Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 580/2002/QĐ-NHNN | Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 580/2002/QĐ-NHNN NGÀY 10 THÁNG 6 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN ĐẦU TƯ, MUA SẮM THIẾT BỊ, VẬT TƯ, NGUYÊN LIỆU, PHỤ LIỆU VÀ GIẢI PHÁP KỸ THUẬT PHỤC VỤ QUÁ TRÌNH IN, ĐÚC TIỀN CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997.
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 81/1998/NĐ-CPngày 01-10-1998 của Chính phủ về in, đúc, bảo quản, vận chuyển và tiêu huỷ tiền giấy, tiền kim loại; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 352/CP-KTTH ngày 4/4/2002 về việc mua sắm thiết bị, vật tư phục vụ in đúc tiền;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quĩ và Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế thực hiện đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư, nguyên liệu, phụ liệu và giải pháp kỹ thuật phục vụ quá trình in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế cho quyết định số 451/1998/QĐ-NHNN6 ngày 30/12/1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc mua các loại thiết bị, vật tư, nguyên liệu, phụ liệu phục vụ việc in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 3: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ, Vụ trưởng Vụ Tổng Kiểm soát, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước và Giám đốc Nhà máy in tiền Quốc gia chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Lê Đức Thuý (Đã ký) |
QUY CHẾ
THỰC HIỆN ĐẦU TƯ, MUA SẮM THIẾT BỊ, VẬT TƯ, NGUYÊN LIỆU, PHỤ LIỆU VÀ GIẢI PHÁP KỸ THUẬT PHỤC VỤ QUÁ TRÌNH IN, ĐÚC TIỀN CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định Số 580/2002/QĐ-NHNN ngày 10 tháng 6 năm 2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này điều chỉnh:
1. Các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình, hạng mục công trình phục vụ quá trình in, đúc tiền (gọi tắt là dự án đầu tư) thuộc nhóm A nhưng có mức vốn tương đương nhóm B trở xuống.
2. Mua sắm thiết bị, vật tư, nguyên liệu, phụ liệu và giải pháp kỹ thuật thuộc bí mật Nhà nước (gọi tắt là hàng hoá đặc biệt) phục vụ quá trình in, đúc tiền, bao gồm các khâu: thiết kế, chế bản, in, đúc tiền, kiểm tra giám định tiền.
Điều 2. Hội đồng mua sắm hàng hoá đặc biệt
1. Tuỳ theo tính chất và mức độ của từng loại hàng hoá đặc biệt cần mua sắm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập Hội đồng mua sắm hàng hoá đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu và chịu trách nhiệm trước Thống đốc trong việc mua sắm hàng hoá đặc biệt.
2. Chức năng, nhiệm vụ và thành phần của Hội đồng mua sắm hàng hoá đặc biệt do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.
3. Hội đồng mua sắm hàng hoá đặc biệt được trưng tập một số chuyên viên kinh tế và cán bộ kỹ thuật của các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước giúp việc cho Hội đồng. Chức năng và nhiệm vụ của Tổ chuyên viên do Chủ tịch Hội đồng quy định.
Điều 3. Hình thức lựa chọn nhà thầu
1. Các dự án đầu tư được áp dụng 1 trong 2 hình thức là đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu. Về đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu.
2. Mua sắm hàng hoá đặc biệt được áp dụng 1 trong 4 hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định tại Điều 11 Quy chế này.
Điều 4.
1. Trong quá trình tổ chức thực hiện dự án đầu tư và mua sắm hàng hoá đặc biệt, nếu phát sinh những vấn đề không quy định tại Quy chế này, được thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và đấu thầu.
2. Các dự án đầu tư và mua sắm các loại hàng hoá khác phục vụ quá trình in, đúc tiền không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 Quy chế này được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và đấu thầu.
II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
MỤC A. DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Điều 5. Kế hoạch đầu tư
Căn cứ định hướng, chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng, hàng năm các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước và Nhà máy in, đúc tiền xây dựng kế hoạch đầu tư trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định. Trường họp thực hiện dự án đầu tư đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 6. Thẩm định dự án đầu tư
Các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước thẩm định dự án đầu tư trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định. Trong một số trường hợp có thể phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ, Ngành khác có liên quan để thẩm định dự án.
Điều 7. Thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và quyết toán vốn đầu tư
Các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và quyết toán vốn đầu tư dự án trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong một số trường hợp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Ngành khác có liên quan thẩm định hoặc uỷ quyền cho Giám đốc nhà máy in, đúc tiền thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và quyết toán vốn đầu tư dự án. Giám đốc nhà máy in, đúc tiền chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và trước pháp luật về các nội dung đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền.
Điều 8. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt:
- Thiết kế kỹ thuật.
- Tổng dự toán.
- Kế hoạch đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu.
- Danh sách nhà thầu tham dự.
- Hồ sơ mời thầu hoặc chỉ định thầu.
- Kết quả đấu thầu.
- Quyết toán vốn đầu tư.
MỤC B. MUA SẮM HÀNG HOÁ ĐẶC BIỆT
Điều 9. Hàng hoá đặc biệt được tổ chức mua sắm sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch in, đúc tiền hàng năm hoặc dài hạn; kế hoạch mua sắm thiết bị và giải pháp kỹ thuật.
Điều 10. Tiêu chuẩn nhà thầu tham dự thầu
1. Có giấy đăng ký kinh doanh và ngành nghề kinh doanh phù hợp với ngành hàng đấu thầu. Đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá phức tạp được quy định trong hồ sơ mời thầu, ngoài giấy đăng ký kinh doanh, phải có giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất.
Đối với các cơ quan nghiên cứu khoa học khi tham gia dự thầu cung cấp hàng hoá dưới dạng chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, nếu không có giấy đăng ký kinh doanh thì phải có chức năng, nhiệm vụ ghi trong quyết định thành lập phù hợp với nội dung và yêu cầu của gói thầu.
2. Có đủ năng lực về chuyên môn kỹ thuật, khả năng cung cấp, bảo hành hàng hoá (đối với loại hàng hoá cần bảo hành) và điều kiện về tài chính đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
3. Chỉ tham gia một đơn dự thầu trong một gói thầu, dù là đơn phương hay liên danh dự thầu. Trường hợp tổng công ty (công ty) đứng tên dự thầu thì các đơn vị trực thuộc không được phép tham dự với tư cách là nhà thầu độc lập trong một gói thầu.
4. Nhà tư vấn không được tham gia đấu thầu thực hiện các gói thầu mua sắm hàng hoá do mình làm tư vấn.
Điều 11. Các hình thức lựa chọn nhà thầu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo 1 trong 4 hình thức sau:
1. Chỉ định thầu: Là hình thức chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
Điều kiện áp dụng: Đối với những gói thầu mua sắm hàng hoá đặc biệt phục vụ cho quá trình in, đúc sản phẩm mới chưa công bố lưu hành hoặc phục vụ cho những dự án đặc biệt khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trường hợp mua sắm hàng hoá phục vụ nhiệm vụ đột xuất do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao nhưng không có đủ thời gian để tổ chức đấu thầu hạn chế hoặc loại hàng hoá đặc biệt này từ trước đến nay chỉ có duy nhất một nhà thầu trúng thầu.
Gói thầu do Hãng nước ngoài độc quyền sản xuất, đồng thời có độc quyền tiêu thụ tại Việt Nam.
- Gói thầu là hàng hoá có liên quan chặt chẽ tới hàng hoá khác đã được một nhà thầu cung cấp và có bằng chứng chứng minh rằng chỉ có nhà thầu đó mới có thể thực hiện gói thầu với chất lượng tốt nhất và chi phí hợp lý nhất.
2. Mua sắm trực tiếp: Là hình thức chọn trực tiếp nhà thầu cung cáp hàng hoá trên cơ sở kết quả đấu thầu đã được thực hiện trước đây nhằm ổn định chất lượng tiền in, đúc.
Điều kiện áp dụng:
- Trường hợp hợp đồng mua sắm ký kết trên cơ sở kết quả đấu thầu lần cuối cùng của cùng một loại hàng hoá đặc biệt đã thực hiện xong (hết hiệu lực) nhưng đơn vị cần mua sắm hàng hoá đặc biệt bổ sung hợp đồng cũ để thực hiện nhiệm vụ do có sự điều chỉnh kế hoạch sản xuất, dự trữ vật tư in, đúc.
Khi mua sắm hàng hoá đặc biệt nêu trên phải căn cứ vào kết quả đấu thầu đã thực hiện, đảm bảo đơn giá hàng hoá đặc biệt mua sắm bổ sung không được vượt đơn giá trong hợp đồng đã ký trước đó và nhà thầu cần phải cam kết có đủ năng lực dể thực hiện việc cung cấp bổ sung hàng hoá.
3. Chào hàng cạnh tranh: Là hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá trên cơ sở chào hàng của các nhà thầu.
Điều kiện áp dụng:
Các trường hợp mua sắm hàng hoá đặc biệt nhưng không thuộc quy định tại khoản 1 và Khoản 2 của Điều này.
Mỗi gói thầu phải có tối thiểu 3 chào hàng của 3 nhà thầu khác nhau trên cơ sở yêu cầu chào hàng của đơn vị mời thầu. Trong trường hợp không đủ số lượng nhà thầu theo quy định, đơn vị mời thầu trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Việc gửi chào hàng có thể được thực hiện bằng cách gửi trực tiếp, bằng Fax, bằng đường bưu điện hoặc bằng các phương tiện khác đảm bảo yêu cầu bảo mật theo quy định.
4. Đấu thầu hạn chế:
a) Điều kiện áp dụng:
- Các gói thầu không đủ điều kiện áp dụng các hình thức mua sắm quy định tại Khoản 1, 2, 3 của Điều này đều phải tổ chức đấu thầu hạn chế.
Tối thiểu phải có 3 nhà thầu đủ tiêu chuẩn tham dự đấu thầu.
b) Phương thức đấu thầu:
Căn cứ tính chất, yêu cầu kỹ thuật và qui mô của gói thầu để lựa chọn phương thức đấu thầu theo quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu cho phù hợp: đấu thầu một túi hồ sơ, đấu thầu 2 túi hồ sơ và đấu thầu 2 giai đoạn.
5. Về trình tự tổ chức, hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá, mở thầu, xét thầu và những quy định khác được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu.
Điều 12. Phê duyệt hồ sơ đấu thầu và tổ chức mua sắm hàng hoá đặc biệt
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt:
+ Kế hoạch mua sắm.
+ Kế hoạch đấu thầu.
+ Danh sách nhà thầu tham dự đấu thầu.
+ Hồ sơ mời thầu.
+ Kết quả đấu thầu.
2. Căn cứ kết quả đấu thầu đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ thông báo bằng văn bản cho đơn vị thực hiện mua sắm hàng hoá đặc biệt tiến hành thương thảo và ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của các Vụ, Cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước và nhà máy in, đúc tiền
1. Trách nhiệm của các Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước:
- Vụ Tổ chức Cán bộ và Đào tạo, Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quĩ, Vụ Kế toán - Tài chính, Cục Quản trị, Vụ Tổng Kiểm soát trong phạm vi chức năng của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chế này.
- Vụ Nghiệp vụ Phát hành và Kho quỹ làm đầu mối trình Thống đốc xử lý các vấn đề có liên quan đến việc đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư phục vụ in, đúc tiền.
2- Trách nhiệm của nhà máy in, đúc tiền:
Tổ chức thực hiện dự án đầu tư và mua sắm hàng hoá đặc biệt từ nguồn vốn của nhà máy theo quy định tại Quy chế này.
- Căn cứ Quy chế này và các quy định hiện hành về quản lý đầu tự xây dựng và đấu thầu; nhà máy in, đúc tiền xây dựng nội qui, qui trình tại đơn vị, đảm bảo thực hiện đúng chế độ, chặt chẽ, hiệu quả và an toàn.
Điều 14. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
- 1Quyết định 1145/2005/QĐ-NHNN về Quy chế thực hiện đầu tư mua thiết bị và hàng hóa phục vụ in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 2Quyết định 1346/QĐ-NHNN năm 2006 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ngân hàng Nhà nước ban hành đã hết hiệu lực pháp luật bởi các văn bản quy phạm pháp luật ban hành từ ngày 01/01/2005 đến ngày 31/12/2005 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 1Quyết định 1145/2005/QĐ-NHNN về Quy chế thực hiện đầu tư mua thiết bị và hàng hóa phục vụ in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 2Quyết định 421/2003/QĐ-NHNN sửa đổi Quy chế thực hiện đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư, nguyên liệu, phụ liệu và giải pháp kỹ thuật phục vụ quá trình in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước kèm theo Quyết định 580/2002/QĐ-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Quyết định 1346/QĐ-NHNN năm 2006 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ngân hàng Nhà nước ban hành đã hết hiệu lực pháp luật bởi các văn bản quy phạm pháp luật ban hành từ ngày 01/01/2005 đến ngày 31/12/2005 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 1Nghị định 15-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 2Luật Ngân hàng Nhà nước 1997
- 3Nghị định 81/1998/NĐ-CP về in, đúc, bảo quản, vận chuyển và tiêu huỷ tiền giấy, tiền kim loại; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống ngân hàng
Quyết định 580/2002/QĐ-NHNN về quy chế thực hiện đầu tư, mua sắm thiết bị, vật tư, nguyên liệu, phụ liệu và giải pháp kỹ thuật phục vụ quá trình in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 580/2002/QĐ-NHNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/06/2002
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Lê Đức Thuý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra