Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 6139/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THƯƠNG NHÂN KINH DOANH XUẤT KHẨU GẠO

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1101/TTg-KTTH ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thương nhân, kinh doanh xuất khẩu gạo với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

1. Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được xây dựng trên nguyên tắc xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và là lĩnh vực ngành nghề có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực quốc gia, lợi ích của người tiêu dùng gạo trong nước và người nông dân sản xuất lúa.

2. Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo góp phần đảm bảo sự ổn định, bền vững cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, gắn hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo với phát triển sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và thu mua, tạm trữ, chế biến, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và hiệu quả xuất khẩu.

3. Nhà nước kiểm soát, định hướng phát triển đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên phạm vi cả nước. Định hướng phát triển đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với địa bàn hoạt động tập trung chủ yếu tại các địa phương có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu lúa gạo hàng hóa với số lượng, quy mô và năng lực kinh doanh của thương nhân phù hợp, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong thương mại gạo quốc tế, phù hợp với thực tiễn tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trong nước từng thời kỳ.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tiêu chung

a) Xây dựng và tạo động lực thúc đẩy phát triển đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo chiều sâu với số lượng, quy mô và năng lực kinh doanh đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong thương mại gạo quốc tế hiện nay.

b) Góp phần định hướng hoạt động đầu tư, tránh đầu tư tràn lan, gây lãng phí, bảo đảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

c) Cụ thể hóa các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, gồm tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo và địa bàn xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; định hướng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, liên kết, đặt hàng tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với hộ nông dân trồng lúa theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

d) Thiết lập công cụ quản lý Nhà nước để góp phần thực hiện tốt mục nêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo; đảm bảo tính thông suốt của thị trường lúa gạo trong nước, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa và sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam trong tình hình mới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Từ nay đến năm 2015: Kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đảm bảo tối đa 150 đầu mối; gắn địa bàn hoạt động của thương nhân với các vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn; từng bước củng cố, phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo chiều sâu và hiệu quả xuất khẩu.

b) Từ sau năm 2015: Điều chỉnh số lượng đầu mối và địa bàn hoạt động phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo và diễn biến tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Đối tượng quy hoạch

Các thương nhân tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo hội đủ các tiêu chí điều kiện của Quy hoạch này.

2. Tiêu chí quy hoạch

2.1. Tiêu chí để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Giấy chứng nhận)

Thương nhân chỉ được xem xét, cấp Giấy chứng nhận khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây:

a) Tiêu chí 1: Đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Tiêu chí 2: Có kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Tây Ninh.

c) Tiêu chí 3: Ưu tiên thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa.

Để được ưu tiên, thương nhân phải được Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận bằng văn bản về việc có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.

2.2. Tiêu chí, điều kiện để được duy trì Giấy chứng nhận

Ngoài việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh đã được quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, thương nhân được cấp Giấy chứng nhận phải bảo đảm duy trì đáp ứng các tiêu chí, điều kiện sau đây:

a) Tiêu chí, điều kiện về thành tích xuất khẩu

Thương nhân được cấp Giấy chứng nhận phải đạt thành tích xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn gạo/năm, kỳ hạn xét thành tích xuất khẩu để thu hồi Giấy chứng nhận là 2 năm liên tiếp xuất khẩu không đạt 10.000 tấn/năm. Kỳ hạn xét thành tích được tính từ ngày thương nhân được cấp Giấy chứng nhận.

Trong kỳ hạn xét thành tích, thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc trong 2 năm liên tiếp không đạt tổng thành tích xuất khẩu tối thiểu 20.000 tấn gạo sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận.

Hàng năm, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành xét thành tích xuất khẩu trên cơ sở số liệu thống kê của cơ quan Hải quan về lượng gạo xuất khẩu của từng thương nhân.

Thương nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận do không bảo đảm tiêu chí, điều kiện về thành tích xuất khẩu chỉ được nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận sau thời hạn 1 năm, kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận có hiệu lực.

b) Tiêu chí, điều kiện về vùng nguyên liệu, hợp tác, liên kết, đặt hàng với người sản xuất lúa

Sau khi có quy định về lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa do cơ quan có thẩm quyền ban hành, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải bảo đảm đáp ứng tiêu chí, điều kiện về vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa theo quy định về lộ trình này.

Thương nhân không duy trì tiêu chí, điều kiện này sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận và chỉ được nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận sau thời hạn 1 năm, kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận có hiệu lực.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước

1.1. Tiếp tục theo dõi, đánh giá, hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.

Các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định cần thiết để điều chỉnh hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo đáp ứng yêu cầu quản lý từng thời kỳ, nhất là các quy định về địa bàn hoạt động của thương nhân, về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.

1.2. Tăng cường công tác quản lý, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quy hoạch này và các quy hoạch khác có liên quan trên thực tế.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quy hoạch địa bàn hoạt động của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần quán triệt nội dung, định hướng quy hoạch, chỉ đạo và quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo, không để xảy ra tình trạng lãng phí đầu tư cho xã hội và gia tăng thêm số lượng đầu mối, cụ thể là:

a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng đội ngũ thương nhân có kho chứa, cơ sở xay, xát để đáp ứng điều kiện kinh doanh hoạt động trên địa bàn phù hợp với hiện trạng đội ngũ thương nhân đã được thể hiện trong Quy hoạch; điều tiết trong phạm vi số lượng này.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện định hướng quy hoạch như sau:

(i) Áp dụng các biện pháp cần thiết để không tiếp tục đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát với mục đích xin cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn;

(ii) Bảo đảm số lượng tối đa đầu mối xuất khẩu gạo như hiện trạng đã đầu tư, không tăng thêm đầu mối mới.

1.3. Các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin về các quy định, chủ trương của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là chủ trương hạn chế, quản lý số lượng đầu mối xuất khẩu, quy hoạch địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát để đáp ứng điều kiện kinh doanh, gắn hoạt động kinh doanh xuất khẩu với sản xuất, chế biến lúa gạo để các cơ quan liên quan, các thương nhân kinh doanh lúa gạo, lương thực biết và có định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh phù hợp, tránh lãng phí cho đầu tư xã hội và ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân.

1.4. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan tăng cường công tác rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc duy trì các điều kiện kinh doanh, các tiêu chí, điều kiện để được cấp và duy trì Giấy chứng nhận và việc chấp hành các chủ trương, biện pháp điều hành xuất khẩu gạo của cơ quan có thẩm quyền.

2. Đối với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo

2.1. Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên; điều phối, giám sát hoạt động kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; kịp thời phát hiện và báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo; phát huy vai trò tập hợp, hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng cho thương nhân trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.

2.2. Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo xây dựng chiến lược phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện trách nhiệm chung trong việc góp phần xây dựng, phát triển ngành lúa gạo Việt Nam, góp phần ổn định thị trường trong nước, tăng cường liên kết với người sản xuất và với các thương nhân khác; tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện chủ trương thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa; tích cực đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực, uy tín, khả năng cạnh tranh trên thương trường; chú trọng xây dựng, bảo vệ thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công Thương

a) Thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và Quy hoạch này.

- Sau khi Quy hoạch này được phê duyệt, Bộ Công Thương xem xét, cấp Giấy chứng nhận cho thương nhân có hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và Quy hoạch này.

- Bộ Công Thương sẽ tạm dừng việc xem xét hồ sơ đề nghị của thương nhân khi đã có đủ số lượng thương nhân được cấp Giấy chứng nhận theo Quy hoạch này. Khi có thương nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận, Bộ Công Thương sẽ xem xét, cấp Giấy chứng nhận cho thương nhân có hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và Quy hoạch này.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện chủ trương thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa, ban hành trong quý lI năm 2014.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin về các quy định, chủ trương, định hướng của Nhà nước: trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo.

đ) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch này và các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh, các tiêu chí, điều kiện quy hoạch và thực hiện các nghĩa vụ của thương nhân theo quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đối với thương nhân vi phạm theo quy định.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá toàn diện hiện trạng và khả năng phát triển các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa xuất khẩu của cả nước theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh, công nghiệp hóa hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất thu hoạch, bảo quản và chế biến lúa gạo để nâng cao chất lượng lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả xuất khẩu gạo từ khâu sản xuất.

b) Xây dựng, ban hành quy hoạch kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo phục vụ xuất khẩu tại 13 tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh trong quý IV năm 2013; rà soát hiện trạng năng lực kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để có chính sách phù hợp đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo trong nhũng năm tới, không để việc đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát tràn lan gây lãng phí; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2013.

c) Xây dựng lộ trình cụ thể nâng cao dần các yêu cầu kỹ thuật, dây chuyền máy móc, thiết bị, công nghệ bảo quản, chế biến đối với kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo phục vụ xuất khẩu nhằm từng bước nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, tính cạnh tranh, thương hiệu của gạo Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2014.

d) Hướng dẫn, kiểm tra thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan trong việc tạm trữ, bảo quản, chế biến lúa gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

3. Bộ Tài chính

a) Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính phù hợp để hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân theo quy định của pháp luật.

b) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan thực hiện theo dõi, định kỳ hàng tháng cập nhật thông tin, số liệu về xuất khẩu gạo (số lượng, chủng loại, giá xuất khẩu, kim ngạch, thị trường...) của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo gửi về Bộ Công Thương để có cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của thương nhân và triển khai các biện pháp cần thiết thực thi Quy hoạch này.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan trong Quy hoạch

a) Đánh giá, rà soát việc thực hiện và tăng cường quản lý quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, quy hoạch sử dụng đất phục vụ xây dựng hệ thống kho chứa, cơ sở say xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại địa phương theo quy định của pháp luật và Quy hoạch này.

b) Đánh giá, rà soát hiện trạng năng lực sản xuất lúa, gạo xuất khẩu tại địa phương; dự báo sản lượng, khả năng duy trì, mở rộng sản xuất lúa, gạo xuất khẩu trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, chủ trương của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo, nhất là chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quản lý số lượng đầu mối xuất khẩu gạo, xây dựng cánh đồng lớn, gắn kết sản xuất với tiêu thụ lúa gạo hàng hóa để các thương nhân kinh doanh lúa gạo biết và có định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh phù hợp.

d) Chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh, các tiêu chí, điều kiện để được cấp và duy trì Giấy chứng nhận; việc thực hiện quy định về lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trong lúa do cơ quan có thẩm quyền ban hành; thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định.

đ) Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ thóc gạo trên địa bàn theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật của thưong nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn.

5. Hiệp hội Lương thực Việt Nam

a) Thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm được giao theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định, các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền và Quy hoạch này.

b) Chủ động đề xuất, thực hiện các biện pháp phù hợp để phát huy vai trò tự quản của Hiệp hội đối với các hội viên và vai trò điều phối, giám sát hoạt động kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; kịp thời phát hiện và báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo; phát huy vai trò đầu mối tập hợp, hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng cho thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.

6. Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo

a) Thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định, các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền và Quy hoạch này.

b) Chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển thị trường, tích cực thực hiện chủ trương và lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác, đặt hàng, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả xuất khẩu, góp phần ổn định tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người sản xuất theo chủ trương chung của Chính phủ.

c) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 tháng 6 hàng năm) và 1 năm (trước ngày 15 tháng 12 hàng năm) về Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam về thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong kỳ báo cáo (số lượng, kim ngạch xuất khẩu theo từng chủng loại gạo); chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các thông tin, số liệu báo cáo.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Bộ, ngành: TP, TC, KH&ĐT, NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam;
- Bộ Công Thương: Lãnh đạo Bộ; VP Bộ, các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ;
- Lưu: VT, XNK (10b).

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 6139/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch thương nhân, kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 6139/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/08/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản