Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/2005/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 15 tháng 9 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THÀNH PHỐ CẦN THƠ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 874/TTg ngày 20 tháng 11 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Căn cứ Quyết định số 03/2004/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt định hướng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Cần Thơ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp; Bộ Nội vụ;
- TT.Thành ủy, TT.HĐND TP;
- TV. UBND TP;
- Đoàn ĐBQH Cần Thơ;
- UBMTTQ và các đoàn thể cấp TP;
- TAND và VKSND TP;
- VP Thành ủy và các Ban Đảng;
- Sở, Ban ngành TP;
- TT. HĐND và UBND quận, huyện;
- Lưu: TTLT. X80.

TM. UBND THÀNH PHỐ CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Tô Minh Giới

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THÀNH PHỐ CẦN THƠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 58 /2005/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2005 của UBND thành phố Cần Thơ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định về đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng:

1. Cán bộ, công chức hành chính; công chức dự bị làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp thành phố, cấp quận, huyện;

2. Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;

3. Cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Cán bộ là Trưởng ấp, Trưởng khu vực;

4. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;

5. Cán bộ, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Các đối tượng thuộc Điều này, sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 2. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng là trang bị kiến thức về lý luận chính trị; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; chuyên môn nghiệp vụ; kiến thức ngoại ngữ, tin học và các kiến thức bổ trợ khác nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác, có phẩm chất đạo đức, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều 3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn của từng chức vụ, tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng ngạch, chức danh cán bộ, công chức, viên chức; quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Điều 4. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp của các cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đóng góp của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; các nguồn thu hợp pháp theo quy định từ hoạt động sự nghiệp và từ các nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân, đơn vị nước ngoài tài trợ theo các chương trình, dự án hợp tác.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo các quy định tài chính hiện hành.

Chương II

NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH, GIÁO TRÌNH, KIỂM TRA VÀ CẤP CHỨNG CHỈ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

Điều 5. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm:

1. Lý luận chính trị;

2. Kiến thức pháp luật; kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức quản lý kinh tế trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế;

3. Kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ;

4. Kiến thức tin học, ngoại ngữ và các kiến thức bổ trợ khác.

Điều 6. Các chương trình, giáo trình, tài liệu sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng và biên soạn theo hướng dẫn của Bộ, Ngành chức năng có liên quan, gồm:

1. Loại chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh cán bộ, công chức, viên chức;

2. Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao, cập nhật kiến thức:

a. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng bổ sung kiến thức theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh cán bộ, công chức, viên chức;

b. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ;

c. Chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý;

d. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch, chuyển ngạch hoặc sát hạch trình độ (áp dụng đối với đối tượng không thực hiện chế độ tập sự theo quy định tại khoản 6.4 mục 6 phần II Thông tư số 09/2004/TT-BNV ngày 19 tháng 02 năm 2004 của Bộ Nội vụ); chương trình, tài liệu đào tạo dành cho công chức dự bị;

e. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;

f. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng Trưởng ấp, Trưởng khu vực.

3. Các chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ và kiến thức bổ trợ khác theo tiêu chuẩn ngạch.

Điều 7. Các chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được xây dựng theo từng loại cụ thể trên cơ sở tiêu chuẩn nghiệp vụ quy định cho từng loại chức vụ, từng ngạch, chức danh cán bộ, công chức. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải thiết thực và có cấu trúc hợp lý giữa các phần kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành.

Các giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 6 của Quy chế này đều phải được thẩm định trước khi ban hành. Cơ quan nào quy định cấu trúc nội dung chương trình, thì cơ quan đó có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Hội đồng thẩm định, tổ chức thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định ban hành sử dụng giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện; tổ chức nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu hoặc tổ chức chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng được phân cấp.

Điều 8. Thẩm quyền ban hành chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Điều 6, Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 9. Cơ quan biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn sử dụng giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng sau khi có quyết định ban hành sử dụng;

2. Tổ chức nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Điều 10. Tất cả các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực hiện theo các chương trình, giáo trình, tài liệu quy định tại Điều 6 của Quy chế này đều phải được tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả trước khi kết thúc và cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận theo quy định hiện hành. Hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành chương trình, giáo trình quy định.

Chương III

GIẢNG VIÊN, HÌNH THỨC, PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 11. Đối với giảng viên:

1. Giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: giảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và giảng viên kiêm chức là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các Bộ, ngành Trung ương và của thành phố; cán bộ, công chức, viên chức thuộc các ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên; công chức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (chưa được xếp ngạch lương là chuyên viên chính) hội đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này;

2. Giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phải đáp ứng được tiêu chuẩn quy định; có phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị vững vàng, trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có kinh nghiệm thực tiễn và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có phương pháp sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;

3. Giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được hưởng các chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các chế độ quy định khác của Nhà nước.

Điều 12. Các hình thức cơ bản tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là tập trung, bán tập trung, tại chức và tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn.

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu lựa chọn hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thích hợp đối với từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Điều 13. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là phương pháp đào tạo, bồi dưỡng tích cực; phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học; tăng cường hoạt động đối thoại, trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên với nhau.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN LỢI CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

Điều 14. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức :

1. Cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận; kiến thức, kỹ năng hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức bổ trợ khác theo quy định;

2. Cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức vụ và thuộc ngạch, chức danh nào đều phải được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ kiến thức quy định cho chức vụ và ngạch, chức danh đó;

3. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành tốt nội quy, quy chế của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong suốt quá trình học tập và phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ học tập;

4. Sau khi kết thúc khóa học, cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo bằng văn bản tình hình kết quả học tập cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng và cơ quan có thẩm quyền quản lý theo quy định;

5. Cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật tùy theo tính chất và mức độ, phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo, bồi dưỡng trong các trường hợp sau:

a. Được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhưng tự ý bỏ học mà không có lý do chính đáng hoặc bị đình chỉ học tập;

b. Tự ý bỏ việc hoặc xin nghỉ việc theo nguyện vọng trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

c. Xin chuyển công tác trong thời gian cử đi đào tạo, bồi dưỡng, gồm:

- Chuyển công tác sang các cơ quan, đơn vị không thuộc phạm vi ngân sách thành phố cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng;

- Chuyển công tác sang các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi ngân sách thành phố cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để làm công việc không phù hợp với trình độ, chuyên ngành được cử đi đào tạo, bồi dưỡng;

d. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng mà không chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức, cơ quan có thẩm quyền hoặc tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc chuyển công tác khỏi khu vực nhà nước vì lý do cá nhân hoặc chưa công tác đủ thời gian yêu cầu phục vụ theo quy định (gấp 3 lần thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng);

6. Cán bộ, công chức, viên chức không chấp hành quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

Điều 15. Quyền lợi của cán bộ, công chức,viên chức gồm:

1. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan bố trí thời gian và kinh phí theo chế độ quy định;

2. Trong thời gian được cử đi dự các khoá đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức được hưởng lương và các chế độ khác theo quy định;

3. Cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng đạt thành tích cao (loại giỏi trở lên) được hưởng chế độ hỗ trợ khuyến khích theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố;

4. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đi học ngoài kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan được duyệt, nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì được tạo điều kiện về thời gian; riêng học phí do cá nhân tự túc.

Chương V

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 16. Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.

Các cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố bao gồm: Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, trong đó Sở Nội vụ là cơ quan đầu mối.

Điều 17. Trách nhiệm chung của các Sở, Ban ngành:

1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý thông qua Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;

2. Tổ chức triển khai, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

3. Trực tiếp quản lý và lập thủ tục thanh quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được hỗ trợ hàng năm theo quy định;

4. Sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng quy hoạch, theo kế hoạch được phê duyệt, đúng ngành, đúng lĩnh vực và bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, đảm bảo hàng năm tối thiểu phải có 20% cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện việc hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch và cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn; theo dõi, đánh giá kết quả học tập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý;

5. Báo cáo kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý cho Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nội vụ và các cơ quan quản lý cấp trên theo định kỳ hoặc đột xuất;

6. Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng và thực hiện Chương trình Xây dựng và Phát triển nguồn nhân lực của thành phố đến năm 2010 và các chương trình, đề án liên quan đến chính sách phát triển nguồn nhân lực của thành phố.

Điều 18. Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Nội vụ trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức:

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ, chính sách thuộc lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn) trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; tổ chức, hướng dẫn thực hiện và chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sau khi được ban hành; theo dõi, tổng hợp kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của thành phố;

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở ngoài nước bằng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ khác; tổ chức thực hiện kế hoạch chương trình sau khi được phê duyệt theo quy định;

4. Thẩm định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt hàng năm;

5. Trực tiếp quản lý và lập kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ tiêu Bộ Nội vụ phân bổ hàng năm theo đúng quy định hiện hành;

6. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp danh sách sinh viên có hộ khẩu thường trú thuộc địa bàn thành phố đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong nước, để tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố có chính sách động viên và có chính sách tuyển chọn nguồn cán bộ, công chức, viên chức từ lực lượng sinh viên giỏi, có triển vọng;

7. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền;

8. Tổ chức các hoạt động thi đua và khen thưởng, kỷ luật về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định hiện hành;

9. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo (định kỳ hoặc đột xuất) kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong thành phố cho Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Nội vụ;

10. Hàng năm được trích một tỷ lệ kinh phí hợp lý trong kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để chi phí cho công tác quản lý: tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, khen thưởng...

Điều 19. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

Ngoài các quy định chung về trách nhiệm của các Sở, Ban ngành trong công tác quy hoạch và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, Sở Tài chính có trách nhiệm:

1. Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ tổng hợp kế hoạch, lập dự toán chi ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt hàng năm;

2. Trình Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ chỉ tiêu dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho các cơ quan, đơn vị theo quy định. Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong thành phố;

3. Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chính sách chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của thành phố;

4. Thực hiện quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đối với các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.

Điều 20. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Ngoài các quy định chung về trách nhiệm của các Sở, Ban ngành trong công tác quy hoạch và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao;

2. Phối hợp với Sở Tài chính trong việc tổng hợp, lập dự toán chi ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 21. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo:

Ngoài các quy định chung về trách nhiệm của các Sở, Ban ngành trong công tác quy hoạch và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vị quản lý, Sở Giáo dục và Đào tạo còn có trách nhiệm:

1. Quản lý, thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố đối với các cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn thành phố về tư cách pháp nhân, chức năng đào tạo, phương tiện, điều kiện giảng dạy, văn bằng chứng chỉ... theo quy định;

2. Phối hợp với Sở Nội vụ theo dõi, tổng hợp danh sách sinh viên có hộ khẩu thường trú thuộc địa bàn thành phố trú đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong nước, để tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố có chính sách động viên kịp thời.

Điều 22. Trách nhiệm của Trường Chính trị thành phố:

1. Trên cơ sở kế hoạch của Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cơ sở xã, phường, thị trấn, đại biểu Hội đồng nhân dân quận, huyện theo nội dung, chương trình và hướng dẫn chuyên môn của Học viện Hành chính Quốc gia và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;

2. Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác tổ chức bồi dưỡng tạo nguồn và kỹ năng quản lý cho cán bộ lãnh đạo cấp phòng của địa phương; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn ở các ngành, lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu của cán bộ, công chức, viên chức và nhu cầu của xã hội;

3. Nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng giảng dạy; đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa;

4. Nghiên cứu biên soạn giáo trình, chương trình đào tạo kỹ năng theo chức danh và các yêu cầu theo cơ quan có thẩm quyền.

Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện:

1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý thông qua Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;

2. Tổ chức triển khai, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

3. Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; tổ chức triển khai, theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sau khi được phê duyệt;

4. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách, nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; bố trí khoản ngân sách hợp lý đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo thuộc địa phương, đảm bảo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng;

5. Trực tiếp quản lý Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thuộc quận, huyện; tổ chức bồi dưỡng nâng cao, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý chuyên ngành cho cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương, các chức danh chuyên môn cấp cơ sở xã, phường, thị trấn theo chuyên môn ngành dọc và một số đối tượng khác theo nhu cầu;

6. Sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng quy hoạch, theo kế hoạch được phê duyệt, đúng ngành, đúng lĩnh vực và bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo; đảm bảo hàng năm tối thiểu phải có 20% cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện việc hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch và cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn; theo dõi,đánh giá kết quả học tập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý;

7. Báo cáo kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý cho Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nội vụ và các cơ quan quản lý cấp trên theo định kỳ hoặc đột xuất.

Chương VI

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, KIỂM TRA, THANH TRA CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 24. Chế độ thông tin báo cáo:

1. Định kỳ hàng năm, các cơ quan, đơn vị và địa phương báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã được phê duyệt, số lượng cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, các lớp đào tạo, tập huấn đã tổ chức; đồng thời, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của năm tiếp theo trên cơ sở quy hoạch chung của ngành và địa phương.

Thời gian gửi nội dung báo cáo và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về Sở Nội vụ trước ngày 25 tháng 11 hàng năm để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;

2. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị và địa phương, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo định kỳ và đột xuất; đồng thời, đề xuất biện pháp xử lý các cơ quan, đơn vị không chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo quy định;

Điều 25. Chế độ kiểm tra:

Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện các nội dung của Quy chế, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương và được thực hiện chung trong hoạt động thanh tra công vụ định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu; nếu phát hiện sai phạm, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố có biện pháp xử lý kịp thời.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Giao Sở Nội vụ có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy chế này; trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để được xem xét, chỉ đạo thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 59/2005/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 59/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/09/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Tô Minh Giới
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản