Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 626/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI DỰ ÁN ĐẦU TƯ NHÀ MÁY SẢN XUẤT PHÂN BÓN ĐIAMÔN PHỐT PHÁT (DAP) TẠI KHU KINH TẾ ĐÌNH VŨ, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

Xét đề nghị của Tổng công ty Hoá chất Việt Nam (công văn số 916/CV-HĐQT ngày 01 tháng 11 năm 2001), ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 1944 BKH/VPTĐ ngày 01 tháng 4 năm 2002, về việc phê duyệt Báo cáo nghiêm cứu khả thi dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân bón điamôn phốt phát tại khu kinh tế Đình Vũ, thành phố Hải Phòng và ý kiến của các Bộ, ngành tại cuộc họp ngày 19 tháng 6 năm 2002,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân bón DAP tại khu kinh tế Đình Vũ, thành phố Hải Phòng với các nội dung chính sau:

1. Tên dự án: Nhà máy sản xuất phân bón DAP tại khu kinh tế Đình Vũ, thành phố Hải Phòng.

2. Mục tiêu đầu tư: góp phần đảm bảo ổn định và chủ động trong việc cung cấp phân bón DAP cho phát triển nông nghiệp, hạn chế nhập khẩu, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên quặng apatít trong nước.

3. Chủ đầu tư: Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.

4. Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.

5. Hình thức đầu tư: Dự án được thực hiện theo hình thức tự đầu tư.

6. Địa điểm và diện tích sử dụng đất: tại lô đất GI - 7 thuộc khu kinh tế Đình Vũ, thành phố Hải Phòng. Diện tích đất sử dụng: 72 ha.

7. Công suất thiết kế: 330.000 tấn phân bón điamôn phốt phát/năm (1.000 tấn/ngày);

- Sản phẩm chính: điamôn phốt phát (DAP).

- Chất lượng sản phẩm:

+ Hàm lượng N: 18 - 16% trọng lượng.

+ Hàm lượng P2O5: 46 - 48% trọng lượng.

8. Nguồn nguyên liệu:

a) Apatít là quặng tuyển từ Công ty Apatít Việt Nam.

b) Lưu huỳnh: dạng rắn hoặc lỏng, trước mắt nhập nước ngoài, sau này sẽ nghiên cứu khả năng tự cung cấp từ nhà máy lọc dầu trong nước.

c) Amoniắc: trước mắt nhập nước ngoài, sau này sẽ cân đối trong các nhà máy phân đạm để tự cung cấp trong nước.

9. Công nghệ và thiết bị:

áp dụng công nghệ tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới đối với các xưởng sản xuất chính sau đây:

- Xưởng sản xuất axít sunfuric: từ lưu huỳnh (S) theo phương pháp tiếp xúc kép và hấp thụ kép.

- Xưởng sản xuất axít phốtphoríc: sử dụng công nghệ tiên tiến di hydrat (DH)/hemi - dihydrat (HDH) phù hợp với chất lượng quặng apatít Việt Nam, đảm bảo chất lượng sản phẩm có khả năng cạnh tranh.

- Xưởng sản xuất điamôn phốt phát: sử dụng công nghệ dùng thiết bị phản ứng ống.

10. Các hạng mục phụ trợ của nhà máy:

Hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải, trạm phát điện 8000 KW trạm khí nén, cảng chuyên dùng và hệ thống vận chuyển ngoài nhà máy, hệ thống kho: lưu huỳnh, apatít, amoniắc, axít sunfuric, axít phốtphoríc, dầu, kho và đóng bao điamôn phốt phát, xưởng sửa chữa cơ khí, hệ thống an toàn và phòng chống cháy, bãi thải gips, các hạng mục hành chính sinh hoạt.

11. Hệ thống xuất nhập nguyên liệu và sản phẩm:

Ngoài quặng apatít nhập về nhà máy bằng đường sắt, các nguyên liệu như: lưu huỳnh, amôniắc, than nhập về cảng chuyên dùng của nhà máy để vận chuyển vào nhà máy. Phần lớn sản phẩm được tiêu thụ bằng đường biển qua cảng nhà máy cho các địa phương.

12. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn:

a) Tổng mức đầu tư dự án tạm tính: 172,385 triệu USD (theo mặt hàng giá cuối năm 2001), bao gồm cả vốn lưu động, lãi vay trong thời gian xây dựng và phí thu xếp tài chính. Tổng mức đầu tư phải được chuẩn xác lại trên cơ sở thiết kế chi tiết, tổng dự án, kết quả đấu thầu và các hợp đồng vay vốn trong và ngoài nước.

b) Nguồn vốn:

- Nguồn vốn tự có của doanh nghiệp: 15 triệu USD.

- Vốn vay ngoại tệ 75 triệu USD (mua sắm thiết bị vật tư nước ngoài và các khoản phải chi trả bằng ngoại tệ): được áp dụng cơ chế theo Quyết định số 118/1999/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay bằng ngoại tệ đối với một số dự án trọng điểm. Trường hợp nguồn ngoại tệ ưu đãi này chưa đủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cân đối, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Phần vốn còn lại (không kể vốn lưu động) để mua sắm thiết bị, xây lắp và các khoản chi khác trong nước được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo mức lãi suất ưu đãi (3%/năm) như quy định tại Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ. Thời gian vay vốn 12 năm, trong đó có 3 năm ân hạn.

- Phần vốn lưu động được áp dụng theo cơ chế tài chính hiện hành.

13. Phương thức tổ chức quản lý thực hiện dự án:

a) Tổng công ty Hóa chất Việt Nam thành lập Ban quản lý dự án trực thuộc Tổng công ty để tổ chức triển khai xây dựng nhà máy theo quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng.

b) Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam phải xem xét khả năng sử dụng tối đa các loại vật liệu xây dựng địa phương, năng lực gia công chế tạo thiết bị và xây lắp trong nước.

c) Chủ đầu tư được:

- Thực hiện theo hình thức đấu thầu quốc tế hạn chế với phương thức hai giai đoạn và loại Hợp đồng chìa khoá trao tay - EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp - đào tạo, chạy thử và chuyển giao) đối với các xưởng sản xuất chính: axít sunfuric, axít phốtphoric và điamôn phốt phát. Khi thực hiện, yêu cầu nhà thầu nước ngoài phải liên doanh với nhà thầu trong nước; tạo điều kiện tối đa để các đơn vị có năng lực trong nước thực hiện thiết, xây lắp và tham gia chế tạo, gia công các thiết bị phi tiêu chuẩn đáp ứng chất lượng đề ra.

- Đấu thầu hạn chế tuyển chọn tư vấn nước ngoài liên doanh với tư vấn trong nước để quản lý dự án (PMC).

- Chỉ định tư vấn thiết kế trong nước thực hiện thiết kế một số công trình phụ trợ và hạ tầng.

d) Các hạng mục công trình còn lại thực hiện đấu thầu theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

14. Tiến độ thực hiện dự án:

Thời gian xây dựng và lắp đặt thiết bị: 36tháng.

Thời gian đưa nhà máy vào sản xuất: năm 2005.

15. Các quy định khác đối với dự án:

a) Dự án được hưởng các ưu đãi quy định trong Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2002 về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục A, B và C ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ.

b) Được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng thiết bị và vật tư phải nhập khẩu để xây dựng nhà máy mà trong nước chưa sản xuất được hoặc trong nước đã sản xuất được nhưng nằm trong hệ thống thiết bị đồng bộ.

c) Cho phép Tổng công ty Hóa chất Việt Nam được để lại phần thu sử dụng vốn Nhà nước có tại doanh nghiệp còn lại đến cuối năm 2001, kể cả phần thu sử dụng vốn từ phần vốn góp vào các Công ty liên doanh và được để lại phần thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung có phát sinh của Tổng công ty để bổ sung nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án.

Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan:

1. Tổng công ty Hóa chất Việt Nam chịu trách nhiệm đầu tư dự án đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả của dự án và tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng và chuyển giao công nghệ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đưa hạng mục đầu tư mới nhánh đường sắt từ Chùa Vẽ đến nhà máy DAP vào kế hoạch Nhà nước và cân đối đủ vốn ngân sách để thực hiện.

3. Bộ Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ với dự án, việc xây dựng tuyến đường sắt vào khu kinh tế Đình Vũ và cải tạo toàn tuyến đường sắt, đảm bảo vận chuyển quặng apatít thông suốt từ Lào Cai đến nhà máy DAP.

4. Quỹ hỗ trợ phát triển cân đối cho dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

5. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Quỹ hỗ trợ phát triển hướng dẫn các thủ tục và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho Chủ đầu tư vay đủ vốn, bảo lãnh vốn vay, đảm bảo giải ngân theo đúng tiến độ của dự án.

6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính tạo điều kiện cho dự án vay đủ ngoại tệ để nhập khẩu trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu cần thiết và các khoản phải chi trả bằng ngoại tệ cho xây dựng và sản xuất của nhà máy.

7. Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan hướng dẫn Chủ đầu tư làm các thủ tục nhập khẩu thiết bị vật tư cho dự án.

8. Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng có trách nhiệm cung cấp đủ điện nước đến chân công trình và tạo điều kiện để việc triển khai dự án thuận lợi, đúng tiến độ.

9. Tổng công ty Hóa chất Việt Nam có biện pháp bảo vệ môi trường và phối hợp với Tổng công ty Xi măng Việt Nam nghiên cứu phương án sử dụng gips để làm vật liệu xi măng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Giao thống vận tải, Tài chính, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 626/QĐ-TTg về phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân bón điamôn phốt phát (DAP) tại khu kinh tế Đình Vũ, thành phố Hải Phòng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 626/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/07/2002
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản