Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/2007/QĐ-UBND

Thành phố Cao Lãnh, ngày 21 tháng12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ SAU KHI VIỆT NAM GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO) GIAI ĐOẠN 2007 - 2012

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2007NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới;

Căn cứ Chương trình hành động số 111-Ctr/TU ngày 08 tháng 6 năm 2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân Tỉnh thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giai đoạn 2007 – 2012.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Tổ trưởng Tổ Công tác Hội nhập kinh tế quốc tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ SAU KHI VIỆT NAM GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO) GIAI ĐOẠN 2007 - 2012
(Ban hành kèm theo Quyết định số 61/2007/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

I. Mục tiêu.

1. Mục tiêu chung.

Chương trình hành động này cụ thể hóa Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Chương trình hành động số 111-CTr/TU ngày 08 tháng 6 năm 2007của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; xác định một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tận dụng được thời cơ và các điều kiện thuận lợi của Tỉnh, hạn chế tối đa những thách thức tác động tiêu cực sau khi gia nhập WTO; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất; phát huy và khai thác tốt mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 14,5%/năm giai đoạn 2006-2010.

2. Mục tiêu cụ thể.

2.1 Nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước: tổ chức sắp xếp lại các cơ quan quản lý hành chánh nhà nước theo quy định của Trung ương, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000 tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo từng ngành, lĩnh vực để bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách không còn phù hợp hoặc trái với những cam kết gia nhập WTO; rút gọn thời gian và tập trung đầu mối trong thực hiện các thủ tục hành chánh; thực hiện công khai thủ tục, công bằng, liêm chính trong quan hệ giao dịch giữa cơ quan hành chính với doanh nghiệp và người dân.

2.2 Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực: đến năm 2010 đảm bảo tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo chiếm 40% trên tổng số lao động, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề là 26,6%; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

2.3 Khai thác tốt mọi tiềm năng, nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện nước, bưu chính viễn thông, giáo dục, y tế nhằm tạo môi trường thu hút đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân.

2.4 Nâng cao năng lực cạnh tranh về môi trường đầu tư và của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhằm thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn; phát huy lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và chế biến nông thủy sản; khuyến khích phát triển doanh nghiệp về số lượng và mở rộng quy mô hoạt động của từng doanh nghiệp, phát triển các ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề.

2.5 Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nông dân: thực hiện tốt chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất; tăng quy mô sản xuất của hộ nông dân theo hướng trang trại, cung cấp nông sản an toàn, chất lượng đồng đều, sản lượng lớn, ổn định; thực hiện việc giảm các nghĩa vụ đóng góp không chính thức cho nông dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu giảm nghèo ở nông thôn; từng bước chuyển lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

2.6 Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, các đô thị, các làng nghề, khu vực nuôi trồng thủy sản, khu bảo tồn thiên nhiên, các cụm tuyến dân cư.

2.7 Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương gắn với việc xây dựng đời sống văn hóa ở cụm dân cư. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hoàn thiện một bước thiết chế dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

II. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và phổ biến thông tin về WTO.

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết 08-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Nghị quyết 16/2007/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình hành động 111-Ctr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, nhằm đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về những cơ hội, thách thức đối với Tỉnh, những nhiệm vụ cần thực hiện trong quá trình hội nhập quốc tế và nước ta là thành viên Tổ chức thương mại thế giới. Nội dung tuyên truyền luôn bám chặt quan điểm chỉ đạo chung là: giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, hội nhập vì lợi ích đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Thông qua các kênh thông tin, các phương tiện truyền thông và các lớp tập huấn để phổ biến cho các đối tượng có liên quan (cán bộ, viên chức ở các cơ quan nhà nước, chủ thể sản xuất kinh doanh; hội viên các hiệp hội ngành nghề) hiểu biết về các nguyên tắc tổ chức, hoạt dộng của Tổ chức Thương mại Thế giới; các hiệp định đa phương của WTO; các tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế; những cơ hội và thách thức khi nước ta là thành viên WTO; các hiệp định mà nước ta đã cam kết như: Hiệp định nông nghiệp (AoA); Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tể và kiểm dịch động thực vật (SPS); Hiệp định về áp dụng các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT); Hiệp định dệt may (ATC); Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu (TL); Hiệp định về các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại (TRIMS); các biểu cam kết về thương mại hàng hóa (gồm Cam kết về thuế nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan và trợ cấp nông nghiệp).

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước.

- Nhanh chóng sắp xếp tổ chức và ổn định hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước theo chủ trương của Trung ương. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước cấp Tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.

- Xây dựng kế hoạch rà soát để điều chỉnh hoặc bãi bỏ các chính sách hỗ trợ công nghiệp, thương mại dịch vụ trái với các quy định của WTO, trong đó, chú ý giảm tối đa các can thiệp của các cơ quan hành chính vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng lộ trình thực hiện giảm dần trợ cấp theo cam kết giữa Việt Nam và WTO, bỏ các trợ cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản và người nông dân.

- Thực hiện nghiêm các quy định về công khai minh bạch các thủ tục hành chính, trong đó xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có cơ chế kiểm tra cơ quan, cán bộ, công chức thực hiện các quy định về cải cách thủ tục hành chính.

- Xây dựng Kế hoạch chuyển một số dịch vụ công cho các tổ chức, cá nhân ngoài khu vực nhà nước đảm nhận. Khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian xã hội như: tư vấn công trình, thiết kế, giám sát, kế toán, kiểm toán, đánh giá, giới thiệu việc làm, văn phòng tư vấn pháp luật, tư vấn kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật, công chứng tư…

3. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực.

- Triển khai thực hiện các chương trình đào tạo của các Bộ, ngành Trung ương, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; đào tạo lực lượng công nhân lành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Có kế hoạch giải quyết tốt lực lượng lao động dôi dư ở khu vực nông nghiệp.

- Triển khai thực hiện Đề án nâng cao nguồn nhân lực, trong đó, chú ý đào tạo chuyên gia tư vấn, kế toán, kiểm toán, quản trị doanh nghiệp; chuyên gia thông hiểu các quy tắc của WTO, gồm các chuyên gia về thương mại quốc tế, chuyên gia về pháp luật, về đàm phán, về chống bán phá giá…

- Xây dựng Dự án hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề chính quy giải quyết việc làm cho nông dân.

- Xây dựng Chương trình đào tạo tin học, ngoại ngữ phổ cập ngoại ngữ: Anh văn, Hoa văn, Khmer, Hàn ngữ và Nhật ngữ cho cán bộ công chức và doanh nghiệp; mở lớp đào tạo: Toefl, Iels... nâng cao để các học sinh, sinh viên ở Tỉnh có thể tham gia các chương trình đào tạo ở nước ngoài.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề cao và đào tạo nghề cho thanh niên ở nông thôn.

4. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông dẫn đến các khu, cụm công nghiệp; các khu kinh tế cửa khẩu; các trung tâm thương mại - dịch vụ, các chợ đầu mối; các tuyến điểm du lịch, các bến cảng.

- Kết nối kịp thời, đồng bộ các tuyến đường trọng yếu của Tỉnh với các tuyến N1 và đường Hồ Chí Minh; nạo vét các tuyến giao thông thủy theo phân cấp, mở rộng hệ thống cảng Đồng Tháp có khả năng nhận tàu 5000 DWT, phát triển thêm 2 cảng sông: Tân Thành, Hồng Ngự có khả năng nhận tàu 1000 DWT.

- Hoàn chỉnh hệ thống các công trình đầu mối kiểm soát lũ, nhất là hệ thống kênh Tân Thành - Lò Gạch kết hợp với tuyến N1.

5. Nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Xây dựng Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Tỉnh.

- Xây dựng quy hoạch phát triển thị trường trọng điểm cho các hàng hóa chủ lực của Tỉnh; triển khai Đề án phát triển thị trường nội địa.

- Tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nông sản hàng hóa xuất khẩu.

- Tạo điều kiện phát triển mạnh doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các doanh nghiệp hiện có mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngoài Tỉnh mở chi nhánh, văn phòng đại diện; tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch; hình thành một vài doanh nghiệp lớn, đủ mạnh để ứng phó với mọi thách thức trong quá trình cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

- Có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có hợp tác xã, như: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo quản trị kinh doanh, tạo thuận lợi và bình đẳng cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực.

- Xây dựng lộ trình giúp các doanh nghiệp đổi mới quản lý theo những chuẩn mực kinh doanh quốc tế như: đổi mới quy trình, công cụ quản trị doanh nghiệp; chiến lược quản lý nhân sự có trình độ cao; chiến lược ứng phó nhanh với những biến đổi của thị trường.

- Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề, câu lạc bộ doanh nghiệp. Xây dựng quy chế và chính sách quản lý các hiệp hội ngành nghề nhằm tăng cường sự chỉ đạo, quản lý, giám sát các tổ chức này, đảm bảo hiệp hội, câu lạc bộ thật sự là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.

- Xây dựng hệ thống chất lượng hiện đại, bắt buộc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000, ISO 14000, HACCP, SA, GMP,… đối với các doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu các sản phẩm và doanh nghiệp, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Có kế hoạch bảo vệ thương hiệu trong hội nhập, đăng ký bảo vệ thương hiệu trong và ngoài nước, giữ gìn và phát triển thương hiệu một cách bền vững.

- Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

6. Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục ở nông thôn để thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn; xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp với thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo.

- Tăng cường công tác khuyến nông, nâng cao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống kho tàng, các cơ sở bảo quản, phơi sấy, nhằm giảm hao hụt; nâng cao năng lực hệ thống thú y, bảo vệ thực vật và dịch vụ nông nghiệp.

- Xây dựng phương án khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản khi cổ phần hóa ưu tiên bán cho các đối tác là những nông dân cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp.

- Xây dựng Phương án chuyển đổi sản xuất đối với những vùng sản xuất các mặt hàng gặp khó khăn, không có khả năng cạnh tranh với hàng nông sản nước ngoài, nhằm giảm sức ép cạnh tranh trong nông nghiệp.

- Xây dựng Dự án hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nuôi thủy sản sạch trong mùa nước nổi.

7. Phát triển và bảo vệ môi trường.

- Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường ở các khu đô thị, khu - cụm công nghiệp, các làng nghề, khu vực nuôi trồng thủy sản, khu bảo tồn thiên nhiên, cụm - tuyến dân cư

- Xây dựng giải pháp và chính sách thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc thu gom, xử lý rác thải, hệ thống thoát nước ở thành phố Cao lãnh, thị xã Sa Đéc và các thị trấn.

- Tập trung thực hiện các đề tài nghiên cứu; các giải pháp công nghệ để kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường do phát triển công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy sản.

8. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Bằng nhiều hình thức tổ chức bồi dưỡng, giáo dục trong cộng đồng ý thức công dân, ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương, ý thức đời sống cộng đồng văn minh.

- Tiếp tục bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phòng, chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, an ninh trật tự, an ninh văn hóa tư tưởng, ổn định trật tự an toàn xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

- Xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương gắn với việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo an ninh trong hội nhập kinh tế quốc tế và sau khi gia nhập WTO.

- Xây dựng Quy chế phối hợp xử lý các vấn đề xuyên biên giới và phi truyền thống.

III. Tổ chức thực hiện.

1. Căn cứ những nội dung nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động này và những nhiệm vụ do Bộ, ngành cấp trên giao cho, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương mình; báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh chậm nhất cuối tháng 11 năm 2007 đối với chương trình của Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, và chậm nhất trong tháng 12 năm 2007 đối với các Sở, ngành Tỉnh); trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm.

Đối với những nhiệm vụ không phải triển khai theo các đề án, chương trình, cần tổ chức triển khai ngay để đảm bảo thực hiện một cách kịp thời và hiệu quả những nội dung của Chương trình hành động này.

Thủ trưởng các Sở quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề, Câu lạc bộ doanh nghiệp... hướng dẫn xây dựng chương trình hành động của các doanh nghiệp.

2. Phân công thực hiện nhiệm vụ (có Phụ lục kèm theo).

3. Nguồn lực để đảm bảo thực hiện Chương trình này sẽ được tổng hợp sau khi các Sở, ngành, địa phương xây dựng xong chương trình hành động của cơ quan, đơn vị mình.

4. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình hành động này, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Chương trình, các Sở, ban ngành và địa phương chủ động báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định.

5. Tổ công tác Hội nhập Kinh tế quốc tế căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ báo cáo và kiến nghị với Uỷ ban nhân dân Tỉnh về kết quả và biện pháp thực hiện./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 61/2007/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giai đoạn 2007 - 2012

  • Số hiệu: 61/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Trương Ngọc Hân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản