Hệ thống pháp luật

BỘ THỦY SẢN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 647/2001/QÐ-BTS

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN CẤP NGÀNH

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN

Căn cứ Nghị định số 50/CP ngày 21 tháng 6 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thủy sản;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành Tiêu chuẩn cấp Ngành sau đây:

28TCN166:2001: Thuật ngữ kỹ thuật lạnh, thông gió, sưởi ấm và điều hòa không khí.

Điều 2: Tiêu chuẩn trên khuyến khích áp dụng cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, sản xuất kinh doanh các công trình lạnh, sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí trong phạm vi toàn Ngành và có hiệu lực thực hiện sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Bộ; Thủ trưởng các Vụ, Cục; Chánh Thanh tra Bộ; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; giám đốc các Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thủy sản và các đơn vị nêu tại Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Việt Thắng

 

28 TCN 166 : 2001

THUẬT NGỮ KĨ THUẬT LẠNH, THÔNG GIÓ, SƯỞI ẤM VÀ ÐIỀU HOÀ KHÔNG KHÍ
Terminology of refrigeration, ventilation, heating and air conditioning

1 Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định thống nhất tên gọi và định nghĩa các thuật ngữ chuyên ngành về kĩ thuật lạnh, thông gió, sưởi ấm và điều hoà không khí sử dụng trong Ngành Thuỷ sản.

2 Quy định cách sử dụng

2.1 Các thuật ngữ về kĩ thuật lạnh, thông gió, sưởi ấm và điều hoà không khí được sắp xếp theo vần tiếng Việt, được định nghĩa, giải thích và có chua nghĩa tiếng Anh.

2.2 Bảng chữ cái tiếng Việt có bổ sung các chữ f, j, z được xếp theo thứ tự như sau:

a, ă, â, b, c, d, đ, e, (f), g, h, i, (j), k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q ,r, s, t, u, ư, v, x, y, (z).

2.3 Trật tự các thanh như sau: không dấu, huyền, hỏi, ngã, nặng và được đánh dấu trên các âm chính của âm tiết. Ví dụ: quả, hoá, toán, tuấn, thuý, thuỷ, ...

2.4 Từ trong ngoặc gẫy [ ] có thể thay từ đứng trước nó. Ví dụ: Bộ điều khiển [ khống chế] có nghĩa là Bộ điều khiển hoặc Bộ khống chế.

2.5 Từ trong ngoặc đơn ( ) in đứng có thể dùng hoặc bỏ. Ví dụ: Bánh (xe quay) hồi nhiệt có nghĩa là Bánh xe hồi nhiệt hoặc Bánh xe quay hồi nhiệt.

2.6 Từ trong ngoặc đơn ( ) in nghiêng dùng để giải thích. Ví dụ: Bình sinh hơi (kĩ thuật lạnh) có nghĩa là định nghĩa chỉ sử dụng cho kĩ thuật lạnh.

2.7 Dùng i thay y ở cuối âm tiết mở trừ các âm tiết uy, sau qu hoặc y đứng một mình và tên riêng. Ví dụ : tỉ lệ, tỉ số (không phải tỷ lệ, tỷ số), ...

2.8 Các tên vay mượn tiếng nước ngoài có thể giữ nguyên hoặc lược bỏ một vài âm tiết theo quy định của Từ điển Bách khoa Việt Nam. Ví dụ: Nút reset (Nút đặt lại), Thermostat (Rơle nhiệt độ), ...

2.9 Các chữ viết tắt quy định như sau: x.xem, xt.xem thêm, vd.ví dụ, ...

A

Ahu bộ xử lí không khí còn gọi là buồng điều không (air handling unit).

ẩm dung x. dung ẩm

ẩm đồ đồ thị biểu diễn các tính chất nhiệt động của không khí ẩm, trong đó thông thường sử dụng dạng trục toạ độ nhiệt độ khô và ẩm dung (độ chứa hơi), bên trong là các họ đường cong của độ ẩm tương đối, entanpy riêng, thể tích riêng không đổi, nhiệt độ ướt, nhiệt độ đọng sương, áp suất hơi ... (psychrometric chart).

ẩm kế dụng cụ để đo độ ẩm tương đối của không khí (hygrometer).

ẩm kế Assmann [hút gió] ẩm kế khô ướt trong đó có bố trí quạt để hút gió qua bầu nhiệt kế khô và ướt (Assmann psychrometer or aspirated hygrometer).

ẩm kế khô ướt dụng cụ đo độ ẩm tương đối của không khí có nhiệt kế (bầu) khô và nhiệt kế (bầu) ướt. Ðộ ẩm tương đối tra từ nhiệt độ khô và hiệu nhiệt độ khô - nhiệt độ ướt (psychrometer).

ẩm kế quay ẩm kế, khi đo độ ẩm phải quay trong không khí để tạo gió đi qua bầu khô ướt (sling psychrometer).

ẩm kế tóc ẩm kế sử dụng độ dãn dài của các sợi tóc phụ thuộc vào độ ẩm để chỉ báo độ ẩm tương đối (hair hygrometer).

ẩm kí dụng cụ để đo và ghi lại độ ẩm tương đối, xt. nhiệt ẩm kí (hygrograph).

áo hơi áo ngoài của bình hai vỏ dùng để gia nhiệt gián tiếp bằng hơi (steam jacket).

áp chân không kế áp kế có thể đo được áp suất cao hơn và thấp hơn áp suất khí quyển (compound gauge, mano - vacumeter).

áp kế dụng cụ chỉ thị hiệu áp suất (lực trên diện tích) giữa áp suất khí quyển và áp suất đưa vào áp kế (pressure gauge).

áp kế bourdon áp kế trong đó chi tiết cảm biến là một ống dẹt kín một đầu và cuộn theo trục song song với trục chính của ống. Một sự xê dịch cơ học sẽ xẩy ra giữa hai đầu ống khi có chênh lệch áp suất giữa bên ngoài và bên trong ống (bourdon gauge).

áp kế chữ U dụng cụ để đo áp suất theo nguyên tắc thay đổi của mức chất lỏng trong một ống hình chữ U. Nhánh chữ U có thể đứng, nghiêng hoặc cong, chất lỏng có thể là nước, thuỷ ngân ... (manometer).

áp kế cột lỏng áp kế trong đó áp suất được biểu thị qua chiều cao của cột lỏng trong ống (altitude gauge).

áp kế đúp cặp áp kế lắp trong một vỏ duy nhất, mỗi áp kế có một ống vào riêng, thang chia có thể chung hoặc riêng (duplex gauge).

áp kế hiệu áp áp kế dùng để đo hiệu áp suất giữa hai điểm đo (differential pressure gauge).

áp suất lực tác dụng vuông góc lên một đơn vị diện tích. Trong nhiệt động kĩ thuật được hiểu là lực tác dụng của các phân tử theo phương pháp tuyến lên một đơn vị diện tích thành bình chứa (lỏng hoặc khí), kí hiệu p, đơn vị Pa = N/m2. Cần phân biệt các loại áp suất khí quyển pb đo bằng baromet hoặc khí áp kế, áp suất dư pư đo bằng áp kế, áp suất chân không pck đo bằng chân không kế hoặc áp chân không kế và áp suất tuyệt đối pa. áp suất tuyệt đối thường được tính toán từ pb, pư và pck. Khi pa lớn hơn pb thì pa = pb + pư, khi pa nhỏ hơn pb thì pa = pb - pck. Trong các bảng biểu và tính toán chỉ sử dụng áp suất tuyệt đối pa (pressure).

áp suất áp kế áp suất đo bằng áp kế (manometric pressure).

áp suất âm thanh thành phần dao động của áp suất tại một điểm trong trường âm thanh (sound pressure).

áp suất cân bằng 1) áp suất đồng đều trở lại trong hệ thống lạnh (dùng ống mao) khi máy nén nghỉ làm việc. 2) áp suất trong một hệ thống hoặc một bình cân bằng với áp suất bên ngoài (equalizing pressure, equilibrium pressure).

áp suất cực đại cho phép 1) áp suất tối đa cho phép vận hành với toàn bộ hệ thống hoặc áp suất đặt trên van an toàn hoặc rơle áp suất cao để bảo vệ hệ thống. 2) áp suất lớn nhất mà nồi hơi được phép làm việc trong một khoảng thời gian do người chế tạo quy định (maximum allowable pressure).

áp suất đẩy áp suất đo ở đầu đẩy (đầu xả) của một máy nén, bơm hoặc quạt (discharge pressure).

áp suất động áp suất tương ứng với tốc độ chuyển động của dòng chất lỏng hoặc khí tại điểm đo (velocity pressure, dynamic pressure).

áp suất hơi áp suất tác động bởi hơi tinh khiết hoặc hơi trong một hỗn hợp khí của một môi chất (vapour pressure).

áp suất (hơi) bão hoà áp suất cân bằng ở nhiệt độ đã cho khi pha hơi và pha lỏng của một chất lỏng nguyên chất hoặc pha hơi và pha rắn của một chất rắn nguyên chất đạt trạng thái cân bằng (saturated vapour pressure).

áp suất hút áp suất đo tại cửa hút của một máy nén, bơm hoặc quạt (suction pressure).

áp suất làm việc (định mứC) áp suất của hệ thống khi vận hành bình thường (operating or working pressure).

áp suất quạt động áp suất động tương ứng với tốc độ trung bình ở cửa ra của quạt dựa trên diện tích tổng cửa ra không khấu trừ diện tích cho môtơ, chóp hướng dòng hoặc các vật khác (velocity fan pressure).

áp suất quạt tĩnh hiệu giữa áp suất quạt tổng và áp suất quạt động (static fan pressure).

áp suất quạt tổng hiệu đại số giữa áp suất tổng trung bình ở cửa ra của quạt và áp suất tổng trung bình ở cửa vào của quạt (total fan pressure).

áp suất thử áp suất áp dụng để thử độ bền, độ chịu áp hoặc độ kín cho mỗi máy hoặc thiết bị, cao hơn áp suất làm việc tối đa (test pressure).

áp suất thử bền x. thử bền

áp suất thử kín x. thử kín

áp suất tĩnh 1) áp suất gây ra do một lưu thể đứng im. 2) trong dòng chảy, là áp suất tổng trừ đi áp suất động (static pressure).

áp suất tổng tổng đại số của áp suất tĩnh và áp suất động tại điểm bất kỳ của dòng chảy (total pressure).

áp suất tới hạn áp suất mà tại đó và trên mức đó các tính chất của pha lỏng và pha hơi trở thành đồng nhất (critical pressure).

áp suất vi sai độ chênh giữa hai áp suất đo tại hai điểm hoặc hai mức trong một lưu thể (differential pressure).

B

bàn thử bàn hoặc giá dùng để lắp đặt các tổ hợp thiết bị cần thử (test bench).

bản thiết kế bản vẽ trình bày các chi tiết với các thông số, kích thước, tính chất và khối lượng ... cần thiết cho sự mô tả toàn bộ hệ thống (design).

bán kính thổi gió tầm với của luồng gió từ một miệng thổi (gắn trên trần) (radius of diffusion).

bánh (xe quay) hồi nhiệt bộ trao đổi nhiệt để thu hồi nhiệt giữa gió thải và gió tươi kiểu bánh xe quay (thermal wheel).

bao tia biên giới hạn giữa tia phun và không khí xung quanh (jet envelope).

bảo quản lạnh quá trình bảo quản thực phẩm mau hỏng bằng cách giữ ở nhiệt độ trên điểm đóng băng, trong các buồng hoặc kho lạnh ... (chill storage).

bảo quản lạnh đông quá trình bảo quản thực phẩm dễ ôi thiu bằng cách giữ thực phẩm ở dưới điểm đóng băng thường từ -18 đến -300C trong buồng hoặc kho lạnh đông (cold storage).

bão hoà đoạn nhiệt quá trình làm no hơi của một chất lỏng vào một chất khí mà không có sự trao đổi nhiệt với bên ngoài (adiabatic saturation).

baromet khí cụ đo áp suất khí quyển, còn gọi là khí áp kế (barometer).

bẫy hơi 1) dụng cụ nối với đường hơi để xả nước ngưng một cách tự động. 2) một khí cụ gắn vào thiết bị gia nhiệt bằng hơi để xả nước ngưng, còn gọi là bộ xả ngưng hoặc van cóc (steam trap).

bề mặt gia nhiệt bề mặt trong bộ sinh nhiệt sơ cấp hoặc một thiết bị sưởi mà qua đó nhiệt được trao đổi với chất tải nhiệt (heating surface).

bể phun kết cấu dạng thùng, bể dùng làm mát nước nhờ bay hơi bằng cách phun nước trong không gian phía trên bể nước (spray pond).

bệ chống rung bệ đỡ gồm nhiều gối tựa đàn hồi được lắp giữa máy móc và cấu trúc có tác dụng làm giảm sự lan truyền rung động (anti-vibration mounting).

bích chi tiết có gờ vai nhô lên trên đầu ống hoặc ống gió để nối các đoạn ống và phụ kiện lại với nhau bằng bulông (flange (duct or pipe)).

biến được điều chỉnh thông số của một quá trình và thông số đó là đối tượng điều chỉnh trực tiếp của hệ thống điều chỉnh (controlled condition [variable]).

biểu đồ Ringelmann một loạt các biểu đồ được kẻ ô dầy đến thưa cấp độ từ đen đến trắng, nhờ các biểu đồ này có thể đánh giá độ đen (mức độ ô nhiễm tro, bụi, bồ hóng ...) của khói (Ringelmann chart).

biểu đồ tải đồ thị biểu diễn sự thay đổi của tải theo thời gian (load pattern).

biểu đồ tiện nghi [nhiệt ẩm] x. tiện nghi

bình áp lực 1) bình kín có chứa chất lỏng hoặc khí ở áp suất khác với áp suất khí quyển. 2) bình kín dùng để tiến hành các quá trình nhiệt động hoặc hoá học, xt. xitéc, chai áp lực (pressure vessel).

bình bay hơi x. thiết bị bay hơi

bình chứa bình dùng để chứa khí nén hoặc môi chất lạnh bố trí giữa máy nén và hệ thống phân phối (receiver).

bình chứa cao áp bình lắp đặt ở phía cao áp sau thiết bị ngưng tụ của hệ thống lạnh dùng để chứa môi chất lạnh lỏng (refrigerant liquid receiver).

bình cột áp bình có mức chất lỏng được duy trì không đổi nhờ một đường cấp vd. theo kiểu chảy tràn (head tank).

bình dãn nở 1) bình kín bố trí cố định thường xuyên phía áp thấp của hệ thống lạnh để chứa hơi môi chất (trong máy lạnh ghép tầng) để tránh áp suất quá cao khi máy lạnh ngừng hoạt động. 2) bình chứa để điều tiết sự dãn nở nhiệt của nước trong một hệ thống nước nóng hoặc nước lạnh có áp suất (expansion vessel hoặc expansion tank).

bình dãn nở kiểu màng bình dãn nở có màng mỏng đàn hồi cho lỏng dãn nở trong vòng tuần hoàn kín không tiếp xúc với không khí môi trường bên ngoài (membrane expansion vessel).

bình dãn nở và phân phối bình dãn nở đồng thời làm nhiệm vụ của bình phân phối nước cấp (feed and expansion tank).

bình khí bình chứa khí nối với phía đẩy của một bơm nước pittông để giảm xung động phía đẩy (air vessel).

bình khí nén x. bình áp lực

bình làm mát trung gian bình trao đổi nhiệt để làm mát hơi quá nhiệt (bằng nước hoặc không khí) giữa hai cấp nén (intercooler).

bình ngưng tụ x. thiết bị ngưng tụ

bình sinh hơi (kĩ thuật lạnh) một bình trong hệ thống lạnh hấp thụ trong đó hơi môi chất lạnh được đẩy ra khỏi dung dịch khi bị đốt nóng (generator (refrigeration)).

bình tách dầu một bình lắp trên đường đẩy của máy nén để tách dầu bôi trơn khỏi dòng hơi hoặc khí áp suất cao đi ra từ máy nén (oil separator).

bình tách lỏng một bình lắp đặt ở phía áp thấp giữa thiết bị bay hơi và đầu hút máy nén của hệ thống lạnh dùng để tách chất lỏng chưa bay hơi hết khỏi dòng hơi đi vào máy nén tránh gây va đập thuỷ lực cho máy nén, còn gọi là bình tách môi chất lạnh lỏng (refrigerant liquid separator).

bình tích hơi bình tích nhiệt dưới dạng hơi nước để sử dụng khi cần thiết (steam accumulator).

bình tích lỏng bình lắp đặt trên đường hút giữa thiết bị bay hơi và máy nén của hệ thống lạnh freon để chứa môi chất lạnh lỏng và dầu trong quá trình phá băng để tiết lưu từ từ cả lỏng và dầu về máy nén tránh gây va đập thuỷ lực (refrigerant accumulator).

bình tích nước nóng bình tích nhiệt dạng nước nóng để dùng khi cần thiết (hot water accumulator).

bình trung gian trong máy lạnh hai hoặc nhiều cấp: bình trao đổi nhiệt trong đó môi chất lạnh lỏng trước khi vào van tiết lưu và hơi nén ra từ máy nén hạ áp được làm mát một phần hoặc toàn phần đến nhiệt độ trung gian bằng cách bay hơi một phần môi chất lạnh lỏng ở áp suất trung gian (intercooler).

bình trữ gián tiếp bình trữ có bộ trao đổi nhiệt trong nối liền với một nồi hơi, nhiệt từ nồi hơi được cấp gián tiếp qua bộ trao đổi nhiệt (indirect cylinder).

bình trữ trực tiếp bình trữ trong đó nước được trữ và tuần hoàn nhận nhiệt trực tiếp của nồi hơi (direct cylinder).

bộ bay hơi (môi chất lạnh) x. thiết bị bay hơi

bộ bù 1) một hệ thống điều chỉnh trong đó đại lượng ra được thay đổi tuỳ theo một hoặc nhiều tín hiệu vào. 2) cơ cấu để cân bằng các đường ống hoặc chi tiết cơ khí do dãn nở nhiệt (compensator).

bộ cách ly khí cụ cơ khí có khả năng đóng mở một mạch điện dưới các điều kiện không tải hoặc dòng thấp để có thể tiếp cận an toàn mạch điện đó (isolator).

bộ chỉ báo mức lỏng khí cụ để đo và chỉ báo chiều cao bề mặt chất lỏng trong một bình chứa tính từ đáy bình hoặc từ một điểm mốc tuỳ ý, xt. mức lỏng kế, dung kế, ống thuỷ (liquid level indicator).

bộ chuyển cực bộ điều khiển được thiết kế để khởi động môtơ thay đổi tốc độ nhờ chuyển cực ở tốc độ bất kỳ để thay đổi tốc độ mà không cần phải ngắt dòng điện cấp (change pole controller).

bộ điều chỉnh khí cụ điều chỉnh dùng để duy trì, khống chế một thông số như nhiệt độ, áp suất, lưu lượng, mức lỏng dao động trong một phạm vi cho phép quanh vị trí hoặc giá trị đã đặt trước, xt. điều chỉnh (regulator controller)

bộ điều chỉnh áp suất dụng cụ để điều chỉnh áp suất theo giá trị đặt trước (pressure regulator).

Bộ điều chỉnh lưu lượng bộ điều chỉnh mà đối tượng điều chỉnh là lưu lượng chất lỏng hoặc khí (flow rate controller).

bộ điều chỉnh lưu lượng gió bộ điều chỉnh để duy trì một lưu lượng thể tích không khí lưu động cho trước qua hệ thống ống gió theo phụ tải nhiệt của hệ thống (volume controller, air flow rate controller).

bộ điều chỉnh năng suất trong một máy nén: một dụng cụ dùng để điều chỉnh năng suất của máy nén, ví dụ ở máy nén pittông có thể sử dụng các cơ cấu để thay đổi thể tích chết, đầu xilanh di động, cơ cấu nâng van hút hoặc xả hơi về đường hút (capacity reducer).

bộ điều chỉnh PI hoặc PD bộ điều chỉnh tỉ lệ kèm tác động tích phân hoặc vi phân (two term controller, proportional integral controller, propor-tional differential controller).

bộ điều chỉnh PID bộ điều chỉnh có ba tác động tỉ lệ, tích phân, vi phân (three term controller, proportional, integral differential controller).

bộ điều chỉnh tự tác động bộ điều chỉnh nhận năng lượng vận hành từ quá trình mà nó điều chỉnh không cần đến nguồn năng lượng phụ (self-acting controller, self-powered controller, self-operated controller).

bộ điều khiển [khống chế] 1) thiết bị để duy trì hoặc ổn định các thông số yêu cầu của quá trình trong giới hạn đã cho như nhiệt độ, áp suất, độ ẩm, mức lỏng, dòng chẩy ... 2) thiết bị để thay đổi các thông số theo chương trình đã định sẵn, xt. bộ điều khiển theo chương trình (controller).

bộ điều khiển chủ 1) khí cụ có tín hiệu ra dùng để thay đổi giá trị đặt của một bộ điều khiển phụ thuộc khác; 2) khí cụ trung tâm có tác động hiệu chỉnh theo mức độ sai số để điều hành một hoặc nhiều tổ phụ thuộc khác; 3) bộ điều khiển

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 647/2001/QĐ-BTS về tiêu chuẩn cấp ngành 28TCN166:2001: Thuật ngữ kỹ thuật lạnh, thông gió, sưởi ấm và điều hòa không khí Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 647/2001/QĐ-BTS
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/08/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Nguyễn Việt Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản