Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/2001/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 08 tháng 08 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHỔ CẬP THCS THỜI KỲ 2001 - 2010 CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị quyết 41/2000/QH10 của kỳ họp thứ 8, khóa X của Quốc hội;

- Căn cứ chỉ thị 61/CT-TW ngày 28/12/2000 của Bộ Chính trị V/v thực hiện phổ cập trung học cơ sở; Kế hoạch 02/KH-TU ngày 9/5/2001 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về triển khai thực hiện chỉ thị 61/CT-TW ngày 28/12/2000 của Bộ Chính trị;

- Căn cứ công văn số 782 ngày 02/02/2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo V/v thực hiện phổ cập THCS;

- Theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này kế hoạch phổ cập Trung học cơ sở thời kỳ 2001 - 2010 của tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2: Căn cứ kế hoạch phổ cập Trung học cơ sở thời kỳ 2001 - 2010 của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa các nội dung liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các đơn vị trường học tổ chức thực hiện; UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn; Các sở, ban, ngành phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo chức năng chuyên ngành.

Điều 3: Các ông : Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này thay thế Quyết định số 3411/1998/QĐ-UB ngày 16/12/1998 của UBND tỉnh và có hiệu lực kể từ ngày ký./-

 

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Định

 

KẾ HOẠCH

PHỔ CẬP THCS THỜI KỲ 2001 - 2010 CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành theo quyết định số 64/2001/QĐ-UB ngày 08/8/2001 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHỔ CẬP THCS TRONG THỜI GIAN QUA Ở TỈNH LÂM ĐỒNG

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Nghị quyết TW2 khóa VIII (24/12/1996) về việc hoàn thành phổ cập THCS vào năm 2010 và THPT vào năm 2020, nghị quyết 09 ngày 22/5/1997 của Tỉnh ủy Lâm Đồng; Trên cơ sở những thành tựu phát triển giáo dục của tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch định hướng PCGDCS thời kỳ 1999 - 2005 của tỉnh (ban hành theo Quyết định số 3411/QĐ-UB ngày 16/12/1998 của UBND tỉnh).

Hơn 2 năm qua, tình hình thực hiện kế hoạch phổ cập THCS của tỉnh như sau :

1/ Về thực hiện mục tiêu đã đề ra :

Tính đến tháng 4/2001 toàn tỉnh có 28 đơn vị cấp xã, phường và một đơn vị cấp huyện (Thành phố Đàlạt) được công nhận đạt chuẩn. Cụ thể là :

- Thành phố Đàlạt : 14/15 đơn vị xã, phường đạt chuẩn (còn xã Tà Nung).

- Thị xã Bảo Lộc : 3 đơn vị xã, phường (gồm Phường 1, Phường 2, Lộc Sơn).

- Huyện Đức Trọng : 5 đơn vị xã, thị trấn gồm : Liên nghĩa, Hiệp Thạnh, Hiệp An, Liên Hiệp, Ninh Gia.

- Huyện Di Linh : 2 đơn vị xã, thị trấn, gồm : Di Linh, Hòa Ninh

Nhìn chung chỉ tiêu về mục tiêu chưa đạt được theo kế hoạch đã đề ra.

2/ Về thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra :

a) Ưu điểm : Mạng lưới trường THCS được củng cố và phát triển từng bước vững chắc, đa dạng hóa loại hình đảm bảo đáp ứng khá tốt nhu cầu học tập của học sinh trong độ tuổi cũng như mục tiêu phát triển của bậc học. Đến nay có 109/138 xã phường có Trường THCS, PTCS trong đó 19 xã có lớp nhỏ. Toàn tỉnh có 112 trường có cấp học THCS. Học sinh THCS học ngoài công lập có 13.473 học sinh chiếm tỷ lệ 17% số học sinh THCS.

- Huy động được các nguồn lực đầu tư nâng cao điều kiện về cơ sở trường lớp, trang thiết bị phục vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đủ phòng học cho học 2 ca và hầu hết từ cấp 4 trở lên.

- Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và tương đối đủ về loại hình (chỉ còn thiếu một số lại giáo viên kỹ thuật, họa, âm nhạc). Giáo viên đã đạt chuẩn, nhiều giáo viên đã được Đại học hóa.

- Nhận thức của nhân dân về giáo dục có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ huy động đến lớp nhìn chung tốt. Hàng năm nhiều địa phương huy động 100% số TNTH và lớp 6, tỷ lệ duy trì sĩ số cao, phần lớn ở mức trên 98%, số học sinh bỏ học ít, hiệu quả đào tạo gần 80%. Chất lượng đào tạo được củng cố, có chuyển biến tiến bộ, tỷ lệ lưu ban hàng năm thấp, nhiều nơi dưới 2%, tỷ lệ tốt nghiệp đều trên 90%.

- Chủ trương phổ cập THCS tuy còn nhiều vấn đề tồn tại, nhưng bước đầu đã được thực hiện tốt tại số địa phương, nhiều địa phương đã củng cố Ban chỉ đạo, kể cả ở cấp xã, phường. Kế hoạch phổ cập THCS đã được xây dựng trên cơ sở điều tra cơ bản, có tính thực thi.

b) Khó khăn và tồn tại :

- Hệ thống các văn bản pháp quy chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phổ cập THCS ban hành chậm, thiếu đồng bộ và hệ thống. Nguồn lực và chính sách chế độ thực hiện nhiệm vụ phổ cập chưa được giải quyết, công tác chỉ đạo về nghiệp vụ còn nhiều lúng túng,chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Nhận thức về chủ trương phổ cập THCS trong các cấp, các ngành chưa được quán triệt tốt do đó chưa có quyết tâm cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong chỉ đạo còn chung chung, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành xác định chưa rõ, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hướng dẫn còn yếu.

- Một số địa bàn tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao (trên 7%), tỷ lệ học sinh dân tộc gốc Tây Nguyên học lên THCS, THPT còn thấp; Chất lượng đào tạo ở một số vùng chưa vững chắc; Mạng lưới trường THCS ở một số huyện như Lạc Dương, Bảo Lâm phát triển còn chậm.

PHẦN THỨ HAI

NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHỔ CẬP THCS THỜI KỲ 2001 - 2010

Căn cứ Nghị quyết 41/2000/QH10 tại kỳ họp thứ 8, khóa X của Quốc hội; Chỉ thị số 61/CT-TW ngày 28/12/2000 của Bộ Chính trị; Kế hoạch 02/KH-TU ngày 09/5/2001 của Tỉnh ủy Lâm Đồng; công văn số 782/THPT ngày 02/2/2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo V/v thực hiện phổ cập THCS, trên cơ sở kế hoạch phổ cập THCS thời kỳ 1999 - 2005 của tỉnh, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phổ cập THCS thời kỳ 2001 - 2010 của tỉnh Lâm Đồng như sau :

I. Quan điểm :

- Quán triệt quan điểm của Đảng về phổ cập THCS : Bước vào thế kỷ XXI, chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định trong việc phát huy nội lực, phát triển đất nước, hợp tác và cạnh tranh trong hội nhập khu vực và quốc tế, điều đó đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao học vấn của người lao động. Thực hiện phổ cập THCS trong giai đoạn 2001 - 2010 có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhằm góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Để thực hiện phổ cập THCS, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên công tác phổ cập THCS, coi đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng; phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động nhân dân tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả các hoạt động phổ cập THCS.

II. Mục tiêu : (chỉ tiêu kế hoạch đạt chuẩn)

1) Năm 2001 :

- 60% số phường, xã thuộc Thị xã Bảo Lộc

- Thị trấn Nam Ban (Lâm Hà)

- Các xã Ninh gia, Tân Hội (Đức Trọng), Lạc Lâm, Quảng Lập (Đơn Dương), Hòa Ninh (Di Linh).

2) Năm 2002 :

- Thị xã Bảo Lộc (cấp huyện)

- Các thị trấn : Dran, Thạnh Mỹ (Đơn Dương), Đồng Nai (Cát Tiên), Đinh Văn (Lâm Hà), Mađaguôi (Đạ Huoai).

- Các xã : Phú Hội, Bình Thạnh (Đức Trọng), Tân Hà, Tân Văn (Lâm Hà), Đinh Lạc (Di Linh), Lộc An, Lộc Thắng (Bảo Lâm).

3) Năm 2003 - 2004 :

- Thị trấn Đạ Tẻh (Đạ Tẻh), Xã Lát (Lạc Dương), Đạm Ri ( Đạ Huoai).

- Các xã Mađaguôi (Đạ Huoai), Tân Châu, Gia Hiệp, Liên Đầm, Hòa Nam (Di Linh), Phúc Thọ, Phú Sơn (Lâm Hà); Ka Đô, Lạc Xuân (Đơn Dương), Đà Loan, N'Thôn Hạ (Đức Trọng). Đạ Lây, Hương Lâm, An Nhơn (Đạ Tẻh) Phước Cát 1, Quảng Ngãi (Cát Tiên), Lộc Nam, Lộc Thành (Bảo Lâm).

4) Năm 2005 :

- Huyện Đức Trọng đạt chuẩn (cấp huyện).

- Có từ 75 - 90/138 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn (tính lũy tích, phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn không thuộc các xã đặc biệt khó khăn đều đạt chuẩn).

5/ Dự kiến khoảng năm 2007 - 2008 tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn (có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn).

III. Về nhiệm vụ và giải pháp :

1/ Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học tận lực phát triển THCS là nhiệm vụ có tính chiến lược đảm bảo việc thực hiện vững chắc mục tiêu phổ cập THCS :

- Duy trì và phát huy thành quả phổ cập THCS, phát triển bậc tiểu học ổn định, vững chắc, thực hiện PCTH đúng độ tuổi để tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu phổ cập THCS.

- Về đối tượng, huy động tối đa đối tượng trong độ tuổi 11 - 13 (hoặc 14 - 15 thuộc diện ưu tiên) đã học hết lớp 5 vào học lớp 6 phổ thông, các đối tượng khác vào học các lớp BTVH.

- Củng cố, phát triển vững chắc hệ thống trường công, thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2010; Đẩy mạnh đa dạng hóa, phát triển hệ thống các trường Bán công, Dân lập, các lớp BTVH,... khai thác tốt hơn các nguồn lực ngoài ngân sách, xã hội hóa giáo dục, tạo cơ hội, điều kiện đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho đối tượng phổ cập.

Khẩn trương tổ chức mạng lưới thực hiện nhiệm vụ giảng dạy BTVH trong toàn tỉnh; Có biện pháp tổ chức thực hiện một cách linh hoạt việc mở các lớp BTVH cho các đối tượng phổ cập.

- Duy trì sĩ số đầu cấp học đến cuối cấp học tăng dần mỗi năm, giảm tối đa học sinh lưu ban, bỏ học.

- Có chính sách để hỗ trợ tạo điều kiện cho học sinh nghèo, học sinh các vùng khó khăn theo học THCS hoặc BTTHCS.

- Riêng đối với giáo dục vùng dân tộc: củng cố, phát triển các Trường DTNT; tiếp tục duy trì và mở các lớp bán trú gắn với trường phổ thông ở những nơi chưa có điều kiện hoặc không cần thiết mở thành trường riêng đảm bảo thu hút hết học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học THCS.

2/ Về chất lượng đào tạo :

Đảm bảo nguyên tắc giáo dục toàn diện, dạy - học đủ các môn học các chương trình đào tạo theo các hệ hiện hành. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học nhất là các môn KH XH-NV. Coi trọng việc bồi dưỡng, phụ đạo học sinh yếu, kém. Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm hướng vào việc nâng cao khả năng tự học của học sinh. Đảm bảo các chỉ tiêu lên lớp không dưới 98%, và tốt nghiệp tiểu học không dưới 95%, tốt nghiệp THCS không dưới 85%. Những nơi không đảm bảo chỉ tiêu lên lớp, tốt nghiệp phải tổ chức việc ôn luyện, củng cố kiến thức để kiểm tra cho lên lớp vào đầu năm học mới hoặc chuẩn bị tốt cho học sinh thi tốt nghiệp kỳ sau.

3/ Về cơ sở vật chất trường học và đội ngũ giáo viên.

- Về cơ sở vật chất trường học : Những huyện chưa xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học phải khẩn trương xây dựng quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trường học, chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hàng năm đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu phát triển về quy mô. Ưu tiên đầu tư cho THCS, đảm bảo đủ phòng học 2 ca, chỗ ngồi theo các tiêu chuẩn tối thiểu hiện hành và các trang thiết bị cần thiết đáp ứng quy mô phát triển của bậc học theo kế hoạch phát triển hàng năm.

- Về đội ngũ giáo viên : Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đến năm 2010, đảm bảo đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu bộ môn, đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu phát triển của cấp học. Chú ý đào tạo theo địa chỉ, các loại giáo viên còn thiếu, giáo viên kiêm môn. Thực hiện tốt, có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên, theo chu kỳ để cập nhật kiến thức và phương pháp dạy học mới. Từng bước đào tạo trên chuẩn theo hướng Đại học hóa cho số giáo viên chủ chốt, các trường trọng điểm.

4/ Về nhân lực :

- Nhà nước bố trí kinh phí ưu tiêu đầu tư cho giáo dục để thực hiện kế hoạch phổ cập THCS, đảm bảo đủ điều kiện về giáo viên, trường lớp, trang thiết bị và tài chính; có chính sách miễn giảm học phí cho các đối tượng khó khăn, nghèo, học sinh vùng chậm phát triển; chính sách và chế độ cho người dạy và người học ở các lớp BTVH để thực hiện phổ cập; có chính sách khuyến khích và động viên các tổ chức và cá nhân đóng góp công sức và vật chất cho việc phổ cập THCS.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để nhân dân có nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của công tác phổ cập THCS để mọi người, mọi gia đình, cộng đồng cùng có trách nhiệm tham gia thực hiện phổ cập THCS.

IV. Trách nhiệm của các cấp, các ngành :

1/ Cấp tỉnh :

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ cập THCS của tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn cấp huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch.

- Bố trí kinh phí và hướng dẫn việc sử dụng kinh phí phục vụ chương trình phổ cập THCS.

- Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong việc tổ chức thực hiện công tác phổ cập THCS.

- Kiểm tra tình hình thực hiện công tác phổ cập THCS của cấp huyện, kiểm tra công nhận kết quả phổ cập THCS của cấp huyện.

2/ Cấp huyện :

- Căn cứ kế hoạch phổ cập THCS của tỉnh và thực tế tình hình địa phương huyện, thị xã, thành phố để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ cập THCS của địa phương đảm bảo thực hiện đạt hoặc vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh đã đề ra.

- Chỉ đạo và hướng dẫn cấp xã, phường thuộc địa bàn xây dựng kế hoạch phổ cập THCS của xã, phường.

- Kiểm tra tình hình thực hiện công tác phổ cập THCS của xã, phường; kiểm tra công nhận kết quả THCS của xã, phường.

- Đảm bảo các điều kiện về kinh phí, giáo viên, tài liệu... cho công tác phổ cập THCS trên địa bàn.

3/ Cấp xã, phường :

- Xây dựng kế hoạch phổ cập THCS của xã, phường mình theo kế hoạch và hướng dẫn của cấp tỉnh, cấp huyện.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng, huy động các tổ chức đoàn thể, các lực lượng xã hội trên địa bàn xã, phường tổ chức thực hiện kế hoạch phổ cập THCS của xã phường.

4/ Sở Giáo dục và Đào tạo :

Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ cập THCS của tỉnh. Chủ trì phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh đảm bảo các điều kiện phục vụ cho công tác phổ cập THCS. Gồm một số nội dung chính như sau:

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phổ cập THCS.

- Chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, những công việc chủ yếu, trình tự và cách thức tiến hành tổ chức thực hiện phổ cập THCS. Tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Thống nhất với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ chuyên môn về công tác phổ cập THCS của sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường học, đảm bảo triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả; kiện toàn mạng lưới các cơ sở làm nhiệm vụ giảng dạy Bổ túc THCS để thực hiện chương trình phổ cập; Việc đào tạo, điều động và sử dụng đội ngũ giáo viên phục vụ cho công tác phổ cập.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch xây dựng trường lớp hàng năm.

- Phối hợp với Sở Tài chính vật giá trong việc bố trí kinh phí hàng năm phục vụ cho công tác phổ cập; chế độ chính sách cho người dạy, người học.

- Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tổ chức tuyên truyền phổ biến về mục tiêu, ý nghĩa , mục đích của phổ cập THCS, huy động các nguồn lực phục vụ cho công tác phổ cập.

- Thường xuyên theo dõi và định kỳ kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch phổ cập của các địa phương.

V. Tổ chức thực hiện.

1/ Tổ chức học tập Nghị quyết 41/2000/QH của Quốc hội, Chỉ thị 61/CT-TW của Bộ Chính trị, kế hoạch 02/KH-TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Kế hoạch này của UBND tỉnh để quán triệt quan điểm, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm trong việc thực hiện phổ cập THCS.

2/ Các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã phường thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập THCS của cấp mình để giúp UBND xây dựng kế hoạch phổ cập THCS, phân công trách nhiệm các thành viên Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện kế hoạch. Thành phần và nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các cấp thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 712 ngày 02/02/2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kế hoạch của cấp huyện phải trên cơ sở cụ thể hóa kế hoạch của cấp tỉnh, xác định chỉ tiêu của từng giai đoạn trên cơ sở thực trạng tình hình của địa phương qua điều tra, khảo sát.

3/ Định kỳ 3 tháng 1 lần các Ban chỉ đạo tỉnh và địa phương đánh giá tình hình thực hiện công tác phổ cập THCS trên địa bàn để rút kinh nghiệm chỉ đạo và đề xuất giải quyết kịp thời các vướng mắc. Hàng năm phải tổ chức đánh giá sơ kết tình hình.

4/ Từ nay đến cuối năm 2001 các cấp, các ngành phải hoàn thành xong các công việc sau :

- Xây dựng và ban hành kế hoạch phổ cập THCS của địa phương.

- Hướng dẫn về tổ chức cán bộ chuyên môn của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường học thực hiện công tác phổ cập THCS; mạng lưới và các loại hình lớp BTVH.

- Tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phổ cập.

- Quy định về các loại hồ sơ, sổ cách theo dõi, quản lý công tác phổ cập THCS.

- Hướng dẫn về thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện công tác phổ cập./-

 

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Sĩ Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 64/2001/QĐ-UB ban hành kế hoạch phổ cập trung học cơ sở thời kỳ 2001 - 2010 của tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 64/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/08/2001
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản