Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 590/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ NỘI BÀI - THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG SAU NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 911/1997/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc;

Căn cứ Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Nội Bài;

Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 1587/BGTVT-KHĐT ngày 17 tháng 3 năm 2008 về việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Thành phố Hà Nội giai đoạn đến 2020 và định hướng sau 2020; ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng tại văn bản số 77/BXD-KTQH ngày 15 tháng 01 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020 với các nội dung sau:

1. Tên Dự án: Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Thành phố Hà Nội giai đoạn đến 2020 và định hướng sau 2020.

2. Địa điểm: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Thành phố Hà Nội.

3. Nội dung điều chỉnh:

- Cập nhật các nội dung đã cho phép điều chỉnh:

+ Vị trí và quy mô nhà ga hàng hóa.

+ Vị trí đài kiểm soát không lưu.

+ Vị trí nhà điều hành, khu chế biến suất ăn.

+ Các công trình sân đường: bổ sung đường cất hạ cánh (CHC) thứ 2 (đường CHC 1B).

- Các nội dung bổ sung điều chỉnh:

+ Xác định vị trí và năng lực nhà ga hành khách T2 là 15 triệu hành khách/năm trong giai đoạn đến năm 2020, vị trí và quy mô các công trình sân đường máy bay (hệ thống sân đỗ máy bay và các đường lăn nối.

+ Vị trí và quy mô nhà ga hành khách VIP.

+ Phương án thoát nước tổng thể.

+ Vị trí các công trình kỹ thuật phục vụ máy bay trên sân đỗ và các công trình khác (bao gồm: khu thiết bị phục vụ mặt đất, trạm cứu nguy cứu hỏa, bảo dưỡng máy bay, cung cấp nhiên liệu ...).

+ Quy hoạch hệ thống giao thông nội bộ, giao thông trước nhà ga, đường trục vào Cảng hàng không và kết nối với hệ thống giao thông khu vực (bao gồm cả đường bộ và đường sắt, các nhà ga đường sắt đi ngầm trong phạm vi Cảng hàng không).

+ Quy hoạch khu thương mại, dịch vụ, cơ quan hành chính... phục vụ cho hoạt động của Cảng hàng không.

+ Quy hoạch các công trình phía Nam Cảng hàng không trong giai đoạn định hướng phát triển sau năm 2020 (chú trọng đến việc điều chỉnh vị trí đường CHC phía Nam - 2A) và xác định ranh giới phía Nam Cảng hàng không.

4. Nội dung quy hoạch:

Cấp sân bay: cấp 4E cho giai đoạn đến năm 2020 và cấp 4F cho giai đoạn định hướng sau năm 2020 (theo mã chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp I.

Vai trò, chức năng trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc: là Cảng hàng không quốc tế của Thủ đô và cả nước.

Tính chất sử dụng: Dùng chung dân dụng và quân sự.

a) Nội dung quy hoạch giai đoạn đến năm 2020:

- Quy hoạch khu bay:

+ Đường cất hạ cánh (CHC): Gồm 02 đường CHC cách nhau 250m, có khả năng tiếp nhận máy bay cấp E, bao gồm:

Ÿ Đường CHC 1A: Kích thước 3.200m x 45m, lề vật liệu rộng 7,5m.

Ÿ Đường CHC 1B: Kích thước 3.800m x 45m, lề vật liệu rộng 7,5m.

Ÿ Các dải bảo hiểm đầu có chiều dài tối thiểu 300m, bảo hiểm sườn rộng 50m.

+ Hệ thống đường lăn: chiều rộng 23m, lề vật liệu rộng 10,5m, có khả năng tiếp nhận máy bay cấp E, bao gồm:

Ÿ 01 đường lăn chính (đường lăn song song).

Ÿ 07 đường lăn nối hai đường CHC 1A và 1B (trong đó có 04 đường lăn cao tốc).

Ÿ 09 đường lăn nối đường CHC 1B và đường lăn song song (trong đó có 0 đường lăn cao tốc).

Ÿ 05 đường lăn nối từ đường lăn song song vào sân đỗ máy bay.

Ÿ 01 sân chờ tại đầu 11R đường CHC 1B.

+ Hệ thống sân đỗ máy bay: đáp ứng 29 vị trí đỗ và có thể mở rộng sân để đảm bảo đáp ứng 43 vị trí đỗ.

- Quy hoạch khu hàng không dân dụng:

+ Nhà ga hành khách: Tổng công suất đạt 20 triệu hành khách/năm - 25 triệu hành khách/năm, bao gồm:

Ÿ Nhà ga hành khách T1: phục vụ hoạt động bay nội địa, dự kiến mở rộng nâng công suất đạt 7,2 triệu hành khách/năm - 10 triệu hành khách/năm.

Ÿ Nhà ga hành khách T2: phục vụ hoạt động bay quốc tế, công suất đạt 10 triệu hành khách/năm - 15 triệu hành khách/năm.

+ Nhà ga hành khách VIP.

+ Nhà ga hàng hóa: công suất 260.000 tấn/năm và có diện tích dự phòng đảm bảo yêu cầu phục vụ.

+ Trung tâm điều hành Cảng hàng không: bao gồm nhà điều hành Cụm cảng hàng không miền Bắc và nhà điều hành hoạt động bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

+ Khu hành chính, thương mại, dịch vụ gồm các công trình: Khu khách sạn hàng không, dịch vụ và khu cơ quan hành chính, văn phòng đại diện các hãng hàng không.

- Quy hoạch khu phục vụ kỹ thuật:

+ Khu cứu nguy, cứu hỏa đạt cấp 10 (theo phân cấp của ICAO).

+ Khu vực thiết bị phục vụ mặt đất.

+ Khu chế biến suất ăn: xây dựng trong giai đoạn đến 2015.

+ Khu cấp nhiên liệu: công suất đạt 12.600m3 nhiên liệu. Phương thức nạp liệu chủ yếu bằng các họng nạp.

+ Khu bảo dưỡng máy bay: tổng diện tích khoảng 230.000m2 (bao gồm cả hệ thống sân đỗ và đường lăn phục vụ bảo dưỡng).

+ Hệ thống cấp điện: sử dụng nguồn điện của Huyện Sóc Sơn - Thành phố Hà Nội từ đường dây 35KV hoặc 22KV của khu vực.

+ Hệ thống thoát nước: hệ thống thoát nước khu bay cơ bản được chia về hai phía: Đông và Tây Cảng hàng không với giải pháp thoát nước chính là thu và thoát nước bằng các nhánh trục gồm hệ thống cống ngầm phối hợp với các mương hở chạy song song đường CHC.

+ Khu chứa và xử lý chất thải: chất thải lỏng chủ yếu được xử lý qua hệ thống bể lắng lọc nội bộ. Các chất thải rắn và các chất thải chuyên dụng khác được thu gom và tập trung xử lý tại khu xử lý môi trường của địa phương.

+ Các công trình bảo vệ: bao gồm hệ thống tường rào và bốt gác.

- Quy hoạch khu quản lý bay:

+ Đài kiểm soát không lưu: chiều cao khoảng 88m.

+ Các thiết bị hỗ trợ được trang bị đồng bộ.

+ Phương thức tiếp cận hạ cánh: có thiết bị tiếp cận hạ cánh chính xác CAT II (dự kiến có thể nâng lên CAT III).

- Quy hoạch giao thông:

+ Đường trục ra vào Cảng hàng không: mở rộng về phía Nam, chiều rộng 80m.

+ Hệ thống giao thông: kết nối giữa các nhà ga bằng các cầu cạn, chiều rộng mặt cầu cạn 15m.

+ Tuyến đường sắt tiếp cận Cảng hàng không đi ngầm dưới đất. Có 02 nhà ga đường sắt được bố trí tương ứng với nhà ga hành khách T1 và T2.

+ Hệ thống sân đỗ ôtô: được bố trí phía trước nhà ga hành khách và ga hàng hóa, bám theo mặt đường trục.

- Quy hoạch sử dụng đất:

+ Nhu cầu sử dụng đất giai đoạn đến năm 2020: 696,8ha. Trong đó:

+ Diện tích đất hiện có: 544,0 ha.

+ Diện tích đất cần đền bù giải phóng mặt bằng: 152,8 ha.

- Các chỉ tiêu đạt được của quy hoạch giai đoạn đến năm 2020:

+ Cấp Cảng hàng không: 4E (theo ICAO) và sân bay quân sự cấp I.

+ Số lượng đường cất hạ cánh: 02 đường CHC.

+ Số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm: 29 máy bay các loại.

+ Loại máy bay tiếp nhận: máy bay đến cấp E và tương đương.

+ Lượng hành khách tiếp nhận: 20-25 triệu hành khách/năm.

+ Lượng hành khách giờ cao điểm: 5.350 hành khách/gcđ.

+ Lượng hàng hóa tiếp nhận: 260.000 tấn/năm.

+ Cấp cứu nguy, cứu hỏa: cấp 10.

+ Cấp tiếp cận hạ cánh: tiếp cận hạ cánh chính xác cấp CAT-II.

b) Nội dung quy hoạch định hướng cho giai đoạn sau năm 2020.

- Hoàn chỉnh khu phía Bắc.

+ Nhà ga hành khách: hoàn chỉnh và nâng cấp các công trình nhà ga hành khách thuộc khu phía Bắc đạt 25 triệu hành khách/năm.

+ Nhà ga hàng hóa: tiếp tục mở rộng, nâng công suất đạt 500.000 tấn/năm.

- Phát triển về phía Nam.

+ Đường CHC: quy hoạch thêm đường CHC số 2A song song và cách đường CHC 1B là 1.700m, kích thước 4.000m x 60m.

+ Hệ thống đường lăn: được quy hoạch đồng bộ với khu bay, đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO.

+ Hệ thống sân đỗ máy bay: đảm bảo đồng bộ và quy mô tương xứng với nhu cầu dự báo.

+ Các công trình quản lý, điều hành bay: phương thức tiếp cận hạ cánh bằng thiết bị tiếp cận hạ cánh chính xác cấp CAT III.

+ Nhà ga hành khách: xây dựng thêm nhà ga hành khách T3 (hoặc T3 và T4 nâng tổng công suất của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 50 triệu hành khách/năm.

+ Nhà ga hàng hóa: xây dựng bổ sung hệ thống nhà ga hàng hóa, tương ứng có các sân đỗ cho máy bay chở hàng tại khu bay và bãi đỗ xe tải nặng.

+ Hệ thống giao thông: dự kiến quy hoạch mạng đường tiếp cận nhà ga hành khách T3, T4 bằng các đường vòng xuyến trên cao dạng cầu cạn, kết nối tua hoàn với các nhà ga hành khách T1, T2 và nhà ga VIP.

+ Các công trình phụ trợ cảng hàng không: bao gồm hệ thống cấp nhiêu liệu khu bảo dưỡng máy bay, khu chế biến suất ăn, hạ tầng kỹ thuật... sẽ được quy hoạch đồng bộ và tương xứng với nhu cầu phát triển của toàn bộ khu bay phí Nam Cảng hàng không.

- Quy hoạch sử dụng đất:

Nhu cầu sử dụng đất phục vụ cho giai đoạn phát triển dài hạn là 1.353ha

Trong đó:

+ Diện tích đất cho giai đoạn phát triển trung hạn: 696,8 ha.

+ Diện tích đất cần đền bù giải phóng mặt bằng: 656,2 ha.

- Các chỉ tiêu đạt được của quy hoạch giai đoạn sau năm 2020:

+ Cấp Cảng hàng không: 4F (theo ICAO) và sân bay quân sự cấp I.

+ Số lượng đường cất hạ cánh: 03 đường CHC.

+ Số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm: 45 máy bay (có dự kiến tăng).

+ Loại máy bay tiếp nhận: máy bay đến cấp F và tương đương.

+ Lượng hành khách tiếp nhận: 50 triệu hành khách/năm (sau năm 2030).

+ Lượng hành khách giờ cao điểm: 8.200 hành khách/gcđ.

+ Cấp cứu nguy, cứu hỏa: cấp 10.

+ Cấp tiếp cận hạ cánh: tiếp cận hạ cánh chính xác cấp CAT-III.

5. Nhu cầu vốn đầu tư:

- Nhu cầu vốn giai đoạn đến năm 2020: 13.743,3 tỷ đồng.

- Nhu cầu vốn giai đoạn định hướng sau năm 2020: 43.069,3 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Giai đoạn phát triển dài hạn (đến năm 2030): 31.764,3 tỷ đồng.

+ Giai đoạn phát triển sau dài hạn (đến năm 2050): 11.305,0 tỷ đồng.

6. Nguồn vốn đầu tư: Huy động nhiều nguồn khác nhau như vốn ngân sách Nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp, vốn tư nhân...với các hình thức đầu tư tùy theo tính chất của mỗi dự án thành phần.

Điều 2. Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Cụm cảng hàng không miền Bắc thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Các Bộ: NN&PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ;
- Cục Hàng không Việt Nam;
- Cụm càng Hàng không miền Bắc;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, TTĐT, các Vụ: ĐMDN, NC, KTTH, ĐP, TH;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 590/QĐ-TTg năm 2008 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 590/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/05/2008
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản