Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6343/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 30 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày 12/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 3396/QĐ-UBND ngày 06/8/2015 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 3425/TTr-SNN-KHTC ngày 24/12/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Phát triển thủy sản tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch.

1. Quan điểm.

- Phát triển thủy sản một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, phát triển nhanh chế biến, nhất là chế biến xuất khẩu thủy sản làm động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần thủy sản.

- Phát triển thủy sản đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, phát triển thủy sản phải tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Phát triển thủy sản phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng các công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và thân thiện với môi trường. Ưu tiên những đối tượng có giá trị xuất khẩu và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, tăng hiệu quả kinh tế.

- Phát triển thủy sản hướng đến cải thiện điều kiện sống, nâng cao thu nhập của cộng đồng ngư dân, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy sản hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao, gắn với xây dựng, phát triển nông thôn mới, xây dựng các làng cá giàu đẹp, văn minh.

2. Mục tiêu quy hoạch.

2.1. Mục tiêu tổng quát.

Phát triển ngành thủy sản phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế về diện tích đất đai, mặt nước để phát triển ngành thủy sản đồng bộ các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá bền vững trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của nông, ngư dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên vùng biển đảo.

2.2. Mục tiêu cụ thể.

a) Giai đoạn 2016-2020:

- Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá SS 2010) đạt 4.798.215 triệu đồng, Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,0%/năm.

- Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 187.000 tấn.

+ Sản lượng khai thác đạt 122.000 tấn (Chiếm 65,24%)

+ Sản lượng nuôi trồng đạt 65.000 tấn (Chiếm 34,76%)

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 26.000 ha.

+ Diện tích nuôi ngọt đạt 24.200 ha

+ Diện tích nuôi mặn, lợ đạt 1.800 ha.

- Giá trị chế biến xuất khẩu đạt 45 triệu USD.

b) Giai đoạn 2021-2030:

- Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá SS 2010) đạt 7.970.266 triệu đồng, Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,21%/năm.

- Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 200.000 tấn; Trong đó:

+ Sản lượng khai thác đạt 122.000 tấn (Chiếm 61,0%)

+ Sản lượng nuôi trồng đạt 78.000 tấn (Chiếm 39,0%)

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 30.000 ha. Trong đó:

+ Diện tích nuôi ngọt đạt 28.000 ha

+ Diện tích nuôi mặn, lợ đạt 2.000 ha.

- Giá trị chế biến xuất khẩu đạt 70 triệu USD.

3. Định hướng phát triển các lĩnh vực đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030

3.1. Nuôi trồng thủy sản.

a) Định hướng: Tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao: (Tôm sú, tôm thẻ, ngao bãi triều, cá rô phi, cá vược nước ngọt, lươn,...), trên cơ sở hình thành các vùng nuôi ATSH. Phát triển nuôi thâm canh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Khai thác và sử dụng có hiệu quả hồ nước lớn trên cơ sở thành lập các tổ chức khai thác sử dụng diện tích mặt nước với hình thức nuôi lồng kết hợp với hình thức nuôi thả - đánh bắt.

b) Kế hoạch phát triển:

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Qua các năm

TH 2015

QH năm 2020

Tầm nhìn 2030

I

Diện tích nuôi trồng

Ha

23.463

26.000

30.000

1

Diện tích nuôi ngọt

Ha

21.713

24.200

28.000

-

Diện tích ao hồ nhỏ

Ha

8.500

9.000

8.700

-

Diện tích nuôi cá lúa

Ha

8.000

8.300

9.000

-

DT nuôi hồ chứa thủy lợi, thủy điện

Ha

5.213

6.900

10.300

2

Diện tích nuôi mặn, lợ

Ha

1.750

1.800

2.000

-

Diện tích mặt nước nuôi tôm

Ha

1.500

1.450

1.400

-

Diện tích nuôi ngao

Ha

155

250

400

-

Diện tích nuôi khác (cua, cá, hàu,...)

Ha

95

100

200

II

Sản lượng nuôi trồng

Tấn

45.500

65.000

78.000

1

Sản lượng nuôi ngọt

Tấn

36.000

50.000

58.000

2

Sản lượng nuôi mặn, lợ

Tấn

9.500

15.000

20.000

 

Tr.đó: Sản lượng tôm nuôi

Tấn

6.000

10.000

10.000

Nuôi ngọt:

- Nuôi ao hồ nhỏ: Năm 2020 diện tích nuôi đạt 9.000 ha, sản lượng 36.528 tấn; đến năm 2030 đạt 8.700 ha, sản lượng 39.455 tấn. Nuôi ao hồ nhỏ được phát triển ở hầu hết các huyện, thành, thị trong tỉnh. Đối tượng nuôi là cá truyền thống kết hợp với cá rô phi, cá vược nước ngọt, lươn, ếch, ba ba,... Tiếp tục phát triển diện tích nuôi cá rô phi trên các ao hồ nhỏ trong tỉnh, theo đó năm 2020 diện tích nuôi đạt 2.000 ha, sản lượng 11.000 tấn. Đến năm 2030 tăng lên 2.200 ha, sản lượng 13.000 tấn. Tập trung ở các huyện: Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc,...

- Nuôi cá lúa: Năm 2020 đạt 8.300 ha, sản lượng 8.300 tấn; đến năm 2030 tăng lên 9.000 ha, sản lượng đạt 10.800 tấn. Tập trung ở các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành,...

- Nuôi cá trên các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện: Năm 2020 có 6.900 ha, sản lượng 4.121 tấn; đến năm 2030 tăng lên 10.300 ha, sản lượng đạt 6.245 tấn. Tập trung ở các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Quỳ Hợp và Quỳ Châu,... Đối tượng nuôi là cá truyền thống và các loài cá đặc sản khác như: Cá chiên, cá lăng, cá vược nước ngọt,... Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi thả - đánh bắt.

- Nuôi cá lồng trên sông, suối, hồ chứa: Năm 2020 đạt 900 lồng (Có tổng thể tích 35.000 m3), sản lượng đạt 1.050 tấn; Đến năm 2030 tăng lên 1.250 lồng (Có tổng thể tích 48.500 m3); sản lượng đạt 1.500 tấn. Bao gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành, Thanh Chương,...

Nuôi mặn, lợ:

- Nuôi tôm tập trung: Năm 2020 diện tích mặt nước nuôi tôm toàn tỉnh đạt 1.450 ha, sản lượng 10.000 tấn. Đến năm 2030 đạt 1.400 ha, sản lượng đạt 10.000 tấn. Tập trung ở các huyện, thị: Thị xã Hoàng Mai; Quỳnh Lưu; Diễn Châu; Nghi Lộc; Xã Hưng Hòa (TP.Vinh).

- Nuôi theo mô hình VietGAP: Năm 2020 xây dựng 7 vùng nuôi với diện tích 550 ha, Đến năm 2030 tăng lên 600 ha. Bao gồm: Vùng nuôi Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu); Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị (TX Hoàng Mai); Diễn Trung, Diễn Kim (Diễn Châu).

- Nuôi theo hướng đa dạng sinh học: Năm 2020 xây dựng 4 vùng nuôi với diện tích 100 ha, sản lượng 300 tấn; đến năm 2030 tăng lên 200 ha, sản lượng 600 tấn. Bao gồm: Quỳnh Diễn, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu); Diễn Hải, Diễn Vạn, Diễn Ngọc, Diễn Kỷ (Diễn Châu); Nghi Khánh (Nghi Lộc), Hưng Hòa (T.Phố Vinh). Hình thức nuôi chủ yếu là xen ghép các đối tượng như: Cua với cá bống bớp, cá vược,...

- Nuôi ngao bãi triều: Năm 2020 diện tích đạt 250 ha, sản lượng 4.700 tấn. Đến năm 2030 tăng lên 400 ha, sản lượng đạt 9.400 tấn. Bao gồm các xã: Quỳnh Lộc, Mai Hùng (Hoàng Mai); Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ, Sơn Hải (Quỳnh Lưu); Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn Kim, Diễn Hùng (Diễn Châu); Nghi Thiết, Nghi Quang (Nghi Lộc).

c) Sản xuất giống thủy sản:

Từng bước hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản hàng hóa, nhằm chủ động đáp ứng đủ giống tốt, kịp thời phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh.  

TT

Đối tượng giống

ĐVT

Qua các năm

Thực hiện 2015

QH năm 2020

Tầm nhìn 2030

 

Tổng cộng

Tr. con

3.770

10.030

11.150

1

Sản xuất giống mặn, lợ

Tr. con

3.070

9.030

10.050

-

Số lượng tôm giống P15

Tr. con

1.225

8.000

8.500

+

Tôm sú

Tr. con

225

800

800

+

Tôm thẻ chân trắng

Tr. con

1.000

7.200

7.700

-

Cua giống

Tr. con

20

30

50

-

Ngao giống

Tr. con

600

1.000

1.500

2

SX giống nước ngọt

Tr. con

700

1.000

1.100

-

Cá truyền thống

Tr. con

680

960

1.040

-

Cá rô phi

Tr. con

20

40

60

- Sản xuất giống mặn, lợ:

Năm 2020 giữ ổn định 64 trại sản xuất và ương dưỡng giống các loại; tập trung sản xuất các đối tượng có giá trị như: tôm sú, tôm thẻ, ngao, cua biển,...

- Sản xuất giống nước ngọt:

Ổn định 16 trại sản xuất cá giống cấp 1 trên cơ sở tập trung nâng cao năng lực và nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất. Tập trung vào một số đối tượng như: cá rô phi giống lai xa dòng Israel, cá lóc môi trề, cá vược nước ngọt, cá trắm đen,...

3.2. Khai thác hải sản.

a) Định hướng phát triển: Năm 2020 sản lượng khai thác hải sản xa bờ sẽ tăng mạnh, giảm sản lượng gần bờ; khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất. Gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

b) Kế hoạch phát triển:

- Năm 2020 đạt 3.870 chiếc, với công suất bình quân (cv/tàu) đạt 177,78 cv; tàu đánh bắt xa bờ đạt 1.600 chiếc. Đến năm 2030 công suất bình quân (cv/tàu) đạt 208,62cv, tàu đánh bắt xa bờ đạt khoảng 2.200 chiếc.

- Đội tàu hoạt động vùng bờ: Năm 2020 có 1.300 chiếc, đến năm 2030 giảm còn 800 chiếc. Nghề khai thác chủ yếu là nghề lưới rê, lưới kéo tôm, ốc, câu tay.

- Đội tàu hoạt động vùng lộng: Năm 2020 đạt 970 chiếc, đến năm 2030 giảm còn 700 chiếc. Nghề khai thác chủ yếu là Chụp mực, câu, vó Ánh sáng, mành, rê.

- Đội tàu vùng khơi và vùng biển xa: Năm 2020 đạt 1.600 chiếc, đến năm 2030 tăng lên 2.200 chiếc. Nghề khai thác chủ yếu là Kéo lưới đôi, rê tầng đáy, rê tầng nổi, tầng giữa, nghề câu, chụp, vây rút chì và vó khơi, câu khơi.

c) Tổ chức sản xuất: Tập trung khai thác sản phẩm tạo nguyên liệu xuất khẩu, gắn phát triển khai thác với xây dựng các làng nghề chế biến, dịch vụ thủy sản.

Đến năm 2020 tất cả các xã ven biển đều có tổ đồng quản lý khai thác thủy sản ven bờ; Phấn đấu bình quân hàng năm xây dựng được khoảng 50 tổ hợp tác.

d) Khai thác nội địa: Để bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề khai thác thủy sản nội địa bền vững, tránh khai thác quá mức, khai thác hủy diệt. Giữ ổn định sản lượng khai thác nội địa năm 2020 đạt 5.000 tấn, và tiếp tục khai thác ổn định đến năm 2030. Từ nay đến năm 2020 tiếp tục điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản nội địa, nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản nội địa phục vụ công tác quản lý và dự báo.

3.3. Chế biến thủy sản.

a) Định hướng phát triển:

Tập trung thu hút các nhà đầu tư để có các cơ sở chế biến quy mô lớn, tập trung, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ. Phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi từ nuôi trồng, khai thác, chế biến, và tiêu thụ sản phẩm.

b) Kế hoạch phát triển:

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

TH 2015

QH 2020

Tầm nhìn 2030

1

Chế biến công nghiệp

 

 

 

 

1.1

Sản phẩm

Tấn

30.500

33.000

35.000

1.1.1

Chế biến đông lạnh

Tấn

3.000

7.000

10.000

1.1.2

Sản phẩm sơ chế, nguyên con đông lạnh

Tấn

17.000

10.000

8.000

1.1.3

Chế biến khô

Tấn

2.500

4.000

5.000

1.1.4

Chế biến bột cá

Tấn

8.000

12.000

12.000

1.2

Giá trị xuất khẩu

Tr.USD

25

45

70

-

Xuất trực tiếp

Tr.USD

5

10

20

-

Xuất ủy thác

Tr.USD

4

8

10

-

Tiểu ngạch

Tr.USD

11

27

40

2

Chế biến truyền thống

 

 

 

 

2.1

Nước mắm

Tr. lít

25

35

50

2.2

Mắm các loại

Tấn

8.000

10.000

15.000

- Ổn định và nâng cấp các cơ sở chế biến hiện có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Số cơ sở chế biến công nghiệp đảm bảo VSATTP đến năm 2020 đạt tỷ lệ trên 70%.

- Tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư chế biến cá hộp xuất khẩu sớm đi vào hoạt động. Không ngừng cải tiến công nghệ, tập trung chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như: mực Sushimy, nước mắm chin su,...

- Tiếp tục chỉ đạo và tạo điều kiện cho Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản 2 đầu tư nâng cấp nhà máy đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào thị trường EU.

- Xây dựng nhà máy đông lạnh Lạch Vạn (Diễn Châu) có công suất 15 tấn/ngày.

- Đến năm 2020 phát triển thêm 05 làng nghề chế biến thủy hải sản tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Thị xã Cửa Lò.

- Giá trị chế biến xuất khẩu đạt 45 triệu USD; phấn đấu đến năm 2030 giá trị chế biến xuất khẩu tăng lên 70 triệu USD.

- Phát triển hệ thống kho lạnh thương mại, năm 2020 có tổng số 150 kho lạnh, với tổng công suất đạt 36.000 tấn sản phẩm/năm. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 200 kho lạnh, với tổng công suất 40.000 tấn sản phẩm/năm.

3.4. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần ngành thủy sản

a) Định hướng phát triển:

Quy hoạch cơ sở hậu cần nghề cá theo hướng đảm bảo cho nhu cầu tàu cá của ngư dân trong tỉnh ra vào, bốc dỡ sản phẩm, cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho ra khơi khai thác.

b) Kế hoạch phát triển:

TT

Chỉ tiêu

Huyện, thị

ĐVT

TH 2015

QH 2020

Tầm nhìn 2030

1

Số cảng cá

 

Cảng

4

4

4

2

Số bến cá nhân dân

 

Bến

6

7

7

 

Trong đó

Hoàng Mai

Bến

1

1

1

Quỳnh Lưu

Bến

2

2

2

Diễn Châu

Bến

1

1

1

Cửa Lò

Bến

2

2

2

Nghi Lộc

Bến

-

1

1

*

Tổng công suất đáp ứng

 

lượt/năm

29.700

170.000

170.000

3

Khu tránh trú bão

 

Khu

5

6

6

4

Cơ sở đóng, sửa tàu thuyền

 

Cơ sở

64

70

80

- Năm 2020 hệ thống cảng cá ổn định 4 cảng; bao gồm: Cảng cá Cửa Hội (Nghi Hải - Thị xã Cửa Lò); Cảng cá Lạch Quèn (Tiến Thủy, Quỳnh Thuận - Quỳnh Lưu); Cảng cá Lạch Vạn (Diễn Ngọc - Diễn Châu); và Cảng cá Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai); đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 60.000-70.000 tấn thủy sản/năm; đến năm 2030 cơ bản giữ ổn định 4 cảng cá và đáp ứng nhu cầu tàu thuyền vào cập bến neo đậu an toàn.

- Năm 2020 đầu tư nâng cấp mở rộng cảng cá Lạch Quèn với công suất 300 tàu, cảng cá Cửa Hội với công suất 400 tàu, cảng cá Quỳnh Phương với công suất 200 - 300 tàu.

- Năm 2020 sẽ nâng cấp 6 bến cá kết hợp cảng cá, và xây mới 1 bến cá (Nghi Quang); với tổng công suất đáp ứng đạt 170.000 lượt/năm. Đến năm 2030 nâng cấp và ổn định các bến cá trên toàn tỉnh. Bao gồm: Bến cá Lạch Cờn, Lạch Vạn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Lò, Cửa Hội và bến cá Nghi Quang.

- Khu neo đậu tránh trú bão: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đến năm 2020 hoàn chỉnh các khu tránh trú bão Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Lạch Lò và Khu tránh trú bão ở Đảo Mắt.

- Cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền:

+ Phát triển đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, từng bước hình thành và phát triển ngành đóng tàu tập trung ở Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và một số khu vực ven biển thuộc các huyện: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc.

+ Tiếp tục nâng cấp hệ thống cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trên toàn tỉnh, đến năm 2020 đạt 70 cơ sở đóng sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa cho đội tàu khai thác xa bờ; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 80-90 cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trong tỉnh.

4. Các Dự án, đề án ưu tiên.

- Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu cá đến năm 2020.

- Tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng các tổ hợp tác khai thác trên biển đến năm 2020.

- Tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ chế biến thủy hải sản xuất khẩu tại nhà máy chế biến 38A (Cửa Hội) và 38B (Quỳnh Lưu).

- Tiếp tục thực hiện Dự án nhà máy chế biến cá hộp tại Khu công nghiệp Nam Cấm.

- Tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng nhà máy đông lạnh tại Lạch Vạn (Diễn Châu).

- Tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng các cụm công nghiệp chế biến thủy sản tại các huyện (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc).

- Đề án đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho các tàu cá khai thác xa bờ.

- Đề án tổ chức các đội tàu công ích và hậu cần dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

- Đề án đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá Cửa Hội, Cảng cá Lạch Quèn.

- Chương trình xây dựng các thương hiệu thủy sản.

- Chương trình quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản.

II. Các giải pháp thực hiện quy hoạch.

1. Điều tra, khảo sát nguồn lợi thủy sản và quy hoạch chi tiết các vùng nuôi thủy sản.

Triển khai khảo sát điều tra nguồn lợi hải sản vùng biển Nghệ An thông qua các Chương trình hợp tác Quốc tế, hợp tác với các Vụ, Viện Trung ương.

Tiến hành điều tra khảo sát quy hoạch và rà soát quy hoạch thủy sản trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Điều tra, khảo sát tiến hành quy hoạch vùng nuôi cá lúa, tôm lúa, cá vụ 3... phục vụ chương trình chuyển đổi ruộng đất và xây dựng nông thôn mới.

Các quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa, tính bền vững, bảo vệ môi trường và cảnh quan vùng biển; đảm bảo sự phối hợp giữa các ngành du lịch - công nghiệp - giao thông vận tải tránh sự chồng chéo.

2. Giải pháp về khoa học công nghệ và khuyến ngư.

a) Nuôi trồng thủy sản:

- Tiếp tục triển khai và ứng dụng các quy trình nuôi tiên tiến, đảm bảo phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Nghiên cứu và du nhập các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh, như cá rô phi giống lai xa dòng Israel, cá lóc môi trề, cá vược nước ngọt, cá trắm đen,…để phát triển thành sản phẩm hàng hóa.

- Phối hợp với hệ thống quan trắc môi trường của tỉnh, định kỳ kiểm tra và cảnh báo dịch bệnh để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiệt hại cho nông, ngư dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Kiện toàn và đổi mới hoạt động của hệ thống khuyến ngư, nâng cao năng lực hoạt động khuyến ngư, xây dựng các mô hình để chuyển giao công nghệ nuôi tiên tiến cho người dân.

b) Khai thác hải sản:

- Thường xuyên cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ khai thác thủy sản và bảo quản sản phẩm sau khai thác, ...xây dựng mô hình và triển khai áp dụng rộng rãi và kịp thời vào sản xuất thông qua Chương trình khuyến ngư.

- Tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho tàu cá, nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm; du nhập và cải tiến các nghề nghiệp nhằm nâng cao sản lượng cũng như giá sản phẩm.

- Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp đánh bắt, ngư cụ, thiết bị khai thác tiên tiến, đặc biệt đối với đội tàu đánh bắt xa bờ để nâng cao hiệu quả.

- Tập trung nghiên cứu vật liệu mới nhằm tìm được phương án vật liệu thích hợp cả về giá trị kinh tế, cả về giá trị môi trường để thay thế vỏ tàu gỗ cho các đội tàu đánh cá hiện nay.

- Đẩy mạnh công tác tìm kiếm ngư trường xa bờ mới trong và ngoài vùng biển Việt Nam.

c) Chế biến thủy sản:

- Tiếp tục ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, đầu tư đổi mới thiết bị hiện đại để phát triển chế biến theo chiều sâu; nâng cấp các cơ sở chế biến, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

- Phát triển các sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu của từng thị trường nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm có giá trị gia tăng, giảm tối đa tỷ trọng hàng sơ chế, hàng có giá trị gia tăng thấp.

3. Giải pháp về cơ chế chính sách.

a) Chính sách về đất đai: Thực hiện tốt Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày 16/7/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định hạn mức giao đất trống, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng và hạn mức công nhận diện tích đất nông nghiệp do tự khai hoang cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp trên địa bàn Nghệ An; (theo khoản 5, điều 129 Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: Sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp: không quá 2,0 ha cho mỗi loại đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân. Thời hạn sử dụng đất được xác định theo khoản 1, 2 Điều 126 và khoản 4 Điều 210 Luật Đất đai năm 2013.

b) Chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản: Tiếp tục thực hiện và bổ sung các chính sách của Trung ương và của tỉnh: Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản; Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND, ngày 17/11/2014 về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 125/2014/NQ-HĐND; Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 8/7/2013 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2011/QĐ-UBND ngày 20/9/2011 về việc quy định cơ chế chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 15/11/2010 của Bộ Tài Chính-Bộ Nông nghiệp&PTNT.

c) Chính sách tín dụng: Tổ chức triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

4. Giải pháp về vốn đầu tư.

a) Thu hút các chính sách đầu tư:

- Có biện pháp thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư trong xã hội, mở rộng hình thức tín dụng nhân dân, đặc biệt vùng nông thôn ven biển trong tỉnh để huy động nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân, đồng thời cho hộ nông ngư dân vay vốn để phát triển sản xuất, hạn chế tiến đến xóa bỏ tình trạng cho vay nặng lãi của tư thương trong sản xuất kinh doanh thủy sản.

- Tạo cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực thủy sản.

- Có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, ODA, các doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt là hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) trong các lĩnh vực thủy sản.

b) Vốn đầu tư:

Khái toán tổng vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch là 2.264 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách, vốn vay ngân hàng, vốn tự có và huy động vào phát triển thủy sản là 3 nguồn vốn chính; Nhà nước hỗ trợ thông qua các cơ chế chính sách hiện hành và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác như ODA, WB,...

5. Giải pháp về hợp tác quốc tế.

- Tăng cường và mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế về thủy sản. Trao đổi thông tin khoa học, công nghệ và thị trường phục vụ phát triển thủy sản. Tranh thủ hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực và trao đổi kinh nghiệm, du nhập các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

- Thực hiện tốt các dự án đầu tư bằng nguồn vốn WB; ADB,...do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý.

- Tiếp tục phát triển các hình thức hợp tác, liên doanh trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, cơ khí, hậu cần dịch vụ, chế biến, thương mại thủy sản với các tỉnh trong nước và khu vực.

- Tăng cường hợp tác trong đào tạo cán bộ có trình độ cao cho ngành thủy sản, trong ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ khai thác hải sản, công nghệ sản xuất giống sạch bệnh. Lai tạo giống mới, nuôi công nghiệp, sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học,...

6. Giải pháp về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.

- Áp dụng các biện pháp quản lý về nơi cư trú của cá và các loài thủy sản, biện pháp quản lý về quần đàn các loài thủy sản.

- Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về khai thác hải sản theo mùa vụ, nghiêm cấm khai thác các đối tượng hải sản trong mùa vụ sinh sản, nghiêm cấm sử dụng các công cụ khai thác hủy hoại môi trường và nguồn lợi hải sản.

- Các vùng nuôi tập trung, trại sản xuất giống đều phải bố trí hệ thống công trình ao nuôi, bể lắng lọc trước khi đưa vào sản xuất; thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi và sản xuất giống theo tiêu chuẩn Việt Nam; xử lý nước đúng theo quy định trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận.

- Xây dựng quy chế vùng nuôi tập trung, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, thực hành nuôi tốt (VietGAP) để giảm thuốc và hóa chất dùng trong quá trình sản xuất; tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi đưa vào ao nuôi; kiểm tra các loại thức ăn, thuốc, hóa chất,... tại các đại lý kinh doanh đảm bảo chất lượng.

- Định kỳ quan trắc, phân tích thành phần các chất thải độc hại, chất thải, khí thải gây ô nhiễm,... Hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư vốn, bố trí nhân lực thực hiện công tác quan trắc, thanh tra và quản lý môi trường.

7. Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

- Đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề nhằm giúp ngư dân tiếp cận các loại nghề mới, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật vào trong hoạt động thủy sản.

- Hỗ trợ đào tạo công nhân kỹ thuật khai thác, cơ khí, nuôi trồng và chế biến cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, các hộ nuôi trồng thủy sản cũng như các chủ tàu cá thông qua Chương trình khuyến ngư, thông qua các dự án.

- Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và các nhà doanh nghiệp về trình độ quản lý kinh tế, công tác thị trường,...

- Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý địa phương về lĩnh vực thủy sản.

8. Giải pháp về thị trường, và xúc tiến đầu tư.

- Phát triển thị trường xuất khẩu như các nước: Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản, EU,... đồng thời mở rộng thị trường các nước Châu Âu, Châu Mỹ,...

- Tăng cường mối liên kết giữa ngư dân với các doanh nghiệp chế biến trong việc tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đóng vai trò đầu mối định hướng về loại sản phẩm, thông tin giá cả và các yêu cầu của thị trường cho ngư dân.

- Thành lập các Hội trong sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường thông qua việc tham gia các Hội chợ trong nước và nước ngoài, làm tốt công tác du lịch với giới thiệu và quảng bá sản phẩm.

- Triển khai xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ những thương hiệu sản phẩm độc quyền thủy sản của các làng nghề.

- Khôi phục và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh bạn, nhất là thị trường các tỉnh phía Bắc.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan công bố Quy hoạch.

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch, Đề án, Chương trình, Dự án,...để thực hiện nội dung quy hoạch. Chịu trách nhiệm làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan trong việc quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp quy hoạch, đúng quy định của pháp luật.

- Tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn hiện hành của Trung ương, của tỉnh cụ thể như: Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản; Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND, ngày 17/11/2014 về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, và Nghị quyết số 125/2014/NQ-HĐND tỉnh; Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 8/7/2013 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2011/QĐ-UBND ngày 20/9/2011 về việc quy định cơ chế chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản.

- Tổ chức chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy sản.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Tham mưu cho UBND tỉnh giao kế hoạch cho các địa phương triển khai nội dung quy hoạch.

- Phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành, các cấp để hướng dẫn việc lập, thẩm định các Dự án, Đề án đầu tư đảm bảo chất lượng, nhanh chóng, đúng tiến độ; Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính trong việc cân đối các nguồn vốn thực hiện quy hoạch.

- Làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành Trung ương để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho phát triển thủy sản ở Nghệ An, nhất là các dự án đầu tư, nguồn tín dụng ưu đãi,... nhằm góp phần thực hiện tốt các dự án, đề án.

3. Sở Tài chính.

Trên cơ sở Quy hoạch đã được phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn hàng năm để thực hiện chính sách hỗ trợ trong xây dựng mô hình, các vùng nuôi thủy sản tập trung; các khu chế biến; chuyển đổi tàu thuyền khai thác xa bờ đúng quy hoạch. Hàng năm tổ chức kiểm tra phần vốn ngân sách hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng chính sách, pháp luật Nhà nước.

4. Sở Khoa học và Công nghệ.

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện các đề tài về giống, thức ăn, công nghệ sản xuất tiên tiến phù hợp với điều kiện Nghệ An để sớm kết luận và nhân rộng mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản có hiệu quả.

5. Sở Công thương.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chính sách đổi mới công nghệ chế biến thủy sản, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong và ngoài nước; phối hợp và hỗ trợ các địa phương quy hoạch, phát triển các khu, cụm chế biến, đóng sửa tàu thuyền, làng nghề chế biến thủy sản,...

6. Các Sở ban ngành liên quan.

Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong tổ chức thực hiện quy hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh về những vấn đề liên quan chuyên ngành của mình, giải quyết các vướng mắc để thực hiện quy hoạch có hiệu quả.

7. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và khai thác thủy sản.

- Tăng cường sự liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân thông qua hợp đồng kinh tế.

- Làm tốt công tác dịch vụ kỹ thuật, cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản; các loại ngư lưới cụ, dầu,...đảm bảo chất lượng cho người tham gia hoạt động thủy sản.

- Tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

- Quan tâm đầu tư xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các trại sản xuất giống; các nhà máy chế biến hải sản đông lạnh, hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất trong thời gian tới.

8. UBND các huyện, thành phố và thị xã.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ban ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng phát triển thủy sản đảm bảo theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

- Tổ chức quản lý quy hoạch chặt chẽ, đảm bảo có hiệu quả đúng quy định.

- Lồng ghép nội dung quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố, thị xã. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển thủy sản trên địa bàn đảm bảo có hiệu quả, đúng quy định.

- Chủ động và có trách nhiệm phối hợp cùng chủ dự án tổ chức triển khai đề án, các dự án đầu tư đúng tiến độ, đúng nội dung và có hiệu quả. Hàng năm có sơ kết, tổng kết đánh giá để xử lý kịp thời các vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai.

- Tạo thuận lợi cho các hộ nuôi trồng, khai thác, và chế biến thủy sản trong việc vay vốn sản xuất và cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển thủy sản trên địa bàn.

- Bổ sung nhu cầu sử dụng đất thủy sản theo quy hoạch trên địa bàn vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, thành phố, thị xã; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phát triển sản xuất thủy sản tại cơ sở, xử lý nghiêm minh, đúng quy định các vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa phương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- PCT NN;
- Phó Văn phòng TC;
- Lưu: VTUB, CVNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 6343/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch Phát triển thủy sản tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 6343/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Viết Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản