Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 653 /QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC TẠI LIBYA

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật số 72/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 10 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý lao động Việt Nam làm việc tại Libya với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung:

Tăng cường quản lý để ổn định và từng bước phát triển bền vững thị phần lao động Việt Nam tại Libya đi đôi với nâng cao chất lượng lao động.

2. Mục tiêu cụ thể:

Từ năm 2010 - 2015, bình quân mỗi năm đưa từ 5.000 - 7.000 lao động đi làm việc tại Libya, trong đó 80% lao động có nghề.

II. Phạm vi và đối tượng

1. Phạm vi: Đề án thực hiện trong giai đoạn 2010 – 2015.

2. Đối tượng:

- Cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án.

- Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là doanh nghiệp) tham gia Đề án.

- Người lao động đi làm việc tại Libya.

III. Các giải pháp chủ yếu:

1. Đàm phán để ký kết các hợp đồng cung ứng lao động sang làm việc tại Libya đảm bảo các quyền lợi và điều kiện làm việc của người lao động tối thiểu như sau:

a. Thời hạn hợp đồng: 1 năm và được gia hạn từng năm một.

b. Mức lương: Mức lương cơ bản tối thiểu (sau khi trừ thuế, bảo hiểm và các khoản đóng góp khác):

- Đối với lao động phổ thông:       220 USD/tháng

- Đối với lao động có nghề:         250 USD/tháng

Trường hợp người lao động phải đóng thuế và bảo hiểm thì mức lương cơ bản trong hợp đồng cung ứng sẽ phải tăng lên tương ứng. Lương được thanh toán bằng tiền đô la Mỹ hoặc các ngoại tệ có khả năng chuyển đổi tự do.

c. Thời gian làm việc: 8h/ngày và 26 ngày/tháng. Thời gian và chế độ làm thêm giờ áp dụng theo quy định của luật pháp Libya.

d. Các điều kiện khác:

- Người sử dụng lao động cung cấp miễn phí các thiết bị an toàn, bảo hộ lao động.

- Người sử dụng lao động cung cấp miễn phí vé máy bay lượt đi và lượt về sau khi hết hạn hợp đồng.

- Người sử dụng lao động cung cấp miễn phí chỗ ở có điều hòa (hoặc tối thiểu phải có quạt điện), giường, tủ cá nhân và các trang thiết bị thiết yếu khác.

- Người sử dụng lao động cung cấp miễn phí mỗi ngày ba bữa ăn đầy đủ dưỡng chất.

- Người lao động được chữa trị y tế miễn phí trong thời gian làm việc tại Libya.

- Trường hợp người lao động bị thương hoặc bị chết trong thời gian làm việc tại Libya, người sử dụng lao động có trách nhiệm chữa trị, đưa thi hài người lao động về nước và làm các thủ tục bảo hiểm bồi thường.

- Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn hợp đồng không do lỗi của người lao động, người sử dụng lao động chịu trách nhiệm đền bù cho người lao động.

đ. Mức tiền môi giới:

- Đối với lao động phổ thông:       không quá 400 USD/người/hợp đồng.

- Đối với lao động có nghề:         không quá 500 USD/người/hợp đồng.

e. Khuyến khích doanh nghiệp thỏa thuận với đối tác chuyển trực tiếp thu nhập của người lao động vào tài khoản của người thân hoặc thông qua tài khoản công ty xuất khẩu lao động tại Việt Nam. Phí chuyển tiền do người sử dụng lao động chịu.

2. Đẩy mạnh công tác chuẩn bị nguồn lao động:

a. Công tác tuyên truyền:

- Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thông tin về thị trường lao động Libya, về doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Libya và về nội dung cơ bản của các hợp đồng cung ứng lao động sang Libya đã được phép thực hiện.

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các huyện, xã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tư vấn đến người lao động.

b. Công tác tư vấn, tuyển chọn lao động:

Doanh nghiệp phối hợp với địa phương tổ chức tư vấn, giới thiệu hợp đồng tới người lao động và tổ chức tuyển chọn lao động theo yêu cầu của đối tác.

c. Công tác đào tạo:

- Doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bổ túc tay nghề và ngoại ngữ cho người lao động đáp ứng yêu cầu của hợp đồng.

- Doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 18/2007/QĐ-LĐTBXH và giáo trình do Cục Quản lý lao động ngoài nước ban hành, đảm bảo người lao động trước khi đi nắm chắc các quy định luật pháp có liên quan, phong tục tập quán của Libya và các điều kiện của hợp đồng lao động.

- Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức đào tạo đốc công, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Khoản 1 Mục IV Điều 1 Quyết định này.

3. Tăng cường phối hợp trong quản lý lao động tại Libya:

a. Cục Quản lý lao động ngoài nước:

- Chỉ đạo, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp về tổ chức quản lý lao động tại Libya theo quy định tại Quyết định này.

b. Ban Quản lý lao động tại Libya:

- Chỉ đạo trực tiếp đại diện các doanh nghiệp trong công tác quản lý lao động.

- Phối hợp với các doanh nghiệp xử lý những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý lao động.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Libya trong việc xử lý các vấn đề phát sinh, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

c. Các doanh nghiệp đưa lao động sang Libya:

- Cử đại diện tại Libya để quản lý lao động, theo dõi, giải quyết các vấn đề phát sinh.

- Đại diện doanh nghiệp tại Libya thực hiện báo cáo định kỳ và chịu sự chỉ đạo của Ban quản lý lao động Việt Nam tại Libya.

- Lao động làm việc tại các công trường xây dựng phải được tổ chức thành các đơn vị và các đội:

+ Tại mỗi công trường có từ 200 lao động trở lên, doanh nghiệp phải cử một điều phối viên do doanh nghiệp trả lương để quản lý lao động. Trường hợp công trường có số lượng lao động ít hơn 200 lao động thì doanh nghiệp có thể giao điều phối viên phụ trách một số công trường.

+ Mỗi đơn vị có từ 200 lao động trở lên phải có một kỹ sư xây dựng hoặc cán bộ phiên dịch do người sử dụng lao động trả lương. Kỹ sư hoặc phiên dịch phải được doanh nghiệp giao hỗ trợ điều phối viên trong công tác quản lý lao động.

+ Mỗi đội từ 30-50 người phải có ít nhất một đốc công do người sử dụng lao động trả lương. Đốc công phải được doanh nghiệp giao hỗ trợ kỹ sư xây dựng hoặc phiên dịch và điều phối viên trong công tác quản lý lao động.

4. Lựa chọn doanh nghiệp tham gia Đề án:

Doanh nghiệp tham gia đề án phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Có hợp đồng cung ứng lao động đảm bảo các yêu cầu về quyền lợi của người lao động theo quy định tại Khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định này. Hợp đồng phải có kèm theo các tài liệu chứng minh tính khả thi, gồm: Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của Libya cho phép nhận lao động Việt Nam, Hợp đồng cung ứng lao động, Thư yêu cầu tuyển dụng, Thư ủy quyền của người sử dụng lao động Libya.

- Ưu tiên các hợp đồng cung ứng lao động cho các công trình xây dựng của nhà thầu nước ngoài tại Libya hoặc liên doanh giữa nhà thầu nước ngoài và nhà thầu Libya.

- Cam kết tuyển chọn tối thiểu 30% lao động thuộc các huyện nghèo theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020.

- Nếu đối tác nhận lao động ký hợp đồng cung ứng lao động với hai doanh nghiệp Việt Nam trở lên thì các chế độ về quyền lợi của người lao động phải tương đương nhau. Hợp đồng ký kết sau phải có điều kiện đối với người lao động tương đương hoặc cao hơn hợp đồng đã ký kết trước.

- Doanh nghiệp không bị xử phạt hành chính do vi phạm các quy định về tuyển chọn, đào tạo và quản lý lao động trong hoạt động xuất khẩu lao động trong 2 năm trước thời điểm đăng ký tham gia Đề án.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Cục quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án.

- Nghiên cứu tình hình thị trường, chính sách, quy định luật pháp có liên quan của Libya để định hướng chỉ đạo các doanh nghiệp trong công tác phát triển thị trường đối với từng giai đoạn cụ thể.

- Căn cứ tình hình thực tế của thị trường, nghiên cứu trình Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội điều chỉnh, bổ sung về điều kiện hợp đồng đưa lao động sang làm việc tại Libya.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền chức danh, tiêu chuẩn cán bộ quản lý lao động của doanh nghiệp tại thị trường Libya.

- Xem xét cho phép các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia đưa lao động sang làm việc tại Libya.

- Xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm để thực hiện Đề án.

- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn các huyện nghèo và các doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và các cơ quan có liên quan chuẩn bị, trình các cấp có thẩm quyền ký kết thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai nước và triển khai thực hiện sau khi ký kết.

- Chỉ đạo và hỗ trợ doanh nghiệp xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Đề án.

2. Vụ Hợp tác quốc tế có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và các cơ quan có liên quan chuẩn bị, trình các cấp có thẩm quyền ký kết thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai nước và triển khai thực hiện sau khi ký kết.

3. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm:

- Tổng hợp kế hoạch kinh phí thực hiện Đề án hàng năm để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí kinh phí thực hiện Đề án sau khi được phê duyệt.

- Hướng dẫn Cục Quản lý lao động ngoài nước về quy trình, thủ tục và các chế độ tài chính thực hiện Đề án.

4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và các doanh nghiệp tham gia Đề án thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định này.

- Chỉ đạo, quản lý công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động trên địa bàn.

5. Ban Quản lý lao động tại Libya có trách nhiệm:

- Nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, chính sách và phương thức nhận lao động nước ngoài của Libya để đề xuất chủ trương, chính sách và giải pháp đối với thị trường Libya.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Libya quản lý lao động và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến lao động Việt Nam làm việc tại Libya.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động và thẩm định hợp đồng của doanh nghiệp.

6. Các doanh nghiệp tham gia Đề án có trách nhiệm:

- Đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động theo quy định tại Quyết định này.

- Triển khai tuyển chọn, đào tạo và cung ứng lao động đáp ứng yêu cầu đối tác và phù hợp với các quy định tại Quyết định này, trong đó tối thiểu có 30% lao động là lao động của các huyện nghèo theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg.

- Tổ chức quản lý lao động tại Libya theo quy định tại Quyết định này.

Các doanh nghiệp đang đưa lao động sang Libya phải kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý lao động; các doanh nghiệp đề nghị được tham gia Đề án phải xây dựng phương án tổ chức quản lý lao động tại Libya phù hợp với quy định tại điểm c Khoản 3 Mục III Điều 1 Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các doanh nghiệp (để thực hiện);
- Lưu VP, Cục QLĐNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Hòa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 653/QĐ-LĐTBXH năm 2010 phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý lao động Việt Nam làm việc tại Libya do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 653/QĐ-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/05/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/05/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản