Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 61/2006/QĐ-UBND | Pleiku, ngày 08 tháng 8 năm 2006 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP , ngày 18/4/2005 của Chính phủ, về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;
Căn cứ Nghị quyết số 12/2006/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh, v/v phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. CHỦ TỊCH NHÂN DÂN TỈNH |
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC THỂ THAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI, GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 61/2006/QĐ-UB, ngày 08 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh Gia Lai )
Thực hiện Nghị quyết 05/NQ/2005 ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao; Quyết định số 1336/QĐ-UBTDTT ngày 30/6/2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban thể dục thể thao về việc “ Phê duyệt Đề án phát triển xã hội hoá thể dục thể thao đến năm 2010” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2005-2010,
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xây dựng Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao, giai đoạn 2006-2010 như sau:
THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ CÔNG TÁC THỂ DỤC THỂ THAO CỦA TỈNH GIA LAI THỜI GIAN QUA
Xã hội hoá thể dục thể thao là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo cho con người, cho cộng đồng. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với yêu cầu tất yếu, khách quan của sự phát triển. Trong thời gian qua, hoạt động xã hội hoá công tác thể dục thể thao trên địa bàn toàn tỉnh đã làm được một số kết quả như sau:
I. Đánh giá kết quả triển khai xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao
1. Về nhận thức:
Nhận thức đúng vai trò tham mưu, hướng dẫn quản lý mọi hoạt động của ngành Thể dục thể thao, sau khi có Nghị quyết số 90/1997/NQ-CP và Nghị định 73/1999/NĐ-CP , ngành Thể dục thể thao tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá; nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn thể xã hội về sự cần thiết, ý nghĩa và tác dụng của công tác xã hội hoá đối với phát triển sự nghiệp thể dục thể thao đã được nâng lên một bước. Nhà nước và xã hội đã quan tâm hơn tới công tác thể dục thể thao nói chung và xã hội hoá thể dục thể thao nói riêng. Các chủ trương, giải pháp xã hội hoá thể dục thể thao đã dần đi vào cuộc sống, nhận thức của xã hội về thể dục thể thao ngày càng rõ và sâu hơn. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, của toàn xã hội đối với thể dục thể thao ngày càng được nâng cao. Ngành thể dục thể thao từ tỉnh đến địa phương ngày càng chủ đạo hơn trong việc phối hợp liên ngành tạo sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội theo chủ trương xã hội hoá nhằm thúc đẩy sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh nhà phát triển và phát huy hiệu quả rõ rệt.
2. Về thể dục thể thao quần chúng:
Trong những năm qua, phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển đáng khích lệ, với sự gia tăng số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, các hình thức tập luyện đa dạng phong phú, được người dân tự giác tập luyện hàng ngày như: các bài tập thể dục, chạy cá nhân, đi bộ, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, bóng chuyền, bóng đá mini…
Từ đó, tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt(năm 2000 là 12%, đến năm 2005 đạt 18%); số gia đình luyện tập thể dục thể thao năm 2005 tăng lên 13,5%; số câu lạc bộ thể dục thể thao trên địa bàn toàn tỉnh là 204 (trong đó số Câu lạc bộ công lập là 94, đạt tỷ lệ 46%; ngoài công lập là 110, đạt tỷ lệ 54%) chất lượng sinh hoạt được nâng cao; số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất nội khoá có 278/392 trường chiếm 75% và số trường học thực hiện thể dục thể thao ngoại khoá có 122/392 trường chiếm 34%. Đối với lực lượng vũ trang 100% tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
3. Về thể thao thành tích cao:
Những năm gần đây, thể thao thành tích cao đạt nhiều thành tích đáng kể ở khu vực và cả nước. Hệ thống tổ chức các giải thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao của tỉnh ta ngày càng ổn định và có chất lượng cao, trong đó có sự đóng góp của công tác xã hội hoá. Thông qua nguồn tài trợ, đầu tư đúng tầm về con người, cơ sở vật chất và kinh phí của các tổ chức, cá nhân tạo cơ sở cho công tác tổ chức thi đáu các giải thể thao thành công và các đội tuyển thể thao thi đấu khởi sắc ở các môn võ, điền kinh, nhất là bóng đá, được quần chúng nhân dân quan tâm. Đặc biệt, do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự tiến bộ về trình độ thể thao chúng ta đã đăng cai tổ chức các giải thể thao trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá - thể thao ngày càng cao cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
4. Huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất và vận động tài trợ kinh phí cho các hoạt động thể dục thể thao.
Do nhu cầu tập luyện của người dân ngày càng cao, thời gian qua những công trình thể dục thể thao trong toàn tỉnh được một số cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và tư nhân đã đầu tư xây dựng các nhà tập đơn giản, sân bãi để tập luyện như: sân quần vợt, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, bể bơi…đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức và lực lượng vũ trang.
Bước đầu ở tỉnh đã vận động các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp chi giải thưởng cho các giải thể thao phong trào như: giải việt dã, giải bóng đá thiếu niên - nhi đồng, giải quần vợt, cầu lông…
5. Các cơ sở thể dục thể thao ngày càng được đầu tư phát triển:
Hệ thống thể dục thể thao công lập ở tỉnh ta tiếp tục phát triển và giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ tổ chức tập luyện và thi đấu các giải thể thao trong tỉnh, quốc gia và quốc tế. Toàn tỉnh có 01 sân vận động 1 vạn chỗ ngồi, 01 nhà thi đấu đa năng; cấp thành phố và huyện quản lý: hầu hết đều có sân vận động, có 06 huyện và thị xã có khán đài (An Khê, Mang Yang, Krông Pa, Kong Chro, Chư Sê, Kbang) còn lại không có khán đài, chủ yếu là sân đất; riêng thành phố Pleiku có 02 nhà tập (các huyện, thị xã chưa có) đã phục vụ cho các hoạt động thể dục thể thao ở cơ sở bảo đảm sự cần thiết phát triển phong trào thể dục thể thao ở địa phương.
6. Về hoạt động của các tổ chức xã hội thể dục thể thao và chương trình phối hợp liên tịch với các ngành, đoàn thể:
a. Về hoạt động của các tổ chức xã hội thể thao:
Đến nay, đã có 9 tổ chức xã hội thể dục thể thao gồm: Liên đoàn bóng đá, Liên đoàn bóng chuyền, Liên đoàn quần vợt, Hội võ cổ truyền, Hội Karatedo, Hội Taekwondo, Hội Vovinam - Việt võ đạo, Câu lạc bộ Mô tô và Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai; các tổ chức xã hội này bước đầu đã phát huy được vai trò của mình để tổ chức phát triển hoạt động thể dục thể thao.
Các tổ chức xã hội thể dục thể thao đã phối hợp, hỗ trợ kinh phí tổ chức các giải thể thao, cử huấn luyện viên tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn do Ủy ban thể dục thể thao, các Liên đoàn thể thao Trung ương tổ chức và thành lập các đoàn vận động viên tham gia các giải thi đấu khu vực – quốc gia. Riêng câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, cũng như vận động viên tham gia thi đấu các giải quốc gia và quốc tế đạt hiệu quả cao.
b. Về chương trình ký kết liên tịch với các ngành, đoàn thể để chỉ đạo hoạt động thể dục thể thao:
Thực hiện chương trình liên tịch với các ngành đoàn thể trong những năm qua ngành thể dục thể thao tỉnh đã có sự liên kết phối hợp khá chặt chẽ. Nhiều ban ngành đã có phong trào thể dục thể thao mạnh đã đóng góp vào sự nghiệp thể dục thể thao chung của tỉnh nhà. Nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đã bắt đầu coi sinh hoạt thể thao như một nhu cầu không thể thiếu, đặt ra các tiêu chí cụ thể như tổ chức hoạt động thể dục thể thao thường xuyên vào các ngày lễ lớn, kỷ niệm ngày thành lập ngành, giành đất xây dựng sân bãi nhà tập…coi đó là những chỉ tiêu thi đua cuối năm như: Công an, Hội Nông dân, Liên đoàn lao động, Ngân hàng, Điện lực, Bưu điện…
Ngành thể dục thể thao đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với các ban ngành, đoàn thể: Giáo dục - Đào tạo, Liên đoàn Lao động, Sở Văn hoá thông tin, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, Công an, Bộ đội biên phòng, Cơ quan quân sự tỉnh, Hội người cao tuổi, Ban dân tộc…
II. Một số tồn tại và nguyên nhân:
- Công tác tuyên truyền về xã hội hoá thể dục thể thao chưa sâu rộng, đặc biệt là tuyên truyền về các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong tỉnh, ngoài tỉnh đầu tư, tài trợ để phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.
- Còn thiếu những văn bản hướng dẫn địa phương triển khai cho cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập; chưa có chính sách mở để khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể và tư nhân đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi…phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao.
- Một số cấp uỷ, chính quyền các cấp và ban ngành chưa thật sự quan tâm, chưa tạo điều kiện, kích thích phong trào tập luyện- thi đấu thể thao trong các đối tượng cán bộ công chức và quần chúng nhân dân.
NỘI DUNG PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HOÁ CÔNG TÁC THỂ DỤC THỂ THAO GIAI ĐOẠN 2006-2010
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá trên lĩnh vực thể dục thể thao trong thời gian tới theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về “Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao”, cần tập trung vào một số nội dung sau:
I. Mục tiêu xã hội hoá thể dục thể thao đến năm 2010:
1. Mục tiêu tổng quát:
1.1. Vận động và tổ chức để ngày càng có nhiều người trực tiếp tham gia tập luyện, hoặc đóng góp vào các hoạt động thể dục thể thao nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển thể dục thể thao, góp phần tăng cường sức khoẻ, phát triển nguồn nhân lực, thoả mãn nhu cầu thưởng thức các giá trị thể dục thể thao, làm cho thể dục thể thao thực sự trở thành hoạt động “ của dân, do dân, vì dân”. Phấn đấu xây dựng một “xã hội hưởng ứng và tập luyện thể dục thể thao”.
1.2. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho thể dục thể thao, tập trung ưu tiên cho xây dựng cơ sở vật chất để phát triển hoạt động phong trào quần chúng và nâng cao thành tích các đội tuyển thể thao.
1.3. Từng bước tạo lập và phát triển dịch vụ thể dục thể thao theo hướng thị trường để cạnh tranh phát triển nhằm phục vụ tốt hơn, chất lượng hơn và phong phú hơn.
1.4. Chuyển đổi các cơ sở công lập sang dịch vụ và ra ngoài công lập. Mở rộng quy mô hệ thống sơ sở thể dục thể thao ngoài công lập.
2. Một số chỉ tiêu cơ bản đến năm 2010:
2.1. Đến năm 2010 toàn tỉnh có 22% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và 18% số hộ gia đình thể thao.
2.1. 80% số trường, số học sinh tập thể dục thể thao nội khoá, số còn lại được tổ chức học ngoại khoá.
2.3. Chuyển một số cơ sở và các câu lạc bộ thể dục thể thao công lập có điều kiện sang loại hình ngoài công lập. Các cơ sở, câu lạc bộ thể dục thể thao ngoài công lập chiếm khoảng 60-70% tổng số cơ sở thể dục thể thao trong toàn tỉnh (theo cơ chế có thu).
2.4. Chuyển Trung tâm huấn luyện và đào tạo thể dục thể thao tỉnh thành đơn vị hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ, thành lập Trung tâm dịch vụ thi đấu thể dục thể thao, là đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính.
2.5. Xây dựng các Hội, Liên đoàn và Câu lạc bộ cấp tỉnh khoảng 70% số môn thể thao hiện có của tỉnh.
II. Các giải pháp chính để phát triển xã hội hoá thể dục thể thao:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hoá thể dục thể thao.
Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao phối hợp với các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến khích xã hội hoá, nâng cao nhận thức của toàn xã hội; phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm của mọi người dân trong việc tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về xã hội hoá trong lĩnh vực hoạt động và từng đối tượng tham gia hoạt động thể dục thể thao.
2. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thể dục thể thao.
3. Tăng cường và đổi mới công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao
3.1. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi giải quyết công việc của từng cấp. Rà soát, tách các đơn vị sự nghiệp ra khỏi quản lý nhà nước và phân loại cơ sở thể dục thể thao công lập có khả năng làm dịch vụ để có kế hoạch, tiến độ thực hiện việc chuyển đổi cơ chế quản lý hành chính thành đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về việc “ Qui định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập” hoặc cổ phần hoá, chuyển sang mô hình ngoài công lập.
3.2. Thí điểm thực hiện, tiến tới áp dụng cơ chế phối hợp đồng trách nhiệm, giao kế hoạch và khoán kinh phí hàng năm cho các tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ phát triển từng môn thể thao.
Tạo điều kiện hỗ trợ về chuyên môn và các điều kiện khác để các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - kinh tế - xã hội tổ chức thi đấu các giải thể thao quần chúng; động viên phong trào tập luyện, đa dạng hoá các hình thức thi đấu cho nhiều đối tượng, lứa tuổi, môn thi, qui mô…
3.3. Qui định chặt chẽ, rõ ràng và đơn giản các thủ tục nhằm nhanh chóng, thuận tiện trong việc cấp phép, đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dịch vụ thể dục thể thao.
3.4. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý của ngành, xây dựng tác phong năng động, gần dân, bám cơ sở trong đội ngũ cán bộ - công chức quản lý thể dục thể thao các cấp.
3.5. Tăng cường thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật tại các cơ sở thể dục thể thao (công lập và ngoài công lập); xử lý kịp thời đối với các cơ sở vi phạm và có hình thức khen thưởng đối với các cơ sở thực hiện tốt.
3.6. Công khai qui hoạch, kế hoạch hoạt động, công khai tài chính, ngân sách để dân biết, dân tham gia và dân giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao.
4. Đổi mới các chính sách đầu tư của nhà nước trong lĩnh vực thể dục thể thao
4.1. Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho lĩnh vực thể dục thể thao trọng điểm và thực hiện các chính sách xã hội; đảm bảo công bằng trong thụ hưởng dịch vụ thể dục thể thao giữa các đối tượng, địa bàn dân cư.
4.2 Từng bước thực hiện chính sách đấu thầu cung cấp hàng hoá dịch vụ thể dục thể thao do các cơ quan nhà nước đặt hàng.
5. Tập trung phát triển thị thường thể dục thể thao
5.1 Khuyến khích tạo điều kiện để phát triển, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ thể dục thể thao; khuyến khích mạng lưới các doanh nghiệp sản xuất dụng cụ, trang thiết bị thể dục thể thao (công lập và ngoài công lập) trên cơ sở tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hoá thể dục thể thao; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết khai thác các công trình thể dục thể thao.
5.2. Đẩy mạnh các hoạt động tài trợ, quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao; khuyến khích, tạo điều kiện nhanh chóng phát triển thị trường dịch vụ thể dục thể thao hoạt động theo quy định của pháp luật.
5.3. Tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách đầu tư đối với các đơn vị thể dục thể thao ngoài công lập (theo Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 và Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ) được hưởng các ưu đãi mà Nhà nước đã ban hành.
- Tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ, gắn với các nội dung cơ bản của Đề án phát triển xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao giai đoạn 2006-2010 của tỉnh.
- Các đơn vị thuộc ngành thể dục thể thao, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các ban ngành, đoàn thể liên quan, trên cơ sở Đề án của tỉnh, cụ thể hoá thành kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế nhiệm vụ của đơn vị mình và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
- Sở Thể dục thể thao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách, cơ chế và giải pháp cụ thể để thực hiện Đề án này.
- Ngành thể dục thể thao, các cơ quan chức năng tổ chức công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện đề án; tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ hàng năm báo cáo các cấp theo quy định./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 2Quyết định 1336/2005/QĐ-UBTDTT phê duyệt Đề án Phát triển xã hội hoá thể dục thể thao đến năm 2010 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Thể Dục Thể Thao ban hành
- 3Nghị định 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao
- 4Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 5Quyết định 234/2007/QĐ-UBND về Kế hoạch đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2010
Quyết định 61/2006/QĐ-UBND Ban hành Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2006-2010 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia lai ban hành
- Số hiệu: 61/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/08/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
- Người ký: Phạm Thế Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra