- 1Quyết định 167/2001/QĐ-TTg về biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam thời kỳ 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 07/2006/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thuỷ sản do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/2007/QĐ-UBND | Vinh, ngày 08 tháng 05 năm 2007 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẠI GIA SÚC GIAI ĐOẠN 2006 - 2015.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 08/5/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về Phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2006 - 2015;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 635/TTr-SNN.KHĐT ngày 23/4/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án: Phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2006 - 2015. (Có Đề án kèm theo)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẠI GIA SÚC GIAI ĐOẠN 2006 - 2015
(Kèm theo Quyết định số: 62/2007/QĐ-UBND ngày 08/5/2007 của UBND tỉnh)
PHẦN MỞ ĐẦU
Những năm qua, nông nghiệp Nghệ An phát triển và thu được những kết quả quan trọng. Trong đó, ngành chăn nuôi đại gia súc đã có những bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tại thời điểm tháng 8/2005, tổng đàn trâu bò toàn tỉnh là 681.000 con. Nhịp độ phát triển đàn trâu bò giai đoạn 2001-2005 là 121,92% (tăng bình quân 4,05%/năm). Nghệ An đang là tỉnh đứng đầu toàn quốc về số lượng tổng đàn trâu, bò và cả tổng đàn bò lai Zêbu, đứng thứ 4 toàn quốc (sau Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội) về kết quả cải tạo đàn bò. Các chương trình dự án chăn nuôi như: Chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Zê bu hóa, Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao, Chương trình lợn hướng nạc…. đã góp phần cải tạo, nâng cấp chất lượng đàn giống nên đã nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi tiên tiến, với quy mô vừa và lớn đã được hình thành và phát triển. Tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp năm 2005 đạt 32,88% (bình quân toàn quốc là 23%).
Tuy nhiên, so với tiềm năng, ngành chăn nuôi đại gia súc Nghệ An phát triển chưa tương xứng. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chưa nhiều, chất lượng chưa cao. Quy mô chăn nuôi trâu, bò đa phần là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phân tán, mang tính tự cung tự cấp, hiệu quả thấp.
Để đạt được mục tiêu phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp lên 50% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Trong đó, tổng đàn trâu bò năm 2010 là 1 triệu con (đàn bò sữa 10.000 con) là nhiệm vụ cấp bách nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Những căn cứ xây dựng Đề án:
Về chủ trương chính sách:
- Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI và chiến lược phát triển kinh tế xã hội Nghệ An giai đoạn 2001-2010.
- Căn cứ Quyết định số 167/2001/QĐ-TTg ngày 26/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam 2001-2010.
- Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-UBND ngày 18/01/2006 của UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp và thủy sản.
Về điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển chăn nuôi tại Nghệ An:
- Là tỉnh có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn, nông dân Nghệ An có kinh nghiệm chăn nuôi các loại gia súc: bò, trâu. Nguồn thức ăn tương đối phong phú: Hàng năm có khoảng 26.000 - 28.000 ha lạc, cho sản lượng trên 49.000 tấn; trên 60.000 ha ngô, cho sản lượng trên 210.000 tấn; 25.000 - 27.000 ha mía; trên 180.000 ha lúa, cho sản lượng trên 840.000 tấn; gần 10.000 ha đậu các loại, có 1 lượng lớn phế phụ phẩm làm thức ăn để phát triển chăn nuôi. Ngoài ra ở các địa phương đã có nhiều diện tích đất đang được chuyển từ trồng cây nông nghiệp sang trồng cỏ chăn nuôi.
- Các nhà máy chế biến nông sản, như: Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy bia, 4 nhà máy đường, nhà máy chế biến dứa xuất khẩu, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, đã và đang tạo nguồn phế phụ phẩm làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn hỗn hợp và thức ăn bổ sung cho chăn nuôi trâu bò với khối lượng lớn.
Về thị trường tiêu thụ:
- Chúng ta có thị trường của gần 80 triệu dân Việt Nam, đặc biệt ở các cụm kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Nam đang có nhu cầu thực phẩm các loại thịt, trứng, sữa ngày càng cao.
- Xuất trâu, bò sống sang các thị trường như: Lào, Thái Lan...
- Nhà máy sữa tại Cửa Lò đã đi vào hoạt động thu mua sữa từ tháng 2/2006 với công suất chế biến 15.000 tấn/năm có khả năng nâng quy mô 30.000 tấn/năm.
Về kết quả thực hiện các chương trình, dự án:
- Chương trình cải tạo đàn bò vàng theo hướng “Zê bu hóa” được triển khai từ những năm 1975 và đặc biệt phát triển khi triển khai chương trình cải tạo đàn bò cấp quốc gia (từ 1995-1998), sau đó được tỉnh đầu tư tiếp nối đến nay.
- Dự án tạo giống và phát triển chăn nuôi bò sữa 2001- 2008: Nghệ An là 1 trong 32 tỉnh được Viện Chăn nuôi Quốc gia chọn điểm triển khai dự án phát triển bò sữa giai đoạn 2001-2005.
- Dự án tạo giống bò thịt chất lượng cao (2002-2010): Nghệ An là 1 trong 15 tỉnh được chọn làm điểm thực hiện dự án bò thịt cấp Quốc gia 2002-2005.
- Các đề tài nghiên cứu về bò sữa, các giống cỏ trồng thâm canh và cách chế biến thức ăn đã được triển khai góp phần khẳng định tính khả thi của dự án.
Tóm lại, Nghệ An hội tụ đủ các điều kiện để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò tạo hàng hóa quy mô vừa và lớn, tập trung. Qua đó nâng tỷ trọng thu nhập từ chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp ngày càng cao.
THỰC TRẠNG VỀ CHĂN NUÔI ĐẠI GIA SÚC Ở NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2000-2005.
I. KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN ĐÀN TRÂU BÒ:
1. Số lượng tổng đàn và phân bổ:
Theo số liệu tổng hợp của Cục Nông nghiệp và Tổng cục Thống kê tháng 8/2005, Nghệ An là tỉnh đứng đầu toàn quốc về số lượng trâu, bò; tổng đàn lợn xếp thứ 2; tổng đàn gia cầm xếp thứ 3. So với tổng cả nước: đàn trâu Nghệ An chiếm 10,1%, bò chiếm 7,1%, tổng đàn trâu bò chiếm 8,2%.
Tính đến tháng 8/2005, tổng đàn trâu bò toàn tỉnh là 681.363. So với năm 2000, giai đoạn 2001-2005 tăng 121,92% (tăng bình quân 4,05%/ năm). Trong đó: tổng đàn bò là 387.731 con (tăng bình quân 6,45%/năm); tổng đàn trâu: 293.632 (tăng bình quân 1,25 %/năm).
Kết quả cụ thể được trình bày tại bảng 1 và các phụ lục 1,2,3, 4
Bảng 1. Tổng đàn và nhịp độ phát triển đàn trâuB, bò 1995 - 2005:
Diễn giải | 1995 ( con) | 2000 (con) | 2005 (Con) | Nhịp độ tăng B.q/năm 1996-2000 ( % ) | Nhịp độ tăng B.q /năm 2001-2005 ( % ) | Nhịp độ tăng B.q/năm 1996-2005 ( % ) |
1. Tổng đàn trâu bò: | 485.298 | 558.882 | 681.363 | 2,85 | 4,05 | 3,45 |
2. Tổng đàn bò | 238.315 | 283.050 | 387.731 | 3,5 | 6,45 | 4,95 |
Tr.đó: - Miền núi cao | 51.358 | 75.025 | 93.467 | 7,85 | 4,50 | 6,15 |
- Miền núi thấp | 66.088 | 66.088 | 100.806 | 1,10 | 8,8 | 4,75 |
Đồng bằng ven biển | 123.663 | 141.937 | 193.458 | 2,80 | 6,40 | 4,6 |
3. Tổng đàn trâu | 246. 938 | 275.832 | 293. 632 | 2,25 | 1,25 | 1,75 |
Tr.đó: - Miền núi cao | 62.820 | 74.672 | 93.858 | 3,40 | 4,65 | 4,10 |
- Miền núi thấp | 98.306 | 109.646 | 108.886 | 2,20 | -0,15 | 1,00 |
-Đồng bằng ven biển | 85.875 | 91.514 | 90.888 | 1,30 | -0,15 | 0,55 |
2. Về chất lượng đàn trâu, bò:
2.1. Giống bò: giống gốc của bò Nghệ An là bò Vàng. Nhiều năm qua, thông qua chương trình cải tạo giống đã tạo được đàn bò lai Zê bu, bò lai HF hướng sữa, bò lai hướng thịt.... Trong đó: vùng miền núi chủ yếu là giống bò Vàng, tỷ lệ bò lai Zê bu thấp cả về số lượng và tỷ lệ máu Zê bu, ngược lai vùng đồng bằng tỷ lệ bò lai Zê bu chiếm ưu thế cả về lượng và cả về tỷ lệ máu lai.
- Giống bò vàng: Đây là giống gốc đang nuôi khá phổ biến ở hầu hết các vùng (nhất là vùng miền núi). Tỷ lệ giống bò vàng chiếm 64- 65 % tổng đàn, có ưu điểm: tính thích nghi cao, dễ nuôi, chống chịu bệnh tật tốt, chịu kham khổ và khả năng sinh sản tốt. Song có nhược điểm: tầm vóc nhỏ, trọng lượng trưởng thành trung bình 170-180 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ 35-38%.
Bò vàng thường được chăn nuôi phân tán, kiêm dụng để sử dụng cày kéo, lấy phân bón là chính. Hiện nay, giống bò vàng được chọn lọc làm giống nền để lai tạo theo hướng Zê bu hóa đàn bò để nâng cao tầm vóc, khả năng cho thịt và tạo đàn bò cái lai cải tiến theo hướng chuyên dụng.
- Giống bò lai Zêbu: Là con lai giữa đực giống nhóm Bò Zê bu (Red Sind, Brahman, Sahiwan..) lai với cái nền bò Vàng, bằng 2 phương thức lai tạo đó là phối giống TTNT và dùng bò đực lai Zêbu phối trên nền bò vàng. Số lượng đàn bò lai Zêbu hiện chiếm khoảng 34% tổng đàn, tỷ lệ tăng đàn bò Zêbu/năm giai đoạn 1995-2005 là 1,9%/năm.
Các huyện vùng núi cao do chưa áp dụng được TTNT nên tỷ lệ máu lai của đàn bò chủ yếu <25%-50%, các huyện đồng bằng và miền núi thấp, có tỷ lệ bò có máu Zêbu cao > 50%-75% chiếm ưu thế.
- Bò hướng thịt: Từ 2002 - 2005: thực hiện chương trình bò thịt chất lượng cao, tại các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ... đã tạo dựng được nhiều mô hình trang trại chăn nuôi bò cái nền lai Zê bu quy mô 10-25 con để phối giống TTNT sản xuất bò thịt chất lượng cao (tỷ lệ máu lai trên 75%).
Ưu điểm nhóm bò lai: Bò lai Zêbu cho năng suất cao hơn giống bò vàng (bình quân tăng hơn bò vàng 40-50 kg/con). Trọng lượng trưởng thành bình quân 230-250kg/con, tỷ lệ thịt xẻ 40-42%; là giống bò dễ nuôi, thích nghi với điều kiện khí hậu Nghệ An. Đây là giống bò chủ lực làm nền để tạo giống bò lai và để tiếp tục nâng tỷ lệ máu ngoại chiếm 3/4 đến 7/8 HF.
Thực tế cho thấy bò lai Zêbu có tính thích nghi cao: từ vùng rẻo cao như Kỳ Sơn, Tương Dương... hay vùng ven biển, đồng bằng bò lai Zê bu đều phát triển tốt, không thấy xuất hiện những hiện tượng strees môi trường, khí hậu.
2.2. Chất lượng giống trâu:
Nghệ An có 2 giống trâu được xếp vào danh mục giống của Việt Nam đó là trâu Phủ Quỳ và trâu Thanh Chương, đây là giống trâu có tầm vóc lớn, năng suất thịt xẻ cao, dễ nuôi, dễ thích ứng với các điều kiện ở Nghệ An. Gần đây do có nguồn tiêu thụ, đã tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi trâu tại các huyện miền núi.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua các chương trình tiến bộ KHKT về giống trâu chưa được chú trọng. Bởi vậy, chăn nuôi trâu chủ yếu theo dạng truyền thống kinh nghiệm, tận dụng và sử dụng sức kéo là chính; quy mô phổ biến 1-2 con/hộ. Do công tác giống chưa được quản lý nên trâu sinh sản phối giống tự do nên đã xảy ra hiện tượng đồng huyết và suy thoái cận huyết.
Một đặc điểm điển hình của giống trâu là: chu kỳ sinh sản dài (thường 1,5 năm - 2 năm/lứa), phàm ăn, tính bầy đàn cao, khó chăn dắt hơn bò. Do vậy nhịp độ tăng đàn chậm, khó phát triển theo quy mô tập trung và trong việc theo dõi phối giống chống đồng huyết.
Trong những năm qua, Nghệ An bắt đầu sử dụng phương án chéo dòng đực giống trâu giữa 2 vùng: tuyến đường 7 và tuyến đường 48. Song việc áp dụng mới dừng ở mức độ khảo nghiệm, chưa được mở rộng và sản xuất đại trà (do tập quán bảo thủ và thiếu vốn đầu tư của người chăn nuôi trong vùng).
3. Phương thức, tập quán chăn nuôi:
Chăn nuôi trâu bò ở Nghệ An đa phần đang là nhỏ, kiêm dụng, quảng canh và được xem như ngành sản xuất phụ với quy mô là 1-2 con/hộ. Sản phẩm chăn nuôi chỉ để bù đắp kinh tế hộ, trong sản xuất chưa chú trọng đầu tư, chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật.
Một số vùng như: Vùng ven sông Lam (Nam Đàn - Hưng Nguyên), vùng Rỏi (Tân Kỳ), người dân có tập quán chăn nuôi vỗ béo bò thịt xuất bán đã dần tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ, còn mang tính chất nhỏ lẻ song là một dạng mô hình cần được mở rộng trong sản xuất đại trà.
Trong những năm gần đây, thực hiện các chương trình giống chăn nuôi, các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đã có những trang trại chăn nuôi bò ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Nam Đàn, Thanh Chương....có quy mô lớn tập trung, đầu tư chuồng trại theo tiêu chuẩn, thức ăn đầu tư theo giai đoạn… Do vậy, hiệu quả kinh tế được nâng cao, bước đầu tạo dựng mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô vừa và lớn theo hướng chuyên canh .
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN BÒ SỮA 2001-2005:
Là chủ trương của Tỉnh ủy để thực hiện Nghị quyết Đại hội XV và Nghệ An còn là 1 trong 32 tỉnh được Viện Chăn nuôi Quốc gia chọn điểm đầu tư để triển khai dự án phát triển bò sữa giai đoạn 2001 - 2005. Dự án bắt đầu triển khai cuối năm 2001. Sau 4 năm triển khai, kết quả thực hiện như sau:
1. Kết quả thực hiện tổng đàn: Tổng đàn bò bê sữa nhập về và sinh ra ở Nghệ An đến 31/12/2005 là 1.607 so với KH dự án (3.553 con) đạt 45%.
Bảng 2: Kết quả thực hiện chương trình bò sữa 2001-2005
STT | Chỉ tiêu | ĐVT | K.Q Thực hiện qua các năm | |||||
2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 31/122005 | TH/KH (%) | |||
1 | Tổng đàn Bò, bê sữa | con | 14 | 290 | 475 | 1.346 | 1.607 | 45 |
1.1 | - Bò cái SS | con | 9 | 59 | 115 | 182 | 254 | 17 |
1.2 | - Bò vắt sữa T. xuyên | con |
| 8 | 82 | 142 | 128 | 12,4 |
2 | - Bê cái sữa các loại | con | 5 | 231 | 360 | 1.164 | 1.353 |
|
1.1. Kết quả nhập đàn: Tổng số bò nhập nuôi từ ngoại tỉnh từ 2001-2005 là 414 con/KH 600 con đạt 74%. Bao gồm: bò nhập từ Úc: 115 con HF, bò nhập mua ngoại tỉnh là 326 con F1,F2.
1.2. Kết quả tạo giống tại chỗ: Từ 2001-2005 đã tạo giống tại chỗ 1.435 con (đạt 52% KH). Bao gồm: 354 con tạo ra từ đàn bò nhập, 1.081 con tạo ra từ nền bò lai Zêbu.
- Số lượng bò bê đã trung chuyển về vùng dự án 478 con, nâng tổng đàn bò bê sữa nhập nuôi tại vùng quy hoạch nuôi bò sữa là 919 con.
1.3. Cơ cấu giống, quy mô và phân bổ:
- Với phương án sản xuất giống của Nghệ An chọn giải pháp tạo giống tại chỗ là chủ yếu. Do vậy cơ cấu giống bò sữa tại Nghệ An chủ yếu là: bò, bê lai F1 chiếm số lượng lớn: 1.198 con (74%), bò bê lai F2, F3: 249 con (15%); bò bê HF thuần hiện có 160 con (chiếm 10,2%).
- Về phân bổ đàn bò sữa nuôi tại các nông hộ: đàn bò nuôi tập trung chủ yếu Nghĩa Đàn: 741 con (47%), Quỳnh Lưu: 416 con (25%), Nghi Lộc: 154 con (9,7%); số còn lại nuôi rải rác vùng Vinh, Cửa Lò, Đô Lương, Hưng Nguyên...
- Về quy mô chăn nuôi: Đa phần hộ nuôi quy mô nhỏ: hộ nuôi 2-4 con/hộ chiếm 84,5%; hộ nuôi >10 con chiếm 4,5%; hộ nuôi từ 5-10 con chiếm 11%
1.4. Qua 04 năm theo dõi thấy: Đàn bò HF nhập ngoại: bò lứa 1 khi mới nhập nuôi được đầu tư chăm sóc tốt phát triển bình thường, sản lượng sữa bình quân toàn đàn ở lứa đẻ thứ nhất từ 3.600 - 4.000 lít/chu kỳ (cao nhất 28 lít/ngày, thấp nhất 12 lít/ngày). Tuy vậy, từ lứa thứ 2 trở đi do việc đầu tư chăm sóc, dinh dưỡng kém nên tỷ lệ loại thải cao, khả năng sinh sản kém so với lứa đẻ thứ nhất.
- Đối với đàn bò lai F1, HF khả năng thích nghi cao, dễ nuôi, hợp với túi tiền hộ nông dân, song năng suất sữa thấp: 2.500 – 2.700 lít/chu kỳ, khó vắt sữa, khả năng thu hồi vốn chậm, được xác định làm nền để tạo giống F2, F3HF...
- Đối với đàn bò sữa F2, F3, HF qua theo dõi cho thấy đang thích nghi với điều kiện Nghệ An. Năng suất sữa > 3.200 lít/chu kỳ, nên được xác định là giống bò chủ lực trong chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa của Nghệ An.
2. Kết quả thực hiện tập huấn, đào tạo:
- Số lượng CB KT gửi đào tạo các cơ sở T.Ư: 40 người + 25 cán bộ TTNT.
- Số lượng người tham quan học tập tại các tỉnh: 37 người.
- Số lượng nông dân chủ chốt gửi đào tạo tại các cơ sở giống T.U: 61 người.
- Số lượng nông dân đào tạo trong tỉnh: 464 người.
- Số lượng người tham gia tập huấn + tuyên truyền: 11.572 lượt người.
3. Kinh phí thực hiện đầu tư từ nguồn ngân sách:
Tổng nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách: 7.100.835.095đ/KH =54,7%.
Trong đó: - Đầu tư thông qua chính sách: 6.251.228.811đ/KH =52,6%.
- Đầu tư thông qua nguồn XDCB xây dựng mô hình: 849.566.284đ (77,6%).
- Danh mục đầu tư trình bày tại phần phụ lục (bảng 4).
4. Tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai:
- Nghệ An triển khai dự án bò sữa cùng lúc 33 tỉnh thành trên toàn quốc, do vậy bò giống mua nhập đàn khan hiếm, giá giống cao...
- Việc quy hoạch chọn vùng, chọn hộ ở một số địa phương chưa đúng theo tiêu chí ban đầu; đầu tư đàn bò sữa còn phân tán, quy mô nhỏ.
- Chăn nuôi bò sữa là quy trình công nghệ mới. Trong khi đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thú y vừa thiếu vừa yếu, kinh nghiệm trong quản lý chỉ đạo còn hạn chế. Trình độ hiểu biết, thâm canh bò sữa của người chăn nuôi còn non kém.
- Chưa chú trọng giải quyết nguồn thức ăn xanh, nên thức ăn bò sữa thiếu cả chất lẫn lượng.
- Đặc biệt là việc nhà máy xây dựng chậm, mãi đến tháng 2/2006 mới tổ chức thu mua sữa, 4 năm liên tục sữa bò sản xuất ra không tiêu thụ được, bê sữa khó bán... Người chăn nuôi không có nguồn thu, do vậy, giảm đầu tư hoặc không mạnh dạn đầu tư theo yêu cầu kỹ thuật dẫn đến chất lượng đàn bò giảm sút, suy dinh dưỡng, sinh sản kém .. Hậu quả là nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ, tâm lý hoang mang; nhiều hộ không còn muốn nuôi, thả trôi đàn bò, đòi giải tán đàn bò hoặc “ trả bò cho Dự án”
Hiện nay, nhà máy sữa Vinamilk tại Cửa Lò đã tổ chức thu mua. Nếu nhà máy tổ chức thu mua tốt và giá cả hợp lý sẽ là yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa.
III. VỀ THỨC ĂN TRONG CHĂN NUÔI TRÂU BÒ:
1. Thức ăn thô xanh: Với phương thức chăn thả quảng canh nên thức ăn cho trâu bò chủ yếu vẫn là tận dụng, chăn thả và sử dụng nguồn phế phụ phẩm tự nhiên như rơm, rạ...
Trong thời gian triển khai chương trình bò sữa, chương trình tạo giống bò thịt chất lượng cao đã chuyển giao các giống cỏ, quy trình trồng, chế biến thức ăn... nên đã tạo ra tại một số vùng, số hộ có quy hoạch tổ chức trồng cỏ để phát triển chăn nuôi.. Đến nay, đã có khoảng 700-800 ha cỏ trồng tập trung, so với yêu cầu, số lượng diện tích trồng cỏ chưa được nhiều, chủng loại cỏ chưa đa dạng (chủ yếu là cỏ voi), chưa đầu tư thâm canh, chưa chủ động nguồn nước tưới tiêu, chế biến cỏ chưa được chú trọng nên năng suất và tỷ lệ sử dụng thức ăn thấp.
2. Thức ăn thô và nguồn phế phụ phẩm nông - công nghiệp: Nghệ An có nguồn phụ phẩm phong phú, hàng năm có 23.000 – 28.000 ha lạc, cho sản lượng trên 40.000 tấn, trên 60.000 ha ngô cho sản lượng trên 215.000 tấn; trên 25.000 ha mía cho 141.000 tấn đường, 180.000 ha lúa, cho sản lượng trên 840.000 tấn; gần 10.000 ha đậu các loại, có một lượng phế phụ phẩm làm nguồn thức ăn dồi dào để phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, còn có các nhà máy chế biến nông lâm sản như: nhà máy bia, 4 nhà máy đường, nhà máy nước dứa cô đặc, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn... sẽ là nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn tinh và thức ăn bổ sung cho chăn nuôi quy mô lớn, tập trung.
Song các nguồn phế phụ phẩm nêu trên chưa được tận thu sử dụng hợp lý, chưa quan tâm thu gom dự trữ và chế biến theo các quy trình công nghệ, nên còn lãng phí, chất lượng thức ăn chưa được nâng cao...
3. Thức ăn tinh: Được sử dụng chủ yếu trong chăn nuôi bò sữa và vỗ béo bò thịt. Tuy vậy vẫn sử dụng phối chế tại chỗ theo kiểu tận dụng là chính. Cho đến nay, Nghệ An vẫn chưa có nhà máy sản xuất chế biến thức ăn riêng cho trâu bò, trong khi giá thành thức ăn tinh của một số hãng sản xuất quá cao, hạn chế trực tiếp đến thói quen sử dụng thức ăn tinh trong nuôi dưỡng thâm canh trâu, bò hàng hóa.
IV. CÔNG TÁC THÚ Y - Phòng trừ dịch bệnh
Nghệ An có hệ thống tổ chức mạng lưới thú y đồng bộ từ tỉnh đến xã, Chi cục Thú y có đội ngũ cán bộ kỹ thuật và được trang bị đủ về thiết bị cần thiết cho việc chẩn đoán và phòng chống dịch. Cùng với chính sách hỗ trợ về công tác thú y của tỉnh, Chi cục Thú y đã tổ chức tốt công tác tiêm phòng định kỳ hàng năm, tổ chức tốt công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc trên địa bàn và kiểm dịch sát sinh tại các lò mổ, các khu vực chợ buôn bán gia súc sống. Bởi vậy chưa có ổ dịch lớn về gia súc xảy ra, có lúc có nơi còn xảy ra dịch lẻ tẻ về bệnh lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng.., nhưng đã được can thiệp, khống chế kịp thời.
Tuy nhiên trong chăn nuôi bò sữa sẽ còn là khó khăn, thách thức đối với ngành thú y vì hầu hết cán bộ kỹ thuật chưa có kinh nghiệm về bệnh bò sữa. Chưa có chuyên gia giỏi chuyên ngành từng con.
V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐÃ VÀ ĐANG ÁP DỤNG TẠI NGHỆ AN
1. Chương trình cải tạo đàn bò vàng theo hướng “Zê bu hóa”: Là biện pháp chủ lực trong chương trình cải tạo giống bò ở Nghệ An và đã thực hiện từ những năm 1975. Đặc biệt đẩy mạnh khi thực thi Chương trình cải tạo đàn bò quốc gia theo hướng Zêbu hóa (1995-1998). Từ năm 1999 đến nay, tỉnh tiếp tục đầu tư ngân sách để thực hiện tiếp nối Chương trình Zêbu hóa bằng 2 phương thức TTNT và bò đực giống nhảy trực tiếp. Cho đến nay, tỷ lệ bò lai Zêbu chiếm xấp xỉ 34% tổng đàn bò (so với 1995 là 15% thì giai đoạn 1995-2005 tăng 19%, bình quân tăng 1.9%/ năm). Với đội ngũ dẫn tinh viên hiện có trên 120 người, hàng năm nếu đủ vật tư, kinh phí Nghệ An có thể phối giống 35- 40 ngàn liều tinh bằng TTNT để cải tạo đàn bò theo hướng Zê bu hóa .
2. Dự án tạo giống bò thịt chất lượng cao 2002-2005:
Sau 3 năm triển khai dự án bò thịt cấp Quốc gia 2002-2005 và từ nguồn kinh phí đầu tư đối ứng của tỉnh. Kết quả đã xây dựng được hơn 60 trang trại quy mô từ 10 - 25 con/trang trại (>700 con), phối giống TTNT có chửa được 6.425 con bằng tinh bò chuyên thịt tạo bò lai 75% máu ngoại.
3. Chương trình trâu bò hàng hóa: Từ năm 2004, thực hiện Quyết định số 101/QĐ-UB về chính sách phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng đàn bò năm 2004 và 2005 là 11%/năm.
4. Các đề tài nghiên cứu như: “Nghiên cứu khả năng thích nghi của bò sữa trong điều kiện của Nghệ An”; “Đề tài nghiên cứu, khảo nghiệm các giống cỏ trồng thâm canh phù hợp nghệ an và cách chế biến thức ăn cho bò sữa... Các kết quả đề tài đã được triển khai góp phần khẳng định tính khả thi của dự án.
1. Những kết quả đạt được:
Thời gian qua, ngành chăn nuôi Nghệ An được quan tâm đầu tư, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các ngành cấp tỉnh ... UBND tỉnh đã ban hành các chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển chăn nuôi tại QĐ số 45/2004/QĐ-UB , QĐ số 2765/QĐ-UB về chương trình bò sữa; QĐ số 101/2004/QĐ-UB về chăn nuôi trâu bò hàng hóa... Do vậy, đã đạt được những kết quả khá, đó là:
- Đàn gia súc tăng nhanh về số lượng. Hiện nay, Nghệ An là tỉnh đứng đầu toàn quốc về số lượng tổng đàn trâu, bò và bò lai Zêbu.
- Chất lượng đàn bò được cải thiện đáng kể: tỷ lệ bò lai Zêbu đạt xấp xỉ 34%, là một trong 4 tỉnh dẫn đầu trong công tác cải tạo giống đàn bò bằng TTNT.
- Chăn nuôi bò đã bắt đầu chuyển từ phân tán, tự túc sang hướng sản xuất hàng hóa, bắt đầu có các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung về bò sữa, bò thịt chất lượng cao. Chăn nuôi trâu bò đã được các địa phương chọn làm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chủ yếu.
- Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, công nghệ sản xuất, thức ăn, đảm bảo an toàn dịch bệnh đã được áp dụng, làm cơ sở cho mục tiêu xây dựng ngành chăn nuôi trâu, bò hàng hóa.
2. Những tồn tại:
- Tốc độ phát triển đàn trâu, bò chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khẳng định được vai trò của chăn nuôi trong nông nghiệp.
- Nhận thức về chăn nuôi hàng hóa trong nhân dân còn hạn chế. Chăn nuôi trâu bò còn nhỏ lẻ, kiêm dụng; tập quán chăn thả tự nhiên vẫn là chủ yếu. Năng suất, chất lượng đàn trâu, bò chưa cao; sản phẩm, hiệu quả chăn nuôi còn thấp, thiếu hình thành các vùng chăn nuôi thâm canh hàng hóa quy mô lớn, tập trung.
- Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi vào sản xuất còn hạn chế (nhất là giống, thức ăn, quy hoạch chuồng trại). Nhiều mô hình khoa học công nghệ chưa được nhân rộng trong sản xuất đại trà. Trồng cỏ, chế biến bổ sung thức ăn tinh cho trâu bò chưa trở thành tập quán, thói quen của người chăn nuôi. Tình trạng trâu, bò nhốt dưới sàn nhà, thả rông trong rừng ở vùng miền núi đang gây ảnh hưởng đến môi sinh và môi trường.
- Công tác thú y, dịch vụ thú y còn nhiều bất cập (nhất là thú y bò sữa): thiếu đội ngũ cán bộ chuyên sâu, thiếu dụng cụ chuyên ngành bò sữa nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả người chăn nuôi bò sữa.
- Chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trâu bò chưa được quan tâm đúng mức. Chưa hình thành cơ sở sản xuất chế biến đồ hộp xuất khẩu, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định..
3. Nguyên nhân:
- Trong một thời gian dài một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, nhất là cấp huyện, xã chưa nhận thức đầy đủ thế mạnh chăn nuôi trâu, bò trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm trong nông nghiệp, nông thôn nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức.
- Cơ chế chính sách: Mặc dù được tỉnh quan tâm nhiều trong lĩnh vực chăn nuôi, song chậm ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, nhất là các chính sách về đất đai, trồng cỏ, vốn, chế biến, thu hút đầu tư trong phát triển chăn nuôi. Kinh phí đầu tư hỗ trợ đang ở mức thấp, thiếu lồng ghép nên các hộ nghèo ít có cơ hội tham gia.
- Đội ngũ cán bộ chăn nuôi, thú y còn mỏng và trình độ chuyên môn, kinh nghiệm hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi từ tỉnh đến cơ sở còn một số yếu kém, hệ thống khuyến nông chậm được củng cố và tăng cường.
4. Đối với Dự án bò sữa:
Dự án mới bắt đầu triển khai thực sự từ năm 2002D, đã tạo được một số mô hình và đã khẳng định khả năng thích nghi của đàn bò sữa trong điều kiện Nghệ An. Chương trình bò sữa đã giúp Nghệ An đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và tích luỹ kinh nghiệm nâng cao trình độ tay nghề, kiến thức chuyên sâu về bò sữa. Đồng thời cũng giúp người nông dân làm quen, tiếp cận với quy trình công nghệ chăn nuôi bò sữa từ chọn giống, thức ăn, chuồng trại, khai thác chế biến sữa.
Tuy vậy, ngoài những tồn tại khó khăn nêu trên, dự án bò sữa còn có những tồn tại và những nguyên nhân đã được chỉ ra là:
- Một số vùng một số nơi còn quan niệm nuôi bò sữa là xoá đói giảm nghèo, việc quy hoạch chọn vùng và chọn hộ còn mang tính chủ quan, chưa lường hết các khó khăn của công nghệ chăn nuôi bò sữa. Bởi vậy đã quy hoạch chọn nuôi tại một số vùng, số hộ không phù hợp đặc biệt là vùng Cửa Lò, thành phố Vinh...
- Đầu tư đàn bò sữa rải rác, không tập trung, quy mô nhỏ, chưa có cơ sở, trang trại tạo giống..., nên khó khăn trong quản lý, thu gom tiêu thụ sữa.
- Các chính sách đầu tư cho chăn nuôi bò sữa chưa đủ tầm, chưa kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án bò sữa. Xử lý chậm các bế tắc cho dân đã tạo ra những bức xúc cho người chăn nuôi nhất là trong giai đoạn khó khăn tiêu thụ sữa, bê sữa.
- Kinh nghiệm chỉ đạo của chủ dự án còn yếu, đội ngũ CBKT nhất là công tác thú y còn nhiều bất cập. Người chăn nuôi thiếu hiểu biết, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng nuôi dưỡng chăm sóc bò sữa.
- Chưa được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành (nhất là cấp huyện và cấp xã), nhiều địa phương chương trình bò sữa gần như phó mặc cho chủ dự án.
Nguyên nhân cơ bản là tiêu thụ sản phẩm: Việc nhà máy sữa xây dựng chậm dẫn tới một thời gian dài sữa không có nơi tiêu thụ, sản phẩm bê sữa không bán đựợc, giá thấp ... Người chăn nuôi không có nguồn thu dẫn đến thua lỗ, không có khả năng đầu tư tiếp và hoàn trả vốn, gây tâm lý hoang mang, chán nản, không thiết tha với bò sữa, thả trôi, đòi “trả bò cho Dự án.”
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẠI GIA SÚC GIAI ĐOẠN 2006-2015
I. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN:
1. Thuận lợi:
- Được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và đầu tư để thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh đảng bộ lần thứ XVI. Đã ban hành chính sách đầu tư theo Quyết định số 07/ 2006/QĐ-UBND. Đồng thời luôn được các cấp, các ngành từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi.
- Nghệ An là tỉnh có truyền thống, kinh nghiệm và có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi. Đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc chúng ta đã và đang có nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi trâu, bò như: lao động dồi dào, có thị trường, quỹ đất đai trồng cỏ sản xuất thức ăn, giàu nguồn nguyên liệu chế biến tinh và các phế phụ phẩm công nghiệp từ các nhà máy sắn, dứa, nhà máy đường....
- Trong quá trình triển khai các chương trình dự án chăn nuôi trong những năm qua đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật có kiến thức chuyên môn cả kinh nghiệm chuyển giao các tiến bộ về giống và phòng trừ dịch bệnh đại gia súc.
- Phát triển chăn nuôi đã và đang được Bộ Nông nghiệp &PTNT, UBND tỉnh xác định là biện pháp chính trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi đại gia súc Nghệ An phù hợp chủ trương và quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời còn là chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội các huyện Đảng bộ thời kỳ 2006-2010.
2. Khó khăn và thách thức:
- Trâu bò là động vật đơn thai, có chu kỳ sinh sản dài (bò cái 18 - 24 tháng mới phối giống lần đầu, trâu là 24 - 28 tháng, khả năng sinh sản của bò bình quân 1-1, 5 năm/lứa, đối với trâu là: 1,5- 2 năm /lứa). Bởi vậy, nhịp độ phát triển trâu bò chậm, muốn tăng nhanh phải chú trọng tăng khả năng sinh sản và tăng bằng việc nhập mua bò sinh sản về nuôi.
- Đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm chỉ đạo (nhất là chương trình bò sữa). Nhiều huyện phòng Nông nghiệp & PTNT hiện không có cán bộ chăn nuôi thú y để theo dõi chương trình, dự án chăn nuôi.
- Đất xây dựng trang trại và trồng cỏ: Đối với trâu bò, thức ăn chủ yếu là thô xanh (chiếm 70-80%, có khi là 100%). Trong khi diện tích bãi chăn ngày càng thu hẹp thì việc trồng cỏ thâm canh, tận dụng chế biến các phế phụ phẩm để chăn nuôi là điều cần thiết. Việc thiếu đất trồng cỏ và chưa bảo quản chế biến phụ phẩm làm thức ăn đã hạn chế đến việc chăn nuôi có đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế.
- Vốn đầu tư chăn nuôi trâu bò cao hơn các loại gia súc nhỏ, thời gian sinh trưởng cho hiệu quả cũng dài hơn. Người chăn nuôi thiếu vốn đầu tư (đặc biệt là những hộ nghèo). Một số nông hộ có điều kiện chăn nuôi trang trại lại không đủ điều kiện thế chấp vay vốn ngân hàng loại trung và dài hạn.
- Người chăn nuôi còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi hàng hóa (nhất là chăn nuôi bò sữa), trong khi công tác khuyến nông còn bất cập. Một số bộ phận không nhỏ mang nặng tư tưởng bao cấp, trông chờ đầu tư của nhà nước. Trong khi điều kiện vật chất để đầu tư sản xuất chăn nuôi quy mô công nghiệp, tập trung còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình để thuyết phục, tạo lòng tin cho nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất chăn nuôi hàng hóa.
II. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU GIAI ĐOẠN 2006 -2015
1. Mục tiêu tổng quát:
Phát huy thế mạnh từng vùng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi - thú y, quy trình công nghệ tiên tiến; thực hiện chương trình bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tập trung phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa theo hướng nông hộ. Ưu tiên phát triển chăn nuôi trang trại tập trung với quy mô vừa và lớn, tạo hàng hóa có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Qua đó tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập góp phần tham gia chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp, thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn.
2. Mục tiêu cụ thể:
TT | Chỉ tiêu | ĐVT | 2010 | 2015 |
1 | Tổng đàn trâu, bò | Triệu con | 1,0 | 1,3 - 1,5 |
| Trong đó: Tổng đàn bò bê sữa | Ngàn con | 10,0 | 12 - 15 |
2 | Tỷ trọng thu nhập chăn nuôi trong NN | % | 50,0 | 55 - 60 |
3 | Tổng thu nhập từ chăn nuôi trâu bò |
|
|
|
| - Giá trị | Tỷ đồng | 595 | 744 - 1.192 |
| - Tỷ trọng CN trâu bò/thu nhập CN | % | 20,0 | 25 - 30 |
| - Tỷ trọng CN trâu bò/thu nhập NN | % | 10,0 | 15 - 20 |
2.4. Để đạt được mục tiêu tổng đàn trâu bò năm 2015 là 1, 3 triệu con thì nhịp độ phát triển đàn phải đạt là 190,37%, nhịp độ tăng bình quân/năm trong 10 năm tới là 6,65% (so với tăng bình quân/năm của 10 năm 1995-2005 phải vượt 2,64%). Trong đó nhịp độ tăng bình quân/năm của trâu là 2, 55%, bò là 9,05%.
2.5. Để đạt 1 triệu con trâu bò ở 2010 thì số lượng tổng đàn phải tăng trong 5 năm (2006-2010) là 318.637 con, tức nhịp độ phát triển đàn 146,76%, nhịp độ tăng bình quân /năm là 7,95% (so nhịp độ tăng bình quân của giai đoạn 2000-2005 phải vượt 3,0%). Tương ứng nhịp độ tăng bình quân /năm đối với trâu là: 2,75%; đối với bò là 11,35% .
(Kế hoạch cụ thể được trình bày tại bảng 3; Phụ lục 4, 5,6 )
2.6. Để đạt được kế hoạch 10.000 bò sữa (đến năm 2010), 15.000 (đến năm 2015) thì đàn bò sữa trong 5 năm (2006-2010) phải tăng 8.393 con (nhịp độ phát triển 522,28%, nhịp độ tăng bình quân /năm là 40,75%.
Do vậy phương án tăng đàn phải nhập đàn là chính:
- Nhập đàn tối thiểu 2.250 con bò sinh sản từ ngoại tỉnh (2006-2008)
- Tạo giống tại chỗ: Hàng năm phải phối giống có chửa 1.000 con bò lai Zêbu tạo con lai sữa, ngoài ra phải phối giống tạo đàn bò sữa trên nền bò nhập (2.250 con) và đàn bò bê sữa hiện có (1.600 con).
(Kế hoạch chi tiết trình bày bảng 3 và phụ lục 5, 6)
Bảng 3B: Một số chỉ tiêu phát triển chăn nuôi trâu bò 2006-2015:
TT | CHỈ TIÊU | ĐVT | Năm 2010 | Năm 2015 |
I - - II 1 | Tổng đàn trâu bò Nhịp độ tăng bình quân/năm Tổng thu nhập trâu bò Chỉ tiêu phát triển trâu: Tổng đàn trâu: Trong đó: Tăng sinh sản tại chỗ Tăng do nhập đàn | con % Tỷ đồng
con con con | 1.000.000 7,95 595 -744
336.300 328.192 8.108 | 1.300.000 6,65 1.192-1.311
378.300 369.180 9.120 |
2 | Trâu cái sinh sản | con | 111.440 | 125.220 |
3 | Nhịp độ PT tăng Bq/năm | % | 2,75 | 2,55 |
4 | Tr.lượng trưởng thành cái/đực | Kg | 350/400 | 380/430 |
III 1 | Chỉ tiêu phát triển bò Tổng đàn Trong đó: Tăng sinh sản tại chỗ Tăng do nhập đàn |
con con con |
663.700 559.220 104.470 |
921.700 776.600 145.100 |
2 | Nhịp độ PT tăng BQN /năm | % | 11,35 | 9,05 |
3 | Số lượng bò cái sinh sản | con | 266.430 | 370.000 |
4 | Tỷ lệ bò lai Zê bu | % | 42 | 50 |
5 | T. lượng trưởng thành cái /đực | Kg | 250 /300 | 275/350 |
6 | Tổng đàn bò bê sữa - Sản lượng sữa | con triệu lít | 10.000 10 | 15.000 15
|
1. Công tác tuyên truyền:
1.1. Tiến hành tổng kết công tác chăn nuôi 5 năm (2001-2005) quán triệt và triển khai Nghị quyết ban thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về phát triển chăn nuôi trâu bò 2006-2010.
1.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa, xoá bỏ tập quán chăn thả tự do, đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: truyền thanh, truyền hình, báo, tờ rơi, tổ chức các buổi hội thảo cho các tổ chức đoàn thể hội nông dân, phụ nữ, thanh niên …, tổ chức hội thảo đầu chuồng, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tuyên truyền chủ trương chính sách về phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt, trâu bò hàng hóa để giúp người chăn nuôi có thông tin chọn lựa.
1.3. Tổ chức cho các nông hộ, các trang trại tham quan các mô hình sản xuất chăn nuôi tiên tiến ở trong và ngoài tỉnh, qua đó để tạo thêm nhiều mô hình, hoàn chỉnh các mô hình đã có.
1.4. Thực hiện nâng cao việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cho người chăn nuôi bằng phương pháp khuyến nông - khuyến lâm hàng năm. Thực hiện đào tạo hướng dẫn các tiến bộ KHKT mới cho nông dân hàng năm qua chương trình đào tạo nghề cho nông dân trong độ tuổi về chăn nuôi, kiến thức, phương pháp sản xuất chăn nuôi hàng hóa .
2. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và chiến lược phát triển trâu bò:
2.1. Tổng kết lại các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi trâu bò:
Tổng kết công tác chăn nuôi 5 năm qua, rút ra kinh nghiệm thành công, tìm nguyên nhân tồn tại và xác định nhiệm vụ, giải pháp sản xuất chăn nuôi 2006-2010 để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI tỉnh Đảng bộ.
2.2. Xây dựng, điều chỉnh và quyết định phê duyệt lại các dự án: Trên cơ sở tổng kết đánh giá của tỉnh và ý kiến Bộ Nông nghiệp (Cục chăn nuôi), UBND tỉnh sẽ giao cho sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì xây dựng, điều chỉnh các dự án trọng điểm giai đoạn 2006-2010 (có tính đến 2015) như Dự án bò sữa, Dự án bò thịt chất lượng cao … trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện.
2.3. Quy hoạch vùng chăn nuôi: Tổ chức rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng chăn nuôi khoa học, phù hợp, cụ thể là:
2.3.1. Vùng nuôi bò sữa: Bao gồm:
+ Cụm Phủ Quỳ: Là vùng trọng điểm của dự án bò sữa, đến 2010 có 9.000 con. Trong đó: huyện Nghĩa Đàn 4.000 con; Vinamilk 2.000 con; các Công ty nông nghiệp 2.000 con, vùng phụ cận 1.000 con (Tân Kỳ 500 con, Quỳ Hợp 500 con)
+ Vùng Vinh (Vinh, Nghi Lộc, Cửa Lò): ổn định đàn hiện có .
+ Quỳnh Lưu: 1.000 con
Các vùng còn lại tập trung sản xuất giống bò sữa để đưa về vùng dự án
2.3.2. Vùng phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa
Nhiệm vụ phát triển tổng đàn và nâng cao chất lượng thông qua lai tạo, tạo sinh sản tại chỗ và thông qua nhập đàn giống bổ sung.
Để có 1 triệu con năm 2010 và 1, 3 triệu con ở năm 2015 thì nhịp độ tăng đàn bình quân cho các vùng như sau:
Bảng 4: Quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa:
Quy hoạch | Nhịp độ Giai đoạn | tăng BQ / 2006- | năm (%) 2015 | Nhịp độ | tăng Bq / 2006- | năm (% 2010) |
Vùng | Trâu, bò | Trâu | Bò | Trâu, bò | Trâu | Bò |
Vùng đồng bằng | 7,20 | 1,60 | 9,15 | 8,90 | 1,65 | 11,75 |
Vùng núi thấp | 5,75 | 1,90 | 9,80 | 7,50 | 2,05 | 12,4 |
Vùng núi cao | 6,20 | 4,10 | 7,95 | 7,05 | 4,30 | 9,35 |
Toàn tỉnh | 6,65 | 2,55 | 9,05 | 7,95 | 2,75 | 11,35 |
2.3.3. Vùng chăn nuôi, tạo giống bò thịt chất lượng cao:
- Vùng tạo giống bò thịt chất lượng: Áp dụng cho các điểm có hệ thống TTNT bò tại: (Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Yên Thành) để tạo giống bò chuyên thịt trên nền bò cái nền lai Zê bu.
- Vùng nuôi vỗ béo bò thịt được đầu tư đúng quy trình sản xuất thâm canh, công nghiệp bao gồm: Vùng dọc sông Lam, các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, vùng nông trường, các tổng đội TNXP - XDKT các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Yên Thành.
2.4. Quy mô chăn nuôi:
2.4.1. Chăn nuôi bò sữa:
- Xây dựng các trại giống kiêm sản xuất sữa tại các Nông trường, Công ty nông nghiệp vùng Phủ Quỳ: quy mô tối thiểu 100 con/điểm
- Xây dựng cơ sở giống tại 19/5 quy mô 300 bò sữa, 100 bò chuyên thịt.
- Nuôi nông hộ quy mô tối thiểu 10 con/hộ (tập trung 100 con/điểm).
- Trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk: 2.000 con.
2.4.2. Chăn nuôi trâu, bò hàng hóa:
- Xây dựng các trang trại có quy mô tối thiểu: 15- 20 con/hộ.
- Chăn nuôi đại trà: 3-5 con/hộ.
2.5. Tổ chức điều tra bình tuyển: Điều tra số lượng tổng đàn trâu bò để nắm chính xác về cơ cấu giống, tỷ lệ trâu bò cái sinh sản, số lượng trâu, bò đực giống đủ tiêu chuẩn phối giống để xây dựng phương án cải tạo giống 2006-2010 phù hợp, khoa học.
2.6. Xây dựng và phân bổ kế hoạch phát triển tổng đàn và kế hoạch cải tạo giống cho từng đối tượng cụ thể, cho từng địa phương trong KH 2006-2015 để UBND tỉnh giao chỉ tiêu hướng dẫn hàng năm cho các địa phương thực hiện (phụ lục 4,5, 6 kèm theo).
3. Giải pháp tiêu thụ sản phẩm:
Đây là khâu quan trọng nhất trong chăn nuôi hàng hóa, có tính quyết định đến hiệu quả sản xuất chăn nuôi trâu, bò của người dân. Bởi vậy cần có giải pháp tốt tiêu thụ sản phẩm qua thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Sản phẩm tiêu thụ thông qua sơ chế, chế biến hoặc vật sống và chính sách khuyến khích... Muốn vậy cần áp dụng các biện pháp tổ chức sau:
3.1. Các phương thức tiêu thụ sản phẩm:
- XD các hợp tác xã chuyên chăn nuôi có quy mô xã, liên xã của một hay nhiều loại gia súc cho những người cùng sở thích, cùng nội dung và mục đích sản xuất chăn nuôi để hỗ trợ nhau trong bố trí, tổ chức bao tiêu sản phẩm .
- Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển mạng lưới thu mua và tiêu thụ sản phẩm trâu bò. Các địa phương có chính sách động viên cá nhân, thương lái thu mua tiêu thụ để không ép giá, giá mua là thỏa thuận 2 bên theo mức thị trường tại thời điểm .
- Xây dựng và phát triển các chợ trâu, bò theo từng vùng, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi lưu thông và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
- Công ty chế biến xuất khẩu súc sản mở rộng quy mô, hàng chế biến để thoả mãn nhu cầu xuất khẩu và thị hiếu thị trường nội tiêu. Sản phẩm chế biến là nguyên liệu (mảnh, Blok) thực phẩm tiêu dùng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm. Công ty mở rộng lực lượng cung ứng, tiêu thụ để thu mua sản phẩm chăn nuôi như trâu, bò để xuất khẩu sống sang Lào, Thái Lan nhằm giải quyết đầu ra sản phẩm chăn nuôi cho nông dân.
3.2. Các sản phẩm tiêu thụ:
- Tiêu thụ sản phẩm sữa: Khi nhà máy Vinamilk Cửa Lò chưa trực tiếp thu mua cho vùng Phủ Quỳ thì địa phương tổ chức thu gom bao tiêu, vận chuyển sữa của từng nông hộ về bán cho nhà máy tại Cửa Lò, ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển, thu gom.
- Tiêu thụ sản phẩm thịt:
+ Trâu: xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, miền Nam Việt Nam.
+ Bò: bò thịt vừa sản xuất chế biến để xuất khẩu, tiêu thụ (loại tốt) vừa xuất sống các loại bò lai. Riêng bò giống chỉ xuất bán khi có đủ cơ cấu kế hoạch dự án. Trong trường hợp cần trung chuyển theo kế hoạch bò giống trong tỉnh, chủ dự án phải lập kế hoạch bao tiêu toàn bộ theo cơ chế thị trường cho người chăn nuôi.
4. Giải pháp về giống:
Trong chăn nuôi: “Giống là tiền đề, thức ăn là quan trọng”, muốn tạo ra được sản phẩm chăn nuôi hàng hóa đạt yêu cầu chất lượng phải có giống tốt và phải thực hiện đồng bộ các giải pháp chọn giống, nhân giống và quản lý kỹ thuật.
4.1. Cải tạo chất lượng giống bò:
4.1.1. Để đạt đựợc chỉ tiêu, phát triển tổng đàn bò ở năm 2010 là 663.700 con và ở năm 2015 là 921.700 con, cần tiến hành đồng thời 2 phương thức:
* Tăng đàn tại chỗ (do sinh sản tại chỗ) trên cơ sở bình tuyển chọn lọc bò cái sinh sản để phối giống tăng đàn hàng năm
* Tăng đàn bò giống sinh sản bằng cơ chế nhập đàn bổ sung: thông qua chính sách trâu bò hàng hóa theo chính sách hỗ trợ của tỉnh.
(Mức tăng cụ thể cho từng loại, từng vùng trình bày tại bảng 3, bảng 4)
4.1.2. Để cải tạo chất lượng đàn bò phục vụ cho sản xuất hàng hóa cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò bằng 2 phương thức:
+ Phối giống TTNT đối với vùng đồng bằng, miền núi thấp: KH hàng năm phối có chửa TTNT từ 25.000 - 30.000 con/năm (phụ lục 7).
+ Phối giống trực tiếp: (Đối với vùng miền núi cao và các vùng xa không thực hiện được TTNT) dùng bò đực giống lai Zê bu có > 50% - 75% máu Zêbu cho nhảy trực tiếp. Dự kiến số lượng bò đực giống cần có là 1.800 con. Trong đó tuyển chọn tại chỗ 1.000 con, số bò đực cần nhập mua 5 năm là 800 con.
- Chọn đàn bò nền lai Zê bu để lai tạo theo 2 hướng thịt và sữa:
+ Bò cái lai Zê bu F1, F2 làm nền lai tạo phối giống bằng tinh bò sữa HF tạo F1, F2 HF để chọn những bò cái lai hướng sữa đảm bảo tiêu chuẩn làm bò nền sản xuất sữa (số còn lại nuôi thịt)
+ Bò cái lai Zêbu F1, F2 làm nền lai tạo phối tinh bò giống chuyên thịt (Limousine, Crimousine…..) để tạo bò lai có 3/4 - 7/8 máu ngoại để nuôi thịt.
- Duy trì chương trình “giữ quỹ gen": đàn bò Vàng theo Thông tư liên tịch số 04/2004/TTLT/BTC-NN& PTNT.
- Xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi với quy mô vừa và lớn (quy mô tối thiểu đối với bò là 10 con, đối với trâu là 5 con) để chăn nuôi hàng hóa. Đồng thời phát triển các mô hình trang trại nuôi bò cái lai Zê bu phối giống tạo giống bò chuyên dụng thịt, sữa, trang trại chăn nuôi bò sữa, vỗ béo bò thịt tối thiểu 20 con /trại.
4.2. Giống trâu:
4.2.1. Để đảm bảo kế hoạch tăng đàn trong chăn nuôi trâu phải chú trọng đến chất lượng đàn trâu cái sinh sản và cơ số trâu đực vừa đủ để phối giống sinh sản tăng đàn tại chỗ đạt 328.112 con ở năm 2010 (nhịp độ tăng bình quân tại chỗ đạt 2,25%/năm), tăng bằng cách nhập đàn 8.108 con (tương ứng nhịp độ tăng bình quân 0,5%/năm).
4.2.2. Về chất lượng: Phát huy đặc tính tốt của giống trâu Phủ Quỳ, Thanh Chương (tầm vóc, khối lượng,…). Trong thời gian tới cần tập điều tra, bình tuyển chọn những trâu cái sinh sản tốt để phối giống nhân thuần đàn trâu địa phương.
- Thực hiện biện pháp chéo dòng đực giống, tăng đàn đực giống hàng năm để làm tươi máu giống trâu: đưa đực giống tốt ở các tỉnh phía Bắc: Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu cho lai với đàn trâu cái địa phương, hoặc chéo dòng từ vùng đường 7 và đường 48 để tránh sự đồng huyết.
- Cung cấp đủ đực giống /tổng đàn (30 con trâu cái /1đực giống) để đẩy mạnh tiến độ tăng đàn. Theo chu chuyển đàn đến năm 2010 số lượng trâu cái sinh sản dự tính 114.000 con, số lượng cần có đủ đực phối giống là 3.600 con trâu đực, KH đề án tuyển chọn tại chỗ 2.000 con, số cần mua nhập thêm là 1.600 con.
4.3. Bò sữa:
Để đạt quy mô dự án đến 2010 có tổng đàn 10.000 con đến 2015 có 15.000 con bò bê cái sữa cần phải tăng nhanh đàn bò sữa theo cả 2 hình thức nhập đàn và tạo giống tại chỗ .
4.3.1. Nhập đàn: - Từ 2006-2008 phải nhập tối thiểu 2.250 con bò cái sữa (mỗi năm nhập đàn 700 - 1000, chủ yếu là bò cái sữa sinh sản).
- Giống bò sữa chủ yếu: + Bò HF thuần chủng (được tạo ra tại Việt Nam).
+ Bò F2,F3 HF (từ 3/4- 7/8 máu HF).
- Loại bò nhập: Để đảm bảo đủ cơ cấu đàn bò sinh sản, đàn bò cho sữa yêu cầu cơ cấu giống bò nhập phải là bò tơ có chửa, hoặc bò đã đẻ lứa 1, 2 đang có chửa (chiếm 60-70%).
4.3.2. Tạo giống bò sữa tại chỗ:
- Phải tập trung chỉ đạo phối giống tinh bò sữa cho đàn bò cái lai Zêbu, lai HF đang nuôi tại vùng dự án, cố định máu bò lai tại F2 hoặc F3 (không tăng quá 87,5% HF).
- Chỉ tiêu tạo giống mỗi năm phải đạt khoảng 1.000 con.
- Tổ chức bình tuyển hàng kỳ để chọn và quản lý giống bò sữa theo Chương trình giống Quốc gia. Đối với những bê, bò cái hướng sữa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật dùng làm giống, số còn lại hướng dẫn chủ hộ chuyển sang nuôi bò thịt.
+ Tổ chức xây dựng cơ sở sản xuất giống:
- Địa điểm: tại Công ty Rau quả 19/5.
- Quy mô: Nuôi tập trung 300 con bò cái sinh sản.
- Phương thức đầu tư: Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng... phần còn lại sử dụng vốn vay và vốn tự có của công ty.
(Có dự án cụ thể được xây dựng và trình bày riêng)
+ Xây dựng các trại nuôi bò tập trung để sản xuất giống, và sản xuất sữa tại Nông trường Đông Hiếu, Tây Hiếu, Công ty Nông Công nghiệp 3/2, Công ty Nông nghiệp Xuân Thành, Công ty Cây ăn quả Nghệ An và các nông trại, nông hộ vùng quy hoạch dự án.
+ Trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô 2.000 con của Vinamilk là địa điểm cung cấp giống bò sữa trên địa bàn tỉnh.
5. Giải pháp về thức ăn:
Trong chăn nuôi thức ăn có vai trò rất quan trọng đối với vật nuôi, bởi vậy biện pháp giải quyết thức ăn cho trâu bò phải được xem là biện pháp hàng đầu trong các giải pháp kỹ thuật tổng hợp.
5.1. Thức ăn thô xanh:
Thức ăn chủ yếu của trâu, bò là thô xanh chiếm 70-80% và thức ăn chế biến từ phế phụ phẩm công nghiệp chế biến nông sản. Diện tích bãi chăn bị thu hẹp do chuyển đổi sản xuất nên không thể chăn thả tự do... Do đó phương án giải quyết thức ăn thô xanh cho trâu bò là:
- Phải chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, đất cao cưỡng, bạc màu sang trồng cỏ và tạo cho người dân tập quán trồng cỏ thâm canh phục vụ chăn nuôi (có thể trồng ngô dày để thay thế cỏ).
Trồng cỏ phải đa dạng các loại giống: các giống hoà thảo (cỏ voi, cỏ sả...) cỏ họ đậu để thức ăn đủ chất lượng. Tùy theo điều kiện từng vùng để cân đối đủ thức ăn xanh mức 25-35 kg/con/ngày, do vậy yêu cầu diện tích đất trồng cỏ thâm canh cho 1 con bò sữa là 1000 m2, đối với trâu bò hàng hóa là 500 m2/con. Kế hoạch đến 2010 toàn tỉnh phải chuyển đổi tối thiểu 8.000 ha đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ (phụ lục 9).
- Hình thành các chợ buôn bán, trao đổi cỏ, các phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi trâu, bò.
- Phát động phong trào tận thu, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp (chú ý đến rơm rạ), phụ phẩm của công nghiệp chế biến bã dứa, bã sắn, rỉ mật... để chăn nuôi bò, áp dụng các phương pháp chế biến bảo quản và dự trữ thức ăn cho trâu bò để chống giáp hạt. Xây dựng các tiêu chuẩn ăn, tiêu chuẩn vỗ béo và qui trình vỗ béo phù hợp với từng vùng sinh thái.
- Chuyển giao kỹ thuật, các quy trình hướng dẫn cho nông dân chế biến thức ăn cho trâu bò từ phế phụ phẩm nông nghiệp, thu gom dự trữ thức ăn thô xanh cho gia súc, thức ăn ủ chua, sử dụng hợp lý các phụ phẩm nông nghiệp...
- Hợp tác khoa học để tổ chức sản xuất thức ăn cho bò từ bã dứa, sắn, rỉ mật. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chế biến thức ăn cho bò từ các phế phụ phẩm, chế biến cỏ khô, cỏ đóng bánh.
5.2. Thức ăn tinh: Dùng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương (ngô cám, khô dầu …) xây dựng các công thức chế biến để cung cấp thức ăn tinh cho trâu và bò (đặc biệt giai đoạn vắt sữa và vỗ béo) đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chế biến thức ăn hỗn hợp theo từng loại đối tượng.
6. Công tác thú y, chuồng trại và vệ sinh môi trường:
6.1. Công tác thú y:
- Nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về dịch tễ học và vệ sinh phòng bệnh cho trâu bò.
- Chấp hành tốt Pháp lệnh Thú y hiện hành về tiêm phòng, kiểm dịch...để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho sản xuất, xây dựng vùng an toàn dịch.
- Tiêm phòng đầy đủ định kỳ các loại vắcxin phòng dịch cho gia súc, gia cầm, xây dựng vùng an toàn dịch đối với từng loại gia súc, làm tốt công tác kiểm dịch xây dựng các lò mổ tập trung kiểm soát chặt chẽ công tác phòng dịch.
- Đào tạo đội ngũ thú y, nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, xây dựng mạng lưới thú y cơ sở để làm tốt công tác phòng và trị bệnh cho gia súc.
- Xây dựng hệ thống xử lý chất thải bể bioga, phun thuốc tiêu độc, khử mùi hôi, đảm bảo vệ sinh môi trường ở vùng chăn nuôi.
6.2. Về chuồng trại, vệ sinh môi trường:
- Đối với chăn nuôi nông hộ: phải chú ý hướng dẫn xây dựng chuồng trại trâu bò, đảm bảo thuận tiện, hợp vệ sinh, đảm bảo thông thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, có sân chơi bằng cát, diện tích tối thiểu 6m2/con, nền chuồng có độ dốc 3-5% có bể ủ phân để xử lý sinh vật học hoặc bể bioga để xử lý chất thải chống ô nhiễm môi trường.
- Đối với chăn nuôi trang trại, tập trung: tỉnh cần có quy hoạch thành các vùng sản xuất cho các nông hộ thuê đất xây dựng trang trại tập trung chăn nuôi theo từng loại đối tượng bò sữa, bò thịt… Chuồng trại phải xây dựng đúng yêu cầu kỹ thuật, xây dựng phải cách xa khu dân cư, có bể bioga để xử lý chất thải chống ô nhiễm môi trường, có hệ thống sân chơi bằng cát hoặc khu chăn thả, có hệ thống chống nóng...
7. Giải pháp về cơ chế chính sách:
Tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành, đồng thời giao Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá các chính sách hỗ trợ thời gian qua để tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ngoài các chính sách của tỉnh, các địa phương cần ưu tiên giành nguồn ngân sách để có chính sách của địa phương nhằm đầu tư phát triển chăn nuôi trâu bò trên địa bàn.
8. Giải pháp về nguồn nhân lực.
8.1. Củng cố nâng cao nhân lực hoạt động chăn nuôi:
- Kiện toàn hệ thống chăn nuôi thú y từ tỉnh đến cơ sở: Đặc biệt là ở cấp huyện phải có cán bộ chuyên trách chăn nuôi tại các phòng nông nghiệp, ở xã có cán bộ chăn nuôi thú y cấp xã...
- Xây dựng cơ chế phối hợp để sử dụng tổng hợp các nguồn lực cán bộ chăn nuôi thú y của các Trung tâm giống chăn nuôi, Chi cục thú y, Trung tâm khuyến nông và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật chăn nuôi. Gửi đào tạo chuyên sâu để xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách (nhất là về bò sữa) đủ tầm, đủ năng lực chuyên môn giải quyết các vấn đề ách tắc trong sản xuất chăn nuôi hàng hóa..
8.2. Về khoa học công nghệ và khuyến nông chăn nuôi:
- Cập nhật các tiến bộ KHKT, công nghệ sản xuất tiên tiến để hàng năm tổ chức chuyển giao ứng dụng vào sản xuất cho nông dân.
- Tổ chức tập huấn, chuyển giao theo phương pháp khuyến nông 2 chiều, từng chuyên đề cho nông dân để vận dụng vào sản xuất.
- Trình kịp thời các chính sách để kích thích nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT mới để xây dựng được nhanh nhiều mô hình tiên tiến cho từng con, ở từng vùng, huyện...
- Hàng năm tổ chức các đề tài khảo nghiệm, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
8.3. Mỗi huyện chọn 1- 2 xã xây dựng thí điểm mỗi xã ít nhất phải xây dựng 2 - 3 trang trại về chăn nuôi trâu bò hàng hóa có quy mô tối thiểu 20 con /hộ. Trong số 2 - 3 trang trại đó phải có ít nhất một mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản lai Zêbu để nhân, tạo giống bò chuyên thịt, chăn nuôi theo quy trình tiên tiến.
IV. HIỆU QỦA KINH TẾ - XÃ HỘI:
1. Hiệu quả xã hội:
Thực hiện Đề án sẽ đạt được một số hiệu quả xã hội như sau:
- Thay đổi tập quán chăn nuôi từ tự cung tự cấp, manh mún nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, thâm canh tạo sản phẩm trâu, bò hàng hóa.
- Tạo việc làm ổn định, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi nhằm thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước là "đưa chăn nuôi lên ngành chính” nâng tỷ trọng thu nhập từ chăn nuôi so với ngành trồng trọt đạt 50%. Là cơ sở để xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp cân đối, bền vững, hiệu quả. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp.
- Tạo sản phẩm tiêu dùng phục vụ nội tiêu và thông qua chế biến xuất khẩu, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, tạo đà phát triển cho ngành chăn nuôi.
2. Hiệu quả kinh tế:
- Thực hiện Đề án thì số lượng tổng đàn trâu bò năm 2010 tăng so với năm 2005 là: 318.637 con. Hiệu quả kinh tế tăng thêm thu nhập từ chăn nuôi trâu bò là:
318.637 con x 5.000.000đ/con = 1.593, 2 tỷ VND
- Hiệu quả từ cải tạo đàn bò theo hướng Zê bu hóa: Dự kiến đến năm 2010 tỷ lệ đàn bò lai 45% tăng 11% so với 2005, trọng lượng bò lai tăng so với bò nội 50 kg/con, tạo khối lượng thịt hơi sẽ tăng giá trị thu nhập là:
160.000 con x 50kg/con x 22.000đ/kg = 176 tỷ VND
- Do áp dụng các tiến bộ về giống phát triển chăn nuôi bò thịt tăng tỷ lệ thịt xẻ 4-6% sẽ tăng khối lượng thịt do tăng tỷ lệ thịt xẻ là:
160.000con x 250kg x 5% x 65.000đ/kg = 130 tỷ VND
Dự kiến hiệu quả do đề án mang lại là: 1.899 tỷ VND
I. Thời gian - Tiến độ triển khai: Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2006 - 2015 được phân chia thành 2 giai đoạn:
1. Giai đoạn 1: 2006-2010: Mục tiêu cần phải đạt là 1 triệu con trâu bò, trong đó có 10.000 con bò bê sữa:
- Quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu bò, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các địa phương về phát triển tổng đàn, chỉ tiêu cải tạo giống, chuyển đổi diện tích trồng cây thức ăn.
- Bổ sung cơ chế chính sách và xây dựng các chương trình, đề án chăn nuôi 2006-2015 như: Dự án bò sữa, bò thịt ...
- UBND các huyện, thành, thị xây dựng phê duyệt đề án chăn nuôi của địa phương, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho chính quyền các cấp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề án.
- Thành lập ban chỉ đạo triển khai đề án cấp tỉnh, cấp huyện để chỉ đạo triển khai các nội dung đề án theo cơ cấu, nhiệm vụ tại mục II, III phần III) .
- Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1 vào cuối năm 2010.
2. Giai đoạn 2: 2011 - 2015: Chỉ tiêu phải đạt ở 2015 là 1,3 –1, 5 triệu con trâu bò, trong đó có 12.000-15.000 bò bê sữa.
- Đánh giá kết quả thực hiện Đề án 5 năm 2006-2010.
- Bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi 2010-1015, giao chỉ tiêu kế hoạch triển khai cụ thể cho các vùng, địa phương theo từng năm giai đoạn 2011-2015, lập các dự án bổ sung.
- Rà soát lại các chỉ tiêu, lập kế hoạch điều chỉnh về giải pháp, cơ chế chính sách, phương pháp tổ chức thực hiện, để chỉ đạo thực hiện đạt các mục tiêu đề án.
- Sơ kết 2013
- Tổng kết vào cuối năm 2015.
II. NHIỆM VỤ CÁC CẤP CÁC NGÀNH:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì tổ chức xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư để phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa, bò sữa, bò thịt chất lượng cao...giai đoạn 2006-2010.
- Hàng năm phải xây dựng KH triển khai, để tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho từng địa phương, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức triển khai các dự án đầu tư.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Xây dựng kế hoạch, phân khai kế hoạch sản xuất chăn nuôi trâu, bò hàng hóa cho từng huyện. Phân bổ nguồn tài chính phục vụ kế hoạch sản xuất hàng năm theo tiến độ triển khai dự án.
- Chỉ đạo Trung tâm giống chăn nuôi phối hợp các huyện triển khai thực hiện KH sản xuất do tỉnh giao cho từng địa phương, chỉ đạo ngành thú y xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho các vùng sản xuất hàng hóa an toàn.
- Quan hệ với các Viện, Trường tiếp thu các tiến bộ KHKT tiên tiến để áp dụng vào sản xuất cho nông dân.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu để UBND tỉnh giao kế hoạch cho các địa phương triển khai đề án hàng năm.
- Phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành các cấp để hướng dẫn việc lập, thẩm định các Dự án đầu tư đảm bảo chất lượng, nhanh chóng, đúng tiến độ.
- Làm việc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các bộ ngành Trung ương để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa ở Nghệ An, nhất là các dự án đầu tư, nguồn tín dụng ưu đãi...nhằm góp phần thực hiện tốt các dự án, đề án.
3. Sở Tài chính: Trên cơ sở đề án đã được phê duyệt, ưu tiên vốn hàng năm để thực hiện chính sách hỗ trợ trong xây dựng mô hình, hình thành vùng chăn nuôi hàng hóa đúng tiến độ kế hoạch dự án. Hàng năm tổ chức kiểm tra phần vốn ngân sách hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng chính sách, pháp luật nhà nước.
4. Quỹ hỗ trợ và các tổ chức tín dụng: Ưu tiên tạo nguồn vốn dài, trung hạn để cho vay qua các dự án đã được phê duyệt để giúp người nông dân đủ vốn thực thi dự án.
5. Sở Thương mại: Chịu trách nhiệm dự báo thông tin thị trường để định hướng các sản phẩm mà thị trường yêu cầu về sản phẩm chăn nuôi. Qua đó giúp người chăn nuôi có thông tin thị trường để tổ chức sản xuất các sản phẩm phù hợp
6. UBND huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò:
- Các địa phương xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi trâu bò và bò sữa (nếu có) cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình, trên cơ sở đó tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
- Thành lập Ban chỉ đạo chăn nuôi cấp huyện, gồm:
+ Phó chủ tịch UBND huyện: Trưởng ban
+ Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT: Phó ban thường trực.
+ Các ban viên gồm: Trạm Khuyến nông, Trạm giống chăn nuôi, Trạm thú y, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ...
- Căn cứ kế hoạch, chỉ tiêu giao hàng năm của UBND tỉnh để giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã.
- Ngoài chính sách hiện hành của tỉnh, trích một phần ngân sách địa phương để khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò.
- Xây dựng các mô hình trình diễn: Chọn địa phương, trang trại, nông hộ đủ năng lực tài chính, nhiệt tình với nghề chăn nuôi .. để dành ưu tiên đầu tư xây dựng các mô hình, làm học cụ ứng dụng chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT cho từng vùng, địa phương. Các mô hình này được xây dựng tại các huyện, trong vùng quy hoạch và trung tâm vùng quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong vùng tham quan, học tập
- Hàng năm tiến hành sơ, tổng kết chương trình chăn nuôi và các mô hình trình diễn để chỉ đạo mở rộng ra sản xuất đại trà./.
- 1Nghị quyết 362/2011/NQ-HĐND sửa đổi chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn giai đoạn 2009 - 2015 kèm theo Nghị quyết 258/2008/NQ-HĐND do tỉnh Sơn La ban hành
- 2Quyết định 4294/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đề án Phát triển chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa tỉnh Nghệ An đến năm 2015
- 3Quyết định 15/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2014
- 1Thông tư liên tịch 04/2004/TTLT-BTC-BNN&PTNT hướng dẫn chế độ hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống gốc do Bộ Tài Chính và Bộ Nông nghiệp ban hành
- 2Quyết định 167/2001/QĐ-TTg về biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam thời kỳ 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Pháp lệnh Thú y năm 2004
- 5Quyết định 07/2006/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thuỷ sản do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 6Nghị quyết 362/2011/NQ-HĐND sửa đổi chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn giai đoạn 2009 - 2015 kèm theo Nghị quyết 258/2008/NQ-HĐND do tỉnh Sơn La ban hành
- 7Quyết định 4294/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đề án Phát triển chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa tỉnh Nghệ An đến năm 2015
- 8Quyết định 15/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2014
Quyết định 62/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án: "Phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2006 - 2015" do tỉnh Nghệ An ban hành
- Số hiệu: 62/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/05/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Nguyễn Đình Chi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/05/2007
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định