Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 6093/QĐ-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày  26 tháng 12 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM TRONG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua ngày 27/12/1993 ;
Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường ;
Căn cứ văn bản số 2592/TTg ngày 12/11/1996 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường về việc kiểm soát ô nhiễm biển từ các phương tiện giao thông thủy ;
Xét đề nghị Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường và Chủ tịch Ủy ban Môi trường thành phố Hồ Chí Minh ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành quy định tạm thời về việc kiểm soát ô nhiễm trong giao thông đường thủy thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định này.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Giám đốc Sở Giao thông công chánh, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc các Cảng tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận Huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thành Long

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM TRONG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 6093/QĐ-UB-KT ngày 26/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).

Chương 1.

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Bản quy định tạm thời về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong giao thông đường thủy trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh được căn cứ vào Luật bảo vệ môi trường, điều 23 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Công ước quốc tế về chống ô nhiễm môi trường biển Marpol 73/78, Nghị định 26/CP về xử phạt hành chánh môi trường và các văn bản pháp luật khác liên quan đến bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Cục Hàng hải đã ban hành.

Điều 2.- Trong quy định này sử dụng các định nghĩa sau :

1-

a- Chất có hại : có nghĩa là bất kỳ chất nào rơi xuống môi trường nước có khả năng tạo ra nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây thiệt hại cho tài nguyên thiên nhiên, cho thực vật và động vật thủy sinh, làm nguy hại hay cản trở các hình thức sử dụng chính đáng về vùng nước. Chất có hại bao gồm : dầu, cặn bã dầu, nước chứa dầu, các chất lỏng độc hại, các chất rắn độc hại, các chất khí độc hại, nước thải không được xử lý.

b- Rác : là dạng các chất thải trong thức ăn, sinh hoạt hoặc khai thác được tạo thành trong quá trình hoạt động bình thường của tàu và được thải ra ngoài liên tục hoặc định kỳ.

2-

a- Sự thải : có nghĩa là bất cứ sự đưa các chất có hại, rác từ tàu thuyền và các đơn vị ven bờ xuống vùng nước và khu vực cảng, không kể nguyên nhân và bao gồm cả sự rò rỉ, đổ, tràn, thấm, bơm, thoát.

b- Sự thải không bao gồm việc thải những chất do việc tiến hành những nghiên cứu khoa học chính đáng với mục đích chống ô nhiễm hoặc kiểm tra việc gây ô nhiễm môi trường và được sự chấp thuận của các cơ quan chính quyền liên đới.

3- Phương tiện thủy : có nghĩa là bất cứ loại tàu thuyền nào hoạt động trong vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh, kể cả tàu cánh ngầm, tàu chạy trên đệm không khí, phương tiện nổi cũng như các dàn khoan cố định.

4-

a- Đơn vị : là tất cả các đơn vị sản xuất hay kinh doanh có hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự hoạt động của các phương tiện thủy (hoạt động giao thông thủy) trong vùng nước hoặc vùng cảng của thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm các cảng biển, cảng, bến sông, xưởng sửa chữa tàu, đóng tàu, các ụ nổi, công trình nổi khác và các đơn vị dịch vụ hàng hải, vv...

b- Cá nhân : là những người có hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hoạt động giao thông đường thủy trong vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh gồm thuyền viên, người làm công hưởng lương, khách du lịch, v.v...

5-

a- Vùng nước thành phố Hồ Chí Minh : là tất cả các sông, các cửa sông, rạch, kênh và hồ thuộc ranh giới địa chính của thành phố Hồ Chí Minh.

b- Vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh : là vùng nước được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoạch định ngày 6/4/1993 và được Bộ Giao thông vận tải công bố ngày 02/7/1993 bao gồm luồng tàu biển sông Sàigòn - Nhà Bè - Lòng Tàu - Ngã Bảy - Soài Rạp được giới hạn từ tim cầu Sàigòn tới phần tiếp giáp với vùng nước Vũng Tàu và luồng tàu biển sông Đồng Nai qua cảng Đồng Nai tới tim cầu Đồng Nai vùng nước cảng sông trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh được xác định tại Quyết định 2549/QĐ-UB ngày 26/10/1992 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bao gồm : kinh Tẻ, kinh Đôi, rạch Bến Nghé, kinh Tàu Hủ, kinh Lò Gốm và các kinh Ngang số 1, 2, 3. Trong quy định này vùng nước cảng thành phố Hồ Chí Minh được gọi tắt là vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh.

6- Cơ quan quản lý cảng : cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động giao thông vận tải thủy của Cảng, gồm Cảng vụ Sàigòn và các Ban quản lý cảng sông.

7- Chính quyền : có nghĩa là các cơ quan quản lý Nhà nước đang hoạt động để chỉ đạo bảo vệ, kiểm soát và chống ô nhiễm môi trường.

8- Công ước Marpol 73/78 : Công ước quốc tế về chống ô nhiễm môi trường biển 1973 và Nghị định thư 1978 (International Convention for Provention of marine Environment Pollution 1973 and Protocol 1978) cũng như tất cả các phụ lục của Công ước này.

9- Vụ vi phạm : có nghĩa là một sự kiện kéo theo hoặc có thể kéo theo việc thải các chất có hại hoặc nước thải không xử lý hoặc rác xuống các vùng nước.

Chương 2.

QUY ĐỊNH VỀ CƠ QUAN CHÍNH QUYỀN THỰC HIỆN KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHỊU SỰ KIỂM TRA VÀ GIÁM SÁT

Điều 3.-

1- Quy định này áp dụng cho :

a- Các đơn vị sản xuất hoặc kinh doanh.

b- Các cá nhân.

c- Các phương tiện thủy Việt Nam và nước ngoài, gồm :

- Các loại tàu biển.

- Các loại tàu sông.

- Các loại tàu phà sông biển.

- Phà chở khách và tàu du lịch, kể cả phương tiện nổi dùng cho du lịch, khách sạn và dịch vụ hàng hóa.

- Các ghe gỗ, xà lan.

- Các phương tiện thủy làm công tác phục vụ hàng hải (hoa tiêu, dắt lái, cứu hộ, bảo đảm hàng hải, trục vớt, nạo vét luồng lạch...).

2- Điều 3 cũng được áp dụng cho các đối tượng không được nêu trong mục 1 của điều này có hoạt động liên quan trực tiếp trên vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 4.- Bên cạnh việc tuân thủ quy định này, tất cả các loại tàu biển của Việt Nam và nước ngoài, gồm tàu dầu có dung tích 150 tấn trở lên và tàu không phải tàu dầu có tổng dung tích trên 400 tấn, còn phải chịu sự kiểm tra về việc phòng chống ô nhiễm vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh theo Công ước Marpol 73/78.

Điều 5.- Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh (cơ quan Thường trực Ủy ban Môi trường thành phố) là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện bản Quy định này của tất cả các đối tượng được nêu trong Điều 3.

Chương 3.

QUY ĐỊNH VỀ TRANG THIẾT BỊ PHÒNG CHỐNG Ô NHIỄM DO HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG THỦY GÂY RA

Điều 6.- Tất cả các loại tàu dầu có dung tích 150 tấn trở lên và các tàu biển không phải tàu dầu có tổng dung tích trên 400 tấn phải có trang thiết bị phòng chống ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông vận tải đường thủy gây ra như Công ước Marpol 73/78 quy định.

Điều 7.- Các tàu dầu có dung tích 150 tấn trở lên và tàu biển không phải tàu dầu có tổng dung tích trên 400 tấn của Việt Nam và nước ngoài không có giấy chứng nhận quốc tế về chống ô nhiễm môi trường biển (IOPP) theo Công ước Marpol 73/78 thì chủ tàu phải lắp đặt đầy đủ các thiết bị theo quy định của Công ước này và phải được cơ quan đăng kiểm Việt Nam hoặc tương đương kiểm tra cấp giấy chứng nhận IOPP tạm thời trước khi vào vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 8.- Tất cả các đối tượng được quy định trong điều 3 mục a phải trang bị trong khu vực hoạt động của mình các thiết bị dưới đây :

a- Các hầm chứa chất thải có hại đủ sức chứa cho nhu cầu của đơn vị và cho các đối tượng khác có hoạt động gắn với khu vực của đơn vị quản lý.

b- Các thiết bị chứa rác đủ sức chứa rác cho nhu cầu của đơn vị và cho các đối tượng khác có hoạt động gắn với khu vực do đơn vị quản lý.

c- Các thiết bị chứa và vận chuyển chất thải có hại và rác lấy từ các phương tiện thủy hoạt động trong khu vực quản lý của đơn vị.

d- Các đơn vị có thể trang bị các thiết bị xử lý chất thải có hại và rác nhưng khi sử dụng các thiết bị này cho việc xử lý ô nhiễm trong hoạt động giao thông đường thủy phải được chấp thuận của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Điều 9.- Tất cả các đơn vị gồm các cảng dầu, kho dầu, nhà máy lọc dầu, trạm bán xăng dầu trên sông kinh, cảng ga, ụ nổi, xưởng sửa chữa tàu, đóng tàu phải trang bị các thiết bị phòng chống sự cố dầu tràn để chống ô nhiễm môi trường do dầu tràn ra từ nguồn trên bờ hoặc từ các tàu dầu hoặc các tàu không phải tàu dầu hoạt động trong phạm vi quản lý của đơn vị.

Điều 10.- Tất cả các phương tiện thủy khi hoạt động trong vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh phải có hầm, khoang, thùng chứa đủ sức chứa dầu thải, cặn dầu, các chất thải độc hại khác và rác do hoạt động của mình thải ra.

Chương 4.

QUY ĐỊNH VỀ CHỐNG Ô NHIỄM VÙNG NƯỚC VÀ VÙNG CẢNG CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH DO DẦU TỪ CÁC HOẠT ĐỘNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY

Điều 11.- Tất cả các phương tiện thủy khi hoạt động trong vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu thải dầu, cặn dầu ra ngoài đều phải thông qua các phương tiện tiếp nhận từ trên bờ. Các cơ sở tiếp nhận trên bờ phải có đủ điều kiện trang bị để tiếp nhận và phải có giấy phép của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cấp.

Điều 12.- Cấm tất cả các đối tượng được nêu trong Điều 3 thải dầu, cặn dầu, nước lẫn dầu vào vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 13.- Tất cả các phương tiện thủy phải chứa dầu thải hoặc hỗn hợp dầu nước trong tàu với các thiết bị tồn trữ chất thải như đã nói ở Điều 10.

Điều 14.- Cấm chứa nước dằn tàu trong các khoang, hầm dùng chở dầu hàng hóa hoặc trong các khoang, hầm chứa nhiên liệu của tàu.

Điều 15.-

1- Hàm lượng dầu trong nước dằn tàu thải ra vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh không được vượt quá 0,3 ppm như TCVN 5942-1995 quy định. Tuyệt đối không được pha loãng để làm hàm lượng dầu xuống thấp hơn 0,3 ppm trước khi thải nước dằn tàu.

2- Hàm lượng các chất gây ô nhiễm không phải là dầu mỏ của nước dằn tàu được thải ra vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh không được vượt quá các tiêu chuẩn được quy định bởi Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5942-1995.

3- Nước dằn tàu thải ra vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh không được mang các mầm bệnh dịch như Điều lệ kiểm dịch Việt Nam quy định và các loài tảo độc.

Chương 5.

QUY ĐỊNH VỀ CHỐNG Ô NHIỄM VÙNG NƯỚC VÀ ÙNG CẢNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH DO CHẤT ĐỘC HẠI KHÔNG PHẢI DẦU TỪ CÁC HOẠT ĐỘNG GIAO THÔNG ƯỜNG THỦY GÂY RA

Điều 16.- Tất cả các phương tiện thủy khi hoạt động trong vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu thải các chất lỏng hoặc rắn độc hại không phải dầu ra ngoài đều phải thông qua các phương tiện tiếp nhận từ trên bờ. Các cơ sở tiếp nhận trên bờ phải có đủ điều kiện trang bị để tiếp nhận và phải có giấy phép của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cấp.

Điều 17.- Cấm tất cả các đối tượng được nêu trong Điều 3 thải các chất lỏng độc hại và chất rắn độc hại xuống vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 18.- Trong trường hợp các phương tiện thủy chuyên chở các chất lỏng và rắn vào vùng nước hay vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh nhưng chủ phương tiện không biết được chủng loại và tính độc hại của nó thì chủ phương tiện, hoặc thuyền trưởng phải báo Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh và cơ quan quản lý cảng biết để tiến hành xác định.

Điều 19.- Các phương tiện thủy có chở các loại hàng hóa độc hại (hàng rời hoặc trong bao gói, container, xi tec...) trước khi vào làm thủ tục nhập cảng phải thông báo cho cơ quan quản lý cảng về sự hiện diện của các loại hàng hóa này trên tàu.

Điều 20.- Khi tàu vào cảng, phải chịu sự kiểm tra về sự hiện diện, số, khối lượng, sự sắp xếp của các loại hàng hóa độc hại trên tàu.

Điều 21.- Trong quá trình neo đậu và trước khi rời cảng phải chịu sự giám sát về sự nguyên vẹn, không làm rò rỉ thất thoát, tràn, thấm các hàng hóa độc hại... ra vùng nước cảng.

Điều 22.- Nếu các tàu tiến hành việc nhận, dỡ các chất nguy hiểm, độc hại tại cảng thì phải chịu sự kiểm tra, giám sát để tránh việc làm rơi vãi, thất thoát, rò rỉ ra ngoài.

Chương 6.

QUY ĐỊNH VỀ CHỐNG Ô NHIỄM VÙNG NƯỚC VÀ ÙNG CẢNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH DO RÁC, ƯỚC THẢI, CHẤT PHÓNG XẠ TỪ CÁC HOẠT ĐỘNG
GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY GÂY RA

Điều 23.- Tất cả các phương tiện thủy khi hoạt động trong vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu thải nước thải gây ô nhiễm và rác ra ngoài đều phải thông qua các phương tiện tiếp nhận trên bờ. Các cơ sở tiếp nhận trên bờ phải có đủ điều kiện trang bị để tiếp nhận và phải có giấy phép của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cấp.

Điều 24. Cấm tất cả các đối tượng được nêu trong Điều 3 thải rác và nước thải gây ô nhiễm vào vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 25.- Trong quá trình neo đậu nếu các tàu có yêu cầu làm vệ sinh, cọ, rửa tàu, nhất là đối với những tàu vận chuyển các chất độc hại chở xô (dạng rời), thì tàu phải chứa lại nước thải do quá trình vệ sinh trong các hầm két chứa nước thải của tàu, không được thải loại nước này xuống vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 26.- Cấm tất cả các phương tiện thủy chở chất phóng xạ vào vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh nếu không được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam.

Chương 7.

QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG GÂY Ô NHIỄM

Điều 27.- Đơn vị, cá nhân và các phương tiện thủy gây ô nhiễm môi trường vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh trong bất cứ trường hợp nào đều bị buộc phải :

1- Làm sạch trở ngại môi trường nơi đã gây ra ô nhiễm.

2- Đền bù những thiệt hại đã gây ra cho môi trường và thiệt hại kinh tế cho người bị hại tương xứng với những tác hại gây nên.

3- Trả tiền dịch vụ cho cá nhân, đơn vị đã bỏ công để điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm, thiệt hại và làm sạch môi trường.

Điều 28.- Cá nhân, đơn vị và các phương tiện thủy gây ô nhiễm môi trường vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh ngoài việc thực hiện Điều 28, tùy theo mức độ gây hại sẽ còn bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy tố trước pháp luật.

Điều 29.- Trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu hoặc các chất độc hại vào vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh, thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải kịp thời có các biện pháp thích ứng để ngăn ngừa sự lan rộng của dầu hay các chất độc hại.

Điều 30.- Tất cả mọi người đều phải có nghĩa vụ thông báo ngay lập tức về các vụ vi phạm gây ô nhiễm vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh dưới mọi hình thức và phương tiện thông tin cho Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, Cảng vụ Sàigòn, cơ quan quản lý các cảng, các cơ quan quản lý đường thủy nội địa, cảnh sát đường thủy hoặc cơ quan chính quyền địa phương gần nhất biết.

Điều 31.- Mọi thông báo kịp thời sẽ được khen thưởng. Những đơn vị, cá nhân tự giác khai báo kịp thời cũng được giảm nhẹ hình thức xử phạt. Những đơn vị, cá nhân cố ý không khai báo kịp thời sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy tố theo pháp luật hiện hành.

Điều 32.- Các tàu biển và tàu dầu của Việt Nam và nước ngoài không có biên lai tiếp nhận dầu cặn, rác của cảng ghé cuối cùng trước khi vào vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh để chứng minh cho việc đã đổ rác thảo dầu cặn nước chứa dầu vào nơi quy định theo Công ước Marpol 73/78, thì tàu sẽ bị coi là đã có dấu hiệu vi phạm các quy định của Công ước này và bị nghi ngờ là đã thải chúng xuống lãnh hải Việt Nam, chủ tàu có thể bị cảnh cáo hoặc bị phạt tiền hoặc không cho vào vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 33.- Không có nhật ký sử dụng dầu, hoặc không ghi nhật ký hoặc ghi thiếu trung thực, ghi sót về các yếu tố thời gian, địa điểm, số lượng dầu sử dụng và vận chuyển, giao nhận dầu, xả dầu cặn... đều bị coi như tàu đã làm trái các quy định của Công ước Marpol 73/78 và đã đổ bất hợp pháp dầu ra ven bờ biển quốc tế và Việt Nam không đúng nơi quy định, sẽ bị phạt tiền hoặc không cho vào vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Chương 8.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34.- Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ Sàigòn, các Ban quản lý các cảng, sông và các cơ quan chức năng để tổ chức triển khai thực hiện bản quy định này. Hàng quý phải tổng hợp tình hình công tác bảo vệ, kiểm soát và phòng chống ô nhiễm môi trường để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 35.- Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, Cảng vụ Sàigòn, các Ban quản lý các cảng sông, các cơ quan quản lý đường thủy nội địa và cảnh sát đường thủy là cơ quan thường trực bảo vệ, kiểm soát và phòng chống ô nhiễm môi trường giao thông thủy trong vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 36.- Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Cảng vụ Sàigòn, Ban quản lý các cảng sông và các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phòng chống và ứng cứu sự cố môi trường giao thông thủy. Trong trường hợp sự cố môi trường có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh và Cảng vụ Sàigòn phải kịp thời báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Cục Hàng hải để nhanh chóng huy động và tăng cường mọi lực lượng ứng cứu, xử lý kịp thời.

Điều 37.- Các đơn vị, cá nhân và tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài khi có hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vùng nước và vùng cảng của thành phố Hồ Chí Minh phải nghiêm chỉnh thi hành bản quy định này. Mọi vi phạm bản quy định này sẽ bị xử lý theo luật pháp hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.-

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 6093/QĐ-UB-KT năm 1996 quy định tạm thời về kiểm soát ô nhiễm trong giao thông đường thủy thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 6093/QĐ-UB-KT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/12/1996
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Thành Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/01/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản