Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 700-QĐ

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 1970

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN CẦU LONG BIÊN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 120-CP ngày 12/8/1963 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ quy định phạm vi giới hạn đường sắt và trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt;
Xét yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải cầu Long Biên hiện nay;
Theo đề nghị của các ông Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt, Cục trưởng Cục quản lý đường bộ, sau khi đã trao đổi với cơ quan công an;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tất cả các loại xe, bất luận là của cơ quan nào, ngành nào, và tất cả những người đi bộ qua lại hai bên đường bộ trên cầu Long Biên, kể cả cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ tu sửa, bảo vệ cầu đều phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ trật tự, an toàn giao thông vận tải trên cầu.

Điều 2. Các loại xe và người đi bộ khi qua cầu phải triệt để tuân theo biển báo, hiệu lệnh và sự hướng dẫn của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát nhân dân và cán bộ, nhân viên giao thông có trách nhiệm bảo vệ cầu.

Điều 3. Cấm các loại xe dưới đây không được qua cầu cho đến khi có lệnh mới:

a) Các loại xe ô tô có trọng tải trên 8 tấn (kể cả xe và hàng hóa hoặc hành khác trên xe);

b) Xe ôtô có kéo theo moóc hoặc kéo xe hỏng máy;

c) Xe máy kéo có kéo từ hai moóc trở lên;

d) Các loại xe lu;

đ) Các xe có chiều cao trên 3m20, phủ bì thùng xe rộng trên 2m70 và phủ bì các bánh xe ngoài cùng rộng trên 2m40;

e) Tất cả các xe tuy không vượt quá trọng tải quy định nhưng không đi lọt qua được khung giới hạn (gabarit) đặt ở hai đầu đường vào cầu.

Điều 4. Các loại xe có bánh xích nói chung đều không được qua cầu. Trừ trường hợp đặc biệt đối với loại xe có bánh xích trọng tải không quá 8 tấn khi cần thiết qua cầu thì phải có giấy phép của ông Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt cấp.

Điều 5. Các xe ô tô không được chạy quá tốc độ 10 kilômét/giờ và phải đi cách nhau ít nhất 15 mét.

Điều 6. Hàng hóa xếp trên xe ô tô không được để chờm ra hai bên thùng xe hoặc xếp vượt quá chiều cao quy định. Các hàng hóa cồng kềnh không được xếp thỏ ra khỏi phía sau thùng xe quá 2 mét hoặc để hàng kéo lê trên mặt cầu.

Điều 7. Những người cưỡi ngựa và các xe thô sơ (xe xích lô, xe bò, xe ngựa, xe ba gác, xe đạp thồ), các đàn gia súc vật chỉ được qua cầu vào ban đêm từ 24 giờ đến 3 giờ sáng.

Điều 8. Ban ngày từ 5 giờ 30 đến 18 giờ người đi bộ, đi xe đạp không được vượt qua cầu cho đến khi có lệnh mới.

Điều 9. Khối lượng hàng hóa, vật liệu của người gồng gánh khi qua cầu phải bảo đảm chiều ngang không rộng quá 70cm.

Người đi bộ không được đi xuống mặt cầu dành cho ô tô.

Người đi xe đạp qua cầu không được đèo hàng nặng quá 50kg hoặc xếp chờm ra hai bên xe quá 40cm. Khi đi trên cầu, đến chỗ tránh, người đi xe đạp phải tránh nhường đường cho xe ô tô đi trước, và khi lên xuống dốc ở hai đầu cầu phải xuống dắt xe cho đến khi hết dốc.

Điều 10. Những người điền khiển xe cơ giới, xe thô sơ trước khi qua cầu phải kiểm tra lại phương tiện vận tải của mình và hàng hóa trên xe, không để xe chết máy, hư hỏng ở trên cầu, không để hàng hóa rơi vãi làm trở ngại giao thông.

Điều 11. Trong khi làm nhiệm vụ, đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng cầu không được để dụng cụ, vật liệu bừa bãi làm cản trở giao thông trên cầu, đồng thời phải có tổ chức báo hiệu an toàn.

Điều 12. Tổng cục đường sắt có trách nhiệm tăng cường lực lượng tuần tra trên cầu, bảo đảm thường xuyên có người tuần tra liên tục ngày đêm ở cả phần đường sắt và phần đường bộ để kịp thời phát hiện sửa chữa những hư hỏng bất thường xẩy ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giao thông trên cầu.

Phải quy định cụ thể chế độ làm việc và trách nhiệm của bộ phận tuần tra cầu.

Trong giờ làm việc, các nhân viên tuần tra cần phải luôn có mặt trên cầu trong phạm vi phần cầu mình phụ trách. Khi hết phiên vụ phải bàn giao nhiệm vụ, ký sổ giao ca rành mạch.

Điều 13. Cá nhân hay tổ chức vi phạm những quy định trên đây sẽ bị thi hành kỷ luật hoặc bị xử phạt, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy tố trước toà án nhân dân theo pháp luật hiện hành của Nhà nước. Đối với trường hợp để xe chết máy trên cầu ngoài việc bị xử phạt còn phải chịu phí tổn về việc kéo đẩy xe để bảo đảm giao thông thông suốt.

Điều 14. Tổng cục đường sắt trích những điểm cần thiết trong quyết định này niêm yết rõ ràng ở hai bên đầu đường vào cầu để mọi người biết và chấp hành.

Điều 15. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 16. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt, Cục trưởng Cục quản lý đường bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Tường Lân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 700-QĐ năm 1970 về trật tự, an toàn giao thông trên cầu Long Biên do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 700-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/03/1970
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Tường Lân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản