Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/2018/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 07 tháng 8 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG CỦA TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017; Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

Căn cứ Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị; Căn cứ Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của

Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận quy định phân cấp quản lý tài sản công của tỉnh Ninh Thuận;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 2003/TTr-STC ngày 01 tháng 8 năm 2018 và Báo cáo thẩm định số 1557/BC-STP ngày 27 tháng 7 năm 2018 của Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý tài sản công của tỉnh Ninh Thuận; gồm 03 Chương, 18 Điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 8 năm 2018 và thay thế Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lưu Xuân Vĩnh

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG CỦA TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 68/2018/QĐ-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về phân cấp quản lý tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Ninh Thuận.

2. Việc quản lý tài sản công không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Quy định này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan Nhà nước.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.

4. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Ninh Thuận.

(các đối tượng nêu trên sau đây gọi là cơ quan, đơn vị, tổ chức)

Điều 3. Nguyên tắc quản lý tài sản công

1. Mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.

2. Tài sản công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hỏa hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản công là tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.

4. Tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật.

5. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

6. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.

7. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC

Điều 4. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư

Thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Điều 5. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại Điều 4

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mua sắm các loại tài sản:

a) Trụ sở làm việc, công trình xây dựng khác gắn liền với đất; xe ôtô, các loại phương tiện vận tải khác sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;

b) Các tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản;

c) Một lô tài sản, hàng hóa, dịch vụ (một gói thầu) có giá trị từ 1.000 triệu đồng (một ngàn triệu đồng) trở lên nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, tổ chức.

2. Giám đốc sở; thủ trưởng ban, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định mua sắm các loại tài sản:

a) Tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng)/01 đơn vị tài sản (trừ các tài sản quy định tại khoản 1 Điều này);

b) Một lô tài sản, hàng hóa, dịch vụ (một gói thầu) có giá trị dưới 1.000 triệu đồng (một ngàn triệu đồng) nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị (trừ các tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

3. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; thủ trưởng đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mua sắm tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng (một trăm triệu đồng) (trừ các tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

4. Mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung:

Đối với việc mua sắm các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung thực hiện theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nhiều nguồn vốn để mua sắm tài sản, trong đó có nguồn ngân sách nhà nước thì thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.

Điều 6. Thẩm quyền thuê trụ sở làm việc, tài sản khác phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thuê trụ sở làm việc có giá trị thuê từ 200 triệu đồng (hai trăm triệu đồng)/năm trở lên.

2. Giám đốc sở; thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định thuê trụ sở làm việc có giá trị thuê dưới 200 triệu đồng (hai trăm triệu đồng)/năm.

3. Thuê tài sản khác phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp do đơn vị tự thực hiện theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu nhiệm vụ và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 7. Thẩm quyền thu hồi tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi các loại tài sản:

a) Trụ sở làm việc, công trình xây dựng khác gắn liền với đất;

b) Xe ôtô, các loại phương tiện vận tải khác;

c) Các loại tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định thu hồi tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng)/01 đơn vị tài sản của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định thu hồi tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng)/01 đơn vị tài sản của các đơn vị trực thuộc, cấp xã (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

Điều 8. Thẩm quyền điều chuyển tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chuyển các loại tài sản:

a) Trụ sở làm việc, công trình xây dựng khác gắn liền với đất;

b) Xe ôtô, các loại phương tiện vận tải khác.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định điều chuyển tài sản giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; giữa cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện; giữa các huyện, thành phố thuộc tỉnh (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

3. Giám đốc sở, thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định điều chuyển tài sản giữa các đơn vị trực thuộc, cấp xã (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

4. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; thủ trưởng đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định điều chuyển tài sản giữa các đơn vị trực thuộc (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

Điều 9. Thẩm quyền bán tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bán các loại tài sản:

a) Trụ sở làm việc, công trình xây dựng khác gắn liền với đất sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;

b) Xe ôtô, các loại phương tiện vận tải khác;

c) Các loại tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản.

2. Giám đốc sở, thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định bán tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng)/01 đơn vị tài sản (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

Điều 10. Thẩm quyền thanh lý tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thanh lý các loại tài sản:

a) Trụ sở làm việc, công trình xây dựng khác gắn liền với đất do cơ quan cấp tỉnh quản lý;

b) Xe ôtô, các loại phương tiện vận tải khác.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định thanh lý tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

3. Giám đốc sở, thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh quyết định thanh lý tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định thanh lý các loại tài sản:

a) Trụ sở làm việc, công trình xây dựng khác gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị do cấp huyện quản lý (quyết định thanh lý gửi về Sở Tài chính để theo dõi biến động tài sản);

b) Các loại tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng)/01 đơn vị tài sản (trừ xe ôtô, các loại phương tiện vận tải khác).

5. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; thủ trưởng đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thanh lý tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 100 triệu đồng (một trăm triệu đồng)/01 đơn vị tài sản (trừ các tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

Điều 11. Thẩm quyền quyết định tiêu hủy tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tiêu hủy các loại tài sản:

a) Trụ sở làm việc, công trình xây dựng khác gắn liền với đất;

b) Xe ôtô, các loại phương tiện vận tải khác;

c) Các loại tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản.

2. Giám đốc sở, thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định tiêu hủy tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng)/01 đơn vị tài sản (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

Điều 12. Thẩm quyền quyết định xử lý tài sản công bị mất, bị hủy hoại

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xử lý các loại tài sản:

a) Trụ sở làm việc, công trình xây dựng khác gắn liền với đất;

b) Xe ôtô, các loại phương tiện vận tải khác;

c) Các loại tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản.

2. Giám đốc sở, thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định xử lý các loại tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng)/01 đơn vị tài sản (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

Điều 13. Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân do cơ quan thi hành án cấp tỉnh chuyển giao

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định:

a) Trụ sở làm việc, công trình xây dựng khác gắn liền với đất;

b) Xe ôtô, các loại phương tiện vận tải khác;

c) Các loại tài sản khác có giá trị còn lại từ 100 triệu đồng (một trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định:

Các loại tài sản có giá trị còn lại dưới 100 triệu đồng (một trăm triệu đồng)/01 đơn vị tài sản (trừ các loại tài sản quy định tại khoản 1 Điều này).

Điều 14. Thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng

1. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ban hành: tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc, cấp xã sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, thành phố.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý; tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý tài sản công thuộc thẩm quyền theo phân cấp tại Quy định này.

2. Hướng dẫn sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện việc phân cấp quản lý tài sản công theo quy định.

3. Tổng hợp báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất tình hình quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 16. Trách nhiệm của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

1. Tổ chức triển khai, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vị quản lý thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp theo Quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

3. Tổng hợp báo cáo tình hình quản lý, sử dụng, công khai tài sản công, đăng nhập phần mềm về biến động tài sản theo quy định.

Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công

1. Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện.

3. Sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

4. Thực hiện kê khai, đăng ký, công khai và báo cáo biến động tài sản theo quy định.

5. Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung được phân cấp tại Quy định này; những nội dung không điều chỉnh trong Quy định này thì thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với tài sản công đã có quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 68/2018/QĐ-UBND quy định về phân cấp quản lý tài sản công của tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 68/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/08/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản