Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2024/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 14 tháng 11 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 14 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ Quy định về công tác gia đình;
Căn cứ Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số Điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;
Căn cứ Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 187/TTr-SVHTTDL ngày 04 tháng 10 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 11 năm 2024 và thay thế Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Kèm theo Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm chủ động, hiệu quả trong các hoạt động phối hợp liên ngành.
3. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phối hợp liên ngành.
Điều 3. Nội dung phối hợp
1. Phối hợp trong phòng ngừa bạo lực gia đình:
a) Thông tin truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình;
b) Tư vấn, hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình;
c) Phát triển các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình:
a) Phát hiện, báo tin vụ việc bạo lực gia đình;
b) Ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình; tiếp nhận, bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình;
c) Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp người bị xử phạt vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.
3. Phối hợp thực hiện thống kê, báo cáo số liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Phối hợp thanh tra, kiểm tra về phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 4. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định phân cấp quản lý ngân sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của cơ quan, đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; các chương trình, kế hoạch trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo đề nghị của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị; duy trì mối liên hệ thường xuyên trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quy chế này.
3. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn các huyện, thành phố.
4. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn xây dựng, nhân rộng mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố thu thập, thống kê, tổng hợp, báo cáo về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn.
5. Chủ trì thanh tra, kiểm tra liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương; phối hợp với các ngành, các cấp triển khai có hiệu quả việc thu thập, thống kê các chỉ số về phòng, chống bạo lực gia đình và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động theo quy định.
Điều 6. Sở Tư pháp
1. Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; hướng dẫn các giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải mâu thuẫn gia đình; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên cơ sở.
2. Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý phối hợp thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình; thực hiện báo cáo thống kê trường hợp bị bạo lực được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
3. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành để tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 7. Sở Y tế
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện quy định về chăm sóc, điều trị đối với người bệnh là người bị bạo lực gia đình; thực hiện tư vấn, chăm sóc, điều trị đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình; thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp là người bị bạo lực gia đình.
Điều 8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, giảm nghèo và phòng, chống tệ nạn xã hội.
2. Hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện việc tiếp nhận, trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định; thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp người bị bạo lực gia đình được tiếp nhận và trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội.
Điều 9. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện lồng ghép tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình vào các môn học có liên quan và các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể cho học sinh, học viên, sinh viên; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đào tạo phát hiện, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; báo cáo kết quả thực hiện về công tác phòng, chống bạo lực gia đình thuộc trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 10. Sở Thông tin và Truyền thông
1. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện và ngăn chặn các thông tin, hình ảnh, dữ liệu trên không gian mạng, trên báo chí trong các trò chơi điện tử và các ấn phẩm xuất bản nhằm kích động bạo lực gia đình.
Điều 11. Sở Tài chính
Phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên để triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp khả năng ngân sách theo quy định hiện hành.
Điều 12. Công an tỉnh
1. Chỉ đạo, hướng dẫn Công an các huyện, thành phố thực hiện việc giáo dục chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình cho người gây bạo lực gia đình trong quá trình xử lý vụ việc bạo lực gia đình; thực hiện lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân bạo lực gia đình; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 13. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh
1. Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ Kiểm sát viên và Thẩm phán để thực hiện việc giáo dục chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình cho người gây bạo lực gia đình trong quá trình truy tố, xét xử.
3. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên
1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên thành viên, hội viên, quần chúng Nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện tuyên truyền, giáo dục kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình trong cơ quan, tổ chức mình và Nhân dân.
2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành triển khai các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
3. Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 15. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
1. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên và Nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, hỗ trợ và bảo vệ người bị bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Thực hiện tư vấn, tham gia hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở; tổ chức thực hiện kết nối, giới thiệu dịch vụ tư vấn, tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế tạo việc làm hoặc hỗ trợ khác cho người bị bạo lực gia đình.
3. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 16. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Cao Bằng
Tăng cường thời lượng phát sóng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên phương tiện truyền thông đại chúng; nêu gương những mô hình, câu lạc bộ, tập thể, cá nhân, gia đình văn hóa, dòng họ thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phản ánh, lên án những vụ việc bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Điều 17. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; bố trí kinh phí, nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Chỉ đạo các phòng, ban và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương thông qua Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp.
3. Thực hiện thu thập số liệu và báo cáo kết quả thực hiện về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.
4. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa bàn trọng điểm; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Chế độ thông tin báo cáo
1. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố định kỳ báo cáo kết quả qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 05/6 (đối với báo cáo 6 tháng đầu năm) và trước ngày 05/12 hằng năm (đối với báo cáo năm).
2. Thực hiện chế độ báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 19. Điều khoản thi hành
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Quyết định 61/2024/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- Số hiệu: 61/2024/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/11/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
- Người ký: Trịnh Trường Huy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra