Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 701/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 22 tháng 5 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN  TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số: 55/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển;

Căn cứ Quyết định số: 879/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

Căn cứ Quyết định số: 880/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chương trình hành động số: 04-CTr/TU ngày 15 tháng 01 năm 2016 của Tỉnh ủy Bắc Kạn thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Căn cứ Kết luận số: 02-KL/TU ngày 22 tháng 4 năm 2016 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (khóa XI) về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ nay đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số: 46/NQ-HĐND ngày 06 tháng 11 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số: 2286/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025;

Căn cứ Thông báo số: 40-TB/BCSĐ ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung cuộc họp Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 07/02/2017;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số: 25/TTr-SCT ngày 08 tháng 5 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017 - 2020.

Điều 2. Giao Sở Công thương có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Đề án; chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 701/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Ngay từ những ngày đầu tái thành lập tỉnh, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm phát triển ngành công nghiệp và có sự định hướng tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp có lợi thế, như công nghiệp chế biến khoáng sản, nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu và phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đến nay trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bước đầu đã sản xuất được một số sản phẩm công nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế ngành công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; phát triển chậm, tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế thấp và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh về tài nguyên rừng, khoáng sản; hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh sử dụng công nghệ, dây chuyền, máy móc thiết bị chưa đồng bộ, không phù hợp và chưa chủ động trong việc vận hành sản xuất; một số dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ hoặc dừng triển khai nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; sản phẩm công nghiệp còn ít về số lượng, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp, một số sản phẩm sản xuất mới dừng lại ở dạng bán thành phẩm (ván thanh, tinh quặng,...); diện tích đất, mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn ít, hạn chế, chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để thu hút dự án đầu tư...

Từ những tồn tại trên, việc xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017 - 2020 là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở định hướng lâu dài, ổn định, thống nhất về công tác quy hoạch, quản lý, phát triển bền vững, hiệu quả trong hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2017-2020, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

2. Căn cứ xây dựng Đề án

- Luật Đầu tư năm 2014;

- Luật Doanh nghiệp năm 2014;

- Luật Đất đai năm 2013;

- Luật Khoáng sản năm 2010;

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Quyết định số: 55/2007/QĐ-TTg ngày 23/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển;

- Quyết định số: 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

- Quyết định số: 880/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số: 2146/QĐ-TTg ngày 01/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số: 11476/QĐ-BCT ngày 18/12/2014 của Bộ Công thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của Ngành Công thương thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số: 1458/QĐ-BCT ngày 29/3/2011 của Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020;

- Chương trình hành động số: 04-CTr/TU ngày 15/01/2016 của Tỉnh ủy Bắc Kạn thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020;

- Kết luận số: 02-KL/TU ngày 22 tháng 4 năm 2016 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ nay đến năm 2020;

- Nghị quyết số: 07-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020;

- Nghị quyết số: 08-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020;

- Nghị quyết số: 46/NQ-HĐND ngày 06/11/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số: 2286/QĐ-UBND ngày 09/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025;

- Quyết định số: 2325/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Kạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số: 1415/QĐ-UBND ngày 04/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2013 - 2020;

- Quyết định số: 320/QĐ-UBND ngày 25/02/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010 - 2020, có xét đến năm 2025;

- Quyết định số: 1379/QĐ-UBND ngày 10/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2011 - 2016

1. Công tác quản lý nhà nước

1.1. Về công tác Quy hoạch: Trong thời qua, công tác quy hoạch nói chung, quy hoạch liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp nói riêng của tỉnh đã được quan tâm thực hiện cơ bản đầy đủ các lĩnh vực chính có liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp - đây là cơ sở pháp lý định hướng cho phát triển ngành công nghiệp, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn thời kỳ đến năm 2020; Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 (hiện nay đang điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế); Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010 - 2020, có xét đến năm 2025; Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2013-2020; Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020; Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Bắc Kạn; Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai các quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, bất cập và chưa đồng bộ. Theo đó, một số quy hoạch hiện nay đang thực hiện điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế.

1.2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

Giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển ngành công nghiệp, từ việc xây dựng, ban hành Nghị quyết phát triển công nghiệp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X), các chương trình, kế hoạch và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý công nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Nghị Quyết số: 13-NQ/TU ngày 21/7/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số: 2123/2012/QĐ-UBND ngày 17/12/2012 Quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số: 556/2013/QĐ-UBND ngày 18/4/2013 Quy định quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số: 2117/QĐ-UBND ngày 14/12/2012 và sau đó là Quyết định số: 01/2014/QĐ-UBND ngày 10/02/2014 về quy định quản lý hoạt động tiêu thụ, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số: 07/2014/QĐ-UBND ngày 19/5/2014 về Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số: 1379/QĐ-UBND ngày 10/9/2015 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn... Qua đó, hoạt động sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2016 đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bước đầu đã hình thành, tạo tiền đề cho phát triển một số sản phẩm công nghiệp có tiềm năng, lợi thế trong thời gian tiếp theo.

2. Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2016

Mặc dù ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, cũng như kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự quyết tâm cao của các doanh nghiệp nên công nghiệp của tỉnh có bước phát triển, góp phần vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Bắc Kạn đã định hướng tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp chế biến nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng; bước đầu hình thành một số làng có nghề tiểu thủ công nghiệp chế biến nông - lâm sản như sản xuất miến dong, chế biến chè xanh, sản xuất rượu…

Cùng với việc phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thực hiện việc tái cơ cấu đối với một số dự án hoạt động không hiệu quả, cụ thể như: Dự án đầu tư cải tạo Nhà máy luyện gang Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn với công suất 40.000 tấn gang và 60.000 tấn xỉ giàu mangan/năm, Dự án đầu tư cải tạo Nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn; cải tạo nâng cấp 02 xưởng tuyển nổi chì kẽm và dây chuyền tuyển từ tinh quặng sắt - mangan của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai khoáng Bắc Kạn; thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của 02 Dự án không triển khai tại Khu Công nghiệp Thanh Bình để thu hút nhà đầu tư mới.

Một số kết quả phát triển ngành công nghiệp đã đạt được trong giai đoạn 2011 - 2016 như sau:

- Khai thác khoáng sản kim loại: Quặng chì kẽm đạt 617.294 tấn (tổng số mỏ được cấp phép khai thác: 15 mỏ, trong đó 06 mỏ không khai thác hoặc khai thác không có sản lượng và mới được cấp Giấy phép khai thác, chưa tiến hành khai thác nên chưa có sản lượng; chỉ có 09 mỏ có sản lượng khai thác); quặng sắt đạt 393.645 tấn (tổng số mỏ được cấp phép khai thác: 06 mỏ, trong đó 02 mỏ không khai thác; chỉ có 04 mỏ có sản lượng khai thác); quặng barit đạt 44.605 tấn (01 mỏ khai thác).

- Phát triển khu, cụm công nghiệp: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I với quy mô diện tích 73,5ha. Năm 2015, đã chấp thuận 06 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 2.508 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 74,7%. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện nay các dự án trong khu công nghiệp hầu như dừng sản xuất, dừng triển khai dự án đầu tư xây dựng.

Theo quy hoạch đã phê duyệt, đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh hình thành 21 cụm công nghiệp và hiện tại có hai cụm công nghiệp đã lập Quy hoạch chi tiết (Cụm Công nghiệp Pù Pết, huyện Ngân Sơn và Cụm Công nghiệp Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn) nhưng đến nay cả hai Cụm Công nghiệp này đều chưa có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Năm 2016, đã thành lập Cụm Công nghiệp Cẩm Giàng, hiện nay chủ đầu tư đang khẩn trương thực hiện quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

- Về tiểu thủ công nghiệp: Nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp thôn thôn, trong những năm trước đây tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn với một số ngành nghề như: Nghề sản xuất sản phẩm mây tre đan xuất khẩu, nghề sản xuất cốt nứa sơn mài xuất khẩu, nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, nghề sản xuất hạt gỗ làm chiếu mành, nghề sản xuất mành cọ, nghề sản xuất chổi chít, …

Các nghề tiểu thủ công nghiệp này bước đầu đã tạo ra sản phẩm hàng hóa mới sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong tỉnh và tận dụng lao động nông nhàn tại nông thôn. Tuy nhiên, do công tác quản lý sản xuất kém hiệu quả, sản phẩm có chất lượng chưa cao, thị trường tiêu thụ hạn chế nên đã không duy trì, phát triển được các ngành nghề trên.

Hiện nay, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản (miến dong, bún, phở, rượu, bánh kẹo, chế biến gỗ), gạch nung thủ công trong đó nổi bật là nghề sản xuất miến dong và nghề nấu rượu. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có làng nghề đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và được công nhận theo quy định, mặc dù nghề sản xuất miến dong tại xã Côn Minh, huyện Na Rì và nghề nấu rượu tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn có đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành làng nghề. Mặt khác, tỉnh chưa có quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nên chính quyền các huyện, thành phố chưa có định hướng, lựa chọn phát triển ngành nghề gắn với lợi thế của địa phương.

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 46 Hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; có 1.981 cơ sở kinh tế cá thể hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành nghề chủ yếu tập trung vào chế biến gỗ; chế biến dong riềng; chế biến bún, phở; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất rượu, bánh kẹo, thực phẩm… Hoạt động của các hợp tác xã và các cơ sở chế biến, chế tạo cá thể trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động địa phương, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Về phát triển điện lực: Nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cơ bản đáp ứng được nhu cầu về điện phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 03 Nhà máy thủy điện đang hoạt động ổn định, giai đoạn 2011 - 2016 đã phát được 184,5 triệu kWh chiếm tỷ lệ khoảng 28,3% lượng điện năng tiêu thụ của toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn tỉnh bình quân giai đoạn 2011 - 2016 đạt 11,15%. Năm 2016, điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 161,714 triệu kWh, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia là 96,02%. Việc phát triển hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng lộ trình cấp điện, phát triển theo hướng hiện đại ở khu vực trung tâm thành phố Bắc Kạn, tiến tới ngầm hóa toàn bộ khu vực thành phố Bắc Kạn và các trung tâm huyện đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các khu, cụm công nghiệp và các nhà máy sản xuất công nghiệp; mở rộng cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện, đáp ứng nhu cầu nhân dân và theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

- Về công tác khuyến công: Thực hiện Nghị định số: 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện được 129 đề án khuyến công (trong đó: 16 đề án khuyến công quốc gia, 113 đề án khuyến công địa phương), với tổng kinh phí thực hiện là 7,375 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia là 3,14 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 4,235 tỷ đồng.

Quỹ xúc tiến đầu tư nông, lâm nghiệp và du lịch Bắc Kạn (APIF) đã hỗ trợ cho 03 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 9,075 tỷ đồng, bao gồm: Dự án “Phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy chế biến tinh bột và sản xuất miến dong riềng Nhất Thiện” của Cơ sở sản xuất miến dong Nhất Thiện kinh phí 2,1 tỷ đồng; Dự án “Trồng, chế biến sắn và dong riềng” của Hợp tác xã Sản xuất và chế biến nông sản Đồng Tâm kinh phí 1,975 tỷ đồng; Dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột và miến dong Bắc Kạn” của Công ty Cổ phần Hồng Hà kinh phí 05 tỷ đồng.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2011 - 2016 mới chỉ đạt bình quân 0,92%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016 mới chỉ đạt bình quân 62,3 tỷ đồng/năm (tăng bình quân 11,85%/năm). Tổng sản phẩm (GRDP) ngành công nghiệp theo giá hiện hành giai đoạn 2011 - 2016 tăng trưởng 1,37%/năm.

3. Thực trạng các Dự án công nghiệp đang đầu tư xây dựng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án sản xuất công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai các hoạt động xây dựng, trong đó có 03 dự án chế biến khoáng sản, 04 dự án chế biến nông, lâm sản và 03 dự án sản xuất công nghiệp khác (sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc và thủy điện). Hầu hết các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp triển khai chậm, không đúng tiến độ thời gian đã cam kết với tỉnh, thường xuyên phải điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án nhiều lần. Thực trạng các dự án đang đầu tư xây dựng như sau:

3.1. Các dự án chế biến khoáng sản:

- Dự án nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn, công suất 30.000 tấn kẽm chì/năm, tổng mức đầu tư là 2.170 tỷ đồng tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Linh được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007, nhưng tiến độ thực hiện dự án rất chậm phải điều chỉnh cả vốn và tiến độ đầu tư (điều chỉnh các nội dung trong Giấy chứng nhận 07 lần). Sau gần 10 năm thực hiện dự án nhưng đến nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động sản xuất, theo báo cáo của Chủ đầu tư dự kiến đến tháng 7/2017 Nhà máy mới có thể hoàn thành công tác xây dựng, đưa dây chuyền thiêu kết quặng và dây chuyền xử lý thu hồi axit sunfuarric đi vào hoạt động và các hạng mục khác sẽ tiếp tục được hoàn thiện;

- Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến quặng chì, kẽm mỏ Nà Lẹng - Nà Cà, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, công suất dây chuyền tuyển nổi tinh quặng chì kẽm 150.000 tấn/năm, tại xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai khoáng Bắc Kạn được cấp Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số: 1589/QĐ-UBND ngày 05/10/2016 (tiến độ thực hiện từ quý IV/2016 đến quý IV/2017) với tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng. Hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng công trình;

- Dự án đầu tư xây dựng khu chế biến khoáng sản chì kẽm, thu hồi khoáng sản đi kèm thiếc, bạc, quặng sắt mangan, công suất dây chuyền tuyển nổi tinh quặng chì kẽm 180.000 tấn/năm, dây chuyền tuyển từ tinh quặng sắt - mangan 550.000 tấn/năm tại Mỏ chì kẽm Nà Tùm, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai khoáng Bắc Kạn được cấp Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số: 1588/QĐ-UBND ngày 05/10/2016 (tiến độ thực hiện dự án từ Quý IV/2016 đến Quý IV/2017) với tổng mức đầu tư 585 tỷ đồng. Hiện nay, chủ đầu tư đã sửa chữa nâng cấp dây chuyền chế biến quặng chì, kẽm công suất 30.000 tấn/năm và đã đưa dây chuyền vào sản xuất; đang triển khai xây dựng mới dây chuyền chế biến quặng chì, kẽm công suất 150.000 tấn/năm và chuẩn bị xây dựng dây chuyền tuyển từ tinh quặng sắt - mangan 550.000 tấn tinh quặng sắt - mangan/năm.

3.2. Các dự án về chế biến nông, lâm sản:

- Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất nguyên liệu dược Bắc Kạn, công suất 60kg thành phẩm/năm tại xã Như Cố, huyện Chợ Mới của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp K&C được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 06/8/2014 (tiến độ thực hiện dự án 26 tháng, từ tháng 8/2014 - 9/2016). Đến nay, dự án mới hoàn thành xong công tác san lấp mặt bằng và xây dựng tường, kè chắn đất. Hiện nay, Công ty đang đánh giá lại dự án để điều chỉnh tiến độ đầu tư.

- Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, công suất: 80.000m3/năm tại xã Bành Trạch, huyện Ba Bể của Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư đa phương được cấp Quyết định chủ trương đầu tư ngày 21/9/2016 (tiến độ thực hiện từ tháng 9/2016 đến tháng 7/2017 hoàn thành dự án đi vào sản xuất). Đến nay, dự án mới thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng được trên 70%, hiện chỉ còn 02 hộ dân với diện tích khoảng 1,5ha chưa thỏa thuận được đền bù giải phóng mặt bằng.

- Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến nông, lâm sản công suất 40 tấn tinh dầu quế/năm và 03 tấn tinh dầu hồi/năm tại xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn và xã Như Cố, huyện Chợ Mới của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất bê tông Bắc Kạn. Được cấp Quyết định chủ trương đầu tư ngày 04/11/2016 (tiến độ thực hiện từ Quý IV/2016 đến Quý III/2017 có thể vận hành thử nghiệm dây chuyền sản xuất tinh dầu quế tại huyện Chợ Đồn và từ Quý IV/2017 đến Quý II/2018 có thể vận hành thử nghiệm dây chuyền sản xuất tinh dầu hồi tại huyện Chợ Mới). Đến nay dự án mới thống kê xong mặt bằng xây dựng Nhà máy tại xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn; tại xã Như Cố, huyện Chợ Mới mặt bằng đã có sẵn.

- Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến lâm sản, công suất: 2.800 tấn đũa gỗ xuất khẩu/năm, 3.500m3 phôi gỗ ván ghép thanh/năm và 3.200 tấn dăm gỗ/năm tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Thành Bắc Kạn được cấp Quyết định chủ trương đầu tư 12/5/2016 (tiến độ thực hiện từ Quý III/2016 đến quý IV/2017). Đến nay, đã hoàn thành được một số hạng mục của dự án và dự kiến đến Quý III/2017 đưa dây chuyển sản xuất đũa gỗ vào vận hành, các dây chuyền sản xuất phôi gỗ ván ghép thanh và dăm gỗ sẽ được hoàn thiện đưa vào vận hành vào năm 2018.

3.3. Các dự án sản xuất công nghiệp khác:

- Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung 9999 Bắc Kạn, công suất 35 triệu viên tại phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế 9999 Bắc Kạn. Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 10/9/2014 (tiến độ thực hiện từ tháng 9/2014 - 11/2015, tổng diện tích đất sử dụng là 30.000m2) nhưng do thủ tục giao đất được cho nhà đầu tư chậm nên Dự án phải giãn tiến độ đầu tư đến tháng 7/2018.

- Dự án đầu tư xây dựng May công nghiệp giai đoạn II, công suất: 10 dây chuyền với năng lực sản xuất 800.000 sản phẩm/năm tại phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn May công nghiệp Bắc Kạn. Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cấp Quyết định chủ trương đầu tư số: 1694/QĐ-UBND ngày 21/10/2016 (tiến độ thực hiện từ Quý IV/2016 đến Quý IV/2017). Tuy nhiên, Chủ đầu tư không triển khai thực hiện theo tiến độ được duyệt, theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Văn bản số: 1550/UBND-CN ngày 13/4/2017 chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét xử lý và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định.

- Dự án thủy điện Thác Giềng 1&2 có công suất thiết kế 7,3MW tại phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Sông Đà Bắc Kạn. Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cấp Quyết định chủ trương đầu tư số: 461/QĐ-UBND ngày 11/4/2017 (tiến độ thực hiện từ Quý IV/2017 đến Quý I/2019). Hiện nay, chủ đầu tư đang trình thẩm định hồ sơ dự án theo quy định.

4. Các Dự án/nhà máy đang tạm dừng hoạt động

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 07 dự án/nhà máy sản xuất công nghiệp có quy mô (06 nhà máy chế biến khoáng sản và 01 nhà máy chế biến lâm sản) đã hoàn thành công tác xây dựng, đi vào sản xuất. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của các Nhà máy trên thường không ổn định, thiếu hiệu quả, hiện nay một số dự án/nhà máy vẫn đang tạm dừng hoạt động, chỉ có 02 dự án/nhà máy mới đưa vào hoạt động sản xuất trở lại, cụ thể các dự án/nhà máy như sau:

- Nhà máy luyện chì, công suất 5.000 tấn chì kim loại/năm tại xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn được đầu tư cải tạo năm 2015, đến tháng 9/2015 chính thức đưa nhà máy vào vận hành sản xuất ra sản phẩm chì kim loại. Từ tháng 9/2015 đến hết tháng 3/2016, Nhà máy sản xuất được 2.320 tấn chì kim loại; từ tháng 4/2016 Nhà máy dừng sản xuất do Công ty chưa chủ động trong việc vận hành nhà máy khi không được sử dụng chuyên gia người nước ngoài (do Nhà máy nằm trong khu vực CT229).

- Nhà máy tuyển luyện chì công suất 5.000 tấn/năm tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn của Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico được xây dựng năm 2011 đến tháng 6/2012 hoàn thành và đưa vào sản xuất. Từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2013 sản xuất được 2.810 tấn chì kim loại, từ năm 2014 đến nay Nhà máy dừng hoạt động sản xuất do thiếu nguyên liệu và thiết bị, công nghệ không phù hợp phải cải tạo, sửa chữa lại.

- Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn, công suất 100.000 tấn sắt xốp/năm tại Khu Công nghiệp Thanh Bình của Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ được xây dựng từ năm 2010, chuyển giao công nghệ vào năm 2012 đến năm 2013 nhà máy vận hành sản xuất thử, Quý III/2013 Nhà máy chính thức đi vào hoạt động sản xuất với 1/3 môđun, đến năm 2015 Nhà máy sản xuất được tổng số 28.661,5 tấn sản phẩm sắt xốp. Từ năm 2016 đến nay, Nhà máy dừng sản xuất do chi phí sản xuất cao hơn giá thành sản phẩm.

- Nhà máy chế biến Canxi cacbonat công suất 54.000 tấn sản phẩm/năm tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông của Công ty Cổ phần Phiabjoóc được xây dựng từ năm 2009, đến tháng 6/2013 nhà máy đi vào hoạt động sản xuất, từ tháng 5/2015 đến nay Nhà máy dừng hoạt động sản xuất do: Khó khăn trong công tác vận chuyển nguyên liệu từ mỏ đá trắng Nà Hai, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể đến Nhà máy; nội bộ Công ty có sự thay đổi Hội đồng thành viên góp vốn và chưa thực hiện cơ cấu lại tổ chức nhân sự.

- Nhà máy chế biến gỗ SAHABAK tại Khu Công nghiệp Thanh Bình công suất 3.000m3 sản phẩm/năm của Công ty Cổ phần SAHABAK được đầu tư xây dựng từ năm 2009, đến năm 2012 chính thức đi vào hoạt động. Đến năm 2013 sản xuất đạt công suất thiết kế, từ năm 2014 đến nay Nhà máy bắt đầu giảm về số lượng và doanh thu, sản xuất bị thu hẹp. Hiện nay, Nhà máy đang dừng sản xuất do bộ máy quản trị Công ty hoạt động chưa hiệu quả; không huy động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất, thị trường ván ghép thanh bị thu hẹp, khó cạnh tranh, sản xuất không hiệu quả.

- Xưởng tận thu, chế biến kim loại công suất 1.500 tấn chì/năm tại xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn của Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc được xây dựng từ năm 2009 đến năm 2012 xưởng đi vào sản xuất với dây chuyền nghiền tuyển thu được 576,4 tấn bột chì; năm 2013 tuyển được 95 tấn tinh bột chì; năm 2014 tuyển được 200 tấn tinh bột chì. Từ năm 2015, xưởng dừng hoạt động do khó khăn về đường vận chuyển nguyên liệu, không có đủ nguyên liệu sản xuất và giá bán tinh bột chì thấp hơn chi phí sản xuất. Ngày 20 tháng 4 năm 2017, Xưởng tận thu, chế biến kim loại đã tiếp tục hoạt động sản xuất trở lại.

- Nhà máy luyện gang Bắc Kạn công suất 40.000 tấn gang và 60.000 tấn xỉ giàu mangan/năm tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông của Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn được tái cơ cấu từ tháng 01/2015, đến cuối tháng 02/2016 Nhà máy đi vào hoạt động sản xuất. Năm 2016, sản xuất được 14.730 tấn gang thỏi, 13.645 tấn xỉ giầu mangan, 1.000 tấn bột kẽm và 40 tấn chì thỏi và từ tháng 12/2016 Nhà máy dừng hoạt động sản xuất do Nhà máy phải cải tạo một số thiết bị để phù hợp với sử dụng nguyên liệu quặng sắt - mangan nghèo có thành phần silic cao và đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Ngày 27 tháng 4 năm 2017, Nhà máy luyện gang Bắc Kạn đã vận hành hoạt động sản xuất trở lại.

5. Tồn tại, hạn chế

- Quy hoạch, định hướng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh còn hạn chế; việc rà soát điều chỉnh quy hoạch chưa được thực hiện thường xuyên, còn mang tính định kỳ; việc xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch hiện chưa sát với tình hình thực tế; chưa đánh giá cụ thể lợi thế so sánh phát triển chưa nghiên cứu kỹ các điều kiện tự nhiên, tiềm năng cũng như khả năng, nguồn lực của Doanh nghiệp, của địa phương để có những giải pháp thực hiện phù hợp;

- Trong cơ cấu ngành công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản cao, công nghiệp chế biến nông - lâm sản còn thấp, chưa tận dụng được tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh;

- Năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ mới của đa số các doanh nghiệp công nghiệp còn rất hạn chế; quy mô nhỏ, manh mún thiếu tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến sản xuất sản phẩm còn đơn điệu, chưa tạo được chuỗi sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao;

- Hầu hết các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp triển khai chậm tiến độ, hoạt động không hiệu quả ảnh hưởng lớn đến công tác hoạch định phát triển công nghiệp của tỉnh như: Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn, Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn...; nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế;

- Một số chủ đầu tư chưa thực sự quyết tâm với mục tiêu đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản để sản xuất ra sản phẩm kim loại có giá trị kinh tế cao, đến thời điểm hiện nay mới chỉ dừng lại xây dựng dự án để làm cơ sở xin cấp mỏ khoáng sản;

- Chưa đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp tại các khu vực có nguồn nguyên liệu để kêu gọi đầu tư; các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư trong Khu công nghiệp Thanh Bình hoạt động không hiệu quả, nợ thuế phí hoặc đầu tư xây dựng dở dang đã chấm dứt đầu tư dự án, trong khi chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm tài sản trên đất nên lãng phí, không có mặt bằng để thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp khác; hạ tầng kỹ thuật phục vụ công nghiệp như đường giao thông, điện lưới mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như giá thành sản phẩm.

6. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

6.1. Nguyên nhân khách quan:

- Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; giá xăng dầu, điện, vật tư, nguyên liệu đầu vào, thuế, phí… tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp;

- Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước. Đồng thời sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh trong nước;

- Một số chính sách và thủ tục đầu tư chưa đồng bộ và thay đổi nhanh, có sự chồng chéo giữa hệ thống pháp luật đầu tư, luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành. Chính sách ưu đãi đầu tư còn nhiều bất cập và không thống nhất giữa pháp luật đầu tư với pháp luật về thuế, đất đai,...;

- Việc thực hiện quy định mới của nhà nước để đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp phải sử dụng chuyên gia nước ngoài để vận hành dây chuyền sản xuất;

- Hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực của tỉnh đã có bước phát triển nhưng chưa đảm bảo phục vụ, đáp ứng cho phát triển công nghiệp.

6.2. Nguyên nhân chủ quan:

- Chất lượng công tác tham mưu về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa cao, chưa có tầm chiến lược; việc định hướng phát triển chưa phù hợp với điều kiện thực tế;

- Việc chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp của các cấp, các ngành chưa quyết liệt; thủ tục hành chính tuy đã được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển;

- Cơ chế chính sách thu hút đầu tư giai đoạn trước định hướng chưa rõ ràng, coi trọng số lượng dự án và số vốn đăng ký đầu tư mà chưa chú trọng đến chất lượng dự án. Công tác thu hút đầu tư giai đoạn trước còn thiếu định hướng về quy hoạch và ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư;

- Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, phát hiện xử lý vi phạm theo quy định sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời dẫn đến một số dự án sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng khó khăn trong việc xử lý tài sản trên đất (Dự án Nhà máy xi măng Bắc Kạn, Dự án khu liên hợp gang thép Bắc Kạn trong Khu Công nghiệp Thanh Bình...);

- Cơ chế phối hợp tham mưu giữa các Sở, Ngành của tỉnh và giữa các cơ quan của tỉnh với cơ quan chức năng ở địa phương tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả;

- Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động qua đào tạo tại các trường dạy nghề của tỉnh tỷ lệ còn thấp;

- Công tác xúc tiến đầu tư, thẩm định năng lực nhà đầu tư còn hạn chế, nhất là ở lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; công tác trao đổi thông tin về tình hình đầu tư chưa được chú trọng dẫn đến sự phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư chưa kịp thời;

- Nguồn lực hỗ trợ phát triển công nghiệp còn hạn chế trong khi yêu cầu vốn phát triển hạ tầng kỹ thuật là rất lớn; một số chính sách hỗ trợ hiện hành chưa phát huy hiệu quả;

- Một số nhà đầu tư chưa thực sự đầu tư theo mục tiêu sản xuất ra sản phẩm, có dấu hiệu lập dự án đầu tư vì mục đích vay vốn ngân hàng, huy động vốn, giữ đất... hoặc xin cấp mỏ khoáng sản. Trong khi thiếu công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và xử lý vi phạm về công tác đầu tư của cơ quan chức năng.

- Một số nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất chưa phù hợp với nguồn nguyên liệu hoặc gây ô nhiễm môi trường; công tác quản trị doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến hoạt động sản xuất không hiệu quả như: Nhà máy/xưởng luyện chì kim loại của Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico; Nhà máy luyện gang Bắc Kạn.

- Việc cấp Giấy phép khai thác một số mỏ khoáng sản (theo quy định của Luật Khoáng sản năm 1996, Luật Sửa đổi bổ sung năm 2005) chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng, dẫn đến hoạt động khai thác khoáng sản không hiệu quả. Trong khi chủ đầu tư chế biến khoáng sản thiếu tính liên kết, chưa phối hợp với các đơn vị khai thác khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh để hợp tác, tiêu thụ, chế biến sản phẩm khoáng sản. Đặc biệt chủ đầu tư các nhà máy luyện kim không làm chủ được công nghệ sản xuất, dẫn đến phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài để vận hành nhà máy nên sản xuất không ổn định.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung:

Phát triển công nghiệp một cách bền vững, phấn đấu đến năm 2020 công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển của vùng kinh tế các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Tập trung phát triển, nâng cao giá trị của ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, yêu cầu khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn, từng bước phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 (theo giá so sánh năm 2010) bình quân đạt 11%/năm. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2017 đạt 1.050 tỷ đồng, năm 2018 đạt 1.160 tỷ đồng, năm 2019 đạt 1.285 tỷ đồng, năm 2020 đạt 1.450 tỷ đồng. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ 20%.

- Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phấn đấu tăng bình quân trên 12%/năm (phấn đấu thu ngân sách nhà nước từ hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2017: 70 tỷ đồng, năm 2018: 80 tỷ đồng, năm 2019: 95 tỷ đồng, năm 2020: 110 tỷ đồng).

- Phấn đấu hoàn chỉnh đầu tư hạ tầng 02 cụm công nghiệp theo quy hoạch để có mặt bằng thu hút các dự án công nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp.

- Phát triển nguồn và lưới điện đồng bộ với nhu cầu phát triển phụ tải công nghiệp và quy hoạch chung; phấn đấu đến năm 2020 có trên 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

- Tập trung xây dựng một số làng nghề có sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhằm giữ thương hiệu và mở rộng phát triển sản xuất.

2. Nhiệm vụ

- Rà soát các dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai, chậm tiến độ, dừng hoạt động, không hiệu quả để có giải pháp xử lý dứt điểm.

- Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động tiếp tục ổn định sản xuất theo công suất thiết kế; tiếp tục rà soát các dự án công nghiệp đã đầu tư hoàn thành nhưng đang tạm dừng sản xuất có giải pháp đưa nhà máy đi vào hoạt động trở lại trong năm 2017; đôn đốc, xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ; xử lý dứt điểm tài sản trên đất của các dự án đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

- Đánh giá, điều chỉnh bổ sung kịp thời các quy hoạch liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp để định hướng cho phát triển công nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2017 - 2020 (theo giá so sánh năm 2010) bình quân đạt 11%/năm.

- Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước…) để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp.

- Xây dựng, phát triển, quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến; hỗ trợ nâng cao chất lượng, mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục các dự án sản xuất công nghiệp có tiềm năng, lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhất là trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng để kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh.

3. Giải pháp phát triển công nghiệp giai đoạn 2017 - 2020

2.1. Tập trung chỉ đạo các Sở, Ngành, địa phương và đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng và điều kiện phát triển như: Chế biến nông, lâm sản (ván ghép thanh, gỗ ván dán, miến dong, chè xanh, chế biến rau quả, sản xuất rượu - nước giải khát); sản xuất kim loại (kim loại màu, sắt xốp, gang, feromangan…); sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung, khai thác - chế biến đá ốp lát). Trong đó, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án chế biến sản phẩm dong riềng, hồng không hạt, cam, quýt với công nghệ tiên tiến, đáp ứng về số lượng, chất lượng và mẫu mã sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

2.2. Đối với các quy hoạch ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động công nghiệp: Khẩn trương hoàn thành dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo quản lý, hoạch định các chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 -2025, có xét đến năm 2035; phát triển và đầu tư kịp thời hệ thống điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải công nghiệp, trước mắt là hệ thống điện ổn định phục vụ Khu Công nghiệp Thanh Bình; đáp ứng cấp điện cho các dự án sản xuất theo tiến độ của nhà đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số: 3009/QĐ-BCT ngày 10/5/2013 và huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số: 11740/QĐ-BCT ngày 29/10/2015 của Bộ Công thương để đến năm 2020, tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt trên 98%.

2.3. Tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trên cơ sở Danh mục dự án công nghiệp ưu tiên thu hút đầu tư năm 2016, định hướng đến năm 2025 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số: 1274/QĐ-UBND ngày 11/8/2016; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao khả năng tiếp thị của doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện tốt các Chương trình xúc tiến thương mại theo Quyết định số: 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm tập trung thực hiện các đề án: Tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, bạn hàng, hợp tác kinh doanh, bao tiêu sản phẩm và mở rộng thị trường; thực hiện các Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; đào tạo, tập huấn ngắn hạn về kỹ năng kinh doanh, quản trị kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ, kỹ năng phát triển thị trường trong nước; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho miền núi, vùng sâu, vùng xa.

2.4. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các dự án công nghiệp đang đầu tư xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành theo đúng tiến độ đã cam kết; thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ đầu tư và xử lý kịp thời các vấn đề có liên quan theo quy định. Kiên quyết không gia hạn giãn tiến độ đầu tư quá 24 tháng; thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất, không bồi thường tài sản trên đất mà chủ đầu tư không có giải pháp triển khai dự án đem lại hiệu quả kinh tế xã hội.

2.5. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các nhà máy đang tạm dừng sản xuất khẩn trương hoạt động trở lại, cụ thể như sau:

- Nhà máy luyện chì Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn: Yêu cầu khẩn trương có phương án khắc phục về chuyên gia vận hành dây chuyền sản xuất và cam kết với tỉnh thời gian cụ thể đưa Nhà máy hoạt động sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất.

- Nhà máy tuyển luyện chì của Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico: Yêu cầu Công ty khẩn trương cải tạo, sửa chữa lại nhà máy và chủ động liên danh, liên kết với các đối tác để cung cấp nguyên liệu, và cam kết với tỉnh thời gian cụ thể đưa Nhà máy hoạt động sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất;

- Nhà máy sản xuất sắt xốp Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ: Yêu cầu Công ty khẩn trương chuẩn bị các điều kiện sản xuất để sớm đưa nhà máy hoạt động trở lại và cam kết với tỉnh thời gian cụ thể đưa Nhà máy hoạt động sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất.

- Nhà máy chế biến Canxi cacbonat của Công ty Cổ phần Phiabjooc: Yêu cầu Công ty khẩn trương tái cơ cấu tổ chức và hoàn thiện phương án tái cơ cấu sản phẩm và cam kết với tỉnh thời gian cụ thể đưa Nhà máy hoạt động sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất.

- Nhà máy sản xuất ván thanh và MDF của Công ty Cổ phần SAHABAK: Yêu cầu Công ty khẩn trương tái cơ cấu tổ chức và triển khai thực hiện đúng mục tiêu đầu tư để ổn định sản xuất.

2.6. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật:

- Tập trung huy động các nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng hạ tầng một số cụm công nghiệp trong giai đoạn đến năm 2020 để có mặt bằng thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp.

- Chủ động đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải xem xét trình Chính phủ bổ sung Dự án đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn vào Quy hoạch phát triển đường cao tốc giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư Dự án đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn; đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ nhất là tuyến quốc lộ 3B, 3C khu vực huyện Chợ Đồn - nơi có nhiều mỏ khoáng sản và các nhà máy sản xuất công nghiệp đang hoạt động sản xuất. Đầu tư xây dựng, cải tạo các tuyến đường lâm nghiệp để thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển lâm sản cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.

2.7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông” trong cơ quan hành chính các cấp và các Sở, Ngành chức năng. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và làm tốt công tác hệ thống hóa văn bản pháp lý, về hồ sơ thủ tục đất đai, hồ sơ đăng ký đầu tư, hồ sơ đăng ký kinh doanh,... thường xuyên rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp nhằm đơn giản hóa quy trình và thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

2.8. Vận dụng tối đa cơ chế chính sách của nhà nước về ưu đãi đầu tư để thực hiện hiệu quả khuyến khích thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2.9. Tiếp tục củng cố, tổ chức lại và phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển bền vững kinh tế tập thể.

2.10. Trên cơ sở các làng có nghề hiện có như: Miến dong Côn Minh, rượu Bằng Phúc, dệt thổ cẩm... tập trung xây dựng, hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí để công nhận làng nghề theo quy định hiện hành.

2.11. Tổ chức hợp lý giữa quy hoạch, cấp vùng nguyên liệu với các nhà máy, cơ sở chế biến đảm bảo về cơ bản các sản phẩm đều được chế biến tạo ra giá trị gia tăng tại địa bàn tỉnh:

Đối với khai thác và chế biến khoáng sản, thực hiện tốt nguyên tắc các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải là vùng nguyên liệu của các Nhà máy chế biến trong tỉnh. Việc cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản phải gắn với thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường và phù hợp với vùng nguyên liệu cung cấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh (trừ khoáng sản vàng, đồng).

Đối với chế biến nông, lâm sản, thực hiện công tác quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến, có các biện pháp hỗ trợ cơ sở chế biến gắn kết với người nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo giá bán hợp lý, ngăn chặn hiện tượng tranh mua, tranh bán trên địa bàn.

2.12. Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án khuyến công theo quy định; quan tâm xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng điểm, có sự bứt phá và có bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển của Ngành Công thương; hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở công nghiệp nông thôn kết nối thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng giữ gìn và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đã được cấp, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm hàng hóa.

2.13. Nâng cao năng lực thẩm tra, thẩm định để lựa chọn, chấp thuận dự án/nhà đầu tư có tính khả thi cao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời cương quyết xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ thực hiện theo tiến độ được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận tại Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

2.14. Xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động tiêu thụ, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

2.15. Nâng cao, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công thương

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đánh giá cụ thể tình hình thực hiện các quy hoạch ngành do Sở tham mưu đang thực hiện trong giai đoạn hiện nay; tham mưu điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan lập Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án công nghiệp mà tỉnh có tiềm năng, điều kiện phát triển, đặc biệt đối với các dự án chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và vật liệu xây dựng (trong đó, cụ thể một số thông tin, như: Dự kiến công suất, địa điểm đầu tư, vùng nguyên liệu, lao động, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh...) để kêu gọi đầu tư.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ và hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp về thiết kế, lựa chọn bao bì, nhãn mác bảo đảm về tiêu chuẩn, hình thức mẫu mã; huy động các nguồn lực để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, mô hình sản xuất hiện đại, tiên tiến trong công tác chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, đồ uống và sản xuất vật liệu xây dựng.

- Hàng tháng, báo tiến độ sản xuất công nghiệp của các đơn vị, giá trị tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực Bắc Kạn đảm bảo việc cấp điện liên tục cho các nhà máy sản xuất công nghiệp, đặc biệt các dự án luyện kim và cung cấp điện cho khu công nghiệp.

- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Đề án, chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động tiêu thụ, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các Sở, Ngành, địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tiêu thụ, vận chuyển khoáng sản, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc tiêu thụ, vận chuyển khoáng sản.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu về công tác nâng cao năng lực thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư và tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư để đảm bảo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và lựa chọn được dự án đầu tư có tính khả thi cao, hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư nhưng chậm tiến độ đầu tư hoặc đã đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả, tạm dừng sản xuất và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiên quyết xử lý dứt điểm theo quy định.

- Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào tỉnh.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tham mưu trong việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản chì kẽm, sắt, sắt - mangan theo hướng để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (ngay từ khâu lập hồ sơ thăm dò, khai thác khoáng sản).

- Rà soát đánh giá lại trữ lượng khoáng sản của tỉnh để có cơ sở định hướng phát triển công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Môi trường các dự án công nghiệp và chế biến khoáng sản được đánh giá và kiểm soát chặt chẽ.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giải quyết các tồn tại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án công nghiệp đã được chấp thuận đầu tư.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về thu hồi, giao đất cho các nhà đầu tư; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, phát triển quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương nghiên cứu tham mưu về tài liệu hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất đồ uống thực hiện công tác bảo vệ môi trường phù hợp, hiệu quả và đúng quy định.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Căn cứ Quy hoạch 03 loại rừng, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức đẩy mạnh phát triển rừng để tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ.

- Căn cứ Quy hoạch vùng nguyên liệu dong riềng, hướng dẫn việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa các hộ dân với các cơ sở, doanh nghiệp chế biến.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải rà soát, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng đường lâm nghiệp phục vụ công tác khai thác, vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển một số làng nghề, như: Làng nghề sản xuất rượu, làng nghề sản xuất miến dong, làng nghề dệt thổ cẩm...

5. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện hoàn thiện sản phẩm đảm bảo hợp chuẩn, hợp quy theo quy định.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm vật liệu xây dựng mà tỉnh có tiềm năng về nguyên liệu, lợi thế so sánh; chú trọng phát triển sản xuất vật liệu xây không nung đáp ứng nhu cầu thị trường, kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công theo đúng lộ trình quy định.

6. Sở Giao thông Vận tải

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải xem xét trình Chính phủ bổ sung Dự án đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn vào Quy hoạch phát triển đường cao tốc giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư Dự án đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ nhất là tuyến quốc lộ 3B, 3C khu vực huyện Chợ Đồn (nơi có nhiều mỏ khoáng sản và các nhà máy sản xuất công nghiệp đang hoạt động sản xuất) từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý xe ô tô vận tải đúng tải trọng cho phép tham gia giao thông để tránh việc làm hỏng đường giao thông.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

- Hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển giao công nghệ thực hiện đúng theo quy định của nhà nước; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo quy định.

- Chủ trì phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, các biện pháp quản lý thương hiệu, đăng ký bảo hộ sản phẩm theo quy định.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan liên quan tham mưu, thực hiện mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động phục vụ cho các nhà máy, dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Tài chính

Chủ trì thẩm định dự toán của các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối kinh phí để thực hiện Đề án.

10. Cục Thuế tỉnh

Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, phí liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Đồng thời có giải pháp tốt nhất để đảm bảo thu đúng, thu đủ theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

11. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công tác đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II; tham mưu đề xuất đấu giá giai đoạn II Khu Công nghiệp Thanh Bình.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân sớm giải quyết dứt điểm thu hồi đất đã giao cho các chủ đầu tư thuê để thực hiện dự án đầu tư nhưng không thực hiện dự án đầu tư đúng tiến độ, không còn đủ năng lực triển khai dự án đầu tư tại Khu Công nghiệp Thanh Bình để tránh lãng phí mặt bằng Khu Công nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiềm năng khác có nhu cầu sử dụng mặt bằng để triển khai dự án có tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

- Chủ động đôn đốc các chủ đầu tư sớm đưa các Nhà máy trong Khu Công nghiệp Thanh Bình hiện đang tạm dừng sản xuất hoạt động trở lại.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chủ động trong việc tuyên truyền, vận động công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định để sớm giao đất cho các dự án sản xuất công nghiệp đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

- Tập trung học hỏi các mô hình để phát triển tiểu thủ công nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã trên cơ sở điều kiện tiềm năng của địa phương.

13. Chủ đầu tư dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh

- Chủ động có các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư;

- Định kỳ hàng tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể tiến độ triển khai thực hiện dự án trước ngày 25 hằng tháng (thông qua Sở Công thương để tổng hợp);

- Cam kết với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện đúng tiến độ dự án đầu tư.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ngành, đơn vị theo nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện Đề án. Định kỳ vào ngày 15/6 và ngày 15/12 hằng năm, các Sở, Ban, Ngành, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

KẾ HOẠCH, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2017 - 2020”

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 701/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

STT

Nội dung nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

Kinh phí thực hiện

Ghi chú

1

Điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Sở Công thương

- Các Sở: Tài chính,Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư...;

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018

Ngân sách nhà nước

Đang triển khai

2

Hoàn thiện, công bố Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2025 có xét đến năm 2035 - Hợp phần I: Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110KV

Sở Công thương

- Các Sở, Ban, Ngành;

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Năm 2017

Ngân sách nhà nước

Đang triển khai

3

Lập mới (hoặc điều chỉnh, bổ sung) quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (trừ khoáng sản làm VLXDTT) thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường

- Các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch...;

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Từ năm 2018

Ngân sách nhà nước

 

4

Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ

Sở Công thương

Các Sở, Ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước...;

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Năm 2017

Ngân sách nhà nước

 

5

Rà soát, đánh giá các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, cấp GCNĐT nhưng không thực hiện, chậm tiến độ, không hiệu quả hoặc dừng hoạt động

Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Các Sở, Ngành: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Cục Thuế.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Năm 2017

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

6

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2017-2020

Sở Nội vụ

- Các Sở, Ban, Ngành, địa phương;

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.

2017-2020

Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp

 

7

Xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước…) đáp ứng nhu cầu cấp thiết để phát triển công nghiệp

Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Các Sở, Ngành: Giao thông Vận tải; Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

2017-2020

Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp

 

8

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án công nghiệp mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế so sánh để kêu gọi đầu tư

Sở Công Thương

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Quý II/2018

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

9

Nâng cao năng lực thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư và tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở, Ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế tỉnh.

Quý IV/2017

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

10

Tham mưu trong việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản chì kẽm, sắt, sắt - mangan theo hướng để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp

Từ Quý IV/2017

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

11

Tham mưu giải quyết các tồn tại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án công nghiệp đã được chấp thuận đầu tư.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Thường xuyên

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

12

Cải cách thủ tục hành chính về thu hồi, giao đất cho các nhà đầu tư; phát triển quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Thường xuyên

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

13

Xây dựng tài liệu hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất đồ uống thực hiện công tác bảo vệ môi trường phù hợp, hiệu quả và đúng quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương.

Quý IV/2017

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

14

Căn cứ Quy hoạch vùng nguyên liệu dong riềng, hướng dẫn việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa các hộ dân với các cơ sở, doanh nghiệp chế biến.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Công thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Từ Quý III/2017

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

15

Xây dựng phương án huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng đường lâm nghiệp phục vụ công tác khai thác, vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Giao thông Vận tải.

Quý IV/2017

Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác

 

16

Thành lập một số làng nghề: Sản xuất rượu, sản xuất miến dong, dệt thổ cẩm...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Công thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

2017-2020

Ngân sách nhà nước

 

27

Hướng dẫn, định hướng, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện hoàn thiện sản phẩm đảm bảo hợp chuẩn, hợp quy theo quy định.

Sở Xây dựng

Sở Công thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Từ Quý II/2017

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

18

Lập mới (hoặc điều chỉnh, bổ sung) Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Sở Xây dựng

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Quý IV/2017

Ngân sách nhà nước

Đang triển khai

19

Tham mưu cho UBND tỉnh về việc phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm vật liệu xây dựng mà tỉnh có tiềm năng về nguyên liệu, lợi thế so sánh; chú trọng phát triển sản xuất vật liệu xây không nung đáp ứng nhu cầu thị trường, kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công theo đúng lộ trình quy định.

Sở Xây dựng

Sở Công thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Quý IV/2017

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

20

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải xem xét trình Chính phủ bổ sung Dự án đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn vào Quy hoạch phát triển đường cao tốc giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ nhất là tuyến quốc lộ 3B, 3C khu vực huyện Chợ Đồn nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh.

Sở Giao thông Vận tải

Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Từ Quý II/2017

Vốn BOT; các nguồn vốn hợp pháp khác

 

21

Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ theo quy định.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Tài chính, Sở Công thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Từ Quý III/2017

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

22

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết việc thu hồi đất đã giao cho các chủ đầu tư thuê để thực hiện dự án đầu tư nhưng không thực hiện dự án đầu tư đúng tiến độ, không còn đủ năng lực triển khai dự án đầu tư tại Khu Công nghiệp Thanh Bình

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Công thương.

Từ Quý III/2017

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

23

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết việc thu hồi đất đã giao cho các chủ đầu tư thuê (ngoài Khu Công nghiệp Thanh Bình) để thực hiện dự án đầu tư nhưng không thực hiện dự án, đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Công thương.

Từ Quý III/2017

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị

 

24

Xây dựng các chính sách liên quan đến mức thu thuế, tiền thuế doanh nghiệp.

Cục Thuế tỉnh

Các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Quý IV/2017

Ngân sách nhà nước

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 701/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Lý Thái Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản