Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
KHO BẠC NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 695/QĐ-KBNN

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA KHO BẠC NHÀ NƯỚC Ở HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

TỔNG GIÁM ĐỐC KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 1399/QĐ-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Kho bạc Nhà nước ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp huyện) là tổ chức trực thuộc Kho bạc Nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh) có chức năng thực hiện nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Kho bạc Nhà nước cấp huyện có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại trên địa bàn để thực hiện giao dịch, thanh toán theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Tổ chức thực hiện thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước cấp huyện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các khoản tạm thu, tạm giữ, tịch thu, ký cược, ký quỹ, thế chấp theo quy định của pháp luật:

a) Tập trung và phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước; tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách nhà nước các khoản tiền do các tổ chức và cá nhân nộp tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện; thực hiện điều tiết các khoản thu cho các cấp ngân sách theo quy định;

b) Thực hiện kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Quản lý tiền, tài sản, ấn chỉ đặc biệt, các loại chứng chỉ có giá của Nhà nước và của các đơn vị, cá nhân gửi tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

3. Thực hiện giao dịch thu, chi tiền mặt và các biện pháp bảo đảm an toàn kho, quỹ tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

4. Thực hiện công tác kế toán ngân sách nhà nước:

a) Hạch toán kế toán về thu, chi ngân sách nhà nước, các khoản vay nợ, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và các hoạt động nghiệp vụ kho bạc tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện theo quy định của pháp luật;

b) Báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện công tác điện báo, thống kê về thu, chi ngân sách nhà nước, các khoản vay nợ, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định; xác nhận số liệu thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

Tổng hợp, đối chiếu tình hình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ phát sinh tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

6. Quản lý ngân quỹ nhà nước tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện theo chế độ quy định:

a) Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản và thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản đối với các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp huyện;

b) Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản của Kho bạc Nhà nước cấp huyện tại ngân hàng thương mại trên cùng địa bàn để thực hiện các nghiệp vụ thu, chi, thanh toán của Kho bạc Nhà nước theo chế độ quy định;

c) Tổ chức thanh toán, đối chiếu, quyết toán thanh toán liên kho bạc theo quy định.

7. Thực hiện công tác phát hành, thanh toán trái phiếu Chính phủ theo quy định.

8. Thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện theo quy định.

9. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

10. Quản lý đội ngũ công chức, lao động hợp đồng; thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, hành chính, quản trị, tài vụ tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện theo quy định.

11. Tổ chức thực hiện chương trình hiện đại hoá hoạt động Kho bạc Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, công khai hóa thủ tục, cải tiến quy trình nghiệp vụ và cung cấp thông tin để tạo thuận lợi phục vụ khách hàng.

12. Quản lý các điểm giao dịch thuộc Kho bạc Nhà nước cấp huyện theo quy định.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh giao.

Điều 3. Quyền hạn

Kho bạc Nhà nước cấp huyện có quyền:

1. Trích tài khoản tiền gửi của tổ chức, cá nhân để nộp ngân sách nhà nước hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác để thu cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Được từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không đúng, không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Kho bạc Nhà nước cấp huyện tổ chức thành 2 tổ: Tổ Tổng hợp - Hành chính và Tổ Kế toán nhà nước.

Kho bạc Nhà nước quận đóng trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương và Kho bạc Nhà nước thành phố đóng trên địa bàn đô thị loại I, loại II thuộc tỉnh tổ chức thành 02 phòng: Phòng Tổng hợp - Hành chính và Phòng Kế toán nhà nước.

Tổ (phòng) có Tổ trưởng (Trưởng phòng) và Tổ phó (Phó Trưởng phòng).

2. Tại các địa bàn có khối lượng giao dịch lớn, Kho bạc Nhà nước cấp huyện có thể tổ chức các điểm giao dịch thường xuyên ngoài trụ sở.

Điều 5. Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước cấp huyện

Kho bạc Nhà nước cấp huyện có Giám đốc và Phó Giám đốc.

Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và trước pháp luật về: thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; quản lý tiền, tài sản, hồ sơ, tài liệu, công chức, lao động của đơn vị.

Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp huyện chịu trách nhiệm trước Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp huyện và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Điều 6. Nhiệm vụ cụ thể của các tổ (phòng) nghiệp vụ thuộc Kho bạc Nhà nước cấp huyện

1. Tổ (phòng) Tổng hợp - Hành chính

Tổ (phòng) Tổng hợp - Hành chính là đơn vị tham mưu, giúp Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ sau:

1.1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đã được phê duyệt.

1.2. Thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn chương trình mục tiêu và các nguồn vốn khác được giao quản lý theo sự phân công của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

1.3. Thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn chương trình mục tiêu và các nguồn vốn khác được giao quản lý.

1.4. Thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

1.5. Phối hợp với tổ (phòng) Kế toán nhà nước trong việc đối chiếu xác nhận số thanh toán vốn đầu tư của dự án do tổ (phòng) Tổng hợp - Hành chính trực tiếp kiểm soát, thanh toán.

1.6. Triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính tại đơn vị.

1.7. Thực hiện công tác hành chính, quản trị: quản lý tài sản, tài chính nội bộ, hành chính, quản trị, văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu, bảo vệ tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

1.8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp huyện giao.

2. Tổ (phòng) Kế toán nhà nước

Tổ (phòng) Kế toán nhà nước là đơn vị tham mưu, giúp Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ sau:

2.1. Tập trung các khoản thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, điều tiết các khoản thu cho các cấp ngân sách.

2.2. Kiểm soát các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước theo quy định; kiểm soát thanh toán vốn sự nghiệp không có tính chất đầu tư.

2.3. Thực hiện công tác hạch toán kế toán về thu, chi ngân sách nhà nước, các khoản vay nợ, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và các hoạt động nghiệp vụ kho bạc; lập báo cáo, tổng hợp, đối chiếu tình hình thu, chi ngân sách nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ phát sinh tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật.

2.4. Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản và thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, chuyển khoản đối với các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

2.5. Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản của Kho bạc Nhà nước cấp huyện tại ngân hàng thương mại trên cùng địa bàn để thực hiện các nghiệp vụ thu, chi, thanh toán theo chế độ quy định.

2.6. Thực hiện thanh toán, đối chiếu, quyết toán thanh toán liên kho bạc theo quy định.

2.7. Thực hiện công tác thống kê tổng hợp, phân tích số liệu về thu, chi ngân sách nhà nước phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách nhà nước của cấp có thẩm quyền; thực hiện chế độ báo cáo hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước theo quy định.

2.8. Bảo quản an toàn tiền mặt, ấn chỉ có giá, ấn chỉ đặc biệt do Kho bạc Nhà nước cấp huyện quản lý, các tài sản tạm thu, tạm giữ, tạm gửi và tịch thu theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

2.9. Thực hiện phát hành và thanh toán trái phiếu Chính phủ tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện theo quy định.

2.10. Thực hiện giao dịch thu, chi tiền mặt; quản lý kho, quỹ tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

2.11. Thực hiện công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

2.12. Quản lý các điểm giao dịch thuộc Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

2.13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp huyện giao.

Điều 7. Biên chế và kinh phí hoạt động

1. Kinh phí hoạt động của Kho bạc Nhà nước cấp huyện được cấp từ nguồn kinh phí của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và các khoản thu khác theo quy định.

2. Biên chế của Kho bạc Nhà nước cấp huyện do Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh quyết định trong tổng biên chế được giao.

Điều 8. Quan hệ giữa Kho bạc Nhà nước cấp huyện với Uỷ ban nhân dân huyện

1. Được Uỷ ban nhân dân huyện tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Nhà nước và Bộ Tài chính.

2. Có trách nhiệm tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Uỷ ban nhân dân huyện trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và tổ chức huy động vốn trên địa bàn.

3. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về số liệu thu, chi ngân sách nhà nước và các hoạt động của Kho bạc Nhà nước theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân huyện.

4. Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Uỷ ban nhân dân huyện về việc chấp hành luật pháp và quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn.

Điều 9. Quan hệ giữa Kho bạc Nhà nước cấp huyện với các cơ quan tài chính trên địa bàn

1. Kho bạc Nhà nước cấp huyện có trách nhiệm phối hợp công tác với các cơ quan tài chính trên địa bàn trong việc triển khai nhiệm vụ.

2. Kho bạc Nhà nước cấp huyện được quyền yêu cầu các cơ quan tài chính trên địa bàn cung cấp hồ sơ, tài liệu cần thiết theo quy định phục vụ cho hoạt động Kho bạc Nhà nước.

Điều 10. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2015 và thay thế Quyết định số 163/QĐ-KBNN ngày 17 tháng 3 năm 2010 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Kho bạc Nhà nước và Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 10;
- Bộ Tài chính (để b/c);
- Lưu: VT, TCCB.

TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Hồng Hà

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 695/QĐ-KBNN năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

  • Số hiệu: 695/QĐ-KBNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/07/2015
  • Nơi ban hành: kho bạc nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản