Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/2017/QĐ-UBND | Nghệ An, ngày 19 tháng 10 năm 2017 |
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “VINH” CHO SẢN PHẨM CAM QUẢ CỦA TỈNH NGHỆ AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Sở hữu Trí tuệ ngày 29/11/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 957/TTr-SKHCN ngày 09/10/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/10/2017 và bãi bỏ Quyết định số 5401/QĐ-UBND ngày 08/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cam “Vinh”, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “VINH” CHO SẢN PHẨM CAM QUẢ CỦA TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 65/2017/QĐ-UBND ngày 19/10/2017 của UBND tỉnh Nghệ An)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31/5/2007).
Những nội dung về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An không nêu trong Quy chế này thì áp dụng theo Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý nhà nước có các hoạt động liên quan đến quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An.
1. Chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm cam quả có nguồn gốc xuất xứ từ vùng lãnh thổ chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Nghệ An và có mức chất lượng được quy định tại Quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31/5/2007 của Cục Sở hữu trí tuệ.
2. Trao (cấp) quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” là việc cơ quan được UBND tỉnh Nghệ An ủy quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất cam quả được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh”, thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho tổ chức, cá nhân đó.
3. Sử dụng chỉ dẫn địa lý là việc gắn chỉ dẫn địa lý “Vinh” lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, biển hiệu, phương tiện, giấy tờ giao dịch,... trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá cam quả trong vùng chỉ dẫn địa lý “Vinh.
4. Logo chỉ dẫn địa lý “Vinh”: Là hình ảnh, biểu tượng của chỉ dẫn địa lý “Vinh”, được cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý phê duyệt, dùng để gắn lên sản phẩm của tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh”.
5. Tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý: Là tem có gắn chỉ dẫn địa lý “Vinh” được cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý quy định về hình thức, mẫu mã, chất liệu, các thông tin truy xuất, dấu hiệu nhận biết sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, được sử dụng một lần cho mỗi sản phẩm.
6. Tổ chức, tập thể: Bao gồm liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết sản xuất, trang trại trồng cam, các tổ chức được thành lập hợp pháp khác của những nhà sản xuất cam quả.
7. Kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Vinh”: do các cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý và các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý kiểm tra, đánh giá các hoạt động sản xuất, kinh doanh cam quả mang chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân khác được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý nhằm đảm bảo các đặc tính bảo hộ của chỉ dẫn địa lý “Vinh”.
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “VINH” CHO SẢN PHẨM CAM QUẢ
1. Sản phẩm cam quả được trồng trong vùng địa danh diện tích được công nhận chỉ dẫn địa lý “Vinh” quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31/5/2007.
2. Tuân thủ quy trình sản xuất, bảo quản cam mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương. Các giống cam và chất lượng cam quả đáp ứng yêu cầu quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31/5/2007.
3. Được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và đang còn hiệu lực tối thiểu 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả.
4. Được Hội đồng thẩm định đánh giá điều kiện thực tế sản xuất đáp ứng yêu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh”.
Điều 4. Hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Vinh”
Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” có hiệu lực 05 năm kể từ ngày ký quyết định cấp, được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm kể từ ngày ký quyết định gia hạn.
Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền quản lý chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có thẩm quyền thực hiện các thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh.
Điều 6. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh”
1. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Khoa học và Công nghệ. Hồ sơ nộp có thể nộp trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua đường bưu điện.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả của hội đồng thẩm định, Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 3 của Quy chế này. Trường hợp tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định, Sở Khoa học và Công nghệ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Điều 7. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh”
1. Thành phần hồ sơ gồm:
a) 01 Bản gốc Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (Phụ lục I ban hành kèm theo Quy chế này);
b) 01 Bản sao Giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương còn hiệu lực. Trường hợp cơ sở sản xuất chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương, trong hồ sơ phải có nhật ký sản xuất (thể hiện đầy đủ thông tin về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng và quy trình, nhật ký sử dụng);
c) Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đang còn hiệu lực tối thiểu 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả (bản sao).
d) Mẫu bao bì, nhãn hàng hóa (nếu có);
2. Trường hợp chủ thể nộp đơn là tổ chức tập thể, ngoài các thành phần hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cần có thêm các giấy tờ sau:
a) Quy định kiểm soát nội bộ việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của tổ chức tập thể;
b) Danh sách các thành viên đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý có chữ ký của từng thành viên;
c) Bản kê khai: địa bàn sản xuất, sản lượng hàng năm, địa chỉ tiêu thụ.
3. Số lượng hồ sơ: Hồ sơ được lập thành 02 bộ, 01 bộ nộp tại Sở Khoa học và Công nghệ; 01 bộ lưu tại cơ sở.
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh”
1. Các tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, trong quá trình sử dụng có sự thay đổi hợp pháp về thông tin hoặc bị mất, rách, hỏng Giấy chứng nhận (còn hiệu lực) nộp hồ sơ yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tại Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An. Hồ sơ nộp trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua đường bưu điện.
2. Thành phần hồ sơ gồm:
a) Bản gốc Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (Phụ lục II ban hành kèm theo Quy chế này);
b) Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (trong trường hợp sửa đổi, bổ sung hoặc cấp lại do Giấy chứng nhận bị rách, hỏng);
c) Tài liệu minh chứng về sự thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân có yêu cầu sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận (nếu có).
3. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ xác nhận các thông tin cần sửa đổi, bổ sung và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, Sở Khoa học và Công nghệ có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Điều 9. Gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh”
1. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tại Sở Khoa học và Công nghệ trước ngày Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hết hiệu lực 01 tháng. Hồ sơ nộp trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua đường bưu điện.
2. Thành phần hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (Phụ lục III ban hành kèm theo Quy chế này);
b) Bản sao Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (nếu có).
Trường hợp cơ sở sản xuất chưa được công nhận theo tiêu chuẩn GAP trong hồ sơ phải có nhật ký sản xuất (thể hiện đầy đủ thông tin về các loại Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng và quy trình, nhật ký sử dụng);
c) Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đang còn hiệu lực tối thiểu 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả (bản sao).
d) Mẫu bao bì, nhãn hàng hóa (nếu có thay đổi so với mẫu cũ);
3. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
4. Trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá điều kiện thực tế của tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả của hội đồng thẩm định, Sở Khoa học và Công nghệ cấp Quyết định gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 3 của Quy chế này. Trường hợp tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định, Sở Khoa học và Công nghệ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Điều 10. Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh”
Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh“ cho sản phẩm cam quả bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý có văn bản đề nghị chấm dứt hoặc hủy bỏ quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;
b) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý không còn tồn tại hoặc không sản xuất cam quả;
c) Tổ chức, cá nhân vi phạm các nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3 và Điều 12 của Quy chế này.
1. Sở Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá gồm 7 thành viên, sau: Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ - Chủ tịch Hội đồng; Đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An - Phó Chủ tịch Hội đồng; Các ủy viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, UBND cấp huyện, Hội/ Chi hội sản xuất kinh doanh cam, UBND cấp xã (nơi có đơn vị đề nghị cấp Giấy chứng nhận), Ủy viên thư ký của Hội đồng là đại diện lãnh đạo (hoặc chuyên viên quản lý) Phòng quản lý công nghệ và thị trường KHCN, Sở KH&CN.
2. Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định
a) Thẩm định hồ sơ; kiểm tra, đánh giá điều kiện thực tế sản xuất cam quả của tổ chức/ cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh“ đối với sản phẩm cam quả.
b) Tham mưu Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ xem xét quyết định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “vinh“ đối với sản phẩm cam quả.
Điều 12. Sử dụng logo, tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý “Vinh”
1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất cam quả được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh“, phải sử dụng thống nhất chung logo cam “Vinh” đã được bảo hộ trên bao bì thương mại, biển hiệu kinh doanh.
2. Các tổ chức, cá nhân sản xuất cam quả được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh“ thì được cấp tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý cam “Vinh”. Mã tem truy xuất nguồn gốc được cấp sử dụng riêng biệt cho từng tổ chức, cá nhân sản xuất cam trong vùng chỉ dẫn địa lý. Thời hạn sử dụng mã tem truy xuất nguồn gốc được tính từ khi bắt đầu thu hoạch cam cho đến hết hạn sử dụng của sản phẩm.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh không được cấp tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý cam “Vinh”; Nhưng được quảng bá, sử dụng logo cam “Vinh” trên biển hiệu cửa hàng khi kinh doanh cam quả có dán tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý “Vinh”.
4. Tem truy xuất nguồn gốc mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả được quy định thống nhất sử dụng chung một loại về mẫu mã, hình ảnh, chất liệu, kích thước, thông tin, giải pháp công nghệ và được gắn trên từng quả cam, bao bì hàng hóa chứa đựng cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”. Mỗi quả cam/ bao bì hàng hóa chứa đựng cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” chỉ được dán một tem truy xuất nguồn gốc duy nhất và đảm bảo tính hợp lệ (trong thời hạn sử dụng của sản phẩm cam).
5. Các tổ chức, cá nhân không được chuyển nhượng, trao đổi, mua bán, tẩy xóa, sửa chữa thông tin quy định trên logo và tem truy xuất nguồn gốc cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”.
6. Trường hợp sản phẩm cam sử dụng logo “Cam Vinh” có biểu hiện vi phạm các quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 của Quy chế này thì cơ quan quản lý tiến hành khóa mã tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm.
Điều 13. Quản lý và cấp mã, phôi, tem truy xuất nguồn gốc đối với cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”
1. Tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý “Vinh” phải có những nội dung thông tin bắt buộc sau:
a) Thông tin sản phẩm:
- Tên sản phẩm;
- Giống cam;
- Quy cách đóng gói;
- Bảo quản;
- Ngày thu hoạch;
- Hạn sử dụng;
- Phân loại chất lượng;
- Thông tin cảnh báo; (nếu có)
b) Thông tin sản xuất
- Quy trình sản xuất;
- Địa chỉ sản xuất; (tên cơ sở sản xuất, địa chỉ)
- Diện tích;
- Số lượng (tấn);
- Thời gian gieo trồng.
c) Thông tin nhà sản xuất:
- Tên tổ chức, cá nhân đại diện; (Doanh nghiệp; Hợp tác xã; hộ sản xuất)
- Địa chỉ giao dịch;
- Điện thoại giao dịch; email;
d) Thông tin nhà phân phối: (nếu có)
- Đơn vị phân phối;
- Người đại diện;
- Địa chỉ;
- Điện thoại.
2. Khuyến khích đưa các thông tin sau vào nội dung tem truy xuất nguồn gốc:
a) Các bản chụp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cam “Vinh”; Giấy chứng nhận sản xuất theo mô hình Viet Gap, Global Gap; Quy trình sản xuất; Nhật ký sản xuất,…;
b) Các hình ảnh, bài viết, video clip giới thiệu quảng bá về đặc sản cam “Vinh”, về văn hóa, con người xứ nghệ; các danh lam thắng cảnh, điểm văn hóa du lịch,…;
c) Mẫu nhãn hiệu hàng hóa;
d) Các thông tin khác nếu có.
3. Tất cả những thông tin ghi trên tem truy xuất nguồn gốc phải được khai báo đầy đủ, chính xác với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khi đề nghị cấp mã truy xuất nguồn gốc.
Điều 14. Quy định về in tem truy xuất nguồn gốc
1. Hàng năm, trước kỳ thu hoạch cam 01 tháng, các tổ chức, cá nhân đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý trên cơ sở diện tích canh tác, năng suất dự kiến để đăng ký cấp mã truy xuất nguồn gốc và số lượng tem truy xuất nguồn gốc sử dụng trong năm với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng Nghệ An (Đơn vị được Sở Khoa học và Công nghệ ủy quyền cấp mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh“).
2. Việc in tem truy xuất nguồn gốc do các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện (có máy in, máy tính kết nối Internet, người vận hành) hoặc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện.
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân đủ điều kiện in tem truy xuất nguồn gốc:
- Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp mã truy xuất nguồn gốc tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
- Tổ chức, cá nhân đăng nhập hệ thống và tiến hành khai báo theo các trường thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Quy chế này. Sau khi tổ chức, cá nhân khai báo xong, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm tra thông tin khai báo, nếu đúng yêu cầu sẽ kích hoạt mã và cho phép in tem theo nhu cầu đã khai báo.
b) Trường hợp các tổ chức, cá nhân chưa đủ điều kiện để trực tiếp in tem thì Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An trực tiếp in và cấp tem (sau khi đã tiếp nhận, kiểm soát thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Quy chế này).
3. Kinh phí mua phôi, in tem:
a) Kinh phí mua phôi và in tem do tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chi trả theo giá cả thị trường tại từng thời điểm.
b) Hàng năm, giao Sở Khoa học và công nghệ chỉ đạo, hướng dẫn mua sắm phôi tem truy xuất theo quy định của Nhà nước và công bố rộng rãi, kịp thời đơn giá phôi tem trên phương tiện thông tin đại chúng.
c) Giá tem truy xuất nguồn gốc được tính toán dựa trên đơn giá phôi, mực in, khấu hao tài sản, chi phí nhân công và chi phí khác (nếu có) và được Sở Tài chính thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định hiện hành (trong trường hợp Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp in và cung cấp).
Điều 15. Kiểm soát nội bộ chỉ dẫn địa lý “Vinh”
1. Cơ quan thực hiện
Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh“ đối với sản phẩm cam quả thực hiện việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với các đơn vị/thành viên trực tiếp sử dụng tem truy xuất nguồn gốc của mình.
2. Nội dung kiểm soát
a) Kiểm soát thực hiện các khâu quy trình sản xuất (giống, quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…), thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ nhằm đảm bảo được tính đặc thù của cam quả mang chỉ dẫn địa lý.
b) Kiểm soát việc quản lý, sử dụng lô gô, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hàng hóa và các quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Điều 16. Trách nhiệm quản lý chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An
1. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền về triển khai thực hiện tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh“; Phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh:
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An;
- Chủ trì quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý “Vinh“ đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả việc quản lý tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý “Vinh“ đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Thực hiện tổng hợp, báo cáo kịp thời diễn biến, tình hình sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời thông tin (theo định kỳ) rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng (Báo Nghệ An, Đài PTTH tỉnh, Cổng thông tin điện tử Nghệ An...)
- Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra định kỳ (hoặc đột xuất) việc sử dụng lô gô, ghi nhãn hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh.
- Trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An;
c) Tổ chức đào tạo, tập huấn và phổ biến các quy định của pháp luật về Sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; Triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đối với cây cam.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì phối hợp các Sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch vùng chỉ dẫn địa lý “Vinh“ đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật, quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển đối với sản phẩm cam quả trong vùng chỉ dẫn địa lý “Vinh“.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh giống cây cam, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng cam quả;
c) Nghiên cứu và tổ chức áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giữ gìn tính đặc thù, cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng cam quả nói chung và sản phẩm cam mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” nói riêng;
d) Chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh cho các tổ chức, cá nhân.
3. Sở Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” ra thị trường trong nước và nước ngoài;
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra về hoạt động lưu thông thị trường, kinh doanh sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh“ trên địa bàn tỉnh. Xử lý các hành vi vi phạm quyền chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
4. Sở Văn hóa và Thể thao
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân liên quan tuyên truyền, quảng bá đặc sản cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”.
5. Sở Thông tin và truyền thông
a) Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về việc quảng bá sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh“, việc dán tem truy xuất nguồn gốc và các hoạt động quản lý, bảo tồn, khai thác và phát triển đặc sản cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”;
b) Theo thẩm quyền, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quyền chỉ dẫn địa lý “Vinh“ đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
6. Sở Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu đặc sản cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” gắn với các chương trình du lịch trong và ngoài nước;
b) Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh lữ hành xây dựng các chương trình du lịch canh nông tại các vùng cam mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” nhằm giới thiệu, quảng bá đặc sản cam “Vinh“ tới du khách trong và ngoài nước.
c) Hỗ trợ, hướng dẫn các chủ vườn cam xây dựng mô hình du lịch canh nông.
7. UBND các huyện, thành phố, thị xã
a) Đối với các huyện trong vùng được công nhận chỉ dẫn địa lý “Vinh“ cho sản phẩm cam quả (các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Hưng Nguyên, Nghi Lộc):
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, về Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh; Tăng cường quảng bá, giới thiệu về đặc sản cam mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” để từng bước đem sản phẩm cam là một trong những sản phẩm chủ lực để phát triển kinh tế của địa phương.
- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn trong vùng chỉ dẫn địa lý “Vinh“ đối với sản phẩm cam quả tổ chức thực hiện tốt Quy chế này; Chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản cam quả trong vùng chỉ dẫn địa lý; Kiểm tra xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền về chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả thuộc phạm vi quản lý; Phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát về hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống cam, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất lượng cam quả trên địa bàn.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống cam, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng cam quả lưu thông trên địa bàn; Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật về sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và lưu thông cam quả trên địa bàn; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả thuộc phạm vi quản lý.
- Đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” và cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam đủ điều kiện trên địa bàn.
b) Đối với các huyện, thành phố, thị xã sản xuất cam không nằm trong vùng được công nhận chỉ dẫn địa lý “Vinh“
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra về chất lượng sản phẩm cam quả lưu thông trên địa bàn và các hành vi xâm phạm quyền về chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp các huyện trong vùng chỉ dẫn địa lý triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ đặc sản cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”.
8. Các cơ quan truyền thông, báo chí: Báo Nghệ An, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, các cơ quan truyền thông, báo chí chủ động phối hợp các Sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về đặc sản cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” trên các phương tiện thông tin đại chúng.
9. Hội sản xuất kinh doanh cam “Vinh”, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”
a) Xây dựng Kế hoạch kiểm soát nội bộ về tình hình sử dụng tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý “Vinh‘ đối với sản phẩm cam quả hàng năm và tổ chức thực hiện thường xuyên, định kỳ; Kịp thời phát hiện, trình báo cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định để bảo vệ và phát triển thương hiệu “Cam Vinh“;
b) Tổ chức áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất và duy trì, đảm bảo chất lượng và tính đặc thù của sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh“, góp phần tăng giá trị của sản phẩm trên thị trường;
c) Sử dụng hợp pháp chỉ dẫn địa lý “Vinh” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cam quả như: gắn lô gô, tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý “Vinh” trên sản phẩm cam quả, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong lưu thông, quảng cáo,...
d) Tổ chức các hoạt động quảng bá, phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”; Xây dựng và phát triển mạng lưới tiêu thụ cho sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”;
đ) Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, các Sở ngành, địa phương tuyên truyền phổ biến và thực hiện nghiêm túc Quy chế này; quản lý, giám sát việc in, sử dụng lô gô, tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh;
e) Chủ động, phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan phát hiện, xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh.
1. Kinh phí của ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân được phân công trách nhiệm triển khai thực hiện, quản lý chỉ dẫn địa lý “Vinh“ đối với sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh.
2. Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh hàng năm.
a) Hỗ trợ công tác thẩm định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, bao gồm: chế độ thù lao chi các thành viên Hội đồng thẩm định (theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 22/01/2016 của UBND tỉnh, về việc ban hành định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An); chế độ công tác phí, in ấn, lưu trữ tài liệu.
b) Hỗ trợ công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra thực hiện việc cấp mã, phôi, tem; công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” và các nội dung liên quan đến sử dụng chỉ dẫn địa lý cam “Vinh”.
3. Kinh phí từ các nguồn thu đóng góp khác (tài trợ, lệ phí, hội phí,...).
4. Kinh phí tổ chức các hoạt động quản lý nội bộ do các tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan bố trí thực hiện.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện Quy chế này. Định kỳ 06 tháng và cả năm chủ trì tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu gặp vướng mắc, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có ý kiến phản hồi (bằng văn bản) về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
MẪU ĐƠN SỐ 1
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 65/2017/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
…...., ngày.........tháng……..năm........
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
QUYỀN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “VINH”
Kính gửi: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An
1. Tên tổ chức, cá nhân:
Địa chỉ:
2. Đại diện là: Chức vụ:
Điện thoại: Fax: E-mail:
3. Tôi/ chúng tôi đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm quả cam, với các thông tin sau:
- Giống cam: ………….. Diện tích sản xuất:............ ha;
- Năng suất bình quân (ha/năm)......................
- Địa điểm vườn sản xuất: thôn ….... xã,............ huyện ……........
- Diện tích khu sơ chế (nếu có):.... m2 loại nhà:............................
- Địa điểm khu sơ chế: …………………………………………………….
- Diện tích kho bảo quản (nếu có):…..… m2, tình trạng kỹ thuật:...............
- Địa điểm kho bảo quản (nếu có): ………………………………………….
- Địa điểm bao gói sản phẩm: ……………………………………………….
- Nguồn nước sử dụng để sơ chế (sông, ao, hồ, nước ngầm...):...................;
- Hình thức đưa sản phẩm ra thị trường:……………………………….
Chúng tôi xin cam kết những thông tin nêu trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm về các thông tin trên.
Chúng tôi cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung tại Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả tỉnh Nghệ An (ban hành kèm theo Quyết định số ……../QĐ-UBND ngày … tháng … năm 2017 của UBND tỉnh Nghệ An)./.
| Đại diện của tổ chức/cá nhân đề nghị |
MẪU ĐƠN SỐ 2
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 65/2017/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả
Kính gửi: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An
1. Tên tổ chức, cá nhân:
2. Địa chỉ:
3. Đại diện là: Chức vụ:
4. Điện thoại: Fax: E-mail:
Đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xem xét:
□ Cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;
□ Sửa đổi/ bổ sung nội dung Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
(đánh dấu “X“ vào ô tương ứng với yêu cầu)
Trường hợp yêu cầu sửa đổi/bổ sung:
Thông tin yêu cầu sửa đổi/bổ sung trong giấy chứng nhận là:
|
5. Hồ sơ kèm theo gồm: (đánh dấu “X” vào ô thích hợp):
□ Bản gốc Giấy chứng nhận (trường hợp sửa đổi, cấp lại);
□ Giấy tờ khác nhằm làm rõ yêu cầu.
Tôi cam đoan nội dung được khai ở trên là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
| ……., ngày….tháng….năm….. |
MẪU ĐƠN SỐ 3
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 65/2017/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh”
dùng cho sản phẩm cam quả
Kính gửi: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An
1. Tên tổ chức, cá nhân:
2. Địa chỉ:
3. Đại diện là: Chức vụ:
4. Điện thoại: Fax: E-mail:
5. Số Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả đã cấp:…………….. ngày cấp:....................................
Thời gian hiệu lực: ________________ năm, kể từ ngày.... tháng…. năm........ đến ngày.... tháng….. năm.......
Đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xem xét gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” lần …. cho sản phẩm cam quả của chúng tôi.
| ……., ngày….tháng….năm….. |
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 65/2017/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)
UBND TỈNH NGHỆ AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: | …, ngày… tháng… năm….. |
QUYỀN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “VINH” CHO SẢN PHẨM CAM QUẢ
Số: /CN-SKHCN
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CHỨNG NHẬN
Tổ chức/Cá nhân: .......................................................................................................
Người đại diện: ………………………chức vụ: ..............................................................
Địa chỉ: ......................................................................................................................
Được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả
sản xuất tại.........................................................................................
................................................................................................................
................................................................................................................
Có giá trị từ ngày / / đến hết ngày: / / /.
| ……….., ngày tháng năm …. |
- 1Quyết định 02/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 tỉnh Điện Biên
- 2Quyết định 2484/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc dùng cho sản phẩm mật ong bạc hà của tỉnh Hà Giang
- 3Quyết định 15/2017/QĐ-UBND Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Long Khánh dùng cho sản phẩm quả chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 4Quyết định 5401/QĐ-UBND năm 2010 về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An
- 5Quyết định 3957/QĐ-UBND năm 2017 về quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam
- 6Quyết định 20/2018/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bắc Giang kèm theo Quyết định 46/2010/QĐ-UBND
- 7Quyết định 636/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum
- 8Quyết định 40/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho sản phẩm trúc sào và chiếu trúc sào tỉnh Cao Bằng
- 1Luật Sở hữu trí tuệ 2005
- 2Nghị định 103/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp
- 3Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009
- 4Nghị định 122/2010/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Quyết định 12/2016/QĐ-UBND về Định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 7Quyết định 02/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 tỉnh Điện Biên
- 8Quyết định 2484/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc dùng cho sản phẩm mật ong bạc hà của tỉnh Hà Giang
- 9Quyết định 15/2017/QĐ-UBND Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Long Khánh dùng cho sản phẩm quả chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 10Quyết định 3957/QĐ-UBND năm 2017 về quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam
- 11Quyết định 20/2018/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bắc Giang kèm theo Quyết định 46/2010/QĐ-UBND
- 12Quyết định 636/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum
- 13Quyết định 40/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho sản phẩm trúc sào và chiếu trúc sào tỉnh Cao Bằng
Quyết định 65/2017/QĐ-UBND về quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Vinh cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An
- Số hiệu: 65/2017/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/10/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Huỳnh Thanh Điền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra