Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6070/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 20018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN BỐ TRÍ KHÔNG GIAN VÀ CÁC PHÒNG CHỨC NĂNG CHO TRẠM Y TẾ MÔ HÌNH ĐIỂM

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

- Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

- Căn cứ Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới;

- Căn cứ Thông tư 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn;

- Căn cứ Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế về việc Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở;

- Căn cứ Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020;

- Căn cứ Quyết định số 4389/QĐ-BYT ngày 11/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Danh mục trang thiết bị cho Trạm Y tế xã mô hình điểm phục vụ triển khai Đề án Y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

- Căn cứ Quyết định số 4543/QĐ-BYT ngày 19/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt danh sách các xã, phường, thị trấn tham gia thực hiện Mô hình điểm trạm y tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế, Giám đốc dự án "Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế",

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng cho trạm y tế mô hình điểm được phê duyệt tại Quyết định số 4543/QĐ-BYT ngày 19/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 2. Giám đốc Sở Y tế tỉnh/thành phố có trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia mô hình điểm chịu trách nhiệm:

- Tổ chức lập dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng các Trạm y tế theo quy định của pháp luật hiện hành trên cơ sở hướng dẫn quy định tại phụ lục kèm theo Quyết định này và danh mục kỹ thuật chuyên môn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khả năng, hiệu quả sử dụng trang thiết bị y tế của đội ngũ cán bộ tại các trạm y tế tham gia mô hình điểm và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn.

- Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia mô hình điểm phê duyệt dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế bằng nguồn kinh phí quy định tại Quyết định số 4543/QĐ-BYT ngày 19/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 3. Giao Giám đốc dự án “Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (Dự án HPET) căn cứ vào dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế được duyệt và danh mục trang thiết bị (Ban hành theo QĐ số 4389/QĐ-BYT ngày 11/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế) để làm quy trình cung cấp các trang thiết bị cho các trạm y tế bằng nguồn kinh phí của Dự án HPET theo các quy định hiện hành.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 5. Các Ông/ Bà Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Trang thiết bị và Công trình y tế, Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh và các Vụ, Cục có liên quan thuộc Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố có trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia mô hình điểm, Giám đốc dự án “Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 5;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng (để biết);
- Lưu: VT, TB-CT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Lê Tuấn

 

HƯỚNG DẪN

BỐ TRÍ KHÔNG GIAN VÀ CÁC PHÒNG CHỨC NĂNG TRẠM Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THAM GIA THỰC HIỆN MÔ HÌNH ĐIỂM
(Kèm theo Quyết định số: 6070/QĐ-BYT ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

A. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Giám đốc Sở Y tế tỉnh/thành phố có trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia mô hình điểm chịu trách nhiệm:

Tổ chức thực hiện việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành trên cơ sở bản Hướng dẫn này bằng nguồn kinh phí quy định tại Quyết định số 4543/QĐ-BYT ngày 19/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Giám đốc dự án “Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (Dự án HPET) căn cứ vào hồ sơ thiết kế các trạm y tế tham gia mô hình điểm được duyệt và danh mục trang thiết bị được phê duyệt tại Quyết định số 4389/QĐ-BYT ngày 11/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế để làm quy trình cung cấp các trang thiết bị cho các trạm y tế bằng nguồn kinh phí của Dự án HPET theo các quy định hiện hành.

3. Đối với biển hiệu trạm y tế; biển hiệu tên khoa phòng; biển chỉ dẫn; bảng thông tin, truyền thông; bồn rửa tay; đồ nội thất trong danh mục dược duyệt tại Quyết định số 4389/QĐ-BYT ngày 11/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Dự án HPET cung cấp mới, đồng bộ trên cơ sở nhu cầu thực tế và đề xuất của Sở Y tế tỉnh/thành phố.

B. NỘI DUNG HƯỚNG DẪN

1. YÊU CẦU VỀ TỔNG THỂ:

- Có cổng, tường rào kiên cố bao quanh khuôn viên trạm. Cổng phải có biển tên trạm do Dự án HPET cung cấp.

- Có nhiều cây xanh, sạch sẽ, thoáng mát.

- Có chỗ để xe cho nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

- Có vòi nước sạch rửa tay, chân đặt phía trước tòa nhà chính.

- Có vườn cây thuốc nam. Tùy vào điều kiện diện tích khu đất, cây thuốc nam có thể bố trí thành vườn thuốc nam hoặc trồng vào chậu hoặc sử dụng tấm pano in tranh treo tại các không gian chung (sảnh đón tiếp, không gian đợi, phòng khám...). Các cây thuốc phải có biển cây thuốc do Dự án HPET cung cấp.

2. YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH:

2.1. Yêu cầu chung:

- Cấp công trình: Công trình chính phải từ cấp III trở lên.

- Đối với trạm y tế có nhiều hạng mục công trình, các công trình phải được liên hệ với nhau bằng nhà cầu nối (nhà cầu nối rộng tối thiểu 1,2m, có mái che, nền không ngập nước).

- Phải sơn lại tường trong và ngoài các công trình chính bằng 02 màu chủ đạo Trắng - Xanh ngọc (phù hợp với thiết bị nội thất do Dự án HPET cung cấp).

Các phòng trong công trình phải gắn biển tên phòng trước cửa chính (biển gắn trên tường và biển treo vuông góc với tường).

- Phải có các thùng đựng rác thải có màu sắc và biểu tượng phù hợp với loại chất thải phát sinh. Mỗi tầng của các tòa nhà có ít nhất một thùng đựng rác thải sinh hoạt đặt ở hành lang.

- Phải bảo đảm được cung cấp điện và chiếu sáng (nên được trang bị nguồn điện dự phòng sự cố), có nước sạch theo tiêu chuẩn.

- Bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

- Đáp ứng các tiêu chí Xanh-Sạch-Đẹp theo quy định của Bộ Y tế.

2.2. Yêu cầu về mặt bằng công trình:

Tổ chức bố trí các phòng chức năng trong công trình đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Thuận tiện cho hoạt động khám và chữa bệnh. Các luồng giao thông không chồng chéo, phải thuận theo quy trình khám chữa bệnh, thuận tiện cho hoạt động của nhân viên y tế, bệnh nhân và khách.

- Phải đảm bảo mối liên hệ giữa các phòng chức năng có yêu cầu riêng (VD: Phòng đẻ, khám phụ khoa, KHHGĐ, Phòng tiêm phải bố trí gần phòng tiệt trùng...).

- Có thể bố trí lồng chép các chức năng trong cùng một không gian (phòng) để đảm bảo hiệu quả trong sử dụng. Không gian đa chức năng phải có diện tích đủ rộng để đảm bảo cho các hoạt động đa chức năng (VD: Sảnh đón tiếp, đợi khám, đợi tiêm chủng, không gian truyền thông...).

- Đáp ứng yêu cầu môi trường sạch và an toàn vệ sinh phòng bệnh.

- Đáp ứng yêu cầu lắp đặt, điều kiện sử dụng của các trang thiết bị.

2.3. Yêu cầu về tổ chức không gian và các phòng chức năng trong công trình:

2.3.1. Không gian đón tiếp (không gian đa năng);

- Bố trí ở tầng 1, ngay lối vào chính.

- Phải đảm bảo thích ứng với điều kiện khí hậu, môi trường. Phải có diện tích đủ rộng để bố trí ghế ngồi chờ, bàn tiếp đón, bàn kê máy đo huyết áp tự động, cân sức khỏe có thước đo chiều cao, các bảng công khai thông tin, góc truyền thông giáo dục sức khỏe, thùng đựng rác sinh hoạt. Trường hợp không gian đón tiếp không đủ diện tích cần phải bố trí đợi tại hành lang thì phải có giải pháp kiến trúc (che chắn mưa, nắng nóng, gió rét...).

- Có các bảng công khai thông tin: bảng sơ đồ các phòng chức năng; bảng sơ đồ tổ chức nhân lực trạm; bảng giá dịch vụ, kỹ thuật, danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. (Bảng công khai thông tin do Dự án HPET cung cấp).

- Kết hợp góc truyền thông giáo dục sức khỏe: có chỗ treo tivi, bảng thông tin - truyền thông giáo dục sức khỏe, giá đựng tài liệu truyền thông (các tài liệu về truyền thông có thể bố trí tại sảnh, các không gian đợi, phòng khám, phòng tiêm, phòng lưu bệnh nhân...).

2.3.2. Phòng sơ cứu, cấp cứu (Vùng 1 có thể kết hợp với phòng khám tổng quát, phòng tiêm):

- Bố trí ở khu vực trung tâm, dễ tiếp cận trong tầng 1 tòa nhà chính của trạm.

- Diện tích tối thiểu 13m2, đủ rộng để kê giường cấp cứu, bàn tiểu phẫu, tủ đựng thuốc và dụng cụ sơ cứu cấp cứu, xe đẩy, không gian trên tường để treo phác đồ chống phản vệ và không gian để thao tác.

- Cửa ra vào rộng tối thiểu 1,4m, có hệ thống cấp, thoát nước phục vụ rửa dạ dày.

- Có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay.

- Có thùng đựng rác thải nguy hại, thùng đựng vật sắc nhọn, thùng đựng rác thải y tế.

2.3.3. Phòng khám tổng quát (kết hợp siêu âm):

- Bố trí ở khu vực trung tâm, dễ tiếp cận (nên bố trí tại tầng 1 tòa nhà chính của trạm).

- Diện tích tối thiểu 12m2, đủ rộng để kê bộ bàn ghế ngồi thăm bệnh, ghi chép, giường khám có rèm che hoặc vách ngăn di động, máy siêu âm, máy in, máy vi tính có phần mềm thanh toán bảo hiểm y tế, kết nối mạng, tủ đựng dụng cụ và không gian để thao tác.

- Có các tranh, ảnh hoặc ti vi phục vụ truyền thông giáo dục sức khỏe.

- Có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay.

- Có thùng đựng rác thải y tế, thùng đựng rác thải sinh hoạt.

2.3.4. Phòng khám y dược cổ truyền (kết hợp để phục hồi chức năng):

- Bố trí ở nơi dễ tiếp cận tại tầng 1.

- Diện tích tối thiểu 15m2, đủ rộng để bố trí khu khám bệnh (bộ bàn ghế bắt mạch và chia thuốc theo thang, tủ chia ô đựng thuốc cổ truyền) và khu điều trị (giường châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, có ri đô hoặc vách ngăn di động, đèn hồng ngoại điều trị, tủ đựng dụng cụ, không gian trên tường để treo tranh châm cứu và phác đồ xử lý các tai biến khi thực hiện thủ thuật). Trường hợp không đủ diện tích có thể bố trí 2 khu vực này ở 2 phòng cạnh nhau.

- Có các tranh, ảnh hoặc ti vi phục vụ truyền thông giáo dục sức khỏe

- Có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay

- Có thùng đựng rác thải y tế, thùng đựng rác thải sinh hoạt.

2.3.5. Phòng tiêm (kết hợp tiêm vắc xin):

- Bố trí cùng tầng với phòng khám trước tiêm,ở khu vực dễ tiếp cận. Có 2 cửa ra vào để bảo đảm quy trình 1 chiều.

- Diện tích tối thiểu 12m2, đủ rộng để kê bộ bàn ghế tiêm, tủ đựng vắc xin, tủ đựng thuốc và dụng cụ, và không gian để thao tác.

- Tường ốp gạch men cao tối thiểu 1,8m. Trên tường phải treo phác đồ chống phản vệ, lịch tiêm chủng, hướng dẫn theo dõi xử lý phản ứng sau tiêm.

- Có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay.

- Có hộp an toàn đựng bơm kim tiêm đã qua sử dụng, thùng đựng rác thải y tế, thùng đựng rác thải sinh hoạt.

2.3.6. Phòng khám trước tiêm vắc xin (có thể kết hợp với phòng khám tổng quát hoặc phòng tư vấn):

- Bố trí cùng tầng gần phòng tiêm. Có 2 cửa ra vào để bảo đảm quy trình 1 chiều.

- Diện tích tối thiểu 9m2, đủ rộng để kê bộ bàn ghế ngồi thăm bệnh, ghi chép và không gian để thao tác.

- Có các tranh, ảnh hoặc ti vi phục vụ truyền thông giáo dục sức khỏe.

- Có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay.

- Có thùng đựng rác thải y tế, thùng đựng rác thải sinh hoạt.

2.3.7 Phòng đẻ (sanh)/ Kế hoạch hóa gia đình (không áp dụng đối với vùng 1):

- Bố trí ở khu vực dễ tiếp cận tại tầng 1 tòa nhà của trạm.

- Diện tích tối thiểu 16m2, đủ rộng để kê bàn đẻ và thủ thuật, bàn đựng dụng cụ, tủ đựng thuốc và dụng cụ, bàn hồi sức sơ sinh, đèn khám để sàn và không gian để thao tác

- Nền không thấm nước, tường ốp gạch men cao tối thiểu 1,8m, hệ thống kín dẫn nước thải, đảm bảo kín gió.

- Có máy điều hòa nhiệt độ.

- Có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay.

- Có thùng đựng rác thải nguy hại, thùng đựng rác thải y tế, thùng đựng rác thải sinh hoạt

2.3.8 Phòng khám phụ khoa (không bắt buộc với vùng 1):

- Diện tích tối thiểu 12m2, đủ rộng để kê bàn khám phụ khoa, bàn đựng dụng cụ, tủ đựng dụng cụ, đèn khám để sàn và không gian để thao tác.

- Nền không thấm nước, tường ốp gạch men cao tối thiểu 1,8m

- Có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay

- Có thùng đựng rác thải nguy hại, thùng đựng rác thải y tế, thùng đựng rác thải sinh hoạt.

2.3.9 Phòng khám răng (không bắt buộc):

- Diện tích tối thiểu 12m2, đủ rộng để kê ghế răng, tủ đựng dụng cụ, bàn ghi hồ sơ và không gian để thao tác.

- Có các tranh, ảnh hoặc ti vi phục vụ truyền thông giáo dục sức khỏe.

- Có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay.

- Có thùng đựng rác thải nguy hại, thùng đựng rác thải y tế.

2.3.10. Phòng khám chuyên khoa (không bắt buộc):

- Diện tích tối thiểu 12m2, đủ rộng để kê bộ bàn ghế khám, tủ đựng dụng cụ, bàn ghi hồ sơ và không gian để thao tác.

- Có các tranh, ảnh hoặc ti vi phục vụ truyền thông giáo dục sức khỏe.

- Có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay.

- Có thùng đựng rác thải nguy hại, thùng đựng rác thải y tế.

2.3.11. Phòng lưu bệnh nhân (kết hợp lưu sản phụ, phục hồi chức năng):

- Diện tích tối thiểu 12m2, đủ rộng để kê ít nhất 2 giường bệnh, tủ đầu giường.

- Đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.

- Có các tranh, ảnh hoặc ti vi phục vụ truyền thông giáo dục sức khỏe.

- Nên có phòng vệ sinh riêng hoặc được bố trí gần khu vệ sinh chung. Trường hợp không có phòng vệ sinh riêng, cần có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay trong phòng.

- Có thùng đựng rác thải y tế.

2.3.12. Phòng xét nghiệm (vùng 2, vùng 3):

- Diện tích tối thiểu 6m2, đủ để kê bàn đựng trang thiết bị xét nghiệm, có máy điều hòa nhiệt độ hoặc máy hút ẩm, tủ đựng dụng cụ và không gian để thao tác.

- Tường ốp gạch men cao tối thiểu 1,8m hoặc sơn chống ăn mòn hóa chất.

- Có bồn rửa tay đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay.

- Có thùng đựng rác thải nguy hại, thùng đựng rác thải y tế.

2.3.13. Phòng tiệt trùng (có thể ghép với phòng xét nghiệm):

- Diện tích tối thiểu 4m2, đủ rộng để kê bàn đựng nồi hấp tiệt trùng, tủ sấy, tủ đựng dụng cụ và không gian để thao tác.

- Tường ốp gạch men cao tối thiểu 1,8m hoặc sơn chống ăn mòn hóa chất, có bồn rửa dụng cụ. Có quy trình chống nhiễm khuẩn và tiệt trùng dụng cụ y tế được phê duyệt treo trên tường.

- Có thùng đựng rác thải y tế, thùng đựng rác thải sinh hoạt.

2.3.14. Phòng X quang (không bắt buộc):

- Đủ điều kiện về an toàn bức xạ theo quy định.

- Diện tích tối thiểu 20m2, đủ rộng để đặt máy chụp X.quang, phòng điều khiển, phòng rửa phim (nếu cần) và không gian để thao tác.

2.3.15. Phòng hành chính (có thể kết hợp với phòng họp hoặc phòng trực):

- Diện tích tối thiểu 12m2, đủ kê bàn, ghế làm việc, tủ đựng tài liệu.

- Có máy in, máy vi tính kết nối mạng có phần mềm quản lý hoạt động của trạm, có bản đồ y tế.

- Có thùng đựng rác thải sinh hoạt.

2.3.16. Phòng họp (có thể kết hợp theo dõi sau tiêm):

- Diện tích tối thiểu 24m2, đủ rộng để kê bàn, ghế họp, lối đi.

- Có hệ thống âm thanh, màn hình ti vi.

- Có thùng đựng rác thải sinh hoạt.

2.3.17. Phòng trực (có thể ghép với tủ thuốc hoặc phòng hành chính):

- Bố trí ở nơi dễ tiếp cận tại tầng 1, có biển tên phòng dạng hộp treo vuông góc tường.

- Diện tích tối thiểu 9m2, đủ rộng để kê bộ bàn ghế làm việc, giường trực.

- Có chuông điện, điện thoại bàn.

- Có thùng đựng rác thải sinh hoạt.

2.3.18. Tủ thuốc (có thể ghép với phòng trực):

- Bố trí ở nơi dễ tiếp cận tại tầng 1 (bố trí ở sảnh đón tiếp), đảm bảo các điều kiện môi trường (ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm), phải cách xa nguồn ô nhiễm.

- Diện tích tối thiểu 4m2, đủ rộng để kê tủ thuốc (bố trí nhiều ngăn, ngăn chứa thuốc độc phải có khóa), tủ lạnh bảo quản thuốc, bộ bàn ghế làm việc có máy in, máy vi tính kết nối mạng có phần mềm thanh toán bảo hiểm y tế, có máy điều hòa nhiệt độ/máy hút ẩm duy trì nhiệt độ không vượt quá 30°C, độ ẩm không vượt quá 75%, có nhiệt kế, ẩm kế để theo dõi điều kiện bảo quản thuốc.

- Có thùng đựng rác thải sinh hoạt

2.3.19. Phòng trưởng trạm, phòng nhân viên (không bắt buộc):

- Diện tích tối thiểu 9m2

2.3.20. Kho (không bắt buộc):

- Diện tích tối thiểu 9m2

2.3.21. Khu vệ sinh:

- Nên bố trí trong công trình chính và có biển chỉ dẫn đến khu vệ sinh.

- Khu vệ sinh có mái che, nền chống trơn trượt và không đọng nước, cửa mở ra ngoài và khóa được từ bên trong, đảm bảo đủ nước sạch.

- Có nhà tắm cho nhân viên và bệnh nhân.

- Có nhà vệ sinh tự hoại, có vòi rửa vệ sinh cạnh bồn cầu, không có mùi hôi, có giấy vệ sinh, thùng đựng rác thải.

- Có bồn rửa tay, đủ nước sạch, xà phòng (xà bông)/nước rửa tay.

2.3.22. Bếp (không bắt buộc):

- Diện tích tối thiểu 9m2.

2.4.Yêu cầu về hạ tầng ngoài nhà:

- Phải có hệ thống kín thu gom nước thải dẫn đến nơi xử lý.

- Có khu lưu giữ chất thải bố trí tách rời các tòa nhà: Phải có mái che, nền không đọng nước, có biển tên theo mẫu, có thùng lưu giữ chất thải (có màu sắc và biểu tượng phù hợp tương ứng với phân loại chất thải của các phòng chức năng) đảm bảo khả năng lưu chứa phù hợp với khối lượng chất thải.

- Có hệ thống xử lý nước thải theo quy định.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 6070/QĐ-BYT năm 2018 hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng cho trạm y tế mô hình điểm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 6070/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/10/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Lê Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản