Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 67/2004/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU DẦU THỰC VẬT - TINH DẦU - HƯƠNG LIỆU - MỸ PHẨM

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP 

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Xét đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu thực vật - Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm (Công văn số 106/2004/CV-VD ngày 18 tháng 6 năm 2004);
Theo đề nghị Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ,
 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo quyết định này Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu Dầu thực vật - Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu thực vật - Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ tư pháp;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ tài chính;
- Kho bạc Nhà nước;
- Ngân hàng Nhà nước;
- Công báo;
- Lưu: VP, TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG
 
 


Nguyễn Xuân Thuý

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU DẦU THỰC VẬT - TINH DẦU - HƯƠNG LIỆU - MỸ PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 67 /2004/QĐ-BCN ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Viện Nghiên cứu Dầu thực vật - Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm (sau đây gọi là Viện) là đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trực thuộc Bộ Công nghiệp, có chức năng nghiên cứu, đề xuất xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành dầu thực vật, tinh dầu, hương liệu mỹ phẩm; tổ chức triển khai các đề tài, dự án, các hoạt động thông tin, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chuyên ngành.

Tên giao dịch quốc tế: Oil Plant Institute; viết tắt: OPI.

Trụ sở chính: Số 171-175, Hàm Nghi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Điều 2. Viện là đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguồn kinh phí sự nghiệp do ngân sách nhà nước cấp và một số hoạt động có thu từ các đề tài, dự án, sản xuất thực nghiệm và dịch vụ khoa học - công nghệ, được mở tài khoản tại Kho bạc và Ngân hàng Nhà nước (kể cả tài khoản ngoại tệ), có con dấu để hoạt động và giao dịch theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Viện chịu sự lãnh đạo, quản lý toàn diện và trực tiếp của Bộ Công nghiệp; sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ quản lý nhà nước có liên quan; được hưởng các chính sách, chế độ của Nhà nước áp dụng cho hệ thống nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Điều 4.  Tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản Việt nam và các tổ chức Đoàn thể quần chúng:

1. Viện có tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động theo Điều lệ của Đảng, có nhiệm vụ lãnh đạo Viện thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, động viên mọi đảng viên, quần chúng đoàn kết thống nhất thực hiện nhiệm vụ chính trị của Viện.

2. Tổ chức cơ sở của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cơ sở Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong Viện được thành lập và hoạt động theo Luật Công đoàn, Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí minh và chịu sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cơ sở Đảng Cộng sản Việt Nam trong Viện.

Chương 2:

NHIỆM VỤ

Điều 5.  Viện có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây.

1. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chiến lược, quy hoạch và chương trình phát triển công nghiệp chế biến dầu thực vật, tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm.

2. Tổ chức triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ gía thành sản phẩm trong chế biến nông sản, thực phẩm để phục vụ tiêu dùng ở  trong nước và xuất khẩu.

3. Tham gia xây dựng và phát triển ngành dầu thực vật, tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm; tổ chức nghiên cứu tạo ra những chế phẩm, vật liệu có gía trị phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và một số  ngành công nghiệp khác.

4. Nghiên cứu các quy trình công nghệ mới, cải tiến các quy trình công nghệ hiện có nhằm phát triển sản xuất và đa dạng hoá sản phẩm; tổ chức sản xuất thực nghiệm các quy trình các công nghệ đã nghiên cứu đạt chất lượng tốt để chuyển giao cho sản xuất và giới thiệu ra thị trường.

5. Nghiên cứu phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng các nguồn nguyên liệu dầu thực vật, tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm và tư vấn chuyển giao công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nguyên liệu cho các đối tượng có nhu cầu.

6. Tổ chức các hoạt động dịch vụ khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất - kinh doanh, bao gồm:

a) Tổ chức các hoạt động thông tin dưới các hình thức hội thảo chuyên đề, hội nghị khoa học, thăm quan khảo sát, triển lãm, xuất bản ấn phẩm, dịch vụ khoa học - kỹ thuật chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức sản xuất, kinh doanh giống cây có dầu, cây tinh dầu và các cây trồng khác có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.

c) Phân tích, kiểm tra chất lượng nguyên liệu, sản phẩm của ngành và các cơ quan, đơn vị khác khi có yêu cầu.

d) Tổ chức thực nghiệm các mô hình sản xuất các sản phẩm mới do Viện nghiên cứu để từng bước tiếp cận thị trường và chuyển giao cho các đối tượng có nhu cầu.

7. Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, đưa ra các giải pháp và cung cấp các thiết bị cho các công trình xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất, chế biến dầu thực vật, tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành. 

8. Tham gia xây dựng tiêu chuẩn nhà nước, tiêu chuẩn ngành về  nguyên liệu, sản phẩm, vệ sinh an toàn và tuyên truyền áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong ngành dầu thực vật, tinh dầu, hương liệu mỹ phẩm; tham gia xây dựng các phòng thí nghiệm quốc gia, mạng lưới phân tích trong cả nước để kiểm định tiêu chuẩn, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chuyên ngành.

9. Phối hợp với các viện, trường đào tạo cán bộ chuyên ngành có trình độ trên đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.

10. Xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các cơ quan trong nước, các tổ chức quốc tế về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, công nhân phục vụ sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành theo quy định của pháp luật.

11. Tổ chức các hoạt động xuất, nhập khẩu nguyên liệu, giống cây, các sản phẩm từ cây có dầu và tinh dầu; vật tư, thiết bị và công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm theo quy định của pháp luật. 

12. Quản lý tổ chức, biên chế, tài sản được giao theo quy định của Nhà nước và phân cấp quản lý của Bộ Công nghiệp.

Chương 3:

KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Điều 6. Viện xây dựng và trình Bộ Công nghiệp phê duyệt Kế hoạch 5 năm và hàng năm, bao gồm:

1. Kế hoạch nghiên cứu phát triển, các dự án sản xuất thực nghiệm cấp Bộ.

2. Kế hoạch vật tư, thiết bị, xây dựng cơ bản, sữa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị cho năng lực nghiên cứu.

3. Kế hoạch thông tin, đào tạo và hợp tác quốc tế.

4. Kế hoạch lao động, tiền lương, tài chính.

Điều 7. Viện được Bộ Công nghiệp giao hoặc uỷ quyền thực hiện một số dự án đầu tư phát triển có sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, bao gồm:

1. Lập và trình Bộ Công nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư.

2. Tổ chức công tác đấu thầu và thực hiện các bước đầu tư xây dựng theo phân cấp quản lý của Bộ Công nghiệp và các quy định của nhà nước.

3. Trình Bộ Công nghiệp quyết định việc điều chỉnh thiết kế, thay đổi các giải pháp kỹ thuật hoặc tổng mức vốn đầu tư đã được phê duyệt.

Điều 8. Đối với các công trình xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn tự có hoặc tự huy động vốn, Viện thực hiện theo các quy định hiện hành.

Điều 9. Viện được ký kết các hợp đồng kinh tế liên quan đến nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản được Nhà nước giao.

Chương 4:

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 10. Viện triển khai thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ theo các phương thức sau:

1. Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực sản xuất và chế biến dầu thực vật, tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm do Nhà nước và Bộ Công nghiệp giao thông qua kế hoạch khoa học, công nghệ và các hợp đồng nghiên cứu hàng năm.

2. Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ ngành dầu thực vật, tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm thông qua các hợp đồng kinh tế với các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh - doanh ở trong và ngoài nước.

3. Triển khai, ứng dụng, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực dầu thực vật, tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm, bảo vệ môi trường, hoạt động thông tin, tư vấn và dịch vụ khoa học - kỹ thuật cho các đối tượng có nhu cầu.

4. Tham gia đấu thầu tuyển chọn các đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành và cơ sở.

Điều 11. Đánh giá nghiệm thu các đề tài, công trình khoa học, công nghệ hàng năm hoặc từng giai đoạn được thực hiện như sau:

1. Đề tài, công trình nghiên cứu theo đơn đặt hàng và hợp đồng kinh tế do bên đặt hàng thực hiện.

2. Các đề tài, công trình nghiên cứu của Viện do Viện tiến hành nghiệm thu. Các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước được đánh giá nghiệm thu theo quy định hiện hành.

Điều 12. Viện có trách trách nhiệm và quyền hạn đối với các kết quả nghiên cứu khoa học do Viện tạo ra, cụ thể:

1. Đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả) tại cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu Nhà nước bảo hộ.

2. Đối với các kết quả (kể cả mẫu vật, sản phẩm) nghiên cứu khoa học thuộc quyền sở hữu của bên đặt hàng và bên ký hợp đồng nghiên cứu, Viện có trách nhiệm:

a) Bảo quản an toàn và giữ bí mật theo quy định của Nhà nước;

b) Được công bố, trao đổi hoặc chuyển giao khi được cơ quan nhà nước cho phép hoặc bên ký hợp đồng thoả thuận.

Chương 5:

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 13. Nguồn tài chính bảo đảm hoạt động của Viện, gồm có:

1. Kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học, công nghệ do Nhà nước cấp, bao gồm: Tiền lương, chi phí hoạt động bộ máy, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành và cơ sở.

2. Nguồn thu được từ các hợp đồng kinh tế với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ.

3. Kinh phí thu được do triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các kết quả nghiên cứu, dịch vụ khoa học - kỹ thuật và kiểm định hàng hoá.

4. Kinh phí từ hợp tác nghiên cứu, tài trợ của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước.

5. Nguồn vay tín dụng, huy động vốn trong cán bộ công nhân viên trong và ngoài Viện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

6. Vốn tự bổ sung do hoạt động của Viện sau khi làm xong nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Điều 14. Viện lập kế hoạch thu, chi tài chính hàng quý, hàng năm, báo cáo kế toán, thống kê và quyết toán tài chính theo quy định của Luật Kế toán, thống kê.

Điều 15. Viện sở hữu và quản lý khai thác các tài sản được Nhà nước và Bộ giao, bao gồm: 

1. Trụ sở chính của Viện tại số nhà 171-175, Hàm Nghi, quận I, TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: Nhà làm việc, các phòng thí nghiệm, thiết bị, xe cộ, máy móc, vật kiến trúc và toàn bộ cơ sở hạ tầng nằm trong khu vực đất được quy hoạch theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật được Bộ Công nghiệp phê duyệt.

2. Trạm thực nghiệm Bình Thạnh, số 1143, đường Xô viết - Nghệ Tĩnh, phường 28, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh.

3. Xưởng sản xuất thực nghiệm, số 498, đường Xô viết - Nghệ Tĩnh, phường 28, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh.

4. Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò đóng tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

5. Trung tâm sản xuất thực nghiệm giống đóng tại xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Điều 16. Viện có trách nhiệm bảo quản, sử dụng tài sản đúng mục đích có hiệu quả. Toàn bộ tài sản phải được thống kê đầy đủ ghi sổ sách theo quy định của Nhà nước. Việc thanh lý, chuyển nhượng và điều động tài sản của Viện thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

LAO ĐỘNG VÀ TIỀN LƯƠNG

Điều 17. Biên chế của Viện do Bộ Công nghiệp quyết định theo từng thời kỳ phát triển trên cơ sở xem xét, đề nghị của Viện. Trong khuôn khổ biên chế được giao, Viện có trách nhiệm:

1. Xây dựng quy chế và tổ chức thi tuyển, xét tuyển, tuyển dụng viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện các chính sách, chế độ đối với người lao động theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức và các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Viện được ký hợp đồng lao động thuê chuyên gia, cộng tác viên, nhân công để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, dịch vụ và hoạt động sản xuất - kinh doanh theo quy định của Bộ luật Lao động.

Điều 18. Căn cứ chế độ tiền lương của Nhà nước, quỹ tiền lương từ ngân sách, kinh phí thu được từ các hoạt động chuyển giao công nghệ, dịch vụ, hoạt động sản xuất - kinh doanh, Viện xây dựng quy chế phân phối tiền lương, tiền thưởng báo cáo Bộ và tổ chức thực hiện.

Điều 19. Thực hiện công tác kỹ thuật an toàn, bảo hộ lao động cho người lao động và thiết bị của Viện theo quy định của pháp luật.

Chương 7:

TỔ CHỨC QUẢN LÝ

Điều 20. Cơ cấu tổ chức của Viện, gồm có:

1. Lãnh đạo:

a) Viện trưởng;

b) Các Phó Viện trưởng.

2. Các bộ phận nghiệp vụ:

a) Phòng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế

b) Phòng Nghiên cứu đầu tư và phát triển công nghệ;

c) Phòng Tài chính - Kế toán;

d) Phòng Tổ chức - Hành chính.

3. Các bộ môn nghiên cứu:

a) Bộ môn Hóa dầu béo;

b) Bộ môn Tinh dầu và Hương liệu;

c) Bộ môn Công nghệ sinh học;

d) Bộ môn Cây có dầu ngắn ngày;

đ) Bộ môn Cây có dầu dài ngày;

e) Phòng Thí nghiệm phân tích.

4. Các đơn vị sản xuất thực nghiệm và dịch vụ:

a) Xưởng sản xuất thực nghiệm;

b) Trạm thực nghiệm Bình Thạnh;

c) Trung tâm sản xuất thực nghiệm Đồng Gò;

d) Trung tâm Sản xuất thực nghiệm giống Trảng Bàng;

đ) Trung tâm Chuyển giao công nghệ và môi trườn

Điều 21. Căn cứ yêu cầu phát triển theo từng thời kỳ, Viện được tổ chức các phòng, ban, các bộ môn theo nguyên tắc gọn nhẹ để đáp ứng nhiệm vụ Bộ giao. Việc thay đổi cơ cấu tổ chức, quy định chức năng nhiệm vụ các phòng ban và bộ môn, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm các trưởng, phó phòng ban, bộ môn, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm do Viện trưởng quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Công nghiệp.

Điều 22. Viện tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng, Viện trưởng là người lãnh đạo cao nhất của Viện, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng về toàn bộ các mặt hoạt động của Viện.

Viện trưởng và các Phó Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Điều 23. Viện trưởng có các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tổ chức và điều hành các hoạt động của Viện phù hợp với pháp luật, các quy định của Nhà nước và Bộ Công nghiệp.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch năm năm, hàng năm; sơ kết, tổng kết, báo cáo định kỳ và đột xuất đánh giá tình hình hoạt động của Viện với Bộ trưởng.

3. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trực thuộc trên cơ sở Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Viện được Bộ trưởng phê duyệt.

4. Thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với cán bộ, công nhân viên chức phù hợp với nhiệm vụ và điều kiện của Viện để phát huy tối đa năng lực, sở trường về chuyên môn, nghiệp vụ của từng thành viên.

5. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiếp nhận, thuyên chuyển, nâng lương, nghỉ chế độ, khen thưởng, kỷ luật, cử đi học, đi công tác ở trong nước và ngoài nước theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Công nghiệp;

6. Quản lý, sử dụng có hiệu qủa cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn và tài sản của Viện theo các quy định của Nhà nước.

7. Trong phạm vi quyền hạn được giao, ban hành các quy định, quy chế quản lý phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước để đưa các hoạt động của Viện đi vào nề nếp.

8. Khi vắng mặt, Viện trưởng ủy quyền một Phó Viện trưởng điều hành và giải quyết công việc nhưng Viện trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm trước Bộ và pháp luật về sự uỷ quyền đó

Điều 24. Các Phó Viện trưởng là người giúp việc Viện trưởng, được Viện trưởng phân công phụ trách một hoặc một số mặt công tác cụ thể của Viện, trực tiếp quản lý, điều hành giải quyết công việc thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách, chịu trách nhiệm về các quyết định trước Viện trưởng, Bộ trưởng và pháp luật. Trong trường hợp giải quyết công việc có nhiều vướng mắc, các nhiệm vụ ngoài thẩm quyền, các Phó viện trưởng báo cáo Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 25. Các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ có các nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng và quyền hạn được giao.

2. Đề xuất các đề án, dự án, các chủ trương công tác, dự thảo các quyết định quản lý theo thẩm quyền để Viện trưởng xem xét, quyết định.

3. Tổ chức thực hiện các quyết định của Viện trưởng và giải quyết công việc thường xuyên thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 26. Các bộ phận phục vụ, dịch vụ, sản xuất và chuyển giao công nghệ không có tư cách pháp nhân do Viện trưởng quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bổ nhiệm các chức danh quản lý

Điều 27.  Các Hội đồng tư vấn:

1. Việc thành lập các hội đồng tư vấn (Hội đồng khoa học; Hội đồng lương, Hội đồng tuyển dụng viên chức; Hội đồng thi đua, khen thưởng, kỷ luật…) do Viện trưởng quyết định và có quy chế hoạt động riêng.

2. Hội đồng Khoa học của Viện thực hiện theo Điều 19 Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000 và Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ.

3. Các Hội đồng khác do Viện trưởng quyết định thành lập, cơ cấu thành phần theo quy định của Bộ Công nghiệp.

Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ công nhân viên

1. Được giao nhiệm vụ rõ ràng và có trách nhiệm hoàn thành tốt công việc được giao.

2. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, quyết định của Viện trưởng và pháp luật hiện hành.

3. Được sử dụng phương tiện làm việc theo yêu cầu công việc và có nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản chung của Viện.

4. Tham gia thảo luận, góp ý kiến xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, sơ kết, tổng kết của đơn vị công tác và của Viện. Được đề xuất các biện pháp cải tiến tổ chức quản lý, điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần, vệ sinh môi trường, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Viện.

5. Tham gia thảo luận, xây dựng các quy chế về tổ chức quản lý, quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, công nhân viên trong Viện.

6. Được đề xuất để Viện trưởng bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách, chế độ của Nhà nước đối với cán bộ công nhân viên theo quy định của Bộ luật lao động.

Chương 8:

MỐI QUAN HỆ GIỮA VIỆN VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Điều 29. Viện Nghiên cứu Dầu thực vật - Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm chịu sự kiểm tra, giám sát của Bộ Công nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước theo lĩnh vực thuộc chức năng đã được pháp luật quy định, như sau:

1. Chấp hành pháp luật, thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ Công nghiệp có liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của Viện.

2. Chấp hành các chế độ tài chính, tín dụng, thuế, thu lợi nhuận, các chế độ kế toán thống kê theo quy định của Luật Kế toán, thống kê.

3. Tuân thủ các quy định của Nhà nước, Bộ Công nghiệp về công tác tổ chức, cán bộ bao gồm: Thành lập, chia tách, sáp nhập, tổ chức lại, giải thể; phê duyệt, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Viện; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật Viện trưởng, Phó Viện trưởng.

4. Thực hiện các quy định của Nhà nước về quan hệ đối ngoại và xuất nhập, khẩu.

5. Thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ đối cán bộ, viên chức, nghiên cứu viên và người lao động trong Viện theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Viện được quan hệ hợp tác, phối hợp với các Vụ chức năng, các Cục Quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ, các đơn vị nghiên cứu khoa học – công nghệ, thông tin báo chí, các trường đào tạo, doanh nghiệp và các tổ chức khác để thực hiện nhiệm vụ của Viện.

Viện được phép thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu, triển khai khoa học, công nghệ, đào tạo – bồi dưỡng cán bộ với các cơ quan tổ chức trong khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Viện trưởng được tham dự các cuộc họp của lãnh đạo Bộ bàn về các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Viện.

Điều 32. Mối quan hệ giữa Viện trưởng với cấp ủy Đảng của Viện thực hiện theo Quy định số 97/QĐ – TW ngày 22 tháng 3 năm 2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều 33. Mối quan hệ giữa Viện trưởng với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở là mối quan hệ phối hợp, giải quyết những vấn đề liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của công đoàn; nghĩa vụ, quyền lợi của đoàn viên theo Luật Công đoàn ngày 30 tháng 6 năm 1990.

Điều 34. Viện trưởng tạo điều kiện làm việc, cung cấp thông tin cần thiết để tổ chức cơ sở Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ, quyền lợi của mình theo Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Điều 35. Viện chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi Viện đặt trụ sở.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Điều lệ này áp dụng cho Viện Nghiên cứu Dầu thực vật - Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm. Các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công nhân viên trong Viện có trách nhiệm thực hiện Điều lệ này.

Điều 37. Căn cứ vào các quy định của Điều lệ này, Viện trưởng có trách nhiệm xây dựng và ban hành nội quy, quy chế, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong cơ cấu tổ chức của Viện.

Điều 38. Việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Điều lệ này do Viện trưởng đề nghị và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp xem xét quyết định.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 67/2004/QĐ-BCN phê duyệt Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Viện Nghiên cứu Dầu thực vật - Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 67/2004/QĐ-BCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/07/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Xuân Thuý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 22/08/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản