Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6085/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÔNG THÔN MỚI XÃ AN PHÚ, HUYỆN CỦ CHI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt "Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025";

Căn cứ Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

Xét Tờ trình số 463/TTr-BQL ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã An Phú, huyện Củ Chi về việc phê duyệt Đề án Nông thôn mới xã An Phú, huyện Củ Chi giai đoạn 2012 - 2015 có ý kiến phê duyệt của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi, ý kiến đề xuất của Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tại Thông báo số 348/TB-TCT-PTNT ngày 12 tháng 11năm 2013; đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Sở Tài chính tại Tờ trình số 2061/TTr-NNPTNT-KHĐT-TC ngày 28 tháng 10 năm 2013 về phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới xã An Phú, huyện Củ Chi, giai đoạn 2013 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án nông thôn mới xã An Phú, huyện Củ Chi giai đoạn 2013 - 2015 (theo nội dung đề án đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư xã nông thôn mới, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã An Phú nghiên cứu, đề xuất kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Trưởng Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã An Phú và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Phú - huyện Củ Chi có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ AN PHÚ, HUYỆN CỦ CHI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6085/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần 1.

THỰC TRẠNG NÔNG THÔN XÃ AN PHÚ - HUYỆN CỦ CHI

I. KIỆN TỰ NHIÊN - DÂN SỐ LAO ĐỘNG

1. Đặc điểm tự nhiên

Xã An Phú cách trung tâm huyện khoảng 22km về phía Đông Bắc; giáp ranh với tỉnh Bình Dương.

Có vị trí tiếp giáp như sau:

- Phía Đông giáp huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương;

- Phía Tây giáp xã Phú Mỹ Hưng;

- Phía Nam giáp xã An Nhơn Tây;

- Phía Bắc giáp sông Sài Gòn, bên kia sông là huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương;

Diện tích tự nhiên: 2.432ha. Xã được chia thành 6 ấp, gồm: Xóm Chùa, Xóm Thuốc, Phú Bình, Phú Trung, An Hòa, An Bình.

2. Dân số

- Dân số toàn xã là 10.175 nhân khẩu, 2.736 hộ gia đình, mật độ dân số bình quân 419 người/km² (Trong đó, nam 4.922 người chiếm 48,37%, nữ 5.253 người chiếm 51,63%. Mật độ dân số bình quân là 419 người/km².

- Số người trong độ tuổi lao động 5.879 chiếm tỷ lệ tương đối cao là 57,78% dân số, phân bố đều ra các lĩnh vực lao động, chủ yếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là 3.982 lao động chiếm 67,72%; lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 974 lao động chiếm 16,56%, còn lại là trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ là 923 lao động chiếm 15,72%; qua đó cho thấy được nguồn lao động rất dồi dào và tham gia chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp.

II. KIỆN KINH TẾ XÃ HỘI:

1. Quy hoạch

Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết đến năm 2010; Đang thực hiện quy hoạch sử dụng đất chi tiết năm 2011 - 2015.

2. Hạ tầng kinh tế - xã hội

a) Giao thông

Hiện tại trên địa bàn xã có các tuyến đường giao thông, tổng chiều dài 50,97km, trong đó:

- Đường trục xã, liên xã: 3 tuyến đường với tổng chiều dài 14,238km, 100% đã được thi công nhựa hóa.

- Đường trục ấp, liên ấp: 7 tuyến với tổng chiều dài 8,08km, trong đó đã được bê tông nhựa nóng, cứng hóa 3,28km đạt 45,8%.

- Đường ngõ, xóm: 35 tuyến với tổng chiều dài 20,696km, trong đó đi lại thuận tiện 20,441km đạt 97,34%.

- Đường trục chính nội đồng: 7 tuyến với tổng chiều dài là 8,13 km, trong đó thuận tiện cho việc đi lại 8,13 km đạt 100%.

b) Thủy lợi

Hiện tại trên địa bàn xã các công trình thủy lợi chưa phục vụ tốt cho công tác tưới tiêu. Xã có khoảng 36 km mương cống hộp trong đó kiên cố hóa 17,06 km đạt 47,38%.

c) Điện

Số trạm biến áp 44 trạm với tổng dung lượng điện là 23.294 KVA; trong đó số trạm đạt yêu cầu 33.

Số km đường dây hạ thế 34,234km; đường dây trung thế 29,038 km; trong đó 45km đạt chuẩn; 5km cần cải tạo, nâng cấp, 5km cần xây dựng mới.

Tỷ lệ hộ dùng điện đạt 100%.

Mức độ đáp ứng yêu cầu về điện cho sản xuất 90%.

d) Trường học

Tổng số trường học là 4 (gồm 1 trường mầm non An Phú với 4 phân hiệu: An Bình, Xóm Chùa, Phú Trung, Phú Bình; 2 trường tiểu học: An Phú 1 và An Phú 2 với 2 phân hiệu: ấp Xóm Chùa, ấp An Bình; 1 trường Trung học cơ sở An Phú) với 1991 học sinh.

+ Trường Mầm non An Phú: chưa đạt chuẩn, cần nâng cấp xây mới phòng học và các phòng chức năng.

+ Trường tiểu học An Phú 1: đã được xây dựng đạt chuẩn, cần nâng cấp tu bổ một vài hạn mục nhỏ khác.

+ Trường Tiểu học An Phú 2: còn khá tạm bợ, chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, cần sửa chữa nâng cấp.

+ Trường Trung học cơ sở An Phú: đang xuống cấp nghiêm trọng, cần được xây mới đạt chuẩn quốc gia.

đ) Cơ sở vật chất văn hóa

Số trung tâm văn hóa xã, thôn: xã An Phú chưa có nhà văn hóa cấp xã. Hiện tại xã có 6 văn phòng ấp đã được xây kiên cố và có thể phục vụ các hoạt động văn hóa của ấp.

Khu thể thao của xã, ấp: Hiện tại xã có 2 khu thể thao là hai sân bóng phục vụ cho hoạt động thể thao của xã.

e) Chợ

Hiện nay An Phú chưa có chợ nông thôn, mà chỉ có 1 chợ tạm, diện tích 400m².

Ngoài ra, trên địa bàn xã có 2 điểm bán hàng bình ổn giá do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện vận động thành lập. Để thuận tiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân xã, trong thời gian tới cần xây dựng một chợ nông thôn nhằm: phục vụ nhu cầu mua bán của người dân, tập trung hàng hóa, tránh mất trật tự, và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

g) Bưu điện

Hiện nay, xã An Phú có một bưu điện vẫn đang hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân trong xã, với hai nhân viên bưu điện. Cơ sở vật chất của bưu điện xã đã đạt và không cần nâng cấp xây mới.

Hiện tại xã có 1 đài truyền thanh nhưng chưa đạt chuẩn. Cần nâng cấp. Xã An Phú hiện có 6 địa điểm dịch vụ truy cập Internet.

h) Nhà ở dân cư nông thôn

Xã không còn nhà tạm. Tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố 96%.

3. Thực trạng kinh tế và tổ chức sản xuất

a) Kinh tế

Trong cơ cấu kinh tế của xã, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (chủ yếu là chăn nuôi heo, bò và trồng trọt ở quy mô hộ gia đình) bên cạnh đó những dịch vụ kinh doanh buôn bán cũng dần phát triển góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế ở địa phương. Ngành nông nghiệp chiếm 75,76%, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 15,15%, thương mại - dịch vụ chiếm 9,09% trong cơ cấu kinh tế của xã.

Trên địa bàn xã có 2 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 1 Công ty TNHH Một thành viên Bò Sữa, trên 50 hộ sản xuất bánh tráng thủ công, 5 cơ sở sản xuất bánh tráng bằng máy công nghiệp, trên 62 cơ sở dệt bao bì. Có trên 70 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

- Thu nhập bình quân đầu người: 19,07 triệu đồng/người/năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo: theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm là 452 hộ chiếm 16,54% tổng số hộ toàn xã.

b) Lao động

- Số lao động trong độ tuổi: là 5.879 người chiếm 57,78%;

- Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn: trong 5.879 lao động của xã, chỉ có 2.588 lao động đã qua đào tạo chuyên môn chiếm 44,01%;

c) Hình thức tổ chức sản xuất:

Hiện nay tại địa bàn xã có 4 trang trại nuôi heo, 14 doanh nghiệp hoạt động trong cả ba lĩnh vực. Ngoài ra trên địa bàn xã còn có 1 hợp tác xã nuôi heo Tiên Phong và 1 hợp tác xã làng nghề nông thôn kết hợp du lịch sinh thái Một Thoáng Việt Nam.

4. Văn hóa, xã hội và môi trường

a) Văn hóa - giáo dục

- Năm 2011 xã có 5/6 ấp được công nhận đạt chuẩn ấp văn hóa, đạt tỷ lệ 83,3%.

- Về công tác phổ cập giáo dục cụ thể như sau:

+ Tỷ lệ phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi: đạt 100%;

+ Tỷ lệ phổ cập giáo dục phổ thông trung học: đạt 71,6%;

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 3.342 lao động đạt 56,84%;

+ Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học ở sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) trong năm 2012 là 90,7%.

b) Y tế

- Trạm y tế: Hiện nay, xã có 1 trạm y tế đạt chuẩn với 8 giường bệnh. Trạm y tế có 8 cán bộ trong đó: 1 bác sỹ; 3 y sỹ; 1 hộ lý; 2 dưỡng; dược tá: 1. Ngoài ra, xã có 5 cơ sở y tế tư nhân.

- Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế là 71%.

c) Môi trường

- Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: đạt 95%;

- Tỷ lệ hộ có đủ 3 công trình (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt chuẩn: trong những năm trở lại đây, đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu xây dựng nhà ở ngày càng nhiều nên có 96,01% số hộ đều đủ 3 công trình kể trên.

- Xử lý chất thải: có 65% số hộ có đăng ký thu gom rác (dân lập và thu gom rác công cộng), 10,96% số hộ có cơ sở chăn nuôi chuồng trại hợp vệ sinh.

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã đạt tiêu chuẩn về môi trường: đạt 100%.

- Hiện tại xã có 4 nghĩa trang được quy hoạch tập trung, nhưng tỉ lệ về chôn cất tại nhà còn khá lớn vẫn chưa giải quyết được.

5. Hệ thống chính trị và tình hình an ninh trật tự - xã hội

a) Hệ thống chính trị của xã

Toàn xã hiện có 193 đảng viên. Trong đó đội ngũ cán bộ cấp xã có 21 đồng chí.

Đảng bộ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Số lượng cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách của Ủy ban nhân dân xã

An Phú được giao năm 2013 là 43 người: trong đó có 23 cán bộ và công chức, 20 cán bộ không chuyên trách. Số lượng hiện có tính đến tháng 4 năm 2013 là 11 cán bộ, 8 công chức, 18 cán bộ không chuyên trách.

b) An ninh trật tự xã hội

Tình hình an ninh trật tự và trận tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, ổn định.

Thực hiện tốt các kế hoạch tấn công và trấn áp các loại đối tượng trên địa bàn. Bảo vệ tốt các ngày lễ, tết. Công tác đăng ký và quản lý nhân dân, hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú. Xã đã đăng ký 100% ấp không có tội phạm ẩn náu, hoạt động. Quản lý tốt các đối tượng phạm pháp theo quy định của pháp luật. Lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị là 284 đồng chí.

Phần 2.

NỘI DUNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI XÃ AN PHÚ - HUYỆN CỦ CHI ĐẾN NĂM 2015

I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2015

1. Mục tiêu chung

- Tập trung phát triển ngành chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao như: về chăn nuôi, tập trung chăn nuôi heo (trong đó phải giảm heo thịt, tăng heo nái, đó là phương pháp tăng giá trị sản phẩm nhưng không tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường), kết hợp với phát triển đàn bò sữa và trồng trọt các loại cây như: rau an toàn, hoa lan, cây kiểng.

- Tập trung mở rộng và nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn nhằm kích thích, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại phát triển. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với yêu cầu của thị trường - công ty, xí nghiệp để giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.

2. Mục tiêu cụ thể

* Hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo từng giai đoạn cụ thể:

- Năm 2012: có 7/19 tiêu chí đạt chuẩn (có tiêu chí: 4, 8, 9, 13, 16, 18, 19).

- Năm 2013: phấn đấu đạt 11/19 tiêu chí đạt chuẩn (đạt thêm 04 tiêu chí: 1, 7, 15, 17).

- Năm 2014: phấn đấu 16/19 tiêu chí đạt chuẩn (đạt thêm 05 tiêu chí: 3, 5, 6, 10, 14).

- Năm 2015: phấn đấu 19/19 tiêu chí đạt chuẩn (đạt thêm 03 tiêu chí: 2, 11, 12).

* Nội dung thực hiện cụ thể:

- Hoàn thành công tác quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới).

- Xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn với chất lượng bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản.

- Kiên cố hóa trường, lớp, hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất trong hệ thống trường học, tiến tới hiện đại hóa các phương tiện dạy học.

- Thu nhập bình quân đầu người/năm tăng gấp từ 1,5 - 1,8 lần so với khi xây dựng đề án (không thấp hơn 37 triệu đồng).

- Cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm dần.

- Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm đến năm 2015 trên 90%.

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố (dưới 12 triệu đồng/người/năm): giảm bình quân 3%/năm (hiện trạng 8,9%) để đến năm 2015 giảm hộ nghèo còn dưới 2%.

- Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

- Duy trì và phát triển đời sống văn hóa ở nông thôn với 5/5 ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 80% trở lên.

II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Quy hoạch

a) Mục tiêu: Đạt tiêu chí số 1 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

b) Nội dung thực hiện: Việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28 tháng 10 năm 2011 của liên Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy định việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xã nông thôn mới.

2. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn

a) Giao thông

- Mục tiêu: Đạt tiêu chí số 2 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

- Nội dung thực hiện:

+ Đường giao thông trục ấp, liên ấp: mở rộng, nâng cấp tuyến đường Đỗ Thị Có, Nguyễn Thị Chồi và hai tuyến đường cặp theo đường Bến Súc với tổng chiều dài gần 4,8 km.

+ Đường giao thông ngõ, xóm: cấp phối sỏi đỏ, nền hạ lên bê tông xi măng (hoặc cứng hóa bê tông) với tổng chiều dài 0,55 km.

b) Thủy lợi

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 3 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện: Nạo vét, gia cố bờ kết hợp với giao thông nội đồng với tổng chiều dài: 18,94 km.

c) Điện

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 4 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ Số trạm biến áp: xây mới 10 trạm, nâng cấp 32 trạm.

+ Đường dây hạ thế: 5,17 km xây mới và 2,1 km nâng cấp.

d) Trường học

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 5 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ Xây mới trường mầm non An Phú (ấp An Hòa).

+ Nâng cấp phòng học cho trường tiểu học An Phú 2.

+ Xây mới trường Trung học cơ sở An Phú.

đ) Cơ sở vật chất văn hóa

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 6 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ Cải tạo nâng cấp 2 văn phòng ấp gắn với thiết chế văn hóa ấp Phú Trung, ấp An Hòa.

+ Xây dựng mới 4 văn phòng ấp gắn với thiết chế văn hóa ấp Xóm Chùa, ấp Xóm Thuốc, ấp Phú Bình, ấp An Bình.

+ Duy tu, sửa chữa hàng năm và kết hợp với xã hội hóa để xây dựng thành khu thể thao đa năng kết hợp khu vui chơi cho thanh thiếu niên.

e) Chợ nông thôn

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện: Cải tạo xây mới 1 chợ.

g) Bưu điện

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 8 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện: nâng cấp đài truyền thanh xã.

h) Nhà ở dân cư nông thôn

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 9 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện: Chỉnh trang: 10 - 15% nhà ở dân cư.

3. Phát triển kinh tế và các hình thức tổ chức

a) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao thu nhập

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 10 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

- Nông nghiệp: chiếm 65%, tuy giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng về giá trị sản xuất. Đẩy mạnh phát triển chuyển dịch cơ cấu trồng cỏ nuôi bò sữa, cây ăn trái, và đặc biệt là trồng hoa lan.

- Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: chiếm 16% đầu tư phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp như dệt vải, bao bì, làm bánh tráng, hướng vào hoàn thiện chất lượng sản phẩm để hướng vào thị trường xuất khẩu.

- Thương mại - Dịch vụ: chiếm 19% phát triển các ngành dịch vụ ăn uống, kinh doanh du lịch sinh thái. Tạo ra các khu nghỉ dưỡng kết hợp với các hoạt động làm vườn, tạo cảm giác, không gian thoải mái nhằm thu hút khách du lịch đến với xã nhiều hơn.

b) Giảm nghèo và an sinh xã hội

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 11 của Bộ tiêu chí quốc gia và phù hợp với đặc điểm riêng của thành phố.

- Nội dung thực hiện:

+ Tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; hỗ trợ kinh phí xóa nhà dột nát cho người nghèo, khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi...

+ Tăng cường thực hiện chức năng của các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần đảm bảo các chính sách an sinh xã hội của nhà nước, hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách.

c) Tỷ lệ lao động có việc làm

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 12 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ Đào tạo nghề cấp chứng chỉ, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, kỹ năng khuyến nông cho cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân giỏi.

+ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã liên kết chặt chẽ với trường dạy nghề, với các doanh nghiệp, có định hướng ngành nghề phù hợp nhằm giải quyết được việc làm sau đào tạo.

+ Đào tạo và nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ cho cán bộ các loại hình kinh tế tập thể.

d) Hình thức tổ chức sản xuất

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 13 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ Tuyên truyền, vận động nhằm giúp người nông dân nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể.

+ Bồi dưỡng, đào tạo: các chức danh tổ trưởng tổ hợp tác, chủ nhiệm, ban quản trị phải được nâng cao về năng lực quản lý.

+ Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu như trang thiết bị phục vụ thông tin liên lạc, đào tạo, trao đổi, cập nhật thông tin (điện thoại, máy fax, máy vi tính, máy in).

+ Hỗ trợ để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức kinh tế Tổ hợp tác, Hợp tác xã thông qua:

* Hỗ trợ điều kiện sản xuất như kho chứa, nhà sơ chế - bảo quản, công nghệ, thực hiện chế biến nông sản.

* Hỗ trợ kỹ thuật: tạo điều kiện cho xã viên tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

* Hỗ trợ về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.

* Tham quan học tập mô hình sản xuất hiệu quả.

4. Giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường

a) Giáo dục

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 14 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ Xã phối hợp với các đoàn thể nắm bắt các trường hợp trẻ em bỏ học và kịp thời có sự hỗ trợ, động viên các em đến trường. Đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường được học tập. Đồng thời, vận động các nguồn tài trợ để nâng cao số lượng và chất lượng các suất học bổng khuyến học giành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và có thành tích học tốt.

+ Quan tâm đào tạo nghề cho người lao động, dưới nhiều hình thức và ngành nghề phù hợp với đặc thù địa phương.

+ Phân nguồn lao động trên địa bàn xã thành 3 nhóm và đưa ra những hình thức đào tạo cụ thể cho từng nhóm lao động: nhóm chuyển dịch lao động ra khỏi sản xuất nông nghiệp; nhóm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và nhóm là chủ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã. Bên cạnh việc đào tạo theo trường lớp cần mở rộng hình thức trao đổi, đối thoại, giao lưu giữa các tổ ngành nghề với doanh nghiệp.

b) Y tế

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 15 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW về củng cố, tăng cường và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; phát triển mạng lưới nhân viên sức khoẻ cộng đồng; phát huy vai trò mạng lưới y tế cơ sở trong chăm sóc y tế cho người nghèo.

+ Hỗ trợ các hình thức bảo hiểm y tế theo quy định.

c) Xây dựng đời sống văn hóa phong phú lành mạnh

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 16 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ Đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ hội, đoàn thể của xã và nhân dân về ý nghĩa của phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", làm cho phong trào càng phát triển sâu rộng, góp phần làm chuyển biến tích cực đến đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn.

+ Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 8 năm 1998 của Bộ Chính trị và quy chế thực hiện văn minh trong tiệc cưới, lễ tang, lễ hội... Thực hiện tốt chính sách về người nghèo...

+ Triển khai dần từng bước nâng cao chất lượng các phong trào: gia đình văn hóa, ấp văn hóa, gương người tốt, việc tốt.

d) Bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 17 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường và phòng, chống ô nhiễm môi trường sản xuất (nông nghiệp và ngành nghề nông thôn). Thường xuyên thống kê, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã và có kế hoạch giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

+ Đẩy mạnh công tác kiểm tra môi trường, kịp thời phát hiện những yếu tố gây nguy hại tới môi trường và sức khỏe người dân, đặc biệt là lao động và đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất theo hướng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

+ Vận động triển khai tổ chức "Hội thi môi trường Xanh - Sạch - Đẹp", kết hợp trồng cây xanh trên các trục đường đã được quy hoạch trên quy mô xã. + Tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư và vận động nhân dân định kỳ tổng vệ sinh trên địa bàn toàn xã.

5. Hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội

a) Củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở

- Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí 18 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức đạt chuẩn để không ngừng đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Cán bộ xã đạt chuẩn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã và phải hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 và Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nội vụ.

+ Cán bộ xã đạt chuẩn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã; Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "Trong sạch, vững mạnh"; Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên theo quy định của từng tổ chức.

+ Thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ trẻ đã được đào tạo, đủ tiêu chuẩn về công tác ở các xã để nhanh chóng chuẩn hoá đội ngũ cán bộ xã;

+ Hoàn thiện bộ máy chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đổi mới thiết chế dân chủ cơ sở, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở nông thôn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ địa phương có đủ kiến thức, năng lực và phẩm chất đạo đức để vận hành tốt nhiệm vụ.

b) An ninh chính trị và trật tự xã hội nông thôn

- Mục tiêu: Duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 19 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

- Nội dung thực hiện:

+ An ninh xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động của Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo đấu tranh phòng chống tội phạm, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng "âm mưu diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, thường xuyên phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc;

+ Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ở địa phương và vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, giải quyết tốt khiếu nại tố cáo, không xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người hoặc xảy ra điểm nóng.

III. DỰ KIẾN KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ HỖ TRỢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:

A. Tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ để thực hiện Đề án nông thôn mới xã An Phú, huyện Củ Chi, dự kiến: 264.714 triệu đồng, gồm:

1. Vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản: 146.984 triệu đồng (chiếm 55,53%).

2. Vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động trên địa bàn xã: 117.730 triệu đồng (chiếm 44,47%).

B. Nguồn vốn:

1. Vốn từ Ngân sách nhà nước: 138.215 triệu đồng, chiếm 52,21%; trong đó:

+ Vốn nông thôn mới: 36.568 triệu đồng;

+ Vốn lồng ghép: 101.647 triệu đồng;

* Vốn tập trung: 73.032 triệu đồng;

* Vốn phân cấp huyện: 16.852 triệu đồng;

* Vốn sự nghiệp: 11.763 triệu đồng.

2. Vốn cộng đồng: 88.289 triệu đồng, chiếm 33,35%; trong đó:

+ Vốn dân: 49.970 triệu đồng.

+ Vốn doanh nghiệp: 38.320 triệu đồng.

3. Vốn tín dụng: 38.210 triệu đồng

* Vốn đầu tư các nguồn được xác định cụ thể theo chương trình, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Phần 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện đề án: từ nay đến hết năm 2015.

2. Quy mô và khối lượng thực hiện: theo các biểu đính kèm.

3. Phương châm và nguyên tắc đầu tư, hỗ trợ

- Phát huy nội lực của địa phương là chính, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp.

- Phát huy dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư, khẩn trương, đồng bộ và chặt chẽ trong thủ tục hành chính và đầu tư.

a) Cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn

- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện Thông tư số 72/2010/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định về quản lý sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư tại 11 xã thực hiện Đề án "Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa";

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020.

- Căn cứ Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020.

b) Quản lý đầu tư và xây dựng

- Thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

- Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2020;

4. Phân công thực hiện

a) Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Ủy ban nhân dân xã An Phú, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã An Phú

- Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, Đảng viên, cán bộ, công chức quán triệt chủ trương của Trung ương và thành phố về chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã; vận động cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và đóng góp hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã.

- Thực hiện theo đúng nội dung của Đề án được phê duyệt, không được thay đổi nội dung của Đề án khi chưa được chấp thuận của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.

- Phân công các Phòng, ban, đơn vị chức năng của huyện, cán bộ chuyên môn của xã tham gia, hỗ trợ Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã An Phú xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án giai đoạn 2012 - 2015, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm đảm bảo tiến độ và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định hướng dẫn của pháp luật hiện hành.

b) Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố

- Phân công cán bộ, công chức theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã An Phú, huyện Củ Chi chuẩn bị và thực hiện, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí của ngành trên địa bàn xã.

- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu của Trung ương và thành phố do Sở, ngành phụ trách trên địa bàn xã.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã An Phú và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã An Phú triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Đề án được phê duyệt.

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn, hoàn tất thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng thiết yếu (theo phân công, phân cấp) của huyện Củ Chi và xã An Phú; tổ chức giám sát việc công bố, công khai các quy hoạch được phê duyệt.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã An Phú cân đối, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết và bố trí vốn ngân sách tập trung, vốn phân cấp hàng năm (2013 - 2015), đảm bảo tiến độ đầu tư, hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã An Phú.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới An Phú, đề xuất và dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, giao kế hoạch kinh phí sự nghiệp chi thường xuyên để thực hiện các hoạt động, đảm bảo tiến độ thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã An Phú.

c) Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình, dự án, các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn xã An Phú, huyện Củ Chi; định kỳ hàng tháng báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện; tham mưu, đề xuất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để thành phố tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 6085/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nông thôn mới xã An Phú, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015

  • Số hiệu: 6085/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/11/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 66
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản