Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 61/2003/QĐ-UBBT

Phan Thiết, ngày 11 tháng 9 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÁ, TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA PHỤC VỤ MIỀN NÚI, HẢI ĐẢO VÀ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc Hội khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 và nghị định số 02/2002NĐ-CP ngày 03/1/2002 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc;
- Căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2002/TTLT/BTM-UBDTMN-BTC-BKHĐT ngày 12/8/2002 của Liên Bộ Thương mại, Ủy ban Dân tộc và Miền núi ,Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 3/1/2002 và Nghị định số 20/1988/NĐ-CP ngày 31/3/1988 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc;
- Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc- Miền núi tại tờ trình số: 383 /DTMN ngày 20/8/2003.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa phục vụ miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

Điều 2: Quyết định này thay thế Quyết định số 57/2001/QĐ-CT.UBBT ngày 12/9/2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận V/v: Ban hành bản quy định thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa phục vụ miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc, và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc - Miền núi, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch, Giám đốc các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ phục vụ miền núi, Chủ tịch UBND các huyện có địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận :
- Ủy ban Dân tộc(báo cáo)
- Bộ Tư pháp(báo cáo)
- TT. Tỉnh ủy(báo cáo)
- TT.HĐND Tỉnh(báo cáo)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh
- Như Điều 3
- Viện kiểm sát ND tỉnh
- Thanh tra NN tỉnh
- Công an tỉnh
- Báo Bình Thuận
- Đài PT-TH Bình Thuận
- Lưu VP+PPLT+NLN+TH

TM. UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÁ, TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA PHỤC VỤ MIỀN NÚI, HẢI ĐẢO VÀ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC.
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 61 /2003 /QĐ-.UBBT ngày 11 /9/2003 của UBND Tỉnh Bình Thuận).

Để thực hiện tốt việc trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa chính sách xã hội ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc theo Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 và Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 3/1/2002 của Chính phủ;

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2002/TTLT/BTM-UBDTMN-BTC-BKHĐT ngày 12/8/2002 của Liên Bộ Thương mại, Ủy ban Dân tộc & Miền núi, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 3/1/2002 và Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 31/3/1988 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc;

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và kinh phí được Trung ương hỗ trợ hàng năm, UBND tỉnh quy định việc thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa phục vụ miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh như sau :

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Để đảm bảo cho nhân dân sinh sống ở địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc được mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống bằng với giá các mặt hàng cùng loại bán tại Thành phố Phan Thiết. Nhà nước thực hiện việc trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với muối Iốt, giống cây trồng và trợ cước vận chuyển phân bón hóa học theo quy định tại điều IV Chương II của quy định này.

Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao (K’ho, Raglay, Rai, Châuro) được xét cấp không thu tiền mặt hàng: Muối Iốt.

Điều 2: Để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất ở địa bàn khu vực II, III miền núi, Nhà nước thực hiện việc trợ cước tiêu thụ sản phẩm theo quy định tại Điều V Chương II của quy định này.

Điều 3: Các doanh nghiệp được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ đưa hàng hóa lên phục vụ miền núi, hải đảo và vùng dân tộc được trợ giá, trợ cước phải tổ chức cửa hàng, đại lý cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng địa bàn, đúng đối tượng, giá cả hợp lý và chất lượng hàng hóa đảm bảo theo quy định.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Trợ giá, trợ cước các mặt hàng chính sách .

1. Địa bàn :

Thực hiện trợ giá, trợ cước ở các xã miền núi (trong đó tập trung ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các thôn, xã khu vực III) thuộc các huyện miền núi, có miền núi, huyện đảo Phú Quý và vùng có đồng bào dân tộc sinh sống nhưng không thuộc xã miền núi.

- Địa bàn các xã miền núi phân theo khu vực I, II, III thực hiện theo quy định của Ủy ban Dân tộc tại quyết định số 42/UB-QĐ ngày 23/5/1997 và Quyết định số 26/1998/QĐ-UB ngày 18/3/1998 về việc công nhận 3 khu vực miền núi, vùng cao.

- Vùng có đồng bào dân tộc sinh sống nhưng không thuộc xã miền núi có: Thôn Chăm thị trấn Ma Lâm .

2. Mặt hàng :

- Trợ giá, trợ cước: Muối Iốt, giống cây trồng

- Trợ cước vận chuyển: Phân bón hóa học.

Riêng sách và văn hóa phẩm thực hiện việc trợ cước vận chuyển thông qua Tổng Công ty phát hành sách Việt Nam.

- Cấp không thu tiền : Muối hầm Iốt.

3. Đối tượng :

3.1: Đối tượng được thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển:

a. Trợ giá và trợ cước (muối Iốt, giống cây trồng ):

- Muối Iốt: Nhân dân đang sinh sống ở các thôn, xã khu vực I, II, III thuộc các huyện miền núi, huyện có miền núi, huyện đảo Phú Quý và vùng có đồng bào dân tộc sinh sống nhưng không thuộc xã miền núi.

- Giống cây trồng:

+ Giống lúa: Đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống và có sản xuất nông nghiệp ở các thôn, xã miền núi thuộc khu vực II, III.

+ Giống bắp lai: Nhân dân đang sinh sống và có sản xuất nông nghiệp thuộc diện đói nghèo ở các xã miền núi thuộc địa bàn khu vực II, III và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng không thuộc địa bàn miền núi .

+ Giống cây ăn quả (cây có giá trị kinh tế cao): Nhân dân đang sinh sống và sản xuất nông nghiệp thuộc diện đói nghèo ở các xã miền núi thuộc địa bàn khu vực II, III và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng không thuộc địa bàn miền núi.

b. Trợ cước vận chuyển (phân hóa học) :

Nhân dân đang sinh sống và có sản xuất nông nghiệp ở các xã miền núi, vùng cao thuộc địa bàn khu vực II, III và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng không thuộc địa bàn miền núi.

3.2: Đối tượng thực hiện cấp không thu tiền (Muối Iốt): Là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao (K’ho, Raglay, Rai, Châu ro) đang sinh sống có hộ khẩu thường trú ở các thôn, xã miền núi, vùng cao.

4. Định mức áp dụng :

4.1: Trợ giá :

- Muối Iốt: 5 kg/người/năm.

- Giống lương thực :

 + Giống lúa: 160 kg/ha

 + Giống bắp lai: 15 kg/ha

(Diện tích áp dụng cho định mức trên tính theo diện tích đất canh tác thực tế, nhưng tối đa không quá 02 ha/hộ/năm đối với khu vực III và không quá 01 ha /hộ/năm đối với khu vực II). Riêng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao (Kho, Raglay, Rai, Châu ro) không quá 03 ha gieo trồng/hộ/năm.

- Giống cây ăn quả :

Xoài chiết cành hoặc ghép mắt và các loại cây ăn quả đặc sản: Không quá 100 cây/hộ/năm. Thời gian thực hiện không quá 2 năm.

4.2: Trợ cước vận chuyển :

- Phân bón hóa học: Tối đa 300 kg/ha đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và không qúa 200kg/ha đối với các vùng khác.

(Diện tích áp dụng cho định mức trên tính theo diện tích đất canh tác thực tế, nhưng tối đa không quá 02 ha canh tác/hộ/năm đối với khu vực III và không qúa 01ha canh tác/hộ /năm đối với khu vực II ). Riêng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao (Kho, Raglay, Rai, Châu ro) không qúa 03 ha gieo trồng/hộ/năm .

4.3: Cấp không thu tiền :

- Muối hầm Iốt: 5 kg/người/năm

5. Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển và mức cấp không thu tiền:

5.1: Mức trợ giá :

- Muối Iốt : Được trợ giá công trộn Iốt, bao PE và trợ cước vận chuyển đến trung tâm cụm xã .

- Giống cây trồng: Được trợ giá và trợ cước đến Trung tâm xã theo mức:

 + Giống lúa: Bằng chênh lệch giữa giá lúa giống đến Trung tâm xã và giá lúa thương phẩm ở cùng thời điểm tại địa bàn và do doanh nghiệp được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ cung ứng mặt hàng này.

 + Giống bắp lai: Bằng 50% giá giống bán tại địa bàn và do các doanh nghiệp được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ cung ứng mặt hàng này.

 + Giống cây ăn quả: Bằng 70% giá giống bán tại địa bàn và do các doanh nghiệp được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ cung ứng mặt hàng này.

- Mức trợ giá cho từng mặt hàng do UBND tỉnh quy định hàng năm.

5.2: Mức trợ cước vận chuyển: Phân bón hóa học.

- Cự ly tính trợ cước vận chuyển: Được tính từ Trung tâm tỉnh (Thành phố Phan Thiết) đến Trung tâm cụm xã.

Riêng khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao được trợ cước đến Trung tâm xã.

- Mức trợ cước vận chuyển do UBND Tỉnh quy định hàng năm.

5.3: Mức cấp không thu tiền :

Được xác định bằng giá mua cộng với chi phí lưu thông hợp lý đến Trung tâm xã.

- Mức giá cấp không thu tiền do UBND Tỉnh quy định hàng năm.

Điều 5: Trợ cước tiêu thụ sản phẩm .

1. Địa bàn :

Địa bàn thực hiện việc tiêu thụ sản phẩm là hàng hóa nông sản của nhân dân sản xuất ở khu vực III và các xã thuộc Chương trình 135, sau đó nếu còn kinh phí thực hiện ở các xã khu vực II liền kề khu vực III.

2. Mặt hàng :

Mặt hàng được trợ cước tiêu thụ sản phẩm gồm: Bắp lai và mỳ lát khô.

3. Mức trợ cước vận chuyển tiêu thụ sản phẩm :

Cự ly để trợ cước vận chuyển: Từ Trung tâm cụm xã đến Trung tâm tỉnh lỵ (Thành phố Phan Thiết).

Mức trợ cước vận chuyển tiêu thụ sản phẩm do UBND Tỉnh quy định hàng năm.

Chương III

CẤP PHÁT VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ

Điều 6: Cấp phát kinh phí.

Định kỳ hàng quý, trên cơ sở nguồn kinh phí trợ giá, trợ cước được Bộ Tài chính chuyển về, Sở Tài chính Vật giá cấp kinh phí trợ giá, trợ cước tập trung đầu mối về Ban Dân tộc - Miền núi.

Căn cứ nguồn kinh phí trợ giá, trợ cước được UBND Tỉnh phân bổ cho từng mặt hàng và nguồn kinh phí được Sở Tài chính - Vật giá cấp, Ban Dân tộc- Miền núi cấp ứng kinh phí cho các doanh nghiệp được phân công thực hiện.

Trên cơ sở lượng hàng hóa đã thực hiện, các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ phục vụ miền núi có trách nhiệm báo cáo số kinh phí đã thực hiện quý trước với Ban Dân tộc- Miền núi để tiếp tục ứng kinh phí quý sau theo kế hoạch được UBND Tỉnh phân bổ cho từng mặt hàng.

Điều 7: Thanh toán kinh phí .

Thanh toán kinh phí trợ giá, trợ cước vận chuyển các mặt hàng chính sách và trợ cước tiêu thụ sản phẩm phải đảm bảo nguyên tắc:

1. Lượng hàng hóa được thanh toán trợ cước vận chuyển là lượng hàng hóa đã bán đúng địa bàn, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, định lượng và có xác nhân của UBND Xã, Huyện.

2. Lượng hàng hóa được thanh toán trợ giá là lượng hàng hóa bán đúng địa bàn, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, định lượng, có danh sách ký nhận mua hàng của chủ hộ, có hóa đơn bán lẻ theo quy định của cơ quan thuế, và có xác nhận của UBND Xã, Huyện .

3. Lượng hàng hóa cấp không thu tiền là lượng hàng hóa cấp đúng đối tượng, đúng địa bàn, đủ định lượng, có danh sách ký nhận của chủ hộ và xác nhận của UBND Xã, Huyện .

4. Lượng hàng hóa được trợ cước tiêu thụ sản phẩm là lượng hàng hóa mua đúng địa bàn, có hoá đơn mua hàng của từng chủ hộ, giá mua không thấp hơn giá sàn được UBND Tỉnh cho phép ở từng thời điểm và có xác nhận của UBND xã về lượng hàng đã mua thực tế tại địa bàn xã.

5. Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển, cấp không thu tiền, trợ cước tiêu thụ sản phẩm không vượt quá mức giá quy định và kế hoạch vốn được UBND Tỉnh phân bổ hàng năm.

Điều 8: Quyết toán kinh phí.

1. Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ phục vụ miền núi có trách nhiệm thực hiện việc thanh quyết toán kinh phí trợ giá, trợ cước đúng theo chế độ quy định hiện hành.

2. Hàng năm, Ban Dân tộc - Miền núi phối hợp với Sở Tài chính Vật giá tổ chức thanh quyết toán kinh phí cho các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ phục vụ miền núi và tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí trợ giá, trợ cước theo chế độ quy định hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 9: Tổ chức thực hiện .

1. Giao Ban Dân tộc - Miền núi chủ trì phối hợp với Sở Tài chính -Vật giá và các Sở, Ngành liên quan có văn bản hướng dẫn và phân công các đơn vị thực hiện đúng theo quy định này.

2. Giao Ban Dân tộc - Miền núi phối hợp với UBND các huyện có địa bàn thôn, xã được hưởng chính sách và các Sở, Ngành liên quan hướng dẫn các đơn vị được phân công phục vụ xây dựng kế hoạch cung ứng các mặt hàng trên theo từng thời vụ, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng; Đồng thời theo dõi, giám sát việc thực hiện và tổng hợp báo cáo định kỳ về UBND Tỉnh và Ủy ban Dân tộc theo quy định.

Điều 10: Điều khoản thi hành :

1. Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện miền núi, có miền núi, Giám đốc các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước có trách nhiệm thực hiện đúng quy định này.

2. Quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì phát sinh vướng mắc, các cơ quan, doanh nghiệp phản ảnh về Ban Dân tộc- Miền núi để tổng hợp trình UBND Tỉnh xem xét giải quyết.

3. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 61/2003/QĐ-UBBT ban hành Quy định thực hiện chính sách trợ giá, cước vận chuyển hàng hóa phục vụ miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 61/2003/QĐ-UBBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/09/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản