Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2007/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 31 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 101/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 162/TTr-SLĐTBXH ngày 17 tháng 12 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm tỉnh Kon Tum đến năm 2010, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1. Mục tiêu chung: Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chung của tỉnh Kon Tum về đảm bảo việc làm cho cho khoảng 225.000 lao động đến năm 2010; tạo việc làm mới cho khoảng 21.000 lao động trong 3 năm 2008-2010 (trong đó, trực tiếp từ chương trình này là 9.000 đến 10.000 lao động); giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn khoảng 3%; nâng tỷ lệ thời gian lao động nông thôn lên 85%; có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Tạo việc làm cho 9.000 đến 10.000 lao động thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm trong 3 năm 2008 - 2010, trong đó:

- Tạo việc làm cho 6.000 đến 6.500 lao động theo các dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

- Tạo việc làm ngoài nước (thông qua hoạt động xuất khẩu lao động) đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ 800 đến 900 lao động.

2.2. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng số người được tư vấn và giới thiệu việc làm khoảng 1.600 lao động trong 3 năm 2008-2010.

2.3. Tập huấn nghiệp vụ cho từ 900 đến 1.000 lượt cán bộ làm công tác lao động - việc làm từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.

II. THỜI GIAN, PHẠM VI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:

1. Thời gian thực hiện: Đến năm 2010.

2. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh.

III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:

Chương trình hoạt động với 03 dự án và 02 hoạt động chủ yếu như sau:

1. Dự án vay vốn tạo việc làm:

1.1. Mục tiêu: Tạo việc làm cho 6.000 đến 6.500 lao động, thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

1.2. Nội dung:

- Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với người thất nghiệp, người thiếu việc làm, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại, làng nghề, có khả năng tạo việc làm mới, đặc biệt đối với thanh niên chưa có việc làm.

- Hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung cho Quỹ quốc gia về việc làm cho tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội.

2. Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

2.1. Mục tiêu: đưa từ 800 đến 900 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

2.2. Nội dung:

- Hỗ trợ khai thác, mở thị trường tiếp nhận lao động;

- Hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay đối với các đối tượng chính sách vay vốn đi làm việc ở nước ngoài;

- Hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo định hướng, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

3. Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động:

3.1. Mục tiêu: Nâng cao năng lực Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh; nâng số người được tư vấn và giới thiệu việc làm lên khoảng 1.600 người trong 3 năm.

3.2. Nội dung:

- Nâng cao năng lực cho Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động;

- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động;

- Hàng năm, tổ chức khảo sát, điều tra thị trường lao động giúp cho việc đánh giá thực hiện các mục tiêu của Chương trình và xây dựng kế hoạch lao động trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Hỗ trợ tổ chức sàn giao dịch, phiên chợ việc làm định kỳ, thường xuyên tại các huyện, cụm huyện.

4. Hoạt động giám sát, đánh giá:

4.1. Mục tiêu: Đánh giá, giám sát các hoạt động, dự án trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm.

4.2. Nội dung:

- Đánh giá kết quả thực hiện các dự án trong Chương trình, kết quả từng năm và thực hiện Chương trình;

- Giám sát việc thực hiện các hoạt động trong Chương trình;

- Nghiên cứu, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách cho phù hợp với đặc thù của Chương trình.

5. Hoạt động nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm:

5.1. Mục tiêu: Hướng dẫn nghiệp vụ cho 900 đến 1.000 lượt cán bộ làm công tác lao động - việc làm từ tỉnh đến các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

5.2. Nội dung: Tổ chức tập huấn về phương pháp xây dựng và triển khai Chương trình, các văn bản mới; phương pháp xây dựng và quản lý dự án vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, nghiệp vụ giới thiệu việc làm cho cán bộ các Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị; cán bộ ở xã, phường, thị trấn.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Giải pháp về chính sách, cơ chế:

1.1. Về chính sách: Xây dựng nội dung hướng dẫn về quản lý và điều hành các dự án, hoạt động thuộc Chương trình.

1.2. Về cơ chế:

- Cơ chế sử dụng nguồn vốn: Phân vốn vay theo khả năng tạo việc làm mới thông qua các dự án vay vốn, ưu tiên các huyện, thị đạt hiệu quả cao trong hoạt động vay vốn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc, nơi có diện tích đất nông nghiệp lớn chuyển sang đất phi nông nghiệp;

- Cơ chế phối hợp: Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc: quản lý và tổ chức thực hiện dự án vay vốn với các tổ chức đoàn thể và các địa phương; lập kế hoạch sử dụng vốn vay hàng năm; trách nhiệm của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong việc quản lý, cho vay, bảo toàn và tăng trưởng của Quỹ;

- Cơ chế phân cấp: Tăng cường phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương, trong đó coi trọng phân cấp cho cấp huyện trong việc tổ chức và thực hiện các dự án cho vay đối với các đối tượng;

- Cơ chế lồng ghép: Đẩy mạnh lồng ghép các dự án của Chương trình với một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các Chương trình khác;

- Cơ chế giám sát, đánh giá:

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thẩm định và cho vay theo các dự án (đặc biệt là các dự án cho vay với số tiền lớn), ở những nơi có khả năng xảy ra rủi ro cao do nguyên nhân bất khả kháng, điều kiện tự nhiên không thuận lợi hoặc do môi trường kinh doanh ít thuận lợi;

+ Nâng cao hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương.

2. Nguồn kinh phí thực hiện:

Tổng nguồn vốn cho Chương trình là 11.800 triệu đồng. Trong đó, phân theo nguồn vốn như sau:

- Ngân sách Trung ương cấp mới 03 năm: 11.000 triệu đồng (Trong đó: Dự án cho vay tạo việc làm: 10.500 triệu đồng; Hoạt động giám sát, đánh giá: 250 triệu đồng; Hoạt động nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm: 250 triệu đồng);

- Huy động cộng đồng: 200 triệu đồng (bình quân 70 triệu đồng/năm);

- Huy động quốc tế, các tổ chức nước ngoài khoảng 600 triệu đồng.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN PHỐI HỢP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành của tỉnh:

1.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện Chương trình, bao gồm: kế hoạch về nhiệm vụ, mục tiêu, nhu cầu kinh phí và đề xuất các giải pháp thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp trình UBND tỉnh;

- Chủ trì và phối hợp với sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế thực hiện các dự án: vay vốn tạo việc làm; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; thực hiện các hoạt động giám sát, đánh giá; hoạt động nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổ chức, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình ở các huyện, thị; thực hiện chế độ báo cáo việc thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành.

1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế đầu tư đối với các dự án trong Chương trình;

- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối và bố trí ngân sách hàng năm trên cơ sở thống nhất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện Chương trình; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình;

1.3. Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án của Chương trình; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí và bảo đảm ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

1.4. Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn tổ chức, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng chính sách và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình; Quản lý nguồn vốn và tổ chức giải ngân kịp thời đối với các dự án hỗ trợ việc làm theo cơ chế, chính sách Nhà nước quy định về vốn vay của Quỹ quốc gia về việc làm và thẩm quyền được giao;

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã: Ủy ban nhân dân huyện, thị xem xét, ra Quyết định cho vay đối với các dự án phân cấp theo Quyết định số 668/QĐ- UBND ngày 13/06/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ủy quyền quản lý dự án quỹ Quốc gia về việc làm (trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Chính sách và Phòng Nội vụ - LĐTBXH); tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành, liên ngành của tỉnh; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

3. Đề nghị Uỷ ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, đề nghị Uỷ ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể tăng cường thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm các ngành, các cấp và nhân dân trong việc thực hiện các nội dung chương trình việc làm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày đăng công báo UBND tỉnh.

Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các đơn vị: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Lao động-TBXH;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ TP);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Công báo UBND tỉnh;
- Lưu VT-VX (1).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phó Chủ tịch: Trương Thị Ngọc Ánh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 63/2007/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm tỉnh Kon Tum đến năm 2010

  • Số hiệu: 63/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Trương Thị Ngọc Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản