Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/2005/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 27 tháng 9 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V ĐỔI TÊN CHI CỤC DI DÂN VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH CHI CỤC HỢP TÁC XÃ VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC HỢP TÁC XÃ VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Công văn số 1396 CV/BNN-TCCB ngày 10 tháng 6 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đổi tên Chi cục Di dân và Phát triển nông thôn thành Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn có tư cách pháp nhân, được phép sử dụng con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

Điều 2.

1. Vị trí, chức năng:

Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn có chức năng giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực hợp tác xã và các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp: kinh tế hợp tác, kinh tế hợp tác xã, kinh tế hộ và kinh tế trang trại; quy hoạch và điều chỉnh dân cư, bố trí lại dân cư trong nông nghiệp và nông thôn; thống nhất quản lý về đổi mới và phát triển nông, lâm trường; tổng hợp chính sách phát triển nông thôn (chính sách kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, phát triển kinh tế thị trường và tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch, phát triển ngành nghề nông thôn, đổi mới sắp xếp nông, lâm trường); chương trình phát triển nông thôn trên địa bàn thành phố.

Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn chịu sự quản lý toàn diện và trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch 05 năm và hàng năm về các dự án phát triển các vùng kinh tế nông nghiệp, các mô hình phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án được phê duyệt;

b) Chủ trì phối hợp hoặc tham gia với các ngành có liên quan tổ chức triển khai tuyên truyền vận động thực hiện cơ chế quản lý và các chính sách thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, nhà ở nông thôn, chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống tại địa phương, các tổ chức kinh tế ở nông thôn, nhằm tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo; quản lý tài nguyên nông nghiệp, thủy sản, nguồn nước, bảo vệ và cải thiện môi trường sống;

c) Đề xuất những vấn đề thuộc cơ chế chính sách có liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, quản lý và khai thác tài nguyên đất nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản chưa hợp lý trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp;

d) Phổ biến, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng kết việc thực hiện các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp của các dự án và mô hình phát triển nông thôn;

đ) Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các mô hình phát triển nông thôn như: kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, mô hình phát triển nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa;

e) Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong ngành hướng dẫn công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm đối với các chương trình, dự án hoặc các mô hình kinh tế tập thể;

g) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp, các tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông, cán bộ cấp xã, phường, thị trấn về cơ chế quản lý nông nghiệp;

h) Tham gia đề xuất chính sách xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm cho các xã, phường nghèo thuộc các quận, huyện trên địa bàn thành phố;

i) Phối hợp xây dựng các mô hình về chế biến bảo quản nông, thủy sản, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các mô hình đó;

k) Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế, tài chính, công sản, thực hiện chính sách cán bộ và quản lý các nguồn lực khác theo quy định của nhà nước;

l) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo hướng dẫn tại Công văn số 1396 CV/BNN-TCCB ngày 10 tháng 6 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn để thực hiện Thông tư Liên bộ số 11/2004/TTLT-BNN-BNV và theo sự phân công của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 3. Tổ chức bộ máy và biên chế:

1. Tổ chức bộ máy:

a) Lãnh đạo: Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn có Chi cục trưởng và 01 (một) Chi cục phó.

Chi cục trưởng là người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về toàn bộ các hoạt động của Chi cục. Chi cục phó là người giúp Chi cục trưởng phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Chi cục trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và pháp luật về các nhiệm vụ được phân công;

b) Các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ giúp việc: thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Biên chế: thuộc khối biên chế quản lý nhà nước được Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm.

Điều 4. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện công tác bố trí, sắp xếp tổ chức nhân sự của Chi cục đúng tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi cục phù hợp với các quy định hiện hành.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 43/2004/QĐ-UB ngày 09 tháng 01 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Chi cục Di dân và Phát triển nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp; Bộ NN và PTNT;
- TT.Thành ủy, TT.HĐND TP;
- TV. UBND TP;
- Đoàn ĐBQH Cần Thơ;
- UBMTTQ và các đoàn thể cấp TP;
- Cơ quan TW trên địa bàn;
- VP Thành ủy và các Ban Đảng;
- Sở, Ban ngành TP;
- TT. HĐND và UBND quận, huyện;
- Cơ quan Báo, Đài trên địa bàn;
- VP.UBND TP (2A,B,D , 4, 6, 7, 8, TTTH);
- Lưu: TTLT. X80.

TM. UBND THÀNH PHỐ CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 61/2005/QĐ-UBND về đổi tên Chi cục Di dân và Phát triển nông thôn thành Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 61/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/09/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Võ Thanh Tòng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/10/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 13/11/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản