Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số: 632/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 11 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HỖ TRỢ XI MĂNG LÀM ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN VÀ KÊNH MƯƠNG NỘI ĐỒNG NĂM 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19/5/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009- 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Văn bản số 63/HĐND ngày 10/02/2015 về việc điều chỉnh, bổ sung và tiếp tục thực hiện quy định cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường Giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng năm 2015;

Xét đề nghị của Liên Sở: Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Văn bản số 362/CV-LN ngày 02 tháng 02 năm 2015 về việc báo cáo, đề xuất cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định cơ chế hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng năm 2015 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung sau:

I. Ngân sách các cấp hỗ trợ 100% xi măng làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng theo cơ chế sau:

1. Đối với công trình đường giao thông

1.1. Đường trục xã:

- Đối với các xã 30b: Ngân sách tỉnh 85%, ngân sách huyện, xã 15%.

- Đối với các xã còn lại: Ngân sách tỉnh 70%; ngân sách huyện, xã 30%.

1.2. Đường trục thôn, xóm:

- Đối với các xã 30b (huyện Hương Khê, Vũ Quang): Ngân sách tỉnh 80%; ngân sách huyện, xã 20%;

- Đối với các xã còn lại: Ngân sách tỉnh 40%, ngân sách huyện, xã 60%;

1.3. Đường ngõ xóm:

- Đối với các xã 30b: Ngân sách tỉnh 60%; ngân sách huyện, xã 40%;

- Đối với các xã còn lại: Ngân sách tỉnh 30%; ngân sách huyện, xã 70%;

1.4. Đường trục chính nội đồng:

- Đối với các xã 30b: Ngân sách tỉnh 85%; ngân sách huyện 10%; ngân sách xã 5%.

- Đối với các xã còn lại: Ngân sách tỉnh 70%; ngân sách cấp huyện 25%; ngân sách xã 5%.

2. Kênh mương nội đồng:

- Đối với các xã 30b: Ngân sách tỉnh 85%; Ngân sách huyện 10%; Ngân sách xã 5%.

- Đối với các xã còn lại: Ngân sách tỉnh 70%; ngân sách cấp huyện 25%; ngân sách xã 5%.

3. Đối với đường vào các khu sản xuất tập trung theo tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của UBND tỉnh: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.

4. Đối với phần ngân sách huyện, xã đảm bảo theo quy định tại mục 1,2, 3 Khoản I điều này: Giao UBND các huyện, thành phố, thị xã tùy theo khả năng ngân sách, quyết định cơ chế hỗ trợ của từng cấp cho phù hợp.

5. Ngoài nguồn ngân sách các cấp hỗ trợ 100% xi măng theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này, các huyện, thị xã, thành phố tùy theo khả năng và tình hình thực tế có thể hỗ trợ thêm các loại vật tư, chi phí khác nhưng không được vượt mức quy định về hỗ trợ từ NSNN quy định tại Nghị quyết 114/2014/NQ-HĐND ngày 20/12/2014 của HĐND tỉnh và các quy định khác.

II. Đường nội đồng khu sản xuất rau củ quả công nghệ cao của Tổng công ty Khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh (vùng ngoài khu Dự án khảo nghiệm) áp dụng mức tỉnh hỗ trợ xi măng như đường trục chính nội đồng đối với các xã không thuộc xã 30b: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%; Tổng công ty KSTM Hà Tĩnh - CTCP 30%

III. Hỗ trợ kinh phí chỉ đạo, quản lý

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Tài chính và các ngành liên quan thực hiện việc chỉ đạo, kiểm tra định kỳ, quyết toán, sơ tổng kết,...vv. Trên cơ sở đề xuất của các Sở, ngành, giao Sở Tài chính xem xét thẩm định trình UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ;

- Ngân sách cấp huyện, xã hỗ trợ cho các phòng ban, đơn vị liên quan thuộc phạm vi quản lý để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến kế hoạch GTNT, thủy lợi nội đồng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;

IV. Nguồn kinh phí:

- Ngân sách tỉnh, vay tín dụng ưu đãi, nguồn ngân sách TW hỗ trợ chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2015.

- Ngân sách các cấp Huyện, xã.

- Nguồn vốn doanh nghiệp (Tổng công ty KSTM Hà Tĩnh-CTCP).

Điều 2. Cơ chế, tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch làm GTNT và KMNĐ năm 2015 trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh quyết định (trên cơ sở rà soát lại Quyết định 479/QĐ-UBND ngày 18/02/2014 của UBND tỉnh để điều chỉnh bổ sung một số nội dung cho phù hợp);

2. Sở Xây dựng:

Kiểm tra, soát xét, điều chỉnh văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục hồ sơ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng theo cơ chế hỗ trợ của UBND tỉnh nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc để các địa phương tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng vật tư, công trình, nếu phát hiện sai phạm phải đình chỉ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

3. Sở Tài chính:

- Chủ trì phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở ngành liên quan hướng dẫn thực hiện cơ chế hỗ trợ, thanh quyết toán kinh phí mua xi măng năm 2015 theo quy định;

- Trên cơ sở Quyết định, chủ trương của UBND tỉnh, ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị cung ứng đối với các nội dung: Chủng loại xi măng PCB 40; giá cả, phương thức thanh toán, cách thức giao nhận và các nội dung khác có liên quan.

- Thanh toán kinh phí mua xi măng đối với giá trị khối lượng xi măng do ngân sách các cấp tỉnh, huyện, xã đảm bảo; phương thức thanh toán kinh phí đối với đơn vị cung ứng: Hàng quý, thanh toán tiền mua xi măng bằng mức 70% giá trị xi măng thực cung ứng theo giao nhận hóa đơn, hồ sơ giữa đơn vị cung ứng xi măng với Sở Tài chính; đến quý I/2016, sau khi đơn vị cung ứng xi măng đã giao đủ hồ sơ giao nhận xi măng, hóa đơn GTGT (không bao gồm giá trị khối lượng xi măng do Tổng công ty KSTM đảm bảo) và các hồ sơ liên quan khác, Sở Tài chính sẽ thanh toán hết giá trị xi măng thực cung ứng đến hết ngày 31/12/2015 (trong phạm vi Hợp đồng đã ký).

- Tham mưu UBND tỉnh nguồn vốn để thực hiện kế hoạch.

- Kiểm tra thường xuyên việc sử dụng nguồn kinh phí của cấp huyện, cấp xã, báo cáo kịp thời các tồn tại, vướng mắc cho UBND tỉnh;

- Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về nghiệm thu, thanh quyết toán đúng quy định hiện hành (hoàn thành đến đâu phải thực hiện công tác nghiệm thu, thanh, quyết toán đến đó).

4. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

Chịu trách nhiệm giao chỉ tiêu kế hoạch GTNT, kênh mương nội đồng cho các xã theo kế hoạch do các xã đăng ký và được UBND tỉnh phê duyệt; làm đầu mối lập kế hoạch về nhu cầu, số lượng, thời gian cung ứng xi măng cho các xã; có văn bản ủy quyền Sở Tài chính chi trả kinh phí mua xi măng cho đơn vị cung ứng (đối với phần ngân sách cấp huyện đảm bảo); tổng hợp Văn bản ủy quyền chi trả kinh phí mua xi măng (của UBND xã) gửi Sở Tài chính; Chỉ đạo UBND xã phân bổ và giao chỉ tiêu kế hoạch GTNT, kênh mương nội đồng phù hợp chỉ tiêu UBND cấp huyện giao;

- Chịu trách nhiệm giao chỉ tiêu kế hoạch GTNT, thủy lợi nội đồng cho các xã theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; làm đầu mối lập kế hoạch về nhu cầu, số lượng, thời gian cung ứng xi măng cho các xã;

- Có văn bản ủy quyền Sở Tài chính chi trả kinh phí mua xi măng cho đơn vị cung ứng (đối với phần ngân sách cấp huyện đảm bảo);

- Tổng hợp Văn bản ủy quyền chi trả kinh phí mua xi măng (của UBND xã) gửi Sở Tài chính

- Chỉ đạo UBND xã: Phân bổ và giao chỉ tiêu kế hoạch GTNT, thủy lợi nội đồng phù hợp chỉ tiêu UBND cấp huyện giao; trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị cung ứng (theo quyết định, chủ trương của UBND tỉnh) và trực tiếp nhận xi măng tại địa bàn xã bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện; nghiệm thu, thanh lý hợp đồng về số lượng, chất lượng với đơn vị cung ứng; phân phối xi măng kịp thời cho các thôn, xóm để thực hiện kế hoạch giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt; thông qua UBND cấp huyện, có văn bản ủy quyền cho Sở Tài chính chi trả kinh phí mua xi măng cho đơn vị cung ứng (đối với phần ngân sách xã đảm bảo);

- Phải có văn bản cam kết bố trí đủ phần hỗ trợ từ ngân sách huyện, ngân sách xã và huy động các nguồn lực hợp pháp khác (bằng tiền, vật tư, vật liệu, ngày công lao động,...) để thực hiện, đảm bảo phù hợp với số lượng địa phương đăng ký tương ứng mà ngân sách tỉnh hỗ trợ, đúng quy định. Trường hợp, nếu UBND huyện, thành phố, thị xã không bố trí đủ ngân sách huyện, ngân sách xã theo cơ chế quy định hoặc chỉ sử dụng phần ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư cho một số công trình dẫn đến không hoàn thành khối lượng đã đăng ký, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư hỗ trợ của tỉnh thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh;

- Nghiêm cấm việc sử dụng sai mục đích, sai đối tượng và sai tỷ lệ hỗ trợ; nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

6. Tổng công ty KSTM Hà Tĩnh:

- Trực tiếp ký Hợp đồng cung ứng xi măng với đơn vị cung ứng, thỏa thuận về khối lượng, địa điểm giao nhận, thời gian cung ứng (theo Quyết định và chủ trương của UBND tỉnh);

- Trực tiếp nhận xi măng, sử dụng xi măng hỗ trợ đúng mục đích; nghiệm thu, thanh lý Hợp đồng về khối lượng, chất lượng với đơn vị cung ứng;

- Lập hồ sơ đầy đủ theo quy định, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Thanh toán kinh phí mua xi măng đối với giá trị khối lượng xi măng do Tổng công ty đảm bảo (thời gian thanh toán cho đơn vị cung ứng xi măng chậm nhất trước ngày 31/12/2015).

- Phải có văn bản cam kết bố trí đủ phần kinh phí mà doanh nghiệp phải bỏ (vật tư, thiết bị, nhân lực) để thực hiện, đảm bảo phù hợp với số lượng doanh nghiệp đăng ký tương ứng phần ngân sách tỉnh hỗ trợ.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND xã; Văn phòng Điều phối Nông thôn mới của tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban KTNS HĐND tỉnh
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, GT, NL1, GT1;
Gửi: VB giấy và điện tử.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 632/QĐ-UBND quy định cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng năm 2015 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

  • Số hiệu: 632/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/02/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Lê Đình Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản