Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 583/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐÚC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2009 - 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 về sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Quyết định số 2069/QĐ-BCT ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc chỉ định thầu đơn vị thực hiện dự án Quy hoạch phát triển ngành đúc Việt Nam giai đoạn 2009 - 2020, có xét đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1984/QĐ-BCT ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Đề cương, Dự toán dự án Quy hoạch phát triển ngành đúc Việt Nam giai đoạn 2009 - 2020, có xét đến năm 2025;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Đúc Việt Nam giai đoạn 2009 - 2020, có xét đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Sản phẩm đúc là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quan trọng, phát triển ngành đúc để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, góp phần hạn chế nhập siêu;

b) Phát triển ngành đúc Việt Nam phù hợp với Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002;

c) Phát triển ngành đúc Việt Nam ổn định, bền vững, thân thiện môi trường, kế thừa tính tiên tiến, hiện đại của khoa học và công nghệ khu vực và thế giới;

d) Phát triển ngành đúc Việt Nam nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ quốc phòng.

2. Định hướng phát triển

- Đầu tư chiều sâu, đầu tư mới với công nghệ hiện đại để sản xuất những sản phẩm đúc nhằm chủ động đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, bao gồm cả nhu cầu của công nghiệp quốc phòng;

- Tiến tới sản xuất các chi tiết đúc có chất lượng và độ chính xác cao thay thế hàng nhập ngoại và xuất khẩu.

3. Mục tiêu phát triển

3.1. Mục tiêu chung:

- Đến năm 2020, đáp ứng phần lớn nhu cầu sản phẩm đúc của thị trường nội địa đối với các ngành: khai thác mỏ, xây dựng, giao thông, cơ khí chế tạo và nhu cầu của quốc phòng, có một phần xuất khẩu;

- Đến 2025 sản xuất sản phẩm đúc chất lượng cao để thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

- Giá trị sản xuất: năm 2015 giá trị sản xuất đạt khoảng 998 triệu USD, năm 2020 đạt khoảng 1519 triệu USD và năm 2025 đạt khoảng 3078 triệu USD;

- Giá trị xuất khẩu: năm 2015 đạt giá trị xuất khẩu khoảng 50 triệu USD, năm 2020 đạt khoảng 152 triệu USD và năm 2025 đạt khoảng 619 triệu USD.

4. Quy hoạch phát triển ngành đúc Việt Nam

4.1. Sản phẩm chủ lực:

Sản phẩm chủ lực của ngành đúc gồm:

- Các chi tiết để chế tạo các loại động cơ diezen cho ngành máy động lực và máy nông nghiệp, giao thông vận tải: thân máy, quy lát, vỏ môtơ, bộ nổ (tay biên, piston, xilanh, sơmi, sec măng), trục khuỷu…, các chi tiết cho máy bơm các loại …

- Các chi tiết cho ngành cơ khí chế tạo: thân, bệ máy, bộ phận truyền động … của máy công cụ, thiết bị đồng bộ cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau;

- Các chi tiết cho ngành xi măng: bi nghiền, má nghiền, tấm nghiền, tấm lót …

- Các chi tiết cho ngành khai thác mỏ: gầu xúc, thiết bị vận chuyển;

- Các chi tiết cho ngành luyện kim: trục cán các loại, phôi đúc thép rèn;

- Các chi tiết cho ngành thiết bị điện: các loại môtơ, rôto, tuốc bin;

- Các chi tiết cho ngành thiết bị siêu trường, siêu trọng trong ngành khai thác mỏ, tàu thủy, cầu cảng: giá chuyển hướng toa xe tới 30 tấn, các chi tiết đúc cho các cầu trục, cổng trục từ 100 tấn trở lên như bàn xoay, các loại bánh răng trọng lượng tới 10 tấn, đế, xích vận chuyển, chân vịt tàu biển …

- Các sản phẩm phục vụ quốc phòng như các loại xích xe tăng, thiết giáp, các loại đạn cối, DKZ; một số loại chi tiết sản phẩm cho pháo, máy bay, tên lửa …

4.2. Phương án phát triển

a) Về sản phẩm:

- Đến năm 2020 đáp ứng khoảng 55 - 60% nhu cầu sản phẩm đúc trong nước;

- Đến năm 2025: đáp ứng khoảng 73% nhu cầu sản phẩm đúc trong nước.

b) Về công nghệ và vật liệu cho ngành đúc:

- Về công nghệ:

+ Đến 2015: sản xuất được các sản phẩm đúc thông dụng, được thiết kế công nghệ theo đơn đặt hàng của các ngành công nghiệp, quy trình tạo hình và nấu hợp kim thỏa mãn yêu cầu trong nước;

+ Giai đoạn 2015 - 2025: có thể sản xuất được nhiều loại sản phẩm đúc thông dụng và các sản phẩm có yêu cầu chất lượng cao và ổn định về hợp kim đúc và hình dáng chi tiết; áp dụng nhiều phương pháp đúc tiên tiến và có biện pháp khoa học kiểm tra sản phẩm;

+ Sau năm 2025: sản xuất được hầu hết các sản phẩm đúc chất lượng cao, hình dáng phức tạp nhờ tính toán thiết kế, mô phỏng quá trình sản xuất vật liệu và tạo hình, đảm bảo sản phẩm đúc có tính cạnh tranh cao về kinh tế và kỹ thuật.

- Về vật liệu cho ngành đúc:

Sau năm 2020: cơ bản đáp ứng nhu cầu các loại nguyên vật liệu phối liệu, các loại ferrô thiết yếu, sạn đầm lò, cốc, cát đất sét và một số phụ gia khác.

4.3. Tổng hợp vốn đầu tư

- Giai đoạn đến 2015: khoảng 945 triệu USD;

- Giai đoạn 2016 - 2025: khoảng 592 triệu USD;

- Tổng vốn cả thời kỳ đến 2025: khoảng 1537 triệu USD.

4.4. Nguồn huy động vốn

Bao gồm vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ của nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác.

5. Các chính sách và giải pháp chủ yếu

5.1. Các giải pháp:

a) Về thị trường:

- Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm đúc nội địa thông qua chính sách thuế;

- Liên tục cập nhật và công bố các sản phẩm đúc trong nước đã sản xuất được, làm cơ sở thiết lập hàng rào kỹ thuật nhằm khuyến khích hợp lý sản phẩm sản xuất trong nước;

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

b) Về đầu tư:

- Ưu tiên đầu tư sản xuất sản phẩm đúc sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tiêu tốn ít tài nguyên vật liệu, tạo nên sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh;

- Dự án sản xuất sản phẩm đúc sử dụng vốn nhà nước được xem xét, áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu trong nước theo quy định của pháp luật hiện hành;

- Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án sản xuất sản phẩm đúc thuộc ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, trang thiết bị.

c) Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:

- Doanh nghiệp trong nước chế tạo sản phẩm đúc phục vụ cho các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ quốc gia đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực;

- Hỗ trợ để cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu mở rộng liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế;

- Ưu tiên dành nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp các dự án đầu tư sản phẩm đúc trọng điểm.

d) Về nguồn nhân lực:

- Ưu tiên tuyển chọn và gửi các cán bộ khoa học, cán bộ quản lý ngành đúc đi đào tạo ở các nước phát triển;

- Đổi mới đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Ưu tiên nâng cấp các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành đúc.

đ) Về tài chính:

Hỗ trợ thông qua các chính sách thuế phù hợp với các quy định của WTO và cam kết quốc tế của Việt Nam. Áp dụng linh hoạt các phương pháp tính thuế, sử dụng có hiệu quả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với các cam kết WTO và quy định của pháp luật hiện hành.

e) Giải pháp khác:

- Tăng cường vai trò của các Hiệp hội và Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim để củng cố quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, trao đổi thông tin về thị trường, công nghệ và đầu tư;

- Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu và làm chủ kinh nghiệm, công nghệ, thiết bị tiên tiến trên thế giới để phát triển ngành đúc Việt Nam.

5.2. Các chính sách:

Các dự án sản xuất sản phẩm đúc phục vụ cho các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên xem xét, áp dụng các chính sách ưu đãi theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Các dự án sản xuất sản phẩm đúc thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xem xét, cho hưởng các chính sách khuyến khích, ưu đãi ban hành theo các Quyết định này và các chính sách ưu đãi có liên quan hiện hành.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố Quy hoạch và chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện Quy hoạch.

2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, … theo chức năng của mình phối hợp với Bộ Công Thương cụ thể hóa các chính sách, giải pháp nêu trong Quyết định này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án, chương trình phát triển ngành đúc được thực hiện đồng bộ và phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

4. Các Hiệp hội ngành nghề có liên quan phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên có định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Website Bộ Công Thương;
- Các Cục, Vụ, Viện NCCLCSCN thuộc Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, CNNg (5).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Dương Quang

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRONG CÁC NĂM TỚI
(Kèm theo Quyết định số 583/QĐ-BCT ngày 13 tháng 02 năm 2012)

TT

Tên dự án

Công suất (tấn/năm)

Dự kiến tổng mức đầu tư (triệu USD)

Địa điểm đầu tư

Thời gian dự kiến

Đến 2015

2016-2025

1

Nhà máy Diezel Sông Công

5.000
Đầu tư mở rộng

10

 

Thái Nguyên

2012 - 2015

2

Nhà máy cơ khí nặng

30.000

380

 

Hải Phòng, Quảng Ninh

2009 - 2016

3

Nhà máy Cơ khí HAMECO (di dời)

20.000

15

 

Bắc Ninh

2012

4

Nhà máy Cơ khí nặng số 3 Dung Quất

30.000

250

 

Quảng Ngãi

2008 - 2012

5

Nhà máy chế tạo Bơm, Quạt Hải Dương

15.000
Đầu tư mở rộng

20

 

Hải Dương

2010 - 2015

6

Nhà máy Chế tạo hộp giảm tốc Hải Phòng

20.000
Đầu tư mở rộng

20

 

Hải Phòng

2010 - 2015

7

Nhà máy chế tạo van Hải Dương

10.000

20

 

Hải Dương

2010 - 2015

8

Cty Phụ tùng máy số II NAKYNO

200.000 Pitton/năm
(Đầu tư chiều sâu)

6

 

TP Hồ Chí Minh

2010 - 2015

9

Nhà máy tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Nhà máy tại Bình Dương: cát đúc và sét đúc làm khuôn

~ 15.000
Đầu tư mở rộng hoặc đầu tư mới

60

 

Quảng Ngãi và Bình Dương

2010 - 2015

10

Nhà máy xe lửa Dĩ An

5.000
Đầu tư mở rộng

14

 

Bình Dương

2010 - 2015

11

02 Nhà máy đúc áp lực hợp kim nhôm, đúc nhôm khuôn cát nhựa furan

2 X 10.000
Đầu tư mới

80

 

Sông Công Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh

2010 - 2015

12

Xí nghiệp xử lý và chế biến cát đúc tại Phú Hòa và sét đúc tại Di Linh, Quảng Ngãi

~ 100.000
Đầu tư mới

4

 

Phú Hòa và Di Linh, Quảng Ngãi

2010 - 2015

13

DN sản xuất vật liệu chịu lửa

42.275
Đầu tư mới

16

 

Thái Nguyên

2010 - 2015

14

Nhà máy đúc ống nước gang cầu tại miền Trung

30.000
Đầu tư mới

 

40

Dung Quất

2016 - 2020

15

Nhà máy đúc bi đạn, tấm lót tại Bà Rịa-Vũng Tàu

~ 20.000
Đầu tư mới

 

52

Bà Rịa-Vũng Tàu

2016 - 2020

16

Nhà máy Chế tạo máy công cụ ở Bắc Ninh và Bình Dương

~ 20.000
Đầu tư mới

 

80

Bắc Ninh và Bình Dương

2016 - 2020

17

Nhà máy đúc chi tiết bằng gang cầu tại Bắc Ninh

~ 15.000
Đầu tư mới

 

60

Bắc Ninh

2016 - 2020

18

Nhà máy đúc phục vụ đóng tàu tại Hải Phòng

~ 10.000
Đầu tư mới

 

40

Hải Phòng

2016 - 2020

19

Nhà máy đúc bi nghiền, tấm lót tại Quảng Ninh

~ 10.000
Đầu tư mới

 

40

Quảng Ninh

2016 - 2020

20

Nhà máy Chế tạo mày công cụ

~ 20.000
Đầu tư mới

 

80

Bình Dương

2021 - 2025

21

Nhà máy đúc gang cầu tại Tp. Hồ Chí Minh

~ 15.000
Đầu tư mới

 

60

Tp. Hồ Chí Minh

2021 - 2025

22

Nhà máy đúc phục vụ đóng tàu tại Bà Rịa-Vũng Tàu

~ 10.000
Đầu tư mới

 

40

Bà Rịa-Vũng Tàu

2021 - 2025

23

Xây dựng hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh hoàn chỉnh

 

50

100

Ba miền Bắc - Trung - Nam

2021 - 2025

Vốn đầu tư các giai đoạn (Triệu USD)

945

592

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 583/QĐ-BCT năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Đúc Việt Nam giai đoạn 2009-2020 có xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 583/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/02/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Lê Dương Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản