Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 603/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2008 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2008 của Quốc hội Nưíc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII;
Xét đề nghị của Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tại Công văn số 182/STP-TTr ngày 16 tháng 01
năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Căn cứ vào Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố: các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ quan, tổ chức, địa phương mình.

Điều 3. Sở Tư pháp - Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức, thực hiện các nội dung của kế hoạch.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Giám đốc các sở,
Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thành phố, Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ Tư pháp;
- Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- Thường trực UBND.TP;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Các Báo, Đài thành phố;
- VPHĐ-UB: Các PVP và Phòng CV;
- Lưu:VT, (NC/K) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

KẾ HOẠCH

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2008 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 603 /QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.

2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và phải được tiến hành thường xuyên liên tục.

3. Các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật phải được liên kết, lồng ghép với các cuộc vận động và các phong trào thi đua ở cơ sở.

4. Thường xuyờn đổi mới về phương pháp, hình thức, nội dung để đảm bảo các hoạt động tuyên truyền pháp luật luôn đa dạng, phong phú và phù hợp với từng đối tượng; không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

II. NỘI DUNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Phổ biến các văn bản Luật míi được ban hành:

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung phổ biến các văn bản Luật mới được ban hành năm 2007, gồm: Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật đặc xá, Luật tương trợ tư pháp, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật hóa chất, Luật phòng chống bạo lực trong gia đình, Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền các văn bản Luật được ban hành trong năm 2008.

Ngoài những văn bản Luật nêu trên, căn cứ vào nhu cầu tìm hiểu pháp luật; tình hình hoạt động tại các cơ quan, đơn vị; tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị tại địa phương, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố, sở - ngành và quận - huyện có kế hoạch phổ biến, giáo dục các văn bản Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị, địa phương mình.

2. Thực hiện Kế hoạch “Năm 2008 - Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành:

Tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho mọi đối tượng nhân dân thành phố; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong ý thức chấp hành pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực giao thông đường bộ, không đua xe trái phép; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng.

3. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng:

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục cho tất cả các đối tượng và thành phần trong xã hội, tuy nhiên cần tập trung thực hiện có hiệu quả đối với những đối tượng sau:

3.1. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức của các sở - ngành, quận - huyện:

Phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật về sở hữu trí tuệ, các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, .v.v...

Tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật về cán bộ công chức; khiếu nại tố cáo; phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí; cải cách hành chính và các quy định pháp luật chuyên ngành, gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của từng cán bộ công chức.       

3.2. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên:

Thực hiện thường xuyên và hiệu quả việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên; phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự và an toàn giao thông đường bộ; pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh nơi công cộng; pháp luật về nghĩa vụ quân sự…

3.3. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp:

Tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật lao động, nhất là các quy định về tuyển dụng; ký kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng lao động; thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; vấn đề kỷ luật người lao động; vấn đề đình công; chế độ tiền lương tiền thưởng,.v.v… Ngoài ra, cần trang bị cho các doanh nghiệp và người lao động về Luật phòng cháy chữa cháy; Luật bảo hiểm xã hội; an toàn giao thông. Đối với các doanh nghiệp, còn tập trung phổ biến các quy định có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật thương mại, sở hữu công nghiệp …

III. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo lãnh đạo

- Củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (gọi tắt là Hội đồng phối hợp) các cấp;

- Hoàn thiện quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp, qua đó phát huy vai trò, vị trí của các thành viên Hội đồng phối hợp;

- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả;

- Triển khai có hiệu quả 4 Đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân ở xã, phường, thị trấn, theo Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

- Việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và gắn liên với công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ công chức, xem việc học tập pháp luật là một trong những tiêu chuẩn để bình xét thi đua, đề bạt nâng lương, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức trách nhiệm công chức trong thi hành công vụ, phục vụ nhân dân.

2. Một số hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện:

- Củng cố đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền cho báo cáo viên pháp luật thành phố, quận - huyện.

- Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phải gắn với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị, trực tiếp phục vụ cho việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương, các cấp, các ngành.

- Thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng như: các chương trình giới thiệu pháp luật, thi Công dân và Pháp luật trên Đài Truyền hình; các chương trình phát thanh về pháp luật trên Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các chuyên mục, chuyên trang pháp luật trên báo chí của thành phố; tăng cường phổ biến các quy định pháp luật có liên quan mật thiết đến nhân dân qua các bản tin hàng tháng của cấp huyện, cấp xã. Đối với các huyện ngoại thành cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa ngành Tư pháp và ngành Văn hóa Thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh cấp xã.

- Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý miễn phí dưới nhiều hình thức cho các đối tượng nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, người nghèo qua đó đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức pháp luật cho các đối tượng này.

- Biên soạn các loại đề cương, tài liệu hỏi đáp pháp luật, biên tập các loại sách cẩm nang pháp luật, tờ gấp tuyên truyền có liên quan đến các vấn đề thiết yếu trong đời sống nhân dân, gửi đến các tổ dân phố, hộ gia đình làm tài liệu tuyên truyền.

- Tăng cường hình thức tuyên truyền miệng cho các đối tượng. Kết hợp biện pháp tuyên truyền miệng với hình thức đố vui pháp luật hoặc biểu diễn các tiểu phẩm minh họa hoặc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng nhân dân. Đối với một số văn bản luật khi tuyên truyền miệng có thể thể hiện bằng giáo cụ trực quan hoặc hình ảnh minh họa để tăng thêm phần hứng thú cho người nghe.

- Tăng cường hình thức tổ chức các cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước. Nội dung hình thức thi cần đa dạng, phong phú về thể loại và có lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn khác của cơ quan, đơn vị.

- Ủy ban nhân dân xã - phường, thị trấn cần tích cực đề ra các biện pháp để nâng cao hiệu quả của các tủ sách pháp luật; thường xuyên thông báo nội dung sách, tài liệu pháp luật cho nhân dân đến mượn sách đọc. Thực hiện tốt việc luân chuyển sách về các khu phố văn hóa, ấp văn hóa, bưu điện, bưu cục văn hóa nhằm khai thác triệt để và có hiệu quả tủ sách pháp luật ở các xã phường. Thực hiện việc xây dựng tủ sách pháp luật ở các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, trường học tạo điều kiện cho cán bộ - công chức, người lao động, học sinh, sinh viên, học viên có điều kiện nâng cao hiểu biết pháp luật.

- Tập trung xây dựng, củng cố lực lượng hòa giải viên cơ sở để đảm bảo đủ số lượng, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Định kỳ hàng năm tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật phổ thông cho hòa giải viên. Thực hiện tốt chế độ bồi dưỡng cho hòa giải viên theo mức chi tại Quyết định số 93/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời động viên khuyến khích các hoạt động hòa giải ở cơ sở.

3. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương:

3.1. Căn cứ vào Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, các quận - huyện, sở - ngành, cơ quan, đơn vị lập kế hoạch và triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị và địa phương mình.

3.2. Giao Sở Tư pháp thành phố phối hợp với Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân và các Báo của thành phố xây dựng các chương trình, chuyên mục tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng phong phú và hiệu quả.

3.3. Giao cho Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với các sở - ngành đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ cho các đối tượng nhân dân.

3.4. Giao Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp, củng cố và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật thành phố, quận - huyện; thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới được Nhà nước ban hành và bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ này.

3.5. Giao Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tổ chức triển khai và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch này. Định kỳ hàng quý tổ chức đánh giá những mặt làm được, chưa làm được và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng phối hợp thành phố để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

3.6. Giao Ủy ban nhân dân các quận - huyện xây dựng, củng cố lực lượng hòa giải viên cơ sở, hàng quý có chương trình tập huấn nghiệp vụ pháp luật và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho lực lượng hòa giải viên. Thực hiện chế độ bồi dưỡng cho hòa giải viên theo mức chi tại Quyết định số 93/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố; chuẩn bị tốt về mọi mặt để thực hiện việc tổ chức tổng kết 10 năm ban hành Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

3.7. Căn cứ vào Thông tư số 63/2005/BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tài chính “hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật” và Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài chính tham mưu việc cấp kinh phí cho Hội đồng phối hợp thành phố, các Hội đồng phối hợp của các sở - ngành, quận -huyện để tổ chức thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố./.

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 603/QĐ-UBND năm 2008 về kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 603/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/02/2008
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tài
  • Ngày công báo: 01/03/2008
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản