ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/2006/QĐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 01 tháng 6 năm 2006 |
VỀ VIỆC ÁP DỤNG CƠ CHẾ “MỘT CỬA” TẠI SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẮC NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg , ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương;
Xét đề nghị của Sở Tư pháp và Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Áp dụng thực hiện theo cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh, bao gồm các lĩnh vực công việc sau:
1. Nhập quốc tịch Việt Nam;
2. Thôi quốc tịch Việt Nam;
3. Trở lại quốc tịch Việt Nam;
4. Cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam;
5. Cấp giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam;
6. Cấp giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam;
7. Đăng ký khai sinh;
8. Đăng ký khai tử;
9. Đăng ký kết hôn;
10. Đăng ký nhận cha, mẹ, con;
11. Đăng ký giám hộ;
12. Đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;
13. Ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;
14. Cấp phiếu lý lịch Tư pháp;
15. Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc.
(Có quy định thủ tục, trình tự, thời gian giải quyết kèm theo).
Điều 2. Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định đối với các lĩnh vực công việc áp dụng thực hiện theo cơ chế “ một cửa” tại Sở Tư pháp; định kỳ báo cáo kết quả với UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM.UBND TỈNH BẮC NINH |
THỦ TỤC, TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT CÁC VIỆC VỀ QUỐC TỊCH, HỘ TỊCH THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ "MỘT CỬA" TẠI SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2006/QĐ-UBNB ngày 01/6/2006 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Điều 1. Bản quy định này quy định thủ tục, trình tự và thời gian giải quyết đối với các lĩnh vực công việc áp dụng thực hiện theo cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh, bao gồm: Nhập quốc tịch Việt Nam; Thôi quốc tịch Việt Nam; Trở lại quốc tịch Việt Nam; Cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; Cấp giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; Cấp giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam; Đăng ký khai sinh; Đăng ký khai tử; Đăng ký kết hôn; Đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đăng ký giám hộ; Đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; Cấp phiếu lý lịch Tư pháp; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc, do Sở Tư pháp thụ lý giải quyết, cụ thể như sau:
1. Các tổ chức, công dân có yêu cầu giải quyết các loại công việc thuộc các lĩnh vực quy định tại điều 1 của văn bản này, nộp hồ sơ trực tiếp cho "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh (sau đây gọi tắt là "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả") để giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh được UBND tỉnh giao và nhận lại kết quả giải quyết tại "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả".
2. Những hồ sơ của tổ chức, công dân không thuộc các lĩnh vực công việc giải quyết theo cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh, nhưng thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết của sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh, thì tổ chức, công dân nộp hồ sơ trực tiếp cho cán bộ, công chức các phòng chuyên môn có liên quan của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Những hồ sơ của tổ chức, công dân không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh theo quy định của pháp luật, thì "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" có trách nhiệm giải thích và hướng dẫn cụ thể, để tổ chức, công dân liên hệ với cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Thời gian giải quyết các loại công việc thuộc các lĩnh vực thực hiện theo cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh không tính những ngày được nghỉ theo quy định của pháp luật (gồm các ngày: lễ, tết và ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật). Thời gian giải quyết được tính từ ngày "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" nhận hồ sơ hợp lệ và viết giấy biên nhận nhận hồ sơ của tổ chức, công dân.
5. Thủ tục giải quyết các loại công việc thuộc các lĩnh vực thực hiện theo cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh được thực hiện theo quy định tại văn bản này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
6. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến các quy định tại văn bản này có sự thay đổi, thì Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Điều 2. "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn tổ chức, công dân thực hiện đúng các quy định tại văn bản này.
Điều 3. Nhập quốc tịch Việt Nam
1. Hồ sơ gồm có:
a. Đơn theo mẫu của Bộ Tư pháp;
b. Bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế, kể cả của con chưa thành niên, nếu đồng thời xin nhập quốc tịch cho người đó;
c. Bản khai lý lịch theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định;
d. Phiếu xác nhận lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nơi đương sự thường trú cấp; trong trường hợp đương sự không thường trú ở Việt Nam thì nộp Phiếu xác nhận lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà đương sự là công dân hoặc thường trú cấp;
d. Giấy chứng nhận trình độ Tiếng Việt, bao gồm cả hiểu biết về văn hóa, lịch sử và pháp luật của Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Tư pháp;
e. Giấy xác nhận về thời gian đã thường trú liên tục ở Việt Nam do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi đương sự thường trú cấp; nếu trước đây đương sự thường trú ở địa phương khác, thì còn phải có giấy xác nhận về thời gian đã thường trú do Ủy ban nhân dân cấp xã của địa phương đó cấp;
g. Giấy xác nhận về chỗ ở, việc làm, thu nhập hợp pháp hoặc tình trạng tài sản tại Việt Nam do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đương sự thường trú cấp;
h. Bản cam kết về việc từ bỏ quốc tịch nước ngoài (nếu có) khi được nhập quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp mặc nhiên mất quốc tịch nước ngoài khi được nhập quốc tịch Việt Nam, thì bản cam kết trên được thay bằng giấy xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà đương sự là công dân về việc pháp luật của nước đó quy định mặc nhiên mất quốc tịch trong trường hợp này.
Trong trường hợp đặc biệt, khi người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài của họ, thì không phải nộp giấy tờ quy định tại điểm này, nhưng phải làm đơn xin giữ quốc tịch nước ngoài theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định; trong đơn phải nêu rõ lý do xin giữ quốc tịch nước ngoài và cam kết việc giữ quốc tịch nước ngoài không cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam.
2. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam được lập thành 04 bộ; đối với người nước ngoài không thường trú ở Việt Nam trong trường hợp cá biệt khi việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ sẽ có lợi đặc biệt cho sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, an ninh quốc phòng của Việt Nam thì chỉ cần lập thành 03 bộ hồ sơ.
3. Thời hạn giải quyết.
Chậm nhất trong thời hạn 5 tháng, đương sự sẽ nhận được giấy xác nhận về việc đã hoàn tất hồ sơ, để người đó làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài của họ. Trong trường hợp đặc biệt, thì thời hạn không quá 6 tháng 15 ngày.
4. Lệ Phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Thôi quốc tịch Việt Nam
1- Hồ sơ gồm có:
a. Đơn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định;
b. Bản khai lý lịch theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định;
c. Bản sao giấy tờ tùy thân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác chứng minh đương sự đang có quốc tịch nước ngoài (đối với người đang có quốc tịch nước ngoài); Giấy xác nhận hoặc bảo đảm về việc người đó sẽ được nhập quốc tịch nước ngoài (đối với người đang xin nhập quốc tịch nước ngoài), trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này;
d. Giấy xác nhận không nợ thuế đối với Nhà nước do Cục Thuế, nơi đương sự thường trú cấp;
d. Đối với người trước đây là cán bộ, công chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã về hưu, thôi việc, nghỉ công tác hoặc giải ngũ chưa quá 05 năm, thì còn phải nộp giấy của cơ quan đã quyết định hưu trí, thôi việc, nghỉ công tác hoặc giải ngũ, xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam;
e. Phiếu xác nhận lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nơi đương sự thường trú cấp;
g. Giấy xác nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo, nơi đương sự thường trú, về việc đã bồi hoàn chi phí đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp hoặc sau đại học bằng kinh phí của Nhà nước, kể cả kinh phí do nước ngoài tài trợ.
2. Đơn xin thôi quốc tịch và các giấy tờ kèm theo của công dân Việt Nam thường trú ở trong nước phải được lập thành 04 bộ hồ sơ.
3. Thời hạn giải quyết:
Chậm nhất trong thời hạn 3 tháng, hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của đương sự sẽ được trình lên Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Trong trường hợp đặc biệt, thì thời hạn chậm nhất là 4 tháng.
4. Lệ phí: Theo quy định của Pháp luật.
Điều 5. Trở lại quốc tịch Việt Nam
1. Hồ sơ gồm có:
a. Đơn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định;
b. Bản khai lý lịch theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định;
c. Phiếu xác nhận lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà đương sự là công dân hoặc thường trú, cấp;
d. Giấy tờ hoặc tài liệu chứng minh đương sự đó từng có quốc tịch Việt Nam;
e. Ngoài các giấy tờ trên, đương sự còn phải nộp một trong các giấy tờ sau:
- Giấy xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam hoặc của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài về việc đương sự đó nộp đơn xin hồi hương về Việt Nam;
- Giấy tờ hoặc tài liệu chứng minh đương sự có vợ, chồng, con, cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam;
- Giấy tờ hoặc tài liệu chứng minh đương sự đã được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Danh hiệu cao quý hoặc xác nhận đương sự có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
- Giấy tờ hoặc tài liệu chứng minh việc trở lại quốc tịch Việt Nam của đương sự sẽ có lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, an ninh quốc phòng của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Hồ sơ của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam thường trú tại Việt Nam phải được lập thành 04 bộ.
3. Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 3 tháng sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí, hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ được trình lên Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Trong trường hợp đặc biệt thì thời hạn trên là 4 tháng.
4. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam
1. Hồ sơ gồm có:
a. Đơn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định, (trong đơn phải ghi rõ mục đích xin cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam).
b. Bản chụp Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng (khi nộp đơn, đương sự phải xuất trình Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu để kiểm tra).
Trong trường hợp không có Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu, thì kèm theo Đơn xin cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam phải nộp bản sao có công chứng, chứng thực một trong các giấy tờ sau đây để chứng minh quốc tịch Việt Nam:
- Giấy tờ chứng minh đương sự được nhập quốc tịch Việt Nam;
- Giấy tờ chứng minh đương sự được trở lại quốc tịch Việt Nam;
- Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài;
- Giấy xác nhận đăng ký công dân do Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam cấp;
- Sổ Hộ khẩu;
- Thẻ cử tri mới nhất;
- Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; của cha hoặc mẹ;
- Giấy khai sinh;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đương sự là người có quốc tịch Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Trong trường hợp cũng không có một trong các giấy tờ trên, thì đương sự nộp bản khai danh dự về ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quê quán, nơi cư trú của bản thân; họ tên, tuổi, quốc tịch, nơi cư trú của cha mẹ và nguồn gốc gia đình. Bản khai này phải được ít nhất 02 người biết rõ sự việc đó làm chứng và được Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đương sự sinh ra, xác nhận.
2. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam được lập thành 02 bộ.
3. Thời hạn giải quyết:
- Chậm nhất không quá 30 ngày, trong trường hợp bình thường;
- Chậm nhất không quá 60 ngày, trong trường hợp đặc biệt (phải thẩm tra bổ sung hồ sơ).
4. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Cấp giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam
1. Hồ sơ gồm có:
a. Đơn theo mẫu quy định (trong đơn phải ghi rõ mục đích xin cấp giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam );
b. Bản sao có công chứng, chứng thực một trong các giấy tờ sau để chứng minh đương sự đã từng có quốc tịch Việt Nam:
- Giấy tờ chứng minh đương sự được nhập quốc tịch Việt Nam;
- Giấy tờ chứng minh đương sự được trở lại quốc tịch Việt Nam;
- Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài;
- Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam cấp;
- Sổ hộ khẩu;
- Thẻ cử tri mới nhất;
- Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; của cha hoặc mẹ;
- Giấy khai sinh;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đương sự là người có quốc tịch Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
c. Một trong số các giấy tờ sau để chứng minh đương sự đã mất quốc tịch Việt Nam:
- Giấy tờ chứng minh đương sự được thôi quốc tịch Việt Nam;
- Giấy tờ chứng minh đương sự bị tước quốc tịch Việt Nam;
- Giấy tờ chứng minh việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của đương sự;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đương sự là người mất quốc tịch Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đương sự là người mất quốc tịch Việt Nam do việc tìm thấy cha, mẹ hoặc người giám hộ là công dân nước ngoài hoặc do cha mẹ được thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 28 của Luật Quốc tịch Việt Nam.
2. Hồ sơ xin cấp giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam được lập thành 02 bộ.
3. Thời hạn giải quyết.
- Chậm nhất không quá 30 ngày, trong trường hợp bình thường;
- Chậm nhất không quá 60 ngày, trong trường hợp đặc biệt (phải thẩm tra, bổ sung hồ sơ).
4. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Cấp giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam.
1. Hồ sơ gồm có:
a. Đơn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định (trong đơn phải nêu rõ mục đích của việc xin cấp giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam );
b. Bản chụp có công chứng, chứng thực hộ chiếhu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế còn giá trị sử dụng của đương sự;
c. Bản sao hoặc bản chụp có công chứng, chứng thực Giấy khai sinh hoặc giấy tờ khác chứng nhận ngày, tháng, năm sinh của đương sự;
d. Giấy tờ chứng nhận về quốc tịch của cha, mẹ của đương sự; nếu giấy tờ quy định tại điểm b và điểm c trên đây không có những thông tin đó.
e. Bản cam kết của đương sự về việc người đó chưa được nhập quốc tịch Việt Nam.
Những giấy tờ trên đây, nếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra Tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng hợp pháp.
Trong trường hợp cha mẹ, làm đơn xin cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên dưới 15 tuổi, thì phải có các giấy tờ quy định tại điểm b và điểm d trên đây và bản sao hoặc bản chụp có công chứng, chứng thực hợp pháp Giấy khai sinh của trẻ em đó.
2. Hồ sơ xin cấp giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam được lập thành 02 bộ (khi nộp hồ sơ đương sự phải xuất trình bản gốc các giấy tờ nộp kèm theo để kiểm tra).
3. Thời hạn giải quyết:
- Chậm nhất không quá 30 ngày, trong trường hợp bình thường;
- Chậm nhất không quá 60 ngày, trong trường hợp đặc biệt (phải thẩm tra, bổ sung hồ sơ).
4. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Mục 2. Đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài
Điều 9. Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài
1. Hồ sơ gồm có:
a. Giấy chứng sinh; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực;
b. Xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn);
c. Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con, thì phải có giấy thỏa thuận của cha mẹ về việc chọn quốc tịch. Giấy thỏa thuận về việc chọn quốc tịch phải có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó (văn bản xác nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra Tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam);
2. Thời hạn giải quyết:
chậm nhất không quá: 01 ngày.
3. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài
1. Hồ sơ gồm có:
Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định.
2. Thời hạn giải quyết:
Chậm nhất không quá: 01 ngày.
3. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
1. Hồ sơ gồm có:
a. Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định;
- Đối với công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, thì do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú xác nhận.
- Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó định cư hoặc do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước đó xác nhận.
- Đối với người nước ngoài thường trú ở nước ngoài, thì do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó có quốc tịch và thường trú xác nhận. Nếu pháp luật nước ngoài không quy định việc xác nhận, thì có thể thay thế bằng việc xác nhận lời tuyên thệ của đương sự về việc không có vợ hoặc không có chồng; hình thức của việc tuyên thệ phải phù hợp với pháp luật nước đó.
- Đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, thì do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó thường trú xác nhận.
b. Giấy xác nhận hiện tại đương sự không mắc bệnh tâm thần, hoặc mắc bệnh tâm thần nhưng chưa đến mức không có khả năng nhận thức được hành vi của mình do tổ chức y tế chuyên khoa về tâm thần của Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên hoặc do tổ chức y tế chuyên khoa về tâm thần của nước ngoài, nơi người đó thường trú xác nhận. Giấy xác nhận này có giá trị không quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ;
c. Bản sao Giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước); Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (đối với người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam ở nước ngoài);
d. Bản sao Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn hoặc Giấy xác nhận cư trú của cơ quan Công an (đối với công dân Việt Nam ở trong nước); Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam);
d. Lý lịch cá nhân theo mẫu quy định.
Ngoài các giấy tờ quy định trên đây, tùy từng trường hợp, đương sự cần phải nộp giấy tờ tương ứng sau đây:
- Đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật quốc gia thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Quốc gia hoặc không trái với quy định của ngành đó.
- Đối với người trước đây có vợ hoặc có chồng nhưng đã ly hôn thì phải nộp Bản sao bản án, Quyết định cho ly hôn đã có hiệu lực pháp luật.
- Đối với người có vợ hoặc chồng đã chết, thì phải nộp bản sao Giấy chứng tử.
2. Hồ sơ xin đăng ký kết hôn được lập thành 02 bộ.
3. Thời hạn giải quyết.
- Chậm nhất không quá 30 ngày, trong trường hợp bình thường;
- Chậm nhất không quá 50 ngày, trong trường hợp đặc biệt (phải yêu cầu cơ quan Công an xác minh hồ sơ).
4. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài.
1. Hồ sơ gồm có:
a. Đơn xin nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b. Bản sao Giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam ở nước ngoài) của người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con;
c. Bản sao Giấy khai sinh của người được nhận là con trong trường hợp xin nhận con; của người nhận cha, mẹ trong trường hợp xin nhận cha, mẹ;
d. Giấy tờ, tài liệu hoặc chứng cứ (nếu có) để chứng minh giữa người nhận và người được nhận có quan hệ cha, mẹ, con;
e. Bản sao Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với công dân Việt Nam thường trú ở trong nước); Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con.
2. Hồ sơ nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài được lập thành 01 bộ.
3. Thời hạn giải quyết.
- Chậm nhất không quá 45 ngày, đối với trường hợp bình thường;
- Trong trường hợp cần xác minh, bổ sung hồ sơ thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 20 ngày.
4. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
1. Hồ sơ gồm có:
Giấy cử giám hộ (Giấy cử giám hộ do người cử giám hộ lập; nếu có nhiều người cùng cử một người giám hộ, thì tất cả phải cùng ký và Giấy cử giám hộ).
2. Thời hạn giải quyết:
- Chậm nhất không quá 5 ngày, đối với trường hợp bình thường;
- Chậm nhất không quá 10 ngày, đối với trường hợp cần xác minh thêm.
3. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
1. Hồ sơ gồm có:
Bản sao dịch ra tiếng Việt có công chứng giấy tờ hộ tịch cần ghi.
2. Thời hạn giải quyết: Chậm nhất không quá 05 ngày.
3. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nuôi con nuôi.
1. Hồ sơ gồm có:
Tờ khai theo mẫu quy định.
Trong trường hợp việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi trước đây đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã, thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi về việc đã đăng ký; (trừ trường hợp đương sự xuất trình được bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây).
2. Thời hạn giải quyết
- Chậm nhất không quá 5 ngày, đối với trường hợp bình thường;
- Chậm nhất không quá 10 ngày, đối với trường hợp cần xác minh thêm.
3. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Mục 3. Một số việc hộ tịch khác
Điều 16. Cấp phiếu lý lịch tư pháp.
1. Hồ sơ gồm có:
a. Đơn theo mẫu quy định;
b. Bản chụp Giấy chứng minh nhân dân;
c. Bản chụp Sổ hộ khẩu (hoặc giấy tờ hợp lệ chứng minh nơi thường trú của đương sự);
d. Đối với người nước ngoài thì nộp bản chụp hộ chiếu và bản chụp Giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam;
e. Trong trường hợp ủy quyền làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì còn phải có văn bản ủy quyền được Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chứng nhận. Người ủy quyền là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, văn bản ủy quyền phải có chứng nhận của Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Nếu người ủy quyền là người nước ngoài đã rời Việt Nam, thì văn bản ủy quyền phải có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú và phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam;
2. Hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được lập thành 2 bộ.
3. Thời hạn giải quyết.
- Chậm nhất không quá 16 ngày trong trường hợp bình thường;
- Chậm nhất không quá 33 ngày trong trường hợp phức tạp cần điều tra xác minh.
4. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc.
1. Hồ sơ gồm có: Tờ khai đề nghị cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc.
2. Thời hạn giải quyết: Chậm nhất không quá 01 ngày.
3. Lệ phí: Theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Trình tự giải quyết các thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực công việc áp dụng thực hiện theo cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh được thực hiện như sau:
1. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện việc nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định, thì tiến hành tiếp nhận, vào sổ và viết giấy biên nhận có hẹn ngày trả kết quả.
2. Công chức làm việc tại "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" có trách nhiệm chuyển hồ sơ công việc đến các phòng chuyên môn xem xét, giải quyết (có kèm theo phiếu chuyển hồ sơ ghi rõ ngày, tháng, năm phải chuyển kết quả giải quyết đến "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả").
3. Cán bộ, Công chức các phòng chuyên môn có nhiệm vụ nghiên cứu, xem xét hồ sơ. Nếu xét thấy hồ sơ hợp lệ, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì trình lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh giải quyết, sau đó chuyển đến "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" hoàn chỉnh thủ tục theo quy định, trả lại cho Tổ chức, công dân.
4. Trong trường hợp không trả đúng hẹn, phải giải thích rõ lý do chính đáng bằng văn bản và hẹn lại tổ chức, công dân.
5. Lệ phí được thu theo quy định của Pháp luật và được niêm yết công khai tại “Bộ phận nhận và trả kết quả”.
Điều 19. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm triển khai thực hiện quy chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
Điều 20. Để đảm bảo cho việc triển khai, thực hiện cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh đạt kết quả, đúng quy định của pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh triển khai, thực hiện tốt một số nội dung công việc chủ yếu sau đây:
1. Ban hành quy chế làm việc quy định trình tự chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả"; trách nhiệm của các cán bộ, công chức của các phòng chuyên môn có liên quan trong việc thực hiện cơ chế "một cửa"; trách nhiệm của cán bộ, công chức làm việc tại "bộ phận tiếp nhận và trả kết quả".
2. Niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính và thời gian giải quyết các loại công việc tại "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả".
3. Quyết định thành lập "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả"; bố trí cán bộ, công chức làm việc tại "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả": Là những cán bộ, công chức có trình độ, năng lực và phẩm chất tốt, có khả năng giao tiếp với tổ chức, công dân, có am hiểu về chuyên môn thuộc các lĩnh vực thực hiện theo cơ chế "một cửa". Cán bộ, công chức làm việc tại "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" phải đeo thẻ cán bộ, công chức, ghi rõ họ tên, chức danh. Trên bàn làm việc của cán bộ, công chức phải có bảng ghi rõ loại công việc giải quyết.
4. Bố trí phòng làm việc của "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" một cách thích hợp, có đủ điều kiện và phương tiện làm việc, phục vụ cho tổ chức, công dân đến liên hệ giải quyết công việc.
5. Tập huấn về nghiệp vụ và cách giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc tại "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả".
6. Có các hình thức thông báo, tuyên truyền thích hợp để các tổ chức và công dân biết về hoạt động theo cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh.
Điều 21. Các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh đạt kết quả thiết thực, đúng quy định của pháp luật.
Điều 22. Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh có trách nhiệm giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của pháp luật, đạt kết quả cao; tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp, định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Điều 23. Tổ chức, công dân khi đến liên hệ giải quyết công việc theo cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh, có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh những quy định tại văn bản này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả cơ chế "một cửa" tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh.
Điều 24. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở Tư pháp kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh để xem xét, giải quyết, hoặc trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
- 1Quyết định 4742/2006/QĐ-UBND về Quy định việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu ban hành
- 2Quyết định 81/QĐ-UBND năm 2011 áp dụng thực hiện cơ chế một cửa tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh
- 3Quyết định 1584/QĐ-UBND năm 2008 về Quy định tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4Quyết định 85/2004/QĐ-UB về thực hiện cơ chế một cửa tại Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang
- 1Luật Quốc tịch Việt Nam 1998
- 2Quyết định 181/2003/QĐ-TTg Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 4742/2006/QĐ-UBND về Quy định việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu ban hành
- 5Quyết định 1584/QĐ-UBND năm 2008 về Quy định tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế
- 6Quyết định 85/2004/QĐ-UB về thực hiện cơ chế một cửa tại Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang
Quyết định 65/2006/QĐ-UBND áp dụng thực hiện cơ chế “một cửa” tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh
- Số hiệu: 65/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/06/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
- Người ký: Nguyễn Công Ngọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/06/2006
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực