Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/2006/QĐ-UBND | Quy Nhơn, ngày 22 tháng 6 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ THƯƠNG MẠI BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BTM-BNV ngày 08/4/2005 của Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về thương mại ở địa phương;
Căn cứ Quyết định số 45/2006/QĐ-UBND ngày 04/5/2006 của UBND tỉnh về đổi tên Sở Thương mại và Du lịch thành Sở Thương mại;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại tại Tờ trình số 497/TTr-TMDL ngày 15/5/2006 và Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thương mại.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 104/2005/QĐ-UBND ngày 01/9/2005 của UBND tỉnh ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thương mại và Du lịch.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Thương mại, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ THƯƠNG MẠI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/2006/QĐ-UBND ngày 22/6/2006 của UBND tỉnh)
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
1. Sở Thương mại là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn tỉnh, bao gồm: lưu thông hàng hóa trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thương mại điện tử, quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh, chống độc quyền, chống bán phá giá, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành thương mại và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật.
2. Sở Thương mại chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ về thương mại của Bộ Thương mại.
Sở Thương mại có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
1. Về tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách:
1.1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của Nhà nước về thương mại trên địa bàn tỉnh;
1.2. Nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh xem xét và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các chính sách, chế độ có liên quan đến các hoạt động thương mại tại địa phương;
1.3. Xây dựng trình UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quyết định, chỉ thị về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương; chủ trì phối hợp với cơ quan hữu quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quyết định, chỉ thị đó;
1.4. Xây dựng, trình UBND tỉnh các quy định về phân công, phân cấp hoặc ủy quyền quản lý về thương mại đối với UBND huyện, thành phố Quy Nhơn và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về phân công, phân cấp và ủy quyền quản lý về thương mại sau khi được UBND tỉnh ban hành;
2. Về quy hoạch, kế hoạch:
2.1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và quy hoạch phát triển ngành thương mại của Quốc gia; chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
2.2. Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án do UBND tỉnh giao theo đúng quy định của pháp luật; thẩm định hoặc tham gia thẩm định các chương trình, dự án đầu tư phát triển thương mại hoặc có liên quan đến thương mại theo quy định của pháp luật;
3. Về quản lý lưu thông hàng hóa trong nước:
3.1. Chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại gồm: Các loại hình chợ, các trung tâm thương mại, hệ thống các siêu thị, hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu, hợp tác xã thương mại, dịch vụ thương mại, hệ thống đại lý thương mại và các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác;
3.2. Chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan hướng dẫn tổ chức và thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển các mối liên kết kinh tế trong quá trình lưu thông, giữa lưu thông với sản xuất, hình thành các kênh lưu thông hàng hóa ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng ở địa phương;
3.3. Tổ chức hướng dẫn, triển khai và kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách lưu thông hàng hóa và dịch vụ thương mại; tổng hợp tình hình và đề xuất giải pháp điều tiết lưu thông hàng hóa trong từng thời kỳ;
3.4. Tổ chức và quản lý việc cấp các loại giấy chứng nhận về hàng hóa lưu thông trong nước, dịch vụ thương mại và hoạt động kinh doanh thương mại của thương nhân trên địa bàn tỉnh;
4. Về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu:
4.1. Hướng dẫn và kiểm tra tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách về xuất nhập khẩu hàng hóa;
4.2. Duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cấp hạn ngạch cho các thương nhân trên địa bàn tỉnh theo ủy quyền của Bộ Thương mại;
4.3. Theo dõi, tổng hợp tình hình và đề xuất giải pháp phát triển xuất khẩu hàng hóa cho phù hợp với yêu cầu thực tế của tỉnh;
5. Quản lý thương mại điện tử:
5.1. Trình UBND tỉnh chương trình, kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử, kế hoạch bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ quản lý và phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh;
5.2. Thẩm định hoặc tham gia thẩm định các chương trình, dự án ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh;
5.3. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hạ tầng ứng dụng thương mại điện tử phù hợp với chương trình, kế hoạch tổng thể về thương mại điện tử của Quốc gia theo sự phân công của UBND tỉnh;
6. Về hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế:
6.1. Trình UBND tỉnh các kế hoạch, chương trình, dự án và biện pháp cụ thể về hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế; chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
6.2. Phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án và các quy định về hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế;
6.3. Thực hiện việc đăng ký thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài cho thương nhân hoạt động thương mại đặt trụ sở chính trên địa bàn tỉnh; tổ chức đăng ký và kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh;
7. Quản lý hoạt động xúc tiến thương mại:
7.1. Trình UBND tỉnh kế hoạch, chương trình, dự án và các biện pháp về xúc tiến thương mại; chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
7.2. Thực hiện việc đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm, khuyến mãi thương mại cho thương nhân; duyệt kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh cho thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại theo quy định;
7.3. Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước; thu thập, xử lý, cung cấp các thông tin về thương mại cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế;
8. Quản lý thị trường: Giúp UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh;
8.1. Chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ; chống các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường, gian lận thương mại và các hành vi khác vi phạm pháp luật về thương mại của các tổ chức và cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh;
8.2. Chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại;
9. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, chống bán phá giá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trên địa bàn tỉnh;
10. Hướng dẫn, kiểm tra, quản lý hoạt động của các tổ chức dịch vụ công thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của sở; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc;
Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo quy định của pháp luật;
11. Giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế, các hội và tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực quản lý của Sở theo phân cấp và quy định của pháp luật;
12. Giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra UBND các huyện và thành phố Quy Nhơn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành thương mại theo phân công, phân cấp về nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước;
Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố Quy Nhơn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động thương mại trên địa bàn huyện, thành phố;
13. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ của ngành;
14. Thực hiện hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực quản lý của Sở theo phân công của UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật;
15. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, biện pháp cải cách hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo mục tiêu và nội dung cải cách hành chính của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt;
16. Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ về các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của UBND tỉnh, Bộ Thương mại;
17. Kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.
Quyết định hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xử lý các vi phạm trong hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
18. Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp của UBND tỉnh; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ khác đối với cán bộ, công chức thuộc Sở;
19. Phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và phát triển nguồn nhân lực ngành thương mại của tỉnh;
20. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh;
21. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công hoặc ủy quyền của UBND tỉnh.
Điều 3. Lãnh đạo Sở Thương mại gồm Giám đốc và các Phó Giám đốc.
1. Giám đốc là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Sở, về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao;
Giám đốc Sở có trách nhiệm báo cáo công tác trước UBND tỉnh và HĐND tỉnh, Bộ Thương mại khi được yêu cầu.
2. Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác của Sở theo phân công của Giám đốc; chịu trách nhiệm trước Giám đốc, và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức Giám đốc, Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo quy trình, quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý cán bộ.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Sở Thương mại gồm:
1. Tổ chức tham mưu, giúp lãnh đạo Sở:
1.1. Văn phòng
1.2. Thanh tra
1.3. Các phòng nghiệp vụ chuyên môn:
- Phòng Quản lý Thương mại;
- Phòng Kế hoạch - Tổng hợp;
- Phòng Công nghệ thông tin.
2. Chi cục quản lý nhà nước trực thuộc:
- Chi cục Quản lý thị trường
3. Đơn vị sự nghiệp:
- Trung tâm Xúc tiến Thương mại
Trong quá trình hoạt động, các phòng nghiệp vụ chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở có thể được sắp xếp, kiện toàn nhưng không vượt quá số lượng theo quy định chung.
Việc thành lập các phòng nghiệp vụ chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở do Giám đốc Sở Thương mại phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình UBND tỉnh quyết định trên cơ sở phù hợp với đặc điểm và khối lượng công việc thực tế của tỉnh ở mỗi thời kỳ, bảo đảm mỗi phòng, mỗi đơn vị có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các phòng, các đơn vị khác theo hướng cải cách hành chính.
Giám đốc Sở Thương mại phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Quản lý thị trường, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Thanh tra Sở theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Thương mại ban hành Quy chế làm việc của Sở, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, các phòng nghiệp vụ chuyên môn và quy định trách nhiệm người đứng đầu tổ chức nói trên.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động các chức danh trưởng, phó phòng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành theo quy trình, quy định của Đảng và Nhà nước.
- Biên chế của Văn phòng, Thanh tra, các phòng nghiệp vụ chuyên môn và Chi cục Quản lý thị trường thuộc biên chế quản lý nhà nước.
- Biên chế Trung tâm Xúc tiến Thương mại thuộc biên chế sự nghiệp.
Giám đốc Sở Thương mại có trách nhiệm quản lý biên chế của Sở thực hiện theo quy định tại Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 của Chính phủ về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp Nhà nước và Nghị định số 112/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về cơ chế quản lý biên chế đối với đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Việc bố trí, sử dụng công chức, viên chức của Sở phải đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Nhà nước, theo hướng tinh gọn, có hiệu quả.
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 6. Sở Thương mại làm việc theo chế độ thủ trưởng. Giám đốc Sở là người chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của Sở theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 7. Sở Thương mại nằm trong cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, có mối quan hệ mật thiết với các sở, ban của tỉnh và UBND các huyện, thành phố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó có các mối quan hệ chủ yếu sau đây:
1. Quan hệ với Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh
Phối hợp với Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh trình các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án về thương mại để HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền; tổng hợp các số liệu thống kê hàng quý, 06 tháng, 09 tháng, năm về kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh báo cáo cho Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Bộ Thương mại theo quy định.
2. Quan hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp UBND tỉnh thẩm định các dự án đầu tư trong và ngoài nước có liên quan đến thương mại; cấp hoặc thu hồi giấy phép thành lập doanh nghiệp, đặt văn phòng đại diện, chi nhánh của các tổ chức và cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh; xây dựng chương trình, đề án về phát triển thương mại, xúc tiến đầu tư thương mại, hợp tác kinh tế quốc tế về thương mại của tỉnh.
3. Quan hệ với Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Tài chính theo dõi giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường; hướng dẫn kiểm tra tài chính của đơn vị trực thuộc Sở theo quy định của pháp luật.
4. Quan hệ với Cục Thống kê
Phối hợp với Cục Thống kê xác định số liệu thống kê liên quan đến hoạt động thương mại phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và yêu cầu quản lý của ngành.
5. Quan hệ với Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất xây dựng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; kiểm tra chất lượng hàng hóa, nhãn mác hàng hóa; nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào lĩnh vực quản lý và hoạt động kinh doanh thương mại.
6. Quan hệ với Ban Dân tộc
Phối hợp với Ban Dân tộc thực hiện việc cung ứng các mặt hàng chính sách xã hội, hàng hóa phục vụ sản xuất, đời sống và mua sản phẩm hàng hóa sản xuất ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc.
7. Quan hệ với Sở Văn hóa – Thông tin
Phối hợp với Sở Văn hóa – Thông tin kiểm tra các hoạt động về quảng cáo, tổ chức hội chợ, triển lãm về thương mại có liên quan đến văn hóa.
8. Quan hệ với Sở Tư pháp
Phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật về thương mại; dự thảo các văn bản pháp quy của UBND tỉnh về thương mại.
9. Quan hệ với Thanh tra tỉnh
Phối hợp với Thanh tra tỉnh thanh tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành chính sách, pháp luật về thương mại; phối hợp điều tra, xác minh trình UBND tỉnh giải quyết các tranh chấp của tổ chức và cá nhân về hoạt động thương mại.
10. Quan hệ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cục thuế, Cục Hải quan
Phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cục thuế, Cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ chống kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; chống buôn lậu và gian lận thương mại.
11. Quan hệ với các sở, ban khác
Sở Thương mại có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các sở, ban khác trong việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan và các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao.
12. Quan hệ với UBND các huyện, thành phố
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố Quy Nhơn xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại trên địa bàn các huyện, thành phố theo phân cấp;
- Giúp UBND tỉnh hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thương mại ở địa phương;
- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn đối với các tổ chức giúp UBND huyện, thành phố quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn.
Điều 8. Giám đốc Sở Thương mại
1. Tổ chức các hoạt động của Sở theo các nội dung của bản quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, Giám đốc Sở Thương mại có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Điều 9. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này./.
- 1Quyết định 69/2006/QĐ-UBND quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thương mại do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 2Quyết định 98/QĐ-UBND năm 2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương tỉnh Bình Định
- 3Quyết định 1604/2006/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Vĩnh Long
- 4Quyết định 46/2006/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Du lịch và Thương mại tỉnh Lâm Đồng
- 5Quyết định 104/2005/QĐ-UB ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thương mại và Du lịch do Tỉnh Bình Định ban hành
- 1Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT-BTM-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về thương mại địa phương do Bộ Thương mại - Bộ Nội vụ ban hành
- 2Nghị định 71/2003/NĐ-CP về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 112/2004/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý biên chế đối với đơn vị sự nghiệp nhà nước
- 5Quyết định 69/2006/QĐ-UBND quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thương mại do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 6Quyết định 1604/2006/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Vĩnh Long
- 7Quyết định 46/2006/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Du lịch và Thương mại tỉnh Lâm Đồng
- 8Quyết định 45/2006/QĐ-UBND về đổi tên Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Định
Quyết định 64/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thương mại tỉnh Bình Định
- Số hiệu: 64/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/06/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Vũ Hoàng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra