Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 697/QĐ | Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 1991 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 418/HĐBT ngày 7-12-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 196-HĐBT ngày 11-12-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy chế "Trường dạy nghề tư thục"
Điều 2: Bản quy chế này được thi hành thống nhất trong cả nước kể từ ngày ký quyết định.
Điều 3: Các đồng chí: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề và các Vụ liên quan, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng trường dạy nghề tư thục có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Trần Chí Đạo (Đã ký) |
Điều 1: trường dạy nghề tư thục là đơn vị cơ sở của ngành Giáo dục và đào tạo. Mọi hoạt động giáo dục, đào tạo nghề của trường phải tuân thủ theo những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và pháp luật Nhà nước.
Điều 2: Trường dạy nghề tư thục có nhiệm vụ đào tạo nghề và bồi dưỡng những nghề mà trường có đủ các điều kiện về quản lý giáo dục, cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giáo viên đáp ứng cho yêu cầu đào tạo bồi dưỡng.
Điều 3: Trường dạy nghề tư thục được tổ chức nhằm huy động sức người, sức của trong nhân dân góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ cho nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần.
Điều 4: Trường dạy nghề tư thục có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Điều 5: Trường dạy nghề tư thục được đào tạo kết hợp với sản xuất thực nghiệm theo ngành nghề đã đăng ký. Không được lợi dụng danh nghĩa là cơ sở giáo dục - đào tạo để sản xuất, dịch vụ hoặc tổ chức các hoạt động trái với luật pháp của Nhà nước. Không được giảng dạy những nội dung ngoài chương trình đã được duyệt.
ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC MỞ TRƯỜNG
Điều 6: Người đứng trách nhiệm xin mở trường là công dân Việt Nam có đủ các điều kiện dưới đây được đăng ký mở trường dạy nghề tư thục:
1. Có trình độ quản lý, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp hoặc tương đương trở lên.
2. Có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết phục vụ cho dạy và học. (Máy, trang thiết bị kỹ thuật phương tiện dạy học, chỗ học và chỗ thực hành v.v...).
3. Có đủ phương tiện đảm bảo an toàn lao động cho người và thiết bị.
Điều 7: Hồ sơ xin mở trường dạy nghề tư thục bao gồm:
1. Đơn xin phép mở trường dạy nghề tư thục (ghi rõ địa điểm mở trường, các nghề xin mở, trình độ đạt được khi mãn khoá)
2. Sơ yếu lý lịch của người tổ chức mở trường được cơ quan chính quyền nơi cư trú xác nhận có tư cách mở trường.
3. Văn bằng, chứng chỉ về kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ.
4. Giấy chứng nhận có đủ sức khoẻ của cơ quan y tế.
5. Danh sách giáo viên (ghi rõ trình độ kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm).
6. Bản liệt kê số lượng và chất lượng các phương tiện dạy học (máy, trang thiết bị kỹ thuật, diện tích chỗ học và chỗ thực hành).
7. Kế hoạch giảng dạy cho từng nghề cụ thể. Tóm tắt nội dung, chương trình của các môn học.
Điều 8: Trường dạy nghề tư thục do một người hoặc một nhóm người đứng ra tổ chức mở trường. Trước khi khai giảng phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định và đăng ký xin mở trường tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc TƯ (sau đây gọi tắt là tỉnh). Sau khi có giấy phép nhà trường mới được tiến hành quảng cáo tuyển sinh.
Điều 9: Uỷ ban nhân dân tỉnh, ra quyết định cho phép mở trường hoặc đình chỉ hoạt động trường dạy nghề tư thục.
Điều 10: Người đứng đầu trường dạy nghề tư thục là Hiệu trưởng do Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị và được Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp nhận. Phó hiệu trưởng do Hiệu trưởng tự chọn và báo cáo trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 11: Sở Giáo dục và Đào tạo được UBND tỉnh uỷ nhiệm quản lý các trường dạy nghề tư thục trên các mặt sau:
1. Giúp UBND tỉnh xét duyệt thủ tục đăng ký mở trường, duyệt kế hoạch giảng dạy, chương trình nghề học.
2. Hướng dẫn nhà trường về nghiệp vụ quản lý, giáo dục đào tạo và tổ chức bồi dưỡng sư phạm dạy nghề.
3. Giám sát việc cấp bằng tốt nghiệp và chứng chỉ học nghề.
4. Kiểm tra học chính.
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA HIỆU TRƯỞNG
Điều 12: Trách nhiệm của Hiệu trưởng:
1. Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, luật pháp của nhà nước, các quy định của ngành giáo dục và đào tạo.
2. Quản lý, giám sát công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
3. Thực hiện nghiêm túc hợp đồng ký kết với cán bộ quản lý nghiệp vụ, giáo viên và hợp đồng thoả thuận với người học về học phí, thời gian, kết quả cuối cùng của khoá học.
4. Đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động cho người và thiết bị trong quá trình dạy thực hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về lao động khi tai nạn xảy ra.
5. Trích nộp Sở Giáo dục và Đào tạo từ 1 - 3% trên tổng số thu học phí do người học đóng để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ và quản lý. Mức cụ thể căn cứ tình hình thực tế của địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
6. Trường dạy nghề tư thục vì lý do nào đó không hoạt động nữa, trước khi đóng cửa trường 3 tháng, Hiệu trưởng phải báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo biết và hoàn lại một phần học phí người học đã đóng mà chưa được học hết chương trình. Thanh toán các chi phí với các cơ quan liên kết, hợp tác, các hợp đồng với cán bộ quản lý nghiệp vụ và giáo viên. Chuyển giao toàn bộ trang thiết bị kỹ thuật do các tổ chức trong và ngoài nước và người Việt Nam ở nước ngoài viện trợ thông qua các cơ quan, tổ chức dạy nghề nhà nước (nếu có) cho cơ sở dạy nghề khác theo quy định của UBND tỉnh để phục vụ cho sự nghiệp đào tạo nghề.
Điều 13: Quyền hạn của Hiệu trưởng:
1. Hiệu trưởng quyết định mọi chủ trương, biện pháp về tổ chức bộ máy, tuyển chọn cán bộ quản lý nghiệp vụ và giáo viên, làm chủ tài khoản, Chủ tịch Hội đồng thi, kiểm tra.
2. Được mở rộng liên kết với các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất, dịch vụ để phục vụ cho mục đích đào tạo nghề.
3. Được liên kết, hợp tác, tiếp nhận viện trợ của các tổ chức giáo dục đào tạo, tổ chức xã hội nước ngoài và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài với mục đích đào tạo nghề. Trước khi thực hiện các quan hệ đó phải được sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban nhân dân tỉnh.
4. Được cấp bằng hoặc chứng chỉ học nghề cho người học theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo.
5. Được chính quyền địa phương bảo hộ về chính trị, tài sản. Được cơ quan giáo dục, đào tạo cấp trên tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ về nghiệp vụ quản lý, nghiệp vụ sư phạm, tài liệu giảng dạy để trường được duy trì và phát triển.
6. Được toàn quyền sở hữu vật chất kỹ thuật (bất động sản và động sản) kể cả vốn đầu tư ban đầu và tài sản phát sinh do nhà trường tự đầu tư trong quá trình hoạt động.
Hiệu trưởng trường dạy nghề tư thục được cơ quan quản lý cấp trên khen thưởng khi có thành tích đóng góp cho sự nghiệp đào tạo nghề. Được mời dự các hội nghị chuyên đề, hội nghị tổng kết trao đổi, phổ biến kinh nghiệm về công tác dạy nghề.
Hiệu trưởng trường dạy nghề tư thục nếu vi phạm về tổ chức; quản lý đào tạo, về tài chính kinh tế, về chính trị, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý với các hình thức:
- Cảnh cáo,
- Thu hồi giấy phép mở trường,
- Có thể truy tố trước pháp luật.
Điều 16: - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thực hiện quy chế này.
- Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế.
Quyết định 697/QĐ về Quy chế "Trường dạy nghề tư thục" do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 697/QĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/03/1991
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Trần Chí Đáo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra