Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 644/2003/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 23 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG KHU VỰC CỬA KHẨU QUỐC TẾ LÀO CAI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu công tác quản lý tại Khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai;

Xét đề nghị của Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu thị xã Lào Cai,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định quản lý các hoạt động trong Khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Điều 2. Giao cho Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu thị xã Lào Cai chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng HĐND & UBND tỉnh; Cục trưởng Cục Hải quan; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng; Trưởng ban quản lý kinh tế cửa khẩu thị xã Lào Cai; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2004.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Kim

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG KHU VỰC CỬA KHẨU QUỐC TẾ LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 644/2003/QĐ-UB ngày 23/12/2003 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là nơi thực hiện các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và các dịch vụ liên quan.

Khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, bao gồm: Trung tâm Quản lý cửa khẩu Quốc tế; Khu cách ly cửa khẩu; Khu kiểm tra hàng hóa cửa khẩu (khu kiểm hóa).

Điều 2. Mọi đối tượng khi tham gia hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu, dịch vụ, du lịch tại Khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ, du lịch và các điều khoản cụ thể tại Quy định này.

Điều 3. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai được thực hiện theo thỏa thuận giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Điều 4. Đối tượng được phép ra, vào khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai:

1. Trung tâm Quản lý cửa khẩu Quốc tế:

a) Cán bộ, công chức, chiến sỹ các ngành chức năng tham gia quản lý hoạt động trong khu vực cửa khẩu, bao gồm: Thường trực Ban quản lý, các ngành thành viên Ban quản lý, Kho bạc nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và người thi hành công vụ đưa đón Đoàn ngoại giao.

b) Người có hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền cấp ra vào khu vực cửa khẩu với mục đích xuất nhập cảnh.

c) Các hướng dẫn viên du lịch thuộc các tổ chức được phép kinh doanh du lịch đã đăng ký hoạt động với Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

d) Các tổ chức và cá nhân được phép hoạt động xuất nhập khẩu; kinh doanh dịch vụ được Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu chấp thuận bố trí địa điểm kinh doanh trong khu vực cửa khẩu.

đ) Chủ hàng, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh làm thủ tục tại Trung tâm Quản lý cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

2. Khu cách ly cửa khẩu:

a) Cán bộ, công chức, chiến sỹ thuộc biên chế trạm liên ngành quản lý cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

b) Người thi hành công vụ đưa đón Đoàn ngoại giao.

c) Đối tượng xuất cảnh đã làm xong thủ tục xuất cảnh.

d) Đối tượng nhập cảnh chưa làm xong thủ tục nhập cảnh.

3. Khu kiểm hóa:

a) Cán bộ, công chức, chiến sỹ thuộc liên ngành quản lý cửa khẩu.

b) Chủ hàng, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai.

c) Những người hoạt động dịch vụ vận tải, xếp dỡ và các dịch vụ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu khác theo danh sách quản lý và được Ban quản lý cửa khẩu cấp biển hiệu hoặc giấy chứng nhận.

Điều 5. Đối tượng không được phép vào Khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai:

1. Những đối tượng không thuộc diện quy định tại Điều 4 của Quy định này.

2. Những người vi phạm quy định về xuất nhập cảnh đang trong thời hạn xử lý, những người thuộc đối tượng cấm xuất nhập cảnh.

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm an ninh trật tự khu vực cửa khẩu đang bị xử lý.

Chương II

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP CẢNH

Điều 6. Mọi đối tượng tham gia hoạt động xuất nhập cảnh đều phải làm thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định hiện hành và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng, Hải quan cửa khẩu và các ngành chức năng quản lý cửa khẩu theo quy định.

Người có Hộ chiếu hoặc giấy thông hành xuất nhập cảnh hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng được phép làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Điều 7. Công dân Việt Nam chưa được phép xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang có nghĩa vụ thi hành bản án hình sự hoặc đang bị cơ quan điều tra yêu cầu chưa cho xuất cảnh hoặc chưa cấp hộ chiếu để phục vụ công tác điều tra tội phạm.

b) Người đang có nghĩa vụ thi hành bản án; chờ để giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế, hành chính; chờ để thi hành quyết định xử phạt hành chính; đang có nghĩa vụ nộp thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ các trường hợp có đặt tiền, đặt tải sản, bảo lãnh bằng tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

c) Người đã vi phạm Quy chế xuất nhập cảnh bị xử phạt từ cảnh cáo hành chính trở lên thì chưa được xuất cảnh trong thời gian từ 01 đến 05 năm tính từ ngày bị xử lý vi phạm.

d) Người bị nước ngoài trục xuất vì vi phạm pháp luật của nước sở tại, nếu hành vi đó là nghiêm trọng, có hại cho lợi ích và uy tín của Việt Nam thì chưa được xuất cảnh trong thời gian từ 01 đến 05 năm, tính từ ngày trở về Việt Nam.

đ) Người mà Bộ Y tế đề nghị chưa cho xuất cảnh vì lý do y tế.

e) Các trường hợp khác vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Điều 8. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28 tháng 4 năm 2000.

1. Chưa cho người nước ngoài nhập cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Không có Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay Hộ chiếu, không có Thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp được miễn thị thực.

b) Giả mạo giấy tờ, cố ý khai sai sự thật khi làm thủ tục xin nhập cảnh.

c) Vì có lý do phòng chống dịch bệnh.

d) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam trong lần nhập cảnh trước.

đ) Vì có lý do bảo vệ an ninh quốc gia, lý do đặc biệt khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

2. Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang là bị đơn trong các vụ tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động

b) Đang có nghĩa vụ thi hành bản án hình sự.

c) Đang có nghĩa vụ thi hành bản án dân sự, kinh tế, lao động.

d) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính.

Điều 9. Đối tượng tham gia xuất nhập cảnh phải làm thủ tục Biên phòng, kiểm tra y tế, khai báo và kiểm tra hải quan tại Trung tâm quản lý cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

Điều 10. Phương tiện xuất nhập cảnh phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Trung Quốc cho phép tham gia hoạt động xuất nhập cảnh. Phải đỗ, dừng xe đúng nơi quy định để làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Người và phương tiện khi xuất cảnh, nhập cảnh phải nộp đầy đủ các loại phí, lệ phí theo quy định hiện hành.

Điều 11. Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu thống nhất với các ngành quản lý cửa khẩu ban hành Quy trình thủ tục xuất nhập cảnh đảm bảo nguyên tắc một nơi làm thủ tục - một lần kiểm tra.

Niêm yết công khai: Quy trình, thủ tục và các loại phí, lệ phí xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.

Chương III

QUẢN LÝ XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA

Điều 12. Chủ thể được xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

- Doanh nghiệp, đơn vị thuộc các thành phần kinh tế đăng ký, thành lập theo Luật pháp Việt Nam.

- Hộ kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Lào Cai cấp theo quy định tại Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/3/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.

Điều 13. Chủ thể được mua bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Công dân có hộ khẩu thường trú tại thị xã Lào Cai được mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai trừ hàng hóa cấm xuất, cấm nhập, hàng hóa kinh doanh có điều kiện phải thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 14. Hàng hóa xuất nhập khẩu; hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai được quản lý theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, đều phải làm thủ tục hải quan tại Trung tâm quản lý cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

Điều 15. Hàng hóa xuất khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập... phải tập kết tại Khu kiểm hóa cửa khẩu để làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Hải quan cửa khẩu và các ngành chức năng quản lý cửa khẩu. Chỉ khi hàng hóa, phương tiện đã được Hải quan cửa khẩu quyết định cho thông quan, giải tỏa mới được đưa ra khỏi Khu kiểm hóa. Hàng hóa, phương tiện khi ra khỏi khu kiểm hóa đều phải qua cổng kiểm soát xuất trình biên lai thu phí (phương tiện), chứng từ chứng minh thông quan, giải tỏa hàng hóa cho lực lượng quản lý Khu kiểm hóa.

Điều 16. Chính sách thuế.

Hàng hóa buôn bán qua cửa khẩu phải nộp thuế và các khoản phí theo quy định của Luật pháp Việt Nam. Riêng cư dân thị xã Lào Cai mua bán trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai xuất trình được chứng minh thư biên giới hoặc hộ khẩu thường trú thì được hưởng chính sách thuế đối với cư dân biên giới theo quy định tại Quyết định số 252/2003/QĐ-TTg ngày 24/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý buôn bán hàng hóa qua biên giới với các nước có chung biên giới.

Trường hợp hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới vượt quá quy định mức miễn thuế phải làm thủ tục hải quan và nộp thuế xuất nhập khẩu như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 17. Nghiêm cấm các hành vi:

1. Tháo dỡ, xé lẻ, tẩu tán, giấu giếm hàng hóa khu chưa thực hiện thủ tục hải quan và chưa được sự đồng ý của lực lượng Hải quan và các lực lượng chức năng quản lý cửa khẩu.

2. Không nộp thuế đối với hàng hóa là đối tượng phải nộp thuế; lăng mạ, xúc phạm, chống đối lực lượng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa; gây mất trật tự an ninh trong khu vực cửa khẩu.

3. Những người không có hộ chiếu hoặc giấy thông hành, không có hàng hóa, không được ủy quyền hợp pháp, không phận sự không được làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Điều 18. Ban Quản lý Kinh tế cửa khẩu thống nhất với các ngành quản lý cửa khẩu ban hành quy trình thủ tục xuất nhập khẩu mậu dịch đảm bảo nguyên tắc một nơi làm thủ tục, thu thuế, phí, lệ phí - một lần kiểm tra thực tế hàng hóa; Quy trình thủ tục đối với hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân phải đảm bảo nguyên tắc 3 công đoạn "Kiểm tra - Tính thuế - Thu thuế".

Chương IV

QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ

Điều 19. Mọi đối tượng hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong Khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai phải đảm bảo điều kiện:

1. Có chứng nhận đăng ký kinh doanh

2. Được cấp phép kinh doanh (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện).

3. Được Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu chấp thuận bằng văn bản hoặc thỏa thuận bằng hợp đồng.

Điều 20. Các đối tượng kinh doanh vận tải hàng hóa, vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ phải đăng ký hoạt động với Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu, mới được ra vào Khu kiểm hóa và qua lại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

Điều 21. Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu thống nhất quản lý, tổ chức khai thác các hoạt động dịch vụ tại Khu kiểm hóa cửa khẩu:

1. Bốc xếp hàng hóa

2. Môi giới vận tải

3. Trông giữ phương tiện vận tải và hàng hóa

4. Cho thuê kho, bãi

5. Dịch vụ thủ tục hải quan

6. Các dịch vụ khác phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Điều 22. Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu thành lập các Bộ phận dịch vụ và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quản lý các hoạt động tại cửa khẩu, đảm bảo nguyên tắc tự cân đối tài chính, quản lý khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước và chủ động sử dụng lao động theo quy định của Luật Lao động.

Chương V

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 23. Mọi đối tượng tham gia hoạt động trong Khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nếu vi phạm quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 24.

1. Chỉ người có thẩm quyền được quy định trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mới có thẩm quyền xử lý vi phạm. Khi xử lý vi phạm tùy theo hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của ngành nào thì dùng ấn chỉ của ngành đó. Trường hợp có nhiều hành vi vi phạm thuộc nhiều ngành thì Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu chủ trì phối hợp với các ngành chức năng liên quan để xử lý.

2. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, báo cáo lãnh đạo cấp trên theo ngành và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm theo quy định.

Điều 25. Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng, UBND thị xã Lào Cai, UBND phường Lào Cai xử lý các vi phạm đối với các đối tượng vi phạm có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của các ngành chức năng quản lý cửa khẩu.

Điều 26. Trên cơ sở kết quả xử lý và theo đề nghị của các ngành thành viên, Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu xem xét, thông báo với các ngành chức năng và đề nghị đình chỉ hoặc cấm các tổ chức, cá nhân có vi phạm hoạt động trong Khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

Điều 27. Các tổ chức và cá nhân được phép tham gia hoạt động trong Khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai có quyền khiếu nại, đề nghị cấp có thẩm quyền làm rõ những hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, chiến sỹ các ngành thành viên tham gia quản lý cửa khẩu khi thi hành công vụ gây nhũng nhiễu làm phương hại uy tín, tổn thất kinh tế của mình.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28. Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu, các ngành thành viên Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu, các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc quy định này.

Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2004.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 644/2003/QĐ-UB ban hành quy định quản lý các hoạt động trong khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai

  • Số hiệu: 644/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/12/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Kim
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 13/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản