Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 6448/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Tây Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển công nghiệp, thương mại vùng Tây Nguyên gắn với không gian mở, tập trung khai thác các cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ phát triển sản xuất kinh doanh trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Sử dụng, phát huy hiệu quả, hợp lý các nguồn lực sẵn có của các địa phương trong Vùng và kết hợp với ngoại lực, từng bước củng cố, nâng cao lợi thế so sánh (tĩnh và động) để phát triển các ngành công nghiệp và thương mại với cơ cấu hợp lý, tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững.

c) Phát triển các ngành công nghiệp và thương mại trong mối quan hệ tương hỗ phát triển giữa các ngành sản xuất và các ngành dịch vụ; tập trung phát triển thị trường cung ứng và tiêu thụ trong vùng, trong nước, trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, khu vực ASEAN và thế giới.

d) Phát triển công nghiệp và thương mại vùng Tây Nguyên gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại vùng sâu, vùng xa; gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn với quá trình đô thị hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

đ) Phát triển thương mại và công nghiệp vùng Tây Nguyên gắn với xây dựng và củng cố vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái của Vùng.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp, thương mại vùng Tây Nguyên cả về số lượng và chất lượng; xây dựng cấu trúc ngành và phân bố không gian phát triển hợp lý; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại bền vững phù hợp với mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và đến năm 2035 vùng Tây Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp chế biến và thương mại của khu vực Đông Dương về các mặt hàng nông, lâm sản có lợi thế.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng Tây Nguyên đạt 13 - 15%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và 12,5 - 14,0% giai đoạn 2021 - 2025; tỷ trọng giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng Tây Nguyên đạt khoảng 75 - 77% vào năm 2020 và 85 - 87% vào năm 2025; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 70 - 80% vào năm 2020 và 90 - 95% vào năm 2025; tỷ lệ phát thải khí nhà kính của các ngành công nghiệp được hạn chế dưới 4%/năm;

b) Tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vùng Tây Nguyên tăng bình quân 21 - 22%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và 20 - 21%/năm giai đoạn 2021 - 2025; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của vùng Tây Nguyên tăng 15 - 16,5%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và tăng 16 - 17,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025; tốc độ nhập khẩu tăng 10 - 12%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và tăng 13,5 - 15%/năm giai đoạn 2021 - 2025.

3. Định hướng phát triển

3.1. Ngành công nghiệp

a) Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.

b) Tăng cường đầu tư theo chiều sâu đối với các ngành công nghiệp chế biến để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu trong vùng và trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia như công nghiệp chế biến cao su, điều, cà phê, bông vải, macadamia (mắc ca) và các loại nông sản khác, chế biến sản phẩm chăn nuôi, hàng mộc cao cấp xuất khẩu, vật liệu xây dựng, các ngành hàng tiểu thủ công nghiệp truyền thống...

c) Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành thương mại hai dự án thí điểm khai thác bô xít, sản xuất alumin Nhân Cơ và Tân Rai đồng thời đẩy mạnh dự án điện phân nhôm và phát triển các sản phẩm sau nhôm làm hạt nhân cho phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp cơ khí, công nghiệp luyện kim, đặc biệt là ứng dụng công nghệ luyện thép từ bùn đỏ tại các nhà máy alumin.

d) Tăng cường hợp tác liên kết phát triển công nghiệp vùng Tây Nguyên với các vùng: Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia để mở rộng thị trường cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp công nghiệp vùng Tây Nguyên sang các nước Lào và Campuchia.

đ) Tổ chức không gian phát triển công nghiệp vùng Tây Nguyên phù hợp với yêu cầu khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế địa kinh tế trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia tạo điều kiện liên kết, hợp tác có hiệu quả.

3.2. Ngành thương mại

a) Phát triển thương mại vùng Tây Nguyên phù hợp với cấu trúc thị trường đang phát triển nhanh trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trong đó, phát triển hài hòa giữa thương mại truyền thống và thương mại hiện đại; giữa phát triển thương mại quy mô nhỏ và vừa tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và thương mại quy mô lớn phục vụ cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp; giữa các thành phần kinh tế trong nước và thành phần phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

b) Phát triển thương mại bán buôn theo hướng hiện đại; tập trung khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, phát triển quan hệ giao dịch B-to-B (B2B); từng bước củng cố hạ tầng kỹ thuật, nâng cao khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để phát triển các sàn giao dịch hàng hóa nông sản; khoáng sản là các nguyên liệu đầu vào khác cho các ngành công nghiệp trong vùng Tây Nguyên.

c) Phát triển đa dạng các loại hình bán lẻ phù hợp với điều kiện đặc thù của thị trường khu vực đô thị, khu vực tập trung các khu công nghiệp, thị trường nông thôn và vùng sâu, vùng xa; phát triển nhanh thương mại bán lẻ hiện đại đồng thời bảo vệ lợi ích kinh doanh cho các cơ sở bán lẻ nhỏ và vừa, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các cơ sở kinh doanh bán lẻ truyền thống và hiện đại, giữa các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại và giữa các thành phần kinh tế trên thị trường vùng Tây Nguyên.

d) Đẩy mạnh hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa qua biên giới trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng và tạo thuận lợi hóa thương mại tại các khu vực cửa khẩu, chợ biên giới với Lào và Campuchia.

đ) Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ phục vụ cho phát triển thương mại, trong đó tập trung vào dịch vụ logicstics, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại tại trung tâm của các tỉnh trong vùng, hình thành 5 trục thương mại lớn có vai trò kết nối các hoạt động thương mại trong vùng, liên vùng và hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất của Tây Nguyên.

4. Quy hoạch phát triển

4.1. Ngành công nghiệp

4.1.1. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất - khoáng sản, đánh giá triển vọng kinh tế của các loại khoáng sản để phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.

- Tập trung khai thác chế biến các loại khoáng sản có tiềm năng lớn và có triển vọng trong Vùng; đầu tư mở rộng quy mô và nâng cấp công nghệ thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ môi trường công nghiệp đối với bauxite - alumin - nhôm, khoáng sản vật liệu xây dựng và khoáng chất công nghiệp.

b) Giai đoạn 2021-2025

- Tiếp tục đầu tư cho công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ để đảm bảo nguồn tài nguyên cho phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng.

- Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, phát triển các cơ sở công nghiệp có liên quan tại các vùng có tiềm năng khoáng sản để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp khai khoáng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và thân thiện môi trường như: trung tâm sản xuất alumina - nhôm; trung tâm sản xuất nguyên, vật liệu xây dựng, trong đó vật liệu xây dựng nhẹ và không nung là chủ đạo; trung tâm sản xuất nguyên, vật liệu chịu lửa và khoáng chất công nghiệp tại các tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

- Đầu tư khai thác và chế biến các mỏ kim loại (sắt, chì, kẽm, mangan), các mỏ kim loại màu và quý hiếm (đồng, vàng, antimoan, thiếc, volfram...).

c) Tầm nhìn đến 2035

- Tập trung đầu tư công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh chế biến các loại khoáng sản. Đặc biệt chú trọng đầu tư chế biến nhôm và các sản phẩm sau nhôm.

- Khai thác hợp lý và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp trong nước, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ nguyên liệu khoáng sản có lợi thế và giá trị xuất khẩu.

4.1.2. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Đầu tư mới và nâng công suất một số dự án chế biến các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu trong vùng (cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, mắc ca, chế biến thịt, da động vật, sữa, bột giấy, ván nhân tạo, đồ gỗ tinh chế xuất khẩu, hàng lâm sản, thủ công mỹ nghệ...).

- Hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu ổn định để phát triển sản xuất, có điều kiện xử lý chất thải, bảo vệ môi trường với mục tiêu tham gia vào chuỗi sản xuất của thị trường thế giới.

b) Giai đoạn 2021-2025

- Ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến lớn có thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, đầu tư phát triển ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, đồng thời đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường.

- Khuyến khích các nhà máy hình thành các liên doanh, liên kết; đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh quy mô lớn có trình độ canh tác, cơ giới hóa cao, gắn kết vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến.

c) Tầm nhìn đến năm 2035

Tập trung vào chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm sản; đồng thời tiếp tục tạo ra nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp và hợp thị hiếu tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho các sản phẩm vùng Tây Nguyên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

4.1.3. Công nghiệp cơ khí

a) Giai đoạn đến năm 2020

Tập trung đầu tư một số dự án cơ khí chủ lực phục vụ chế biến nông sản, thực phẩm, chế biến lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản và phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn vùng.

b) Giai đoạn 2021 - 2025

- Tiếp tục đầu tư các nhà máy cơ khí tại Đăk Lăk để hình thành trung tâm sản xuất cơ khí vùng đủ khả năng công nghệ sản xuất một số máy móc thiết bị phục vụ canh tác, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng của Tây Nguyên.

- Tập trung nghiên cứu tiến tới đầu tư một số dự án chế tạo thiết bị và phụ tùng cho công nghiệp thủy điện và công nghiệp khai khoáng đồng thời đầu tư nhà máy bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị.

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí vùng Tây Nguyên.

c) Tầm nhìn đến 2035

Đầu tư mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp cơ khí đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản xuất và tiêu dùng trong vùng, trong nước và xuất khẩu.

4.1.4. Công nghiệp dệt may, da giầy

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Phát triển các cơ sở may, sợi quy mô vừa và nhỏ;

- Hỗ trợ xây dựng các làng nghề truyền thống về đan thêu, dệt thổ cẩm quy mô hộ gia đình và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ;

- Đầu tư sơ chế, bảo quản da nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy thuộc da vùng lân cận; khuyến khích đầu tư sản xuất giầy vải, giầy thể thao xuất khẩu.

b) Giai đoạn 2021-2025

Đầu tư đổi mới công nghệ tại các cơ sở làng nghề đan thêu, dệt thổ cẩm, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Thu hút một số dự án lớn đầu tư vào các ngành dệt may, da giầy.

c) Tầm nhìn đến 2035

Tiếp tục phát triển ngành dệt may, da giầy theo hướng đầu tư theo chiều sâu vào những khâu, công đoạn và sản phẩm có lợi thế của vùng và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

4.1.5. Công nghiệp hóa chất, dược phẩm

a) Giai đoạn đến năm 2020

Đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất cao su thành phẩm (sản phẩm cao su y tế và dân dụng); sản xuất phân vi sinh; sản xuất bao bì PP, PE và các sản phẩm nhựa tiêu dùng; đầu tư các cơ sở hóa dược trên cơ sở phát triển nguồn dược liệu của vùng; đầu tư các dự án sản xuất cồn, nhiên liệu sinh học.

b) Giai đoạn 2021-2025

- Thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, có trình độ công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm cao cấp từ cao su thiên nhiên, sản xuất nhiên liệu sinh học, sản xuất vật liệu composit,

- Nghiên cứu phát triển các sản phẩm hóa dược, chiết xuất dược liệu và chế biến thảo dược từ nguyên liệu thiên nhiên.

c) Tầm nhìn đến 2035

Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và thu hút đầu tư theo chiều sâu nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến từ cao su thiên nhiên, thảo dược, nhựa công nghiệp.

4.1.6. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Tổ chức sắp xếp lại sản xuất vật liệu xây dựng đảm bảo khai thác có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng phù hợp với yêu cầu và tập quán xây dựng của đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu vùng xa; sản xuất các loại vật liệu xây dựng với nguồn nguyên liệu sẵn có nhằm giảm giá thành và giá bán sản phẩm, cải thiện điều kiện sống của nhân dân.

- Đầu tư mở rộng và nâng cấp công nghệ sản xuất gạch không nung, sản xuất xi măng; liên doanh đầu tư sản xuất clanhke cung cấp cho các dây chuyền nghiền xi măng trong vùng; đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng các sản phẩm bê tông; xây dựng mới các nhà máy sản xuất tấm lợp kim loại.

b) Giai đoạn 2021-2025

Đẩy mạnh đầu tư sản xuất vật liệu không nung; các nhà máy sản xuất tôn trắng, tôn màu xây dựng; các cơ sở sản xuất tấm lợp kích thước lớn (xi măng cốt sợi thủy tinh, fibro manhê, vật liệu composite cốt thực vật); các cơ sở sản xuất bê tông tươi, bê tông dự ứng lực.

c) Tầm nhìn đến năm 2035

Tiếp tục cải tiến, đầu tư công nghệ mới sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng đủ nhu cầu trong khu vực và tiến tới xuất khẩu.

4.1.7. Công nghiệp sản xuất, phân phối điện

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện trên vùng Tây Nguyên theo danh mục tại văn bản số 3567/BCT-TCNL ngày 24 tháng 4 năm 2013 của Bộ Công Thương về Kết quả rà soát quy hoạch xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện trên cả nước và theo “Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030”.

- Triển khai dự án điện gió 120 MW tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk.

- Phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, hoàn thành xây dựng các trạm biến áp, đường dây trung áp, đường dây hạ áp tại các tỉnh theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Giai đoạn 2021 - 2025

- Tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án điện gió tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk.

- Nghiên cứu và triển khai xây dựng các nguồn điện từ năng lượng sinh khối gắn với các nhà máy chế biến đường, phụ phẩm, phế thải từ sản xuất nông lâm nghiệp.

- Phát triển lưới điện đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải công nghiệp, đảm bảo an ninh quốc phòng và đời sống dân cư.

c) Tầm nhìn đến năm 2035

Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ các hệ thống nguồn điện, lưới điện theo điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, địa phương; phát triển các nguồn điện khác.

4.1.8. Công nghiệp sản xuất, phân phối nước sạch

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà máy nước, hệ thống cấp nước hiện có, xây dựng mới các nhà máy nước tại các thành phố, thị xã, thị trấn đảm bảo nước ổn định cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ.

- Cải tạo mạng lưới tuyến ống phân phối nước và hệ thống quản lý chất lượng nước; xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch theo tiêu chuẩn cho các hộ dân cư.

b) Giai đoạn 2021 - 2025

Đầu tư mới và nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ; tiếp tục xây dựng hệ thống cấp nước cho các thị trấn, thị tứ và khu vực nông thôn.

c) Tầm nhìn đến 2035

Đầu tư mở rộng và tiếp tục xây dựng mới các nhà máy, mạng lưới cấp nước phù hợp với quy mô nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và đời sống dân cư đô thị, dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa

4.1.9. Phát triển khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Tiếp tục hoàn thiện và thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, trạm biến áp và đường dây truyền tải điện, trạm xử lý và hệ thống đường ống cấp thoát nước, nhà máy xử lý rác thải...) đồng bộ trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt.

- Đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt gắn với nhu cầu và không gian phát triển các ngành công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản và công nghiệp phục vụ cho sản xuất, chế biến nông, lâm sản.

b) Giai đoạn 2021 - 2025

- Tiếp tục tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến trong các khu, cụm công nghiệp, lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.

- Nghiên cứu xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp theo các tuyến hành lang kinh tế thuận lợi về giao thông, có lợi thế để tăng cường liên kết phát triển các ngành công nghiệp trong vùng và liên vùng.

c) Tầm nhìn đến năm 2035

Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp hình thành không gian công nghiệp để Tây Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm sản; trung tâm công nghiệp cung cấp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm sản của khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

4.2. Quy hoạch phát triển thương mại

4.2.1. Hệ thống chợ

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ hiện có trên địa bàn các huyện, tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh.

- Xây dựng mới các chợ hạng I và II, chợ đầu mối mới để phục vụ cho sự phát triển của các đô thị lớn, các khu công nghiệp trong tỉnh, trong vùng.

- Xây dựng mới và nâng cấp chợ biên giới và chợ cửa khẩu theo “Quy hoạch phát triển hệ thống chợ biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020” đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 6076/QĐ-BCT ngày 15 tháng 10 năm 2012 và “Quy hoạch phát triển hệ thống chợ biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020” đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 6077/QĐ-BCT ngày 15 tháng 10 năm 2012.

b) Giai đoạn 2021 - 2025

Xem xét di dời, cải tạo, nâng cấp các chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khu vực đô thị phát triển nhanh, nhất là các đô thị công nghiệp.

c) Tầm nhìn đến 2035

Tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ truyền thống, nâng cao trình độ lưu thông hàng hóa, kết hợp giữa phát triển thương mại hiện đại với bảo vệ, duy trì chợ truyền thống.

4.2.2. Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị

a) Giai đoạn đến năm 2020

Đầu tư xây dựng mới các siêu thị, trung tâm thương mại có quy mô hạng II và III tại các đô thị, các khu kinh tế cửa khẩu trong vùng.

Xem xét kết hợp giữa đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại và yêu cầu cải tạo nâng cấp trình độ phát triển của loại hình chợ truyền thống tại các khu vực trung tâm đô thị loại I và loại II.

b) Giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2035

Tiếp tục đầu tư xây dựng mới siêu thị tại tất cả các cấp quy mô đô thị từ loại V trở lên; đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại tại các đô thị có quy mô từ loại II trở lên.

4.2.3. Hệ thống trung tâm hội chợ triển lãm, trung tâm xúc tiến và thông tin thương mại

a) Giai đoạn đến năm 2020

Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm hội chợ triển lãm tại các tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng.

b) Giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2035

Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại, trung tâm xúc tiến và thông tin thương mại tại các tỉnh lên quy mô vùng và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

4.2.4. Hệ thống kho hàng hóa, kho ngoại quan, trung tâm logistics

a) Giai đoạn đến năm 2020

Tập trung đầu tư các loại hình kho hàng hóa, kho ngoại quan và trung tâm logistics được bố trí tại các khu kinh tế cửa khẩu, cửa khẩu chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định thành lập.

b) Giai đoạn 2021 - 2025

Đầu tư xây dựng các trung tâm logistics theo các trục thương mại lớn trong vùng như: trục thương mại theo tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam bộ, với vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; trục thương mại theo hành lang Dung Quất - Quôc lộ 24 - Kon Tum (Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y); trục thương mại theo hành lang Quy Nhơn - Quốc lộ 19 - Gia Lai (Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh); trục thương mại theo hành lang Vũng Rô - Quốc lộ 29 - Buôn Ma Thuột (cửa khẩu Đăk Ruê); trục thương mại theo hành lang Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đường Hồ Chí Minh - Đăk Nông (cửa khẩu Bu Prăng, cửa khẩu Đăk Peur). Ngoài ra, xây dựng 1 trung tâm logistics tại khu vực thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

c) Tầm nhìn đến 2035

Tiếp tục đầu tư xây dựng các trung tâm logistics trong vùng và đầu tư nâng cao năng lực kết nối với các trung tâm logistics tại các khu vực cửa khẩu, các cảng biển, các khu kinh tế trong vùng Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và trong cả nước.

5. Một số giải pháp chủ yếu

5.1. Giải pháp ngắn hạn, đột phá

a) Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, thương mại và khu vực trọng điểm có tác động mạnh đến các ngành, lĩnh vực và khu vực khác trong vùng Tây Nguyên.

b) Tăng cường huy động vốn từ các thành phần kinh tế, nguồn vốn từ quỹ đất để tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, thương mại và khu vực trọng điểm.

c) Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên trong giai đoạn đến năm 2020, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; phát triển vùng nguyên liệu.

d) Tăng cường liên kết phát triển giữa các tỉnh Tây Nguyên và trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia về sản xuất và cung ứng nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, phát triển thương mại bán buôn, bán lẻ và xuất - nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

đ) Tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, thu hút cán bộ khoa học - kỹ thuật tâm huyết, có trình độ và chuyên ngành phù hợp đến công tác lâu dài ở Tây Nguyên.

5.2. Giải pháp dài hạn

a) Xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng, minh bạch và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong dân, của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành công nghiệp và thương mại vùng Tây Nguyên.

b) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và cải tạo các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt để tăng khả năng liên kết giữa các địa phương trong và ngoài Vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải.

c) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới nhằm tạo ra sự đột phá trong phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khoáng sản, công nghệ sản xuất các mặt hàng cơ khí.

d) Thực hiện cải cách hành chính đồng bộ ở các cấp, các ngành, xây dựng và hoàn thành Chính quyền điện tử, trung tâm hành chính công, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công cho các doanh nghiệp.

đ) Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin công nghiệp, thương mại để hỗ trợ cho doanh nghiệp về thị trường, sản phẩm, giá cả, nguồn cung cấp nguyên liệu, chi tiết bán thành phẩm, máy móc sản xuất, nguồn lao động. Đồng thời, quảng cáo, giới thiệu công nghệ mới, tư vấn đầu tư, bồi dưỡng kiến thức quản lý.

e) Tăng cường công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ kỹ thuật, kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, thương mại.

g) Tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong Vùng trong công tác xúc tiến đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, hợp tác xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư để tránh cạnh tranh không lành mạnh và không cần thiết giữa các địa phương trong Vùng. Đồng thời, tăng cường công tác điều phối phát triển đảm bảo tuân thủ phân bố không gian phát triển công nghiệp, thương mại vừa phát huy được lợi thế của từng địa phương, vừa xây dựng được các trung tâm phát triển của các ngành công nghiệp, thương mại trong Vùng.

h) Đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương vùng Tây Nguyên với các địa phương của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia trong khuôn khổ hợp tác xây dựng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), hợp tác phát triển các hành lang Đông - Tây và hợp tác song phương, hợp tác giữa các tỉnh của Tây Nguyên với các địa phương của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia.

6. Tổ chức thực hiện

a) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm công bố “Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Tây Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

b) Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch.

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp nhằm thu hút đầu tư; rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp: xây dựng chương trình chung về xúc tiến đầu tư; xúc tiến thương mại; phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND, Sở Công Thương các tỉnh Vùng Tây Nguyên;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ;
- Các Viện: Nghiên cứu Thương mại, Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp, Năng lượng;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KH (2b).

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 6448/QĐ-BCT ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Tổng công suất thiết kế

1. CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM, THỦY SẢN, SẢN XUẤT ĐỒ UỐNG

1

Nhà máy chế biến cao su

Tỉnh Kon Tum (huyện Đăk Tô), tỉnh Gia Lai (huyện Chư Sê), tỉnh Đăk Lăk (huyện Cư Kuin), tỉnh Đăk Nông (huyện Đăk G’long)

100.000 tấn/năm

2

Nhà máy chế biến rau quả

Tỉnh Kon Tum (thành phố Kon Tum), tỉnh Gia Lai (Tây Pleiku, Cụm công nghiệp An Khê, Cụm công nghiệp Chư Sê, Cụm công nghiệp Đăk Đoa), tỉnh Lâm Đồng (huyện Đức Trọng, huyện Lâm Hà)

38.000 tấn/năm

3

Nhà máy sản xuất bột giấy và giấy

Tỉnh Kon Tum (huyện Đăk Tô), tỉnh Lâm Đồng (huyện Bảo Lâm, huyện Đạ Huoai)

230.000 tấn/năm

4

Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi

Tỉnh Kon Tum (thành phố Kon Tum), tỉnh Gia Lai (huyện Krong Pa, huyện Ia Pa, huyện Chư Prông, huyện Chư Sê, huyện Kbang), tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột), tỉnh Đăk Nông (huyện Cư Jút, huyện Krông Nô), tỉnh Lâm Đồng (huyện Đức Trọng, huyện Di Linh, thành phố Bảo Lộc)

150.000 tấn/năm

5

Nhà máy chế biến tinh bột ngô

Tỉnh Kon Tum (huyện Đăk Hà), tỉnh Gia Lai (Khu công nghiệp Tây Pleiku, Cụm công nghiệp An Khê, Cụm công nghiệp Chư Sê, Cụm công nghiệp Đăk Pơ), tỉnh Đăk Lăk (huyện Ea Kar, huyện Ea H’Leo, huyện Krông Búk, huyện Krông Bông), tỉnh Đăk Nông (thị xã Gia Nghĩa)

190.000 tấn/năm

6

Nhà máy chế biến tinh bột sắn

Tỉnh Gia Lai (Khu công nghiệp Trà Đa, Cụm công nghiệp Chư Sê), tỉnh Đăk Lăk (huyện Ea H’leo), tỉnh Đăk Nông (thị xã Gia Nghĩa)

80.000 tấn/năm

7

Nhà máy chế biến cà phê nhân

Tỉnh Gia Lai (huyện Chư Prông, huyện Đức Cơ, huyện Chư Sê, huyện Ia Grai), tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột), tỉnh Đăk Nông (huyện Đắk Mil), Lâm Đồng (thành phố Đà Lạt)

125.000 tấn/năm

8

Nhà máy rang xay, sản xuất cà phê hòa tan

Tỉnh Gia Lai (Tây Pleiku), tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột), tỉnh Lâm Đồng (thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc, huyện Di Linh, huyện Lâm Hà, huyện Bảo Lâm)

25.000 - 30.000 tấn/năm

9

Nhà máy chế biến hạt tiêu (trắng, đỏ) xuất khẩu

Tỉnh Gia Lai (Tây Pleiku, Cụm công nghiệp An Khê, Cụm công nghiệp Chư Sê), tỉnh Đăk Nông (huyện Đăk Rlăp)

10.000 tấn/năm

10

Nhà máy chế biến hạt điều

Tỉnh Gia Lai (huyện Ia Grai, huyện Đức Cơ, huyện Chư Sê), tỉnh Đăk Lăk (huyện Ea Súp, huyện Ea Kar, huyện Krông Ana), tỉnh Đăk Nông (huyện Đăk R’lấp), tỉnh Lâm Đồng (huyện Lâm Hà, huyện Đức Trọng)

19.500 tấn/năm

11

Nhà máy chế biến chè

Tỉnh Lâm Đồng (huyện Lâm Hà)

15.000 tấn/năm

12

Nhà máy chế biến bột ca cao và sô cô la

Tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột), Tỉnh Đăk Nông (huyện Đăk Mil)

35.000 tấn/năm

13

Nhà máy chế biến hạt mắcca

Tỉnh Lâm Đồng (thành phố Bảo Lộc), tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột)

25.000 - 30.000 tấn/năm

14

Nhà máy chế biến sữa

Tỉnh Gia Lai (Khu công nghiệp Trà Đa) tỉnh Đăk Lăk (huyện Ea Súp), tỉnh Đăk Nông (thị xã Gia Nghĩa), tỉnh Lâm Đồng (thành phố Bảo Lộc)

20 - 25 triệu lít/năm

15

Nhà máy chế biến súc sản

Tỉnh Kon Tum (thành phố Kon Tum), tỉnh Gia Lai (thành phố Pleiku), tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột), tỉnh Đăk Nông (thị xã Gia Nghĩa), tỉnh Lâm Đồng (thành phố Đà Lạt)

70.000 tấn/năm

16

Sản xuất ván ép

Tỉnh Gia Lai (Tây Pleiku, Cụm công nghiệp An Khê), tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột), tỉnh Lâm Đồng (huyện Đạ Huoai)

45.000 m3/năm

2. CÔNG NGHIỆP CƠ KHÍ - ĐIỆN - ĐIỆN TỬ

1

Nhà máy cơ khí (sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị) phục vụ nông, lâm nghiệp

Tỉnh Kon Tum (huyện Đăk Hà), tỉnh Gia Lai (thành phố Kon Tum, huyện Chư Pông), tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột)

30.000-40.000 sản phẩm/năm

2

Nhà máy sản xuất thiết bị, phụ tùng ô tô, xe máy

Tỉnh Kon Tum (thành phố Kon Tum), tỉnh Gia Lai (thành phố Pleiku), tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột)

15.000 tấn/năm

3

Nhà máy sản xuất động cơ điện

Tỉnh Đăk Nông (huyện Cư Jút)

24.000 sản phẩm/năm

4

Nhà máy cơ khí điện tử chính xác

Tỉnh Lâm Đồng (thành phố Đà Lạt)

15.000 tấn sản phẩm/năm

3. CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG

1

Dự án sản xuất xi măng lò quay

Tỉnh Kon Tum (huyện Sa Thầy)

350.000 tấn/năm

2

Các nhà máy sản xuất gạch không nung

Tỉnh Gia Lai (thành phố Pleiku, huyện Chư Păh, huyện Chư Prông, thị xã An Khê)

30 triệu viên/năm

3

Nhà máy chế biến đá Bazan thành sản phẩm có giá trị cao

Tỉnh Gia Lai (huyện Kong Chro)

50.000 m3/năm

4. CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT, NHỰA, DƯỢC PHẨM

1

Nhà máy sản xuất hàng nhựa tiêu dùng

Tỉnh Kon Tum (thành phố Kon Tum), tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột), tỉnh Lâm Đồng (huyện Bảo Lâm, huyện Lâm Hà)

105.000 tấn/năm

2

Nhà máy sản xuất phân bón (NPK, vi sinh)

Tỉnh Kon Tum (huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô), tỉnh Gia Lai (huyện Chư Sê, thị xã An Khê, Cụm công nghiệp Ia Dom - huyện Đức Cơ), tỉnh Lâm Đồng (huyện Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc)

420.000 tấn/năm

3

Nhả máy sản xuất bao bì PP và PE

Tỉnh Kon Tum (huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô), tỉnh Gia Lai (thành phố Pleiku), tỉnh Đăk Lăk (thành phố Buôn Ma Thuột), tỉnh Đăk Nông (huyện Đăk R’lấp)

50 triệu sản phẩm/năm

4

Nhà máy sản xuất ống nhựa

Tỉnh Gia Lai (thị xã Ayun Pa)

500 tấn/năm

5

Nhà máy sản xuất săm lốp ô tô và sản phẩm cao su

Tỉnh Gia Lai (thành phố Pleiku)

0,5 triệu sản phẩm/năm

6

Nhà máy sản xuất magezit kiềm hóa và thiêu kết

Tỉnh Gia Lai (huyện Chư Prông)

100.000 tấn/năm

7

Nhà máy sản xuất sản phẩm từ composit

Tỉnh Lâm Đồng (huyện Đức Trọng, huyện Bảo Lâm)

500.000 sản phẩm/năm

8

Nhà máy sản xuất dược liệu

Tỉnh Lâm Đồng (thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc)

100.000 tấn/năm

9

Chiết xuất dược liệu bán tổng hợp

Tỉnh Lâm Đồng (huyện Lâm Hà, huyện Đức Trọng)

100.000 tấn/năm

5. CÔNG NGHIỆP DỆT MAY, DA GIẦY

1

Xí nghiệp giày vải

Tỉnh Kon Tum (huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô)

1,5 triệu đôi/năm

2

Nhà máy sản xuất giầy thể thao xuất khẩu

Tỉnh Lâm Đồng (huyện Di Linh, thành phố Bảo Lộc)

1 triệu đôi/năm

3

Nhà máy may

Tỉnh Kon Tum (huyện Ngọc Hồi), tỉnh Gia Lai (Tây Pleiku, huyện Chư Sê), tỉnh Đăk Nông (huyện Đăk R’lấp, huyện Đăk Song), tỉnh Lâm Đồng (huyện Đức Trọng, huyện Bảo Lâm)

5 - 7 triệu sản phẩm/năm

4

Nhà máy kéo sợi

Tỉnh Gia Lai (huyện Pleiku, Khu công nghiệp Chư Sê), tỉnh Lâm Đồng (huyện Di Linh, huyện Bảo Lâm)

15 - 20 ngàn tấn/năm

5

Nhà máy sản xuất da thuộc

Tỉnh Gia Lai (Tây Pleiku)

10.000 tấn/năm

6. CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC, CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN

1

Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (hoàn thành trong năm 2015)

Tỉnh Đăk Nông huyện Đăk R’lấp)

600.000 tấn alumin/năm

2

Tổ hợp Bô xít-nhôm Lâm Đồng (đã hoàn thành)

Tỉnh Lâm Đồng (huyện Bảo Lâm)

650.000 tấn alumin/năm

3

Nhà máy sản xuất nhôm

Tỉnh Đăk Nông (huyện Đăk R’lấp)

300.000 tấn nhôm/năm

7. CÁC DỰ ÁN CẤP ĐIỆN

7.1. Đường dây và trạm biến áp 500 KV

1

Nâng công suất Trạm biến áp Pleiku

Tỉnh Gia Lai

2x450 MW

2

Nâng công suất Trạm biến áp Di Linh

Tỉnh Lâm Đồng

2x450 MW

3

Tuyến đường dây Bản Sóc - Pleiku

Tỉnh Gia Lai

2x150 km

4

Tuyến đường dây Di Linh - Điện nguyên tử NT

Tỉnh Lâm Đồng

1x95 km

7.2. Đường dây và trạm biến áp 220 KV

1

Trạm biến áp Kon Tum

Tỉnh Kon Tum

1x125 MW

2

Trạm biến áp Pleiku

Tỉnh Gia Lai

2x250 MW

3

Trạm biến áp Chư Sê

Tỉnh Gia Lai

1x250 MW

4

Trạm biến áp Krông Buk

Tỉnh Đăk Lăk

2x250 MW

5

Trạm biến áp Buôn Kuốp

Tỉnh Đăk Nông

1x63 MW

6

Trạm biến áp Đăk Nông

Tỉnh Đăk Nông

2x125 MW

7

Trạm biến áp Bảo Lộc

Tỉnh Lâm Đồng

2x250 MW

8

Trạm biến áp Đà Lạt

Tỉnh Lâm Đồng

1x125 MW
+1x250 MW

9

Tuyến đường dây Pleiku - Chư Sê - Krông Buk (mạch 2)

Tỉnh Gia Lai, tỉnh Đăk Lăk

1x170 km

10

Tuyến đường dây Krông Buk - Nha Trang (mạch 2)

Tỉnh Đăk Lăk

1x147,2 km

11

Tuyến đường dây Pleiku - Kon Tum

Tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum

2x28 km

12

Tuyến đường dây Di Linh - Đức Trọng

Tỉnh Lâm Đồng

1x28 km

13

Tuyến đường dây Đức Trọng - Đa Nhim (mạch 2)

Tỉnh Lâm Đồng

1x40 km

14

Tuyến đường dây Đồng Nai 2 - Tân Rai

Tỉnh Lâm Đồng

1x27 km

15

Tuyến đường dây Di Linh - Bảo Lộc (mạch 2)

Tỉnh Lâm Đồng

1x38 km

16

Tuyến đường dây Đăk Nông - Phước Long

Tỉnh Đăk Nông

2x85 km

17

Tuyến đường dây Pleiku - Quy Nhơn (mạch 2)

Tỉnh Gia Lai

1x146 km

18

Tuyến đường dây Đa Nhim - Đà Lạt

Tỉnh Lâm Đồng

2x28 km

7.3. Đường dây và trạm biến áp 110 KV

1

Xây dựng mới 11 trạm biến áp và nâng công suất 15 trạm biến áp

Các tỉnh vùng Tây Nguyên

693 MVA, 290 km

2

Nâng công suất 10 trạm biến áp

Các tỉnh vùng Tây Nguyên

235 MVA

7.4. Lưới điện phân phối

1

Cải tạo, xây mới các lưới trung thế, hạ thế

Các tỉnh vùng Tây Nguyên

 

8. XÂY DỰNG HẠ TẦNG VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG

1

Khu CN Hòa Bình I

Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

130 ha

2

Khu CN Sao Mai

Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

150 ha

3

Khu CN Đắk Tô

Huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum

200 ha

4

Khu CN Hòa Bình II

Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

200 ha

5

Khu công nghiệp Trà Đa

Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

109,3 ha

6

Kh CN Tây Pleiku

Tỉnh Gia Lai

200 ha

7

Khu CN Song An

Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai

140-150 ha

8

Khu CN Ia Sao

Thị xã Yaun Pa, tỉnh Gia Lai

100-120 ha

9

Khu CN Chư Sê

Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai

140-150 ha

10

Khu CN Hòa Phú

Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk

181,73 ha

11

Khu CN Tâm Thắng

Huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông

181 ha

12

Khu CN Nhân Cơ

Tỉnh Đăk Nông

100 ha

13

Khu CN Lộc Sơn (Giai đoạn I và II)

Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

185 ha

14

Khu CN Phú Hội

Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

174 ha

15

Khu công nghiệp Tân Phú

Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

496 ha

16

Khu công nghiệp Đại Lào

Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

500 ha

9. XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN

1

Đầu tư cơ sở xử lý và chôn lấp chất thải rắn tại các đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung

Tỉnh Kon Tum

5-7 ha

2

Đầu tư cơ sở xử lý và chôn lấp chất thải rắn tại các đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung

Tỉnh Gia Lai

5-7 ha

3

Bãi chôn lấp chất thải rắn thị trấn Ea Kar.

Tỉnh Đăk Lăk

10 ha

4

Bãi chôn lấp chất thải rắn thị trấn Pong Drang.

Tỉnh Đăk Lăk

7 ha

5

Bãi chôn lấp hợp vệ sinh TP Buôn Ma Thuột

Tỉnh Đăk Lăk

42 ha

6

Xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh môi trường tại các huyện.

Tỉnh Đăk Nông

5-7 ha

7

Đầu tư cơ sở xử lý và chôn lấp chất thải rắn tại các đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung.

Tỉnh Lâm Đồng

5-7 ha

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 6448/QĐ-BCT ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

STT

Tên dự án

Địa điểm

Phân kỳ đầu tư

2015-2020

2021-2025

I

Mạng lưới chợ

Vùng Tây Nguyên

 

 

A

Chợ đầu mối

Các tỉnh vùng Tây Nguyên

 

 

1

Chợ đầu mối nông sản

Phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

x

 

2

Chợ đầu mối rau củ

Xã Cư An, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai

 

x

3

Chợ Tân Hòa

Phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk

x

 

4

Chợ đầu mối nông sản chất lượng cao

Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

 

x

B

Chợ hạng I

Các tỉnh vùng Tây Nguyên

 

 

1

Chợ Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum

Đường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

x

 

2

Chợ Trung tâm thương mại Đăk Hà

Huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum

 

x

3

Chợ Thị xã Ayun pa

Phường Đoàn kết, Thị xã Ayun pa, tỉnh Gia Lai

 

x

4

Chợ thị xã An Khê

Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai

x

 

5

Chợ thị trấn Chư Sê

Thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai

 

x

6

Chợ Buôn Hồ

Thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk

 

x

7

Chợ Phước An

Thị trấn Phước An, huyện Rông Pắk, tỉnh Đăk Lăk

x

 

8

Chợ Đức Lập

Thị trấn Đức Lập, huyện Đăk Mil, Đăk Nông

 

x

9

Chợ Kiến Đức

Thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’Lấp, Đăk Nông

 

x

10

Chợ huyện Lâm Hà

Huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng

 

x

11

Chợ Di Linh

Huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

x

 

II

Siêu thị hạng I, II

Các tỉnh vùng Tây Nguyên

 

 

1

Siêu thị tổng hợp thương mại Kon Tum

Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

x

 

2

Siêu thị huyện Đắk Hà

Thị trấn Đăk Hà, tỉnh Kon Tum

 

x

3

Siêu thị huyện Đắk Tô

Thị trấn Đăk Tô, tỉnh Kon Tum

x

 

4

Siêu thị huyện Ngọc Hồi

Thị trấn Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

x

 

5

Siêu thị tổng hợp thành phố Pleiku

Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

x

 

6

Siêu thị tại thành phố Buôn Ma Thuột

Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk

x

 

7

Siêu thị tại Huyện Krông Búk

Huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk

x

 

8

Siêu thị tại huyện Krông Pắk

Huyện Krông Pắk, tỉnh Đăk Lăk

 

x

9

Siêu thị tại huyện Ea Kar

Huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk

 

x

10

Siêu thị tại thị xã Gia Nghĩa

Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông

x

 

11

Siêu thị tại cửa khẩu Đăk Per, Đăk Mil

Huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông

x

 

12

Siêu thị - tại cửa khẩu BuPrăng,

Huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông

x

 

13

Siêu thị tại thành phố Đà Lạt

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

x

 

14

Siêu thị tại thành phố Bảo Lộc

Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

x

 

III

Trung tâm thương mại hạng I, II

Các tỉnh vùng Tây Nguyên

 

 

1

Trung tâm thương mại tại thành phố Kon Tum

Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

x

 

2

Trung tâm thương mại Hội Phú

Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

x

 

3

Trung tâm thương mại thành phố Buôn Ma Thuột

Thành phố Buôn Ma Thuột

x

 

4

Trung tâm thương mại tại thị xã Gia Nghĩa

Thị xã Gia Nghĩa - tỉnh Đăk Nông

x

 

5

Trung tâm thương mại bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

x

 

6

Trung tâm thương mại bán buôn hàng vật tư sản xuất

Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

x

 

7

Trung tâm thương mại (B’Lao Xanh - Lộc Sơn)

Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

 

x

IV

Trung tâm hội chợ, triển lãm cấp tỉnh

Trung tâm các tỉnh vùng Tây Nguyên

 

 

1

Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại

Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

x

 

2

Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại

Thành phố PLeiku, tỉnh Gia Lai

x

 

3

Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại

Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk

x

 

4

Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại

Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông

x

 

5

Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

x

 

V

Trung tâm logistics

Vùng Tây Nguyên

 

 

1

Trung tâm logistics dọc tuyến đường Quốc lộ 29

Tỉnh Đăk Lăk

 

x

2

Trung tâm logistics dọc tuyến đường Quốc lộ 24

Tỉnh Kon Tum

 

x

3

Trung tâm logistics dọc tuyến đường Quốc lộ 19

Tỉnh Gia Lai

 

x

4

Trung tâm logistics Bảo Lộc

Tỉnh Lâm Đồng

 

x

5

Trung tâm logistics dọc tuyến đường Hồ Chí Minh

Tỉnh Đăk Nông

 

x

VI

Hệ thống hạ tầng thương mại tại các khu kinh tế cửa khẩu

Vùng Tây Nguyên

 

 

1

Hạ tầng thương mại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Tỉnh Kon Tum

x

x

2

Hạ tầng thương mại Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh

Tỉnh Gia Lai

x

x

3

Xây dựng cơ sở hạ tầng chợ biên giới huyện Krông Ana và huyện Buôn Đôn

Tỉnh Đăk Lăk

 

x

4

Xây dựng cơ sở hạ tầng chợ cửa khẩu Đăk Ruê, huyện Ea Súp

Tỉnh Đăk Lăk

x

 

5

Hạ tầng thương mại Khu kinh tế cửa khẩu Đăk Ruê

Tỉnh Đăk Lăk

 

x

6

Hạ tầng thương mại Khu kinh tế cửa khẩu Đăk Per

Tỉnh Đăk Nông

 

x

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 6448/QĐ-BCT năm 2015 phê duyệt "Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Tây Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035" do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 6448/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/06/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản