Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 61/2001/QĐ-TTG NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 2001 VỀ NGHĨA VỤ BÁN VÀ QUYỀN MUA NGOẠI TỆ CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 05/2001/NĐ-CP ngày 17tháng 01 năm 2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nghĩa vụ bán ngoại tệ của người cư trú là tổ chức

1. Người cư trú là tổ chức kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, chi nhánh công ty nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu liên danh với nước ngoài phải bán ngay tối thiểu 40% số ngoại tệ thu được từ các nguồn thu vãng lai cho các ngân hàng ở Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép kinh doanh ngoại hối (sau đây được gọi là ngân hàng được phép) kể từ ngày ngoại tệ được chuyển hoặc nộp vào tài khoản ngoại tệ của tổ chức mở tại ngân hàng được phép.

2. Người cư trú là cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam phải bán ngay toàn bộ số ngoại tệ thu được từ các nguồn thu vãng lai cho các ngân hàng được phép kể từ ngày ngoại tệ được chuyển hoặc nộp vào tài khoản ngoại tệ của tổ chức mở tại ngân hàng được phép.

Trong trường hợp số dư tài khoản của người cư trú là các tổ chức nêu trên không đủ để duy trì tài khoản ngoại tệ thì các tổ chức này được phép giữ lại số ngoại tệ cần thiết để duy trì tài khoản ngoại tệ theo quy định của ngân hàng được phép nơi mở tài khoản.

3. Đối với số ngoại tệ thu được từ các nguồn thu vãng lai dưới hình thức tài trợ, viện trợ của người cư trú là các tổ chức không phải thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ, mà thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết giữa người cư trú với bên tài trợ.

Điều 2. Quyền mua ngoại tệ của người cư trú là tổ chức

1. Người cư trú là tổ chức kinh tế Việt Nam, tổ chức tín dụng ở Việt Nam, chi nhánh công ty nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu liên danh với nước ngoài, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam khi có nhu cầu ngoại tệ để đáp ứng cho giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch được phép khác theo quy định thì được quyền mua ngoại tệ tại các ngân hàng được phép trên cơ sở xuất trình các giấy tờ và chứng từ hợp lệ.

2. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khi có nhu cầu ngoại tệ để đáp ứng cho giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác theo quy định thì được quyền mua ngoại tệ tại các ngân hàng được phép trên cơ sở xuất trình các giấy tờ và chứng từ hợp lệ.

3. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư vào các dự án đặc biệt quan trọng theo chương trình của Chính phủ, thì được Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với từng dự án. Các ngân hàng được phép có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bảo đảm cân đối ngoại tệ; trường hợp nguồn ngoại tệ hiện có không đủ khả năng đáp ứng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bổ sung nguồn ngoại tệ.

4. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư vào các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và các dự án quan trọng khác thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét và quyết định bảo đảm hỗ trợ cân đối ngoại tệ trên cơ sở đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi các ngân hàng được phép không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ.

Điều 3. Mua - bán ngoại tệ của ngân sách Nhà nước

Quỹ ngoại tệ của ngân sách Nhà nước phải gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện mọi khoản thu - chi bằng ngoại tệ của ngân sách Nhà nước.

Hàng năm trên cơ sở kế hoạch thu - chi ngoại tệ của ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất phương án mua, bán ngoại tệ của ngân sách Nhà nước và thực hiện việc mua, bán ngoại tệ theo phương án này.

Điều 4. Trách nhiệm của Ngân hàng được phép

Ngân hàng được phép khi mua, bán ngoại tệ có trách nhiệm:

1. Thông báo và hướng dẫn cho người cư trú là tổ chức thực hiện việc mua, bán ngoại tệ theo các quy định về mua, bán ngoại tệ tại Quyết định này. Trường hợp người cư trú là tổ chức không chấp hành nghĩa vụ bán ngoại tệ từ các nguồn thu vãng lai thì được chủ động thực hiện việc mua ngoại tệ theo tỷ lệ quy định tại Quyết định này;

2. Bán số ngoại tệ cho người cư trú là tổ chức được quy định tại Điều 2 của Quyết định này trong khả năng nguồn ngoại tệ hiện có;

3. Niêm yết tỷ giá mua và tỷ giá bán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

4. Mua, bán ngoại tệ theo tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

5. Bảo đảm duy trì trạng thái ngoại hối hoặc trạng thái đồng Việt Nam cuối ngày theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thực hiện việc mua, bán ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ Liên Ngân hàng để bảo đảm trạng thái ngoại hối cuối ngày trong mức quy định;

6. Thực hiện việc bán ngoại tệ cho người cư trú là tổ chức theo chính sách ưu tiên về nhập khẩu của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ, các quy định về bán ngoại tệ theo Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ, Nghị định số 05/2001/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ, các quy định về quản lý ngoại hối đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và các quy định khác có liên quan về quản lý ngoại hối.

Điều 5. Áp dụng các hình thức giao dịch hối đoái

Việc mua - bán ngoại tệ của người cư trú là tổ chức với ngân hàng được phép áp dụng theo các hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, giao dịch kỳ hạn và giao dịch hoán đổi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

2. Quyết định này thay thế các Quyết định 173/1998/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 1998, số 232/1998/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 1998, Quyết định 180/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác về nghĩa vụ bán và quyền mua ngoại tệ của người cư trú là tổ chức.

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 61/2001/QĐ-TTg về nghĩa vụ bán và quyền mua ngoại tệ của người cư trú là tổ chức do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 61/2001/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/04/2001
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 10/05/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản