Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/2016/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 20 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THƯ VIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa IX, kỳ họp thứ 3 về việc quy định mức thu, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí thu được trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Văn bản số 3081/STC-QLNS ngày 19 tháng 12 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Mức thu phí

Được áp dụng cho các đối tượng sau:

Nội dung

Mức thu

1. Phí thẻ mượn, thẻ đọc tài liệu

 

a) Người lớn

25.000 đồng/thẻ/ năm

b) Sinh viên, học sinh cấp 3

20.000 đồng/thẻ/năm

c) Thiếu nhi, học sinh cấp 1 và cấp 2

4.000 đồng/thẻ/năm

2. Phí sử dụng phòng đọc đa phương tiện, phòng đọc tài liệu quý hiếm và các phòng đọc đặc biệt khác (nếu có)

 

a) Người lớn

50.000 đồng/thẻ/năm

b) Sinh viên, học sinh cấp 3

30.000 đồng/thẻ/năm

Điều 2. Đối tượng chịu phí

Các đối tượng đến thư viện đọc mượn sách và có thể đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, tham khảo sách cho nhiều đối tượng khác nhau, được phân ra 03 loại đối tượng sau:

1. Người lớn: gồm cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội khi đến thư viện làm thẻ phải xuất trình thẻ công chức hoặc giấy giới thiệu của cơ quan; các đối tượng khác từ 18 tuổi trở lên, căn cứ vào chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân).

2. Sinh viên, học sinh cấp 3: gồm các sinh viên đang học tập theo hệ đào tạo chính quy của các trường đại học, trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; học sinh các trường trung học phổ thông, trung học bổ túc trong tỉnh, đối tượng khác từ 16 đến dưới 18 tuổi.

3. Thiếu nhi: gồm học sinh tiểu học và học trung học cơ sở theo thẻ học sinh; các đối tượng khác từ 07 đến dưới 16 tuổi.

Điều 3. Đối tượng miễn, giảm thu phí

1. Miễn thu phí thư viện đối với trường hợp sau

a) Miễn thu đối với những người làm cộng tác viên của thư viện;

b) Miễn phí thư viện đối với người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật (gọi tắt là Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012).

2. Giảm 50% mức phí thư viện đối với trường hợp sau

a) Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định tại Điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi thụ hưởng văn hóa. Trường hợp khó xác định là đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định trên thì chỉ cần có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đối tượng cư trú;

b) Người khuyết tật nặng theo quy định tại Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012;

c) Người khuyết tật nhẹ theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012;

Đối với người thuộc diện hưởng nhiều trường hợp ưu đãi quy định tại khoản 2, Điều này thì chỉ được giảm 50% mức phí thư viện.

Điều 4. Quản lý và sử dụng phí

Phí thư viện là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu là Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh, thư viện huyện, thành phố (sau đây gọi chung là cơ quan thu) phải thực hiện.

a) Tổ chức thu, nộp phí thư viện theo đúng quy định tại quyết định này. Thông báo (hoặc niêm yết công khai) mức thu phí tại trụ sở cơ quan thu phí. Khi thu phí phải cấp biên lai thu phí cho người nộp tiền;

b) Mở sổ kế toán theo dõi số thu, nộp tiền phí theo đúng chế độ kế toán thống kê hiện hành;

c) Thực hiện thanh toán, quyết toán biên lai thu phí và quyết toán thu, nộp tiền phí với cơ quan thuế trực tiếp quản lý theo chế độ quản lý biên lai, ấn chỉ của Bộ Tài chính.

2. Tỷ lệ phần trăm (%) để lại đơn vị thu phí thư viện

a) Cơ quan thu phí thư viện được trích để lại 70% tổng số phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để chi các nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;

b) Hàng năm, cơ quan thu phí phải lập dự toán và quyết toán thu, chi tiền thu phí gửi cơ quan quản lý ngành, cơ quan tài chính, cơ quan thuế cùng cấp. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

3. Tổng số tiền phí thu được sau khi trừ số được trích để lại theo tỷ lệ quy định tại khoản 2, Điều này số còn lại 30% cơ quan thu phí phải nộp vào ngân sách nước theo quy định.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đề cập tại Quyết định này được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn in, phát hành, quản lý và sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, thay thế Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 08/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí thư viện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Cục trưởng Cục thuế; Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - BTP;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Như Điều 6;
- LĐVP, CVK;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, VP.UBND tỉnh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Văn Thắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 61/2016/QĐ-UBND quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thư viện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

  • Số hiệu: 61/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Dương Văn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản