Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 65/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH AN GIANG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;  
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2007/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định hoạt động, một số chính sách và tổ chức quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

Điều 2.

1. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia với các khu chức năng có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất theo các quy định hiện hành bao gồm hạ tầng kinh tế - xã hội và chính sách, cơ chế quản lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường.

2. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên là 265,83 km2, bao gồm: khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, khu vực cửa khẩu Khánh Bình và khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, cụ thể như sau:

a) Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, có diện tích tự nhiên 99,16 km2, gồm thị trấn Tân Châu và các xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hoà, Tân An, Phú Lộc, Long An thuộc huyện Tân Châu. Ranh giới địa lý được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp: biên giới Campuchia;

- Phía Nam giáp: các xã phía Nam huyện Tân Châu và một phần xã Long Sơn (huyện Phú Tân);

- Phía Đông giáp: sông Tiền;

- Phía Tây giáp: huyện An Phú.

b) Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên có diện tích tự nhiên 92,55 km2, gồm các thị trấn Tịnh Biên, Nhà Bàng và các xã: An Nông, An Phú, Nhơn Hưng thuộc huyện Tịnh Biên. Ranh giới địa lý được xác định như sau:

- Phía Tây giáp: Campuchia;

- Phía Đông - Bắc giáp: thị xã Châu Đốc;

- Phía Đông giáp: xã Thới Sơn, An Cư;

- Phía Nam giáp: xã Lê Trì.

c) Khu vực cửa khẩu Khánh Bình có diện tích tự nhiên là 74,12 km2, gồm thị trấn Long Bình và các xã Khánh Bình, Khánh An, Quốc Thái, Nhơn Hội và Phú Hữu thuộc huyện An Phú. Ranh giới địa lý được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp: sông Bình Di và biên giới Campuchia;

- Phía Nam giáp: xã Phú Hội, xã Phước Hưng;

- Phía Đông giáp: xã Phú Hữu;

- Phía Tây giáp: sông Bình Di và biên giới Campuchia.

Điều 3. Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang

1. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang trở thành vùng động lực, trung tâm liên kết kinh tế của các nước tiểu vùng sông Mêkông trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trước hết trong quan hệ Việt Nam - Campuchia.

2. Xây dựng các khu trung tâm thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang trở thành đô thị biên giới, khai thác có hiệu quả các điều kiện về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội trong quá trình giao lưu kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy tác dụng lan toả của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang đối với các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông, trước hết giữa Việt Nam với Campuchia trong tiến trình hội nhập.

3. Phát triển khu vực nông thôn, đặc biệt khu vực biên giới, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường xã hội, môi trường sinh thái, văn hoá, xã hội, dân tộc, trật tự, an ninh, quốc phòng trên cơ sở tạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.

4. Tạo điều kiện bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh biên giới, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm đoàn kết dân tộc, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực.

Điều 4. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và bảo hộ các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển hàng hoá quá cảnh phù hợp với Hiệp định vận tải quá cảnh hàng hoá, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, hội chợ triển lãm, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, các cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất nhập khẩu, các chi nhánh đại diện, các công ty trong và ngoài nước, chợ cửa khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 5. Doanh nghiệp Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thành lập và hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang chịu sự điều chỉnh và được hưởng các ưu đãi tại Quy chế này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 6. Ngoài những quyền được hưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang được hưởng các quyền sau:

1. Sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tiện ích công cộng và các dịch vụ phục vụ chung của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang do các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cung cấp.

2. Được hưởng các ưu đãi quy định tại Quy chế này.

3. Được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất theo quy định của pháp luật, phù hợp với mục đích sử dụng đất của dự án đã được đầu tư. Trong trường hợp có sự thay đổi về mục đích đầu tư ban đầu của dự án thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chỉ thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4. Được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam và tại các tổ chức tín dụng nước ngoài theo các quy định của pháp luật.

Điều 7. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang được phát triển bằng các nguồn vốn chủ yếu sau đây:

1. Hàng năm, căn cứ các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội quan trọng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tiến độ thực hiện của dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan bố trí vốn từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn ngân sách trung ương cho tỉnh An Giang để triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

2. Phát hành trái phiếu công trình đối với những dự án đầu tư xây dựng hạ tầng có quy mô lớn, có vai trò then chốt đối với sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư.

3. Ưu tiên việc sử dụng các nguồn vốn ODA và vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cần thiết của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và các trợ giúp kỹ thuật khác.

4. Thu hút vốn đầu tư theo các hình thức BOT, BT, BTO và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

5. Huy động vốn từ quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ chung cho Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

6. Huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các doanh nghiệp có chức năng xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật.

Mở rộng hình thức tín dụng đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng và huy động mọi nguồn vốn dưới các hình thức khác, theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

HOẠT ĐỘNG CỦA KHU THƯƠNG MẠI CÔNG NGHIỆP THUỘC KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH AN GIANG

Điều 8. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang bao gồm các khu thương mại công nghiệp, khu quản lý hành chính, khu quản lý và kiểm soát cửa khẩu, khu đô thị và dân cư, khu du lịch, dịch vụ và khu vực phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Quy mô, vị trí từng khu vực được xác định trong quy hoạch chung và chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

Khu thương mại công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang (sau đây gọi tắt là khu thương mại công nghiệp) được ngăn cách với các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và nội địa bằng hệ thống rào cứng, có cổng ra vào, bảo đảm sự kiểm soát về người, hàng hoá và phương tiện vận tải của các cơ quan chức năng liên quan.

Trong khu thương mại công nghiệp, không có dân cư (kể cả người nước ngoài) cư trú thường xuyên.

Điều 9. Xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của khu thương mại công nghiệp

1. Quan hệ trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa khu thương mại công nghiệp với các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam; phải thực hiện các thủ tục hải quan theo pháp luật Hải quan Việt Nam. Quan hệ trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa khu thương mại công nghiệp với nước ngoài được xem như quan hệ trao đổi giữa nước ngoài với nước ngoài.

2. Các tổ chức kinh tế hoạt động trong khu thương mại công nghiệp được xuất khẩu ra nước ngoài và nhập khẩu từ nước ngoài tất cả hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật Việt Nam không cấm.

3. Các tổ chức kinh tế, cá nhân trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và nội địa chỉ được nhập từ khu thương mại công nghiệp những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm nhập khẩu; xuất khẩu vào khu thương mại công nghiệp những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm xuất khẩu.

4. Hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu thương mại công nghiệp hoặc hàng hoá, dịch vụ từ khu thương mại công nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài, được miễn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu.

5. Hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu thương mại công nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng.

6. Hàng hoá dịch vụ trong khu thương mại công nghiệp; hàng hoá dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu thương mại công nghiệp không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng; hàng hoá, dịch vụ từ các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và từ nội địa đưa vào khu thương mại công nghiệp hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%; hàng hoá, dịch vụ từ khu thương mại công nghiệp đưa vào các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật hiện hành.

7. Hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được sản xuất, tiêu thụ trong khu thương mại công nghiệp và hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu từ nước ngoài và từ nội địa Việt Nam vào khu thương mại công nghiệp không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ ô tô thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

8. Hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ khu thương mại công nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

9. Hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ khu thương mại công nghiệp đưa vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

10. Hàng hoá sản xuất gia công, tái chế, lắp ráp tại khu thương mại công nghiệp có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài theo quy định hiện hành về quản lý nhập khẩu; khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, linh kiện cấu thành trong sản phẩm, hàng hoá đó. Trường hợp không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam thì không phải nộp thuế nhập khẩu.

Điều 10. Đầu tư vào khu thương mại công nghiệp

1. Tất cả các dự án đầu tư vào khu thương mại công nghiệp được hưởng các ưu đãi tối đa áp dụng đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng và các ưu đãi khác theo điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại đa phương hoặc song phương mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2. Các dự án đầu tư vào khu thương mại công nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm kế tiếp; được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh.

3. Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại tối đa là 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa là 7 năm tiếp theo.

4. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định các mức ưu đãi khác nhau về cùng một vấn đề thì được áp dụng mức ưu đãi quy định tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định về cùng một vấn đề do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH AN GIANG

Điều 11. Xuất nhập cảnh người và phương tiện vận tải và cư trú tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang

1. Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Vương quốc Campuchia

a) Công dân Vương quốc Campuchia (sau đây gọi tắt là công dân Campuchia) vào và ra Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang bằng hộ chiếu, được miễn thị thực nhập, xuất cảnh Việt Nam và được lưu trú tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang không quá 15 ngày. Trường hợp muốn vào các địa điểm khác ngoài Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét cấp thị thực tại cửa khẩu.

b) Công dân Campuchia cư trú tại các tỉnh có chung đường biên giới với tỉnh An Giang được qua lại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang bằng giấy chứng minh biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia cấp. Thời hạn được phép tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang không quá 15 ngày.

c) Công dân Campuchia vào và ra khu kinh tế cửa khẩu trong cùng một ngày bằng chứng minh thư do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia cấp.

2. Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang:

a) Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài vào tìm hiểu thị trường, làm việc, họat động đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và các thành viên gia đình họ được cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh có giá trị nhiều lần. Trường hợp vào làm việc, đầu tư, kinh doanh sẽ được xem xét cấp thẻ tạm trú, thời hạn của thẻ tạm trú tối đa là 3 năm.

b) Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hướng dẫn công an tỉnh An Giang, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh An Giang thực hiện việc quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

3. Nhập cảnh, xuất cảnh của các phương tiện vận tải

a) Các phương tiện vận chuyển đường bộ và đường thủy (sau đây gọi là phương tiện vận chuyển) của Campuchia và các nước khác vào Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang nếu có giấy phép liên vận quốc tế thì chỉ đóng dấu hải quan, nếu không có giấy phép liên vận quốc tế thì phải làm thủ tục kê khai tạm nhập tái xuất.

b) Các phương tiện vận chuyển của Campuchia và các nước khác vào và ra Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang trong cùng một ngày chỉ cần xác nhận của hải quan tại trạm kiểm soát cửa khẩu và phải neo, đỗ ở bến bãi quy định có sự quản lý của cơ quan chức năng liên quan.

Điều 12. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội

1. Nhà nước ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách và tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho lập quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng quan trọng cần thiết, bảo đảm cho sự hoạt động và phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

2. Việc bố trí vốn đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương còn được huy động các nguồn vốn và các thành phần kinh tế khác cũng như nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

4. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang không được phá vỡ quy hoạch và thế phòng thủ bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng tại khu vực cửa khẩu biên giới.

Điều 13. Tài chính, tín dụng, đất đai của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang

1. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang được Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho vay vốn tín dụng của Nhà nước theo quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hoạt động trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang, sau khi đã quyết toán với cơ quan thuế mà bị lỗ thì được chuyển các khoản lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá 5 năm.

3. Những người làm việc tại khu kinh tế cửa khẩu An Giang là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật được giảm 50% số thuế phải nộp.

4. Đối với khách tham quan du lịch trong và ngoài nước khi vào khu thương mại công nghiệp tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên được phép mua các loại hàng hoá nhập khẩu, được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) mang về nội địa với mức không quá 500.000đồng/người/ngày.

Chương 4:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH AN GIANG

Điều 14. Tổ chức bộ máy Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

1. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

2. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang để thực hiện việc quản lý tập trung, thống nhất họat động trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang theo quy chế hoạt động, quy hoạch, kế hoạch và tiến độ thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang có: tư cách pháp nhân; con dấu mang hình quốc huy; trụ sở làm việc; biên chế chuyên trách; kinh phí họat động hành chính và sự nghiệp; vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm.

4. Trưởng ban và các Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang bổ nhiệm.

Điều 15. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang lập quy hoạch chung để Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tổ chức quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra và thanh tra việc thực hiện quy chế hoạt động này, quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Xây dựng các danh mục dự án đầu tư và kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm, trong đó có cả phương án phát hành trái phiếu công trình trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại, chi nhánh của các tổ chức và thương nhân nước ngoài; giấy chứng nhận đầu tư; giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư; giấy phép lao động cho người nước ngoài; người Việt Nam định cư tại nước ngoài đến làm việc, họat động kinh doanh; chứng chỉ xuất xứ hàng hoá tại khu kinh tế cửa khẩu; thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; chứng chỉ quy hoạch, giấy phép xây dựng của các dự án đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và các giấy phép, chứng chỉ khác theo ủy quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Xây dựng, ban hành khung giá, trình cấp có thẩm quyền quyết định khung phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Trực tiếp thu các loại phí, lệ phí và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

5. Làm đầu mối giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành và triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh và các họat động tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

6. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm mọi hoạt động trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang phù hợp với Quy chế hoạt động này và quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

7. Thực hiện nhiệm vụ quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang, quản lý các dự án xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang theo đúng quy định.

8. Xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại -dịch vụ, du lịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai, giới thiệu, đàm phán, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.

9. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện tốt các dự án có liên quan đến quốc phòng, an ninh.

10. Báo cáo định kỳ các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, xây dựng và thực hiện các chính sách tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang. Trên cơ sở tổng kết hàng năm, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các chính sách trình Thủ tướng Chính phủ.

11. Thực hiện các nhiệm vụ hợp tác, hỗ trợ phát triển và phối hợp quản lý giữa tỉnh An Giang với các tỉnh của Campuchia, bảo đảm cho sự hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang phù hợp với các hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Campuchia cũng như thoả thuận giữa tỉnh An Giang với các tỉnh của Campuchia.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang giao trong từng thời kỳ.

Điều 16. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang có trách nhiệm

1. Tổ chức lập quy hoạch chung của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phê duyệt quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

2. Phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang; tiến hành thu hồi đất và giao đất cho Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang để tổ chức triển khai xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang theo quy định.

3. Quy định khung giá đất và giao Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang quy định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, mức miễn, giảm tiền sử dụng đất; mức miễn giảm tiền thuê đất theo từng dự án nhằm bảo đảm khuyến khích đầu tư, trong những trường hợp không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất và phê duyệt phương án tài chính và giá đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

4. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang theo quy hoạch được duyệt; ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang phê duyệt các dự án đầu tư trong nước thuộc thẩm quyền, đồng thời ủy quyền việc quản lý, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang theo quy định; trình phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền danh mục các dự án đầu tư phát triển và kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

5. Ban hành các chính sách ưu đãi và khuyến khích cụ thể phù hợp với các quy định hiện hành để thực hiện việc ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động tại chỗ; hỗ trợ đào tạo nghề đối với lực lượng lao động ở địa phương; tạo điều kiện cho lực lượng lao động ở địa phương có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang; khuyến khích và thu hút lao động có chuyên môn cao, tay nghề giái từ các nơi khác về làm việc tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân; hỗ trợ xây dựng các khu tái định cư; hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh quá trình đầu tư và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

6. Chỉ đạo và tổ chức các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý của tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang hoạt động được thuận lợi.

7. Cấp kinh phí hoạt động hành chính, sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển cho Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang từ ngân sách tỉnh An Giang theo kế hoạch hàng năm.

8. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp và tạo điều kiện cho Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Quy chế này; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện, quản lý để Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang phát triển nhanh và bền vững.

9. Thoả thuận bằng văn bản với chính quyền các tỉnh Campuchia về những nguyên tắc hợp tác, hỗ trợ và phối hợp quản lý hoạt động của các Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và các tỉnh bạn Campuchia trên cơ sở pháp luật hiện hành của mỗi nước và phù hợp với sự phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực.

Điều 17. Trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và lãnh thổ đối với Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang ủy quyền và hướng dẫn cho Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý và phát triển đô thị, quản lý đất đai, lao động, xuất nhập khẩu và một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật và Quy chế này theo nguyên tắc "một cửa, một chỗ" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang và các yêu cầu đầu tư phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

2. Đối với những lĩnh vực không phân cấp, không ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang bằng cách tổ chức các đơn vị trực thuộc nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang (trừ lĩnh vực quản lý nhà nước về ngân hàng) và có quy chế phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang để thực hiện thẩm quyền được giao.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Những quy định khác liên quan đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang không quy định tại Quy chế này được thực hiện theo các điều khoản tương ứng của Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, các văn bản pháp luật khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 65/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 65/2007/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/05/2007
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 03/06/2007
  • Số công báo: Từ số 328 đến số 329
  • Ngày hiệu lực: 18/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản