Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 681/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI KHU VỰC DÂN CƯ, KHU CÔNG NGHIỆP THUỘC LƯU VỰC SÔNG NHUỆ - SÔNG ĐÁY ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vục dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:

1. Phạm vi quy hoạch

Diện tích lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc toàn bộ ranh giới hành chính của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và một phần ranh giới hành chính của tỉnh Hòa Bình, Nam Định và thành phố Hà Nội với tổng diện tích khoảng 7.665 km2.

2. Quan điểm quy hoạch

- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008; Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1930/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch thoát nước 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020 tại quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho các khu dân cư và các khu công nghiệp bảo đảm phát triển hệ thống thoát nước ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa, nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý theo từng lưu vực phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

- Sử dụng công nghệ, thiết bị xử lý nước đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xử lý nước thải, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương; ưu tiên áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, có tính đến khả năng nâng cấp trong tương lai.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

3. Mục tiêu quy hoạch

- Cụ thể hóa Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008.

- Phân vùng, lưu vực tiêu thoát nước; dự báo yêu cầu thoát nước và tổng lượng nước thải; xác định phương án thoát nước, xử lý nước thải theo từng lưu vực.

- Xác định nhu cầu đầu tư hệ thống thoát nước trong từng giai đoạn; làm cơ sở cho việc lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thuộc phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải.

4. Nội dung quy hoạch

a) Quy hoạch tiêu thoát nước vùng:

- Các chỉ tiêu tính toán:

+ Hệ số tiêu cho đô thị loại đặc biệt và các khu công nghiệp tập trung: 15 ÷ 20 l/s.ha.

+ Hệ số tiêu cho các đô thị (từ loại V đến loại I: 12 ÷ 15 l/s.ha.

+ Hệ số tiêu cho khu vực dân cư nông thôn: 8 ÷ 10 I/s.ha.

- Quy hoạch tiêu thoát nước vùng:

+ Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được chia thành 09 vùng tiêu bao gồm:

. 01 vùng tiêu miền núi Thượng sông Bôi tiêu tự chảy hoàn toàn;

. 08 vùng tiêu là sông Nhuệ, sông Tích - sông Thanh Hà, Hữu Đáy, Bắc Ninh Bình, Nam Ninh Bình, Bắc Nam Hà (Kim Bảng - Duy Tiên), Trung Nam Định, Nam Nam Định do địa hình một số vùng thấp hơn mực nước sông trong mùa lũ, tiêu thoát nuớc mặt cho các khu vực này là kết hợp tiêu tự chảy và tiêu động lực.

+ Giải pháp tiêu thoát nước cho các khu vực là tích nước bằng hệ thống hồ điều hòa, hồ cảnh quan trong lưu vực, tăng cường chế độ tiêu tự chảy, giảm thiểu chi phí đầu tư, quản lý hệ thống công trình đầu mối tiêu động lực, cải thiện môi trường sinh thái và góp phần tạo dựng mỹ quan đô thị.

+ Mặt phủ tự nhiên thấm nước được khống chế ngay từ ban đầu; hạn chế chuyển đổi diện tích mặt nước hiện có sang mục đích sử dụng khác. Giảm thiểu hiện tượng ngập úng trong quá trình đô thị hóa, dưới tác động của biến đổi khí hậu, diện tích tối thiểu của mặt nước F ≥ 5% diện tích lưu vực cần tiêu.

b) Quy hoạch thoát nước mưa:

- Khu vực đô thị:

+ Các đô thị được chia thành các lưu vực thoát nước đảm bảo thoát nước mưa nhanh và triệt để.

+ Cải tạo, xây dựng mới các hồ điều hòa, trạm bơm tiêu, trục tiêu chính trong đô thị.

+ Đối với các đô thị trung du, miền núi thuộc các tỉnh: Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình có độ dốc địa hình thoát tự chảy tốt, tận dụng hệ thống hồ hiện có, xây dựng thêm hồ đa chức năng để tích nước và điều tiết nước mưa.

+ Đối với các đô thị đồng bằng thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam ở thượng lưu và trung lưu sông Nhuệ, sông Đáy tăng cường tối đa sử dụng hệ thống hồ điều hòa để tiếp nhận, điều tiết nước mưa, tổ chức thoát nước mưa theo nguyên tắc lấy kênh, hồ là tuyến thoát nước chính kết hợp cùng với giải pháp bơm thoát nước cưỡng bức hợp lý.

+ Đối với các đô thị ở hạ lưu sông Đáy thuộc tỉnh Ninh Bình, Nam Định, chịu ảnh hưởng của thủy triều: vấn đề tiêu thoát nước mưa được tính toán trên cơ sở dao động mức triều. Xây dựng mới hồ điều hòa đầu mối và cống ngăn triều để thoát nước mưa, giảm công suất trạm bơm.

+ Khu vực đô thị cũ: Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước hiện có; xây dựng bổ sung hoàn thiện hệ thống thoát nước chung để thoát nước mưa, kết hợp giải pháp xây dựng mới các công trình thu gom và truyền dẫn nước thải về nhà máy xử lý.

+ Khu vực đô thị mới: Xây dựng hệ thống thoát nước riêng đồng bộ với phát triển hạ tầng đô thị, bao gồm mạng lưới thoát nước mưa, kênh mương, hồ điều hòa, trạm bơm và các công trình thoát nước tại chỗ (thấm, trữ nước...). Nước mưa được thoát ra sông, kênh, hồ.

+ Dự kiến xây dựng công trình đầu mối chính tiêu thoát nước mưa cho các đô thị thuộc phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy như sau:

STT

Thành phố (đô thị)

Số lượng lưu vực thoát

Hồ điều hòa

Trạm bơm tiêu đô thị

Số lượng

Diện tích (ha)

Số lượng

Tổng công suất (m3/s)

1

Thành phố Hà Nội

13

74

1.909,21

23

893,97

2

Thành phố Nam Định - Tỉnh Nam Định

04

13

130,47

04

99,44

3

Thị trấn Lương Sơn - Tỉnh Hòa Bình

07

03

6.98

0

0

4

Thành phố Ninh Bình - Tỉnh Ninh Bình

07

07

35,29

04

7,33

5

Thành phố Phủ Lý - Tỉnh Hà Nam

06

10

89,97

16

77,4

 

Tổng cộng

46

107

2.171,92

47

1.078,14

- Khu vực nông thôn:

+ Lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp với hệ thống tiêu thủy lợi và điều kiện của địa phương.

+ Đối với sông, suối chảy qua khu vực dân cư cần cải tạo, gia cố bờ, chống sạt lở; tận dụng tối đa mặt nước (ao, hồ tự nhiên và nhân tạo), mặt phủ thấm nước để thoát nước mặt theo chế độ tự chảy.

+ Đối với khu dân cư nằm bên sườn đồi, núi phải thiết kế các mương đón hướng dòng chảy trên đỉnh đồi, núi xuống, không chảy tràn qua khu dân cư.

- Khu công nghiệp:

Các khu công nghiệp xây dựng hệ thống thoát nước riêng. Nước mưa được thoát ra sông, kênh, rạch.

c) Quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải:

- Các chỉ tiêu tính toán:

Các chỉ tiêu tính toán căn cứ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

+ Tiêu chuẩn thoát nước thải: ≥ 80% tiêu chuẩn cấp nước

STT

Khu vực thoát nước

Lưu lượng nước thải
(lít/người/ngày đêm)

2020

2030

1

Đô thị

80 - 165

100 - 200

2

Nông thôn

60

80

3

Khu công nghiệp

20 - 40 m3/ha.ngày đêm

+ Chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt các quy chuẩn hiện hành.

- Dự báo tổng lượng nước thải thu gom và xử lý lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy:

Dự báo tổng lượng nước thải tại các đô thị (bao gồm lượng nước thải y tế), khu công nghiệp, nông thôn phát sinh trong phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy:

STT

Hạng mục

Lượng nước thải phát sinh
(m3/ngày đêm)

Năm 2020

Năm 2030

1

Nước thải đô thị

912.135

1.209.736

2

Nước thải nông thôn

272.245

485.719

3

Nước thải công nghiệp

724.448

751.804

 

Tổng cộng

1.908.828

2.447.259

- Quy hoạch thoát nước thải khu dân cư đô thị và khu công nghiệp

Các giải pháp thoát nước và xử lý nước thải phù hợp định hướng thoát nước trong quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch thoát nước của các địa phương thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

+ Đối với các đô thị:

Các đô thị từ loại III trở lên đang sử dụng mạng lưới thoát nước chung, xây dựng hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới thoát nước chung đã có và xây dựng mới mạng lưới thu gom nước thải (cống bao, giếng tách...) để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung của từng lưu vực.

Các đô thị mới, đô thị loại IV, loại V từng bước xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải. Nuớc thải được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung và được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị phù hợp với quy mô và tính chất của đô thị. Công suất thiết kế của nhà máy xử lý nước thải được tính toán trên cơ sở tiếp cận dịch vụ thoát nước của người dân và từng giai đoạn phát triển.

+ Đối với các khu công nghiệp:

Các khu công nghiệp xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra hệ thống sông trong khu vực.

+ Dự kiến xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cho các đô thị thuộc phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy như sau:

STT

Nhà máy xử lý nước thải

Công suất
(m3/ngày đêm)

2020

2030

I

Thành phố Hà Nội

 

 

1

Yên Xá

270.000

270.000

2

Phú Đô

84.000

84.000

3

Tây sông Nhuệ (xã Phú Diễn)

58.000

89.000

4

Phú Thượng

15.000

21.000

5

Ngũ Hiệp

21.000

34.000

6

Vĩnh Ninh

21.000

33.000

7

Đại Áng

21.000

44.000

8

Hòa Lạc 1

84.000

134.000

9

Hòa Lạc 2

65.000

104.000

10

Xuân Mai

58.000

100.000

11

Sơn Tây

50.000

75.000

12

Phú Xuyên

33.000

52.000

II

Thị trấn Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình

 

 

1

Lương Sơn

4.500

6.500

III

Thành phố Phủ Lý - tỉnh Hà Nam

 

 

1

Tiên Hiệp - Lam Hạ (SH1)

2.700

4.500

2

Thanh Châu (SH2)

5.000

11.000

3

Đinh Xá (SH3)

3.000

5.000

4

Thanh Sơn (SH4)

1.500

2.500

IV

Thành phố Ninh Bình (khu trung tâm) - tỉnh Ninh Bình

 

 

1

Nam Thành

5.000

8.000

2

Đông Thành

3.000

4.000

3

Thanh Bình - Bích Đào

3.000

4.000

4

Vũng Trắm

2.000

6.000

V

Thành phố Nam Định - tỉnh Nam Định

 

 

1

Hồng Phúc (số 1)

29.000

50.000

2

Lương Xá (số 2)

14.500

26.000

3

Nam Toàn (số 3)

7.500

11.000

 

Tổng cộng

875.700

1.182.500

- Định hướng thoát nước thải khu dân cư nông thôn

+ Các khu dân cư sống tập trung theo cụm: Do lượng nước thải ít, tùy theo địa hình mà bố trí hồ sinh học để xử lý nước thải.

+ Các khu dân cư tập trung theo tuyến: Nước thải được xử lý theo từng hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình (như xây dựng bể tự hoại, hầm biogas...) thải ra mương, cống thoát nước.

+ Kiểm soát chất lượng nước khu vực sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong nông nghiệp.

- Định hướng thoát nước thải làng nghề:

Nước thải từ các làng nghề phải được thu gom xử lý cục bộ trước khi thải ra môi trường hoặc hệ thống thoát nước đô thị.

d) Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải

Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các địa phương lựa chọn công nghệ và thiết bị xử lý nước thải cho phù hợp; ưu tiên công nghệ và thiết bị hiện đại, chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng thiết bị công nghệ sản xuất trong nước.

5. Khái toán kinh phí đầu tư

a) Nhu cầu vốn đầu tư:

Ước tính vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm xử lý nước thải) trong phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 và năm 2030 là:

- Năm 2020 khoảng 90.429 tỷ đồng.

- Năm 2030 khoảng 108.302 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn ngân sách nhà nước.

- Vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài.

- Vốn tín dụng đầu tư.

- Vốn từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

- Vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác.

6. Đề xuất các dự án ưu tiên xây dựng giai đoạn 2013 - 2020

a) Xây dựng hệ thống thoát nước mưa đô thị, các điểm dân cư nông thôn:

Thành phố Hà Nội:

- Xây dựng mới trạm bơm Liên Mạc công suất 175 m3/s, tiêu nước cho 9.200 ha, (ngoài ra kết hợp nhiệm vụ tiếp nguồn nước vào sông Nhuệ khi cần thiết).

- Xây mới trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120 m3/s, tiêu nước cho 6.300 ha.

Tỉnh Hà Nam:

- Dự án cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước mưa các thị trấn (loại V trở lên).

- Xây dựng các trạm bơm mới: Hoàng Đông - 6.000 m3/h, Duy Hải - 9.000 m3/h, Hoành Uyển - 12.500 m3/h, Chợ Lương - 24.000 m3/h, Bẩy Cửa - 19.000 m3/h, Bút 1 - 13.000 m3/h, Bút 2 - 8.000 m3/h, Lạc Tràng Bộ 1, 2, 3 - 19.000 m3/h, Điệp Sơn - 20.000 m3/h.

Tỉnh Nam Định:

- Dự án cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước mưa các thị trấn (loại V trở lên).

- Xây dựng mới trạm bơm tiêu nước mưa đô thị Quán Chuột công suất 59.000 m3/h tại thành phố Nam Định.

Tỉnh Ninh Bình:

- Dự án cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước mưa các thị trấn (loại V trở lên).

- Dự án nạo vét, khai thông dòng chảy khu vực cửa Đáy của tỉnh Ninh Bình.

- Xây dựng mới trạm bơm tiêu nước mặt đô thị Nam thành phố Ninh Bình công suất 12.000 m3/h.

Tỉnh Hòa Bình:

- Dự án cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước mưa các thị trấn (loại V trở lên).

b) Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải:

Thành phố Hà Nội:

- Hệ thống thoát nước nước thải và trạm xử lý nước thải sinh hoạt: Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm, Phú Đô công suất 84.000 m3/ngày đêm.

Tỉnh Hà Nam:

- Hệ thống thoát nước nước thải và trạm xử lý nước thải sinh hoạt Thanh Châu, thành phố Phủ Lý công suất 5.000 m3/ngày đêm.

Tỉnh Nam Định:

- Hệ thống thoát nước nước thải và trạm xử lý nước thải sinh hoạt Hồng Phúc, thành phố Nam Định, công suất 29.000 m3/ngày đêm.

Tỉnh Ninh Bình:

- Hệ thống thoát nước nước thải và trạm xử lý nước thải sinh hoạt Nam Thành, thành phố Ninh Bình công suất 8.000 m3/ngày đêm.

Tỉnh Hòa Bình:

- Hệ thống thoát nước nước thải và trạm xử lý nước thải sinh hoạt các thị trấn (loại V trở lên) thuộc phạm vi lưu vực sông.

7. Đánh giá môi trường chiến lược

a) Tác động tích cực đến môi trường:

- Đảm bảo môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy không bị ô nhiễm do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người.

- Tạo môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề được trong sạch, tạo môi trường tốt thu hút các nhà đầu tư.

- Góp phần vào sự phát triển bền vững của các đô thị, các khu công nghiệp trong lưu vực sông.

- Bảo vệ sức khỏe cho người dân.

b) Dự báo tác động môi trường khi thực hiện quy hoạch:

Trong quá trình thi công xây dựng mạng lưới thoát nước công trình xử lý nước thải sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và sức khỏe của người dân quanh khu vực xây dựng như: Ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước mặt,...; giai đoạn vận hành thử và nghiệm thu công trình có thể chưa bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn môi trường dẫn đến ảnh hưởng chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận (sông, hồ), chất thải trong quá trình xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường.

c) Các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường:

- Giải pháp thiết kế, công nghệ hợp lý bảo đảm xử lý nước thải theo quy định về môi trường.

- Xây dựng các biện pháp thi công hợp lý giảm ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn đối với phương tiện vận chuyển, thi công cơ giới trên công trường.

- Xây dựng và thực hiện các quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước (mạng lưới thoát nước và nhà máy xử lý nước thải).

- Xây dựng các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường khi xảy ra các sự cố trên hệ thống thu gom và chuyển tải nước thải về nhà máy xử lý.

- Xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra chất lượng nước thải sau xử lý xả ra môi trường theo quy định.

- Nâng cao năng lực quản lý và vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

- Các biện pháp hỗ trợ khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Xây dựng:

- Tổ chức công bố Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo các hình thức phù hợp và bàn giao hồ sơ quy hoạch cho các địa phương theo quy định hiện hành.

- Hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành thoát nước trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Các Bộ, ngành liên quan:

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy tổ chức thực hiện Quy hoạch theo quy định.

3. Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng thực hiện thống nhất, có hiệu quả Quy hoạch này.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy:

- Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành thoát nước trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp với kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống thoát nước đáp ứng cho từng giai đoạn; xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn triển khai Quy hoạch này.

- Rà soát và lập kế hoạch sử dụng đất cho các công trình thoát nước và xử lý nước thải.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.

- Tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh môi trường, bảo vệ hệ thống thoát nước, vai trò của hệ thống thoát nước với môi trường.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và thành phố Hà Nội quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Y tế, Khoa học và Công nghệ;
- Thành ủy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, thành phố Hà Nội;
- Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, V.III;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 681/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 681/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/05/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản