Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 644/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA ĐỂ PHÁT TRIỂN CÁC CỤM LIÊN KẾT NGÀNH TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ KHU VỰC NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn” với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

Hỗ trợ và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nông thôn Việt Nam tham gia và phát triển mạng lưới liên kết, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể như sau:

- Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh trong một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp gia tăng, ít nhất là 5% vào năm 2018 so với 2013;

- Xúc tiến và hỗ trợ xây dựng được ít nhất 2 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và hướng tới xuất khẩu;

- Tăng cường được mối liên kết trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng;

- Nâng cao vai trò và năng lực của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Nội dung của Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn” là việc triển khai các cấu phần của Đề án, bao gồm:

- Hình thành và phát triển một số chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp điển hình;

- Nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp;

- Liên kết và phát triển doanh nghiệp trong các khu, cụm, vườn ươm trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng;

- Xúc tiến phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp;

- Hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị;

- Nâng cao khả năng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong chuỗi giá trị.

(Chi tiết các hoạt động của Đề án theo Phụ lục kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn; căn cứ vào nhiệm vụ của Đề án xây dựng dự toán chi tiết cho hoạt động hàng năm gửi Bộ Tài chính để thẩm định và bố trí ngân sách, triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện Đề án này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

4. Các viện nghiên cứu, trường đại học, các câu lạc bộ, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cơ quan có liên quan trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện Đề án này.

5. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hoạt động ở địa bàn nông thôn đáp ứng đủ các điều kiện của chương trình, đề án theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình Thương hiệu quốc gia... thì được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (3b).XH

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Văn Ninh

 

PHỤ LỤC

CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN "HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA ĐỂ PHÁT TRIỂN CÁC CỤM LIÊN KẾT NGÀNH TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ KHU VỰC NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 644/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

I. NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Nội dung của Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn” chính là các cấu phần thực hiện để hoàn thành các mục tiêu mà Đề án đã đề ra:

1. Hình thành và phát triển một số chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp điển hình.

Mục tiêu: Phân tích chuỗi giá trị, lập sơ đồ các khâu, các lĩnh vực và mối liên kết chính trong mỗi khâu hay lĩnh vực đó, chỉ ra các tác nhân chính, nút thắt chính trong chuỗi giá trị để đưa ra các biện pháp hỗ trợ, cải thiện hợp lý.

Các hoạt động thực hiện như sau:

a) Nghiên cứu, phân tích chuỗi giá trị sản phẩm được lựa chọn tại một số khu vực, địa phương (tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam) lập kế hoạch tác động đến chuỗi giá trị.

b) Tổ chức hội thảo đánh giá lợi thế cạnh tranh, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện tác động vào chuỗi giá trị của các bên tham gia, đối thoại tham vấn chính sách liên quan đến đầu tư vào khu vực chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

c) Đào tạo về xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các cụm nông công nghiệp tại các địa phương.

d) Các hoạt động khác liên quan.

2. Nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Mục tiêu: Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ cho doanh nghiệp, trang bị và nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp để nâng cao vị thế cạnh tranh, chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Các hoạt động thực hiện như sau:

a) Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong các ngành, chuỗi giá trị được lựa chọn (chủ đề về kỹ năng quản trị công nghệ, kỹ năng quản lý điều hành doanh nghiệp; khởi sự doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng trong quy trình sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức trong nước, quốc tế ...).

b) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ tư vấn chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cho các ban quản lý khu, cụm công nông nghiệp về kỹ năng cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh.

c) Xây dựng các tài liệu, cẩm nang về hướng dẫn xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.

d) Tư vấn lập kế hoạch kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi liên kết.

đ) Một số hoạt động liên quan khác.

3. Liên kết và phát triển doanh nghiệp trong các khu, cụm, vườn ươm trong chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng.

Mục tiêu: Tăng cường mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, trường đại học, các cơ quan nhà nước, các tổ chức hiệp hội, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.

Các hoạt động thực hiện như sau:

a) Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quy hoạch vùng nguyên liệu xây dựng mô hình liên kết trong các khu, cụm công nông nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, chế biến thực phẩm, tham vấn chính sách liên kết chuỗi giá trị ngành và phát triển kinh tế vùng, hợp tác công tư trong chuỗi giá trị để kết nối giữa nông dân với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

b) Thăm quan học tập kinh nghiệm về phát triển các khu, cụm công nông nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp tại các nơi có kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực liên kết cụm công nông nghiệp.

c) Tổ chức hội nghị, hội thảo kết nối các hiệp hội ngành hàng, nâng cao năng lực của hiệp hội doanh nghiệp trong việc kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

d) Các hoạt động khác.

4. Xúc tiến phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp.

Mục tiêu: Phát triển sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản nhằm tạo được giá trị gia tăng mới, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp và tất cả các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng.

Các hoạt động thực hiện như sau:

a) Hội thảo và kiến nghị các chính sách xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong chuỗi giá trị ngành.

b) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về thiết kế, phát triển và marketing sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, các phương thức nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và thị hiếu của thị trường cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.

c) Lựa chọn một số doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ở các địa phương để tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

d) Cung cấp thông tin và hỗ trợ một phần kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

đ) Các hoạt động hỗ trợ về thiết kế bao bì sản phẩm, phân phối, vận chuyển.

e) Các hoạt động hỗ trợ khác.

5. Hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.

Mục tiêu: Phát triển chương trình phát thanh, truyền hình địa phương dành cho đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tư vấn cách điều hành doanh nghiệp, đào tạo và cung cấp thông tin thương mại cho người dân và doanh nghiệp để nắm bắt thông tin về thời vụ thu hoạch, chăm sóc vật nuôi cây trồng, môi trường kinh doanh, giá cả, các sự kiện, các nhà cung ứng dịch vụ v.v...

Các hoạt động thực hiện như sau:

a) Hỗ trợ các địa phương xây dựng các bản tin hàng ngày trên sóng phát thanh của đài phát thanh địa phương (huyện, xã).

b) Hội thảo nhằm phổ biến kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị về đổi mới và áp dụng công nghệ trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

c) Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại trong nước.

d) Các hoạt động khác.

6. Nâng cao khả năng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong chuỗi giá trị.

Mục tiêu: Nâng cao vai trò và năng lực của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Các hoạt động thực hiện như sau:

a) Đào tạo nâng cao năng lực quản lý tổ chức cho các hiệp hội, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cho các tổ chức cung cấp dịch vụ.

b) Tổ chức hội thảo để nâng cao tính đại diện của các hiệp hội, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tham vấn chính sách, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.

c) Tư vấn thành lập và nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng cho các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp tại các địa phương.

d) Tư vấn nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội về cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, kiểm soát thương hiệu.

đ) Các hoạt động hỗ trợ khác

II. THỜI GIAN THỰC HIỆN: 2014 - 2018.

III. NGÂN SÁCH DỰ KIẾN

1. Được chi từ ngân sách của các chương trình, đề án theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình Thương hiệu quốc gia... (nếu đủ điều kiện quy định tại Mục 5, Điều 2 Quyết định này).

2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ là 31,5 tỷ đồng (Ba mươi mốt tỷ năm trăm triệu đồng), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam huy động từ doanh nghiệp và các nguồn khác 13,5 tỷ đồng (Mười ba tỷ năm trăm triệu đồng) đối với các hoạt động của Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn" nằm ngoài các chương trình nêu tại Mục 5, Điều 2 Quyết định này.

3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam căn cứ vào kế hoạch hàng năm, xây dựng dự toán báo cáo Bộ Tài chính thẩm định và bố trí ngân sách để triển khai thực hiện Đề án này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 644/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 644/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/05/2014
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Văn Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 505 đến số 506
  • Ngày hiệu lực: 05/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản