Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 576/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 27 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ LIÊN NGÀNH CHO DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, VP5, VP7.
PH/16

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Tống Quang Thìn

 

CHƯƠNG TRÌNH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 27/11/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Sự cần thiết xây dựng Chương trình

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Việc tiếp cận pháp luật là một đòi hỏi tất yếu mà mỗi doanh nghiệp đều phải hướng đến trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được quan tâm thực hiện, nhiều lớp bồi dưỡng, tọa đàm, hội thảo dành cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp được triển khai định kỳ hàng năm.

Tuy nhiên, trong hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều mặt hạn chế, trong đó có việc thực hiện pháp luật, cụ thể:

- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhận thức của một số doanh nghiệp về các quy định của pháp luật chưa cao, nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt được các lợi ích khi tham gia các tổ chức trợ giúp pháp lý.

- Một số cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm sâu sát đến việc phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật cho doanh nghiệp; một số thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung các quy định pháp luật và việc áp dụng pháp luật chưa được các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải đáp kịp thời, do đó cũng làm cho việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Những nguyên nhân trên làm cho công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp hiệu quả chưa cao và gây bất lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Để khắc phục những bất cập trên, cần thiết phải xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

2. Cơ sở pháp lý

Việc xây dựng, phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

II. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do HĐND và UBND tỉnh ban hành được giới thiệu, phổ biến kịp thời cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Đáp ứng cơ bản nhu cầu bồi dưỡng kiến thức tối thiểu về pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

c) Đội ngũ cán bộ pháp chế doanh nghiệp được bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ pháp luật và cập nhật kiến thức về pháp luật để đáp ứng yêu cầu về công tác pháp chế trong doanh nghiệp.

d) Các kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật, về giải đáp pháp luật được tiếp thu, xử lý kịp thời.

đ) Đảm bảo tổ chức hoặc phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hỗ trợ pháp lý, cung cấp thông tin pháp lý thường xuyên cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường chất lượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

III. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ PHÁP LÝ

Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018 - 2020 được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động.

IV. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

a) Nội dung thực hiện

Xây dựng mẫu phiếu điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp với nội dung sát thực, đảm bảo kết quả phản ánh chính xác nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp trên địa bàn trong giai đoạn 2016-2020.

b) Đơn vị thực hiện

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Quý I năm 2018.

2. Đáp ứng yêu cầu thông tin pháp lý cho doanh nghiệp

a) Xây dựng và vận hành chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và các Sở, cơ quan có liên quan với các nội dung sau:

- Cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, rà soát văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND tỉnh ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để doanh nghiệp truy cập, sử dụng miễn phí.

+ Đơn vị chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp và các Sở, ngành có liên quan.

+ Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.

+ Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

- Tiếp nhận, tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật, áp dụng pháp luật và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.

+ Đơn vị chủ trì: Các cơ quan, đơn vị.

+ Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp.

+ Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Xây dựng, biên soạn và phát hành tài liệu pháp luật để phổ biến, cung cấp kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2018, 2019, 2020.

3. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý và cán bộ pháp chế doanh nghiệp

a) Nội dung thực hiện:

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người quản lý và cán bộ pháp chế doanh nghiệp theo các chủ đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, điều hành của doanh nghiệp.

b) Đơn vị thực hiện

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2018, 2019, 2020.

4. Thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp

a) Nội dung thực hiện

Thành lập và kiện toàn mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, cộng tác viên là cán bộ pháp chế các Sở, ngành; cán bộ Tư pháp các huyện, thành phố và các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan.

b) Đơn vị thực hiện:

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị.

c) Thời gian thực hiện: Quý II năm 2018.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

a) Là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình này;

b) Xây dựng kế hoạch hàng năm để cụ thể hóa các nội dung của Chương trình và triển khai tổ chức thực hiện;

c) Tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Các Sở, Ban, ngành của tỉnh

Trong phạm vi chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chương trình.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp tới các doanh nghiệp trên địa bàn.

b) Phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp)./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 576/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 576/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Tống Quang Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản