Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 607/QĐ-UBND

Hà Tĩnh , ngày 03 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Văn bản số 8576/BNN-TCLN ngày 10/10/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cho ý kiến về điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 16/01/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2008 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh Khóa XVII, kỳ họp thứ 3 về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 54/TTr-SNN ngày 14/02/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:

I. Điều chỉnh diện tích quy hoạch 3 loại rừng.

1. Đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng: Diện tích 1.814,5ha trong đó rừng tự nhiên 292,6ha; rừng trồng 768,6ha; đất chưa có rừng 355,1ha và đất khác 398,2ha.

2. Bổ sung vào quy hoạch 3 loại rừng: Diện tích 1.546,9ha, trong đó rừng tự nhiên 40,9ha; rừng trồng 1.470,2ha; đất chưa có rừng 35,8ha, gồm:

- Bổ sung vào đối tượng quy hoạch rừng sản xuất: Diện tích 1.393,2ha, trong đó rừng tự nhiên 40,9ha, rừng trồng 1.339,9ha, đất chưa có rừng 12,4ha.

- Bổ sung vào đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ: Diện tích 153,7ha, trong đó rừng trồng 130,3ha và đất chưa có rừng 23,4ha.

3. Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng: Tổng diện tích quy hoạch rừng phòng hộ điều chỉnh sang quy hoạch rừng sản xuất là 1.268,9ha; trong đó rừng tự nhiên 233,8ha; rừng trồng 671,3ha; đất chưa có rừng 215,8ha và đất khác 148,0ha.

4. Diện tích 3 loại rừng sau bổ sung và điều chỉnh:

Tổng diện tích 360.703ha, trong đó rừng tự nhiên 218.259ha, rừng trồng 95.175ha, đất chưa có rừng 40.632ha và đất khác 6.637ha; quy hoạch theo 3 loại rừng như sau:

- Quy hoạch rừng đặc dụng: Tổng diện tích 74.509ha trong đó rừng tự nhiên 73.311ha, rừng trồng 616ha đất chưa có rừng 582ha.

- Quy hoạch rừng phòng hộ: Tổng diện tích 113.218ha, trong đó rừng tự nhiên 80.806ha, rừng trồng 22.015ha, đất chưa có rừng 9.658ha và đất khác 739ha.

- Quy hoạch rừng sản xuất: Tổng diện tích 172.976ha, trong đó rừng tự nhiên 64.143ha, rừng trồng 72.544ha, đất chưa có rừng 30.391ha và đất khác 5.898ha.

(Chi tiết có Báo cáo điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và bản đồ quy hoạch 3 loại rừng kèm theo).

II. Nội dung điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

1. Mục tiêu, nhiệm vụ:

- Mục tiêu đến năm 2020: Độ che phủ của rừng ổn định 52% và chất lượng rừng tự nhiên, rừng trồng ngày càng được cải thiện; đưa sản lượng gỗ rừng trong khai thác hàng năm 800.000m3, trong đó trồng rừng tập trung thâm canh đạt khoảng 700.000 m3/năm, năng suất bình quân đạt 15 m3/ha/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân là 12%; giá trị sản xuất lâm nghiệp chưa qua chế biến đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, xuất khẩu đạt khoảng 70 triệu USD/năm; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 70.000 lao động, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho nông dân miền núi; nâng cao nhận thức cho người dân sống gần rừng tham gia vào việc bảo vệ môi trường sinh thái.

- Nhiệm vụ: Quản lý, bảo vệ và phát triển ổn định lâm phận của tỉnh với quy mô 343.674ha vào năm 2020 (giảm 17.028ha do chuyển sang mục đích khác), trong đó 74.330ha rừng đặc dụng, 112.928ha rừng phòng hộ và 156.416ha rừng sản xuất. Tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng rừng, đất rừng, đặc biệt là rừng sản xuất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng:

2.1. Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp:

Đơn vị tính: Ha

Hạng mục

Năm 2015 (sau điều chỉnh, bổ sung)

Năm 2020

Cơ cấu năm 2020 (%)

Tăng (+), giảm (-)

Tổng DT tự nhiên

599.031

599.031

100,00

 

Tổng DT lâm nghiệp

360.703

343.674

57,37

-17.028

- Có rừng

313.435

312.921

52,24

-514

+ Rừng tự nhiên

218.259

218.390

36,46

130

+ Rừng trồng

95.175

94.531

15,78

-644

- Đất chưa có rừng

40.632

24.878

4,15

-15.753

- Đất khác

6.637

5.875

0,98

-761

1. Rừng đặc dụng

74.509

74.330

12,41

-179

2. Rừng phòng hộ

113.218

112.928

18,85

-290

3. Rừng sản xuất

172.976

156.416

26,11

-16.560

2.2. Bảo vệ rừng

Quy hoạch bảo vệ rừng từ nay đến năm 2020: Tổng diện tích rừng bảo vệ 308.349 ha/năm, trong đó rừng đặc dụng 73.926 ha/năm, rừng phòng hộ 101.345 ha/năm và rừng sản xuất 133.078 ha/năm.

2.3. Phát triển rừng

- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 4.365 ha/năm, trong đó rừng đặc dụng 27 ha/năm, rừng phòng hộ 2.272 ha/năm và rừng sản xuất 2.066 ha/năm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 3.793 ha/năm, trong đó rừng đặc dụng 103 ha/năm, rừng phòng hộ 1.610 ha/năm và rừng sản xuất 2.080 ha/năm.

- Trồng mới: 7.969ha, bình quân 1.594ha gồm: Rừng đặc dụng 212ha, rừng phòng hộ 2.425ha, rừng sản xuất 5.332ha.

- Trồng nâng cấp cho rừng phòng hộ 1.448ha.

- Trồng rừng sản xuất sau khai thác rừng trồng 35.000ha, bình quân 7.000 ha/năm.

- Trồng rừng bán ngập nước diện tích khoảng 550ha.

- Mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh trồng thêm 04 triệu cây phân tán.

- Cây cao su: Phát triển thêm khoảng 2.757ha để đưa diện tích cao su đúng đạt 13.477ha vào năm 2020.

- Cải tạo rừng sản xuất 1.548ha, bình quân 310 ha/năm.

- Làm giàu rừng 585ha, bình quân 117 ha/năm.

2.4. Khai thác

- Khai thác rừng trồng tập trung 35.000ha bình quân 7.000 ha/năm, sản lượng 3.500.000m3 bình quân 700.000 m3/năm.

- Khai thác rừng trồng phân tán toàn giai đoạn là 10 triệu cây, tương đương 5.000ha, sản lượng 500.000m3 ; bình quân mỗi năm khai thác 100.000 m3.

- Khai thác lâm sản ngoài gỗ bao gồm: Song, mây 15.000 tấn, bình quân 3.000 tấn/năm; nhựa thông 5.000 tấn, bình quân 1.000 tấn/năm; mủ cao su 27.500 tấn, bình quân 5.500 tấn/năm; khai thác tre nứa 1.2 triệu cây/năm và các loài thực phẩm dược liệu.

Ưu tiên sử dụng gỗ và các lâm sản từ gỗ khai thác được cho các cơ sở chế biến trong tỉnh.

2.5. Chế biến lâm sản

Tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển chế biến lâm sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 09/01/2013 và Quy hoạch phát triển rừng sản xuất phục vụ chế biến lâm sản tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 3180/QĐ-UBND ngày 21/10/2014 của UBND tỉnh, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất gồm: Một nhà mát chế biến ván MDF trên tuyến đường Hồ Chí Minh và một nhà máy ở Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh với công suất mỗi nhà máy dự kiến 150.000m3 nguyên liệu/năm, sản phẩm sản xuất dự kiến 75.000m3/năm trở lên. Hình thành các khu chế biến gỗ tập trung tại các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

3. Tổng hợp vốn đầu tư:

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng toàn kỳ dự kiến 2.217.791 triệu đồng.

- Nguồn vốn: vốn ngân sách 436.746 triệu đồng, trong đó vốn địa phương 43.675 triệu đồng và vốn trung ương 393.071 triệu đồng; vốn tín dụng: 1.246.732 triệu đồng; vốn tự có: 178.104 triệu đồng; vốn nước ngoài: 356.209 triệu đồng.

(Chi tiết có Báo cáo điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và Bản đồ kèm theo)

III. Một số giải pháp chủ yếu.

1. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

2. Tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

- Tăng cường quản lý nhà nước trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp sang thực hiện các dự án, chương trình phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, đầu ra của các cơ sở chế biến.

- Đẩy mạnh phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng giữa các ban, ngành, các địa phương trong tỉnh và giữa lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng.

- Phối hợp chặt chẽ trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với các tỉnh giáp ranh Nghệ An, Quảng Bình và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

3. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Xây dựng đề án khai thác tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng: Huy động nguồn lực, có chính sách khuyến khích mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp để phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh theo quy hoạch như: Gỗ nguyên liệu, chè, cam bưởi, cao su... và các sản phẩm, dịch vụ từ rừng. Trong đó cần quan tâm, chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ chế biến; khai thác tiềm năng về du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng; gây trồng, khai thác, chế biến lâm sản phi gỗ; đẩy mạnh liên kết sản xuất hình thành các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp...

4. Nâng cao năng lực các ban quản lý rừng và đổi mới tổ chức sản xuất; hoàn thiện giao đất giao rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gần rừng.

- Nâng cao năng lực quản lý rừng và sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty lâm nghiệp và các tổ chức có liên quan nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và hiệu quả trong sản xuất lâm nghiệp. Chỉ đạo các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn thực hiện hiệu quả Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Tiếp tục xem xét rà soát, thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân đã được giao nhưng sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để giao cho các đối tượng khác, hoặc giao cho địa phương để giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư sử dụng nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp theo quy định. Đồng thời rà soát diện tích rừng và đất rừng do địa phương quản lý không giao được cho hộ gia đình, cá nhân, công tác quản lý bảo vệ khó khăn, để xem xét giao lại cho các chủ rừng liền kề, nhằm đảm bảo thuận lợi, hiệu quả cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

- Hoàn thiện công tác giao đất, giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và tổ chức, đảm bảo quản lý chặt chẽ. Đồng thời quan tâm cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng như khuyến khích, hỗ trợ kinh tế vườn đồi, xây dựng và nhân rộng mô hình trang trại nông lâm kết hợp.

5. Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ, đào tạo và khuyến lâm.

- Nghiên cứu, chuyển giao các phương thức kinh doanh rừng tổng hợp, bền vững; kỹ thuật nhân giống mới có năng suất cao; kỹ thuật nông lâm kết hợp có hiệu quả; công nghệ mới, hiện đại trong chế biến sâu lâm sản.

- Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm nhằm chuyển giao, hỗ trợ đưa khoa học, công nghệ mới vào phục vụ sản xuất. Đầu tư hỗ trợ xây dựng một số mô hình sản xuất kinh doanh rừng hiệu, quả, bền vững để phổ biến, nhân rộng. Mở các lớp tập huấn chuyển giao về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác rừng hợp lý; các lớp bồi dưỡng về quản lý rừng, hạch toán kinh tế trong kinh doanh rừng...

- Đẩy mạnh áp dụng, đầu tư các dây chuyền công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại với công suất, thiết bị đủ lớn, ít ô nhiễm môi trường vào sản xuất, trong đó ưu tiên công nghệ chế biến gỗ rừng trồng sản xuất ván nhân tạo như MDF, ván ghép thanh...

6. Nâng cao chất lượng rừng trồng gắn với đẩy mạnh chế biến tinh, sâu; liên doanh liên kết, mở rộng thị trường nhằm nâng cao giá trị rừng trồng.

- Phát triển diện tích rừng trồng nguyên liệu tập trung thâm canh. Từng bước thay thế những diện tích rừng trồng kém hiệu quả, tăng diện tích thâm canh các loại giống có năng suất cao, rừng nguyên liệu gỗ lớn, cây bản địa; khuyến khích phát triển lâm nghiệp đa chức năng, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung thâm canh, mô hình kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả với trồng rừng và khai thác rừng bền vững.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chuyển hướng từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác, kinh doanh gỗ lớn phục vụ chế biến tinh, sâu.

- Tập trung phát triển công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng tinh sâu, sản xuất các mặt hàng có sức cạnh tranh cao.

- Đẩy mạnh liên kết trong phát triển sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp.

- Xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ gỗ và lâm sản.

7. Thực hiện hiệu quả chính sách đã có, tiếp tục có chính sách khuyến khích mạnh mẽ cho phát triển lâm nghiệp.

Thực hiện, vận dụng các chính sách đã có của Trung ương, của tỉnh một cách hiệu quả thiết thực, đồng thời nghiên cứu, bổ sung một số chính sách của tỉnh để khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế rừng.

8. Quan tâm huy động nguồn vốn đáp ứng yêu cầu.

- Ưu tiên đầu tư nguồn ngân sách cho các chương trình, dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo hướng bền vững.

- Tiếp tục khai thác, bổ sung Quỹ bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn để hỗ trợ vào nguồn đầu tư của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trọng điểm.

- Khuyến khích, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, kinh doanh tổng hợp, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ.

- Chủ động kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án liên doanh, liên kết đầu tư trồng rừng gắn với chế biến lâm sản, các dự án trồng, bảo vệ rừng sạch (dự án CDM) và các dự án phát triển, hiện đại hóa ngành lâm nghiệp có liên quan.

- Kêu gọi và huy động nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vì mục đích kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái.

IV. Tổ chức thực hiện.

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các nội dung về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch; xây dựng chính sách phù hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện tốt quy hoạch; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

2. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, căn cứ quy hoạch được phê duyệt, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn hàng năm đảm bảo thực hiện quy hoạch hiệu quả, đúng tiến độ.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh trong việc quản lý đất đai đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

4. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp nông thôn xây dựng chương trình nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp, đảm bảo phục vụ kịp thời yêu cầu của sản xuất.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, nghiên cứu quy hoạch được phê duyệt, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp nông thôn triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch liên quan đến địa phương mình đảm bảo thống nhất, hiệu quả thiết thực.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổng hợp, theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng theo từng năm, từng giai đoạn trong quá trình thực hiện Quy hoạch này để đề xuất bổ sung, điều chỉnh kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TTr Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban KTNS HĐND tỉnh;
- Phó VP.UBND tỉnh (theo dõi nông lâm);
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu VT, NL.
Gửi VB giấy và ĐT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 607/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020

  • Số hiệu: 607/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Đặng Ngọc Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản