Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 666/2003/QĐ-BLĐTBXH

Hà nội, ngày 30 tháng 05 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001;
Căn cứ Nghị định 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31/03/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Cục Quản lý lao động ngoài nước là đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng Quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động và chuyên gia theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý lao động ngoài nước có tên giao dịch quốc tế là: Department of Overseas Labour, viết tắt là DOLAB.

Điều 2. Cục Quản lý lao động ngoài nước có nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ:

- Chiến lược, chương trình, kế hoạch năm năm và hàng năm; các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động và chuyên gia;

- Các văn bản quy phạm pháp luật về xuất khẩu lao động và chuyên gia;

- Các văn bản thỏa thuận, nội dung đàm phán về xuất khẩu lao động và chuyên gia giữa nước ta với nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện quy định của Nhà nước, của Bộ về xuất khẩu lao động và chuyên gia;

3. Khai thác, định hướng phát triển thị trường lao động ngoài nước;

4. Nghiên cứu, thu thập và xử lý thông tin, tư liệu về lĩnh vực liên quan ở trong và ngoài nước nhằm phục vụ hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia. Tuyên truyền, giới thiệu, Quảng bá nguồn lao động và khả năng cung ứng lao động của Việt Nam với thị trường lao động ngoài nước. Tư vấn về chính sách, cơ chế, quy trình đối với hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia;

5. Thẩm định trình Bộ cấp và thu hồi giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia;

6. Quản lý việc đăng ký, hướng dẫn tổ chức thực hiện hợp đồng cung ứng lao động và chuyên gia;

7. Xây dựng chương trình, biên soạn và phát hành tài liệu đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

8. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia;

9. Thu, Quản lý và sử dụng các nguồn thu từ xuất khẩu lao động và chuyên gia theo quy định;

10. Thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia; phát hiện, xử lý theo thẩm quyền được giao hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền các hình thức xử lý đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm quy định về xuất khẩu lao động và chuyên gia;

11. Sơ kết, tổng kết, đánh giá; báo cáo định kỳ và đột xuất hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia theo quy định;

12. Thực hiện nghiên cứu khoa học về xuất khẩu lao động và chuyên gia; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ theo phân công của Bộ;

13. Quản lý cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, tài sản được giao theo quy định của nhà nước và của Bộ;

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ giao.

Điều 3. Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động của các Ban, bộ phận Quản lý lao động, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở nước ngoài theo quy định của nhà nước và theo phân cấp của Bộ; được quan hệ với Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài về các nội dung liên quan đến nhiệm vụ được giao.

Điều 4. Cục Quản lý lao động ngoài nước có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng giúp việc.

Cơ cấu tổ chức của Cục gồm:

1. Phòng Thị trường lao động.

2. Phòng Quản lý lao động.

3. Phòng Đào tạo - Giáo dục định hướng.

4. Phòng Kế hoạch - Tài chính

5. Văn phòng.

6. Thanh tra.

7. Phòng Tổ chức cán bộ.

8. Trung tâm Thông tin - Tư vấn, được sử dụng con dấu và tài khoản riêng.

9. Các ban, bộ phận Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc và mối quan hệ công tác nội bộ đơn vị; Quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Cục; phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức trong Cục trên cơ sở biên chế được phân bổ, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chức năng, nhiệm vụ của các Ban, bộ phận Quản lý lao động ở nước ngoài do Bộ trưởng quyết định.

Điều 5. Cục Quản lý lao động ngoài nước có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quyết định này.

Điều 7. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI




Nguyễn Thị Hằng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 666/2003/QĐ-BLĐTBXH quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý lao động ngoài nước do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 666/2003/QĐ-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/05/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản