đưa khách đến và phục vụ khác. Tất cả cần thực hiện và giải quyết theo cơ chế đã được thống nhất, tốt nhất là với sự xác nhận của chính quyền địa phương.
- Xung đột giữa cộng đồng với du khách: điều đầu tiên cần làm là xoa dịu xung đột với du khách, sau đó xem xét các khía cạnh xem vấn đề đến từ đâu: chất lượng sản phẩm/dịch vụ, giá cả hay thái độ phục vụ… từ đó họp cộng đồng để điều chỉnh, rút kinh nghiệm.
c) Rủi ro bất khả kháng: thiên tai, dịch bệnh…
Vấn đề: các yếu tố khiến hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn ngưng trệ như dịch bệnh, thiên tai, mất nguồn khách, tính thời vụ của du lịch…
Giải pháp khả dĩ: cần có giải pháp quản trị rủi ro, ví dụ xây dựng quỹ dự phòng rủi ro, ổn định các sinh kế thay thế trong trường hợp hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn phải ngừng lại, tận dụng thời gian đó để tu sửa, nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ hoặc có thể cung cấp các dịch vụ dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, công nghệ thực tế ảo…
d) Phát triển mất kiểm soát, suy thoái tài nguyên du lịch
Vấn đề: DLCĐ nông nghiệp, nông thôn phát triển ồ ạt, nhiều hộ tham gia tự phát, mất kiểm soát, tài nguyên du lịch bị suy thoái (cảnh quan, nguồn nước, hoạt động nông nghiệp, văn hóa truyền thống…)
Giải pháp khả dĩ: cần có sự can thiệp từ chính quyền địa phương để nhóm họp các bên liên quan, đánh giá cụ thể hiện trạng và có phương án điều chỉnh.
Trên đây chỉ là một số vấn đề có khả năng phát sinh và giải pháp đề xuất khi phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Thực tế cho thấy, có thêm nhiều vấn đề khác như giá cả hàng hóa địa phương tăng cao, tranh chấp đất đai, thay đổi lối sống truyền thống, suy giảm môi trường, tỉ lệ trẻ em thôi học để tham gia du lịch tăng… Các mô hình cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề và có giải pháp đạt được sự đồng thuận chung dựa trên nguyên tắc cộng đồng là chủ thể, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn vì mục tiêu xã hội chứ không chỉ là mục tiêu kinh tế.
HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC MÔ HÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Mô hình quản lý và cơ chế quản lý là công cụ để phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững thông qua nâng cao và chuẩn hóa sự tham gia của CĐĐP trong hoạt động phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu cao nhất là mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội của cho cộng đồng bản địa, bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch, hướng đến bền vững. Các mô hình quản lý và cơ chế quản lý là công cụ hiệu quả để thực hiện các mục tiêu cũng như đảm bảo các nguyên tắc phát triển của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn đã chỉ ra.
4.1. Phương pháp xây dựng mô hình và cơ chế quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Do có sự tham gia của cộng đồng và vì lợi ích cộng đồng nên cần phải có mô hình quản lý dựa trên nền tảng cộng đồng. Cơ chế quản lý dựa trên cộng đồng sẽ đảm bảo được mục tiêu vì lợi ích của cộng đồng vốn là nguyên tắc tiên quyết để đảm bảo sự vận hành bền vững của du lịch cộng đồng. Một số mô hình quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, tiêu biểu nhất là (1) Tổ điều phối du lịch cộng đồng; (2) Hợp tác xã, Ban quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn địa phương, (3) Tổ hợp tác DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, các Câu lạc bộ, hay do doanh nghiệp đứng ra điều hành, ... Các mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả khi nó chuẩn hóa hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, đưa các bên liên quan vào một tầm nhìn chung để cùng nhau thực hiện tốt các nguyên tắc, mục tiêu của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Các mô hình cũng giúp điều phối mối quan hệ của các bên liên quan tham gia, phân phối lợi ích công bằng và đảm bảo phát triển bền vững. Một số hiện trạng và kinh nghiệm xây dựng các mô hình quản lý này sẽ được thảo luận cụ thể hơn ở phần sau của tài liệu này.
Khi các mô hình quản lý được thành lập thì cơ cấu tổ chức sẽ dần được hoàn thiện, bên cạnh nhóm điều hành chung, còn có thể các tổ phục vụ theo nhóm sản phẩm/dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn như nấu ăn, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hướng dẫn viên, vận chuyển, lưu trú... Chính vì thế mà việc phân công và chuyên môn hóa giữa các hộ dân tham gia hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn ngày càng rõ nét, tạo nên sự chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.
Cơ chế quản lý cộng đồng là công cụ hữu ích tiếp theo. Cơ chế quản lý giúp hoạt động quản lý trở nên thống nhất, hài hòa và có cơ sở để giải quyết khi xảy ra tranh chấp giữa các bên tham gia hay có vấn đề phát sinh. Chúng ta có thể thấy rõ vai trò của cơ chế quản lý khi có thêm thành viên mới gia nhập hoặc khi phân chia lợi ích giữa các thành viên. Hiện nay, đa số các mô hình chưa chính thức hóa thì chưa có cơ chế này, chỉ có các Hợp tác xã hay mô hình do doanh nghiệp điều hành thường có, một số mô hình cũng có nhưng ở dạng thỏa thuận miệng.
Việc tham gia vào du lịch cộng đồng ở địa phương mang tính tự nguyện dựa trên sự trao đổi và thống nhất giữa các hộ gia đình. Dù tham gia hay không tham gia, dù tham gia nhiều hay ít thì các hộ gia đình có trách nhiệm chung trong việc xây dựng những hình ảnh tốt đẹp nhất về du lịch cộng đồng tại địa phương mình.
Phương pháp chính và hiệu quả để xây dựng mô hình và cơ chế quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là phương pháp phát triển dựa vào nội lực cộng đồng (ABCD). Xây dựng mô hình quản lý và cơ chế quản lý nên tập trung vào một số bước nhất định:
- ABCD là một phương pháp tiếp cận không bắt đầu từ “nhu cầu” mà tiếp cận từ “nội lực” của cộng đồng. Đây là cách tiếp cận trong phát triển du lịch cộng đồng mang tính tích cực, bắt đầu từ việc khơi dậy và phát huy điểm mạnh, năng lực vốn có và thành công của cộng đồng làm điểm bắt đầu của sự thay đổi và giúp cộng đồng có năng lực tham gia quản lý, điều hành hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Tài sản xã hội được đưa vào trọng tâm của huy động nội lực, tập trung vào các mối liên kết và năng lực hợp tác của các nhóm, tổ chức trong cộng đồng. Cộng đồng chủ động định hướng các hoạt động phát triển dựa vào nội lực.
- Các bước xây dựng mô hình quản lý và cơ chế quản lý du lịch cộng đồng theo phương pháp ABCD. Tham khảo từ sách chuyên khảo “Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” , NXB ĐHQG-HCM, năm 2022, tài liệu đề xuất quy trình đề xuất gồm 7 bước như sau :
Bước 1: Thu thập các câu chuyện
Thiết lập một diễn đàn hoặc các buổi họp nhóm thông qua tiến hành các cuộc thảo luận chính thức và các cuộc phỏng vấn nhằm giúp người dân bày tỏ được những kinh nghiệm, những nỗ lực của mình trong quá khứ cũng như mong muốn trong tương lai. Thảo luận này có tác dụng kép, nó không chỉ giúp người dân tự tin vào khả năng của mình, còn cho chính người dân và các chuyên gia thấy được những tài sản cộng đồng tiềm năng. Đây là động lực thúc đẩy người dân trong việc đóng góp vào phát triển cộng đồng thông quan quản lý.
Bước 2: Thành lập nhóm nòng cốt và đồng đẳng trong cộng đồng
Trong quá trình những câu chuyện tiếp tục diễn ra thì những thành viên cộng đồng có vai trò lãnh đạo tương lai sẽ được phân biệt với những người còn lại. Tổ chức các nhóm lãnh đạo này lại và thuyết phục họ việc tiếp tục khám phá hơn nữa những tài sản của cộng đồng và đưa ra các ý tưởng hoạch định. Các nhà lãnh đạo tiềm năng này sẽ thiết lập mạng lưới và kết nối với những cá nhân trong cộng đồng.
Trong yếu tố này, ABCD nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các nhóm, hội chính thức và không chính thức, các mạng lưới làm việc và các gia đình cùng nhau hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Hay nói cách khác, tầm quan trọng của mối quan hệ xã hội trong cộng đồng nhằm kết nối những hoạt động địa phương để tạo cơ hội cho mọi người dân trong cộng đồng tự nguyện tham gia.
Bước 3: Lập bản đồ những năng lực, tài sản của cá nhân, nhóm, hội, tổ chức tại địa phương
Phương pháp ABCD cung cấp các công cụ thực hành và phương pháp mà các thành viên trong cộng đồng có thể sử dụng để xác định và nối kết các khả năng, tài sản trong cộng đồng. Nó bao gồm các công cụ như vẽ bản đồ tài sản sẵn có trong cộng đồng và phân tích nền kinh tế tại địa phương; mô tả các mối liên kết tiềm năng trong tài sản và nguồn lực của cộng đồng để đánh giá một cách lạc quan về cơ hội phát triển kinh tế tại địa. Bản đồ năng lực cũng được chú ý để hình thành các nhóm chuyên môn trong mô hình quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn sau này cũng như các ý kiến để đưa vào cơ chế quản lý trong tương lai.
Bước 4: Thành lập một nhóm đại diện để xây dựng tầm nhìn và kế hoạch cho cộng đồng
Từ bản đồ năng lực và các cá nhân có tiềm năng lãnh đạo, cộng đồng bắt đầu thiết lập một nhóm đại diện nòng cốt để bắt đầu các công việc quản lý đầu tiên như xây dựng tầm nhìn, kế hoạch chung, cơ cấu tổ chức, nhân sự... Tạo một lực đòn bẩy cho các hoạt động của cộng đồng, với sự bắt đầu thực hiện các hoạt động kết nối tài sản của cộng đồng mà không có sự giúp đỡ bên ngoài .
Bước 5: Huy động tài sản cho phát triển cộng đồng
Trong bước này, các quá trình được khởi đầu như là tài sản cộng đồng đã được huy động. Khuyến khích sự tham gia của những người có lợi ích tương tự, tìm kiếm những điểm chung của những người tham gia và đóng góp khích lệ khi cần thiết.
Bước 6: Thúc đẩy các hành động, sự đầu tư và các nguồn lực phục vụ cho việc phát triển cộng đồng
Quá trình khởi động thành lập các mô hình quản lý, huy động tài sản thành công thì cộng đồng cần tiếp tục hành động, đầu tư và phát triển tổ chức của mình. Sau đó, khi các tài sản và nguồn lực trong cộng đồng được sử dụng hết thì có thể tìm đến những nguồn lực khác từ bên ngoài. Điều này sẽ đặt cộng đồng vào một thế mạnh để thúc đẩy hơn nữa tầm nhìn của mình.
4.2. Hướng dẫn xây dựng mô hình quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Dựa trên kết quả khảo sát thực tế và kế thừa từ tài liệu tập huấn phát triển du lịch cộng đồng của Quỹ Châu Á và Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề nông thôn Việt Nam thì mức độ tham gia trong một dự án Du lịch cộng đồng của cộng đồng có thể khác nhau tùy theo từng nơi. Một số hình thức để cộng đồng tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng có thể tham khảo, gồm:
- Mô hình 1: Các doanh nghiệp do cộng đồng cùng sở hữu và điều hành (doanh nghiệp cộng đồng, doanh nghiệp xã hội).
Mô hình 2: Liên doanh giữa cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân: Bao gồm chia quyền sở hữu, hoặc các thỏa thuận hợp đồng chặt chẽ liên quan đến dịch vụ ăn ở cho khách hoặc các hoạt động du lịch khác.
- Mô hình 3: Liên kết giữa các cư dân địa phương tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch với nhau thành lập một đơn vị điều hành (HTX, Ban quản lý, Tổ tự quản, Hội quán, ...).
Nếu toàn bộ hoặc một bộ phận cộng đồng lựa chọn một trong các hình thức này, thì cần phải phát triển một cơ chế rõ ràng được thông qua không chỉ bởi các thành viên của cộng đồng địa phương mà còn bởi các bên liên quan khác có quan tâm đến du lịch cộng đồng. Điều này đặc biệt cần thiết nếu chọn mô hình doanh nghiệp do cộng đồng cùng sở hữu và điều hành. Thiết lập một bộ phận quy hoạch du lịch cùng với các thành viên trong cộng đồng là một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ loại du lịch cộng đồng nào.
Việc thành lập các mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cần dựa trên các cơ sở, nguyên tắc đã nêu ra ở mục trên, trong đó việc dựa vào nhu cầu và năng lực của CĐĐP là yếu tố tiên quyết. Mỗi địa phương có những hiện trạng và quan điểm khác nhau trong phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn và hình thành các mô hình quản lý điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Tài liệu này đề xuất các bước thành lập mô hình quản lý điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tổng quát nhất và có tính gợi ý, các địa phương có thể linh hoạt trong việc ứng dụng.
Điều chỉnh từ Handbook on Community Based Tourism “How to Develop and Sustain CBT (Sổ tay cho phát triển du lịch cộng đồng : Cách phát triển bền vững du lịch cộng đồng”từ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và Bộ công cụ quản lý, giám sát DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, tài liệu đề xuất quy trình đề xuất gồm 7 bước như sau:
Bước 1: Tìm hiểu và đánh giá hiện trạng cộng đồng
Thu thập các câu chuyện từ cộng đồng và đánh giá hiện trạng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại địa phương được cho là bước đầu tiên để nắm được tình hình phát triển, nhu cầu, mong muốn của cộng đồng nơi đây, từ đó làm cơ sở cho những bước tiếp theo.
Bước này cần trả lời được các câu hỏi gợi ý sau:
- DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại địa phương hiện nay phát triển như thế nào?
- Đã có các hình thức quản lý cộng đồng nào hay chưa? Nếu có thì mô hình đó đang hoạt động như thế nào?
- Cộng đồng có nhu cầu quản lý hay tham gia một mô hình quản lý hay không?
- Tiềm năng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới?
- Năng lực và nội lực cộng đồng đang ở mức độ nào?
Bước 2: Tìm kiếm sự ủng hộ từ cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tư vấn, doanh nghiệp đơn vị khác
Bước 2 trong quy trình là tìm kiếm sự ủng hộ từ cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tư vấn, doanh nghiệp đơn vị khác, điều này cũng có thể thực hiện song song hoặc trước Bước 1 bởi cần có một tổ chức đứng ra khởi động quá trình thành lập các mô hình quản lý này. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có thể ủng hộ thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, định hướng quy hoạch, hợp thức hóa các mô hình, cơ chế...
Các cơ quan học thuật, cơ quan tư vấn, tổ chức xã hội... sẽ hỗ trợ thông qua đề xuất các ý tưởng, đồng hành trong quá trình triển khai, thành lập các đề án, dự án, kêu gọi, kết nối nguồn vốn xã hội...
Bước 3: Tìm kiếm và thành lập nhóm nòng cốt
Trong quá trình thu thập câu chuyện và đánh giá tác động, các nhóm nòng cốt có tiềm năng lãnh đạo trong cộng đồng cần được chú ý, phát triển và tham gia vào các hoạt động tiếp theo. Có cộng đồng có thể tìm thấy nhiều nhân tố này nhưng cũng có cộng đồng chưa phát hiện được họ, vì thế cần quan sát và thu thập các câu chuyện rõ ràng để có thể tìm thấy những “nhà lãnh đạo cộng đồng” tiềm năng này.
Các nhóm nòng cốt này sẽ chọn ra nhóm trưởng (tổ trưởng) và các nhóm viên (tổ viên), mỗi nhóm tập hợp các thành viên có cùng lĩnh vực cung cấp dịch vụ du lịch như nhóm homestay, nhóm vận chuyển, nhóm trải nghiệm, nhóm ẩm thực.
Bước 4: Hình thành cơ cấu tổ chức
Đến bước này các nhóm nòng cốt, Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có thể ủng hộ thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội... cần có những thảo luận cụ thể, dựa trên hiện trạng phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, năng lực cộng đồng để đề xuất cơ cấu tổ chức cũng như quy chế quản lý phù hợp. Quá trình này đòi hỏi sự điều phối, hài hòa lợi ích, vai trò của các bên liên quan.
Ban quản lý (tổ điều phối) chịu trách nhiệm quản lý, vận hành mô hình, đề xuất và tuyển chọn thành viên tham gia vào mô hình. Các tổ chuyên trách đảm nhiệm các dịch vụ thuộc dịch vụ ẩm thực, dịch vụ lưu trú, dịch vụ trải nghiệm, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ âm nhạc…trong chương trình tour du lịch.
Tuỳ theo tính chất pháp lý về việc thành lập cơ chế quản lý du lịch cộng đồng của mỗi địa phương, mô hình này sẽ có cấp độ, tên gọi và cách tổ chức, vận hành khác nhau như: HTX du lịch cộng đồng, Tổ điều phối; Hội quán cùng nhau làm du lịch... trong đó hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là mô hình được khuyến khích và hiệu quả nhất. Để mô hình được triển khai thực hiện thương mại sản phẩm du lịch, tour, tuyến cần có tư cách pháp nhân cho mô hình hoặc đại diện mô hình ký hợp đồng liên kết hợp tác với một doanh nghiệp lữ hành có đầy đủ tư cách pháp nhân, có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa.
Bước 5: Kêu gọi sự tham gia chính thức của cộng đồng địa phương
Quá trình kêu gọi sự tham gia chính thức của cộng đồng địa phương diễn ra sau khi đã phác thảo được mô hình dự kiến, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý cùng như kết nối được các bên liên quan tham gia, trong đó có vai trò của nhóm cộng đồng nòng cốt. Việc kêu gọi tham gia có thể diễn ra thông qua kênh chính thức từ sự triển khai của chính quyền địa phương (họp dân) hoặc thông qua các kênh của mô hình (nhóm các hộ nòng cốt, tiềm năng...)
Bước 6: Phát triển mô hình và xây dựng kế hoạch triển khai
Đến bước này dường như mô hình quản lý đã gần như hoàn thiện, các bên liên quan cùng nhau thảo luận và đề xuất ra kế hoạch phát triển trong ngắn hạn và dài hạn với các nội dung chi tiết về:
- Nội dung sản phẩm/dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cung cấp
- Vai trò các bên liên quan
- Kế hoạch quảng bá, liên kết, truyền thông
- Câu chuyện sản phẩm
- Bộ công cụ thuyết minh
- Quản trị rủi ro và giải pháp ứng phó
Bước 7: Đánh giá, kiểm soát, điều chỉnh
Quá trình triển khai hoạt động cần diễn ra song song với đánh giá, kiểm soát và điều chỉnh các nội dung còn chưa phù hợp kịp thời. Việc kiểm tra, đánh giá cần khách quan, làm rõ nguyên nhân của các hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình trong tương lai. Cần kêu gọi sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trong quá trình đánh giá, kiểm tra để đảm bảo các ý kiến có độ khách quan, bao phủ và làm rõ được những mâu thuẫn, bất đồng trong mối quan hệ giữa các bên, đặc biệt là quá trình phân chia lợi ích.
Nhìn chung các bước xây dựng mô hình quản lý và cơ chế quản lý du lịch cộng đồng được triển khai theo quy trình sẽ giúp hỗ trợ cho việc xây dựng một cơ chế du lịch cộng đồng sát với thực tế và nhu cầu của mỗi điểm du lịch cộng đồng và đối tượng đề xuất là: (1) Hợp tác xã ; (2) Doanh nghiệp do cộng đồng cùng sở hữu và điều hành (doanh nghiệp cộng đồng, doanh nghiệp xã hội); (2) Cộng đồng hay (3) Chính quyền địa phương...
4.3. Hướng dẫn xây dựng cơ chế quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Việc xây dựng cơ chế quản lý tại điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn hiện nay chưa phổ biến ở Việt Nam, phổ biến nhất là điều lệ hoạt động của các điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn đã trở thành HTX hoặc đa số được thể hiện dưới dạng cơ chế dựa trên sự đồng thuận chung hay nội quy điểm đến... Tài liệu dựa trên kết quả nghiên cứu các mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam để đề xuất các bước xây dựng cơ chế quản lý tại điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Quá trình gồm 5 bước như sau:
Bước 1: Tìm hiểu nguyện vọng của cộng đồng
Thu thập các câu chuyện từ cộng đồng về nguyện vọng và các mong muốn của họ khi tham gia vào mô hình từ đó sử dụng các điểm chung nhất để đưa vào cơ chế quản lý để tạo nên sự thống nhất trong hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn của nhóm cộng đồng. Quá trình này cần chú ý rằng các ý kiến, nguyện vọng sẽ vô cùng phong phú, đa dạng, có thể nói là mỗi người mỗi ý, điều quan trọng là Ban quản lý lâm thời và nhóm nòng cốt cần phải khơi gợi và chọn lọc được các ý kiến, nguyện vọng chung nhất, có lợi cho sự phát triển của tập thể.
Bước 2: Tham khảo ý kiến từ cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tư vấn, doanh nghiệp đơn vị khác
Bước 2 trong quy trình tham khảo ý kiến từ cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tư vấn, doanh nghiệp đơn vị khác, điều này cũng có thể thực hiện song song với Bước 1. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch là đơn vị hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, định hướng quy hoạch, quản lý hành chính trên địa bàn vì thế nhóm này sẽ đưa ra các nội dung cần thiết phải đưa vào cơ chế quản lý của cộng đồng, đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật, hài hòa với lợi ích của địa phương, cộng đồng.
Các cơ quan học thuật, cơ quan tư vấn, tổ chức xã hội... sẽ đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng cơ chế, cho ý kiến về các nội dung lớn, khung cơ chế...
Bước 3: Xây dựng dự thảo cơ chế quản lý cộng đồng
Việc xây dựng dự thảo cơ chế quản lý cộng đồng do nhóm nòng cốt quản lý mô hình thực hiện sau khi tham khảo ý kiến cộng đồng và các bên liên quan. Dự thảo cần đảo bảo được tính tổng quát và đầy đủ các nội dung cần thiết, bên cạnh đó là các điểm còn chưa thống nhất, cần phải tiếp tục lấy ý kiến.
Quá trình xây dựng dự thảo cần kèm theo hướng dẫn góp ý dự thảo cho các bên liên quan.
Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến dự thảo với các bên liên quan
Dự thảo sau khi được hoàn thành sẽ được đưa ra lấy ý kiến các bên liên quan thông qua các hình thức góp ý: góp ý qua văn bản, đối thoại góp ý, giải trình giữa các bên liên quan... quá trình góp ý này sẽ giúp cơ quan quản lý mô hình thập các ý kiến, bổ sung, loại trừ các điểm còn tranh cãi, chưa thống nhất...
Kết thúc quá trình lấy ý kiến cần hoàn thiện dự thảo cơ bản theo các ý kiến được góp ý, quan tâm nhiều trong quá trình lấy ý kiến.
Bước 5: Hoàn thiện cơ chế, thông qua và đánh giá, điều chỉnh
Cơ chế sau khi hoàn thiện sau quá trình lấy ý kiến cần được chính thức hóa với sự thừa nhận của cộng đồng tham gia vào mô hình cũng như cơ quan quản lý địa phương bằng văn bản có tính chất pháp lý và đưa vào triển khai thi hành. Quá trình thi hành cần liên tục được kiểm soát, đánh giá và điều chỉnh dựa trên các hạn chế, những điều cần bổ sung.
Cơ chế quản lý du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn có một số nội dung chủ yếu liên quan đến các quy định chung mà các bên liên quan khi tham gia vào mô hình cần tuân thủ, cách phân chia lợi ích và các mục tiêu chung của mô hình. Dựa theo Quyết định số 3941/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng như các kết quả nghiên cứu thực tiễn, tài liệu đề xuất một số nội dung cần có trong cơ chế.
Các thuật ngữ và định nghĩa áp dụng: Nêu rõ các thuật ngữ áp dụng để đảm bảo đều được hiểu thống nhất trong cộng đồng
Các yêu cầu chung về hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Đưa ra các quy chế chung về hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, tầm nhìn, mục tiêu, nguyên tắc chung cần tuân thủ, giải quyết bất đồng...
Các yêu cầu về chất lượng sản phẩm dịch vụ
- Dịch vụ hướng dẫn DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Quy định về việc hướng dẫn khách, quy tắc phân phối khách cho hướng dẫn viên, những điều hướng dẫn viên không được làm...
- Dịch vụ tham quan: Quy định về việc tổ chức đưa khách tham quan, yêu cầu của những điểm tham quan phải có, vấn đề thống nhất giá vé, có phải mua vé hay không, ai là người đầu mối thu tiền vé...
- Dịch vụ ăn uống: Quy định về nguồn gốc nguyên liệu, quá trình chế biến, phục vụ món ăn, phân chia khách, kết nối giữa các hộ...
- Dịch vụ vui chơi, giải trí: Quy định về phân chia khách, tiêu chuẩn của các hộ đăng ký dịch vụ vui chơi, giải trí, quy tắc phục vụ khách vui chơi, giải trí...
- Hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống tại cộng đồng: Quy định về nội dung, hình thức trình diễn, các nội dung không được trình diễn, quy định về chi phí thưởng thức...
- Dịch vụ mua sắm sản phẩm địa phương: Quy định về việc trưng bày và bán, nguồn gốc sản phẩm, giá...
- Các vấn đề về bảo vệ môi trường, vệ sinh: Quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, các hoạt động môi trường chung, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh không gian đón khách, lưu trú...
- Các vấn đề về an ninh, phòng cháy chữa cháy: Quy định về an ninh trật tự, bảo vệ du khách, phòng cháy chữa cháy...
- Quy tắc ứng xử của các bên liên quan: Quy tắc ứng xử của người phục vụ, của du khách...
- Quy tắc phân phối lợi nhuận: Quy định cách phân chia lợi nhuận, kỳ thành toán, hình thức thanh toán...
- Quy tắc kiểm tra, đánh giá và rà soát: Quy định về việc kiểm tra, xử lý vi phạm quy chế...
- Quy tắc quản lý nhân sự và tổ chức mô hình: Quy định tiêu chuẩn tham gia, tiêu chuẩn duy trì là thành viên, cơ cấu tổ chức...
- Quy tắc lấy ý kiến các bên liên quan và ra quyết định: Quy tắc dân chủ, họp cộng đồng, sinh hoạt cộng đồng, hình thức lấy ý kiến và ra quyết định...
4.4. Đề xuất một số mô hình quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Mô hình hiện nay phù hợp nhất cho DLCĐ nông nghiệp, nông thôn vẫn là HTX vì là hình thức liên kết của các người dân với nhau. Còn ở các cấp độ phát triển thấp hơn về quy mô thì có thể có các dạng khác như Tổ hợp tác, Ban quản lý, Tổ điều phối, Trung tâm điều hành...
4.4.1. Hợp tác xã du lịch cộng đồng
Mục đích: thành lập ra một hệ thống vận hành và quản trị hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương, có được sự thống nhất, sắp xếp và phân chia các nguồn lực, nguồn khách một cách tối ưu, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, có sự liên kết với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt giữa các hộ cư dân với nhau, tạo thành một hệ thống vận hành có quy chế, có cơ chế đảm bảo chất lượng, hoạt động thông suốt, giải quyết các hạn chế mà hoạt động du lịch cộng đồng đang vướng mắc, tạo động lực phát triển, kêu gọi đầu tư, giao lưu khoa học…
Cơ cấu tổ chức: Dưới Hội đồng quản trị là Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch phụ trách 2 mảng công việc nội bộ và công việc gắn kết với doanh nghiệp tổ chức bên ngoài. Dưới Phó Chủ tịch là các Ban chuyên môn là các nhân sự phụ trách các mảng công việc tiên quyết cần có trong hoạt động du lịch cộng đồng để đảm bảo vận hành hiệu quả như:
Hình: Cơ cấu tổ chức Hợp tác xã du lịch cộng đồng
Công việc nội bộ:
Quy hoạch: có vai trò nắm bắt được tiềm năng du lịch của địa phương, tiến hành quy hoạch các khu vực với sản phẩm đặc thù dựa trên hiện trạng phát triển, hình thành các định hướng phát triển hạ tầng và cảnh quan cũng như sản phẩm du lịch cho mô hình, các hoạt động liên kết, tạo động lực, các chiến lược phát triển…
Tổ chức hành chính: Tổ chức các công việc của HTX, sắp xếp thành viên, theo dõi hoạt động của HTX, nắm bắt được định hướng quy hoạch và hoạt động để tổ chức công việc, gắn kết các hộ cư dân kinh doanh lại với nhau, đảm bảo vai trò và trách nhiệm thành viên, thực hiện công tác tuyên truyền, kêu gọi gia nhập, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, hạn chế… đưa dân cư vào hoạt động du lịch cộng đồng có chuyên môn, có định hướng phát triển, tạo ra thu nhập cao hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nắm được những sản phẩm và dịch vụ của thành viên tham gia cung cấp cho khách du lịch, tiến hành kiểm tra, xem xét và đảm bảo chất lượng theo tiêu chí và quy chế của ban quản trị, có biện pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết khó khăn.
Môi trường: đảm bảo công tác duy trì tính ổn đã ịnh của môi trường sinh thái và văn hóa, công tác vệ sinh môi trường, các điều kiện vệ sinh chung của địa bàn.
Trật tự - an ninh: đảm bảo an toàn trật tự an ninh trên địa bàn, không để xảy ra các hiện tượng tác động tiêu cực tới du khách như chèo kéo, cướp giật, tệ nạn,…
Đối ngoại: đảm bảo liên kết với các doanh nghiệp lữ hành và du lịch, cũng như các tổ chức, cá nhân cung ứng và phân bổ nguồn khách cho các thành viên tham gia.
Cung ứng sản phẩm/dịch vụ: có vai trò liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đến địa phương đầu tư, cung ứng hàng hóa dịch vụ cho hoạt động du lịch.
Đầu tư: kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đến đầu tư vào phát triển du lịch tại địa phương thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, đầu tư nguồn nhân lực, đầu tư vốn… tạo môi trường thông thoáng cho việc đầu tư.
Marketing: thực hiện quảng bá, truyền thông cho hoạt động du lịch cộng đồng tại đây, tăng kêu gọi đầu tư, cung ứng nguồn khách, cung ứng hàng hóa dịch vụ cho du lịch.
Nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch: liên kết với các cơ sở tổ chức giáo dục, trung tâm nghiên cứu nhằm chuyển giao tri thức, công nghệ, hỗ trợ tập huấn nguồn nhân lực, tổ chức các diễn đàn khoa học các đề tài nghiên cứu, xây dựng các mô hình giải pháp.
Nhân sự: về mặt nhân sự chú trọng đến tính gọn, 1-2 nhân sự trên mỗi lĩnh vực, nhân sự chủ chốt có thể là cán bộ của chính quyền, nhân sự của doanh nghiệp, nhưng nên chú trọng các nhân sự nổi bật, có uy tín trong cộng đồng, các cán bộ lãnh đạo cấp xã , ấp, các mảng công việc có thể lựa chọn từ các cá nhân có chuyên môn và đam mê trong hoạt động du lịch cộng đồng tại địa bàn.
Cơ chế hoạt động: hoạt động theo quy chế và cơ cấu trên tinh thần tham gia tự nguyện của các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng, có sự quản lý của các cấp chính quyền địa phương để đảm bảo tính pháp lý, kịp thời giải quyết các tranh chấp. Về nguồn lực vận hành chủ yếu đến từ nguồn kinh phí ngân sách và phân chia lợi ích công khai, minh bạch.
4.4.2. Ban quản lý (tổ điều phối) DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Đây là mô hình tham khảo cho các cộng đồng mới thành lập, có quy mô nhỏ và mức độ phát triển ban đầu để ổn định hoạt động trong lúc chờ thành lập các tổ chức quản lý có tư cách pháp nhân như Hợp tác xã . Một số mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thành công cũng có xuất phát điểm chỉ là những nhóm nhỏ cùng hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, sau đó, dưới sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan tư vấn, doanh nghiệp... các nhóm này sẽ được định hình lại và hình thành các tổ chức như hợp tác xã .
Mục đích: tăng cường tính liên kết chủ động của các hộ cư dân, tạo ra sự gắn kết dựa trên sự gần gũi về địa lí để cùng nhau phát triển kinh doanh trong giai đoạn đầu. Tăng cường học tập lẫn nhau chia sẻ kinh nghiệm cùng phát triển.
Cơ chế hoạt động: dựa trên tinh thần tự nguyện chấp hành và trách nhiệm với nhau, sự thỏa thuận lẫn nhau trong các tổ chuyên môn. Các mô hình tổ quản lý này có thể tham gia vào HTX du lịch cộng đồng hoặc hoạt động độc lập dựa trên sự thỏa thuận lẫn nhau.
Phân chia lợi ích: dựa trên sự thỏa thuận cân bằng về quyền lợi lẫn nhau.
Trong các mô hình này đề án tập trung chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu, còn về thời cơ và thách thức do nằm trong bối cảnh chung nên tương tự mô hình trên.
Điểm mạnh:
- Tăng cường tính chủ động liên kết và chủ động phát triển của cộng đồng.
- Mô hình nhỏ dễ quản lý và phát triển, người dân phát huy khả năng quản trị, học hỏi lẫn nhau cùng phát triển.
- Phát huy tính đoàn kết trong hoạt động du lịch cộng đồng, hạn chế sự cạnh tranh nguồn khách từ các công ty lữ hành.
- Không cần một hệ thống tổ chức nhiều cấp bậc để quản lý nên sự kiểm soát lẫn nhau rất thuận tiện, nhanh chóng và kịp thời.
Điểm yếu:
- Không có tư cách pháp nhân nên phải liên kết với các đơn vị như HTX, doanh nghiệp...
- Khó khăn trong công tác quản lý của địa phương.
- Người dân chưa có người kinh nghiệm trong việc quản lý và tổ chức.
- Dễ dẫn đến sự tan rã , các biến tướng của mô hình.
4.4.3. Câu lạc bộ du lịch cộng đồng
Câu lạc bộ du lịch cộng đồng được thành lập trên cơ sở tự nguyện đăng ký tham gia từ các thành viên quan tâm đến phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Câu lạc bộ có thể bao gồm doanh nghiệp, hộ cá thể làm du lịch và cả sự hậu thuẫn từ chính quyền địa phương. Để câu lạc bộ hoạt động mạnh mẽ và đem lại lợi ích cao buộc những người làm du lịch phải liên kết theo chuỗi gái trị và thường xuyên có những hoạt động tập huấn, quảng bá điểm đến thông qua câu lạc bộ. Câu lạc bộ du lịch cộng đồng hoạt động theo quy chế, tổ chức hoạt động của câu lạc bộ.
4.4.4. Hội quán cùng nhau làm du lịch
Điều cốt lõi trong xây dựng Hội quán đó là lấy vốn văn hóa, xã hội làm nền tảng để tạo ra giá trị về kinh tế. Điều quan trọng trong phương châm phát triển của hội quán là cân bằng lợi ích giữa các thành viên, như vậy chúng ta mới phát triển bền vững và lâu dài. Nhắc đến hội quán nông dân, người ta biết ngay đến vùng đất Sen hồng Đồng Tháp; vì chỉ có Đồng Tháp mới có mô hình hội quán - nơi những người nông dân cùng ý tưởng, cùng chung chí hướng, cùng ngồi lại với nhau bàn luận, đưa ra những giải pháp để cùng nhau xây dựng, cùng nhau thụ hưởng. Điều đặc biệt ở Hội quán là mỗi người một sản phẩm du lịch riêng, không ai giống ai. Nếu như có một ý tưởng, quy cách hay mô hình du lịch giống nhau thì người kia sẽ tự chuyển đổi phương án phát triển du lịch của mình để không bị trùng lặp nhau. Điểm yếu của mô hình hội quán là không có tư cách pháp nhân để xuất hoá đơn, do vậy một số thành viên trong hội quán đã liên kết lại với nhau để hình
thành nên doanh nghiệp.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THEO CHUỖI GIÁ TRỊ
5.1. Tổng quan chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Phân tích chuỗi giá trị được xem là một công cụ hữu hiệu để giúp nhà quản lý đề ra các chính sách và chiến lược thích hợp để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm (Ngô Thị Phương Lan, 2020). Kết quả của các phân tích chuỗi giá trị cung cấp thông tin cần thiết cho các quyết định của các nhà xúc tiến tư nhân và nhà nước trong phát triển chuỗi giá trị. Việc tiếp cận sản xuất theo hướng chuỗi giá trị có một số lợi ích to lớn, khắc phục được nhiều hạn chế của các sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, kém chất lượng, lợi nhuận thấp, thị trường chật hẹp. Chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận dựa trên các mắt xích và các tác nhân liên quan đến phát triển chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển nông thôn mới với bộ phận điều phối du lịch (Ngô Thị Thu Trang, 2022) . Một trong những vấn đề rất đáng được quan tâm trong phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là hệ thống các tác nhân và mối quan hệ giữa các tác nhân đó. Có thể kể đến một số tác nhân có liên quan trực tiếp đến DLCĐ nông nghiệp, nông thôn và phát triển chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn như như quản lý địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp, nhà khoa học hay đơn vị tư vấn phát triển du lịch, hãng lữ hành, du khách... (Ngô Thị Thu Trang, 2020)
Bên cạnh đó, phát triển theo chuỗi giá trị giúp nâng cao tính chuyên môn hoá trong từng công đoạn sản xuất vì sự phân công lao động được quyết định bởi quy mô của thị trường, tăng hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp, việc đánh giá hoạt động kinh doanh và thương mại của doanh nghiệp theo từng công đoạn (phương pháp chuỗi giá trị) sẽ giúp hiểu được những thuận lợi và khó khăn; tăng thu nhập cho các chủ thể trong chuỗi. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang rất năng động hiện nay, sự chuyên môn hoá vào từng khâu của công đoạn trong chuỗi sẽ làm tăng hiệu quả sản xuất của các chủ thể và từ đó giúp gia tăng thu nhập của doanh nghiệp.
Cụ thể hơn, tiếp cận chuỗi giá trị trong ngành du lịch giúp khám phá đầy đủ các tác nhân tham gia vào quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch và mối quan hệ giữa các tác nhân này, từ đó có sự nhìn nhận tổng quát nhằm đưa ra các giải pháp quản trị hiệu quả, tăng giá trị cho toàn bộ chuỗi. Đây cũng là mục tiêu khi tài liệu này bàn về chuỗi giá trị trong du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, đa số chuỗi giá trị du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn còn khá sơ khai, thậm chí chưa hình thành nên chưa thể phát huy hiệu quả của hoạt động kinh tế - xã hội này.
Khi tiếp cận chuỗi giá trị đối với hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thì cần nắm rõ các tác nhân tham gia vào chuỗi này và mối liên hệ, hình thức liên kết giữa các tác nhân từ đó điều chỉnh để có thể giúp các bên liên kết chặt chẽ và hiệu quả hơn. Các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra một cách chất lượng hơn từ sự phối hợp ăn khớp giữa các bên, tiếp cận theo chuỗi giá trị còn giúp xác định phần lợi ích mà các bên nhận được khi tham gia vào chuỗi vì qua mỗi giai đoạn, giá trị sản phẩm được tăng lên.
Đối với hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, chuỗi giá trị bao gồm một loạt các nội dung từ nghiên cứu, phát triển, thiết kế sản phẩm, cung ứng dịch vụ, tiếp thị, bán sản phẩm, điều hành, hướng dẫn viên, chăm sóc khách hàng… Và nhiều hoạt động của các bên liên quan khác như hoạt động quản lý của chính quyền địa phương, sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ. Xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị này cần có cách tiếp cận toàn diện, bao phủ và thiết lặp cơ chế vận hành phù hợp cho chuỗi. Đây là giải pháp trọng tâm để giúp các mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam chuẩn hoá các sản phẩm, tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương.
Xây dựng chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là việc xác định các bên liên quan trong chuỗi và thiết lập sự liên kết giữa các bên này dựa trên phân công theo quá trình cung ứng sản phẩm/dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Cần chú ý đến sự gia tăng giá trị của sản phẩm/dịch vụ khi đi qua mỗi giai đoạn của một bên, ví dụ, sản phẩm được cộng đồng thiết kế cơ bản sẽ được các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng chỉn chu và chuẩn hoá, sau đó được xúc tiến, quảng bá, bán cho du khách. Phát triển các chuỗi giá trị cần đặt trong mối bối cảnh rộng hơn của kinh tế - xã hội địa phương vì du lịch là ngành kinh tế mang tính tổng hợp cao, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan để tạo điều kiện cho chuỗi giá trị du lịch hình thành và phát triển. Ví dụ, chuỗi cần có sự ủng hộ gián tiếp của hệ thống hạ tầng giao thông, bến cảng, bến tàu, các cơ quan xuất nhập cảnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy… Chính vì thế tiếp cận chuỗi giá trị phải có tính tổng quát và toàn diện chứ không chỉ là các dịch vụ, sản phẩm trực tiếp trong quá trình tương tác với du khách.
Trong phần này, tài liệu trình bày một số nội dung cơ bản để cộng đồng có thể nắm bắt được chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn và vận dụng vào thực tiễn hoạt động kinh doanh.
5.2. Thành phần, tác nhân trong chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Hình: Chuỗi giá trị du lịch cộng đồng tổng quát (Ngô Thị Phương Lan, 2021)
Các hợp phần dịch vụ thường có trong một chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn như sau:
a) Lữ hành và tiếp thị, quảng bá
Hoạt động lữ hành tại các địa phương trong thời gian qua có những bước phát triển nhất định, tuy vậy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Cộng đồng đa số chỉ liên kết với doanh nghiệp để có nguồn khách, tuy vậy, cộng đồng cần được đào tạo để có thể trở thành người vận hành chính sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thông qua thiết kế, phát triển sản phẩm, điều hành cung ứng sản phẩm, dịch vụ, hướng dẫn viên, hoạt động liên kết với doanh nghiệp…
Một trong những yếu tố quan trọng của du lịch cộng đồng là tính trải nghiệm văn hóa bản địa thông qua người cung cấp dịch vụ du lịch là người dân địa phương, vì thế các cảm nhận, trải nghiệm trở nên gần gũi và thực tế và cộng đồng có tiềm năng trở thành những “Hướng dẫn viên bản xứ”. Hiện nay, cộng đồng tham gia du lịch hầu như chưa phát triển được dịch vụ thuyết minh, dẫn đường và cung cấp thông tin du lịch cho du khách.
Vấn đề nguồn khách là một trong những điều kiện đủ trong việc phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Vì thế, các mô hình cần có giải pháp liên kết với doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch khách để tạo ra nguồn khách ban đầu, các cơ quan chức năng, chuyên môn cần tạo ra các kênh liên kết, kết nối các bên với nhau thông qua hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương.
Cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch cần không ngừng tiếp cận và nâng cao kiến thức, kỹ năng, công cụ quảng bá, chủ động tiếp cận các kênh thông tin để đăng tải thông tin, giới thiệu dịch vụ và điểm đến, tạo ra nguồn khách. Một số công cụ đơn giản và không mất chi phí như mạng xã hội (Facebook, Zalo…), thông qua các nền tảng kết nối dịch vụ online (Agoda, booking.com, triadvisor…) hay đăng tải lên kênh thông tin quảng bá của địa phương.
b) Vận chuyển
Hoạt động vận chuyển trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn hiện nay hầu như chưa được đầu tư phát triển do yếu tố về nguồn vốn cũng như các yêu cầu về hạ tầng. Tại các khu vực nông thôn, du khách khi đến tham quan thường khó khăn trong việc di chuyển giữa các địa điểm do hạn chế về phương tiện di chuyển cùng sự chia cắt mạnh về tự nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển. Đây vừa là hạn chế cũng là tiềm năng để các mô hình có thể đầu tư các hình thức vận chuyển như xe điện du lịch, tàu/đò/canô du lịch, cho thuê xe đạp, xe ngựa… để du khách có thêm trải nghiệm và thuận tiện tham quan giữa các địa điểm.
Do yêu cầu đầu tư cao nên cần có các doanh nghiệp hỗ trợ các mô hình dưới hình thức cùng đầu tư và chia sẻ lợi ích, đây cũng là một hình thức kết nối chuỗi giá trị, tăng thêm lợi ích cho các bên trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
c) Dịch vụ lưu trú và ăn uống
Dịch vụ lưu trú trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn đa số là các homestay. Homestay thường chỉ đơn thuần là lưu trú kết hợp ăn uống và chưa được đầu tư, gia tăng các giá trị du lịch, văn hóa bản địa. Vì thế, việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các homestay nên được nâng cấp, đa dạng hóa dịch vụ gắn với văn hoá bản địa và các hoạt động trải nghiệm cho du khách để họ thực sự thâm nhập, cảm nhận được đời sống địa phương. Đối với các homestay, nhà nghỉ mới được xây dựng, khuyến khích xây dựng nhà theo hình thức nhà truyền thống địa phương hoặc các kiến trúc bản địa để thu hút du khách. Có thể xây dựng không gian mở, hòa mình vào thiên nhiên, phòng ở có không gian nhìn ra biển, cánh đồng… Nên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, là vật liệu có thể tìm thấy và tái chế tại địa phương, không gian nên hòa mình với thiên nhiên, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm không gian sống gắn liền với thiên nhiên, văn hóa bản địa, đầu tư xây dựng không gian sinh hoạt cho khách như tổ chức ăn uống, giao lưu văn hoá, văn nghệ truyền thống… Tại các homestay, điểm lưu trú cũng nên có nơi trưng bày các sản phẩm đặc sản, để du khách tham khảo, trải nghiệm, thúc đẩy nhu cầu mua sắm, tạo ra thêm nguồn thu cho homestay.
Niêm yết các gói dịch vụ, sản phẩm: Tại cơ sở homestay, tiến hành niêm yết chi tiết giá các gói dịch vụ và sản phẩm được cung cấp bằng hình ảnh trực quan, sinh động để du khách tham khảo và đặt mua. Các thông tin lưu ý về du lịch, bản đồ du lịch, hướng dẫn văn hóa bản địa cũng nên được lắp đặt.
Đối với ăn uống trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, các mô hình nên xây dựng menu món ăn với giá thành cụ thể. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn, cộng đồng tiến hành thống kê các món ăn đặc sắc, hiện hữu, phù hợp với khả năng nấu ăn của hộ để đưa vào menu cung cấp cho du khách. Với đặc trưng chu kì canh tác nông nghiệp, một số loại đặc sản chỉ có vào những khoảng thời gian nhất định vì thế cần phổ biến thông tin này đến du khách trong menu và bảng thông tin du lịch để kích thích nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm, tăng khả năng du khách sẽ quay lại trong tương lai.
d) Vui chơi giải trí và mua sắm
DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cũng cần quan tâm tạo ra các hoạt động có tính trải nghiệm, vui chơi, giải trí và mua sắm để kích thích thêm nhu cầu du lịch và chi tiêu của du khách, từ đó mang lại doanh thu lớn hơn cho toàn bộ các tác nhân trong chuỗi và nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, đa số các điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thường cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm cơ bản, gần như thiếu vắng các hoạt động vui chơi, giải trí và trải nghiệm vì thiếu đi công tác thiết kế sản phẩm. Cộng đồng khi tham gia kinh doanh du lịch cũng còn chưa được đào tạo bài bản để có đủ khả năng nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, khi đó các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, cơ quan học thuật và chính quyền địa phương cần hỗ trợ thực hiện mắt xích này. Các hoạt động trải nghiệm cần dựa trên văn hoá bản địa và hoạt động canh tác nông nghiệp, đời sống nông thôn thay vì đầu tư các hoạt động vui chơi, giải trí hiện đại, đại chúng mà làm mất đi tính đặc sắc của sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Đối với hoạt động mua sắm, hiện nay các mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa quan tâm tạo ra không gian mua sắm cho du khách. Du khách thường đến các chợ địa phương hay các điểm bán nông sản, sản vật bản địa để tìm mua quà mang về. Vì thế, các mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cũng nên có một khu vực để quy tụ các hàng bán đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP để du khách trải nghiệm, tham quan, mua sắm. Điều này là rất cần thiết để nhiều bên tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch, kích thích xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch của khách nước ngoài, mang về nguồn doanh thu lớn hơn và góp phần quảng bá sản vật địa phương rộng rãi.
5.3. Các tác nhân tham gia chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
a) Cộng đồng địa phương (CDĐP)
Như đã trình bày ở phần trên, CDĐP là đối tượng then chốt, chủ thể của toàn bộ hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn bởi họ là chủ sở hữu của các giá trị tài nguyên du lịch tại địa phương. Họ có trách nhiệm bảo tồn văn hóa bản địa, tài nguyên du lịch và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều nghiên cứu và mô hình thực tiễn cho thấy rằng nếu CDĐP không đóng vai trò chủ thể trong DLCĐ thì các mô hình khó bền vững và khả thi, dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột lợi ích.
Theo Luật Du lịch 2017, Điều 6 đã quy định cụ thể về sự tham gia của cộng đồng dân cứ trong phát triển du lịch:
1. Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
2. Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương”.
Theo Tosun và Timothy (2003) thì có 7 luận điểm về sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch:
(1) Sự tham gia của cộng đồng là yếu tố quan trọng để thực hiện các kế hoạch và chiến lược du lịch.
(2) Sự tham gia của cộng đồng góp phần phát triển du lịch bền vững.
(3) Sự tham gia của cộng đồng làm tăng sự hài lòng của du khách.
(4) Sự tham gia của cộng đồng giúp các chuyên gia lập các kế hoạch du lịch tốt hơn.
(5) Sự tham gia của cộng đồng góp phần phân bổ chi phí và lợi ích công bằng giữa các thành viên trong cộng đồng.
(6) Sự tham gia của cộng đồng có thể giúp đáp ứng các nhu cầu của địa phương.
(7) Sự tham gia của cộng đồng đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa tại các điểm đến du lịch.
Các hình thức tham gia của CĐĐP trong phát triển du lịch rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, các hình thức tham gia đó, suy cho cùng cũng dựa trên quá trình quản lý, quá trình phát triển du lịch của cộng đồng, hay các giai đoạn của dự án. Qua đây cũng thấy rằng, vai trò của CĐĐP là vô cùng quan trọng trong phát triển du lịch. Cộng đồng vừa là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn du khách, đồng thời là đối tượng đáp ứng những nhu cầu của khách du lịch. Do vậy, việc tham gia của CĐĐP vào du lịch sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho họ và môi trường mà còn nâng cao chất lượng du lịch. Chính vì thế việc CDĐP tham gia vào quá trình quản lý các mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là vô cùng cần thiết.
b) Doanh nghiệp có liên quan du lịch
Doanh nghiệp du lịch hoặc hoạt động có liên quan du lịch là đơn vị cung cấp sản phẩm/dịch vụ du lịch hoặc các dịch vụ bổ sung cho du khách trong chuỗi giá trị. Trong hoạt động DLCĐ các doanh nghiệp này là cầu nối giữa mô hình DLCĐ với du khách, họ đưa khách đến các mô hình DLCĐ để du khách trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ và phân chia lợi ích với cộng đồng.
Ở một mức độ cao hơn, các doanh nghiệp này có thể tham gia vào quá trình quản lý, điều hành mô hình DLCĐ theo các hình thức khác nhau. Các doanh nghiệp có thể cung cấp thêm việc làm cho cộng đồng thông qua các công việc liên quan du lịch: vận chuyển, ăn uống, hướng dẫn viên, vệ sinh, an ninh... Tuy vậy các chuyên gia không khuyến khích mô hình doanh nghiệp hoàn toàn điều hành mô hình DLCĐ và cộng đồng được xem như nhân viên của họ, khi đó phần lớn lợi ích từ hoạt động DLCĐ và sự phát triển của mô hình không được CDĐP quyết định.
c) Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch
Chính quyền địa phương là cơ quan quản lý Nhà nước tại địa bàn, thấp nhất là UBND xã , phường, thị trấn và các cấp cao hơn. Đây là đơn vị quản lý toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó có DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch là cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực như Phòng Văn hóa - Thông tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cấp cao hơn.
Các mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cần tìm kiếm sự ủng hộ và tạo điều kiện từ các cơ quan này, ngược lại các cơ quan này cũng cần phát hiện và đầu tư cho hoạt động DLCĐ địa phương bởi những ý nghĩa mà hoạt động này mang lại. Đây là mối quan hệ hai chiều, tương hỗ và không nên có bất kỳ sự áp đặt hay bất cân đối nào để đảm bảo người dân là chủ thể và cơ quan quản lý là người ủng hộ.
Chính quyền địa phương tham gia vào các công việc, các dự án phát triển DLCĐ như sau:
- Quản lý, tổ chức, giám sát việc lập, ra quyết định thực hiện trong quá trình quy hoạch du lịch.
- Tham gia xây dựng, thực thi các quy định, quy phạm về bảo vệ, tôn tạo, khai thác tài nguyên du lịch.
- Theo dõi, giám sát, ủng hộ hoặc phản đối các kế hoạch nắm quyền sử dụng đất; các kế hoạch vay, sử dụng, thu hồi vốn vay; các kế hoạch bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch; các hoạt động kinh doanh du lịch của cộng đồng; các hoạt động của du khách; các nguồn thu, chi từ du lịch theo pháp luật và quy định.
d) Các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức phi chính phủ, cơ quan học thuật...
Họ là những tổ chức, cơ quan và cá nhân hỗ trợ CĐĐP trong việc thực hiện các dự án phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn về các mặt như: nghiên cứu thống kê, tư vấn giám sát, tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển DLCĐ... Thực tế đã cho thấy vai trò của các tổ chức này trong quá trình tư vấn, lập kế hoạch phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương. Nhờ các các đơn vị này mà cộng đồng được định hướng phát triển cụ thể và gắn với các quan điểm phù hợp thay vì phát triển tự phát và chạy theo lợi nhuận. Một số tổ chức phi chính phủ về phát triển du lịch cộng đồng cũng có thể mang đến các dự án, nguồn lực hỗ trợ cho cộng đồng nâng cao năng lực trong việc phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Tuy vậy, có một hiện trạng là sau khi hoạt động tư vấn, các dự án quốc tế kết thúc thì các mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thường cũng quay lại với hiện trạng ban đầu, do đó cần chú ý đến tình bền vững và khả năng tự thân của các mô hình khi thực hiện sự hỗ trợ và có giải pháp định hướng triển khai dài hạn.
5.4. Xác định hình thức liên kết trong chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Hiện nay, các hình thức liên kết trong chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn còn chưa rõ nét và mang tính chuỗi, đa phần là các liên kết ngầm định, liên kết miệng, các hình thức liên kết bằng văn bản với các nội dung phối hợp rõ ràng, phân chia lợi ích gần như rất ít. Một số hạn chế chung như sau: Tính liên kết hữu cơ còn thấp, chưa đồng bộ, chưa kêu gọi được sự xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp khai thác, vai trò của truyền thông trong việc xây dựng thương hiệu địa phương còn mờ nhạt. Thiếu sự liên kết hữu cơ giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là doanh nghiệp và nông dân trong việc mua bán sản phẩm.
Để khai thác và phát triển các mối liên kết chặt chẽ tương xứng với tiềm năng đồng thời hài hòa mối quan hệ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành và cộng đồng thì địa phương cần xây dựng những biện pháp nhằm dung hòa mối quan hệ lợi ích giữa các đối tượng tham gia. Chính quyền địa phương cần tham gia vào mối liên kết với vai trò hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tập huấn về chuyên môn, xúc tiến thương mại; kiểm tra, giám sát và bảo đảm tính pháp lý cho việc thực hiện hợp đồng giữa các bên. Chính quyền địa phương đóng vai trò làm cầu nối trong quá trình liên kết.
Một trong những cách để tạo ra các liên kết hữu cơ mang tính pháp lý đó là hình thành các Hợp tác xã về DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là giải pháp có tính bền vững và được khuyến khích, tạo điều kiện trong bối cảnh chú trọng phát triển kinh tế tập thể. Các hợp tác xã tham gia vào quá trình điều tiết kế hoạch sản xuất; thông qua các dịch vụ để hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị của các bên; hướng dẫn đào tạo, hỗ trợ cộng đồng. Các hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp để thu hút khách du lịch và đại diện các xã viên thực hiện vai trò phân chia lợi ích với doanh nghiệp. Tham gia vào các hợp tác xã có nghĩa là cộng đồng đã tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn với những yêu cầu khắt khe về chất lượng, về an toàn lao động cũng như bảo đảm lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của nông dân về vai trò và sự cần thiết của liên kết đối với việc tăng cường sức mạnh của hộ trong chuỗi giá trị này.
Các hợp tác xã kiểu mới cũng cần phải đổi mới tư duy, nắm bắt tốt chủ trương, chính sách kịp thời, mỗi hợp tác xã cũng cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý; nghiên cứu nắm bắt thị trường để có chiến lược phát triển cho doanh nghiệp, hợp tác xã của mình bền vững. Như vậy mới thực sự góp phần nâng cao giá trị chuỗi DLCĐ nông nghiệp, nông thôn rộng rãi ra thị trường trong nước và thế giới.
MỘT SỐ KỸ NĂNG, NGHIỆP VỤ VỀ DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Một trong những giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ du lịch gắn với mô hình du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 922/QĐ-TTg đó là: Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch: cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách cho cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; kết hợp với nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về điểm du lịch và học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông thôn tại các địa phương trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, mỗi địa phương, cộng đồng đều gắn với đặc trưng vùng, miền riêng, trình độ, mức độ phát triển về du lịch nông nghiệp, nông thôn khác nhau, do đó rất khó có thể hình thành một tài liệu chung. Vì vậy, căn cứ vào thực trạng và nhu cầu riêng, các địa phương có thể lựa chọn các chuyên đề chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ phù hợp, mang lại hiệu quả tốt nhất cho các khóa tập huấn.
Các chuyên đề kỹ năng chuyên sâu có thể về các chủ đề sau:
Chủ đề 1: Khai thác và quản lý tài nguyên du lịch trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Chủ đề này hướng dẫn cộng đồng cách nhận diện, khai thác và hình thành ý tưởng phát triển sản phẩm từ tài nguyên du lịch bản địa. Cụ thể có thể tập huấn các chuyên đề sau:
Chuyên đề 1: Tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 2: Nhận diện Tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 3: Quản lý Tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 4: Khai thác tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 5: Phát triển bền vững trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Chủ đề 2: Phát triển sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Chủ đề này trình bày các vấn đề liên quan thiết kế sản phẩm du lịch bao gồm các sản phẩm và dịch vụ để cung cấp đến du khách.
Chuyên đề 1: Các yếu tố cấu thành sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 2: Đa dạng hoá sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 3: Chuẩn hoá sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 4: Kinh doanh sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 5: Sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Chủ đề 3: Kỹ năng cung cấp dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Đây là chuyên đề nghiệp vụ cung cấp các kỹ năng phục vụ du lịch để tăng tính chuyên nghiệp và thành thạo của lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch tại địa phương.
Chuyên đề 1: Kỹ năng thuyết minh trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 2: Nghiệp vụ ẩm thực trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 3: Nghiệp vụ phục vụ lưu trú trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 4: Kỹ năng ngoại ngữ cơ bản trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 5: Kỹ năng tổ chức lữ hành trong DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Chủ đề 4: Kỹ năng quản lý mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Nhóm nội dung này dành cho các cán bộ quản lý, người đứng đầu các mô hình hoặc tiềm năng quản lý mô hình để có thể vận hành mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Chuyên đề 1: Kỹ năng quản lý, lãnh đạo cộng đồng
Chuyên đề 2: Kỹ năng quản lý tài chính
Chuyên đề 3: Kỹ năng hiểu và vận dụng chính sách về DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 4: Kỹ năng quản lý thời gian
Chuyên đề 5: Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin
Chuyên đề 6: Kỹ năng quản trị rủi ro trong phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Chủ đề 5: Quảng bá, xúc tiến sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn: Chủ đề này trình bày các nội dung cơ bản để các bên liên quan nắm và vận dụng được các nội dung về quảng bá, xúc tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và phát triển thương hiệu địa phương.
Chuyên đề 1: Quảng bá, xúc tiến và thương hiệu địa phương
Chuyên đề 2: Các hình thức quảng bá, xúc tiến DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 3: Mạng xã hội và quảng bá, xúc tiến DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 4: Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Chuyên đề 5: Xây dựng bộ thuyết minh và câu chuyện sản phẩm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Trên đây là một số gợi ý chi tiết các chuyên đề có thể thảm khảo khi tổ chức tập huấn về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, tuỳ theo từng địa phương nhất định có thể phát sinh các vấn đề thực tiễn khác nhau, do đó cơ quan, đơn vị chủ trì khóa tập huấn quyết định nội dung chuyên đề kỹ năng, nghiệp vụ phù hợp với đối tượng, mục tiêu của khóa tập huấn./.
Tài liệu phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn này được biên soạn nhằm cung cấp cho cán bộ quản lý, cộng đồng, người làm du lịch những thông tin cơ bản về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Tài liệu đã khái quát những thông tin cơ bản để hiểu về loại hình du lịch này cũng như một số công cụ để các bên liên quan tham gia xây dựng, phát triển. Tài liệu cũng đã chỉ ra những bước triển khai trong xây dựng cac mô hình và cơ chế quản lý và vận hành, xây dựng sản phẩm du lịch cho du khách. Ngoài ra việc phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất là hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách pháp luật về phát triển, hỗ trợ phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, xác lập vị trí của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn nằm trong tổng thể chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, tuy vậy DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cũng cần được quan tâm nhiều hơn bởi tính chất đặc biệt là gắn trực tiếp với một cộng đồng dân cư rộng lớn với nhiều mối quan hệ giữa các bên liên quan. Vì thế, trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách và cơ chế quản lý hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn từ cấp Trung ương đến địa phương, đặc biệt là tại chính quyền địa phương cấp cơ sở nơi có điểm DLCĐ nông nghiệp, nông thôn.
Một số cơ chế, chính sách cần tập trung hoàn thiện bao gồm: Quy định về hoạt động kinh doanh du lịch của nhóm cộng đồng, quy định về việc tổ chức cho du khách lưu trú tại địa phương (đặc biệt khách có yếu tố nước ngoài), quy định về vấn đề hợp tác giữa cộng đồng (chưa có tư cách pháp nhân) với doanh nghiệp, quy định về việc thành lập và công nhận các mô hình quản lý DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, quy định về việc xây dựng và công nhận cơ chế quản lý cộng đồng...
Thứ hai là tại mỗi điểm du lịch cộng đồng cần lưu ý xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Phát huy nguồn lực con người trong phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn có nhiều điểm cần được chú ý bởi cộng đồng tham gia hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn một số nơi rất ít được đào tạo hay bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, phần lớn xuất phát từ sự đam mê, hứng thú hay từ sự phát triển của DLCĐ nông nghiệp, nông thôn địa phương mà họ tham gia. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến DLCĐ nông nghiệp, nông thôn dường như hoạt động kém hiệu quả bởi nguồn lực con người là yếu tố quyết định.
Một trong những vấn đề cần quan tâm là tinh thần và năng lực quản lý của cộng đồng, bởi trong các mô hình DLCĐ nông nghiệp, nông thôn đề xuất, cộng đồng đều đảm nhận vai trò chủ thể, chủ sở hữu của hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, vì vậy họ cần có đầy đủ năng lực, kỹ năng quản lý hoạt động này. Bên cạnh các kiến thức, kỹ năng về chuyên môn du lịch, cộng đồng cần được tập huấn về kỹ năng quản trị tài chính, kỹ năng quản trị rủi ro, kỹ năng tổ chức, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho cộng đồng của mình, phát triển du lịch bền vững...
Thứ ba, tăng cường liên kết các bên liên quan, kết nối nguồn lực cho phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Các bên liên quan trong hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn rất đa dạng, tài liệu đã chỉ ra một số bên chính như cộng đồng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và du khách. Việc tăng cường kết nối giữa các bên này là vô cùng cần thiết để hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn diễn ra thông suốt, hiệu quả đặc biệt là huy động các nguồn lực xã hội để DLCĐ nông nghiệp, nông thôn phát triển tương xứng với tiềm năng, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội tốt hơn.
Một số liên kết cần được quan tâm như: liên kết các dịch vụ cung ứng để hình thành sản phẩm du lịch, liên kết giữa các điểm đến với nhau, liên kết giữa các nhà quản lý du lịch các địa phương với nhau, giữa các nhà quản lý du lịch các địa phương với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng, giữa doanh nghiệp với du khách, giữa cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với du khách...
Thứ tư, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn theo hình thức chuỗi giá trị du lịch
Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn theo hình thức chuỗi giá trị là cách tiếp cận có ý nghĩa lớn đối với việc sản xuất ổn định và bền vững về sản phẩm, dịch vụ, ngành hàng. Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi để định hướng xây dựng các hợp phần dịch vụ chính và chỉ rõ các dịch vụ chi tiết trong hợp phần đó được thể hiện thông qua chuỗi các hoạt động từ thiết kế sản phẩm, mua dịch vụ, tiếp thị, bán hàng, điều hành, hướng dẫn viên để mang đến sản phẩm là sự trải nghiệm cho du khách. Để thực hiện thành công chuỗi giá trị DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cần có sự tham gia và đồng thuận giữa các bên liên quan, đặc biệt là trong nhóm cộng đồng tham gia.
Thứ năm, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM và Chương trình OCOP
Phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM thông qua tận dụng các nguồn lực từ Chương trình MTQG xây dựng NTM để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho ngành du lịch địa phương, ngược lại hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn mang đến nguồn lực kinh tế - xã hội để quá trình xây dựng NTM diễn ra nhanh chóng hơn và toàn diện hơn tại địa phương.
DLCĐ nông nghiệp, nông thôn cũng song hành cùng Chương trình OCOP bởi bản thân dịch vụ DLCĐ nông nghiệp, nông thôn và điểm du lịch cũng có khả năng trở thành một sản phẩm OCOP và các sản phẩm OCOP khác cũng được khai thác để đưa vào hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, mối quan hệ khăng khít giữa DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và Chương trình OCOP cần được xác lập chính thức và có cơ chế bổ trợ lẫn nhau.
Thứ sáu, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
DLCĐ nông nghiệp, nông thôn thời gian qua phát triển khá đa dạng với nhiều mô hình độc đáo khắp cả nước, tuy vậy công tác quảng bá, xúc tiến chưa được hiệu quả để lan tỏa thương hiệu DLCĐ nông nghiệp, nông thôn. Về hoạt động xúc tiến, quảng bá và truyền thông, hiện nay do thiếu liên kết nên các địa phương, doanh nghiệp vẫn còn tiến hành độc lập vì thế không thể lan tỏa rộng rãi, do đó cần có những kết nối và chuyên môn hóa công tác xúc tiến, quảng bá.
Trong thời đại hiện nay, khi mà công nghệ thông tin và mạng xã hội đã dần chi phối hoạt động truyền thông trong du lịch thì việc ứng dụng công nghệ là rất cần thiết. Các địa phương, doanh nghiệp nên quan tâm đến các xu hướng, công cụ truyền thông mới được áp dụng trong thời đại số, giúp việc tiếp cận du khách tiềm năng hiệu quả hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn thương hiệu DLCĐ nông nghiệp, nông thôn của vùng và của địa phương.
Thứ bảy, ứng dụng công nghệ vào quảng bá, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn
Trong xu thế ngành du lịch chủ động chuyển đổi số, tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ vào quảng bá, phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn là xu thế tất yếu và đòi hỏi cấp thiết.
Một số giải pháp như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số DLCĐ nông nghiệp, nông thôn, phối hợp với các bên liên quan phát triển những ứng dụng kết nối, quảng bá du lịch trên các nền tảng số, ứng dụng thông minh... Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông quảng bá phát triển du lịch trực tuyến cần xây dựng các giải pháp phù hợp với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Có chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng CNTT phát triển du lịch để ươm mầm cho những ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá trong ngành; hỗ trợ, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở các địa phương và doanh nghiệp du lịch về ứng dụng CNTT phục vụ du lịch.
Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển DLCĐ nông nghiệp, nông thôn hướng đến du lịch bền vững
Đến nay du lịch Việt Nam đã ký kết trên 100 điều ước, thỏa thuận hợp tác quốc tế về du lịch với các nước, tạo điều kiện và cơ sở pháp lý tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế. DLCĐ nông nghiệp, nông thôn được nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức du lịch quốc tế quan tâm như một hình thức hỗ trợ cộng đồng tại các vùng khó khăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao năng lực cộng đồng. Vì thế cần tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ các sự hỗ trợ này, thu hút vốn đầu tư, kinh nghiệm, công nghệ, nguồn khách, đẩy mạnh xúc tiến du lịch và hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động gắn kết hoạt động DLCĐ nông nghiệp, nông thôn Việt Nam với du lịch khu vực và thế giới./.
1. Tài liệu nước ngoài:
ASEAN. (2016). ASEAN community - based tourism, Secretariat, Jakarta.
Carter, E. (1994). Ecotourism in the Third World: Problems and Prospects for Sustainability, Chichester: John Wiley & Sons, pp. 69 -86.
Del Chiappa, G. (2016). Community-based collaborative tourism planning in islands: A cluster analysis in the context of Costa Smeralda, Jour nal of Destination Marketing & Management.
DFID. (2007). Sustainable Livehoods Framework. Department for International Development, LonDon, 2007.
Drake, s. p. (1991). Local participation in ecotourism projects, nature tourism: Managing for the environment, Washington DC: Island Press, pp. 132-63.
Hieu, V. & Rasovska, I. (2017). Craft villages and tourism development, a case study in Phu Quoc island of Vietnam. Management,21(1) 223 -236.
Ngo Thi Phuong Lan & Nguyen Thi Van Hanh. (2020b). The Impact of Agrotourism on The Local Community (A Case Study Of Sơn Islet, Cần Thơ City, Vietnam). European Journal of Molecular & Clinical Medicine ISSN2515 - 8260Volume07, Issue03, 2020
Pham Hong Long (2012), „Tourism impacts and support for tourism development in Ha Long Bay, Vietnam: An examination of residents' perceptions‟, Asian Social Science, 8(8), pp. 28-39.
Pham Hong Long & Kayat, K. (2011), Residents‟ perceptions of tourism impact and their support for tourism development: the case study of Cue Phuong national park, Ninh Binh province, Vietnam, European Journal of Tourism Reseach, 4(2), pp. 123-46.
Pham Minh Huong (2013). Residents‟ attitudes and participation in tourism development in Ba Be National Park, Vietnam, Master thesis, Daegu University.
Taylor, G. (1995). „The community approach: does it really work?‟, Tourism Management, 16(7), pp. 487-89.
Thammajinda R. (2013). Community participation and social capital in tourism planning and management in a Thai context. Thesis of Doctor Philosophy , Lincoln University, New Zealand.
Tosun, c. (1999). „Towards a typology of community participation in the tourism development process‟, International Journal of Tourism and Hospitality, 10, pp. 113-34.
Tosun, c. & Timothy, D. J. (2003). ‘Arguments for community participa tion in the tourism development process’, Journal of Tourism Studies, 14 (2).
2. Tài liệu trong nước:
Bùi Thanh Hương, Nguyễn Đức Hoa Cương. (2007). Nghiên cứu các mô hình du lịch
cộng đồng ở Việt Nam. Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, Trường Đại Học Hà Nội.
Bùi Thị Hải Yến. (2007). Quy hoạch du lịch, Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội.
Chiến Thắng. (2019). Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch cộng đồng hướng tới phát triển du lịch bền vững – Bài học cho vùng Tây Bắc mở rộng.
Đoàn Mạnh Cương. (2018). Phát triển du lịch cộng đồng góp phần xoá đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Hội thảo Chính sách phát triển Du lịch cộng đồng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Hoà Bình, 2018.
Hoàng Ngọc Minh Châu, Hồ Tiểu Bảo. (2021). Thực trạng hoạt động du lịch nông nghiệp tại Cồn Chim - Trà Vinh. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn, 5(4):1315-1322.
Hồ Tiểu Bảo, Hoàng Ngọc Minh Châu. (2021). Vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch nông nghiệp tại cồn Chim, Trà Vinh. Tạp chí khoa học đại học Thủ Dầu Một, số 4(53), 2021.
Lê Chí Công và cộng sự. (2018). Nghiên cứu ảnh hưởng của nhận thức lợi ích, chất lượng cuộc sống đến thái độ và hành vi tham gia chương trình phát triển du lịch bền vững của cộng đồng địa phương tại duyên hải miền Trung, Tạp chí KTĐN trường Đại học Ngoại thương số 99/2018.
Ngô Thị Phương Lan & Nguyễn Thị Vân Hạnh. (2020). Tiếp cận chuỗi giá trị trong nghiên cứu phát triển du lịch. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn, 4(3):408-416
Ngô Thị Phương Lan, Trần Anh Tiến, Hoàng Ngọc Minh Châu. (2020). Du lịch nông nghiệp – Từ kinh nghiệm ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến sự phát triển tại huyện Yeongdong, tỉnh Chungcheong-buk, Hàn Quốc. Sci. Tech. Dev. J. - Soc. Sci. Hum.; 4(2):365-375.
Ngô Thị Phương Lan. (2021). Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới. Đề tài cấp Nhà nước KX.01.52/16-20
Ngô Thị Thu Trang, Trần Tuyên. (2021). Phát triển Du lịch cộng đồng theo hướng bền vững tại đảo Lý Sơn, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Đại học quốc gia TP. HCM
Nguyễn Anh Tuấn. (2018). Báo cáo dẫn đề: Hội thảo Chính sách phát triển Du lịch cộng đồng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. 2018.
Nguyễn Công Thảo, Nguyễn Thị Thanh Bình. (2019). Du lịch cộng đồng trên thế giới: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 – 2019
Nguyễn Đình Hòe và Vũ Văn Hiếu. (2001). Du lịch bền vững, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Nguyễn Đoàn Hạnh Dung & Trương Thị Thu Hà. (2019). Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch tại Làng Thanh Thủy Chánh, Huế . Tạp chí khoa học Đại học Huế: Khoa học xã hội và Nhân văn, https://doi.org/10.26459/hueuni - jssh.v128i6D.5467
Nguyễn Thanh Lâm. (2018). Sự tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng của hộ gia đình tại làng văn hóa du lịch Khmer - Trà Vinh. Tạp chí công thương
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. (2016). Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch miền núi, nghiên cứu điển hình tại Sapa, Lào Cai. Luận án Tiến sĩ Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. (2016). Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch miền núi: Nghiên cứu tại Sapa, Lào Cai. Luận án Tiến sĩ trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Nguyễn Văn Đính (2021). Du lịch cộng đồng phát triển bền vững và những bài học kinh nghiệm. Tạp chí Môi trường số 10/2021.
Phạm Hồng Long. (2021). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam.
Phạm Lê Thảo. (2018). Liên kết phát triển du lịch cộng đồng. Chính sách phát triển Du lịch cộng đồng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Hoà Bình, 2018.
Phạm Trung Lương và cộng sự. (2002). Du lịch sinh thái, những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, NXB Giáo dục.
Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (2017). Luật Du lịch. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2017
Quỹ Châu Á, Viện Nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam. (2012). Tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, Hà Nội.
Tổng cục du lịch Việt Nam. (2013). Bộ công cụ du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam (Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ).
Trần Thị Mai. (2005). Du lịch Cộng đồng Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội. Trung tâm Phát triển nông thôn-Saemaul Undong. (2020). Báo cáo tổng hợp đề án xây dựng mô hình sản phẩm trải nghiệm du lịch cộng đồng trên địa bàn đảo Lớn, huyện Lý Sơn, Nhiệm vụ Khoa học cấp tỉnh.
Võ Quế. (2006). Du Lịch Cộng Đồng - Lý Thuyết Và Vận Dụng (Tập 1), NXB Khoa học và kỹ thuật.
[1] Bộ Nông nghiệp và PTNT, Báo cáo thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, số 4886/BC-BNN-VPĐP ngày 03/8/2021.
- 1Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật hợp tác xã 2012
- 4Luật Du lịch 2017
- 5Quyết định 490/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 147/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị quyết 25/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Quốc hội ban hành
- 8Quyết định 3941/QĐ-BKHCN năm 2020 công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259:2020 về Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 9Quyết định 263/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 11Quyết định 919/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 148/QĐ-TTg năm 2023 về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 703/QĐ-BNN-VPĐP năm 2024 về Tài liệu tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 703/QĐ-BNN-VPĐP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/03/2024
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Trần Thanh Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra