Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2005/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

“VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

- Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Quyết định số 559/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển chợ đến năm 2010;

- Căn cứ Quyết định số 142/2004/QĐ-UB ngày 9/9/2004 của Uỷ ban nhân dân Thành phố “Quy định về quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội”;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Ban hành Kế hoạch chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều II: Kế hoạch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều III: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các sở, ngành Thành phố có liên quan, Chủ UBND quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Quang

 

KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH

TỔ CHỨC QUẢN LÝ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 63/2005/QĐ-UB ngày 29-4-2005 của UBND thành phố Hà Nội)

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1- Mục đích:

1.1- Thiết lập mô hình tổ chức quản lý chợ thống nhất, thích ứng, với hoạt động của tổ chức chợ trên địa bàn Thành phố, đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả; huy động các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, từng bước xã hội hoá hoạt động chợ;

1.2- Tạo môi trường pháp lý, thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh, khai thác chợ;

1.3- Xây dựng Thủ đô là trung tâm thương mại văn minh của cả nước.

2- Yêu cầu:

2.1- Chợ phải là tổ chức kinh tế thương mại- dịch vụ, là địa điểm kinh doanh- dịch vụ được tổ chức theo quy hoạch của Thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu mua, bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại- dịch vụ theo quy định của pháp luật;

2.2- Việc chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ phải đảm bảo hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh- dịch vụ tại các chợ và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương.

II- ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG:

1- Đối tượng: Bao gồm các chợ thành lập, xây dựng theo quy hoạch:

1.1- Các chợ thuộc quận, huyện quản lý;

1.2- Các chợ thuộc xã, phường, thị trấn quản lý.

2- Phạm vi: Bao gồm các chợ trên địa bàn Thành phố.

III- CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ CHỢ:

1 - Đối với các chợ quận, huyện quản lý:

Từng bước chuyển đổi mô hình tổ chức Ban quản lý chợ, sang mô hình tổ chức doanh nghiệp hoặc HTX hoạt động theo luật, thông qua hình thức đấu thầu. Trong đó chủ yếu là mô hình tổ chức Công ty cổ phần kinh doanh, khai thác và quản chợ.

1.1- Công ty Cổ phần kinh doanh, khai thác và quản lý chợ áp dụng một trong hai hình thức:

- Hình thức thứ nhất: Công ty cổ phần Nhà nước chiếm cổ phần chi phối (áp dụng đối với các chợ trung tâm, đặc biệt do UBND Thành phố quyết định);

- Hình thức thứ hai: Công ty cổ phần Nhà nước không giữ cổ phần chi phối, hoặc Nhà nước không tham gia cổ phần (áp dụng đối với hầu hết các chợ còn lại).

- Phương thức chuyển đổi: thông qua hình thức đấu thầu, hoặc huy động các thành phần kinh tế, các tư thương góp vốn đầu tư tham gia Công ty cổ phần.

+ Đối với quận: cần khai thác lợi thế địa điểm của các chợ, có cơ chế thích hợp, khuyến khích, huy động vốn đầu tư; chợ nào có lợi thế, đủ điều kiện thì làm trước;

+ Đối với huyện: ngoài việc khai thác lợi thế về địa điểm, cần có cơ chế, ưu đãi, khuyến khích, tạo thuận lợi về pháp lý, đấu thầu, thuế, định giá trị sử dụng đất, cho thuê đất .... Thành phố ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển: chợ đầu mối, chợ vùng sâu, vùng xa có tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vùng, miền của huyện.

- Nếu là Công ty cổ phần có sự tham gia của Nhà nước, thì phần vốn góp của Nhà nước là giá trị sử dụng đất và giá trị tài sản do Nhà nước đầu tư xây dựng chợ, được thực hiện dưới hai hình thức sau:

+ Chuyển giao phần vốn của Nhà nước (giá trị sử dụng đất và giá trị tài sản do Nhà nước đầu tư xây dựng chợ) cho Doanh nghiệp Nhà nước, dưới hình thức bổ sung vốn cho Doanh nghiệp, để Doanh nghiệp tham gia cổ phần;

+ Chuyển giao phần vốn của Nhà nước (giá trị sử dụng đất và giá trị tài sản do Nhà nước đầu tư xây dựng chợ) cho UBND quận, huyện quản lý tham gia cổ phần (hình thức như Công ty cổ phần chợ Đồng Xuân). UBND quận, huyện cử đại diện tham gia HĐQT Công ty cổ phần, quản lý phần vốn góp của Nhà nước (Sở Tài chính hướng dẫn cử đại diện và quản lý vốn Nhà nước).

1.2- Hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

- Đối với những chợ được xây dựng do vốn của các thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư xây dựng, nếu đủ điều kiện thì cho phép chuyển đổi thành lập HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

- Phương thức chuyển đổi: thông qua vốn góp của các thành phần kinh tế, cá nhân chuyển đổi thành cổ phần của xã viên tham gia HTX và kết nạp thêm xã viên nếu có nhu cầu. Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất và thu thuế sử dụng đất, thuế kinh doanh theo pháp luật.

1.3- Công ty tư nhân kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

- Đối với những chợ có điều kiện cho phép chuyển đổi thành lập Công ty tư nhân kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

- Phương thức chuyển đổi: thông qua đấu thầu, cho thuê.

- Trình tự, nội dung tiến hành chuyển đổi mô hình tổ chức:

+ Để thực hiện các phương thức chuyển đổi trên, các quận, huyện nghiên cứu có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ (ưu tiên các thành phần kinh tế, cá nhân đang góp vốn hoặc đang kinh doanh tại chợ); quận, huyện xây dựng đề án, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định;

+ Trong quá trình triển khai phải thực hiện theo quy định của Nhà nước và của Thành phố: Luật Doanh nghiệp, Luật HTX và vận dụng Quyết định số 2063/QĐ-UB ngày 8-4-2004 của UBND Thành phố về việc Ban hành quy trình sắp xếp, chuyển đổi Doanh nghiệp Nhà nước.

1.4- Ban quản lý chợ.

- Đối với các chợ chưa có điều kiện chuyển đổi; mỗi quận, huyện chỉ thành lập một Ban quản lý chợ hoạt động theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

- Mô hình tổ chức:

+ Ban quản lý chợ trực tiếp quản lý một chợ lớn trung tâm (trụ sở đặt tại chợ Ban trực tiếp quản lý);

+ Thành lập Tổ quản lý chợ (trực thuộc Ban quản lý chợ) trực tiếp quản lý chợ còn lại.

1.5- Thời gian và tiến độ thực hiện:

- Năm 2005: Trong quý 2, quý 3 mỗi quận, huyện chọn từ 1 đến 2 chợ chỉ đạo điểm và tổng kết rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng, đến cuối năm chuyển đổi ít nhất 50% số chợ. Riêng các quận nội thành cũ: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình trong quý 2 năm 2005 mỗi quận, huyện phải xây dựng xong đề án chuyển đổi mô hình tổ chức của 1 chợ báo cáo UBND Thành phố, phấn đấu đến hết năm 2005 chuyển đổi xong tất cả các chợ;

- Năm 2006: các quận, huyện chuyển đổi xong tất cả các chợ còn lại.

2- Đối với các chợ thuộc xã, phường thị trấn quản lý:

Bao gồm các chợ do xã, phường, thị trấn xây dựng theo quy hoạch bằng vốn của xã, phường, thị trấn đầu tư hoặc vốn huy động các thành phần kinh tế, các hộ kinh doanh.

2.1- Thành lập HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

a- Đối với những chợ được xây dựng do vốn của các thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư xây dựng, Nhà nước cấp quyền sử dụng đất: Nếu đủ điều kiện thì cho phép chuyển đổi thành lập HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ;

- Phương thức chuyển đổi: thông qua vốn góp của thành phần kinh tế, cá nhân chuyển đổi thành vốn cổ phần tham gia HTX và kết nạp thêm xã viên theo hình thức huy động vốn nếu có nhu cầu. Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất và thu thuế sử dụng đất, thuế kinh doanh theo quy định của pháp luật và của Thành phố.

b- Đối với các chợ do UBND xã, phường, thị trấn đầu tư: thực hiện hình thức đấu thầu; có cơ chế, chính sách ưu tiên thành phần kinh tế tập thể (HTX).

2.2- Thành lập Công tu Kinh doanh và khai thác quản lý chợ:

a- Đối với các chợ do UBND xã, phường, thị trấn đầu tư: Thực hiện hình thức đấu thầu, thành lập Công ty cổ phần hoặc Công ty tư nhân.

b- Đối với những chợ được xây dựng do vốn của các thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư xây dựng, Nhà nước cấp quyền sử dụng đất: Nếu đủ điều kiện thì cho phép thành lập Công ty cổ phần.

2.3- Thời gian và tiến độ thực hiện:

- Từ quý quý 2, quý 3 năm 2005 mỗi quận, huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chọn 1 đến 2 chợ chỉ đạo điểm, sau đó sơ kết chỉ đạo điểm, để nhân ra diện rộng; trong năm 2005 chuyển đổi ít nhất 50% số chợ.

- Năm 2006: tất cả các chợ thuộc xã, phường, thị trấn quản lý, chuyển đổi thành lập HTX, Công ty cổ phần, Công ty tư nhân kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

3- Mô hình tổ chức quản lý đối với các chợ thành lập mới.

3.1- Đối với các chợ do UBND quận, huyện đề nghị và UBND Thành phố cho phép đầu tư xây dựng mới, huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để xây dựng. Việc xây dựng phải đảm bảo đúng quy hoạch, theo thiết kế và tiến độ triển khai thực hiện dự án được Thành phố phê duyệt;

3.2 - Các chợ thuộc quận, huyện quản lý: Thành lập Công ty cổ phần hoặc Công ty tư nhân hoạt động theo luật Doanh nghiệp;

3.3- Các chợ thuộc xã, phường, thị trấn quản lý: thành lập HTX (hoạt động theo luật HTX), hoặc công ty tư nhân.

IV- MỐI QUAN HỆ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHỢ.

1- Mối quan hệ :

1.1- Quan hệ giữa UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn với Tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn là quan hệ giữa Nhà nước (thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực chợ) với đơn vị kinh tế (tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ). Các bên đều có nghĩa vụ thực hiện theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật;

1.2- Tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được cơ quan có thẩm quy định; chịu sự quản lý nhà nước của chính quyền địa phương và thực hiện các quy định của Nhà nước;

1.3- Tất cả các chợ hoạt động trên địa bàn Thành phố chịu sự hướng dẫn về nhiệp vụ trong lĩnh vực kinh doanh thương mại của Sở Thương mại và các sở, ngành Thành phố theo quy định của pháp luật.

2- Phân cấp quản lý:

2.1- Quận, huyện, quản lý các chợ loại 1, loại 2 và chợ đầu mối trên địa bàn quận, huyện;

2.2- Xã, phường, thị trấn, quản lý chợ loại 3 trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

V- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN:

Việc chuyển đổi mô hình tổ chức Ban quản lý chợ thành lập Công ty cổ phần, HTX, hoặc Công ty tư nhân phải được tiến hành khẩn trương, nhưng thận trọng, từng bước vững chắc, đảm bảo hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động tại chợ và phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Vì vậy phải tổ chức chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm rồi mới nhân ra diện rộng.

Trách nhiệm của các ngành Thành phố và chính quyền các cấp:

1- Sở Thương mại:

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan của Thành phố hướng dẫn các quận, huyện, xã, phường, thị trấn, Ban Quản lý chợ, Doanh nghiệp kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn Thành phố, thực hiện Quyết định số 142/2004/QĐ-UB ngày 9-9-2004 của UBND Thành phố;

- Phối hợp với sở, ngành Thành phố lập dự án quy hoạch chợ đến năm 2010 và thực hiện đề án này của UBND Thành phố;

- Chủ trì xây dựng Nội quy "Mẫu" về tổ chức, quản lý kinh doanh, khai thác chợ, trình UBND Thành phố phê duyệt và hướng dẫn thực hiện;

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện điều tra và phân loại chợ trên địa bàn Thành phố theo các tiêu chí quy định tại Điều 3, Quyết định số 142/2004/QĐ-UB ngày 9-9-2004 của UBND Thành phố làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện kế hoạch;

- Theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ trên địa bàn Thành phố.

2- Sở Nội vụ:

- Hướng dẫn tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ chính sách đối với cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại Ban quản lý chợ (đối với những nơi còn tồn tại Ban quản lý chợ);

- Hướng dẫn chế độ chính sách đối với cán cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại Ban quản lý chợ khi chuyển thành Công ty cổ phần, hoặc HTX.

3- Sở Tài chính:

- Hướng dẫn nội dung, trình tự thực hiện cổ phần hoá chợ và định giá quyền sử dụng đất, tài sản của Nhà nước tham gia cổ phần hoá; bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tham gia cổ phần hoá;

- Hướng dẫn chuyển giao vốn Nhà nước cho Doanh nghiệp Nhà nước tham gia Công ty cổ phần (nếu chuyển giao vốn Nhà nước cho doanh nghiệp tham gia cổ phần); hoặc hướng dẫn UBND quận, huyện cử cán bộ Nhà nước tham gia Hội đồng quản trị tại Công ty cổ phần (nếu chuyển giao vốn Nhà nước cho UBND quận, huyện quản lý tham gia cổ phần) để quản lý phần vốn của Nhà nước và cổ tức hàng năm;

- Hướng dẫn hình thức quản lý vốn góp của Nhà nước tại Công ty cổ phần và lợi tức hàng năm của Nhà nước và phân phối lợi tức của Nhà nước;

- Hướng dẫn chế độ tài chính thu - chi - vốn góp của doanh nghiệp Nhà nước tham gia cổ phần chợ và chế độ đặc thù của các hộ hiện đang kinh doanh tại chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý;

- Hướng dẫn quận, huyện thực hiện thu - chi - nộp ngân sách đối với Ban quản lý chợ theo quy định (đối với những nơi còn tồn tại Ban quản lý chợ).

4- Sở Kế hoạch - Đầu tư:

Chủ trì, hướng dẫn các quận, huyện, các chủ đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng chợ trọng điểm và quản lý sau khi đầu tư theo quy định.

5- UBND các quận, huyện:

- Phổ biến tuyên truyền chủ trương của Thành phố đến nhân dân địa phương về chủ trương xã hội hoá công tác kinh doanh, khai thác và quản lý chợ; vận động các thành phần kinh tế tham gia;

- Xây dựng đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo đề án của Thành phố; báo cáo Sở Thương mại, Sở Nội vụ, Sở Tài chính thẩm định trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt;

- Lựa chọn và xây dựng đề án thí điểm chuyển đổi mô hình Ban quản lý chợ thành lập Công ty cổ phần hoặc HTX theo thời gian, tiến độ quy định trên;

- Hướng dẫn, chỉ đạo các xã, phường thị trấn thành lập Công ty cổ phần, công ty tư nhân và HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ thuộc xã, phường, thị trấn quản lý.

6- UBND xã, phường thị trấn:

- Phổ biến tuyên truyền chủ trương của Thành phố đến nhân dân địa phương về chủ trương xã hội hoá công tác kinh doanh, khai thác và quản lý chợ; vận động các thành phần kinh tế tham gia;

- Xây dựng đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo đề án của Thành phố; báo cáo UBND quận, huyện quyết định.

Các sở, ngành Thành phố và quận, huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có vướng mắc báo cáo về UBND Thành phố (qua Sở Thương mại và Nội vụ) để tổng hợp trình UBND Thành phố xem xét giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 63/2005/QĐ-UB về Kế hoạch chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 63/2005/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/04/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thế Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản